Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
09/04/2010
Thiện Hạnh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 10/04/2010

Đời Đạo song tu


1. QUAN NIỆM BẤT CẬP

° Đạo đồng nghĩa với tôn giáo?
Người ta thường cho rằng Đạo đồng nghĩa với tôn giáo. Thực ra, Đạo là nguyên lý tối thượng vận hành khắp cả càn khôn vũ trụ. Mặc dù con người không hình dung được Đạo, không cảm nhận được Đạo nhưng Đạo vẫn bàng bạc khắp trong không gian vô biên và thời gian vô tận, Đạo vẫn chan hòa trong mọi sinh hoạt đời sống của con người. Trong khi đó, tôn giáo chính là những phương tiện để đạt đến cứu cánh của Đạo. Tôn giáo có thể được xem như những cánh cửa để con người bước vào tìm cầu lẽ Đạo tận bên trong sâu thẳm.
Tôn giáo ấy cửa vào tìm Đạo,
Đạo là đường hoài bão nhơn sanh,
Người tu ý thức tri hành,
Hễ vào cửa đạo chí thành mà tu. [ Đức Giáo Tông Đại Đạo, TLĐ, 20-5 Ất Tỵ (19-6-1965)]

Đạo có thể ví như đại dương bao la, còn tôn giáo được xem như là những sông ngòi, kênh rạch có nhiệm vụ lưu chuyển, phân phối lưu lượng nước từ đại dương vào đất liền thông qua những hệ thống sông ngòi, kênh rạch đó.
“Thế là chư hiền xác định lại Đạo vẫn là Đạo, nó có được phổ cập đến nhân gian để mà sinh tồn hay không là do sứ mạng của tôn giáo. Cũng như đồng bằng kia có tiếp nhận được nước hay không là do những đường kinh, những con rạch dẫn vào từ sông sâu biển cả.” [ Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, TLTĐ, 07-01 Nhâm Tý (22-02-1972)]

° Hoạt động tôn giáo chỉ giới hạn trong thánh sở
Khi đề cập đến hai lãnh vực đời và đạo (tôn giáo), chắc hẳn nhiều người đều cho rằng đây là hai phạm trù rất riêng biệt, có khi đối lập nhau. Bởi lẽ, người ta cho rằng những hoạt động tôn giáo thường diễn ra bên trong khuôn viên các thánh sở như chùa chiền, tu viện, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, thánh tịnh, v.v. Có thể liệt kê các hoạt động nầy một cách khái quát như: thánh lễ, giảng đạo, cúng kính, cầu nguyện, tĩnh tâm, công phu, thiền định, học tập giáo lý, sinh hoạt tập thể, lao tác, công quả, v.v. Các sinh hoạt tôn giáo nầy còn được gọi chung là Phật sự đối với đạo Phật, đạo sự đối với đạo Cao Đài, v.v.
“Này chư hiền đệ hiền muội! Từ xưa đến nay, một số lớn người ta hễ nghe nói tới đạo là hình dung ngay tới những chùa chiền, thánh đường, thánh thất hay màu áo nâu sồng, hoặc những thể tướng từ một vài tôn giáo nào đó bày ra.” [ Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, TLTĐ, 07-01 Nhâm Tý (22-02-1972)]

Tương tự, khi nói đến đời, tất nhiên người ta liên tưởng đến những hoạt động diễn ra bên ngoài khuôn viên các thánh sở tôn giáo, có thể liệt kê một vài khía cạnh của nó như: học tập, giáo dục, chính trị, lao động, giải trí, mưu sinh, v.v. Các hoạt động thuộc lãnh vực đời chi phối con người trong suốt chu kỳ của đời người ở thế gian.
Căn cứ để phân biệt các hoạt động giữa đạo (tôn giáo) và đời như vừa nêu trên chỉ mang tính biểu trưng hình thức mà thôi. Thật ra, hoạt động của các tôn giáo đều nhắm vào cứu cánh góp phần xây dựng cuộc đời ngày càng tốt đẹp và hoàn thiện hơn; ngược lại, những điều chân –thiện –mỹ mà xã hội đã và đang thực hiện đều không ngoài những giáo điều, tín lý đã và đang được truyền bá từ ngàn xưa cho đến ngày nay.

° Khi con người bế tắc trong cuộc sống mới tìm đến tôn giáo
Thông thường, khi con người gặp những điều trắc trở hoặc bất hạnh trong cuộc sống mà không còn phương cách nào giải quyết thì hay tìm đến cửa tôn giáo để cầu khẩn sự ban ơn giúp sức từ các Đấng Thiêng Liêng hoặc để sớm khuya tụng niệm cho quên nỗi sầu bi, thoát niềm đau khổ. Nguyên nhân đưa đẩy con người đến với tôn giáo như vừa nêu có phần nào tiêu cực, do đó người đời đôi khi có cái nhìn thiếu chính xác đối với giới tu hành trong cửa tôn giáo, cho rằng giới này tiêu cực, yếm thế, cầu an.
“Rồi một khi trên bước hoạn đồ thế sự gặp những trở ngại, những chồn chân nào, họ bèn giũ áo thường nhân để khoác vào mình một manh áo nhà tu và tôn thờ một vị giáo chủ, thần linh tùy theo tín ngưỡng mà họ nhập môn.” [ Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, TLTĐ, 07-01 Nhâm Tý (22-02-1972)]
Thật ra, tôn giáo đâu hẳn là chỗ nương thân của các thành phần yếm thế hoặc gặp bế tắc trong cuộc sống. Nếu nội tâm không an định thì con người dầu sống ở bất cứ nơi đâu, bất cứ chỗ nào, cũng không tìm được sự bình an dù chỉ trong giây phút ngắn ngủi. Tôn giáo luôn gắn liền với cuộc đời như hình với bóng, bởi vì, đối tượng của đạo (tôn giáo) chính là cuộc đời. Vả lại, nếu không có những nỗi khổ đau của con người nơi trần thế thì sự hiện diện của tôn giáo đâu còn cần thiết nữa.

° Tôn giáo gắn liền với phạm trù tâm linh
Mặt khác, khi đề cập đến lãnh vực tôn giáo, người ta cho rằng nó thuộc về phạm trù tâm linh, mà vốn dĩ lại khác biệt với phạm trù nhân sinh nơi con người. Người đời cho rằng các hoạt động đạo giáo nhằm giải quyết các vấn đề tâm linh; còn các hoạt động về “cơm áo gạo tiền” cho bản thân, cho gia đình hay “an dân trị nước” cho mọi người, cho cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề nhân sinh của con người.
Thật ra, nhân sinh và tâm linh là hai mặt của con người đâu thể tách rời nhau. Con người khi hướng ngoại với tư cách là con dân của một quốc gia có nghĩa vụ về mặt nhân sinh nhằm xây dựng cõi thiên đàng nơi trần thế; còn lúc hướng nội với vai trò là con tin của Đức Thượng Đế lại có sứ mạng thực hiện cơ tiến hóa tâm linh cho chính bản thân và thúc đẩy sự tiến hóa chung cho vạn loại.

° Người tu hành là mẫu mực, không khuyết điểm
Giới luật của tôn giáo có tác dụng như những khuôn vàng thước ngọc nhằm un đúc người tín đồ trở nên thánh thiện; ngoài ra, người tín đồ phải từ bỏ những ích kỷ cá nhân để phụng sự cho tha nhân. Do đó, người tu hành được xã hội kính trọng về sự gương mẫu đạo đức. Tuy nhiên, phàm là con người, bất luận thuộc giới nào cũng đều không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm có thể phát sinh bất cứ lúc nào trong quá trình tu thân của người hành giả khi không tự thắng được bản thân trước sự cám dỗ của ngoại cảnh. Thành thử ra, sự tôn trọng kính nể ban đầu mất đi và thay vào đó là sự mất niềm tin và hoang mang của người thế gian.
“Đến chừng trong tổ chức tôn giáo ấy xảy ra những băng hoại nào đó thì họ lại cho là đạo không tốt, đạo không mang lại cho đời người một chút mầm sống nào. Họ thất vọng lìa bỏ manh áo mà họ tôn thờ, để sống với đời sống bơ vơ không đời không đạo. Mà họ không bơ vơ sao được, khi mà quan niệm sai lệch quá xa về danh từ đạo với tôn giáo đối với đời.
Thoạt tiên, vì chính người ấy một phần và tại trợ duyên bên ngoài một phần, nên khiến họ vô tình phân chia đạo đời đôi ngả và hiểu đạo quá hẹp hòi nông cạn đóng khung.” [ Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, TLTĐ, 07-01 Nhâm Tý (22-02-1972)]

° Chỉ biết cuộc đời hoặc cửa đạo mà thôi
Trên đời nầy đôi khi cũng có những quan niệm hoặc thái quá hoặc bất cập. Có người đang sống trong cảnh gia đình hạnh phúc, việc làm ổn định, tất cả đều hanh thông, bỗng dưng lại quyết định dứt bỏ tất cả vì cho rằng cuộc đời là tạm bợ, là hư ảo. Họ chuyển hướng một cách đột ngột, gạt bỏ tất cả trách nhiệm và bổn phận, bất chấp mọi hậu quả đáng tiếc để xuất gia, an phận với cuộc sống nâu sồng đạm bạc, sớm kệ chiều kinh nhằm mục đích giải thoát linh hồn về cõi Tây phương cực lạc.
Trái lại, cũng có người quan niệm rằng đạo chỉ là phù phiếm, không thực tế, ăn chay là ép xác, đi chùa là vô bổ. Vì thế, họ miệt mài mưu sinh để làm giàu, hưởng thụ mọi tiện nghi vật chất và những thú vui trần tục. Lẽ tất nhiên, lẽ sống của họ không gì khác hơn là ôm chầm lấy cuộc đời để giải quyết những nhu cầu của thể xác.
“Thiêng Liêng thường nói: Cõi đời là chốn phù du, là sông mê, là giả tạm. Đừng ai quá chấp ngã mà ôm chầm lấy nó để rồi hủy hoại bước đường tiến hóa. Có người nghe nói như vậy, đương làm ăn kinh doanh sự nghiệp, đương trong cảnh phu ấm thê vinh, phụ tử tương phùng, rồi vội vàng dứt bỏ tất cả để tìm cái không. Trong lúc đó cũng có những người không tin, mãi đắm đuối mê say ôm ghì lấy cái giả tướng ấy. Cũng ví như người lữ khách muốn đến vùng Mỹ Châu mà lại ôm ghì lấy chuyến tàu hỏa tốc hành từ miền Nam đến Đông Hà, v.v. Hai người ấy ở hai hoàn cảnh và hai tâm trạng đều trật hết, ấy là sai lý đạo.” [ Đức Giáo Tông Đại Đạo, Tây Thành TT, 14-3 Canh Tuất (18-4-1970)]
Lý thuyết về trung đạo dạy con người không nên thái quá cũng không nên bất cập mà phải hài hòa trong cuộc sống. Thực hành bổn phận và trách nhiệm đối với cuộc đời cũng chính là thực hành đạo lý một cách rốt ráo. Cuộc sống nhân sinh và tâm linh có luôn hòa quyện lẫn nhau, quân bình với nhau thì cuộc sống con người mới an vui, hạnh phúc, và có ý nghĩa.

2. ĐẠO ĐỜI TƯƠNG ĐẮC

° Đạo (tôn giáo) là đâu? Đời là đâu?
Như đã trình bày, tôn giáo không chỉ hạn hẹp bên trong phạm vi chùa thất, am tự hay nơi thờ cúng tôn nghiêm và đời cũng không phải diễn ra nơi chốn thị thành ồn ào, náo nhiệt, hỉ nộ, ái ố. Sự nhận thức nầy cũng nhằm phân biệt ranh giới giữa đạo (tôn giáo) và đời một cách đơn giản để dễ hình dung mà thôi.
“Còn đời là đâu? Đạo là đâu? Đạo không phải chỉ nơi chùa, thất, thánh đường, am tự, hoặc nhà thờ, còn đời không phải chỉ ở nơi quan trường, doanh thương sản nghiệp. Hai thứ ấy đều có và cũng tại chính nơi con người.” [ Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 30-12 Tân Hợi (14-02-1972)]
Nhưng khi xét đến yếu tố con người thì dầu thuộc lãnh vực đời hoặc đạo đều giống nhau, không có gì sai khác dị biệt cả.
“Đạo cứu đời. Đời là gì? Là nhơn sanh, là con người. Đạo là chi? Là nhơn sanh, là đạo tâm, đạo hữu.” [ Đức Giáo Tông Đại Đạo, TLĐ, 09-9 Canh Tuất (08-10-1970)]
Suy cho cùng, đời hay đạo cũng đều do tâm con người mà hiển thị, khi giao tiếp với ngoại cảnh thì là đời, còn lúc quay trở vào nội tâm lại là đạo.
“Bần Đạo đến để thuyết qua một thời pháp cho chư hiền sĩ hiền muội hiểu rõ, đời đạo vẫn một không hai, và cõi vô hình hữu hình cũng như thế, mọi việc đều do một cái tâm mà thôi.” [ Đức Quan Âm Bồ Tát, TLTĐ, 20-10 Quý Sửu (14-11-1973)]

° Đạo đời tương đắc

Đời đạo có thể được xem như hai trạng thái có liên hệ mật thiết với nhau trong một thực thể thống nhất. Đời có thể hình dung như thế giới vật chất hữu hình sinh động bên ngoài, còn đạo lại bao hàm cảnh giới tinh thần vô hình trầm mặc bên trong nội thể con người. Tuy nhiên, dù là vật chất hay tinh thần đều không độc lập tách rời nhau, nhưng lại nhịp nhàng tương hỗ qua lại.
Vật chất hữu hình tại thế gian,
Để làm phương tiện giúp muôn vàn,
Tinh thần lẽ sống trong tim óc,
Đời đạo song song mới vững vàng. [ Đức Linh Quang Thổ Địa, CQPTGL, 18-01 Tân Hợi (13-02-1971)]
Do đó, sự hòa hợp giữa đạo và đời mang ý nghĩa rất quan trọng. Đạo và đời cần song hành với nhau theo một tỷ lệ quân bình cân đối. Nếu cán cân thăng bằng giữa đạo và đời bị chênh lệch, tất yếu sẽ mang đến sự bất trắc không tránh khỏi.
“Đời Đạo nếu không hòa hợp đồng hành thì tránh sao khỏi ba tai tám nạn.” [ Đức Quảng Đức Chơn Tiên, CQPTGL, 15-6 Tân Dậu (16-7-1981)]

3. ĐỜI ĐẠO SONG TU

Do đời đạo không phải là hai phạm trù riêng biệt, mà nó tương quan, tương hệ với nhau. Nếu xét đến khía cạnh con người thì dầu là đời hay đạo cũng vẫn chính là con người. Nếu xét đến khía cạnh tâm linh thì đạo hay đời cũng không ngoài nội tâm.

"Đời là thể xác, đạo linh hồn,
Thể xác tượng hình bậc thế tôn,
Đạo ấy là hồn linh bất diệt,
Đạo đời xa cách khó sinh tồn." [ Đức Diêu Trì Kim Mẫu, TTBH, 15-8 Đinh Mùi (18-9-1967)]

Chính vì thế, con người có thể thực hành cùng một lúc đời đạo song tu. Lúc nhập thế tích cực để xây dựng cuộc đời, khi xuất thế tinh chuyên để cộng thông cùng Đức Thượng Đế trong tâm nội.
“Nương đời hành đạo là đường lối của thế nhân, đem đạo cứu đời là bổn phận người sanh nơi cõi thế. Đời đạo song song sử dụng mới tìm đến mục đích chánh đạo.” [ Đức Giáo Tông Đại Đạo, NMĐ, 10-6 Ất Tỵ (08-7-1965)]

3.1. Sự lập dị của người đạo

Tôn giáo nào cũng đều có những giới luật qui điều nhằm khép người tín hữu vào khuôn khổ mẫu mực để trở nên hiền nhân thánh triết. Do đó, khi sinh hoạt chung với người đời, sự khác biệt sẽ là lẽ tất nhiên. Chính giới luật là nhân tố tạo nên sự khác biệt về hình thức sinh hoạt giữa người đạo và người đời. Có thể đơn cử một ví dụ điển hình như một người ăn chay trong buổi tiệc tạo ra một hình ảnh không giống với mọi người. Đành rằng việc ăn chay hay ăn kiêng cũng được xem như một sở thích cá nhân, nhưng đó cũng là một sự lập dị trong tập thể.
“Sống trong tập thể xã hội nhơn quần dù chư đệ muội không muốn lập dị trước thiên hạ, nhưng hình thức tổ chức, qui ước, giáo điều đã nêu lên điểm lập dị của chư đệ muội. Thế muốn hòa mình cùng chúng sanh để phổ độ chúng sanh thì phải làm sao? Giải quyết vấn đế không phải là khó, chỉ khó là chư đệ muội có thể hiện được Đạo qua hình thức tổ chức giáo pháp, giáo điều nơi mỗi chức vị nhân viên đó thôi.” [ Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 29-02 Mậu Ngọ (06-3-1978)]
Giới luật cũng là tác nhân tạo ra sự khác biệt trong việc đối nhân xử thế giữa người đạo và người đời. Giáo lý tôn giáo dạy người đạo phải trau giồi hằng ngày các đức tính như: lễ, nghĩa, liêm, sỉ, ôn, nhu, khiêm, nhượng; đồng thời kềm chế thất tình lục dục.
“Đã là người học Đạo thì phải tiếp nhân xử thế khác hơn người thế tục, nhất là tác phong đạo hạnh, đó là điểm quan trọng, nếu thiếu nó thì không nên Đạo.” [ Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 01-12 Bính Dần (31-12-1986)]

3.2. Đời đạo song tu
Khi người đời thực hành bổn phận của mình đối với gia đình, xã hội, quốc gia; tưởng chừng như việc làm nầy chỉ là thuần túy công việc của thế gian, không có liên hệ gì với đạo lý cả. Tuy nhiên, những việc làm trong bổn phận làm người nầy lại không ngoài đạo lý. Đó cũng chính là bổn phận không chỉ của người đời mà cả người tín hữu tôn giáo.
“Khi làm mọi việc trong bổn phận đối với gia đình quốc gia xã hội cho trọn vẹn, đó là đạo, là đời người trong cõi đời hiện tại. Ngoài ra còn biết tìm phương chước tạo mọi điều kiện giúp đỡ người đời hiểu được, làm được mọi điều lương thiện trong cõi đời và trong cuộc sống của đời người cho có nhân có nghĩa, có hiếu có đễ, có lễ nghĩa liêm sỉ trung tín, đó là đạo rồi chớ còn gì khác nữa.
Nói xa hơn nữa là con người sau khi hoàn thành nhiệm vụ nơi cõi đời này cho xứng đáng là con người, linh hồn sẽ sang qua thế giới trọn tốt trọn lành của Thánh Tiên Phật sau khi rời bỏ nhục thể. Hiểu như vậy thì đừng ai nghĩ rằng khi đã vào đạo rồi bỏ phế tất cả việc đời, hoặc khi còn làm ăn sinh sống trong cõi đời, lại nói rằng mình chưa tới thời kỳ phải vào nẻo đạo, để chờ đến khi thu xếp việc thế sự cho an sẽ vào đạo tu trì. Nếu nghĩ như thế là sai ý đạo vậy.” [ Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 30-12 Tân Hợi (14-02-1972)]
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn cũng không dạy khác hơn:
“Khi tâm sáng suốt thì bổn phận nào cũng là bổn phận phải hoàn tất. Nói như vậy có lẽ chư đệ muội nghĩ rằng nếu phải hoàn tất thì giờ còn đâu học đạo tu trì. Đó là đạo, đó là tu trì.” [ Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-6 Bính Thìn (06-7-1976)]
Đời đạo song tu được thể hiện rất sinh động qua các hoạt động của con người từ việc đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống cho đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc theo luân thường đạo lý.
“Ai lại không sống, không ăn, không mặc, không ở. Ai lại không có gia đình kế tự. Nhưng sự ăn mặc, ở và xây dựng gia đình theo nếp sống hiền lương đạo đức thanh cao trong sạch. Lúc bấy giờ người đời là đạo, đời đạo đi đôi, chớ nào ai phân tách hai lối hai phương cách biệt.” [ Đức Cao Triều Phát, TTBH, 28-8 Đinh Mùi (01-10-1967)]
Khi thực hiện được như vậy thì đâu còn phân biệt ranh giới giữa đời và đạo. Đạo lý hòa quyện trong mọi sinh hoạt trần thế, lúc ấy đời cũng chính là đạo. Vì thế, người tín hữu đâu cần phải xuất gia, nhập thất mới tu hành được; khi người đời thực hành đạo lý trong giao tiếp đối nhân xử thế thì cũng không khác gì với người tu cả.
Đạo đời, đời đạo có đâu xa,
Ma Phật, Phật ma cũng bởi ta,
Đời đạo song tu theo thánh thiện,
Lựa gì cắt ái hoặc ly gia. [ Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 30-12 Tân Hợi (14-02-1972)]

TẠM KẾT

Trần gian là trường tiến hóa cho vạn linh sanh chúng, vì thế, con người đến cõi hồng trần để thực hiện sứ mạng tiến hóa cho bản thân và có trách nhiệm với đồng loại trong cơ tiến hóa chung.
Do đó, con người có trách nhiệm chu toàn các bổn phận đối với gia đình, xã hội, quốc gia, dân tộc. Tuy đây hoàn toàn là những nghĩa vụ đối với đời, nhưng lại là khuôn khổ của đạo lý. Mặt khác, người tín hữu tôn giáo có trách nhiệm truyền bá giáo lý để ứng dụng vào cuộc đời nhằm xây dựng cõi thiên đàng nơi trần thế. Đó chính là sứ mạng nhân sinh của tôn giáo. Bỡi lẽ, suy cho cùng, cứu cánh của tôn giáo không chỉ nhắm vào tâm linh siêu việt, mà trước tiên và gần nhất là nhằm hoá giải những nỗi khổ đau và mưu cầu hạnh phúc đích thực cho con người trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là đời đạo song tu vậy.
“Một đời đạo đức là đời lý tưởng. Một cuộc đời đáng sống khi hướng ngoại thì lo giúp thế độ đời, lúc trở vào tâm nội thì trau giồi đạo hạnh, tu đức, tu công, mưu cầu ích chúng lợi dân, xây dựng nếp sống hiệp hòa trong thiên hạ. Hiền Thánh xưa có chi đâu là lạ, biết dưỡng nuôi ý chí giúp đời, ở ăn cho thuận lòng trời, đối với đạo người thì không tự hối.” [ Đức Lê Đại Tiên, NMĐ, 01-01 Ất Mão (11-02-1975)]

Thiện Hạnh

Người giác ngộ vun bồi tánh đạo,
Bậc nguyên căn hoài bão ý Thiên,
Vào đời một chí nhẫn kiên,
Thực thi sứ mạng pháp quyền dựng xây.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, Rằm tháng Giêng Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây