Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
22/10/2005
Cơ Quan PTGLĐĐ

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 24/02/2010

Cao Đài Vấn Đáp

2. Người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài là ai ?

Như trên đã nói, người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài là Ngài Ngô Minh Chiêu (thế danh là Ngô Văn Chiêu) vì :

- Vào đầu năm 1920, trong một buổi cầu tiên tại nhà Ngài Ngô ở Tân An (tỉnh Long An ngày nay),có một vị tiên giáng cơ xưng là "Cao Đài Tiên Ông" mà trước đó chưa hề có ai được biết danh hiệu gồm bốn chữ này.

- Vào Trung Thu năm Canh Thân (26.9.1920), tại Hà Tiên, Ngài Ngô được biết danh hiệu "Cao Đài" lần nữa qua các câu thánh thi :
"Cao Đài minh nguyệt Ngô Văn Chiêu,
Linh lung vạn hộc thể quang Diêu." ( Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)

-Và vào đầu năm 1921, Đức Cao Đài chính thức thâu nhận ngài Ngô Văn Chiêu làm đệ tử đầu tiên tại Phú Quốc.

3. Đền Thánh Tòa Thánh Tây Ninh được xây cất từ năm nào và do ai chủ trì ?

Ban đầu Đền Thánh Tòa Thánh Tây Ninh được cất đơn sơ bằng tranh từ năm 1927; năm 1932 khởi sự đào móng, xây dựng qua nhiều giai đoạn đến năm 1953 mới hoàn thành mỹ mãn.
Những vị chức sắc đầu tiên của Hội Thánh như các Ngài : Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Ngọc Tương ... đều có công lớn trong việc chỉ đạo khai phá đất, rừng và kiến trúc Tòa Thánh.
Ngoài ra do nguyên tắc hành đạo của Đạo Cao Đài là "Thiên nhơn hiệp nhứt" nên công cuộc xây dựng Tòa Thánh hẳn nhiên có sự phối hợp của nhơn tâm cùng Thiên ý.

4. Xin cho biết ý nghĩa danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ?

Đại Đạo : là nguyên lý chung của mọi tôn giáo, là đường lối chung nhứt mà tôn giáo nào cũng theo đuổi để cải thiện xã hội và giải thoát tâm linh.

Tam Kỳ Phổ Độ : độ khắp nhân sanh kỳ thứ ba, tương ứng với thời đại ngày nay (kỳ thứ nhứt vào thời Thương cổ có các đấng Phục Hi, Moise... ra đời. Kỳ thứ hai có các đấng Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử, Jesus Christ, Mohamet ra đời để phổ độ nhân loại).

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Đạo của Đức Thượng Đế lập ra trong thời kỳ phổ độ thứ ba trên tinh thần "Tam giáo qui nguyên, Vạn giáo nhứt lý" để dìu dắt loài người sống có đạo đức, biết hướng thượng và sau cùng biết tu luyện đến mức giác ngộ hoàn toàn, hiệp một được với Đức Thượng Đế.

Đạo mở kỳ ba là kỳ sau cùng, kết thúc một đại chu kỳ của vũ trụ nên có mục đích đại đồng giải thoát, tận độ chúng sanh và người giác ngộ được đại ân xá.  Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được gọi tắt là Đạo Cao Đài.

5. Ý nghĩa của hai chữ Cao Đài ?

- Cao Đài nghĩa đen là cái đài, cái tháp cao, ám chỉ đỉnh cao nhứt của vũ trụ, là đích tiến hóa sau cùng của chúng sanh.

- Cao Đài là tá danh của Đức Thượng Đế khi mở Đạo kỳ thứ ba này, nhằm nêu lên thiên ý là Đấng Tối Cao đang đến dìu dắt nhân loại quay trở về nguồn cội cao nhứt của mình chính là Thượng Đế.

- Cao Đài cũng chính là chỗ cao nhứt trong tâm linh con người, đạo pháp gọi là Nê huờn cung trong não bộ. Đạt đến nơi đó con người có thể thông công, hiệp nhứt được với Thượng Đế là Cao Đài của vũ trụ.  Mở đầu Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển sách sưu tập những bài thánh ngôn trong thời kỳ sơ khai của đạo Cao Đài, sẽ thấy ngay hồng danh này:

"NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT Giáo Đạo Nam Phương" (Noel 1925)
Cũng trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (Q. I, TT. Tây Ninh, 1973, tr.23), vào ngày 26.4 Bính Dần (8.6.1926) có bài Thánh ngôn bằng Pháp văn xưng danh như sau:

"Cao Đài, Le Très Haut". (Cao Đài, Đấng Tối Cao)

Ngày 28.10.1926 cũng viết: "Dieu Tout Puissant qui vient sous le nom de Cao Đài".

(Thượng Đế toàn năng đến dưới danh hiệu Cao Đài ) (Sđd,tr.55)

Qua cách xưng danh như trên, Đức "Cao Đài" xác nhận chính Ngài là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế trên Thiên Đình.

Giáo lý Cao Đài còn giải thích danh hiệu "Cao Đài Tiên Ông Đại BồTát Ma Ha Tát" là tiêu biểu cho tôn chỉ "Tam giáo qui nguyên" của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:
Cao Đài chỉ Đạo Nho
Tiên Ông chỉ Đạo Tiên
Đại Bồ Tát Ma Ha Tát chỉ Đạo Phật

6. Mục đích của Đạo Cao Đài là gì?

Mục đích Đạo Cao Đài nhằm hoàn thiện hóa con người và xây dựng xã hội bình đẳng, thế giới đại đồng.
Về mặt tâm linh, Đạo Cao Đài có mục đích giải thoát luân hồi sanh tử.
Nói gọn, mục đích Đạo Cao Đài là "Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát".

7. Xin giải thích ý nghĩa "thế đạo đại đồng" ?

"Thế đạo đại đồng" tương ứng với đường lối hay phương pháp giải quyết cuộc diện nhân sinh, tạo được cuộc sống an lạc tiến bộ trong xã hội.

"Thế đạo đại đồng" nhằm mục đích thực hiện thế giới nhân loại bình đẳng, hạnh phúc không phân biệt giai cấp, đoàn thể, tôn giáo hay quốc gia dân tộc. "Thế đạo đại đồng" theo đạo Cao Đài lấy Nhân Bản làm nền tảng, trong đó nhân vị nhân quyền được tôn trọng, nhân tính được phát huy để xây dựng một thế giới văn minh đạo đức hòa bình mà người Cao Đài thường gọi là đời Thánh đức. "Thế đạo đại đồng" theo nghĩa rộng còn là tình bác ái đối với muôn loài vạn vật từ những sinh vật nhỏ nhất đến thú cầm, đến loài người, tức là cả chúng sanh.

8. Và ý nghĩa"Thiên đạo giải thoát"

Thiên đạo là Đạo pháp, là đường lối tu hành để người tu đạt được sự giải thoát toàn diện, không còn đau khổ phần thể xác hay phiền não tâm hồn tại thế gian, và xa hơn nữa được giải thoát tâm linh. Sau khi thoát xác, linh hồn người đắc quả Thiên đạo sẽ sống vĩnh viễn trong cõi thiên đàng cực lạc không còn bị luân hồi trở lại phàm trần nữa.

Muốn thế, người tu Thiên đạo phải học đạo đại thừa, tu luyện thân tâm và thực hành sứ mạng cứu độ tha nhân.

9. Tôn chỉ của Đạo Cao Đài như thế nào ?

Tôn chỉ Cao Đài là "Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhứt". Tam giáo tức là Tam giáo đạo gồm: Nho-Thích-Lão.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ xây dựng một nền giáo lý toàn diện tức là giáo lý Đại Đạo trên nền tảng tổng hợp giáo lý Tam giáo đạo. Bởi vì Tam giáo có đủ khả năng xây dựng con người chân chính, xã hội an lạc (Nho), dạy con người biết tu dưỡng thể xác và tinh thần để sống thung dung tự tại (Lão), và giải khổ (Thích).
Do đó tôn chỉ "Tam giáo qui nguyên" là đường lối để thực hiện mục đích "Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát".
"Ngũ chi phục nhứt": tức Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo phục nhất. Đó là đường lối tu hành tuần tự như lên năm nấc thang. Phục nhứt có nghĩa là thống nhứt thành một hệ thống bổ sung cho nhau, hiệp thành đạo pháp nhứt quán hầu đưa người tu đạt đến mục đích. Tóm lại, tôn chỉ ĐĐTKPĐ là đường lối tổng hợp nhất quán cứu cánh hoàn thiện và giải thoát nhân sanh của vạn giáo.

10. Ý nghĩa của tiêu ngữ "Vạn giáo nhất lý" ?

Song song với tôn chỉ "Tam giáo qui nguyên ngũ chi phục nhứt", Cao Đài còn nêu lên tinh thần "vạn giáo nhứt lý".
Qua tiêu ngữ này, Cao Đài công nhận mục đích cứu cánh của tất cả tôn giáo chơn chánh có cùng một chơn lý là hướng dẫn con người sống có đạo đức, hoàn thiện hóa bản thân, hoàn thiện hóa xã hội và giải thoát linh hồn.
Từ đó Cao Đài chủ trương tôn trọng tín ngưỡng của mọi tôn giáo và nêu lên nguyên lý chung của mọi nền giáo lý tức là giáo lý Đại Đạo khả dĩ giác
ngộ nhân loại toàn cầu.

11. Đạo Cao Đài thờ Thiên Nhãn có ý nghĩa gì ?

Thiên Nhãn có nghĩa là mắt Trời. Đức Thượng Đế đã hiện Thiên Nhãn cho người đệ tử đầu tiên là Ngài Ngô Minh Chiêu thấy để vẽ ra làm biểu tượng tôn thờ Thượng Đế.

Thánh ngôn Đức Thượng Đế có giải thích rằng:

"Thờ Thiên Nhãn là thờ Thầy.
Tại sao Thiên Nhãn là Thầy ?

"Thầy có dạy trước :
"Nhãn thị chủ tâm, Lưỡng quang chủ tể, Quang thị thần, Thần thị Thiên, Thiên giả, ngã dã".
Nhãn là cửa trái tim (tâm) của con người. Trái tim ấy là Tạo Hóa, tức là Thần, mà Thần là cái lý Hư Vô. Lý Hư Vô ấy là Trời vậy" ....
"Hai con mắt của các con là nhục nhãn, tức là âm với dương thì cũng như Thái Cực là Thiên Nhãn, còn lưỡng quang là nhựt nguyệt hằng soi khăp càn khôn, cứ tuần huờn mãi, hết ngày đến đêm, hết đêm đến ngày, không bao giờ dứt sự hành tàng của Tao Hóa" (Đại Thừa Chơn giáo, mục 12, Thiên Nhãn)

Vậy thờ Thiên Nhãn tức là thờ Trời, là trung tâm thần lực của vũ trụ, là Thái Cực hay Thượng Đế Chúa Tể càn khôn tức Đức Cao Đài.

12. Xin cho biết ý nghĩa của lễ nhập môn ?

Người tự nguyện làm tín đồ Đạo Cao Đài sẽ được làm lễ Nhập môn. "Nhập môn" tức bước vào cửa Đạo.

Lễ Nhập Môn được tổ chức tại Thánh Thất trước Thiên bàn, do vị chức sắc Đầu Họ Đạo làm chủ lễ với sự chứng kiến của thân nhân, của đồng đạo và hai người tiến dẫn.

Lễ Nhập Môn thường cữ hành sau lễ cúng ngày sóc vọng. Người nhập môn đến quì trước Thiên bàn, xưng tên họ rồi đọc lời minh thệ theo sự hướng dẫn của vị chức sắc Đầu Họ để dâng lời phát nguyện làm môn đồ của Đức Cao Đài Thượng Đế, tuân hành luật đạo và giữ đạo suốt đời.
Kế đến, vị chủ lễ làm phép bí tích cho người nhập môn là một phép rất thiêng liêng, thay mặt cho Đức Chí Tôn thâu nhận người tân tín đồ.
Chức việc tại Thánh thất có nhiệm vụ ghi danh tánh tín đồ vào sổ bộ của Thánh thất.

Sau khi nhập môn, về phần vô vi, người tín đồ sẽ được hưởng đại ân xá, nếu như luôn luôn giữ đạo, siêng năng tu hành bằng công quả, công trình, công phu để dần dần trở nên hoàn thiện, đồng thời độ dẫn lại những người chung quanh được hoàn thiện như mình.

13. Đạo kỳ Cao Đài như thế nào ? Xin cho biết ý nghĩa ?
- Đạo kỳ Cao Đài hình chữ nhật, gồm ba phần đều nhau của chiều dài, xếp thứ tự từ trên xuống dưới là:

- VÀNG: còn gọi là Thái Thanh, tượng trưng cho Phật Đạo.

- XANH: (xanh da trời) còn gọi là Thượng Thanh, tượng trưng cho Tiên Đạo.

- ĐỎ: còn gọi là Ngọc Thanh, tượng trưng cho Thánh Đạo (Nho)
Trên nền vàng có hàng chữ Hán:"Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" từ phải sang trái. Trên nền xanh có hình Thiên nhãn và Cổ pháp.
Có mẫu đạo kỳ viết chữ và hình theo hình thức khác:
Trên nền vàng có vẽ hình Thiên Nhãn. Dọc thẳng từ Thiên Nhãn xuống có viết sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (một mặt đạo kỳ viết chữ Việt, mặt kia viết chữ Hán)

Đạo kỳ được treo trước Tòa Thánh, Thánh Thất, Thánh Tịnh, ngay phía trên tiền sãnh.

14. Phướn hay Phướn Tam thanh là gì ?

- Phướn là một loại cờ rất dài thường treo giữa sân các đình chùa. Tại các Tòa Thánh, Thánh Thất, Thánh Tịnh đạo Cao Đài đều có dựng cột phướn trước sân để treo phướn vào các ngày đại lễ. Phướn thường có chiều dài 9 mét, 12 mét, 18 mét hoặc 36 mét; bề ngang khoảng 6 tấc (dm), kết cấu như sau:

- Nền vàng, viền xanh tua đỏ (tượng trưng Tam giáo đạo)
- Trên nền vàng ngay đầu trên của Phướn có thêu hình Thiên Nhãn.
- Thẳng hàng từ Thiên Nhãn xuống là hàng chữ thêu câu đối (thường do các đấng Thiêng Liêng ban cho), nội dung nói lên tinh thần Đại Đạo và liên hệ đến cơ đạo tại chỗ.

Phướn có hai mặt giống nhau, mỗi bên thêu một giòng chữ của hai câu đối.

15. Cổ pháp Tam giáo là gì ?

Cổ pháp là bảo vật từ xưa điển hình các quyền năng mầu nhiệm của các Đấng Thiêng liêng. Cổ pháp Tam giáo gồm :
-Bát vu : là cái bình của các tăng ni ôm đi khất thực. Bát vu tượng trưng cho cổ pháp của Phật đạo.
-Phất chủ : hay phất trần, là cây chổi quét sạch bụi trần của Tiên gia. Phất chủ tượng trưng cổ pháp của Tiên đạo.
-Sách Xuân Thu : là quyển lịch sử do Đức Khổng Tử soạn ra, trong đó hàm súc học thuyết đạo Nho của Ngài. Sách Xuân Thu tượng trưng cổ pháp của Thánh đạo.
Đạo Cao Đài dùng hình ảnh Cổ pháp Tam giáo để nêu lên tôn chỉ "Tam giáo qui nguyên"

16. Cơ bút Cao Đài là gì – được thực hiện như thế nào ?

- Cơ bút trong đạo Cao Đài là phương pháp thông công giữa các Đấng Thiêng Liêng trong cõi vô hình và chức sắc Hội Thánh tại thế gian. Tức là giữa Bát Quái Đài và Cửu Trùng Đài qua trung gian Hiệp Thiên Đài bằng phương tiện cơ bút.
- Cơ là dụng cụ đặc biệt để một hoặc hai đồng tử ( song đồng) cầm, nương vào đó viết ra thánh ngôn khi tiếp điển thiêng liêng.
- Bút là loại dụng cụ khác tựa như cây viết. Đồng tử dùng cơ gọi là "thủ cơ", dùng bút gọi là "chấp bút".
Có khi người đồng tử (medium) vừa thủ cơ, vừa xuất khẩu nói lời nói của thiêng liêng qua linh điển gọi là thánh ngôn.
Đồng tử là người thọ bẩm khả năng đặc biệt tiếp nhận được linh điển từ cõi vô hình khi đã ngồi yên, định thần trong một môi trường thanh tịnh.
Người đồng tử phải sống thật thanh khiết, không kết hôn và thường xuyên thiền định mới có thể tiếp nhận điển thiêng liêng trọn vẹn.
Bộ phận cầu cơ bút thuộc Hiệp Thiên Đài, có những nguyên tắc rất nghiêm cẩn phải thực hiện đầy đủ khi cầu cơ bút.
Cơ bút là một phương pháp thông linh mà phương Tây gọi là "spiritisme".

17. Giáo lý Cao Đài dựa trên căn bản nào ?

Giáo lý Cao Đài xây dựng dựa trên hai nguyên lý căn bản là :

1. Thiên địa vạn vật đồng nhất thể: Trời đất vạn vật có cùng một bản thể.

2. Nhất bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhất bổn: Một gốc phân tán ra vạn hình thức (sai biệt), vạn hình thức (sai biệt) quay về một gốc.

Từ nguyên lý thứ nhứt, giáo lý Cao Đài quan niệm Trời và Người có cùng bản thể, có thể tương thông tương ứng và hiệp nhứt được. Nên Đức Thượng Đế dạy:"Thầy là các con, các con là Thầy".
Kế đến chúng sanh cũng đồng bản thể nên phải thương yêu nhau, nhất là giữa người với người phải xem nhau như anh em một Cha, từ đó phải thực hiện mục đích đại đồng nhân loại.

-Từ nguyên lý thứ hai, giáo lý Cao Đài quan niệm vũ trụ là một trường tiến hóa có khởi điểm từ bản thể Đại Linh Quang, tức Thượng Đế, phóng phát các điểm linh quang tiềm tàng trong vạn loại để tiến hóa từ khoáng sản, đến thảo mộc, thú cầm, đến con người. Rồi từ con người đến các bậc Thiêng liêng Thần Thánh Tiên Phật để trở về hiệp nhất với Thượng Đế.
Do đó cứu cánh của con người là tiến hóa trở về với Thượng Đế, tức nguồn gốc của mình mà cũng là của vũ trụ. Muốn thế, con người phải biết tu công lập đức để hoàn hảo hóa bản thân đến mức chí chơn chí thiện. Giáo lý Cao Đài gọi đó là "Phản bổn hoàn nguyên".

18. Đức tin về Thượng Đế của người Cao Đài ra sao ?
Người tín đồ Cao Đài trọn tin Thượng Đế là Chúa tể càn khôn vũ trụ, là Cha chung của muôn vật.
Ngài là ngôi Thái Cực, nói theo nghĩa Thượng Đế Vô Ngã và là Ngọc Hoàng Thượng Đế theo nghĩa Thượng Đế hữu ngã.

Tùy theo từng thời kỳ trong lịch sử nhân loại, Đức Thượng Đế giao sứ mạng cho các Đấng Giáo Tổ giáng phàm mở đạo để "giáo dân vi thiện".

Đến thời này là Tam Kỳ Phổ Độ, chính Ngài giáng điển linh xuống cõi thế gian thành lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để cứu rỗi nhân loại, xây dựng đời Thánh đức. Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế vừa là Đấng Giáo Chủ vừa là Cha vừa là Thầy của chúng sanh, Ngài cho phép tất cả các Đấng trên cõi Thiên đình cùng với Ngài đến cõi trần mở cơ tận độ kỳ mạt kiếp.

19. Xin cho biết Vũ trụ quan Cao Đài ?

Giáo lý Cao Đài cho rằng vũ trụ nguyên sơ là không gian Vô Cực. Từ bản thể Vô Cực phát sinh một nguyên lý và một nguyên khí ngưng kết nhau thành một khối tinh quang. Khối ấy nổ tung ra làm phát sinh Thái Cực Đại Linh Quang; Thái Cực "lấy cơ thể âm dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái Khí Hư Vô Hư Vô : Tức khí Hư Vô hay Tiên Thiên khí thuộc về Bản thể của vũ trụ hay nguyên khí của vạn vật. đặng hóa sanh muôn loài vạn vật" Đại Thừa Chơn Giáo song ngữ Việt Pháp, Chiếu Minh Đàn, 1950, tr-410
Đó là cơ sinh hóa, tiếp theo là cơ tiến hóa của vạn vật, vì vạn vật thọ bẩm bản thể Linh Quang sẽ tiến hóa trở về hiệp với Đại Linh Quang theo qui luật "nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhứt bổn" Đại Thứa Chơn Giáo, sđd, tr.276.

20. Đại Linh Quang, Tiểu Linh quang là gì ?

Đây là những khái niệm đặc thù của Cao Đài Giáo. Như trên đã nói, vạn vật phát sinh từ Thái Cực. Thái Cực là Đại Linh Quang theo nghĩa bản thể đồng thời là bản căn của vạn vật. Còn trong ý nghĩa tâm linh, đó là khối Đại Nguyên Thần của toàn cả vũ trụ. Mỗi con người đều thọ bẩm một điểm Tiểu linh quang có cùng bản tính, bản chất với Đại Linh Quang, nên còn gọi là điểm nguyên thần chiết xuất từ Đại Linh Quang.
Tu luyện là cách con người tự vẹt tan màn vô minh bao phủ để làm sáng tỏ điểm nguyên thần ấy. Nhờ đó, khi thoát xác, Tiểu linh quang sẽ hội nhập trở lại cùng Đại Linh Quang.

Theo Cao Đài, trong chu trình tiến hóa của vũ trụ, vạn vật tiến hóa dần dần lên đến hàng nhân loại mới có đủ tam hồn là sanh hồn, giác hồn và linh hồn để tu luyện giải thoát.

21. Phản bổn hoàn nguyên là gì ?

Phản là quay lại, hoàn là trở về.
Theo giáo lý Cao Đài, Tiểu linh quang được phóng phát ra từ Đại Linh Quang (Thượng Đế) thể nhập vào vạn vật để dần dần tiến hóa lâu đời nhiều kiếp mới đến địa vị làm người. Con người sẽ tiếp tục con đường tiến hóa trên giai đoạn cuối cùng để quay về với nguồn gốc khởi nguyên là Thượng Đế Đại Linh Quang. Sự quay về đó gọi là "phản bổn hoàn nguyên", là nhập Niết bàn hay đắc Đạo.
Nhưng để trở về với Thượng Đế, với Trời, con người phải tu hành để Thiên tính nơi người ngày càng sáng tỏ đến mức hoàn toàn như Trời.
Vậy "phản bổn hoàn nguyên" là đạt đến điểm tiến hóa sau cùng, chứ không phải quay trở lại khởi điểm luân hồi.

22. Cao Đài quan niệm về linh hồn như thế nào ?

Cao Đài quan niệm thảo mộc có sanh hồn, thú cầm có thêm giác hồn và con người có đủ sanh hồn , giác hồn và thêm linh hồn.
Linh hồn thuộc về tâm linh vô hình hiệp với thể xác tạo nên sự sống. Thể xác sẽ hoại diệt khi con người chết, nhưng linh hồn tồn tại và tiếp tục luân hồi để sống vào kiếp khác.
Con người tiến hóa do nơi linh hồn tiến hóa.
Những biểu hiện của linh hồn gồm có Tâm, Tánh, Thần.
Tánh là linh hồn đạt đến phẩm chất sáng suốt nhất, còn thần là phẩm chất linh diệu nhất. Chỉ có bậc đắc đạo mới "kiến tánh", mới phát huy đầy đủ "chơn thần".

23. Nhân đạo là gì ?

Nhân đạo là đạo làm người. Thực hành nhân đạo là làm tròn bổn phận đối với bản thân, đối với gia đình và xã hội. Giáo lý Cao Đài dạy tín đồ tu nhân đạo trên căn bản Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín và Trung Hiếu.  Phải làm tròn Nhân đạo trong giai đoạn nhập thế mới có thể bước qua giai đoạn xuất thế tu đạo giải thoát, phế trần hành đạo, gọi là thực hành Thiên đạo.

24. Thiên đạo là gì ?

Thiên đạo là đường lối tu giải thoát để không còn phải luân hồi sanh tử nữa. Muốn hành Thiên đạo phải:
- Ăn chay ít nhất 10 ngày một tháng, tốt nhất là trường trai.
- Dứt tình dục.
- Cầu học đạo pháp thiền định.

Đó là những điều kiện để thọ pháp công phu tịnh luyện. Nhưng giáo lý Cao Đài dạy tín đồ luôn luôn hành đủ Tam công để người tu dễ đạt đạo giải thoát. Cho nên khi bước vào Thiên đạo, phải rèn luyện tâm hạnh đại thừa. Tức phải có tâm thanh tịnh, dứt lòng ham muốn, phải có hạnh bồ tát, bao dung cứu độ mọi người. Cho nên các hàng hướng đạo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mặc nhiên có sứ mạng gọi là Sứ Mạng Đại Thừa một khi đã cầu tu Thiên đạo.

25.Tại sao gọi là"Tam kỳ phổ độ" ?

" Tam Kỳ Phổ Độ" là phổ độ kỳ thứ ba. Sau kỳ thứ nhứt (Nhứt kỳ phổ độ) và kỳ thứ hai (Nhị kỳ phổ độ).

Giáo lý Cao Đài dạy rằng, trong suốt lịch sử nhân loại, Đức Thượng Đế luôn luôn từ bi cứu độ chúng sanh nên từng sai những bậc sứ giả của Ngài đến trần gian mở Đạo, tập trung vào ba thời kỳ :

Nhứt kỳ phổ độ : vào cuối Thượng nguơn, có vua Phục Hy (2852 – 2737 TTL) và vua Đại Võ (2205 – 2197 TTL) ở Trung Quốc lần lượt phát minh ra Hà Đồ, Bát Quái, Lạc Thư làm nền tảng đạo lý mà sau này Văn Vương ( sinh 1258 TTL) và Chu Công (?-1105 TTL) viết thành Kinh Dịch, dạy cả Nhân đạo và Thiên đạo. Đó là những bậc Thánh nhân khai hóa dân sanh, dân trí và dân đức.
Cũng trong thời Nhứt Kỳ này, tại xứ Palestine vùng Tây Á, vào khoảng năm 1300 TTL, Thánh Moise xuất hiện, dìu dắt dân Do Thái lánh nạn, Ngài đã lên núi Sinai thông công với Đức Chúa Trời, được Chúa truyền Mười điều răn để dìu dắt cho dân Ngài.

Nhị kỳ phổ độ : vào cuối Trung nguơn, nhiều tôn giáo xuất hiện lập thành Nhị kỳ phổ độ trong 6 thế kỷ trước TL và 6 thế kỷ sau TL như :

- Đức Thích Ca sinh năm 560 TTL tại An Độ sáng lập Phật giáo.
- Đức Khổng Tử sinh năm 551 TTL tại Trung Quốc xây dựng Nho giáo.
- Đức Lão Tử sinh cùng thời với Đức Khổng Tử tại Trung Quốc, viết bộ Đạo Đức Kinh rất thâm diệu, được tôn là Giáo chủ Lão giáo.
- Đức Jésus Christ, sinh tại Bethléhem miền Tây Á vào đầu Tây lịch, xưng là con Đức Chúa Trời xuống trần gian cứu chuộc nhân loại, lập thành Thiên Chúa giáo.
- Đức Mohamet sinh năm 571 sau Tây lịch tại La Mecque nước Ả Rập, rao giảng kinh Coran, lập nên Hồi giáo.

Tam Kỳ phổ độ : được bắt đầu vào cuối Hạ nguơn khi Đức Thượng Đế khai minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào năm 1926 tại miền Nam Việt Nam, do chính Ngài làm Giáo chủ vô hình, dùng phép thông linh thâu nhận tín đồ qua cơ bút, lập ra Cao Đài giáo….

26. Xin cho biết Nhân sinh quan Cao Đài

Trước hết Cao Đài quan niệm thế gian vừa là một học đường vừa là nơi để lập công bồi đức ngõ hầu tiến hóa thêm hơn. Đức Chí Tôn có dạy "thế gian là một trường thi công quả" (TNHT,1973,Q.I,tr.34) trong ý nghĩa đó.

Vậy người tín đồ Cao Đài không được yếm thế hay phủ nhận cuộc sống giữa xã hội. Ngược lại phải sống hòa nhập với đời làm tròn các bổn phận đối với bản thân, gia đình và xã hội đất nước, trước khi và trong khi bước sang giai đoạn cầu tu giải thoát.
Trong mối quan hệ gia đình và xã hội - đất nước, tín đồ Cao Đài thực hành Nhơn đạo Khổng giáo để sống có đạo đức. Cũng từ đó, tín đồ Cao Đài rất kính trọng, tôn thờ ông bà tổ tiên cha mẹ cũng như những vị anh hùng dân tộc đã quá vãng.

27. Xin cho biết các ngày lễ lớn trong năm của Đạo Cao Đài ?

1. Ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch: Lễ Vía Trời tức Vía Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đấng khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tức Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

2. Ngày Rằm (15) tháng Hai âm lịch: Lễ Vía Đức Thái Thượng Đạo Tổ, Giáo tổ Tiên Đạo.
3. Ngày mùng 8 tháng Tư âm lịch: Lễ Vía Đức Thích Ca Mâu Ni,Giáo tổ Phật Đạo.

4. Ngày 18 tháng Tư âm lịch : Lễ Vía Đức Khương Thái Công, tiêu biểu Thần Đạo.

5. Ngày 19 tháng Sáu âm lịch : Lễ Vía Đức Quán Thế Am Bồ Tát, Nhị Trấn Oai nghiêm ĐĐTKPĐ.

6. Ngày 24 tháng Sáu âm lịch : Lễ Vía Đức Quan Thánh Đế Quân, Tam Trấn Oai nghiêm ĐĐTKPĐ.

7. Ngày Rằm tháng Tám âm lịch: Lễ Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn tức Đức Phật Mẫu - Đức Mẹ; đêm Rằm có Lễ Hội Yến Bàn Đào.

8. Ngày 18 tháng Tám âm lịch : Lễ Vía Đức Lý Đại Tiên Trưởng, Nhứt Trấn Oai Nghiêm, Giáo Tông Vô Vi ĐĐTKPĐ.

9. Ngày 27 tháng Tám âm lịch: Lễ Vía Đức Khổng Thánh Tiên Sư, Giáo tổ Đạo Nho.

10. Ngày Rằm tháng Mười âm lịch: Lễ kỷ niệm ngày Khai Minh Đại Đạo.

11. Ngày 25 tháng 12 dương lịch : Lễ Vía Đức Gia Tô Giáo Chủ.
Ngoài ra vào các ngày Rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười các Thánh Thất có cử hành Lễ Thượng nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn tương đối trọng thể.

28. Yến Bàn Đào là gì ?

Về mặt sử đạo, Đức Thượng Đế dạy chư vị Tiền Khai Đại Đạo thiết lễ Yến Bàn Đào lần đầu tiên vào đêm Rằm tháng Tám năm Ất Sửu (1925), để cung thỉnh Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương dự yến.

Yến gồm các lễ phẩm hoa quả và rượu, trần thiết trên một bàn tròn, chung quanh có xếp chỉnh tề chín chiếc ghế.

Chư Tiền Khai cầu Đức Mẹ Diêu Trì lâm phàm dự yến qua cơ bút. Hộ giá Đức Mẹ có Cửu Vị Tiên Nương.

Đức Mẹ cho phép chư Tiền Khai đồng dự yến và đàn nhạc trong buổi yến.

Về ý nghĩa, Đức Mẹ là ngôi Vô Cực, là ngôi Bảo Tồn, nên trong Tam Kỳ Phổ Độ, Thầy lâm phàm khai Đạo thì Đức Mẹ cũng giáng thế hộ trì dạy dỗ, un đúc các bậc thiên ân sứ mạng và hết thảy con cái nữ nam của Mẹ để được cứu độ giải thoát khổ trần.
Chư Tiền bối được đồng dự yến với Đức Mẹ và Cửu Nương có ý nghĩa Thiên nhơn đồng nhứt thể và Thiên nhơn hiệp nhứt. Nhứt là ý nghĩa " vô vi - hữu hình đồng sứ mạng" trong Tam Kỳ Phổ Độ.

Yến Bàn Đào còn có ý nghĩa ban thưởng cho người có công trên đường hành đạo tự độ - độ tha.
Cơ Quan PTGLĐĐ
Cao Đài Vấn Đáp / Cơ Quan PTGLĐĐ

Cõi trần thế bể dâu lắm lúc,
Vòng trái oan câu thúc bao lần,
Sắc tài danh lợi ái ân,
Trăm năm ràng buộc tấm thân đọa đày.
Sớm giác ngộ con quày bước lại,
Phá vô minh đoạn máy luân hồi,
Đạo là lẽ sống con ôi,
Trong con thì Đạo, đất trời là tâm.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 14-8 Nhâm Tuất

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây