Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
02/05/2004
Lê Anh Dũng

Lòng bao dung Tam Giáo của dân tộc Việt Nam

Đây là Chương IV, quyển CON ĐƯỜNG TAM GIÁO VIỆT NAM TỪ KHỞI NGUYÊN ĐẾN THẾ KỶ XIX, Nxb Tp.HCM ấn hành năm 1994. LC Control Number: 94945152. Trước khi in thành sách, sáu chương sách này đã được trình bày tại Hội trường Thuyết minh Giáo lý Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam.

Từ những thế kỷ I, II, ba nền tôn giáo Nho, Thích, Lão đã sớm được nhân dân Việt Nam tiếp nhận và dung nạp.
Các thế kỷ X, XI, XII với các triều đại đinh, Lê, Lý, Trần đã đánh dấu một thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc, mở ra một thời kỳ hào hùng vừa giữ nước vừa dựng nước. Hoàn cảnh lịch sử khách quan đòi hỏi giới quân sự phải biết trọng dụng trí thức. Giới Nho sĩ thời ấy chưa hình thành, phải đợi đến triều Hậu Lê mới phát triển cực thịnh. Thậm chí, trong những buổi đầu của đất nước vừa giành được độc lập, trường tư của các cụ đồ có lẽ cũng không có, nhiều người học chữ với các sư tại các chùa. Các sư vì muốn đọc được kinh Phật phải học chữ Nho, mà học chữ Nho thì thông qua kinh sách đạo Khổng. Cho nên không lấy làm lạ là các sư cũng giỏi cả Nho học, nhiều sư tinh thông cả Dịch học của Nho, khoa địa lý phong thủy của Lão (thí dụ như Thiền sư Vạn Hạnh). Tóm lại, tầng lớp trí thức thời xưa tập trung chủ yếu là giới tu hành, vừa tăng, vừa đạo sĩ.
Các nhà tu hành trí thức này có ý thức quốc gia, có lòng yêu nước trong sáng, học vấn uyên bác về cả giáo lý của đạo mình mà còn hiểu được kinh điển của đạo khác, nên có một tinh thần đại đồng, không bị hình thức sắc tướng làm mê chấp, do đó các vị ấy đã sớm biết đoàn kết, đứng chung dưới ngọn cờ dân tộc để phù trợ chặt chẽ cho chính sách, đường lối của triều đình, cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Qua bốn triều đại tiêu biểu là Đinh, Lê, Lý, Trần, hoàn cảnh lịch sử đã làm cho Việt Nam trở thành mảnh đất tốt để Tam giáo lớn mạnh trong lòng bao dung của người Việt.
Các vua Đinh Tiên hoàng (968-979), Lê Đại hành (980-1005), Lý Thái tổ (1010-1028), v.v... đã chọn các đại sư, đạo sĩ vào triều đình làm cố vấn. Năm 971, vua Đinh Tiên hoàng phong Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống, phong Thiền sư Đặng Huyền Quang làm Sùng chân Uy nghi, phong Đạo sĩ Trương Ma Ni làm Tăng lục Đạo sĩ. Vua Lý Thái tổ dựng chùa Vạn tuế, cất cung Thái thanh ngay tại kinh thành Thăng Long.[2] Vua Lý Thái tổ còn tôn Thiền sư Vạn Hạnh lên làm Quốc sư. Vua Lý Nhân tông (1027-1127) đi đâu cũng hay kề cận Thiền sư Giác Hải và Đạo sĩ Thông Huyền. Vua có lần thử tài hai vị, rất khâm phục nên làm thơ khen tặng rằng:
Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo hựu huyền
Thần thông kiêm biến hóa
Nhất Phật, nhất Thần tiên.[3]
(Giác Hải lòng như biển
Thông Huyền đạo pháp lại càng huyền diệu
Đều giỏi thần thông biến hóa
Một vị là Phật, một vị là Thần tiên.)
Trong buổi đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc, các vua còn có quyết định tuyển chọn nhân tài giúp nước thông qua hai kỳ thi về Tam giáo. Lần thứ nhất mở năm 1195, triều Lý Cao tông. Lần thứ hai mở năm 1247, triều Trần Thái tông.
Với tinh thần khoáng đạt, các nhà sư khi cố vấn hoặc gián nghị các vua đều không câu chấp, lúc thì vận dụng Lão, khi trưng dẫn Nho để thuyết phục.
Pháp sư Đỗ Pháp Thuận (915-990) đã được Vua Lê Đại hành hỏi về vận nước, Ngài khuyên Vua dùng đường lối vô vi của đạo Lão:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.[4]
(Đất nước như dây leo rối rắm
Nay trời Nam đã hưởng thái bình
Dùng đường lối vô vi nơi triều đình
Xứ xứ đều sẽ dứt cảnh đao binh.)
Năm 1130, khi vào điện Sùng khai, Thiền sư Viên Thông (1080-1151) đã mượn tư tưởng Kinh Dịch tâu với vua Lý Thần tông (1128-1138) về cái lẽ hưng vong, đắc thất của một nước. Sau khi nhấn mạnh rằng một nước hưng thịnh hay suy vong không phải tự nhiên một sớm một chiều, Sư kết luận:
"Các bậc thánh vương đời trước đều biết như thế nên đều bắt chước trời, không ngừng trau đức để sửa mình; bắt chước đất, không ngừng trau đức để yên dân. Sửa mình thì cẩn thận ở trong lòng, run sợ như đi trên băng mỏng. Yên dân thì yêu mến người dưới, hãi hùng như cỡi ngựa nắm dây cương sờn." [5]
Năm 1202, Thiền sư Nguyễn Thường, là Tăng phó, khuyên can vua Lý Cao tông:
"Tôi nghe bài Tựa Kinh Thi có nói: Âm nhạc của nước loạn nghe ai oán vì giận chính sự nước ấy sai trái. Âm nhạc của nước mất nghe bi thảm vì xót dân nước ấy khốn cùng.
"Nay Chúa thượng rong chơi vô độ, chính giáo sai lìa, dân chúng buồn khổ. Đến nay càng tệ. Thế mà ngày ngày lại nghe âm nhạc ai oán, đó chẳng phải là điềm nước mất, nước loạn hay sao?" [6]
Một số sự kiện lịch sử như trên cho thấy trong buổi đầu, Tam giáo được giao hòa trên nước Việt trong lòng bao dung của người Việt, chính đây là sự manh nha của tư tưởng Tam giáo đồng nguyên.
LÊ ANH DŨNG
CHÚ THÍCH
[1] Chương IV đã in trong tập san Văn hóa & đời sống, chủ đề Cái thiện cái ác. Nxb Tp.HCM, tháng 9-1992.
[2] Lê Quý Đôn toàn tập. Tập II: Kiến văn tiểu lục. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1977, tr. 368, 387. Trần Văn Giáp, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII. Tuệ Sỹ dịch. Sài Gòn: Viện đại học Vạn Hạnh, 1968, tr. 151, 153.
[3] Thơ văn Lý - Trần. Tập I. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1977, tr. 434,435.
[4] Thơ văn Lý - Trần. Tập I, tr. 204.
[5] Thơ văn Lý - Trần. Tập I, tr. 142. Huệ Chi dịch.
[6] Thơ văn Lý - Trần. Tập I, tr. 528. Phạm Tú Châu dịch.

HẾT CHƯƠNG IV
Lê Anh Dũng

Thầy dành cho trẻ một mùa xuân,
Đi lại trần gian xóa khổ trần,
Như lý Đạo mầu đang cứu cánh,
Cho đời thuần túy nét thanh tân.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây