Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
24/04/2007
Tuổi Trẻ Online

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 20/02/2010

Nữ sĩ Huuỳnh Thị Bảo Hòa

Năm 2003, NXB văn học xuất bản cuốn Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa- Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên do Thy Hảo Trương Duy Hy biên soạn dày 287 trang.

Đây là tuyển tập công phu và giá trị về một sự kiện và nhân vật của mảnh đất miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng.

Được sự giúp đỡ và ủy quyền của gia đình bà Bảo Hòa, ông Trương Duy Hy tiếp tục có những phát hiện mới về cây bút từng được những người uy danh đương thời như Huỳnh Thúc Kháng, nhà thơ Tản Đà, chủ báo Bùi Thế Mỹ... khâm phục, phong là "Ngọn cờ tiên phong cho đạo quân nương tử trong làng quần thoa...". 

Bà Huỳnh Thị Bảo Hoà (1896-1982) là người làng Đa Phước, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), xuất thân trong một gia đình có cha là võ quan triều Nguyễn, sau tham gia Hội Cần vương Quảng Nam.

Bản tính thông minh, ham học hỏi lại được giáo dục kỹ lưỡng, từ nhỏ Huỳnh Thị Thái (tên  hồi nhỏ của  bà Huỳnh Thị Bảo Hoà) đã học chữ Hán, chữ Quốc Ngữ, chữ Pháp và được xem là người phụ nữ tiến bộ nhất địa phương lúc bấy giờ. 

Từ điển văn học (bộ mới) của NXB Thế giới có hai trang giới thiệu về bà, người viết là Đặng Thị Hảo, cùng nhiều tài liệu khác do soạn giả Thy Hảo Trương Duy Hy sưu tầm rất thuyết phục, thể hiện bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ.

"Tây phương mỹ nhân" bà viết khi 31 tuổi, dài 2 tập là cuốn tiểu thuyết tâm lý (bản gốc hiện lưu tại Thư viện Quốc gia Hà Nội) lừng danh thời đó, được Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Bùi Thế Mỹ, Phạm Quỳnh viết lời tựa, hết lời khen ngợi, xác định công trạng "vỡ núi mở đường" của bà trong lĩnh vực này.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng dùng chữ "nương tử" chỉ bà với hàm ý "người đàn bà có tài ví như một đạo quân".

Bà cũng là người phụ nữ VN đầu tiên khảo cứu, biên khảo lịch sử bằng Quốc ngữ, tác phẩm tiêu biểu "Chiêm thành lược khảo" từng gây tiếng vang lớn và được giới học thuật bấy giờ đánh giá cao, đích thân Phạm Quỳnh viết lời tựa.

Bà viết cả kịch bản cho Tuồng, vở  "Huyền Trân Công Chúa" (1933) đã được đón nhận rất nồng nhiệt.

Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa còn là nhà báo. Thực nghiệp dân báo (Journal Quotidien - Hà Nội), Nam Phong (Hà Nội), Tiếng Dân (Huế), Đông Pháp thời báo, Phụ nữ Tân văn (Sài Gòn) những năm 1941... đều có chung nhận xét bà là người "vang danh trên mặt báo", và là người "khua chuông gióng trống trên văn đàn"...

Bà Nà du ký của bà (đăng trên tạp chí Nam Phong số 163, tháng 6-1931), để lại một thể loại văn phong và cái nhìn tinh tế, là tài liệu quý giá về "mảnh đất vàng" cho hôm nay nghiên cứu và khai thác...

Đẹp duyên cùng đại học sĩ Vương Khả Lãm, Huỳnh tiểu thơ từ vùng ngoại ô theo chồng về sống nơi thị thành, không những sớm thích nghi mà còn đi tiên phong tiếp thu tinh thần duy tân của các phong trào yêu nước phát động hồi ấy.

Vương phu nhân là người phụ nữ đầu tiên của Đà Thành cắt tóc ngắn và sử dụng xe đạp đi lại trong thành phố, thể hiện phong cách người phụ nữ mới.

Để cổ suý cho phong trào phụ nữ văn minh, bà thường đăng đàn diễn thuyết tại Hội Lạc thiện Tourane và Công quán Tourane (nay là Nhà hát Trưng Vương, ĐN).

Bà kêu gọi chị em phụ nữ phải học chữ Quốc ngữ, phải biết nuôi con, chăm sóc gia đình và hoạt động xã hội; phải biết vận dụng kiến thức khoa học nhưng cũng phải biết tiết kiệm...

Bà cũng là một trong 7 phụ nữ Đà Nẵng đầu tiên tham gia Nữ công học hội và được cử làm hội trưởng.

Vẻ đẹp của người phụ nữ đặc biệt này vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của một số bậc cao niên.

Nhà nhiếp ảnh lão thành Phụng Ký đã ngoài 90 tuổi vẫn còn rất minh mẫn cho biết, bà Bảo Hoà là một phụ nữ đẹp nổi tiếng thời đó, vẻ đẹp đài các không son phấn, không mũm mĩm như các cô, các bà ở mãi trong khuê phòng.

"Nước da trắng mịn, sống mũi thẳng, đôi mắt to sáng luôn nhìn như xuyên thấu vào người đối diện, đó là một khuôn mặt toát lên sự thông minh, lanh lẹ và bản lĩnh cao cường".

Nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ (hiện sinh hoạt tại CLB hưu trí Thái Phiên, ĐN) nhớ, thời đó đàn bà không đi xe đạp, bậc mỹ nhân như bà Bảo Hoà càng là một sự lạ.

Ông thỉnh thoảng vẫn thấy bà Bảo Hòa đi lại bằng xe đạp (chiếc xe màu đen của Pháp hiệu Pơ-rô), dáng dấp bà rất quý phái, ai gặp cũng phải trầm trồ!

Ông Vương Khả Lãm càng về già càng hiền lành ẩn dật thì bà càng kỷ cương, cứng rắn. Chỉnh đốn con cái từ lời ăn tiếng nói, con lớn đã có gia đình rồi, vẫn phải đi thưa về trình và có gì sai trái vẫn bị nọc ra đánh bằng roi... 

Bàn thờ bà Bảo Hoà hiện được đặt khiêm tốn và lặng lẽ trong một góc phòng ngôi nhà con trai thứ ba là ông Vương Khả Thuỵ ở 22 Phan Châu Trinh (ĐN).

Đáng buồn và cũng lo lắng nhất là nhiều tranh ảnh, tác phẩm bản gốc và cả bản chép tay của chính nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa gia đình đang phải tự cất giữ, do không có kinh nghiệm và điều kiện đang có nguy cơ bị phá hủy theo thời gian.

Chẳng hạn bộ "Chiêm thành lược khảo" tập viết tay chữ còn rất rõ, nhưng do bản giấy cũ xấu khi lật giở đã có hiện tượng mục nát.

Ông Trương Duy Hy đang vô cùng mong muốn, với kết quả nghiên cứu và sưu tầm của mình, sẽ tác động tới những người có trách nhiệm, nhanh chóng tập hợp và có chế độ bảo tồn đối với một tài sản phi vật chất giá trị.
Tuổi Trẻ Online

Biết đạo ai ơi biết lẽ Trời,
Đừng nên mong vọng chuyện xa khơi,
Tu nhân kết quả nhân hành thiện,
Tích đức công dày đức độ đời.

Đức Đại Đồng Tổng Lý , Huờn Cung Đàn, 01-4 nhuần Quý Mão, 22-5-1963

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây