Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
10/01/2006
Tường Chơn

Luận Về Những Điểm Tương Đồng Của Tam Giáo

Hẳn trong chúng ta, ai cũng biết khi nói đến Tam Giáo là nói đến:
Đạo Phật cũng gọi là Thích giáo
Đạo Tiên (Đạo) cũng gọi là Lão giáo
Đạo Thánh (Nho) cũng gọi là Khổng giáo
Là ba giáo lớn ở Đông Nam Á.

Tại Trung Hoa, cũng như trong nước Việt Nam ta, ba giáo này vì gần gũi nhau, chung đụng nhau lâu ngày, nên hiện nay về mặt giáo lý, ba giáo này xen lẫn và ảnh hưởng lẫn nhau, khó mà phân biệt mỗi giáo cho rạch ròi. Cho nên có người nói: Tam giáo qui nguyên, như nước ba sông lớn đổ về biển cả, không thể biết nước nào thuộc về sông nào.
Học thuyết mỗi giáo tuy luận điểm và danh từ có khác nhau, nhưng xét về mặt nguyên lý, thì Tam giáo đồng thờ một căn bổn Độc nhứt và Phổ biến, mà thông thường mà người ta gọi tắt là Ngôi Độc Nhứt. Ngoài ra, ba giáo đều chủ về tâm tánh và luận về thiện ác, họa phước vay trả.
Kính thưa quí vị.

A.Trước tiên chúng tôi xin được nói về Ngôi Độc Nhứt theo quan điểm của Tam Giáo

I./Theo Phật giáo Ngôi Độc Nhứt này, gọi là Pháp hay Phật .

Trước hết xin lưu ý: chữ Pháp và chữ Phật nói ở đây, chẳng phải theo nghĩa thông thường, mà theo nghĩa tuyệt đối. Nghĩa này rất rộng lớn, bao trùm khắp cả kiền khôn thế giới, là căn bổn của toàn cõi vũ trụ bất sanh bất diệt, gồm cả vạn hữu, chẳng có một sự vật nào mà lọt ra ngoài giới hạn của chữ Pháp hay chữ Phật đó.
Cuốn "An Độ Phật giáo sử lược" có nói rằng:
"Thứ tự ban sơ là Phật, Pháp, Tăng. Ý nói: Trước có Phật, kế Phật thuyết Pháp, rồi sau mới có Tăng là đệ tử nghe thuyết pháp. Cho nên theo thứ tự đó thì gọi ba báu của Phật giáo là Phật, Pháp, Tăng."
"Nhưng phái Đại thừa nhận rằng: Kiến Pháp (thấy Pháp) mới là trọng yếu hơn. Cho nên trước kể chữ Pháp thông suốt ba đời. Người thừa Pháp này mà tu thành Chánh giác, gọi là Phật. Vậy chữ Pháp này không phải chữ pháp (kinh luật) của Phật nói ra mà thôi. Vì chữ Pháp này đặng mở rộng ý nghĩa, nên cũng gọi là Như thật Pháp, là Chơn như thật Tướng, Phật và Tăng tức là ở trong chữ Pháp đó mà ra. Cho nên nói: "Tiên Pháp nhi hậu Phật Tăng". Nghĩa là: Theo Đại thừa, thì trước có Pháp, rồi sau mới có Phật, Tăng ".
Chữ Pháp này có ý nghĩa là vũ trụ định luật, cũng gọi là pháp nhĩ thông thường hiểu là tự nhiên. Phật giáo ít dùng chữ "tự nhiên", là bởi Phật bác chữ ấy trong kinh Lăng nghiêm, vì sợ người ta hiểu lầm theo nghĩa tự nhiên của ngoại đạo, nên thường dùng chữ Pháp nhĩ.
Xin được mở ngoặc ở đây để tìm hiểu xem Pháp nhĩ nghĩa là gì:
Cuốn Phật học đại tự điển giải rằng: Chữ này đồng nghĩa với chữ tự nhĩ, pháp nhiên, thiên nhiên, tự nhiên, nghĩa là không nhờ cậy ai bên ngoài giúp sức mà nên, cái pháp ấy tự nó vận dụng. Tỉ như lửa thì nóng, nước thì ướt vậy.
Tham khảo thêm bộ "Tông viên ký", cuốn thứ tư có nói: "Pháp nhĩ nghĩa là: nhĩ là như vậy đó. Ý nói: Chẳng phải do ai cấu tạo, cái ấy tự nhiên nó hiện ra như vậy đó, giống như tự nhiên ".
Phật nói: "Một niệm qui y, thì chư Phật, bồ tát đồng thời hộ niệm khiến cho trừ họa đặng phước". Phải hiểu lời này như vầy: Người hay làm lành, thì mảy hào chẳng bao giờ sai chạy, luật tự nhiên tất phải lấy lành mà đáp lại cho người ấy. Phật nói đây là ngụ ngôn chủa chữ Pháp. Đến đây xin được đóng ngoặc.
Cũng cuốn "An Độ Phật giáo sử lược" nói thêm rằng: "Do quán Như thật Pháp mà người thành đạo làm Phật, là nói về quả vị. Còn vị bồ tác khởi tu là nói về nhân địa. Tuy nhân quả có khác nhau , mà đều phảicó người tu chứng".
Vậy nghĩa chữ Phật là sao?
"Cái quan niệm về Phật đà, ban sơ chỉ vốn là bực đạo sư cõi Người, cõi Trời, tức chỉ là người của Đức Thế tôn Thích Ca (Theo nghĩa này Phật được gọi là ứng thân, nghĩa là cũng có thân thể bằng xương thịt như chúng ta vậy)".
Sau lại định nghĩa là: "Nhứt thiết chư phật có tướng hảo quang minh, gồm đủ đại dụng tế thế độ sanh". Theo nghĩa này, thì Phật chẳng phải đời này lìa phiền não, vào Niết Bàn mà thôi, lại về đời quá khứ, kiếp này sang kiếp nọ đã có tu nhân lành rất nhiều rồi. Bởi cớ đó, kết quả ngày nay là cái công dụng rất lớn đặng thành Đạo lợi sanh. Cuốn"Bổn sanh đàm" (Jâtaka) chuyên thuật các tiền sanh của Phật, đã làm nhiều việc "khổ hạnh nan hành", để cho người ta tin chắc cái nghĩa nói trên.
Đại thừa còn giải thích phật thân tiến lên một bực nữa, như sau này: "Nếu Phật có đủ vô lượng tướng hảo diệu sắc bi trí viên mãn, làm lợi ích cho chúng sanh luôn luôn, mới là chơn Phật, thì gọi là Báo thân, hoặc Tha dung thân. Lại báo thân là bực thiệt hiện cái Pháp nói trên đó nên cũng có pháp thân. Hoặc nói: Phật tức là Pháp thiệt hiện. Thấy Phật cũng như thấy Pháp, thấy Pháp cũng như thấy Phật vậy. Pháp và Phật hai chữ đã đồng một quan niệm. Còn thân có nghĩa tích tụ mà thành. Bởi có các pháp tích tụ (hiệp chung lại) nên gọi là Pháp thân ".
"Vậy theo Đại thừa, Phật có đủ ba thân: Ứng thân, Báo thân, Pháp thân. Thế là cái tư tưởng về Phật thân đối với Phật giáo hồi ban sơ có phần tiến bộ hơn nhiều". Cái Pháp thân nói sau đây có phải là cái thân đệ nhứt của ngôi Độc nhứt tối cao, tối thượng, bao gồm hết các pháp, trải khắp không gian và thời gian chăng?
Vua Trần Thái Tông là vua nước Việt Nam thời Trần (1225 - 1258). Ngài hiểu rõ đạo Phật một cách thấu đáo, có soạn ra bộ sách "Khoá hư", giảng về nghĩa hư không, khuyến hoá tu hành theo Phật giáo. Trong bài Bạt hậu sách Khoá hư, nhà vua có nói:
"Khi nói, khi lặng, khi động, khi tịnh, đều là pháp Phật.
Khi ăn, khi uống, khi ngủ, khi thức, đều là pháp Phật.
Khi đi đại tiện, khi đi tiểu tiện, đều là pháp Phật. "
Nghĩa chữ Phật ở đây, tức là chỉ ông Trời, đấng tạo hoá hay là Lẽ tự nhiên của vũ trụ, người và vật đều do nơi cái Lẽ tự nhiên tổng quát tạo thành ra, hay là ai có ý tôn kính thì gọi là đấng Tạo hoá gầy dựng muôn loại.
Cuốn "Phật học dị giải" của ông Gia Phong Trăng có giải chữ Phật như thế này: "Chữ Phật nói đây chẳng ra ngoài Chơn lý của vũ trụ . . . Cây liểu xanh, đoá hoa hường, con quạ ré, con sẻ kêu, vốn ban sơ cũng đồng một trạng thái, chẳng có tí gì sai biệt. Cái trạng thái đó tức là Phật vậy ".
Chữ Phật nói đây đồng nghĩa với lẽ tự nhiên nói trên.
Cận đại, ông D.T.Suzuki, giáo sư Thiền tông Nhựt Bổn, viết ra cuốn "Essais sur le Bouddhisme Zen" (nghĩa là: Thử viết về phật giáo Thiền Tông), có nói rằng:
"Phật tánh và Pháp tánh là danh từ của người phái Đại thừa gán cho cái chi không phải là bản ngã, nhưng cũng ỡ trong bản ngã. Nhờ cái tư tưởng này, người phái Đại thừa mới đi tới chổ ý thức tội lỗi và đồng thời có thể giác ngộ."
"Phật tánh là bổn thể của quả Phật. Nếu không có nó, thì người tu không thể nào chứng quả Phật ở thế gian này. Vị Phật, mà hiểu một cách khách quan, hay là siêu nhơn cách, thì gọi là Pháp, tức là Luật, Lý, Thật tại vậy. Còn pháp tánh là cốt cán, là rường cột của Pháp".
"Phật tánh và Pháp tánh (gọi đủ chữ là Pháp giái tánh) là hai danh từ có thể dùng lẫn nhau, mà người theo Đại thừa là giải cách chứng nghiệmtu hành bằng chữ Phật tánh thường hơn".
Theo thuyết Phật tánh nói đây, thì vị Phật "lịch sử" trở nên vị Phật "siêu phàm", không còn là đức Thích ca Mâu Ni trơn nửa (nghỉa là luận theo cá nhơn phàm tiểu). Từ đây, Ngài là một thị hiện của đức Phật bất diệt, một kiếp ứng thân của Phật tánh vậy. Như thế Ngài không phải còn là một cá tánh bị hạn chế trong không gian và thời gian; phần tinh thần của Ngài tràn đầy ra ngoài thân thể và quyền năng của Ngài đã tu chứng có ảnh hưởng đến các bạn đồng môn đương phát triển và tiến tu về quả Phật.
Tuỳ phương diện người ta gọi hoặc Pháp hoặc Phật. Phật tỉ như vị tổng thống là hồn nước, còn Pháp sánh như một quốc gia lá đất nước. Tuy là ta thấy hai bên có khác nhau, kỳ thiệt đó chỉ là hai phương diện của một đơn vị, một thiệt thể mà thôi. Vì Tổng Thống thay mặt cho quốc gia, cho nên lấy lý mà xét, Tổng Thống và quốc gia chỉ là một mà thôi.

II./Tiên giáo thờ Ngôi Độc Nhứt này, gọi là Đạo hay là Đức.

Đức Lão Tử là tổ của đạo giáo, có trứ tác nhiều bộ kinh, mà bộ kinh được thiên hạ chú ý nhiều nhất là Đạo Đức kinh. Tuy bộ kinh này có 81 chương, mà phần cốt yếu của nó gói gọn trong chương thứ nhất, chúng tôi xin trích dẩn ra sau đây:
Đạo khả đạo, phi thường đạo;
Danh khả danh, phi thường danh.
Vô danh thiên địa chi thỉ;
Hữu danh vạn vật chi mẫu.

Cố,
Thường vô dục, dĩ quan kỳ diệu,
Thường hữu dục, dĩ quan kỳ kiếu.
Thử lưỡng giã đồng,
Xuất nhi dị danh,
Đồng vị chi Huyền,
Huyền chi hựu Huyền,
Chúng diệu vi môn.

Đức Lão Tử nói:
"Cái Đạo mà nói ra được, là không phải cái đạo hằng còn (bất diệt). Cái Tên mà kêu gọi được là không phải cái Tên hằng còn (bất diệt)."
"Đương lúc không tên, (Đạo) là nguồn đầu (chổ khởi thỉ phát sanh) của trời đất. (Đạo vốn vô hình, tức là Bổn thể thì làm sao có tên được?). Đến khi có tên, (Đạo) là mẹ sanh của muôn vật.(sau Đạo biểu lộ ra tức là Đức, tức là sự sáng suốt, tánh thiện tuyệt đối của Đạo chớ không phải ngoài Đạo ra lại riêng có Đức, hai bên đối lập cùng nhau)."
"Cho nên lòng thường không có thị dục (trống không thanh tịnh), thì xét thấy chổ vi diệu của Đạo. Còn lòng thường có thi dục (bị dục xúc động), thì chỉ xét thấy phần hình thức của Đạo mà thôi".
"Hai loại này đồng một gốc mà ra, nhưng lấy tên khác nhau, đồng gọi là Huyền, cái Huyền trong cái Huyền (tột huyền diệu) chính là cửa của các pháp vi diệu (cửa ra vào của muôn vật)"
Với chữ Đạo nói đây, đức Lão Tử muốn chỉ ra cái Nguyên lý Độc Nhứt đời đời bất diệt và khó biết kia là gốc của muôn vật.
Nó chính là nguyên lý đầu tiên, là nguyên nhân của các nhân, là lý tuyệt đối, vô hình, cao cả, là nguồn đầu của Trời đất. Không có Đạo thì chẳng có chi tồn tạiđược, nên Đạo là gốc của sự sống tiềm tàng trong mọi loài.
Cái phần của Đạo phát lộ ra bên ngoài, bởi có sức bồng bột, vô cùng mảnh liệt bên trong thì Đức Lão Tử gọi là Đức. Đạo Đức kinh gọi là thượng đức. Còn đức hạnh, đức tánh là nhân nghĩa thì gọi là hạ đức, vì đã chia ra nhiều mối mất vẻ hồn nhiên. Cho nên mới nói:
"Mất thượng Đức rồi mới có nhân, mất nhân rồi mới có nghĩa." (Thất Đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa).
Đạo đức kinh, chương thứ 21, nói: "Khổng Đức chi dung, duy Đạo thị tùng".
Nghĩa là: Cái sức chứa đựng của Đức lớn (trống như hư không), chỉ theo lượng của Đạo (Đạo lớn bao nhiêu thì cái sức chứa đựng, bao trùm muôn vật của Đức cũng lớn bấy nhiêu).
Đạo Đức kinh chương 21 lại nói:"Cho nên Đạo sanh nó (nó đây có nghĩa là muôn vật), Đức nuôi nó, làm cho nó lớn, làm cho nó sống, nên hình, chính chắn, tu bổ, chở che nó. Tự mình sanh ra mà không giành làm riêng của mình, tạo nên mà không cậy nhờ vào nó, giúp cho nó lớn mà không làm chủ nó. Đógọi là huyền Đức (Đức sâu rộng)".
Theo ý đức Lão tử, Đạo chỉ là bổn thể sanh ra muôn vật, còn sự hóa dục và các việc khác đều là công việc của Đức cả. Đức này không phải là một vật cụ thể, có hình dáng rõ rệt, có thể dùng giác quan và ý thức mà tìm thấy được. Nó là mạng mạch, là động lực vô hình duy trì sự tồn tại của muôn vật trên cõi vũ trụ.
Theo cái nghĩa mới mẻ nói đây, chữ Đức còn có ý nghĩa mầu nhiệm, thánh thần, là mẹ sanh của muôn vật (hữu danh, vạn vật chi mẫu). Vì chữ Đức này là Đức của Đạo. Do vậy, đức Lão tử đã nói: hễ Đạo lớn bao nhiêu, thì theo đó Đức cũng lớn bấy nhiêu, không có chi so sánh kịp, không có chi lọt ra ngoài.
Bởi các lý do đó mà Ngài gọi bộ kinh của Ngài là Đạo Đức kinh. Bộ kinh này ghi đủ hai nghĩa của chữ Đạo và chữ Đức, rất đơn giản. Nghĩa đơn giản này cũng như nghĩa chữ giản dị trong bộ Kinh dịch.
Theo luật tự nhiên của tạo hóa, chi chi cũng bắt đầu từ chữ giản dị đó mà sanh ra. Tỉ như một thân cây lớn, nhánh lá rườm rà, trước chỉ là một hạt giống cỏn con. Cho nên con người muốn hiểu được chỗ giản dị đó, thì cũng phải tập tánh vong kỉ, dẹp hết tham dục trong lòng, mới mong có chổ trống không mà tiếp đón hai chữ Đạo Đức vào lòng.
Cái phương pháp tìm hiểu Chơn Lý này phải nhờ có sức trực giác thiêng liêng, không giống với các phương pháp tìm tòi sự thật bằng giác quan và ý thức của kẻ thế gian.
Thế thì hai chữ Đạo Đức của đức Lão tử đối với nghĩa thường dùng, có phần tốt đẹp, cao siêu, huyền bí hơn. Một nhà tu công giáo, Bác sĩ L.Wiéger người phiên dịch cuốn Đạo Đức kinh ra chữ Pháp, đã diễn dịch hai chữ Đạo, Đức như sau:
"Một nguyên lý đầu tiên và độc nhứt, ban sơ nó tập trung và đại tinh, tự mình phát xuất, sanh hóa
Khi cái nguyên lý ấy bất động thì gọi là Đạo, còn khi cái nguyên lý ấy họat động thì gọi là Đức"
Đây chúng tôi xin nói rõ: Đạo là bổn thể, là gốc sanh, tỉ như ngọn lửa đèn; còn Đức là vô lượng công dụng của Đạo, tỉ như ánh sáng của ngọn lửa đèn. Lửa đèn và ánh sáng đều thuộc về cái đèn, thì Đạo và Đức cũng chỉ là hai phương diện của ngôi Độc Nhứt.

III./Thánh giáo thờ Ngôi Độc Nhứt này, gọi là Thiên hay là Thượng Đế .

Trong kinh Thơ và kinh Thi, người Trung Hoa thời cổ thường dùng chữ Thiên hay là Thượng Đế mà xưng tụng ngôi chúa tể kiền khôn thế giới.
Như chương Thuấn điển trong kinh Thơ có câu: "Phiền sài, dĩ cáo Thiên dã. Cáo chi dã, cáo kỷ thọ Nghiêu chi thiền, hành thiên tử chi sự". Nghĩa là: Vua Thuấn đốt củi để tâu cáo lên trời rằng: Ngài đã nhận lãnh ngôi báu của vua Nghiêu nhường lại và vâng chịu trách nhiệm thiên tử cai trị dân từ đây.
Cũng trong chương Thuấn điển có câu: "Tứ loại vu Thượng đế", nghĩa là: bày lễ đặc biệt để cúng Thượng đế. Lời giải thích:"Thượng đế, chi dã, chí tôn, vô đối", nghĩa là: Chúa cõi trên tức là Trời, Tột bực cao tôn, chẳng có ngôi thứ hai (vô song).
Lại nói thêm rằng: "Tự hình thể nhi ngôn chi, tắc vị chi Thiên, tự chủ tể nhi ngôn chi, tắc vị chi Đế. Kỳ thật nhứt dã". Nghĩa là: nếu nói về mặt hình dáng thì gọi là Thiên (Trời). Nếu nói về ngôi chủ tể thì gọi Đế (Vua). Kỳ thiệt, Thiên hay Thượng đế chỉ là một.
Sách Tánh lý cũng có nói: "Thi Thơ trung phẩm hữu cá chủ tể ý tứ giả giai ngôn đế, hữu cá bao hàm biến phú ý tứ, tắc giai ngôn thiên". Nghĩa là: "Trong kinh Thi, kinh Thơ phàm có cái ý tứ chủ tể thì đều dùng chữ đế, còn có cái ý tứ bao hàm trải khắp thì đều dùng chữ Thiên (Trời)".
Về vấn đề thờ Trời, chúng tôi xin tóm tắt một ít tư tưởng của đức Khổng tử như sau:

1.Nói về lễ Trời
Sách Trung dung nói: "Giao xã chi lễ, sở dĩ sự Thượng đế dã". Nghĩa là: Lễ tế trời đất là để thờ Thượng Đế.
Kinh Lễ, trong bài Tăng tử hỏi, có nói: "Giao xã tôn vô nhị thượng". Nghĩa là: Lễ tế Trời Đất, tức là Thượng Đế cao cả hơn hết, chớ không có ngôi thứ hai nữa.
2.Nói về sự hiểu biết Trời
Sách Luận ngữ nói: "Quân tử úy Thiên mạng". Nghĩa là: Người quân tử sợ mạng lệnh của Trời.
Trung dung nói: "Tự tri nhơn, bất khả dĩ bất tri Thiên". Nghĩa là: kẻ nào đã biết con người (vì con người là tiểu thiên địa), thì chẳng thể nào không biết Trời.
3.Nói về sanh háo của Trời
Sách Trung dung có nói: "Thiên chi sanh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc diên; cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi ". Nghĩa là: Trời sanh người và vật, do cái tài cái đức của mỗi người, mỗi vật mà giúp sức họ. Kẻ nào đứng vững thì Trời vun vén thêm cho, còn kẻ nào ngã xiêu thì Trời lật đổ tuốt.
Kinh Lễ trong bài Ai Công hỏi, có nói: "Vô vi nhi vật thành, thị Thiên đạo dã". Nghĩa là: không thấy họat động gì mà muôn vật sanh thành, đó là Đạo của Trời vậy.
Luận ngữ nói: "Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành diên, bách vật sanh diên. Thiên hàngôn tai!". Nghĩa là: Trời nào có nói chi! Mà bốn mùa vận xây, muôn vật sanh hóa. Trời nào có nói chi!
Theo như mấy lời dẫn trên, thì tư tưởng của đức Khổng tử về Thiên và Thượng đế cũng y như người TrungHoa thuở xưa kia. Cho nên Ngài nói: ta không có sáng tác cái chi mới, ta chỉ tập đại thành (lập thành có hệ thống) những tư tưởng của các đấng tiên vương mà thôi.

Vậy Tam giáo có phải là đồng thờ một Ngôi Độc nhứt chăng? Tuy danh từ xưng tụng có ý khác nhưng ý nghĩa Ngôi Độc nhứt không khác.
Thích giáo nói: "Van pháp qui Nhứt".
Đạo giáo nói: "Bảo nguơn thủ Nhứt".
Nho giáo nói: "Chấp trung quán Nhứt".

Mỗi giáo đều có khuynh hướng về với ngôi nhứt, tức là một danh từ tĩnh bút của Ngôi Độc Nhứt và phổ biến. Như trên đã giải: đó là nguyên lý luôn luôn chỉ ngôi Tạo hóa sanh người vật, chủ tễ vũ trụ tồi cao, tối thượng, bất sanh bất diệt, mà ai ai cũng phải tôn kính và phục vu.

B.BA GIÁO ĐỀU CHỦ VỀ TÂM TÁNH

Chủ trương của ba giáo đồng trau tâm sửa tánh.
Thánh giáo nói: Tồn tâm dưỡng tánh, hay là Cùng lý tận tánh.
Tiên giáo nói: Tu tâm luyện tánh.
Phật giáo nói: Minh tâm kiến tánh.

I./Tồn tâm dưỡng tánh
Thánh giáo tuy chủ về luân lý, luận về đạo làm người, dạy tam đức, ngũ luân, tam cang , ngũ thường. Nhưng chẳng phải là không nói đến chổ cao siêu huyền bí về tâm tánh con người.
Đức Khổng tử nói: "Dư dục vô ngôn", nghĩa là: Ta muốn không nói. Kỳ thiệt, ý Ngài chẳng phải không muốn nói, nhưng Ngài khó tả cái trạng thái của Đạo, là phần siêu hình. Ngài có nói ra được chăng, chỉ là nói về phần công dụng, tức là cái kết quả do giác quan thấy, rờ được mà thôi.
Bằng chứng là thầy Tử Cống nói: "Phu tử chi văn chương khả đắc nhi văn dã. Phu tử chi ngôn Tánh dữ Thiên đạo, bất khả đắc nhi văn dã", nghĩa là: Đức Phu tử nói về văn chương còn có thể nghe được, chớ nói về Tánh và Thiên đạo thì không thể nào nghe (hiểu).
Câu này chỉ rõ đức Khổng tử luận rộng về việc đời theo luân lý, còn ít dạy về Tánh và Thiên đạo (tức là Hình nhi thượng học). Ngài chỉ nói Tánh và Thiên đạo với các học trò cao đệ, chớ nói với hạng học trò khác, từ trung đẳng sắp xuống, dẫu Ngài có nói ra đi nữa thì họ cũng không đủ sức hiểu giáo lý của Ngài nổi. Cho nên phần đông học giả chỉ rõ Hình nhi hạ học mà thôi (thuộc về thực tế).
Lại có một câu nữa trong sách Trung dung như vầy: "Thành (sẳn có trong lòng) là Đạo trời; (nếu mất cái lòng thành sẳn có đó), nay làm cho cái Thành đó trở lại (trí khúc) là đạo người. Thành (sẳn có trong lòng) thì không cố gắng mà nhằm, không suy nghĩ mà đặng, một mực thung dung mà trúng Đạo, đó là bậc Thánh nhơn. Còn làm cho Thành trở lại, thì phải chọn điều lành, mà nắm giữ nó cho chắc, đó là bậc Hiền nhơn (phải học hỏi)".
Chữ Thành có nghĩa là: Chơn thật vô vọng, là tánh bổn nhiên Thiên lý, cũng gọi là Lương tri, là Lý tánh, v.v. . .
Đủ thấy Nho giáo cũng có phần cao siêu, nhưng ít người đặng biết, sau này tới đời Tống, đời Minh mới có nhiều bậc học giả cao đệ phát huy những chổ vi ngôn ẩn ý của Thánh nhơn xưa – đó là phần học về tâm truyền – mới thấy sách truyền bá rộng rãi trong nhân gian về Hình nhi thượng học.
Nho giáo lấy tồn tâm dưỡng tánh làm mục đích chánh. Thầy Mạnh Tử có nói trong chương Tận tâm thượng rằng: "Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tánh, sở dĩ sự thiên dã", nghĩa là: "Kẻ học giả hay gìn giữ cái tâm mình (cho minh mẩn), thường nuôi cái tánh mình (cho hoàn toàn), là để thờ Trời vậy ".
Lại giải chữ Tồn tâm là: "Cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỉ", nghĩa là: "Kềm giữ cái tâm mình đừng để nó phóng túng buông lung, làm các việc bất chánh". Có tồn tâm như thế, thì mới nuôi được cái tánh bổn nhiên Thiên lý, cái Lương tri, cái Lý tánh nói trên.
Sách Trung dung nói: "Suất tánh chi vị Đạo", nghĩa là: noi theo cái tánh đó mà cư xử với đời, mới phải là Đạo vậy.
Nho giáo cũng có nói: "Cùng lý tận tánh", nghĩa là: phải học hết cái lý ở trong tâm (tâm tức lý), thì mới trọn rõ bổn tánh, mới thiệt hiện bổn tánh được.

II./Tu tâm luyện tánh
Đạo Tiên lấy "Tu tâm luyện tánh" làm mục đích chính. Chữ tu nghĩa là trau giồi việc xấu cho ra tốt, dữ cho ra lành. Chữ luyện nghĩa là: đốt rèn bằng lửa, như thợ rèn trui thép từ mềm trở nên cứng, lụt trở nên bén vậy.
Đây là đốt rèn bằng lửa nghĩa là làm sao?
Lửa này chẳng phải lửa thường đâu! Lửa này là lửa của Nguơn thần, là lửa Tam muội trong tâm người, nhờ Chánh định mà hiện xuất, gọi là Lửa Tạo hóa (Feu Créateur).
Trong khỏang trời đất này, không có chi là chẳng do nó sanh. Sanh rồi nó luôn luôn tồn tại trong mọi người vật, mà giử gìn sự sống còn. Hễ nó đi rồi, thì sự sanh sống trong người vật chắc chắn là phải tuyệt hẳn. Cho nên kinh xưa mới có câu: "Hỏa lý tài liên", nghĩa là trồng sen trong lửa. Đủ thấy lửa thường thì đốt tiêu mọi vật, còn lửa sống nói đây lại nuôi dưỡng muôn vật.
Nếu con người chỉ biết tu tâm, theo luân lý thì cái tâm tốt về mặt này, nhưng lại sanh xấu về mặt khác. Làm sao có tuyệt hẳn sự xấu được? Ngoài phép luyện nói đây, thì không có phương pháp nào khác hay hơn nữa.
Luyện tánh là đốt hết các thứ xấu xa bên ngoài, để rèn cái chơn tánh cho vửng chắc, cho nó đời đời không còn thay đổi hình dạng, nghĩa là: không còn dời dạt, luân hồi lên xuống nữa. Tỉ như ta đốt cây thành ra than, thì đời đời nó không còn đâm chồi nhảy nhánh nữa.
Các kinh Tiên gia như Đạo Đức, Huỳnh Đình, Thanh Tịnh, nói luyện Kim đơn, tức là luyện bổn tánh của mình. Nhưng tiếc vì đạo Kim đơn ít truyền cho thế gian, và lại lời dạy rất kín đáo, nên người đời hiểu theo ý kiến phàm phu, cho Kim đơn là thuốc có pha vàng, để phục thực (uống vào) mà cầu trường sanh (sống lâu).
Hai bài thơ sau đây chỉ rõ Kim đơn là bổn tánh, chớ không chi khác lạ:
Bổn tánh tiên thiên ấy gọi đơn,
Trong lò bát quái luyện thành huờn,
Người mê tìm thuốc ngoài thân thể,
Uống được, trên mây tưởng để chơn.

Lại một bài khác:
Bổn lai Chơn tánh hiệu Kim đơn,
Tứ đại làm lò, luyện hiệp huờn.
Kẻ hiểu là người về thánh vức,
Người mê muôn kiếp chịu trầm luân.

III./Minh tâm kiến tánh
Phật giáo nhận cái Chơn như Phật tánh là Chơn thiệt. Muôn hình tượng đều do Vọng tâm sanh sanh hoá hoá ra cả, chỉ là bóng vang huyễn hoá.
Người học Phật phải hiểu rõ như thế, rồi tìm trở lại cái gốc xưa, là Chơn như Phật tánh, để thoát ra khỏi vòng sanh tử,tiêu trừ các món phiền não, mới là đặng hưởng phước lâu dài nơi cảnh Niết bàn.
Phật giáo lấy Chơn như Phật tánh làm gốc, nên công phu tu hành của người học Phật là: "Minh tâm kiến tánh".
Minh tâm là gì?
Minh tâm nghĩa là: dẹp dục vọng, trừ sự mơ ước vu vơ, làm cho cái tâm mình không đặng sáng tỏ. Cái tâm nói đây sanh sanh diệt diệt, động niệm không ngừng, nên phải thành ra mờ tối, không rõ thấu nổi Chơn lý. Chỉ có tâm thanh tịnh mới rõ được Đạo. Tỉ như bầu trời quang đảng, chẳng chút mây che, thì chi chi cũng thấy dễ dàng. Hoặc như tấm gương lau chùi sạch bụi, trong trẻo, treo cao thì vật nào không chiếu rọi.
Pháp Bửu Đàn Kinh nói rằng: "Người nào kiến tánh, muốn lập (pháp) cũng được, không lập cũng được, lui tới tự do, không chi trở ngại, gặp việc làm ngay, ai hỏi đáp liền, thị hiện hoá thân khắp nơi, mà chẳng lìa tự tánh, tức là đặng tự tại thần thông, du hí tam muội, ấy gọi là kiến tánh".
Đức Đạt ma tổ sư phái Thiền Tông có nói rằng: "Trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thàn Phật", nghĩa là: Ta chỉ ngay cái tâm con người, hễ biết nó và làm cho nó sáng tỏ lên, thì tự nhiên thấy tánh của mình mà đặng thành Phật. Lại nói trong cuốn Huyết mạch luận: "Nhược dục kiến Phật, tu thị kiến tánh, tánh tức thị Phật", nghĩa là: nếu muốn thấy Phật, thì phải thấy tánh, vì tánh tức là Phật.
Đây là tông chỉ của phái Thiền tông, không chấp văn tự, chỉ cầu tâm truyền, ngoài ba tạng kinh.
Trong cuốn Minh Lý Học Thuyết của An sư Minh Thiện có nói về nghĩa Minh Lý theo Phật Giáo. Ngài chỉ nói vắn tắt "Lý tức Phật" hay nói rõ hơn "Lý tức thị Phật tánh". Chữ Lý nói đây có nghĩa là Phật tánh.
Cuốn "Giác quán cang yếu" của ông Ngẫu Ích sa môn Trí Húc trùng thuật, trong bài "Lục tức" thuộc về Viên giáo, có nói "Lý tức Phật", nghĩa là Lý tánh không thể nghĩ bàn, là Như lai tạng, chẳng khi nào biến đổi mà tuỳ theo các duyên. Tuỳ theo các duyên mà chẳng khi nào biến đổi, mỗi lần đưa ra một pháp, chẳng hề không có đủ pháp giái (nghĩa là: một pháp là toàn bộ pháp giái), tâm, phật, và chúng sanh, cả ba đều không sai biệt, ở cõi phàm không bớt, về cõi thánh không thêm.
Thế thì chữ Minh Lý không khác nghĩa với chữ Minh tâm kiến tánh. Vì Lý tức là Tánh, Tánh tức là Lý, nên cũng hiệp hai chữ lại mà gọi là Lý tánh (theo kinh Phật)hay là Tánh Lý (theo sách Nho). Bỡi cái Lý tánh này không thể bàn nghĩ, nên Thánh ngôn của Minh Lý cũng gọi là: "Lý ấy Tánh chơnvô nhị thị", mà vô nhị thị nghĩa là: không có một lẽ thứ hai như thế đó, tức là tuyệt đối vậy.
Trong tâm tánh của con người, có hai phần: một phần tuyệt đối, bình đẳng,đồng nhứt với Ngôi Độc Nhứt nói trên, lại không có hình tướng, nên phổ biến khắp nơi, bất sanh bất diệt. Còn một phần khác tương đối, thiên hình vạn trạng, sai biệt với Ngôi Độc Nhứt nói trên, lại phải sanh diệt.
Kính thưa quí vị,
Minh tâm kiến tánh, tu tâm luyện tánh, tồn tâm dưỡng tánh, mặc dầu danh từ kêu gọi có khác nhau mà công phu cũng đều đem tâm tánh từ chổ hình thức, sanh diệt, trở về chốn vô hình, bất sanh bất diệt, để hiệp cùng Ngôi Độc Nhứt.

C. BA GIÁO ĐỀU CÓ LUẬN VỀ THIỆN ÁC VÀ HỌA PHƯỚC TRẢ VAY

Tuy đồng luận về thiện ác và họa phước trả vay, mà gọi tên thuyết khác nhau, Phật gọi là Nhân quả, Đạo gọi là Cảm ứng, Nho gọi là Báo ứng.

I./Nhân quả của Phật giáo

Nhân quả là tiếng thường dùng, mà cũng có kinh gọi là Nghiệp. Chữ Nghiệp nghĩa là:việc làm, hành động, động lực.

-Tại sao Nghiệp cũng có nghĩa là Luật nhân quả?
-Bởi vì mỗi nguyên nhân là hành động, mỗi cái hành động là nguyên nhân. Cái kết quả nào cũng là công hiệu của hành động. Vả lại kết quả cũng tự có động lực, nên đặng xem như một nguyên nhân để sanh ra kết quả mới nữa.
Thế thì cái Nghiệp tiếp tục tương sanh, sanh lẫn cùng nhau, thành ra một đoàn động lực. Vì nhân nào sanh quả nấy, chẳng bao giờ sai chạy, cho nên gọi là Luật Nhân quả.
Người ta thường tuởng Nghiệp, hay Luật Nhân quả, là một cái luật chi phối mạng vận của lòai người mà thôi. Kỳ thiệt, phạm vi nó rất rộng, nó bao quát trọn hết các động lực của kiền khôn, nó chi phối tất cả sự sanh hóa của muôn vật.
Luật Nhân quả có hai nguyên tắc lớn sau đây:

a.Sự sanh tồn đồng với động lực.
b.Bởi có động lực mà sự sanh tồn (của người và vũ trụ) biến thiên, mới có tiến hóa hay là thối hóa.

Cái Luật nhân quả phổ biến này, ứng dụng cho nhơn loại, có thể tóm tắt lại như vầy: Mỗi người tự mình tạo nghiệp, đó là một cách vận động riêng của mình. Con người ngày nay ra sao, có gì, con người ngày sau ra sao, có gì, các điều đó đều do nơi sự hành động của ta mà ra cả. Các điều đó chẳng qua là cái kết quả của các việc mà người ta đã làm, đương là và sẽ làm, hoặc bằng ý tưởng, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng hành vi mà thôi. Nói tắt, cảnh hiện tại của ta là cái quả của hành động quá khứ của ta vậy.
Chúng tôi xin lặp lại: Luật Nhân quả là luật phổ biến của vũ trụ, mà ta đem nó ra ứng dụng riêng cho loài người, chớ không phải là cái luật riêng cho loài người mà thôi. Phần tinh vi của luật này là bất khả tư nghì, nghĩa là không thể lấy trí phàm mà hiểu trọn được! Chỉ có hạng người chứng Đạo rồi mới hiểu thấu suốt hết nổi.
Phật chia Nghiệp ra làm hai thứ:
a.Tư nghiệp
b.Tư dĩ nghiệp

Tư nghiệp là những việc toan tính trong đầu, cũng gọi là Ý nghiệp.
Tư dĩ nghiệp tức là trong đầu đã quyết định rồi, nên việc làm phát động ra ngoài thân mình (chân tay hay là cửa miệng). Ở thân mình thì gọi là Thân nghiệp, còn ở cửa miệng, thì gọi là Khẩu nghiệp.
Cho nên cũng có chỗ chia Nghiệp ra làm ba lọai, là: Ý nghiệp, Thân nghiệp và Khẩu nghiệp.
Phàm có gây nghiệp thiện và ác, thì tất nhiên phải đầu thai chuyển kiếp, luân hồi sanh tử, để mà trả vay cho nhau.
Phật tùy cơ cảm và trình độ hiểu biết của chúng sanh mà giải nghĩa chữ Nghiệp, tuy có cao thấp bất đồng, nhưng cũng đều thuộc về chánh pháp cả. Vì phải tùy thính giả, Phật mới có nói ra bốn thuyết sau nầy:
a.Nghiệp cảm duyên khởi, hay là Vô minh duyên khởi.
b.A-lại-da duyên khởi, hay là Duy thức duyên khởi.
c.Chơn như duyên khởi, hay là Như lai tạng duyên khởi.
d.Pháp giái duyên khởi, hay là Nhứt thặng duyên khởi.
-Có kẻ hỏi:sao Phật chỉ nói có luật, mà không nói có người xử đoán?
-Ở thế gian này, hễ có cuốn luật ban hành, thì phải có ông tòa ngồi xử. Nếu có luật, mà không có ông tòa thì ai là người đứng ra xử? Còn có ông tòa, mà không có luật, thì ông tòa mới dựa vào đâu mà xử?
Ơ cõi thế gian là cảnh tương đối, thì luôn luôn có đủ hai bên, mới là thành sự phân xử. Nếu chỉ có một bên, thì làm sao luật lệ đặng thi hành cho đúng đắn được?
Nhưng ở trên cảnh tuyệt đối thì khác hẳn, đâu có nhiều mối lăng xăng. ông tòa và luật chỉ là một. Vì lẽ đó, khi nói: "Nhứt bổn tán vạn thù" là chỉ trên thế gian, có nhiều mối sai biệt. Còn nói: "Vạn thù qui nhứt bổn" là chỉ cõi Niết bàn bình đẳng không hai của Phật.
Chỗ bí yếu là phải rõ: Trong Ngôi Độc Nhứt đó có vô lượng tánh công đức, có đức tánh nào mà không sẳn gồm đủ. Ơ trên cảnh tuyệt đối, trong luật có sự sáng suốt tức là ông Tòa; mà ông Tòa cũng ở trong luật, không bao giờ phán đoán ra ngoài luật đó.
Cũng như trên đã nói: Phật không khác với Pháp, Pháp không khác với Phật. Thì đây, chúng tôi cũng có thể nói ông Tòa không khác với Luật, Luật không khác với ông Tòa. Trên cảnh tuyệt đối, ông Tòa và Luật hai bên hiệp lại, chỉ như có một. Cho nên hễ nói ông Tòa là có Luật trong đó, còn nói Luật là có ông Tòa ở trong đó rồi.
Như trên đã kể nhiều thứ duyên khởi, đủ rõ: Phật không phải nói Luật Nhân quả hay là Nghiệp cảm duyên khởi mà thôi. Sau Nghiệp cảm duyên khởi, Phật còn tiếp nói thêm: A-lại-da duyên khởi, Chơn như duyên khởi, Pháp tánh duyên khởi, là để chỉ rõ có luật Nhân quả, mà cũng có linh tánh trong đó của lòai người, của vũ trụ(đồng nhất với Thượng đế). Chơn như và Pháp tánh không phải là sự sáng suốt vô cùng, vô tận, là Chơn lý tuyệt đối đó sao?
Luật Nhân quả và vấn đề luân hồi sanh tử là cái luật chung, chẳng phải mới xuất hiện từ khi Phật ra đời. Nó vốn từ xưa đã có trong các kinh của Bàlamôn giáo ở An Độ. Nhưng nhờ có Phật, cái luật ấy mới đặng chỉnh đốn và bổ túc thêm hòan hảo.

II./Cảm ứng của Tiên gia

Lấy cái này mà xúc động (chạm đến) cái kia, gọi là Cảm. Người Pháp dịch chữ Cảm là Action (hành động), thì cũng đồng nghĩa với chữ Nghiệp nói trên của Phật giáo. Rồi cái kia đối đáp (dội lại) cái này gọi là Ứng. Người Pháp dịch chữ Ứng là Reaction (phản động).
Cảm đã là hành động (việc người làm), Ứng là phản động, thì ứng phải do cảm, nghĩa là bởi hành động trước, rồi sau đó mới có sức phản động.
Cuốn kinh Cảm ứng của đức Thái Thượng Lão Quân khởi đầu như vầy: "Họa phước vô môn, duy nhơn tự triệu; thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình". Nghĩa là: điều họa phước không có ngõ nhất định, chỉ tại người tự vời lấy cho mình; dữ lành hai lẽ báo ứng, tỉ như bóng tùy hình. Trong kinh Sám hối của đạo Minh Lý nói:
Điều họa phước không hay tìm tới,
Tại người vời nên mới theo mình.
Cũng như bóng nọ tùy hình
Dữ lành hai lẽ công bình thưởng răn.

Chữ tùy có nghĩa là theo một bên mình chẳng rời, mà cũng có nghĩa là: chìu sự lớn, nhỏ, nặng, nhẹ nữa. Ý nói: việc lành, việc dữ của mình làm có lớn, có nhỏ, có nặng, có nhẹ, thì sự báo ứng tùy theo đó mà trả vay, tự nhiên có nhiều, có ít, có chậm, có mau, chẳng bao giờ sai chạy.
Nghĩa chữ Cảm ứng tương tự với nghĩa chữ Nhân quả. Nhưng hai thuyết khác nhau ở chỗ: Một đàng nói có Thần minh, người vật đứng ra thi hành luật, còn một đàng nói trả vay, chỉ nhìn có Luật là chân lý mà thôi chớ không nhận có Thần hay người đứng ra trung gian trong lúc trả vay đó.
Theo kinh Cảm Ứng, thì người làm lành đặng người khác kỉnh trọng mình(Nhơn giai kỉnh chi), nhờ đạo Trời hộ giúp (Thiên đạo hựu chi), có phước lộc theo bên mình (Phước lộc tùy chi), đặng các tà ma xa lánh (Chúng tà viện chi), đặng các thần linh phò trì (Thần linh vệ chi) … Vì lẽ đó, mà họ có lòng tính ngưỡng theo Trời, theo Thần linh.
Thiệt tín ngưỡng như thế chẳng phải là quấy, vì tín ngưỡng có hạng đứng chủ trương và thi hành luật công bình trong vũ trụ, tức là tín ngưỡng có cái luật công bình này. Nhưng có kẻ biếng nhác ỷ lại, chẳng chịu ra công mà muốn hưởng, thành ra muốn cho Thần linh làm trái luật công bình ấy, để ban phước cho mình, thiệt là quấy vậy.
Người yếu lòng, chưa đủ trí, thì cũng nên cầu khẩn Bề Trên mặc khải và giúp sức cho mình theo con đường chánh. Vì Bề Trên chỉ giúp được những người sẳn có lòng như thế đó, chớ không thể giúp cho hạng người ích kỉ, chỉ cầu điều lợi riêng cho một mình mình ma thôi.
Trên kia, chúng tôi nói mặc khải, chớ không phải quyết định và giúp sức, chớ không phải làm giùm, vì mỗi người còn giữ cái quyền tự do và chịu trách nhiệm về việc mình làm. Còn người nào có đủ nghị lực, trí hóa mở mang, tự dùng cái tâm tánh thành thật, cái hành động chánh đáng, mà thi thố mọi việc, như vậy hoài không mỏi, mới là cảm động tới Thần linh, tới Trời.
Cái thuyết Cảm ứng của Đạo giáo thiệt không được hòan mãn đủ lý như thuyết Nhân quả, nhưng có phần thực tế hơn, vì chỉ chú trọng về một đời hiện tại, và phần đông chúng sanh cũng dễ hiểu hơn. Nhưng chúng sanh khó tránh khỏi cái lưu tệ của thuyết Cảm ứng về chỗ tin nhảm dị đoan, bùa bèng dưng cúng, vì bởi chỗ lầm lạc nói trên. Theo ý chúng tôi, lỗi tại người, chớ không phải tại thuyết.

III./Báo ứng của Nho giáo

Báo, nghĩa là đền đáp, thưởng phạt. Ứng là tùy việc mình làm trước mà ứng đáp lại. Nói cho đúng, Nho giáo không có lập thuyết Báo ứng. Nhưng có nhiều tư tưởng thuộc vấn đề này, chẳng phải là không bổ ích, nên xin dẫn ra sau này:
Đức Khổng Tử nói rằng: "người làm việc lành thì Trời lấy phước mà báo ứng cho họ, người làm việc chẳng lành thì Trời lấy họa mà báo ứng cho".
Từ thần ông nói: "Chứa lành gặp lành, chứa dữ gặp dữ, tử tế xét suy, Trời Đất không lầm".
Lại nói:
Hành tàng hư thiệt tự gia tri,
Họa phước nhân do cánh vấn thùy?
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo
Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.
Nghĩa là:
Việc làm dối thiệt tự mình hay
Họa phước do ta lại hỏi ai?
Lành dữ rốt rồi, có báo ứng,
Khác nhau là tại sớm hay chầy.

Con người một động, một tịnh, hễ dối trá là dữ, thành thật là lành, tự tâm mình ai cũng thấy được minh bạch. Nếu làm lành thì do đó ta sẽ đặng phước, còn làm dữ thì do đó ta sẽ mắc họa, chẳng cần phải hỏi ai làm chi. Đây là nói các điều họa phước là do tự ta tìm cầu. Vậy mọi việc trước khi làm, ta nên chịu khó xét suy là rõ ngay.
Mã Viện nói:" Chung thân hành thiện, thiện du bất túc; nhứt nhựt hành ác, ác tự hữu dư" . Nghĩa là: cả đời làm lành mà lành còn chưa đủ, một ngày làm dữ mà dữ lại có thừa.
Đại khái, lành khó làm mà dữ dễ chứa, cho nên con người phải cố gắng về chổ khó, mà phòng ngừa về chỗ dễ.
Kinh Dịch nói:" Xuất kỳ ngôn thiện tắc thiên lý chi ngọai ứng chi. Xuất kỳ ngôn bất thiện tắc thiên lý chi ngoại vi chi". Nghĩa là: nói lời lành, thì ngòai ngàn dặm có người ưng lòng (vui theo). Nói lời chẳng lành, thì ngòai ngàn dặm có người chống lại (bác đi).
Lại Đông Nhạc Thánh Đế có lời răn: "Trời Đất không tư vị, Thần minh thường thẩm xét, chẳng vì tế hưởng mà giáng phúc, chẳng phải thất lễ mà giáng họa".
Lời sau này rất chánh đáng, để cảnh cáo kẻ nào xu phụ Thần minh, cúng tế, vái nài, mong đặng Thần minh bỏ luật công bình mà ban phước lành riêng cho một mình mình.
Kính thưa chư vị, trên đây chúng tôi đã lần lượt trình bày những điểm tương đồng của Tam Giáo để chúng ta cùng nhau thấy rõ mục đích của Tam Giáo là phụng thờ Chân lý, tức là Trời Phật theo nghĩa rộng rãi, theo Chơn lý mà trau tâm sửa tánh, bỏ dữ theo lành, để ngày càng gần gũi với Ngôi Độc Nhứt.
Và như vậy thì ba giáo chẳng phải khác nhau ở nguyên lý mà chỉ khác nhau ở danh từ kêu gọi, cách giải thích mà thôi. Ước mong mọi người trong chúng ta cùng nhau tìm xét lẽ chơn thiệt mà theo, nên bỏ qua sự cố chấp hình thức nhỏ nhen, thì có lo chi các tông giáo không đi đến dung hòa lý thuyết, tương thân tương ái. Rồi vì Chơn lý có một, cùng nhau đồng tâm nhất trí, chung vai đấu cật để tìm con đường giải pháp chân chính.
Đặng vậy, nhân lọai hết tư tâm bản ngã, trần gian chắc chắn sẽ đi đến hòa bình, mà ngũ trược ác thế của chúng ta đây cũng sẽ dứt sự phiền não, hóa thành Tây phương Cực lạc, đặng hưởng phước vô cùng.
Tường Chơn

Nên Người chẳng phải dễ gì đâu,
Nên Phật Thánh Tiên lại khó cầu,
Biết sửa một ly là đắc quả,
Con ôi Diêu Điện Mẹ đang sầu.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Thiên Lý Đàn, 01-02 Mậu Thân, 27-01-1968

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây