Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
26/03/2013
Thiện Chí thuyết minh

TỪ TÍN NGƯỠNG & TÔN GIÁO ĐẾN VĂN HÓA


TỪ TÍN NGƯỠNG & TÔN GIÁO ĐẾN VĂN HÓA


Tín ngưỡng và tôn giáo là những đề tài phong phú xưa nay đã thu hút rất nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu, triết gia tham khảo, bàn luận trên nhiều khía cạnh, khen có, chê có, bài bác có, tán đồng có.
Nhưng các khảo cứu đều nhìn nhận từ khi có loài người, tín ngưỡng đã xuất hiện. Rồi từ tín ngưỡng thành lập tôn giáo. Và trải qua chiều dài lịch sử tiến hóa của nhân loại, qua bao nhiêu cuộc thương hải tang điền, qua các triều đại hưng thịnh suy vong, tín ngưỡng và tôn giáo vẫn tồn tại trong xã hội đến ngày nay.

Lão Tử Đạo Đức Kinh Ch.62 lại viết :
1. Đạo giả, vạn vật chi áo , thiện nhân chi bửu, bất thiện nhân chi sở bảo.
2. Mỹ ngôn khả dĩ thị tôn. Mỹ hạnh khả dĩ gia nhân. Nhân chi bất thiện hà khí chi hữu.


Dịch xuôi:(theo Nhân tử Nguyễn Văn Thọ):
Đạo là bí quyết muôn loài, là châu báu của người lành, là chỗ dựa nương của người bất lương (chưa lành- NV). (Nhờ Đạo) mà có những lời hay việc đẹp (Nhờ Đạo mà những lời hay được tăng giá trị, được trọng vọng; mà những việc đẹp tăng phẩm cách con người). (Nhờ Đạo) mà những kẻ bất lương (chưa thiện-NV) không bị ruồng rẫy.

Vậy qui chiếu chữ « Đạo » ở chương này của Đạo Đức Kinh vào Tín ngưỡng và Tôn giáo thì yếu tố nào làm cho tín ngưỡng và tôn giáo có được giá trị của « lời hay [mỹ ngôn],việc đẹp [ mỹ hạnh] làm tăng phẩm cách con người» ? Phải chăng những giá trị đó chính là VĂN HÓA ?
Trước khi trả lời câu hỏi, chúng ta hãy tìm hiểu, tín ngưỡng, tôn giáo là gì.

TÍN NGƯỠNG LÀ GÌ ?

“Tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng đôi khi được hiểu là tôn giáo. Điểm khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo ở chỗ, tín ngưỡng mang tính dân tộc, dân gian nhiều hơn tôn giáo; tín ngưỡng có tổ chức không chặt chẽ như tôn giáo. Khi nói đến tín ngưỡng người ta thường nói đến tín ngưỡng của một dân tộc hay một số dân tộc có một số đặc điểm chung còn tôn giáo thì thường là không mang tính dân gian. Tín ngưỡng không có một hệ thống điều hành và tổ chức như tôn giáo, nếu có thì hệ thống đó cũng lẻ tẻ và rời rạc. Tín ngưỡng nếu phát triển đến một mức độ nào đó thì có thể thành tôn giáo.” (Wikipedia)
Đó là định nghĩa theo Bách Khoa Tự Điển Wikipedia nổi tiếng, nhưng chính hai chữ “niềm tin” mới là vấn đề tốn nhiều giấy mực. Bởi vì niềm tin là một tâm lý trừu tượng, và người ta chỉ có thể đánh giá nó qua các biểu hiện vật thể hay phi vật thể. Nghĩa là từ những biểu hiện ấy, người ta xem xét nó có công dụng gì trong đời sống vật chất, đời sống tinh thần, đời sống xã hội của con người. Những công dụng đó là thực tiễn thì “niềm tin” là chánh tín; ảo tưởng là mê tín. Đến phiên thực tiển hay không thực tiễn, ở đây không thể đánh giá bằng lợi nhuận, bằng công danh, sự nghiệp, mà nó có thể hướng con người vào một nếp sống tốt đẹp, một xã hội có văn hóa.
Một sự kiện văn hóa tín ngưỡng quan trọng mới đây khiến mọi người có thể khẳng định khái niệm ấy. Đó là quyết định của UNESCO công nhận“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Một nhà nghiên cứu viết:



“Như chúng ta đã thấy, trải suốt chiều dài lịch sử, biểu tượng Vua Hùng được thừa nhận trên cả nước Việt Nam như một biểu tượng cội nguồn chung cho cả dân tộc vượt qua mọi rào cản của các triều đại phong kiến, sự khác biệt tôn giáo và các chế độ xã hội.
“Trong mỗi gia đình Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng vô cùng quen thuộc và bình dị. Vì vậy khi xây dựng lên hình tượng Vua Hùng đã tạo nên một tín ngưỡng Hùng Vương với tư cách là biểu tượng cội nguồn của quốc gia – dân tộc.
[ . . .] “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” với đầy đủ ý nghĩa như vậy nên khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu của nhân loại. Chúng ta nên hiểu cho đúng giá trị của nó mà từ đó có những kế hoạch để bảo tồn và phát huy . . .” ( Hoàng Nguyên, Việtnamnet)

                                                 LỄ RƯỚC TỔ TRONG NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG (Phú Thọ)

TÔN GIÁO LÀ GÌ ?

Tác giả Phạm Thiên Thơ viết:
“Tôn giáo giữ vai trò tiền phong trong việc khai sáng nền văn minh nhân loại, điều này đối với các nhà chân tu mang lý tưởng cứu đời, ai cũng đều nghĩ như vậy; nhưng việc khai sáng đó có đúng với khả năng và tầm vóc hiện có của tôn giáo hay không đó chính là những khó khăn mà tôn giáo cần phải vượt lên: khai triển giáo lý thật sâu rộng, thích ứng phù hợp được với toàn diện đời sống, nơi gặp nhau của mọi nền tôn giáo, mọi trào lưu tư tưởng tinh hoa của nền văn minh nhân loại còn đang tồn tại trong dung hợp khai phóng. http://www.danchimviet.info/archives/28751/th%E1%BB%B1c-t%E1%BA%A1i-van-hoa-v%E1%BB%9Bi-ton-giao/2011/02)
Giáo sư Trần Văn Toàn viết trong đề tài “Tôn giáo và văn hóa” (trên trang web conggiaovietnam.net) như sau:

« Tôn giáo không phải là một sự kiện tự nhiên, một đặc tính sinh lý, hay là một nhu cầu sinh lý (tâm lý ? NV) của cá nhân. Thực tại tôn giáo không phải là một số đồ vật có chiều dài vắn, có bề nặng nhẹ, mà khoa học tự nhiên có thể đo lường. Đó là một sự kiện văn hóa, và có lẽ là một sự kiện văn hóa phổ biến và lâu dài bền bĩ nhất trong lịch sử nhân loại. »
Trong Thánh giáo đạo Cao Đài, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy về tôn giáo như sau :
« Than ôi! Tôn giáo là gì? Phải chăng Tôn giáo là phương hướng giáo thuyết để dạy đời nhìn thấy những gì thiêng liêng cao cả. Chẳng những chỉ ở phần tâm linh tối thượng mà Tôn giáo còn dạy người đời xem nhau như tình ruột thịt huynh đệ đại đồng. Tuy khác ở màu da sắc tóc, nhưng cũng đồng thọ bẩm đức háo sanh dưỡng dục an bài của luật đương nhiên Tạo hóa.
Tôn giáo dạy người phải lấy tình thương yêu hòa ái từ xã hội nhỏ, như gia đình, phu thê, phụ tử, đệ huynh, bằng hữu, đến một xã hội bậc trung là đoàn thể quốc gia dân tộc và chí đến nữa là đại xã hội nhân loại đại đồng. Xã hội nhỏ có thương yêu hòa ái thì gia đình được hạnh phúc, phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung.
Một xã hội bậc trung có thương yêu hòa ái thì đoàn thể được phát triển nảy nở mau lẹ trong sự dìu dắt giáo dục bảo vệ cho nhau. Một quốc gia toàn thể dân trong nước đó, từ vua quan cho đến lê thứ dân giả cùng đinh mà biết thương yêu hòa ái thì quốc gia đó được thạnh trị, dân đó được phú túc sung mãn hùng cường.
Nếu một xã hội nhân loại đại đồng biết thương yêu hòa ái nhau thì đại xã hội đó là một Thiên-Đàng Cực-Lạc tại thế gian."
(Vạn Hạnh Thiền Sư, MLTH, 08-09-KD, 18-10-1969)

Như thế thì tôn giáo có công dụng rất tốt đẹp, ngoài phương diện tâm linh hướng thượng còn tích cực góp phần hoàn thiện xã hội từ gia đình, dân tộc đến nhân loại. Do đó tôn giáo không phải là những gì huyền ảo, là mơ hồ vì các tôn giáo chân chính đều nêu lên giáo thuyết về mối quan hệ đạo đức giữa người và người.
Sách Trung Dung viết: “Nhân giả, nhân dã”. Chữ nhân đầu gồm chữ nhị và chữ nhân ; chữ nhân sau là một chữ nhân . Giáo sư Trần Văn Toàn giải thích: “có lòng « nhân » (chữ nhị và chữ nhân), có được ở với người khác và có ở được với người khác, thì mình mới nên người ». Và « Đức Khổng Tử còn nói đến tam cương hay ngũ luân, là những liên hệ của ta với người khác, đã được lập thành định chế, để bình thường hóa nếp sống. Có như thế ta mới ở được với người khác. »

Trong nhà thờ Thiên Chúa giáo, khi vị chủ tế chúc: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”, cộng đoàn thưa: “Và ở cùng cha (linh mục. NV)”. Và chủ tế nói thêm: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”.
Một linh mục viết trên Trang Web Tổng Giáo Phận TP. HCM : “Chúng ta đừng nghĩ rằng việc chúc bình an ở đây cũng giống như việc thân hữu ngoài đời trao tặng cho nhau. Không, đây là một sự hòa giải. Thật vậy, trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói rõ rằng trước khi thực hiện mọi hành vi phụng tự, cần phải làm hòa với anh chị em mình trước đã: “Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ
(Mt 5, 23-24). ((Trích từ tập sách "40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ" của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

Nhận định về cử chỉ “chúc bình an cho nhau” trong thánh lễ trên đây cho thấy tôn giáo có tính nhân bản rất cao trong quan hệ giữa người và người như ý nghĩa chữ NHÂN có chữ “nhị” của Đức Khổng (tứ là đức Nhân). Xét về mặt mỹ cảm hay thiện cảm thì đó là một nét văn hóa đặc biệt.

VĂN HÓA LÀ GÌ ?

Để hiểu được cương vị và vai trò của Tín ngưỡng và Tôn giáo trong tổng thể Văn hóa, chúng ta cần tìm hiểu thêm Văn hóa là gì.
Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau:" Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin. "
Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004 thì đưa ra một loạt quan niệm về văn hóa:

-Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. -văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn,trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội
. (http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_h%C3%B3a)

Văn hóa có ý nghĩa là văn minh và giáo hóa, phản ảnh những lề lối, tổ chức sinh hoạt của một quốc gia dân tộc trong sự phát triển tinh thần, đạo đức, nghệ thuật sống trong những hài hòa chung giữa con người và xã hội, những điều này hoàn toàn phù hợp với chức năng của tôn giáo, vì thế văn hóa chính là nền tảng thực thi của tôn giáo hướng đến chân trời văn minh nhân bản.” (Phạm Thiên Thơ, sđd)

Cụ Nguyễn Đặng Thục gắn liền văn hoá với tiến hoá. Tiên sinh viết: Văn hoá có nghĩa là tiến hoá, tiến từ trình độ thô sơ đến trình độ văn vẻ từ thấp đến cao, từ vật chất hữu hình lên tinh thần vô hình.

Arnold cho rằng: Văn hoá là sự cố gắng của con người để vươn lên tới mức độ cao siêu hơn, hoặc là vươn lên cho tới hoàn thiện.
Phương tiện của sự siêu thăng này chính là văn chương và nghệ thuật và sự học hỏi về những tư tưởng và hành động cao đẹp của tiền nhân

Vậy, có thể tóm tắt rằng: Văn hóa là tài sản, là di sản những thành tựu của lao động và tư duy, những tinh hoa của con người thể hiện thành vật thể hay những giá trị tinh thần phi vật thể, tất cả đem lại cái đẹp, cái thiện, cái chân lý phổ quát trong quá trình tiến hóa của loài người. (NV)

Nói như thế thì phải chăng chính TÔN GIÁO cũng là VĂN HÓA bởi vì Tôn giáo có nguồn gốc nhân bản, có những bản sắc nhân văn. Nói cách khác, Tôn giáo gắn liền với CON NGƯỜI và tác động vào quá trình thăng hoa, tiến hóa của con người.

DI SẢN VĂN HÓA CỦA TÔN GIÁO
Những di sản văn hóa tôn giáo của các bậc Giáo tổ, Tông đồ các tôn giáo truyền thừa gần 3000 năm qua mà đến nay tín đồ tôn giáo khắp thế giới vẫn còn học tập, tu tập, truyền tụng vì bao hàm đạo lý, chân lý vĩnh cửu. Đơn cử như:
_ Tam tạng Kinh-Luật-Luận của đạo Phật
_ Đạo Đức Kinh, Thanh tịnh kinh, Cảm ứng kinh, Nam Hoa Kinh của đạo Lão
_ Tứ thư Ngũ kinh của đạo Nho
_ Thánh Kinh của Ki-tô giáo
Ngoài ra còn nhiều di sản khác như chùa, đền, nhà thờ, tượng thờ . . .

NỘI ĐIỆN CHÙA BÁI ĐÍNH (Ninh Bình)

ĐỀN THỜ HỒI GIÁO

TÒA THÁNH CAO ĐÀI TÂY NINH

CHÙA HỘI KHÁNH BÌNH DƯƠNG (xây 1741)

TÁC ĐỘNG QUA LẠI GIỮA TÍN NGƯỠNG-TÔN GIÁO & VĂN HÓA

_ Các lễ hội là văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tôn giáo làm phong phú hóa bản sắc văn hóa của xã hội, của dân tộc
_ Các nghi thức hành lễ, lễ nhạc, thánh thi, thánh ca là văn hóa trong sinh hoạt tâm linh
Công giáo:Hợp xướng thánh ca
Ban Hop XuongCa Đoàn GH Phước Lý www.baicamoi.com
 http://youtu.be/tNDX8GKW3lE
Cao Đài:Hành lễ tại đền thánh
(Trích đoạn Video “80 Năm Đại Đạo hoằng dương” tren YOUTUBE (từ phút 06:10 > 06: 30)
* * *

Thánh giáo Cao Đài dạy về văn hóa như sau:Văn hóa là sản phẩm tinh thần của xã hội dân tộc. Văn hóa có ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhơn loại. Nó tế nhị mà bao la, trầm lặng mà mạnh mẽ. Có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao. Bản chất của văn hóa là đạo đức. Hình thức của nó là ngôn từ, chương cú, giáo dục . . .”
(Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, Rằm tháng 7 Ất Mão (21-8-1975)

Nếu ta khẳng định Tôn giáo cũng là hoạt động văn hóa hay là một thành phần của văn hóa nhân loại, ta có thể thay những chữ “văn hóa” bằng hai chữ “tôn giáo” trong thánh ngôn trên cũng vẫn có ý nghĩa.

Tôn giáo là sản phẩm tinh thần của xã hội dân tộc. Tôn giáo có ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhơn loại. Nó tế nhị mà bao la, trầm lặng mà mạnh mẽ. Có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao. Bản chất của tôn giáo là đạo đức. Hình thức của nó là ngôn từ, chương cú, giáo dục . . .”

TẠM KẾT


“......Tôn giáo là những khuôn vàng thước ngọc để khép con người từ chỗ sa đọa trở nên hiền Thánh Tiên Phật, ung đúc con người từ chỗ trọng trược lòng trần được thanh thoát cao siêu. Tôn giáo là mối dây liên quan, là cửa thông đồng cho vạn dân chủng tộc........”
“Hỡi những ai là người thức tri thời vụ, ai là người đang đi trên đường đạo học, ai muốn tìm chỗ uyên thâm của đạo lý, ai muốn thoát khỏi cảnh ràng buộc trí não tâm linh giữa cõi đời hỗn loạn này, hãy tự tin, tự giác, để tìm hiểu nguyên nhân nào đưa con người vào hoàn cảnh tối tăm loạn lạc nầy. Có tìm thấy mới biết quay về với nhân bản, với bản tính chất thuần lương mà từ thuở sơ sinh đã có hằng hữu Thượng Đế giáng trung”.

(Vạn Hạnh Thiền Sư, Trúc Lâm Thiền Điện, Tuất thời Mùng 7 tháng 2 Tân Hợi (3.3.1971)

Liên hệ Tín ngưỡng-Tôn giáo với Văn hóa, hay nhìn Tôn giáo với góc độ Văn hóa cho thấy Tôn giáo có những động năng rất tích cực vì con người, vì sự an lạc và tiến bộ của xã hội.

Tôn giáo ấy cửa vào tìm đạo,
Đạo là đường hoài bão nhơn sanh;
Người tu ý thức tri hành,
Hễ vào cửa đạo chí thành mà tu.
Ôi ! Bốn vách trần tù vọi vọi,
Hỡi người đời nhìn lối xa xa;
Nước non vũ trụ bao la,
Chơn thân bể tục xét ra dại khờ.
Ơn Tạo Hóa xây bờ đắp móng,
Nghiệp tiền nhân đỡ chống nhiều phen;
Lương tri, lương thức, lương năng,
Giác quan sinh lực kém hèn chi ai.
Nước không đạo hữu tài vô dụng,
Người không tu hữu dũng nan thành;
Đạo là cội phúc nẩy sanh,
Sanh dân, sanh nước và sanh Thiên Đàng.

(Giáo Tông Đại Đạo, Thiên Lý Đàn, Tuất thời 20 tháng 5 Ất Tỵ (19.6.1965)


Thiện Chí

Bài nói chuyện tại Hội trường CQPTGL
Ngày Rằm tháng 2 năm Quý Tỵ, 26-3-2013
(Nhân dịp Lễ khánh đản Đức Đạo Tổ
trùng dụng Tổng kết đạo sự năm Nhân Thìn 2012)
Thiện Chí thuyết minh

KHAI XUÂN TIẾN ĐỨC / Thiện Chí thuyết minh

THƯỢNG ĐẾ HIỆN HỮU / Thiện Chí thuyết minh

Phật Tiên buổi chót đến hồng trần,
Kêu gọi người đời rõ lý chân,
Chớ để linh tâm vùi tục lụy,
Nên ngừa cám dỗ của tà thần.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây