Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Tu hành / Dương Thanh

    Chúng ta theo lẽ thường tình hay dùng từ Tu Hành để chỉ các vị chức sắc tôn giáo cùng ...


  • Khái niệm "Tôn giáo" đã được tranh cãi rất nhiều và vẫn chưa đi đến một kết luận, dù hiện ...


  • Bức tranh Thiếu nhi Việt Nam / Sưu tầm từ VietNamNet

    (VietNamNet) - Bức tranh vẽ bằng tay của gần 1.500 thiếu nhi Việt Nam vừa được tổ chức Guinnes công ...


  • Đại hạ giá / Huệ Khải

    Đây là chuyện tôi nghe. Ngày nọ người ta kháo nhau quỷ sứ đang bán hàng đại hạ giá. Mọi ...


  • Le Tao / Nguyen Ngoc Chau

    L’histoire dit que l\'empereur Fo-Hi regarda le Ciel, puis baissa les yeux vers la Terre, en observa les particularités, considéra ...


  • Tiểu Sử Hải Thượng Lãn Ông / Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

    Hải Thượng Lãn Ông là tên hiệu của Lê Hữu Trác (còn có tên là Lê Hữu Huân), một nho ...


  • Nhìn và thấy nhau / Văn Hóa Phật Giáo - số19-2006

    . . .Trước kia ta nhìn mẹ nhưng lại chú tâm vào việc khác ngoài đời. Nay thì khi làm ...


  •  Tìm hiểu cách thức chấm giải Nobel Văn học: Horace Engdahl: Chánh khảo văn chương quyền lực nhất thế giới Hàng năm, ...


  • Khi các thiên thần từ giã các mục tử mà về trời, những người này bảo nhau : "Nào, chúng ...


  • THƯỢNG trí NGỌC tâm hãy ráng giồi, TRUNG kiên, LỊCH lãm đạo như đời, NHỰT tăng NGUYỆT tụ tuần nhi tiến, Giáng điển ...


  • Đêm Trung Thu Bàn Đào Hội Yến, Cuộc tương phùng u hiển tình thâm; Chứng lòng Mẹ mới giáng lâm, Nương huyền linh ...


  • Cao Đài - nguyên lý về tính nhất thể / Nhóm nghiên cứu Phong-Tâm-Thọai

    Cao Đài – nguyên lý về tính nhất thể trong tôn giáo Cao Hoàng Phong, Võ Văn Tâm, Nguyễn Quang Thoại Là ...


15/04/2010
TRIỆU BẢO

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 13/05/2010

Câu chuyện của một hạt thông


Tôi không biết cuộc đời, hay đúng hơn là cõi người tốt xấu thế nào mà từ các vị giáo chủ, các nhà hiền triết đến giới văn nhân, thi sĩ… ai cũng chê tuốt luốt! Các ngài bảo đời là bể khổ, là trường tranh đấu, là chốn bụi trần, là cõi phù du, là cõi tạm, là … đủ thứ không mấy ai ưa! Đặc biệt hơn cả, có vị thẳng thừng từ chối kiếp người nếu có cơ hội làm lại từ đầu:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
(Nguyễn Công Trứ)

Hai câu thơ ấy đã một thời đem lại cho tôi niềm thích thú và hãnh diện. Lý do rất đơn giản: tôi thuộc dòng họ nhà thông. Tiếc thay, cảm nhận ấy chỉ ở lại với tôi một thời gian ngắn. Đó là lúc tâm hồn còn đầy ắp lý tưởng và ước mơ, nhìn thế giới bằng đôi mắt mộng ảo. Đến khi cùng anh em bước vào cuộc phiêu du bất đắc dĩ, tôi mới sáng mắt ra, thấy đời thông, đời người hay đời… gì nữa cũng chẳng khác gì nhau. Không phải đời người ai cũng khổ đau, đời thông luôn luôn hạnh phúc!

Quê tôi là một bìa rừng thông, gần bên con suối nhỏ. Những ngày đẹp trời có tiếng suối róc rách hòa với tiếng ngàn thông vi vu trong gió. Nổi lên trên điệu nhạc nền ấy là thanh âm lảnh lót của chim muông, lúc rộn rã chào đón bình minh, lúc thân thiết gọi nhau họp đàn, khi âu yếm, thì thầm tình tự. Không ai lấy làm lạ khi giấc mơ làm đời thông được hình thành vào những giờ phút “cuộc đời vẫn đẹp sao” ấy. Chắc chắn nó sẽ tiêu tan ngay khi đối diện với ngọn lửa cháy ngùn ngụt ở góc rừng mà thông là thức ăn khoái khẩu nhất của thần hỏa. Ngọn lửa lan nhanh và thiêu rụi bao nhiêu thảm sinh thái đa chủng rộng bạt ngàn chỉ trong một thời gian ngắn! Làm sao quên được những trận cháy kinh hoàng. Biết bao thành viên họ nhà thông cùng với các dòng họ khác đang sống bình an, bỗng một sớm biến thành tro bụi. Những con thú rừng chậm chân cũng lãnh chung số phận thương đau! Khi mùa đông đến, thông tê cóng, quằn mình dưới tuyết giá. Nếu chẳng may gặp bão, thông tơi tả, xác xơ. Cảnh đời chung quanh cũng lắm lúc làm xót xa những tấm lòng nhân hậu. Cuộc đấu tranh để sống còn thường diễn ra ác liệt. Mấy con nai hiền lành dễ thương đang uống nước bên bờ suối, bỗng ngẩng cao đầu, chửng tai nghe ngóng rồi vắt giò chạy biến, không dám ngoái cổ nhìn lui. Đàn thỏ trắng xinh xinh đang hồn nhiên đùa giỡn trên đám cỏ non cũng cuống cuồng rúc vào bụi rậm… Chúng đã nghe tiếng gầm thét của chúa sơn lâm từ xa vọng lại! Ác thú thường khôn ranh, gây nên tiếng động chỉ là vạn bất dắc dĩ. Vì vậy cảnh máu chảy, thịt rơi vẫn thường xảy ra. Những con thú hiền lành ấy có tội tình gì, sao vẫn mãi chịu thiệt thòi. Không biết khi tạo ra muôn loài, hóa công có nghĩ đến cảnh tượng hôm nay?

Đó là chuyện ta bà thế giới. Anh em chúng tôi có những nỗi đau riêng, nhưng không ai giống ai. Thực ra tiếng xưng “tôi” hay “chúng tôi” ở đây chưa hoàn toàn đúng phép, bởi vì mỗi một “đứa” mới chỉ là “một nửa sự sống”. Nói rõ hơn, là một hạt phấn vàng của một loài hoa, búp hoa thông… Mỗi độ xuân về, mẹ tôi là búp thông (hay quả thông) hé mở những con mắt hiền từ nhìn nắng xuân ấm áp, đồng thời cho chúng tôi cơ hội đi tìm “nửa kia của đời mình”. Nhưng ngọn gió quái ác đâu chịu để yên. Như đã chực sẵn từ lâu, gió thổi tung chúng tôi vào không gian bao la và mỗi đứa trôi theo một cuộc đời không do mình chọn lựa, nổi trôi vô định. Vô số những hạt phấn li ti bay theo gió, nhuộm vàng cảnh vật. Có người đã dùng màu sắc này làm nền cho chuyện tình thơ mộng, được ca tụng một thời. Chuyện vui luôn hiếm, chuyện rủi ro lại vô vàn! Hầu hết anh em tôi không gặp được “nửa kia”, bơ vơ lạc lõng nhiều ngày. Cuối cùng, buông mình lả tả khắp nơi. Nếu rơi xuống mặt đường, bị bánh xe nghiền nát không chút tiếc thương. Rơi xuống cỏ cây, phải sống cùng giun dế. Một số muốn đi xe nhưng chỉ bám được bên ngoài, bị chủ nhân xua đuổi thẳng tay. Những ai lỡ bay vào tư gia hay công sở, tức thì được chị chổi đón tiếp đưa vào thùng rác hôi hám. Số rất ít có may mắn núp vào xó xỉnh, sẽ phải ở đó làm bạn với bụi mốc suốt đời, được giải thoát chăng là khi nhà đổi chủ. Chủ mới sẽ tống khứ họ trở lại kiếp không nhà. Một số khác bị người đời ta thán vì đã dám mạo hiểm thâm nhập vào cơ thể con người bất kể trẻ già, gây chuyện mất tiền, tổn hao sức khỏe. Hậu quả là ai cũng trông cơn mưa đến dẹp tan bọn giặc phấn vàng, không chỉ riêng họ nhà thông. Khi mưa đến, cống rãnh là đoạn đường cuối đưa anh em tôi về cõi biệt tăm, chỉ là biệt tăm chứ không phải thoát kiếp, bởi khi bị tống khứ, chắc gì tất cả đều đến được nơi muốn đến! Không ít anh em phải kẹt lại ở các mương rãnh dơ bẩn, tối tăm Kêu trời không thấu, chỉ có đất nghe nhưng chẳng giúp gì!

Riêng bản thân tôi và một số “vô cùng ít” được định mệnh đối xử khá hơn. Vài anh em may mắn rơi trên một loài hoa khác có sắc hương, gặp chú ong vô tình mang về xây tổ. Sau đó chạy qua bàn tay ngưòi hay máy móc, trở thành món hàng cho khách lựa chọn. Nhưng nào ai biết đến hồi chung cuộc họ sẽ về đâu… Đặc biệt, không biết nhờ ân đức hay cơ duyên nào, tôi và một ít anh em rơi vào “vòng tay chờ đợi” của “nửa kia”, rất gần nơi sinh quán, cùng nhau vui hưởng hạnh phúc và tạo nên mầm sống là một hạt thông. Vào lúc này, xin được phép chính thức và trịnh trọng xưng TÔI… Ngày tháng hạnh phúc qua mau. Khi nắng hạ kéo về, chúng tôi đã trưởng thành, có thể hãnh diện nhận trách nhiệm lớn lao là lưu truyền nòi giống.

Tuổi thanh xuân yêu đời, tôi không hề nghĩ trước mặt là con đường khúc khuỷu và lắm chông gai… Mẹ tôi biết đàn con đã khôn lớn, mở cửa tiễn con ra đi. Lại một lần nữa, cơn gió như đã có lời nguyền, chẳng chịu buông tha. Chúng tôi bị cuốn đi tứ tán. Chẳng ai biết ai đi đâu, ở đâu, và tất nhiên lại có kẻ rủi người may… Nhiều hạt bay thật xa đến tận khu vườn bên sườn đồi, vui mừng được gặp thảm đất bằng, phì nhiêu, nhanh chóng đâm rễ, vươn cành. Khổ nỗi, chỉ mấy tuần sau người chủ vườn mạnh tay nhổ bỏ, vứt vào đống cỏ dại. Mớ hạt may mắn hơn, bay vào cái chậu mà hoa đã chết trong mùa đông, cũng vươn lên theo bản năng sinh tồn. Họ run sợ trước đôi mắt người chủ thỉnh thoảng dừng lại ngắm nhìn. Sau đó họ mừng thầm khi được ông ta chăm sóc. Nhưng - lại nhưng - chỉ được một thời gian, trước sự ngạc nhiên của cả nhóm, ông ta nhổ hết, chỉ chừa lại một cây khỏe mạnh mọc chính giữa mỗi chậu, chờ cho lớn thêm để tạo hình “bonsai”. Thật diễm phúc cho những người anh em tốt số của tôi… Nhóm khác gặp lúc gió lặng, tìm xuống nằm bên cội già, lần hồi tranh nhau với cỏ, kiếm chút đất cắm rễ. Đây cũng là nơi chốn bình yên. Chỉ bình yên thôi chứ chẳng bao giờ dám manh nha tham vọng, bởi đứng dưới nách các bậc tiền bối, ít nắng, thiếu sương, anh em không thể vươn cao để mong có ngày cất tiếng vi vu… Nhóm cuối cùng có tôi trong đó, dù đã hết mình cưỡng lại, vẫn không thoát khỏi cuộc sống nổi trôi trên dòng suối. Chúng tôi quá đỗi kinh hoàng khi bị rơi vào môi trường hoàn toàn khác biệt! Uống nước quá nhiều nên chẳng mấy chốc chúng tôi bị trương sình. Còn may – nói theo trường phái lạc quan – chưa bị chìm sâu hay thối vửa. Thôi cũng đành “cuốn theo… dòng nước” (gone with the… water)!

Trên “đường” đi, nhiều anh em bị cỏ lau bên bờ níu lại, không biết rồi sẽ ra sao. Nhóm khác trôi vào hốc đá, phải theo nước chạy vòng quanh nhiều ngày, mãi đến khi có cơn mưa, nước suối dâng cao mới dứt được để ra đi. Không ai biết chuyện gì còn đợi chờ phía trước? Tôi ước mơ trôi vào sông lớn nhộn nhịp tàu thuyền nơi phồn hoa đô hội. Nhưng ở đây không phải là chỗ dừng chân. Tôi chỉ muốn nhìn qua rồi theo nước sông ra biển. Vẫn còn mộng mơ, tôi nghĩ đến cảnh trời nước bao la, những loài thủy tộc lạ mắt, những hải đảo thần tiên, những bờ biển thơ mộng. Florida, Caribe, Nice, Nha Trang, Đồ Sơn, Phukhet làm lòng tôi háo hức… Nhưng kìa, anh em tôi đã lạc khuất phương nào, bỏ lại tôi một mình! Đang lúc hoang mang, tôi dạt vào đám rong rêu bám ở một chân cầu bê-tông cũ kỷ. Những cánh tay hiếu khách màu lục đậm vươn ra níu lấy thân tôi, chẳng có lấy một lời, chẳng cần biết tôi đồng ý hay không. Ôi, những người bạn không chờ! Biết đâu họ là những người bạn tốt, nhưng tôi không hề muốn chôn quảng đời còn lại nơi đây. Dẫu vậy, tôi chẳng có cách gì vùng thoát ra được… Hình như chiếc cầu này nằm ở một vùng thị tứ, tôi thường nghe tiếng ồn ào của người, xe vọng lại. Chân cầu rung chuyển mỗi lần có chuyến xe qua. Những chuyến xe từ đâu tới, sẽ về đâu, chẳng can hệ gì đến tôi, vậy mà tôi phải nghe suốt đêm ngày. Tôi mơ một cơn nước lũ. Dòng chảy mạnh có thể cứu tôi ra khỏi chốn tù ngục này để đi nốt cuộc hành trình dang dở. Mơ ước làm tôi lạc quan nhưng bỗng từ đâu một đàn cá bu lại, con nào cũng ngoác mỏ như sẵn sàng đớp trọn thân tôi làm tôi sợ hết hồn. Cũng may, chúng chỉ huơ huơ mấy chiếc râu rồi bỏ đi. Chắc chúng đánh hơi được tôi chẳng phải là thức ăn ngon béo gì. Tôi rơi trở lại với nỗi mong chờ, tiếp tục nằm nghe những chuyến xe qua…

Cơn lũ mong chờ sẽ tới hay không? Bao giờ? Khi nó tới, liệu có cứu được tôi? Thoát khỏi nơi này, tôi sẽ về đâu? Sao toàn những câu hỏi! Mẹ ơi, cùng là con của mẹ, chia nhau một nguồn sinh lực, một sắc thể di truyền, hưởng chung phước tổ, lớn lên cùng một môi trường… sao mỗi đứa lại rơi vào một cảnh đời riêng?


Atlanta, 4.2010 Triệu Bảo

________________________
BÀN LUẬN

Niềm ao ước và nỗi ưu tư trên đây tỏ ra chán ngán cõi người, và hoang mang trước tương lai mù mịt. Thêm vào niềm khắc khoải cho muôn vàn số phận của đàn con từ vòng tay mẹ ra đi.

Nhưng chán đời mà xin chọn lấy kiếp thông không phải là thái độ tiêu cực; vì cây thông tiêu biểu cho một vị thế vô tư chính trực, tư do tự tại giữa trời đất, hòa hợp cùng thiên nhiên, tán dương cơ tạo hóa (giữa trời mà reo) mà không để cho nắng sớm mưa chiều giông bảo đẩy đưa vào vòng hệ lụy. Đó là bản lãnh của người quân tử, hay hơn nữa là của thánh thân.
Cây thông là thế, nhưng không phải hạt thông nào cũng sẽ được như thế khi trải qua thiên ma bách chiết của "rừng đời", cho đến khi chấp nhận dừng lại, phát sinh niềm khao khát được đứng lên thẳng tắp như Mẹ thông, để rồi lại tiếp tục gởi đàn con ra ngàn phương trên trường tiến hóa.

Qui luật của thiên nhiên là "nhất tán vạn, vạn qui nhất". Vạn vật chỉ đồng nhất về bản thể, nhưng có thiên hình vạn trạng cá thể để học hỏi trui trèn trong muôn vạn trạng huống, đồng thời phụng sự cho cái thiện cái mỹ bằng vô số sở năng trong từng mảnh không thời của vũ trụ vạn vật.
Niềm ước vọng, nỗi ưu tư, nếu thật đã nhiều trăn trở thì hãy đón lấy cơ duyên.

Cơ duyên không nhất thiết đến ở nơi này hay nơi khác, lúc này hay lúc khác, lúc thịnh vượng hay suy tàn, mà sẽ đến giữa nội tâm muốn TRỤ LẠI, VÔ TƯ, như cây thông, chấp nhận đứng giữa rừng mà không nghiêng ngã theo cây rừng, vươn lên hòa nhập vào lẽ tự nhiên của trời đất.

Cuối cùng, "hạt thông" đã kêu lên hai tiếng "Mẹ ơi!" để hỏi về số phận của mỗi đứa con, vậy hãy nghe thánh ngôn của Đức Diêu Trì Kim Mẫu giải đáp vấn nạn ấy, cũng là một gợi mở cho "cơ duyên" đến cùng người con thốt lên tâm tư thao thức ở cuối kiếp người từng trải qua nhiều gian nan thử thách:

:"Con ôi! Có nóng bức của mùa hè mới thấy
thu sang mát mẻ, có giá buốt của đông thiên mới
thấy tiết xuân ấm áp. Luật ở cõi nhị nguyên là
như vậy mới tạo hóa vô cùng, thì hai chữ vô cùng
là bất dịch. Các con hãy giữ cái bất dịch mà ứng
với biến dịch để hoàn thành sứ mạng nghe con.
" (*)

TH.CH.
_______________________________________________________

(*)Trích thánh giáo
HÃY GIỮ CÁI BẤT DỊCH
Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
Mùng 01 tháng Giêng Giáp Tý (02–02–1984)
TRIỆU BẢO

Cõi trần thế bể dâu lắm lúc,
Vòng trái oan câu thúc bao lần,
Sắc tài danh lợi ái ân,
Trăm năm ràng buộc tấm thân đọa đày.
Sớm giác ngộ con quày bước lại,
Phá vô minh đoạn máy luân hồi,
Đạo là lẽ sống con ôi,
Trong con thì Đạo, đất trời là tâm.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 14-8 Nhâm Tuất

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây