Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
19/06/2007
Đạt Tường sưu tầm

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 03/01/2010

Ý nghĩa ngày 13 tháng 3 âm lịch

Ngày 13 tháng 3 cũng là ngày Chí Tôn Thượng Phụ thâu hồi người anh cả tín hữu Cao Đài. Đó là Ngô Văn Chiêu. Chư hiền đệ muội còn nhớ, một thời Chí Tôn đã sắc phong cho Ngô Văn Chiêu vào chức vị Giáo Tông, nhưng người đã bái mạng không nhận lãnh. Đó cũng là lý số.

Xuyên qua lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng trước đây, chắc một số chư hiền còn ghi nhớ, đó là những diễn tiến kế tiếp trong thời kỳ Chí Tôn đến đất nước Việt Nam nhỏ bé này khai đạo.

Chí Tôn đã dùng một di tích đầu tiên nơi Dương Đông - Phú Quốc và đã truyền giao cho Ngô Văn Chiêu nhận lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn để làm biểu tượng thờ phượng trong đạo Cao Đài từ ấy đến nay.

Di tích thứ hai là Vĩnh Nguyên Tự. Chí Tôn đã dùng nơi này thâu nhận những sứ đồ trung kiên làm nồng cốt ban phong Thiên sắc để nhận lãnh công việc khai đạo truyền bá giáo lý trong Tam Kỳ Phổ Độ. Nơi đây đã là nơi Chí Tôn lập các kinh điển luật pháp đạo trong buổi sơ khai.

Di tích thứ ba là Thánh Thất Cầu Kho mà hôm nay biến thành Nam Thành Thánh Thất. Chí Tôn đã dùng nơi này Khai Tịch Đạo với nhà đương cuộc lúc bấy giờ.

Di tích thứ tư là nơi Thiền Tự tại Gò Kén. Chí Tôn đã dùng nơi này Khai Minh Đại Đạo trước quốc dân bá tánh.

Mỗi một chỗ đều có một sứ mạng, tuy riêng nhưng chung qui nó là những mắc dây xích đều có móc nối nhau để đến ngày thành tựu là Tòa Thánh Tây Ninh rồi tuần tự các nơi khác.

Như cây đã mọc lên, đâm tược nảy chồi đơm hoa kết quả cho nhơn sanh đồng thọ hưởng. Bần Đạo nói như vậy để chư  hiền ý thức về tiến trình của ngày sơ khai Đại Đạo.(…)"

Như vậy trong "tiến trình của ngày sơ khai Đại Đạo", những sự kiện lịch sử có liên quan đến ngày 13 tháng 3 này là những gì ? Chúng ta có thể điểm lại theo thứ tự thời gian như sau:

Sự kiện lịch sử thứ nhứt là

1. Ngày Đức Ngô Kiến Nhận Thiên Nhãn

Trước năm 2000, các sách đạo sử đều đã ghi nhận vào năm Tân Dậu – 1921, sau khi Đức Chí Tôn gợi ý tìm biểu tượng để thờ kính nhưng sau lời đề xuất dùng "thập tự" không được chấp thuận, Ngài Ngô Văn Chiêu đã 2 lần được kiến nhận Thiên Nhãn. Tuy nhiên, lần đầu tiên được ân ban kiến nhận đó là ngày nào, chúng ta chưa thấy có tác giả nào đề cập đến mà chỉ nói vào khoảng tháng 3 mà thôi.

Hơn 10 năm trước đây, đã có huynh tỷ phát hiện được chi tiết quan trọng đề cập đến thời gian của sự kiện "lần đầu tiên kiến nhận Thiên Nhãn" qua đoạn Thánh giáo sau đây của Đức Ngô:

"Hôm nay, chư đệ tử thiết lễ kỷ niệmđể nhớ ơn thầy,Với các vị tu theo Chiếu Minh, Đức Ngô xưng là "thầy". Còn với các đạo hữu bên phổ độ, Ngài xưng là "Tiên huynh" và thay mặt thầy mời chư đồng đạo các nơi quy tụ đến mảnh đất nhỏ hẹp nầy để đánh dấu lịch sử ngày Thượng Đế ban biểu hiệu cho Đạo Cao Đài trong kỳ ba ân xá. (…)

Tiên Huynh nhận thấy lòng ưu tư và thiết tha đến ngày kỷ niệm nầy của chư hiền đệ hiền muội, nên chư hiền đệ hiền muội từ các phái đoàn các nơi đến thành phần cá nhơn, đã vượt sóng ngàn khơi đến để tưởng nhớ và hân hoan ghi nhận nơi đã phát sinh di tích Đạo Cao Đài." Đức Ngô Minh Chiêu, Cao Đài Hội Thánh-Phú Quốc, 14.3 Đinh Mùi (23.4.1967)

Vậy Đức Ngô đã xác nhận rằng ngày 13 tháng 3 năm Tân Dậu – 1921 Trong quyển Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh (xb 2004) của Nhà Xuất Bản Trẻ ở trang 78, tác giả có ghi ngày Đức Ngô được thấy Thiên Nhãn lần đầu là ngày 20.4.1921. Tra cứu lịch đối chiếu dương lịch và âm lịch thì đó là ngày 13.3 Tân Dậu là thời điểm lần đầu tiên Đức Chí Tôn ban ân cho Ngài "nơi Dương Đông - Phú Quốc … nhận lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn để làm biểu tượng thờ phượng trong đạo Cao Đài".

Sự kiện lịch sử thứ hai có liên quan đến ngày 13 tháng 3 là

2. Ngày Đức Chí Tôn Thiên Phong Chức Sắc Lần Đầu Tiên Và Ban Cho Lời Thề Nhập Môn

Trước khi quyển Khai Đạo của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý được phát hành, đọc các quyển đạo sử khác chúng ta chưa thấy có tác giả nào khi nói đến sự kiện Đức Chí Tôn thiên phong cho ba vị Đại Thiên Phong đầu tiên gồm hai vị Đầu Sư (Thượng Trung Nhựt, Ngọc Lịch Nguyệt) và Phạm Hộ Pháp mà có nhắc đến ngày 13 tháng 3.

Đọc Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1, chúng ta thấy đàn cơ Đức Chí Tôn dạy chư vị Tiền Khai cách thức sẽ tổ chức lễ phong thánh vào ngày rằm tháng 3 Bính Dần - 1926 tại nhà ngài Lê Văn Trung đề ngày 11 và 12 tháng 3 nhưng không ghi rõ địa điểm lập đàn.

Về thời điểm và địa điểm của sự kiện này lại được Đức Đông Phương khẳng định:

"Ngày 13 tháng 3, Tiền Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Chí Tôn đã chọn ngày ấy phong Thánh cho tam vị Đại Thiên Phong Chức Sắc đầu tiên.(…)

Vĩnh Nguyên Tự. Chí Tôn đã dùng nơi này thâu nhận những sứ đồ trung kiên làm nồng cốt ban phong Thiên sắc để nhận lãnh công việc khai đạo truyền bá giáo lý trong Tam Kỳ Phổ Độ."

Chúng ta có thể hiểu đây là cách Ơn Trên điều chỉnh cho chính xác hơn về một thời điểm quan trọng trong đạo sử.

Đi kèm theo sự kiện này, trong nội dung hướng dẫn về nghi thức cuộc Thiên Phong, Đức Chí Tôn đã hướng dẫn thêm về lời thề và cách thức thực hiện minh thệ cho các môn đệ:

" . . . Tới phiên các môn đệ.

Từ người đến bàn Ngũ Lôi mà thề rằng: "Tên gì?. . . Họ gì? . . . Thề rằng: từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng. Hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài. Như sau có lòng hai thì Thiên tru, Địa lục".

Tới trước bàn Hộ Pháp, cũng thề như vậy."

Như vậy, sự kiện lịch sử được Thầy ban cho lời minh thệ để dùng trong các buổi lễ nhập môn cho suốt "thất ức niên" của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng là một chi tiết không kém phần quan trọng khi nhắc đến ngày 13 tháng 3 Bính Dần.

Và sự kiện lịch sử thứ ba là:

3. Ngày Đức Ngô "cởi rồng về Nguyên"

Khoảng 3 giờ chiều ngày 13 tháng 3 năm Nhâm Thân – 1932, các sách sử đạo đều ghi nhận, Đức Ngô Minh Chiêu đã thoát xác trong xe hơi đang qua phà Mỹ Thuận - Tiền Giang trên đường từ Tổ Đình Chiếu Minh ở Cần Thơ trở về Tân An – Long An. Đúng như lời Đức Chí Tôn đã ban cho Đức Ngô từ năm 1924.

"Giờ này Thầy điểm thâm công,

Ngày sau con sẽ cởi rồng về Nguyên."

Trong lúc gần thoát xác, da của Đức Ngô trở vàng như nghệ nhưng sau khi Ngài liễu đạo rồi thì dần trở lại hồng hào như bình thường và mắt trái mở ra. Đã qua ba ngày với hoa tươi phủ quanh thân thể, Đức Ngô vẫn nằm trong tư thế ngủ ngồi trên chiếc ghế loại riêng của người tu Chiếu Minh, sắc mặt bình thường mắt trái vẫn mở.

Sau này, qua thực tế nhiều trường hợp đã cho chúng ta thấy hiện tượng "mắt trái mở" sau khi liễu đạo của những vị đã dầy công quả phổ độ hay tu luyện là tín hiệu báo tin vui quý vị được trở về phục lệnh với Thầy Mẹ sau khi đã hoàn thành sứ mạng.

4. Nhận định:

a. Từ chiếc nôi ở Dương Đông - Phú Quốc, người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài đã trực tiếp thọ nhận Tâm Pháp và kiến nhận Thiên Nhãn vào ngày 13-3 Tân Dậu - 1921 như lời của Đức Đông Phương:

"Là một anh cả trong thập nhị tông đồ đầu tiên. Ngô Văn Chiêu đã kiến nhận và tiếp lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn. Nói về lý số Thiên Nhãn là con số 1, tượng trưng cho Ngôi Thái Cực." Đức Đông Phương CQ, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 20.02 Quí Sửu (24.03.1973)

Về Đạo số, ngày 13 tháng 3 đầu tiên này trong "Tiến trình … sơ khai Đại Đạo" là thời điểm xuất hiện hình ảnh của "Lẽ Một" hay là điểm khởi nguyên.

b. 5 năm sau, tại Vĩnh Nguyên Tự, vào ngày 13 tháng 3 Bính Dần – 1926 hai vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt được Thiên phong. Am dương đã hình thành và chuyển "pháp" để phổ độ nhơn sanh qua vai trò của Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

Về Đạo số, ngày 13 tháng 3 của năm Bính Dần này được Đức Đông Phương giải thích tiếp:

"Kế đến lập thành lưỡng nghi nơi Vĩnh Nguyên Tự.Đó là Nhựt Nguyệt Âm Dương.

Từ Thái Cực biến lưỡng nghi trở thành cái Pháp sanh hóa muôn loài vạn vật mà cái Pháp ấy Hộ Pháp đã tượng trưng." Đức Đông Phương CQ, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 20.02 Quí Sửu (24.03.1973)

Ba vị Đại Thiên Phong đầu tiên được phong thánh. Hình bóng của "Lưỡng nghi" và "Tam cực" cho thấy chiều hướng phóng phát của Đạo để cứu độ vạn linh.

Nhưng nếu nhơn sanh nào "hữu duyên hạnh ngộ Cao Đài" thì trước tiên phải nhập môn với nghi thức đọc lời minh thệ gồm 36 từ trước chư chức sắc và đồng đạo. Đây là bước đầu căn bản phải "gỏ cửa Cao Đài" mà không ai có thể bỏ qua được trước khi học và thực hành Tân Pháp Cao Đài nếu muốn được hưởng duyên lành đại ân xá kỳ ba.

Ngày nay, hầu như chỉ còn tại Vĩnh Nguyên Tự mới duy trì nghi thức nhập môn y như buổi ban đầu đã được Đức Chí Tôn dạy: vừa đọc lời "minh thệ" trước Thiên bàn và vừa đọc trước bàn thờ Hộ Pháp.

c. Và ngày 13 tháng 3 năm Nhâm Thân – 1932, trên sông Tiền của dòng Cửu Long, Đức Ngô đã "cỡi rồng về nguyên" với hình ảnh của mắt trái mở sau khi thoát xác và kể từ đó hình ảnh này đã trở thành dấu hiệu báo tin kết quả một đời tu hoàn thành sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ.

Về Đạo số nếu như ngày 13 tháng 3 năm Tân Dậu là năm thứ nhứt (số sinh) với sự kiện lần đầu tiên Đức Ngô được kiến nhận Thiên Nhãn thì tròn 11 năm sau, cũng vào ngày này của năm Nhâm Thân, vừa bắt đầu cho năm thứ 12 (số thành, đồng thời là con số của Thầy) là thời điểm đánh dấu ngày thành đạo của người đệ tử Cao Đài đầu tiên. Kết quả đã thể hiện lý số của Kinh Dịch và Đạo số của Đấng Cao Đài Giáo Chủ.

Một cách tổng quát, chuổi các sự kiện liên quan đến ngày 13 tháng 3 cho chúng ta thấy hình ảnh "sinh thành" của một chuổi vòng tròn trôn ốc đi từ khởi điểm phát sinh đến giáp mối thành quả. Hình ảnh này gợi ý cho nhân sanh tín hữu lộ trình cần phải thực hiện nếu muốn trở lại với "Nhứt Nguyên". Đó là phải thực hành Tân Pháp Cao Đài (Pháp môn Tam Công).

Và việc Đức Ngô từ năm Tân Dậu được kiến nhận Thiên Nhãn và rồi năm Nhâm Thân "về Nguyên" có gợi ý cho chúng ta hình ảnh và ý nghĩa lời sấm của Ngài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cho dân tộc Việt: "Thân Dậu niên lai kiến thái bình" hay không ? Nếu dân tộc này ý thức thực hiện tốt vai trò "dân Nam sứ mạng tiền phong" trong sứ mạng kỳ ba thì thái bình thạnh trị sẽ đến với Nam bang Thánh địa trước khi lời tiên tri "Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc, Ngày sau làm chủ mới lạ kỳ" sẽ trở thành hiện thực.

KẾT LUẬN

- Như vậy đã có 3 cột mốc thời gian về ngày 13 tháng 3 trong "tiến trình của ngày sơ khai Đại Đạo" qua các năm Tân Dậu-1921, Bính Dần-1926 và Nhâm Thân-1932.

Hàng năm, vào ngày 13 tháng 3 này, với những nơi nào có tổ chức kỷ niệm mà bấy lâu nay thường chỉ trú trọng đến ý nghĩa là ngày "về Nguyên" của Đức Ngô với mắt trái mở thì cũng nên ghi nhớ đến sự kiện lần đầu tiên Ngài được Đức Cao Đài ân ban cho kiến nhận Thiên Nhãn. Và đây cũng là ngày Thiên phong lần đầu tiên cho ba vị cao đồ chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài cùng lời minh thệ được Thầy ban cho trong nghi thức nhập môn. Như thế chúng ta mới có được cái nhìn tổng quát đầy đủ về sử kiện 13 tháng 3 trong "thời kỳ khai nguyên lập đạo".

- Các sự kiện lịch sử này trong chuổi các mốc thời gian hình thành và phát triển của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ giúp cho tín hữu Cao Đài chúng ta thấy rằng không có sự phân chia rạch ròi giữa cơ Phổ Độ và Tâm Pháp. Trái lại, Phổ Độ Công Truyền và Tuyển Độ Tâm Truyền luôn là hai mặt của một thể thống nhứt không thể tách lìa nhau. Tín hữu Cao Đài chúng ta cần phải ý thức rõ điều này để cố gắng thực hành trong một đời tu của mình hầu song hành nhiệm vụ phổ độ và tâm pháp. Một khi hoàn thành sứ mạng sẽ được cỡi rồng về nguyên như lời Đức Ngô Minh Chiêu có dạy:

"Ngày nay tuy lòng người còn phân cách công truyền, tâm truyền nhưng đến một lúc nào đó sẽ thấy phải có đủ công truyền tâm truyền mới tạo Tiên tác Phật được. Thử nhìn lại lịch sử từ ngàn xưa không có vị Phật Tiên nào mà thiếu Tam Công." Đức Ngô Minh Chiêu, Minh Đức Tu Viện, mồng 1 tháng 2 Tân Dậu (06.3.1981)

- Ba mốc thời gian liên quan đến ngày 13 tháng 3 cho thấy hình bóng các con số 1, 2, 3, 12, 36 … của Đạo số

. Khởi đầu với số sinh (1) là Thiên Nhãn xuất hiện tượng trưng (Thái Cực)

. 2 Nhị vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt tượng trưng (Lưỡng Nghi)

. 3 Hộ Pháp Phạm Công Tắc

. Và số thành (12) gợi ý nếu muốn có kết quả thành đạo như Đức Ngô thời phải khởi đầu từ con số 36 qua lời minh thệ nhập môn.
Đạt Tường sưu tầm

Thần tiên diệu bút / Đạt Tường sưu tầm

Thống nhất - Quy nguyên / Đạt Tường sưu tầm

Thâu nhận sanh linh theo thiên thơ / Đạt Tường sưu tầm

Ý nghĩa ngày 13 tháng 3 âm lịch / Đạt Tường sưu tầm

Thần tiên diệu bút / Đạt Tường sưu tầm

Học đạo để nên người thánh thiện,
Tu hành cần rèn luyện thân tâm,
Có thân, thân chớ đọa trầm,
Có tâm, tâm chớ lạc lầm phàm phu.

Đức Đông Phương Lão Tổ, CQPTGL, 04-6 tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây