Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
29/07/2006
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 04/10/2006

Đạo là lẽ sống trong thường nhựt

Đạo là lẽ sống trong thường nhựt

Tây thành Thánh thất Cần Thơ
Tý thời 12.3.Kỷ Dậu (28.4.1969)

QUAN ÂM BỒ TÁT, Bần Đạo chào chư Thiên mạng, mừng chư hiền đệ hiền muội.
THI
Chí Tôn xuống thế mở Cao Đài,
Vì muốn cứu đời thoát nạn tai,
Trong buổi hạ ngươn cùng xứ xứ,
Làm cho thế giới phải chia hai.
(…)
Đã
hơn bốn mươi năm khai Đạo, đã có rất nhiều kinh điển và Thánh ngôn của
Chí Tôn cũng như của các Đấng Thiêng Liêng đã dạy, có thể nói là phần
giáo lý đạo Cao Đài đã đầy đủ rồi, nhưng có mấy ai chịu khó sưu tập lại
thành một pho đầy đủ để chư tín hữu xem đó học hỏi, tu thân hành đạo.
Người tín hữu từ Thiên phong chức sắc đến hàng tín đồ nghe qua rồi lại
quên, rồi lại muốn đi hầu đàn cơ khác để được nghe Thiêng Liêng dạy
bảo. Đến nay, thử một dịp nào đó, Thiêng Liêng khảo sát lại từng vấn đề
một trong Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ thì Bần Đạo chắc rằng chẳng có mấy ai
giải đáp được minh bạch đủ đầy. Đã vậy mà lòng lại cũng mong muốn đi
đây đi đó để tìm nghe dạy bảo những gì ly kỳ mầu nhiệm độc đáo và diệu
huyền hơn.
Chính vì sự kiện ấy mà cơ đạo đến ngày nay còn rời rạc đó
đây, miệng thì nói quy nguyên thống nhứt, lòng cũng muốn hiệp nhứt quy
nguyên, nhưng trên sự thể thì trái ngược lại với lòng thiết tha mong
vọng ấy.
Rất đỗi bài kinh nhựt tụng hằng ngày cũng không hiểu và
phân tách đúng nghĩa để thực hành đúng mục đích mà Thiêng Liêng đã dạy.
Khởi đầu giờ cúng, miệng hằng đọc "Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp",
thử hỏi lại xem, mình có được trọn tin những đàn anh hướng đạo mình
chưa? – Mình có được lòng tin yêu quí mến đồng đạo khác chi phái của
mình chưa? – Mình có giữ tròn chữ tín với mình chưa hay là khi vui, khi
mến thì nghĩ vầy, nói vầy; khi buồn, khi hết thương mến lại nghĩ khác?
Lòng ngưỡng mộ đạo của mình ngày hôm nay có còn nồng nhiệt thiết tha
như ngày mới nhập môn cầu đạo chăng, hay đã thỏn mỏn uể oải và giãi đãi
từ lâu rồi? Nếu quả thật vậy, đó là không giữ được chữ tín và lòng tin.
Còn
chữ "Hiệp". Thử hỏi lòng mình có thật sự muốn hiệp tác vô điều kiện
trong giáo thuyết giáo điều để thực thi tôn chỉ Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ
và sẵn sàng liên hiệp trao đổi kinh nghiệm trên đường hành đạo với
người khác hay chưa, hay vẫn còn chủ quan và quan trọng hóa đường hướng
của mình là tuyệt đối, ngồi một chỗ chờ người khác đến hiệp và chịu
điều kiện tiên quyết của mình? Có được vậy mới làm xong câu kinh ấy,
nếu chưa được thì chỉ là lý thuyết suông.
Đó là câu kinh khởi đầu.
Còn phần trước khi kết thúc của thời cúng là năm câu nguyện: "Nhứt
nguyện Đại Đạo hoằng khai." Thử hỏi hoằng khai là gì? Có phải phát
triển khai phóng mở rộng từ cơ sở đến giáo lý cho quảng đại quần chúng
hiểu biết và làm theo hay chăng? – Chớ không có nghĩa là đóng khung
trong hình thức nhỏ hẹp như một Hội Thánh, một Thánh thất hoặc Tịnh
thất để cho một thiểu số người mà dám gọi là Đại Đạo hoằng khai.
"Nhì
nguyện phổ độ chúng sanh." – Phổ độ có nghĩa là mở rộng cùng khắp, độ
rỗi chúng sanh tu thành chánh quả, không phân biệt màu da chủng tộc và
tông phái, chớ không có nghĩa là chỉ nói đi nói lại bao nhiêu đó cho
người tín hữu Cao Đài mà thôi.
"Tam nguyện xá tội đệ tử." – Câu ấy
nói lên cho người tín hữu tự nhận mình đã trải qua nhiều kiếp, từ loài
khoáng sản chuyển mình đến thảo mộc thú cầm mới đến loài người trong
bánh xe tiến hóa. Trải qua nhiều kiếp, con người đã gây nhiều nghiệp
xấu, mà nghiệp xấu tức là tội lỗi. Do đó, trước Thiên bàn, sau mãn giờ
cúng, cầu xin Thượng Đế giải trừ tội lỗi nghiệp chướng tiền khiên, và
cũng dạy cho người tín hữu phải có đức độ khoan dung tha thứ mọi lỗi
lầm từ kẻ khác đối với mình để thể hiện lòng bác ái vô biên của Thượng
Đế. Mình có tha thứ kẻ khác lầm lỗi với mình để thân thiện, giác ngộ,
dìu dẫn họ lại đường chánh giáo thì Thượng Đế mới xá lỗi tiền khiên của
mình.
Vậy còn câu "Tứ nguyện thiên hạ thái bình." Có phải là lòng
thương người thương vật của người tín hữu Cao Đài, muốn cho nhân loại
được an hưởng trong cảnh thái bình, an cư lạc nghiệp, và cũng gợi cho
người tín hữu hiểu rằng, không phải cảnh thái bình tự nhiên ai đem đến
bố thí cho nhân loài, mà phải nhân loại tự tạo lấy cho mình. Muốn được
thái bình, trước nhất, mọi người phải lương thiện, có đức tánh công
bằng của Nho giáo, những gì mình không muốn thì không làm việc ấy cho
người khác; có đức tánh bác ái của đạo Lão là lòng thương đời vô biên,
không điều kiện, mong dìu dẫn họ lại đường chánh lẽ chơn, thương mọi
người như thương gia đình quyến thuộc mình, dầu kẻ ấy là thù địch với
mình. Phải có đức từ bi của đạo Phật, luôn luôn khởi lòng trắc ẩn trước
nỗi đau khổ của người khác mà tìm phương ban vui cứu khổ cho họ. Nếu
muốn cho mọi người đều có đức tánh ấy, phi trừ giáo lý đạo Cao Đài,
không có giáo thuyết thứ hai.
Những giáo lý do Chí Tôn đã vạch sẵn
mà người đạo Cao Đài không đem phổ truyền cùng khắp, tìm cách cảm hóa
phổ độ người đời biết được, đừng ỷ vào câu "Hữu xạ tự nhiên hương". Đó
là điều kiện đem lại thiên hạ thái bình. Chớ trong lúc nhân sanh chưa
hiểu đạo, chưa có công bằng, chưa có lòng thương kẻ khác, một xã hội
toàn đa số là người bất lương, giàu hiếp nghèo, mạnh lấn yếu, ỷ chúng
hiếp cô, khôn hiếp dại, điêu ngoa xảo trá, xây dựng vinh hoa phú quý
trên cảnh đau khổ cùng đinh và xương máu của kẻ khác, thử hỏi xã hội
như vậy có đem lại được cảnh thái bình cho thiên hạ không? Đó là câu
nguyện thứ tư, nhắc đến nhiệm vụ nặng nề căn bản của người tín hữu Cao
Đài.
Còn câu nguyện "Ngũ nguyện Thánh thất an ninh" – Thánh thất nơi
đây không có nghĩa nhỏ hẹp riêng của ngôi Thánh thể thờ Đức Chí Tôn,
gồm Bát Quái, Cửu Trùng và Hiệp Thiên. Ngoài cái nghĩa nhỏ hẹp ấy lại
còn có nghĩa rộng hơn nữa.
Thánh thất là nhà Thánh. Hễ nhà Thánh là
nhà của chư Thánh hội họp, thảo luận mọi việc theo Thánh ý để hành
Thánh sự đúng theo tôn chỉ Đại Đạo. Đừng tưởng rằng mình còn phàm trần
nhục thể không khi nào dám nghĩ đến nghĩa ấy, vì người tín hữu mà hằng
ngày thảo luận âu lo việc làm theo Thánh ý, mở mang được Thánh tâm để
thực hành được Thánh sự, đó là Thánh tại phàm rồi còn gì nữa.
Thử
hỏi, Khổng Phu Tử ngày nay hậu thế tôn sùng [là] bậc Thánh nhân, nguyên
thủy, Người cũng là phàm trần nhục thể, nhưng đã lãnh hội được Thánh ý,
mở mang được Thánh tâm, thực hành được Thánh sự trọn vẹn một đời không
xao lãng, đương nhiên đắc vị Thánh, nào ai chối cãi được? Chỉ e rằng
mình ở trong nhà Thánh, nhưng ý còn phàm phu tục tử, hờn giận ghen ghét
đố kỵ, ố nhơn thắng kỷ, nói việc chẳng lành, làm việc chẳng lành, như
vậy mới không xứng đáng là chớ.
Câu này nghĩa lý còn dài hơn nữa,
nhưng hôm nay Bần Đạo chỉ nói những khía cạnh gần nhất đời sống chư
hiền đệ muội đó thôi. Đừng tìm kiếm đâu xa, chỉ chung quanh mấy bài
kinh nhật tụng, tìm hiểu đầy đủ nghĩa lý và thực hành cho đúng là đắc
đạo tại trần.
THI
Đạo chẳng phải xa vạn dặm trường,
Non cao rừng thẳm hoặc Tây phương,
Đạo là lẽ sống trong thường nhựt,
Dạy thế tu hành đúng kỷ cương.
THI BÀI
Đừng mong vọng Tây phương tìm Đạo,
Đến cung trăng khảo cứu huyền vi,
Chỉ trong Đại Đạo Tam kỳ,
Thánh ngôn Thánh giáo thơ thi phú bài.
Đem áp dụng hằng ngày nếp sống,
Giữa kiếp người công cộng nhân sanh,
Cũng trong cải dữ về lành,
Cũng trong nhân nghĩa hiếu tình chánh trung.
Cuộc sống tạm vô cùng tạm bợ,
Như phù dung sớm nở tối tàn,
Cũng như đóm lửa ánh nhang,
Thoạt còn thoạt mất đổi sang mấy hồi.
Kiếp phù thế than ôi quá tủi,
Hẹn trăm năm dung ruổi một đời,
Năm mươi hoặc một hai mươi,
Vô thường đến dắt, ai người dám đang.
Dầu phú quí giàu sang sản nghiệp,
Dầu lụa là theo nếp đế vương,
Còn ba hơi thở phô trương,
Dứt ba hơi thở chán chường hay không?
Dầu phú quí ruộng đồng ao cả,
Dầu vinh hoa bạc giạ tiền kho,
Rốt rồi cũng nắm xương khô,
Le the ngọn cỏ trên mồ vắng tanh.
Xác khi chết đã đành là vậy,
Còn linh hồn dụng lấy chi đây?
Phải chăng âm chất đủ đầy,
Do mình buổi sống tạo gây để dành.
Nương kiếp sống để hành đạo lý,
Mượn phù sanh lập vị quả ngôi,
Nếu không lo nghĩ xa xôi,
Vô thường đến dắt cũng rồi tay không.
Tu khuya sớm một lòng tin tưởng,
Liệu sức mình gắng gượng mà hành,
Đừng rằng Trời Phật thiếu kinh,
Đọc cho các Đấng vui tình lóng nghe.
Đọc như thể ca vè hát xướng,
Miệng đọc kinh ý tưởng viễn vông,
Tưởng thôi những chuyện bao đồng,
Vinh hoa phú quý gia công đút lòn.
Dâng hoa quả Chí Tôn đảnh lễ,
Cùng rượu trà cúng tế hằng ngày,
Phải thông lý nghĩa như vầy,
Đó là tam bửu, tam tài, tam tinh.
Chớ đừng tưởng linh đình lễ vật,
Đem hiến dâng Trời Phật Thánh Tiên,
Để phù hộ có uy quyền,
Công danh phú quới bạc tiền ngựa xe.
Cúng như vậy là mê tín đó,
Cúng suốt đời chẳng có thành đâu,
Người tu phải hiểu cho sâu,
Đâu là chánh tín, hỏi đâu mê cuồng?
Ăn chay là tình thương mở rộng,
Thương thú cầm ham sống như mình,
Lòng thương chẳng nỡ sát sinh,
Ngon mồm béo miệng vô tình thác oan.
Đừng có tưởng trai trường thường nhựt,
Để rồi thành Tiên Phật mai sau,
Nếu đời nhân loại giữa nhau,
Mà không đối xử đúng câu công bình.
Hoặc bác ái thương tình vạn loại,
Dù ăn chay vạn đại muôn đời,
Kiếp người cũng vẫn là người,
Bao giờ lên được cõi Trời mà mong!
Bần Đạo để mấy dòng khai khiếu,
Cho muội hiền tìm hiểu mà tu,
Tu không như phải người mù,
Trắng đen chẳng rõ, trí ngu chẳng rành.
Điều thiện ác phân ranh rõ rệt,
Mới là người hiểu biết Cao Đài,
Mong rằng chỉ một kiếp này,
Chư hiền đệ muội đủ đầy quả công.
Đừng phải trở lại vòng lẩn quẩn,
Kiếp luân hồi lận đận xuống lên,
Càng lên càng xuống lại lên,
Càng gây nghiệp quả ngập trên linh hồn.
Rồi uổng kiếp mang lông sừng đội,
Chịu nghiệp duyên bước thối uổng thay,
Vì thương tạm gởi một bài,
Để làm kỷ niệm một ngày tương tri.
Ban ơn đàn nội tu đi,
Giã từ tất cả vô vi phản hồi.

Thăng.
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát
Tâm vô ngại / Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Bảy bước tu học hành đạo / Đức Quán Thế Âm Bồ Tát







Thánh thất an ninh / Đức Quan Thế Âm Bồ Tát

Đạo là lẽ sống trong thường nhựt / Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Các giai đọan tu tiến / Đức Quan Thế Âm Bồ Tát

Quan Âm Như Lai / Đức Quan Thế Âm Bồ Tát

Học đạo để nên người thánh thiện,
Tu hành cần rèn luyện thân tâm,
Có thân, thân chớ đọa trầm,
Có tâm, tâm chớ lạc lầm phàm phu.

Đức Đông Phương Lão Tổ, CQPTGL, 04-6 tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây