Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
01/08/2006
Lê Anh Minh trích dịch

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 23/02/2010

Tây Minh

Tây Minh vốn là đoạn văn đầu của thiên Càn Xưng 乾 稱 trong Chính Mông正 蒙 của Trương Hoành Cừ, tức Trương Tái (1020-1077). Trương Tái chép đoạn đầu thiên này vào vách tường phía tây nơi thư phòng (ông đặt tên là Đính Ngoan 訂 頑 ); rồi chép đoạn cuối thiên này vào vách tường phía đông (ông đặt tên là Biếm Ngu 砭 愚 ).
Trình Di thấy thế, đổi Đính Ngoan thành Tây Minh, và đổi Biếm Ngu thành Đông Minh. Sau đó Chu Hi tách bài Tây Minh này ra thành một bài độc lập và chú giải nó. Bài Tây Minh của Trương Tái và Thái Cực Đồ Thuyết của Chu Liêm Khê là hai áng văn bất hủ của Tống Nho.

Tống Sử (Đạo Học Truyện) chép: "Trương Tái 張 載 tự là Tử Hậu 子 厚 , người Trường An長 安 , thuở nhỏ thích bàn luận việc binh. [...] Năm 21 tuổi, ông mang thư giới thiệu đến yết kiến Phạm Trọng Yêm范 仲 淹 (989-1052). Vừa gặp lần đầu, Trọng Yêm biết Tái là người tài có tư chất cao viễn, bèn nhắc nhở Tái: "Nhà Nho tự có danh phận và lễ giáo, đủ làm vui; cần chi đến việc binh?" Nhân đấy Trọng Yêm khuyên Tái đọc Trung Dung. Tái đọc sách ấy, cho là chưa đủ, bèn tìm hiểu Phật và Lão. Nhiều năm thâm cứu Phật và Lão, nhưng ông thấy không có sở đắc gì cả, bèn quay về học lục kinh (tức Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu). [...] Ông cùng Trình Minh Đạo và Trình Y Xuyên bàn luận về tinh yếu của Đạo học, rồi trở nên tự tin, nói: "Đạo Nho của ta tự đủ, cần gì tìm cầu bàng môn tả đạo?" Từ đó ông vất bỏ các môn học khác, mà chuyên theo Nho học. [...] Trương Tái chuyên cổ học và gắng công rèn luyện, trở thành bậc thầy của nhân sĩ ở Quan Trung關 中 (vùng hạ lưu sông Vị ở Thiểm Tây); người đời gọi ông là "Hoành Cừ 橫 渠 tiên sinh" (ông thầy ở trấn Hoành Cừ, huyện Mi)."
(Trương Tái, tự Tử Hậu, Trường An nhân, thiếu hỉ đàm binh. [...] Niên nhị thập nhất, dĩ thư yết Phạm Trọng Yêm, nhất kiến tri kỳ viễn khí. Nãi cảnh chi viết: "Nho giả tự hữu danh giáo khả lạc, hà sự ư binh?" Nhân khuyến độc Trung Dung. Tái độc kỳ thư, do dĩ vi vị túc. Hựu phỏng chư Thích, Lão, luỹ niên cứu cực kỳ thuyết, tri vô sở đắc, phản nhi cầu chi lục kinh. [...] Dữ Nhị Trình ngứ Đạo học chi yếu, hoán nhiên tự tín, viết: "Ngô đạo tự túc, hà sự bàng cầu?" Ư thị tận khí dị học, thuần như dã. [...] Tái cổ học lực hành, vi Quan Trung sĩ nhân tông sư, thế xưng vi Hoành Cừ tiên sinh. 張 載 字 子 厚 , 長 安 人 , 少 喜 談 兵 . [...] 年 二 十 一 , 以 書 謁 范 仲 淹 , 一 見 知其 遠 器 . 乃 警 之 曰 : 儒 者 自 有 名 教 可 樂 , 何 事 兵 因 勸 讀 中 庸 . 載 讀 其 書 , 猶 以 為 未足 . 又 訪 諸 釋 老 , 累 年 究 極 其 說 , 知 無 所 得 , 反 而 求 之 六 經 . [...] 與 二 程 語 道 學之 要 , 渙 然 自 信 , 曰 吾 道 自 足 , 何 事 旁 求 於 是 盡 棄 異 學 , 淳 如 也 . [...] 載 古 學 力行 , 為 關 中 士 人 宗 師 , 世 稱 為 橫 渠 先 生 )

Theo Bàng Phác (Trung Quốc Nho Học, Đông Phương xuất bản trung tâm, 1997, tập 1, tr.126) nguyên quán của Trương Tái là Đại Lương 大 梁 (nay là Khai Phong 開 封 , tỉnh Hà Nam 河 南 ). Cha ông là Trương Địch 張 迪 , làm tri châu ở Phù Châu 涪 州 , qua đời tại nhiệm sở. Anh em ông còn bé, không thể trở về cố hương, nên trú ngụ ở trấn Hoành Cừ 橫 渠 , huyện Mi 郿 thuộc Phượng Tường 鳳 翔 (nay là huyện Mi 眉 , tỉnh Thiểm Tây 陝 西 ). Về sau, ông nổi danh và luôn giảng dạy ở Hoành Cừ, nên người đời mới gọi ông là Hoành Cừ tiên sinh. Trương Tái đỗ tiến sĩ vào những năm Gia Hựu 嘉 祐 (1056-1063) đời vua Tống Nhân Tông 宋 仁 宗 , và giữ nhiều chức quan như Tư Pháp Tham Quân ở Kỳ Châu 祁 州 , huyện lệnh của huyện Vân Nham 雲 岩 thuộc Đan Châu 丹 州 , Phán quan ở Vị Châu 渭 州 , rồi làm việc trong Sùng Văn Viện 崇 文 院 và Thái Thường Lễ Viện 太 常 禮 院 . Năm 21 tuổi, Trương Tái cầu kiến Phạm Trọng Yêm, bấy giờ Trọng Yêm làm Kinh Lược An Phủ Phó Sứ tại Thiểm Tây.

Trương Tái dành phần lớn cuộc đời của ông để dạy học, tuy rằng ông có đảm nhiệm một vài chức quan, và ông thôi làm quan sau khi đụng độ nhà cải cách Vương An Thạch (1021-1086). Ông là chú của Trình Hạo và Trình Di; bước ngoặt lớn trong đời ông là khi ông gặp lại họ năm 1056, và quan điểm của họ đã thay đổi ông. Ông sống nghèo, khi ông mất các đệ tử phải gom góp tiền bạc để mua áo quan cho ông.

Y Lạc Uyên Nguyên Lục 伊 洛 淵 源 錄 , quyển 6, chép lời Lã Đại Lâm 呂 大 臨 (?-1090) rằng: Trương Tái mất năm Hi Ninh thứ 10 đời Tống Thần Tông (tức năm 1077). Ông trứ tác: Chính Mông 正 蒙 , Kinh Học Lý Quật 經 學 理 窟 , và Dịch Thuyết 易 說 . Trong đó, Chính Mông là tác phẩm quan trọng nhất. Về hành trạng của Trương Tái, Lã Đại Lâm viết: "Mùa thu năm Hi Ninh thứ 9 (tức 1076), Hoành Cừ tiên sinh nằm ngủ thấy một giấc mộng kỳ lạ, bèn vội vàng viết thư cho đệ tử nói về việc ấy. Sau đó, ông tập hợp những lời đã giảng, viết thành sách gọi là Chính Mông. Đưa sách cho các đệ tử xem, ông nói: "Sách này là sở đắc của ta sau bao năm suy tư rốt ráo; lời lẽ của nó đương nhiên phù hợp với thánh nhân thuở trước.""
(Hi Ninh cửu niên thu, tiên sinh cảm dị mộng, hốt dĩ thư chúc môn nhân, nãi tập sở lập ngôn, vị chi Chính Mông. Xuất thị môn nhân viết: "Thử thư dư lịch niên trí tư chi sở đắc, kỳ ngôn đãi dữ tiền thánh hợp." 熙 寧 九 年 秋 , 先 生 感 異 夢 , 忽 以 書 屬 門 人 , 乃 集 所 立 言 , 謂 之 正 蒙 . 出 示 門 人 曰 : 此 書 予 歷 年 致 思 所 得 , 其 言 殆 與 前 聖 合 )
Y Lạc Uyên Nguyên Lục được viết xong năm 1173 dưới sự chỉ đạo của Chu Hi. Đây là một nguồn tham khảo chính yếu về Đạo học trước thời Chu Hi. Như vậy, theo Lã Đại Lâm, thì Chính Mông (mà trong đó có bài Tây Minh) là sự kết tinh tư tưởng cả một đời của Trương Hoành Cừ.

Người tín hữu Cao Đài, xem Trời là Đại Từ Phụ (người cha lớn hiền từ), xem Đất là Địa Mẫu; đồng đạo xưng hô nhau là "huynh, tỷ, đệ, muội". Về cơ bản, điều ấy không khác với tinh thần của bài Tây Minh này. Do đó áng văn bất hủ này có thể xem là một tài liệu tham khảo cần thiết vậy.

Nguyên văn bài Tây Minh:
乾 稱 父 , 坤 稱 母 ; 予 茲 藐 焉 , 乃 混 然 中 處 . 故 天 地 之 塞 , 吾 其體 ; 天 地 之 帥 吾 其 性 , 民 吾 同 胞 ; 物 吾 與 也 . 大 君 者 , 吾 父 母 宗 子 ; 其 大 臣 , 宗 子之 家 相 也 . 尊 高 年 所 以 長 其 長 , 慈 孤 弱 所 以 幼 其 幼 , 聖 其 合 德 , 賢 其 秀 也 . 凡 天 下疲 癃 殘 疾 , 惸 獨 鰥 寡 , 皆 吾 兄 弟 之 顛 連 而 無 告 者 也 . 於 時 保 之 , 子 之 翼 也 , 樂 且 不憂 , 純 乎 孝 者 也 . 違 曰 悖 德 , 害 仁 曰 賊 , 濟 惡 者 不 才 , 其 踐 形 , 惟 肖 者 也 . 知 化 則善 述 其 事 , 窮 神 則 善 繼 其 志 . 不 愧 屋 漏 為 無 忝 , 存 心 養 性 為 匪 懈 . 惡 旨 酒 , 崇 伯 子之 顧 養 ; 育 英 才 , 潁 封 人 之 錫 類 . 不 弛 勞 而 底 豫 , 舜 其 功 也 . 無 所 逃 而 待 烹 , 申 生其 恭 也 . 體 其 受 而 歸 全 者 , 參 乎 ; 勇 於 從 而 順 令 者 , 伯 奇 也 . 富 貴 福 澤 , 將 厚 吾 之生 也 ; 貧 賤 憂 戚 , 庸 玉 女 於 成 也 . 存 吾 順 事 , 沒 吾 寧 也 .
Phiên âm:
Càn xưng phụ, Khôn xưng mẫu; dư tư miểu yên, nãi hỗn nhiên trung xử.(1) Cố thiên địa chi tắc,(2) ngô kỳ thể; thiên địa chi soái, ngô kỳ tính; dân ngô đồng bào;(3) vật ngô dữ(4) dã. Đại quân giả, ngô phụ mẫu tông tử;(5) kỳ đại thần, tông tử chi gia tướng dã. Tôn cao niên sở dĩ trưởng kỳ trưởng, từ cô nhược sở dĩ ấu kỳ ấu, thánh kỳ hợp đức, hiền kỳ tú dã. Phàm thiên hạ bì lung(6) tàn tật, quỳnh độc quan quả,(7) giai ngô huynh đệ chi điên liên nhi vô cáo(8) giả dã. Ư thời bảo chi, tử chi dực(9) dã, lạc thả bất ưu, thuần hồ hiếu giả dã. Vi viết bội đức,(10) hại nhân viết tặc,(11) tế (12) ác giả bất tài, kỳ tiễn hình, duy tiếu giả dã.(13) Tri hoá tắc thiện thuật kỳ sự, cùng thần tắc thiện kế kỳ chí.(14) Bất quý ốc lậu vi vô thiểm, tồn tâm dưỡng tính vi phỉ giải.(15) Ố chỉ tửu, Sùng Bá tử chi cố dưỡng;(16) dục anh tài, Dĩnh Phong Nhân chi tích loại.(17) Bất thỉ lao nhi để dự, Thuấn kỳ công dã.(18) Vô sở đào nhi đãi phanh, Thân Sinh kỳ cung dã.(19) Thể kỳ thụ nhi quy toàn giả, Sâm hồ;(20) dũng ư tòng nhi thuận lệnh giả, Bá Kỳ dã.(21) Phú quý phúc trạch, tương hậu ngô chi sinh dã; bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ ư thành dã.(22) Tồn ngô thuận sự, một ngô ninh dã.
Chú giải:
(1) "Càn vi phụ, [...] nãi hỗn nhiên trung xử" tóm tắt toàn nội dung của bài này. Ý tưởng "Càn là cha, Khôn là mẹ" phát xuất từ Thuyết Quái. Chu Hi chú: "Con người phú bẩm khí từ trời, được ban hình thể từ đất. Cái thân thể nhỏ bé của ta đứng trong đó, chính là đạo làm con vậy." (Nhân bẩm khí ư thiên, phú hình ư địa, dĩ miểu nhiên chi thân nhi vị hồ trung, tử đạo dã. 人 稟 氣 於 天 , 賦 形 於 地 , 以 藐 然 之 身 而位 乎 中 , 子 道 也 ). Hỗn nhiên trung xử = ý nói tương hợp với trời đất mà đứng ở giữa trời đất.
(2) Thiên địa chi tắc = cái lấp đầy trời đất, tức là khí. Khí tụ thì sinh người và vật. Mạnh Tử (Công Tôn Sửu, thượng) nói đó là khí hạo nhiên, lấp đầy trời đất: "Kỳ vi khí dã, chí đại chí cương, dĩ trực dưỡng nhi vô hại, tắc tắc ư thiên địa chi gian." 其 為 氣 也 , 至 大 至 剛 , 以 直 養 而 無 害 , 則 塞 於 天 地 之 間 (Đó là khí; khí ấy rất lớn rất cứng, nuôi dưỡng khí thì vô hại, nên khí ấy lấp đầy trời đất).
(3) Đồng bào 同 胞 = cùng một ruột của mẹ sinh ra. Thí dụ anh em ruột gọi là bào huynh, bào đệ. Anh em cùng cha khác mẹ thì gọi là anh em dị bào. Câu "dân ngô đồng bào" ý nói dân là anh em của ta, cùng một mẹ sinh ra. Cũng từ ý này mà người lãnh đạo quốc gia gọi dân chúng là đồng bào, và dân chúng thường xem nhau là tứ hải giai huynh đệ (người trong bốn biển đều là anh em).
(4) Dữ 與 = bạn bè (đảng dữ 黨 與 , đồng bạn 同 伴 ).
(5) Tông tử 宗 子 = con trai cả (đích trưởng tử 嫡 長 子 ) có quyền thừa kế.
(6) Bì lung 疲 癃 = già yếu nhiều bệnh (lão suy đa bệnh 老 衰 多 病).
(7) Quỳnh 惸 = người trơ trọi không anh em; độc 獨 = già không con; quan 鰥 = già không vợ; quả 寡 = già không chồng. Mạnh Tử (Lương Huệ Vương, hạ) chép: "Lão nhi vô thê viết quan, lão nhi vô phu viết quả, lão nhi vô tử viết độc, ấu nhi vô phụ viết cô. Thử tứ giả, thiên hạ chi cùng dân nhi vô cáo giả." 老 而 無 妻 曰 鰥 , 老 而 無 夫 曰 寡 , 老 而無 子 曰 獨 , 幼 而 無 父 曰 孤 . 此 四 者 , 天 下 之 窮 民 而 無 告 也 (Già không vợ gọi là quan, già không chồng gọi là quả, già không con gọi là độc, nhỏ không cha gọi là cô. Bốn hạng này là những dân bế tắc cùng đường trong thiên hạ, có khổ cũng không biết kể lể than thở với ai).
(8) Điên liên nhi vô cáo 顛 連 而 無 告 = chật vật khốn khổ không biết kể lể với ai, không biết than thở cùng ai.
(9) Dực 翼 = cung kính. Chu Hi chú: "Uý thiên dĩ tự bảo giả, do kỳ kính thân chi chí dã; lạc thiên nhi bất ưu giả, do kỳ ái thân chi chí dã." 畏 天 以 自 保 者 猶 其 敬 親 之 至 也 ; 樂 天 而 不 憂 者 猶 其 愛 親之 至 也 (Sợ trời mà tự bảo vệ mình, giống như mình tôn kính cha mẹ rất mực; vui với mệnh trời mà chẳng lo buồn, giống như mình yêu cha mẹ rất mực vậy).
(10) Vi 違 = làm trái [lệnh cha mẹ]; bội 悖 = ngỗ nghịch. Vi viết bội đức 違 曰 悖 德 = làm trái lệnh cha mẹ là phẩm hạnh của đứa con ngỗ nghịch.
(11) Hại nhân viết tặc = kẻ hại điều nhân thì gọi là tặc. Mạnh Tử (Lương Huệ Vương, hạ): "Tặc nhân giả vị chi tặc, tặc nghĩa giả vị chi tàn." 賊 仁 者 謂 之 賊 , 賊 義 者 謂 之 殘 (Kẻ làm hại điều nhân thì gọi là tặc; kẻ làm hại điều nghĩa thì gọi là tàn).
(12) Tế 濟 = tạo thành (thành 成 ). Tế ác giả bất tài = kẻ gây ác là hạng bất tài.
(13) Tiễn hình 踐 形 = giữ được nguyên hình sắc như thuở ban đầu. Mạnh Tử (Tận Tâm, thượng): "Hình sắc, thiên tính dã. Duy thánh nhân nhiên hậu khả dĩ tiễn hình." 形 色 , 天 性 也 . 惟 聖 人 然 後 可 以 踐 形 (Hình sắc của con người là thiên tính. Chỉ có thánh nhân mới có thể giữ được nguyên hình sắc như thuở ban đầu). Ý nói phàm phu bị vật dục che lấp nên không còn giữ nguyên hình sắc thuở sơ sinh. Tiếu 肖 = giống hệt (ở đây là giống hệt cha mẹ). Kỳ tiễn hình, duy tiếu giả dã = ai giữ được nguyên hình sắc như thuở ban đầu mới là giống hệt cha trời mẹ đất.
(14) Cùng thần và tri hoá lấy từ Hệ Từ Hạ: "Cùng thần tri hoá, đức chi thịnh dã." 窮 神 知 化 , 德 之 盛 也 (Hễ nghiên cứu đến tận cùng cái thần diệu của sự vật, ta hiểu được sự biến hoá của chúng; đó là thịnh đức). Thiện thuật và thiện kế lấy từ Trung Dung: "Phù hiếu giả, thiện kế nhân chi chí, thiện thuật nhân chi sự giả dã." 夫 孝 者 善 繼 人 之 志 , 善 述 人 之 事 者也 (Hiếu thảo là nối được chí lớn của cha, tiếp tục được sự nghiệp hãy còn dang dở của cha). Tri hoá tắc thiện thuật kỳ sự, cùng thần tắc thiện kế kỳ chí = hiểu được sự biến hoá của sự vật tức là nối nghiệp cha trời, nghiên cứu đến tận cùng cái thần diệu của sự vật, là nối được chí lớn của cha trời.
(15) Quý 愧 = hổ thẹn. Ốc lậu 屋 漏 = chỗ khuất vắng trong nhà. Thiểm 忝 = nhục nhã. Phỉ giải 匪 懈 = không biếng lười. Bất quý ốc lậu vi vô thiểm, tồn tâm dưỡng tính vi phỉ giải = cẩn thận ở một mình, dù ở chỗ khuất vắng mà không làm điều hổ thẹn với lương tâm, đó là một hiếu tử không làm nhục cha trời.
(16) Ố chỉ tửu 惡 旨 酒 = ghét rượu (vì rượu làm loạn tâm tính). Sùng Bá 崇 伯 = bá tước của nước Sùng, tức là ông Cổn 鯀 ; Sùng Bá tử = người con của bá tước nước Sùng, tức là ông Vũ 禹 . Mạnh Tử (Ly Lâu, hạ) chép: "Vũ ố chỉ tửu nhi hiếu thiện ngôn." 禹 惡 旨 酒 而 好 善 言 (Ông Vũ ghét rượu, chỉ thích lời nói tốt lành). Cố dưỡng 顧 養 = quan tâm đến sự dưỡng dục [của cha mẹ]. Ố chỉ tửu, Sùng Bá tử chi cố dưỡng = ghét rượu [vì rượu làm loạn tâm tính], đó là sự quan tâm của ông Vũ đến công dưỡng dục của cha mẹ.
(17) Dĩnh Phong Nhân 潁 封 人 = Dĩnh Khảo Thúc 潁 考 叔 (?-712 TCN), người nước Trịnh thời Xuân Thu, làm chức phong nhân 封 人 (quan quản lý đất đai) ở Dĩnh Cốc 潁 谷 (nay là huyện Đăng Phong 登 封 , tỉnh Hà Nam 河 南 ). Tích loại 錫 類 = ban ân đức cho đồng loại. Tả Truyện (Ẩn Công nguyên niên): "Dĩnh Khảo Thúc thuần hiếu dã, ái kỳ mẫu thi cập Trang Công." 潁 考 叔 純 孝也 , 愛 其 母 施 及 莊 公 (Dĩnh Khảo Thúc là người chí hiếu, lòng yêu mẹ của ông cảm hoá được Trang Công). Dĩnh Khảo Thúc làm chức quan phong nhân, đến ra mắt vua Trịnh Trang Công. Vua ban thức ăn, Khảo Thúc không ăn tại chỗ, nói rằng sẽ đưa lộc vua về dâng mẹ ăn. Trịnh Trang Công xúc động than: "Nhĩ hữu mẫu di, ê ngã độc vô." 爾 有 母 遺 , 繄 我 獨 無 (Ngươi còn mẹ, riêng ta không mẹ). Mẹ của Trang Công là Khang thị 姜 氏 , thương Thúc Đoạn 叔 段 (là em của Trang Công) hơn Trang Công, bởi vì lúc sinh Trang Công bà sinh ngược, rất đau đớn, nên ghét bỏ Trang Công. Khang Thị âm mưu lật đổ Trang Công để đưa Thúc Đoạn lên ngôi. Trang Công phá được âm mưu này, oán hận mẹ, bèn lưu đày mẹ đến Thành Dĩnh 城 潁 (nay là huyện Lâm Dĩnh 臨 潁 , tỉnh Hà Nam), và thề độc: "Bất cập hoàng tuyền, vô tương kiến dã." 不 及 黃 泉 無 相 見 也 (Chừng nào đến suối vàng thì mới gặp nhau. = Chừng nào chết thì mới gặp nhau, chứ còn sống thì không). Cũng nhân chuyện này mà Khảo Thúc đến cảm hoá Trang Công. Nghe vua than thở, Khảo Thúc vờ hỏi lý do. Vua nói rất hối hận vì đã thề độc và đày mẹ. Khảo Thúc bày kế, đào một địa đạo, coi như là suối vàng, để hai mẹ con nhận nhau, hoá giải lời thề. Dục anh tài, Dĩnh Phong Nhân chi tích loại = nuôi dưỡng anh tài là ban ân đức cho đồng loại, [thể hiện đạo hiếu] của Dĩnh Khảo Thúc [đối với cha trời mẹ đất].
(18) Bất thỉ lao 不 弛勞 = cố hết sức, toàn tâm toàn lực. Để dự 底 豫 = rất vui vẻ (trí lạc 致 樂 ). Mạnh Tử (Ly Lâu, thượng): "Thuấn tận sự thân chi đạo nhi Cổ Tẩu để dự nhi thiên hạ hoá." 舜 盡 事 親 之 道 而 瞽 瞍 底 豫 而 天 下 化 (Vua Thuấn chí hiếu, cha ông là Cổ Tẩu vui lòng; việc ấy cảm hoá được thiên hạ). Bất thỉ lao nhi để dự, Thuấn kỳ công dã = Tận tâm chí hiếu để cha mẹ vui lòng, đó là công của vua Thuấn.
(19) Đãi phanh 待 烹 = chờ bị giết. Tấn Hiến Công 晉 獻 公 nghe lời dèm pha, muốn giết thế tử là Thân Sinh 申 生 . Thân Sinh không chạy trốn, cung kính lạy vua và tự treo cổ chết. Vua cho tên thuỵ là Cung 恭 . Vô sở đào nhi đãi phanh, Thân Sinh kỳ cung dã = không chạy trốn mà chỉ đợi bị giết, đó là Thân Sinh cung kính mệnh cha vậy.
(20) Thể kỳ thụ = thân thể nhận lĩnh từ cha mẹ. Quy toàn = giữ gìn toàn vẹn cho đến lúc chết. Sâm = Tăng Sâm 曾 參 . Lễ Ký (Tế Nghĩa) chép: "Phụ mẫu toàn nhi sinh chi, tử toàn nhi quy chi, khả vị hiếu hĩ; bất khuy kỳ thể, bất nhục kỳ thân, khả vị toàn." 父 母 全 而 生 之 , 子 全 而 歸 之 , 可 謂 孝 矣 ; 不 虧 其 體 , 不 辱 其 親 , 可 謂 全 (Cha mẹ sinh con lành lặn, con trở về lành lặn, đó là hiếu vậy. Không làm thương tổn thân thể, không làm nhục cha mẹ, đó cũng gọi là toàn vẹn). Thể kỳ thụ nhi quy toàn giả, Sâm hồ = giữ gìn toàn vẹn thân thể do cha mẹ sinh ra cho đến lúc chết, đó là Tăng Sâm.
(21) Bá Kỳ 伯 奇 là người đời Chu, con của Cát Phủ 吉 甫 , bị cha đuổi đi. Cát Phủ là cha hiền, dạy con nghiêm khắc. Bá Kỳ là con hiếu, vâng lệnh cha không dám cãi. Dũng ư tòng nhi thuận lệnh giả, Bá Kỳ dã = một mực vâng lời cha, đó là Bá Kỳ.
(22) Dung ngọc nhữ 庸 玉 女 (汝) = cho ngươi ngọc quý. Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ ư thành dã = nghèo hèn lo buồn là ngọc quý trời cho ngươi để mài giũa. Ý nói khi con người sống trong nghịch cảnh thì đó là dịp rèn luyện tu dưỡng để đạt được thành tựu tối cao.
Bản dịch:
Càn (trời) là cha, Khôn (đất) là mẹ; tấm thân nhỏ nhoi của ta tương hợp với trời đất mà đứng ở giữa. Cho nên cái khí lấp đầy trời đất là thân thể của ta. Cái thống lĩnh trời đất là bản tính của ta. Người dân là đồng bào của ta. Vạn vật là bè bạn của ta. Nhà vua là con cả của cha mẹ ta (tức trời đất). Quan đại thần là người quản lý việc nhà của con cả. Hãy tôn trọng bậc trưởng thượng, vì họ là bậc trưởng thượng [của trời đất] đáng cho mình tôn trọng; hãy thương xót trẻ mồ côi yếu đuối, vì chúng là trẻ thơ ấu [của trời đất] đáng cho mình thương. Thánh nhân hợp nhất với đức [của trời đất]; hiền nhân là bậc ưu tú [của trời đất]. Trong thiên hạ những kẻ già yếu, tàn tật, không anh em, già không con, già không vợ, già không chồng, đều là anh em của ta; họ chật vật khốn khổ mà không biết than thở cùng ai. [Kẻ khá giả] tuỳ thời mà bảo bọc những kẻ đáng thương ấy, đó là thể hiện lòng tôn kính [cha trời mẹ đất]; [kẻ khốn đốn] vui với mệnh trời, không lo buồn tủi phận, đó là thể hiện lòng chí hiếu với [cha trời mẹ đất]. Làm trái lệnh cha mẹ là phẩm hạnh của đứa con ngỗ nghịch. Kẻ làm hại điều nhân gọi là tặc. Kẻ gây ác là hạng bất tài. Ai giữ được nguyên hình sắc như thuở ban đầu mới là giống hệt cha trời mẹ đất. Ai hiểu được sự biến hoá của sự vật tức là nối được sự nghiệp của cha trời; ai nghiên cứu đến tận cùng cái thần diệu của sự vật, là nối được chí lớn của cha trời. Cẩn thận khi ở một mình, dù ở chỗ khuất vắng mà không làm điều hổ thẹn với lương tâm, đó là một hiếu tử không làm nhục cha trời. Luôn gìn giữ tâm và nuôi dưỡng tính, đó là hiếu tử không biếng lười của cha trời. Ghét rượu [vì rượu làm loạn tâm tính], đó là sự quan tâm ông Vũ đến công lao dưỡng dục của cha trời mẹ đất. Nuôi dưỡng anh tài là ban ân đức cho đồng loại [thể hiện đạo hiếu] của Dĩnh Khảo Thúc [đối với cha trời mẹ đất]. Tận tâm chí hiếu để cha mẹ vui lòng, đó là công của vua Thuấn. Không chạy trốn [số mệnh] mà chỉ đợi bị giết, đó là Thân Sinh cung kính thiên mệnh vậy. Giữ gìn toàn vẹn thân thể do cha mẹ sinh ra cho đến lúc chết, đó là Tăng Sâm. Một mực vâng lời cha, đó là Bá Kỳ. [Cha trời mẹ đất cho ta] phú quý hạnh phúc, là làm dầy dặn cuộc sống của ta; cho ta nghèo hèn lo buồn, tức là cho ngọc quý để ta mài giũa vậy. Khi còn sống, ta cứ thuận theo Trời mà hành sự; khi ta chết, ta cảm thấy thanh thản an bình.
Lê Anh Minh trích dịch
Tây Minh / Lê Anh Minh trích dịch

Các con tuân lịnh của Thầy ban,
Độ thế qua cơn thế khổ nàn,
Đem tiết xuân gieo cùng khắp chốn,
Để đời tận hưởng thú vinh quang.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây