Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
28/06/2010
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 01/07/2010

Sưu Tập Thánh Giáo Đức Quan Thế Âm Bồ Tát (Bài 5)

Đề tài : Tham thiền để nghiêm khắc phán xét bản thân

M LTH, Tuất thời Mùng 2 Thánh 4 Kỷ Dậu (17/5/1969 )

THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ, Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng chào chư liệt vị đàn tiền.

Vâng lịnh báo đàn, chư liệt vị thành tâm nghinh tiếp Đức QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT, Tiểu Thánh chào chung, xin xuất ngoại ứng hầu, thăng./.

Tiếp điển :
THI
Từ bi độ chúng thoát sông mê,
Cực lạc non tiên muốn dựa kề,
Lóng trược trừng thanh tua khắc kỷ,
Nguyên nhân mới khỏi lạc đường về.

Quan Âm Bồ Tát, Bần Đạo chào chư Thiên mạng, chư hiền sĩ, hiền muội đàn nội tam ban.
Chư hiền sĩ hiền muội! Đáng lý kỳ đàn hôm nay chỉ có một phần việc là Vạn Hạnh Thiền Sư đến tiếp tục phần trùng tụng chương IV Quyển Đạo Học Chỉ Nam, nhưng trước tấm lòng thành khấn nguyện và lo âu của chư hiền sĩ hiền muội đã động điển đến Tòa Tam Giáo. Vì lòng từ bi thương hiền sĩ hiền muội trong lúc bất lực trước những cảnh ngộ vô thường, nên Bần Đạo giáng đàn trong khoảnh khắc để trấn an và giúp đỡ chư hiền sĩ hiền muội trong lý đạo. Vậy miễn lễ đàn trung đồng an tọa.

Chư hiền sĩ hiền muội! Trời là Đại thiên địa, con người cũng như tất cả chúng sanh là Tiểu thiên địa. Trời đã có những gì, trong vạn vật vẫn có những vật ấy, chỉ khác nhau là ở chỗ lớn bé trên hình thức hoặc sự biến dịch không ngừng, khi bày lúc ẩn vậy thôi. Thế nên Thượng Đế hằng nói: Thầy là các con, các con là Thầy. Tất cả chúng sanh sẽ thành Phật, đồng trở về hiệp nhứt cùng khối Đại Linh Quang, chẳng qua là sự tiến hóa mau chậm mà thôi.

Một trường hợp khác, đời thường nói hai chữ "thiên hạ" ám chỉ con người. Thiên thượng là Trời, Thiên hạ là người. Vậy người cũng có đủ điều kiện để làm Trời.

Từ thuở khai thiên lập địa, trong khí hồng mông, trược thanh lẫn lộn. Thượng Đế chỉ có tịnh định mà phân thanh lóng trược tạo thành trời đất. Thượng Đế không nói một lời nào, thiên địa vận hành không ngừng, nhờ đó mà các khối tinh cầu trong vũ trụ vận hành theo thứ tự và trong phạm vi của nó.

Thế gian đây cũng vậy. Bất cứ hoàn cảnh nào, trường hợp nào, sự kiện nào cũng đều có cái mặt cái trái, sự thanh sự trược. Tóm lại đều theo lý âm dương mà ra.

Trong một tổ chức, một giáo hội, một Thánh đường hoặc một cơ thể con người đều có cái thiện cái ác, cái động cái tịnh, cái thanh cái trược. Nhìn mặt đại dương lúc tịnh bằng phẳng như tờ giấy trải, khi động thì tác hại vô cùng.

Người tu biết đạo, Thiêng Liêng thường khuyên nên lấy tịnh chế động, lấy thiện chế ác, lấy phải chế trái. Một sự kiện xảy đến cho mình, dầu nội cảnh hoặc ngoại cảnh đều có nguyên nhân của nó. Từ cái nhân đưa đến cái quả. Con người phải sáng suốt bình tĩnh vượt lên trên tất cả, sẵn sàng tiếp nhận và chế ngự mọi sự kiện ấy. Thế nên, tham thiền là phương tiện quí giá nhứt để được phát huệ, nhận chân mọi cội nguồn của các sự kiện xảy đến. Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, luôn luôn kiểm điểm nội tâm, kềm chế lòng mình như đang đi trên chiếc cầu vồng bằng ván mỏng bắc qua đại dương không tay vịn. Nếu sơ hở một chút là không phân biệt được cái nào là thiện với ác, thanh với trược, ích kỷ với vị tha, chánh tín với mê tín. Người tu thường mắc phải chứng bịnh tự mù quáng lấy mình, vì những sự kiện chung quanh mình hằng ngày đã quá quen, thấy quen, nghe quen, để ý rồi đương nhiên cho đó là cái chân, cho đó là việc đúng, vì thấy nó ích lợi với trường hợp, hoàn cảnh và nguồn lợi ích kỷ, hoặc thích hợp với tình cảm của mình. Luôn luôn để một ít ngày giờ tham thiền, đóng vai trò quan tòa, vượt lên trên mọi cá thể của mình để nghiêm khắc phán xét công minh, đừng dối lòng. Có như vậy mới lòi ra cái phải cái trái, cái thanh cái trược. Có khách quan mới thấy chỗ sai, chỗ nhược của mình. Nếu chủ quan là bị bức màn vô minh, ích kỷ, tự ái, tự cao, che lấp sự phán xét của chủ nhơn ông.

Ngày hôm nay, chư hiền sĩ hiền muội cầu xin ân điển Thiêng Liêng phù trợ, đó là thiện niệm thích hợp với lòng bác ái từ bi của người tu. Nhưng đó chỉ là nhờ vào tha lực. Điều cần yếu là tự mình chư hiền sĩ hiền muội phải làm lấy mới đem lại hiệu năng như mong ước.

Vì vậy, tu hành, chư hiền sĩ hiền muội đã có công quả, hi vọng mong mỏi ngày kia sẽ tạo Tiên tác Phật, sẽ có đủ vạn năng, nhưng ít nhứt trong thời kỳ tu hành hiện tại phải có tối thiểu điều kiện hiệu năng để tiếp nhận và khắc phục mọi nỗi lo âu vui buồn hoang mang sợ sệt, hoặc những ngoại cảnh khó khăn đưa đẩy. Vì chư hiền sĩ hiền muội, mỗi người đều có phép nhiệm mầu vạn năng của Thượng Đế đã chia phần từ khi mang thể xác vi nhân chốn hồng trần nầy, chỉ cần lau chùi cho sạch lớp bụi vô minh thì phép mầu sẽ hiện lên như lòng mong muốn.

Mỗi một lần Bần Đạo đến đây đều có ý giúp đỡ chư hiền sĩ hiền muội một vấn đề trong sự tu học. Riêng hôm nay, vấn đề vừa trình bày qua sẽ đáp ứng với nhu cầu nội tâm mà chư hiền sĩ hiền muội đã mong đợi, nên lấy đó làm đề tài đem ra thảo luận nhiều buổi học tập để tìm ra mối bí pháp.
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát
Tâm vô ngại / Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Bảy bước tu học hành đạo / Đức Quán Thế Âm Bồ Tát







Thánh thất an ninh / Đức Quan Thế Âm Bồ Tát

Đạo là lẽ sống trong thường nhựt / Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Các giai đọan tu tiến / Đức Quan Thế Âm Bồ Tát

Quan Âm Như Lai / Đức Quan Thế Âm Bồ Tát

Phổ là rộng khắp cùng thế giới,
Thông là nguồn suối tới muôn phương,
Giáo là dạy nẻo chỉ đường,
Lý là lẽ thật chủ trương thới bình.

Đức Lý Giáo Tông, 20-5 Ất Tỵ, 19-6-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây