Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
12/07/2006
Giáo sĩ Hoàng Mai

Hạnh Bồ Tát

"Nguyện lành Quan sát cõi trần gian,
Văng vẳng Am ba tiếng khổ nàn;
Tử trước Bồ đoàn không tịnh tọa,
Nhành dương Tát độ cảnh đời an. "
(Đức Quan Thế Âm Bồ Tát - 25/7/Quí Sửu (23.8.73)


Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Cổ Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai đã tu chứng đắc thần thông quảng đại, vì nguyện lực đại bi nên Ngài hiện thân làm Bồ Tát để cứu khổ, ban vui cho chúng sanh.
Với " Nhĩ căn viên thông" Bồ Tát có khả năng quan sát và lắng nghe âm thanh khắp 10 phương vũ trụ, không có tiếng kêu nào Ngài không nghe, không có âm thanh nào Ngài không hiểu, không có tâm niệm nào Ngài không thông, không có thời gian nào Ngài không qua, không có không gian nào thiếu vắng bước chân của Bồ Tát.
Trong buổi lễ tưởng niệm ngày Thành Đạo của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm hôm nay, đạo muội xin mời quí vị cùng đạo muội tìm hiểu Tâm Hạnh của Bồ Tát qua các nội dung sau :


I.- HÌNH DUNG ĐỨC QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT.
1.Danh hiệu Đức Quan Thế Am Bồ Tát.
2.12 lời Đại nguyện của Bồ Tát.
II.- TÂM HẠNH ĐỨC QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT.
1.Qua kinh Pháp Hoa - Phẩm Phổ Môn.
2.Qua Thánh giáo Cao Đài.
III.- KẾT LUẬN : NOI GƯƠNG BỒ TÁT.

* * *

I.- HÌNH DUNG ĐỨC BỒ TÁT.
1.- Danh hiệu Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Do hạnh nguyện của Bồ Tát và tùy theo tâm tưởng niệm của chúng sanh, Đức Bồ Tát có rất nhiều danh hiệu.
Tất cả danh hiệu của Bồ Tát được bắt đầu bằng hai tiếng Nam Mô.
Nam Mô có nghĩa là qui y, qui mạng, chí tâm hiến dâng đời mình cho Đức Phật.
Danh hiệu chúng ta thường tụng niệm là Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Quan và Quán là cùng một chữ viết, nhưng tùy theo điệu tiếng bằng, tiếng trắc mà đọc, tùy theo nghĩa mà sử dụng.
Quan : Quan sát (ngoại quan = nhìn ra ngoài)
Quán : thông suốt, thấu suốt (nội quán = nhìn vào trong tâm)
Đức Quán Thế Âm là Đại Bồ Tát có khả năng quan sát và thấu suốt âm thanh của thế gian. Am thanh thế gian trong kinh Pháp Hoa - Phẩm Phổ môn gắn liền với Hạnh cứu độ Đức Quan Thế Am Bồ Tát bao gồm âm thanh, khắp 10 pháp giới từ cõi Phật, Bồ Tát, Thinh Văn, Duyên Giác, Trời, Thần, Người, cho đến Súc sanh, Ngạ quỉ , Địa Ngục.

_Bồ Tát : nói đủ là Bồ Đề Tát Đóa – Bồ đề là Giác Ngộ. Tát Đóa là chúng sanh. Tâm Hạnh của Bồ Tát Quan Thế Âm là

Trên luôn cầu giác ngộ,
Dưới nguyện độ chúng sanh.

" Thượng cầu Giác Ngộ.
Hạ hóa chúng sanh".
( Xem : "Bồ Tát Đạo" – Tg : Minh Đức Thanh Lương, xuất bản 1999, tr.412).

Thế nên, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát còn gọi là Quán Tự Tại Bồ Tát.
Quán Tự Tại vì Bồ Tát đã chứng đắc tự tánh Chơn Như và thấu suốt Lý Chơn Như và Vạn Pháp chỉ là một, như hình với bóng. Bồ Tát luôn cảm ứng với tâm niệm của chúng sanh để cứu khổ khi chúng sanh thành tâm xưng niệm (Bồ Tát).
"Nam Mô Đại Từ Đại Bi Linh Cảm Ứng Quan Thế Âm Bồ Tát"
Hay
" Nam Mô Vạn Ức Tử Kim Thân Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát"
thì Bồ Tát liền ứng hiện để cứu chúng sanh. Ngài biến hóa nhiều thân dạo khắp mọi nơi để phổ độ chúng sanh từ Phổ Đà Sơn , Nam Hải đến cõi Ta bà tối tăm đâu đâu cũng có gót chân cứu khổ của Bồ Tát.

"Quan hải non Nam dạo cảnh nhàn,
Âm thinh hạ giới chợt kêu vang;
Bồ đoàn tọa thị nhìn nơi đấy,
Tát cảm từ bi xuống thế gian "

(Đức Quan Âm Bồ Tát – Ngọ thời mùng 8/4/Canh Tuất (12.5.1970)

Với danh hiệu Từ Hàng Phổ Tế, Ngài luôn dùng thuyền Bát Nhã đưa chúng sanh từ bến mê sang bờ giác :

"Nhành dương rưới nước diệu huyền, Mượn dòng Nam Hải xuôi thuyền độ nhân"

(Đức Quan Thế Âm Bồ Tát – Ngọ thời 19.6.Quí Mùi (18.7.1973).

Với thần thông vô lượng, Đức Bồ Tát có khả năng :

"Thần thông biến hóa tự nhiên,
Một thân hóa được ra nghìn muôn thân;
Mắt trông khắp hết cõi trần,
Lắng tai nghe thấu xa gần bốn bên "

( Tham khảo "Tư tưởng Việt Nam", Tg : Nguyễn Đăng Thục, xb.1964,tr.233.)

Nên Ngài được xưng tụng là :
Nam Mô Thiên Thủ, Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát.

Và với 12 lời đại nguyện của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngài còn được xưng tụng bằng nhiều danh hiệu khác nhau để diễn tả Tâm Hạnh của Bồ Tát.
Kính mời quí vị thành tâm nghe 12 đại nguyện của Đức Bồ Tát.

2.- Mười hai đại nguyện của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Nguyện thứ nhứt :Nam Mô Hiệu Viên Thông danh tự tại, Quán Âm Như Lai, quảng phát hoằng thệ nguyện. [ Nương theo sự hiểu biết đầy đủ, thong, dong, không buộc ràng. Ngài thường đem pháp lành khuyến hóa, cứu khổ khắp cả].

Nguyện thứ hai : Nam Mô nhứt niệm tâm vô quải ngại, Quán Âm Như Lai, Thường Cư Nam Hải nguyện. [ Đức Quan Thế Âm trong nhất tâm niệm không có chướng ngại, nguyện thường ở biển Nam hải (biển đời đau khổ) để giáo hóa chúng sanh].

Nguyện Thứ ba : Nam Mô trụ Ta Bà, U Minh giới, Quán Âm Như Lai, tầm thinh cứu khổ nguyện [ Đức Quan Âm lưu trú trong cõi Ta bà tối tăm, lắng nghe tiếng kêu cầu để cứu khổ].

Nguyện thứ tư : Nam mô hàng tà ma, trừ yêu quái, Quán Âm Như Lai, năng trừ nguy hiểm nguyện. [ Đức Quan Âm có đủ năng lực để hàng phục các loài yêu quái và có oai lực từ bi diệu dụng để cứu người lâm hiểm nạn].

Nguyện thứ năm : Nam Mô Thanh tịnh bình thường thùy dương liễu, Quán Âm Như Lai, Cam lồ sái tâm nguyện [ Đức Quan Âm thường dùng hạnh nhẫn nhục, uyển chuyển(dương liễu) tùy thuận để ban tình thương (cam lồ) dập tắt lửa lòng sân si, phiền não và tham dục của con người].

Nguyện thứ sáu : Nam Mô Đại Từ Bi năng hỉ xả, Quán Âm Như Lai, thường hằng bình đẳng nguyện. [ Đức Quan Âm dựa vào tâm từ bi rộng lớn, đem hạnh ban vui và tha thứ tuyệt vời để cứu khổ chúng sanh một cách bình đẳng, không phân biệt thân sơ, bạn thù].

Nguyện thứ bảy : Nam Mô trú dạ tuần vô tổn hoại, Quán Âm Như Lai, thệ diệt tam đồ nguyện [ Đức Quan Âm ngày đêm thường đi khắp đó đây để cứu giúp chúng sanh thoát khỏi tai biến, xa lánh ba đường ác : địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh].

Nguyện thứ tám : Nam Mô vọng nam nham cần lễ bái, Quán Âm Như Lai, già tỏa giải thoát nguyện [ Ai biết hướng tâm quay về với tự tánh thanh tịnh (Nam nham) mà cần cầu, lễ bái thì sẽ được Đức Quan Âm dùng phép chặt đứt những gông cùm trói buộc].

Nguyện thứ chín : Nam Mô tạo pháp thuyền du khổ hải, Quán Âm Như Lai, độ tận chúng sanh nguyện [ Đức Quan Âm dùng chánh pháp làm thuyền, dạo khắp biển trần khổ, nguyện vớt hết chúng sanh].

Nguyện thứ mười : Nam Mô tiền tràng phan, hậu bảo cái, Quán Âm Như Lai,tiếp dẫn Tây Phương nguyện [ Đức Quan Âm dùng nhiều phương tiện quí báu để đưa con người đến cõi hết sức an vui (Cực lạc)].

Nguyện thứ mười một : Nam Mô Vô lượng thọ Phật cảnh giới, Quán Âm Như Lai, Di Đà thọ ký nguyện [ Đức Quan Âm cũng là Ứng hóa thân do Đức Phật A Di Đà, giáo chủ thế giới cực lạc, nơi đời sống thọ mạng lâu dài. Bằng vào sự thọ ký, Ngài sẽ là giáo chủ của cõi thanh tịnh khi hạnh nguyện độ sanh toàn mãn].

Nguyện thứ mười hai : Nam Mô đoan thân nghiêm vô tỷ trại, Quán Âm Như Lai, quả tu thập nhị nguyện. [ Đức Quan Âm có thân tướng đẹp đẽ, đoan trang, khó dùng hình ảnh, lời nói để phô bày. Đó là thành quả hạnh đạo, độ sanh theo 12 lời nguyện rộng lớn này của Ngài.

12 đại nguyện trên đã diễn tả tình thương yêu chúng sanh một cách sâu sắc qua Tâm hạnh cứu độ của Đức Bồ Tát.

II.- TÂM HẠNH ĐỨC QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT.
1.- Tâm Hạnh Bồ Tát qua Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phổ Môn.

Trong Kinh "Pháp Hoa" - Phẩm Phổ Môn có bốn câu kinh diễn tả Tâm hạnh Quán Tự Tại của Bồ Tát mà hiện nay 4 câu kinh ấy là pháp tu Quán Thế Am của chư Phật tử luôn lắng nghe âm thanh từ bi từ thân tâm mỗi người mà hành Bồ tát đạo để tu chứng đắc như Bồ Tát.
Bốn câu kinh ấy là :

" Diệu âm, Quán Thế Am
Phạm Am, Hải Triều Am
Thắng bỉ thế gian Âm = chuyển hóa thế gian âm
Thị cố tu thường niệm = cho nên cần phải niệm.

(TK bài Thuyết pháp "Mẹ hiền Quán Thế Am" của Tg Thích Thịnh Từ – năm 1986, tại Chùa Từ Quang, San Francisco, tr.24. Và Kinh " Pháp Hoa – Phẩm Phổ Môn Quan Thế Am Bồ Tát Giảng Luận", Tg. Hòa Thượng Thích Thông Bửu, xb.2000, tr.147.)

Diệu Âm : hay Phật Âm là âm thanh huyền diệu xuất phát từ tâm thanh tịnh của Bồ Tát do quán sát tự tánh bên trong (hay nội quán). Nội quán là phương pháp thiền định Ba La Mật đem thần nhìn vào trong, thần vào trong thì tâm định. Tâm định thì Bát Nhã sáng soi, Chơn Tâm hiển lộ, ngộ đạo và thấu suốt âm thanh huyền diệu của Trời Đất vạn vật.
Diệu Âm là Bản thể, là thật thể của âm thanh vũ trụ. Đạo muội tạm gọi là âm không âm vì âm thanh này chỉ lắng nghe được bằng tâm thanh tịnh tuyệt đối.
Âm mà không âm chính là nguồn cội của âm thanh 10 pháp giới.
Âm mà không âm mới thấu suốt và dung nạp mọi âm thanh thế gian.
Diệu Âm là thật thể thanh tịnh của Tâm Bồ Tát, khi có chúng sanh thành kỉnh xưng niệm hay cầu cứu Đức Bồ Tát thì Tâm từ bi của Bồ Tát ứng khởi. Tâm Ngài ứng khởi theo tâm niệm của chúng sanh, gọi là Quán Thế Âm.

Quán Thế Âm hay là thật tướng của âm thanh Bồ Tát chuyển khắp mười phương cứu khổ chúng sanh với tâm vô phân biệt, Bồ Tát, chúng sanh, ngạ quỉ, súc sinh hay địa ngục. Đồng thời âm ba từ ái, ánh sáng chân lý Quán Thế Âm sẽ tác động vào tâm thành kỉnh của chúng sanh đang hướng về Ngài cầu nguyện; và với định luật Cảm Ứng, có cảm lành sẽ có ứng lành, có thành tức có thần, chúng sanh đang cầu nguyện sẽ nhận được ân điển Bồ Tát chuyển hóa thân tâm, biến điều dữ thành lành, chuyển tai nạn thành bình an vô sự.
Phạm âm – Hải Triều Âm là thật dụng, hay là diệu dụng của Am thanh Bồ Tát, được ví như là âm thanh từ cõi Phật, cõi Phạm Thiên (vua Trời) với những đặc tính là âm chính trực, âm hòa nhã, âm trong suốt và là tiếng ngân vang sang sảng từ cõi Trời để chuyển hóa thế gian âm và linh ứng theo sự cầu cứu của chúng sanh đúng lúc, đúng thời, không sớm, không muộn như thủy triều sáng chiều lên xuống có độ lượng gọi là Hải Triều Am. TK " Phật Học Tự Điển" Q.2, Tg. Đoàn Trung Còn, xb 1967, tr.542-543.
Bốn âm thanh Diệu Âm, Quan Thế Âm, Phạm Âm, Hải Triều Âm là thể tướng dụng của âm thanh vũ trụ. Một mà ba, ba mà một không thể tách rời nhau và vượt xuyên qua tận cùng toàn bộ âm thanh của vũ trụ gọi là " Thắng bỉ thế gian âm" nên Đức Phật dạy chúng sanh phải thường niệm danh hiệu của Bồ Tát để chuyển hóa thế gian âm nơi chính mình.
Với thần thông vô biên của một vị Cổ Phật, Đức Bồ Tát có đủ tam thân Phật, tùy duyên biến hóa độ dẫn chúng sanh.

1.- Pháp thân : là thân Phật, thân Như Lai.
2.- Báo thân : còn gọi là thân công đức do Đức Bồ Tát đã tu vô lượng kiếp, hành vô lượng công đức tạo thành.
Đức Thích Ca diễn tả báo thân của Bồ Tát Quan Thế Âm ở thế giới cực lạc(…). Bồ Tát phát ra 84 ngàn ánh quang minh. Mỗi ánh quang minh có vô số hóa Phật và vô số hóa Bồ Tát.
3.- Hóa thân (ứng thân) Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phổ Môn nói : Bồ Tát có 32 hóa hiện thân. Thật sự tương ứng với Báo thân của Bồ Tát. Ngài có thể hóa vô vàn ứng hóa thân theo tâm niệm chúng sanh mà độ dẫn.
(TK " Phật Học Tự Điển" Q.2, Tg. Đoàn Trung Còn, xb 1967.)

Sách Phật Bà Quan Âm Diễn Ca có đoạn :

"Phật Bà phép chí vô biên
Một thân hóa mấy mươi ngàn muôn thân.
Vốn là Bồ Tát thiên chân
Thác sinh công chúa nhất tâm tu hành.
Trên thời báo hiếu sanh thành,
Dưới thời nhân cứu chúng sanh ta bà.
Cơ thân ngồi núi Phổ Đà,
Thân lên trên Phật, thân qua dưới đời.

( TK "Tư Tưởng Việt Nam" – nt, tr.236.)

Cơ Thân = Báo Thân, ngồi núi Phổ Đà.
Thân lên trên Phật = Pháp Thân.
Thân qua dưới đời = Hóa Thân.

Ba thân cùng một thể, Chân Như, Bát Nhã chơn không hay là Đạo :
" Đạo không hình, không tướng, uyển chuyển thiên biến vạn hóa để nuôi dưỡng vạn hòa nhưng bản thể Đạo luôn trường tồn vĩnh cửu "
(Đức Cao Triều Phát, 26.12.Đinh Mùi, (25.01.68)

Cái Đức của Đạo luôn luôn khuếch sung để nuôi dưỡng chúng sanh trong cơ tiến hóa, như hình ảnh Đức Quán Tự Tại Bồ Tát vô lượng kiếp cho đến Đức Bồ Tát Quan Thế Âm, Nhị Trấn Oai Nghiêm trong Tam Kỳ Phổ Độ ngày nay vẫn là một.

Bồ Tát với Tâm Hạnh Đại Từ Đại Bi luôn ban vui cứu khổ muôn loài, và trong tâm tình chúng sanh Bồ Tát Quan Thế Âm tượng trưng tấm lòng của người mẹ hiền muôn thuở, muôn phương của chúng sanh trong cơ cứu độ.

2.- Tâm Hạnh Đức Quan Thế Âm Bồ Tát qua Thánh giáo Cao Đài.
2.1- Đức Bồ Tát là mẹ hiền muôn thuở muôn phương của chúng sanh.

Vì thương yêu chúng sanh mà vô lượng kiếp Đức Bồ Tát vẫn không rời chúng sanh như người mẹ hiền đâu nỡ bỏ đàn con thân yêu khi con mình còn lặn hụp nơi bể trầm luân, chơi vơi trên ngàn lượn sóng.

" Phong vân thế sự khôn lường,
Nên danh Bồ Tát nhờ đường luyện tu;
Từ trong cõi tạm phù du,
Chơn Tâm Bổn Tánh công phu tập rèn.
Bóng đêm soi sáng nhờ đèn,
Ao bùn trổ cánh hoa sen đẹp màu.
Dầu cho vạn khổ thiên lao,
Trải vô lượng kiếp ra vào thế nhân ."

(Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, 19.6.Quí Sửu (18/7/73),
Hình ảnh :
Bóng đêm soi sáng nhờ đèn,
Ao bùn trổ cánh hoa sen đẹp màu.
Đã gợi cho chúng ta hai hình ảnh tương phản :

Bóng đêm: tương phản đèn
Ao bùn: tương phản hoa sen

Bồ Tát tượng trưng cho ánh sáng, chơn lý.
Chúng sanh tượng trưng cho bóng đêm, vô minh.
Hoa sen tượng trưng hạnh bồ tát.
Ao bùn là hình ảnh chúng sanh đang lặn hụp trong cõi trần.
Thường chúng ta chỉ ca tụng ánh sáng hay hoa sen, nhưng qua hai câu thơ trên chúng ta có thể đặt ngược lại vấn đề :
Đèn sáng nhờ bóng đêm.
Sen đẹp nhờ bùn.

Nếu không còn bóng đêm sẽ không thấy giá trị của ánh đèn.
Nếu không có ao bùn tanh hôi sẽ không thấy giá trị của hoa sen.
Nếu không có chúng sanh đau khổ thì không có Bồ Tát vào ra nơi cõi Ta Bà cứu khổ chúng sanh.
Thế nên Bồ Tát và chúng sanh không thể tách rời nhau.
Mê là chúng sanh, Giác Ngộ là Bồ Tát.

"Muôn cánh hoa sen trổ cõi đời,
Nhờ bùn sen mới được xinh tươi;
Gương sen khiết tịnh, hương sen nức,
Phiền não Bồ Đề cũng thế thôi ".

(Đức Diêu Trì Kim Mẫu – 13..6.Kỷ Mùi (3.10.1979)

Vì là chúng sanh nên có Ngũ uẩn, có lục độ, có Thập nhị nhân duyên và có tất cả.
Khi ngộ rồi Tâm và trời đất là một thì còn chi là ngũ uẩn, là lục độ và trở về chơn không.
Vậy thì :
"Trời với muôn loài một bổn nguyên,
Cũng trong linh tính, cũng tâm điền;
Linh quang một khối chia nhiều ức,
Người vật tương đồng với Phật Tiên"

(Đức Quan Âm Bồ Tát, Tý thời mùng 1 rạng 2.02 Đinh Mùi (11.3.67).

2.2. Tâm Hạnh Bồ Tát là tâm tự tại, thanh tịnh mà biến hóa vô cùng :

Với Tâm Quán Tự Tại, Đức Bồ Tát không cần dung ruổi theo âm thanh động tịnh bên ngoài mà Ngài dùng tâm thanh tịnh để quán sát vào chỗ tự tại tức là chơn không hay Chơn Như.

Chơn không hay Chơn Như không có nghĩa là không có, là không theo thông thường mà chính là tuyệt đối thể trường tồn, thanh tịnh, không tăng, không giảm, không đầu, không đuôi. Chơn Như vừa là nguyên nhân và cứu cánh của vũ trụ vạn vật.
Trung quán luận gọi là chơn không diệu hữu; Bát Nhã Kinh gọi là Chơn Như Bản Thể, "chân như khởi sanh vạn pháp, ngoài Chơn Như không vạn pháp, ngoài vạn pháp không Chơn Như".
Đạo Đức Kinh, chương 40 :

"Vạn vật sinh ư Hữu, hữu sinh ư Vô".

Triết lý Dịch: "Nhân nhân các hữu nhất Thái Cực." (Người người đều có Thái Cực)

Khải Huyền 21-6 : Thiên Chúa là Alpha & Oméga là nguyên thủy và cùng đích của vũ trụ.

Theo đạo Cao Đài : " Thầy là các con, các con là thầy"
Bồ Tát Quan Thế Am là hiện thân của Chân lý tự nhiên của Đạo vũ trụ.

2.3. Tâm Hạnh Bồ Tát là hành đạo theo cách tự nhiên.

Đức Bồ Tát chứng đắc thần thông nhờ trì hành lục độ : Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ theo đạo tự nhiên.
Hạnh Bồ Tát là Bố thí mà không bố thí ví như khi cho đường vào ly nước, đường tan một cách tự nhiên. Nước không biết nhờ đường mà ngọt. Đường cũng không biết vì mình mà nước ngọt.
Bồ Tát Trì giới một cách tự nhiên : Mình là giới, giới luật là mình, ví như cá sống trong nước, rất ung dung tự tại.
Nhẫn nhục một cách tự nhiên : là thể hiện sức mạnh vạn năng của tâm hồn cao cả.
Tinh tấn một cách tự nhiên : làm không cố chấp vào kết quả, không sợ thất bại thì tự nhiên sẽ tinh tấn.
Thiền định một cách tự nhiên : " một hô, một hấp, cái khí của người chẳng có bao giờ là không cùng trời đất tương thông"
( TK "Dưỡng Chơn Tập – Trời Đất" Tg. Bạch Tẫn Lão Nhơn, Dịch giả Nguyễn Minh Thiện, xb.1956, tr.10. . Khí hít vào là Tột Không, bản lai chẳng có vật. Khí thở ra thì lại là Diệu Hữu, các sự vật đều rõr àng, sống động muôn màu muôn vẻ không cùng tận. Tuy nhiên không thể tách rời, chia chẻ ra và hơi thở vào vì đó là hai mặt âm dương của Đạo Trời Đất.)

Trí huệ một cách tự nhiên : thấy rõ tự tánh của vạn pháp, soi sáng Bát Nhã Chơn Như.
Có thể nói Lục độ mà không phải Lục độ mới là Lục độ.
Lục độ Ba La Mật tương ứng với tam công của đạo Cao Đài.
Bố thí, là Công quả.
Trì giới, Kiên nhẫn, Tinh tấn là Công trình.
Và Thiền định, Trí huệ là Công phu.

2.4. Tâm hạnh Đại từ, Đại bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Với Tâm tự nhiên, Bồ Tát ứng hiện nhiều thân, tùy duyên hóa độ chúng sanh. Khi thân Phật, khi Mẹ hiền, khi Thánh mẫu, . . . tùy chúng sinh thuộc duyên nào, Bồ Tát vì chúng sinh hiện thân đó. Tuy nhiên điểm qui chiếu của Bồ Tát là Tâm Hạnh Đại Từ Đại Bi, luôn ban vui và cứu khổ chúng sanh trong tình yêu thương bình đẳng.
Tình thương của Bồ Tát là cung đàn hòa điệu giữa tâm Bồ Tát và tâm chúng sanh, khác với tình thương của con người có giới hạn, có điều kiện, có giai cấp, có phe đảng từ tình thương cá nhân, gia đình, dân tộc, thậm chí cả tôn giáo, nếu tôn giáo bị hạn hẹp trong "chấp ngã" của con người. Cái gì của ta, thuộc về ta thì ta thương, ta bảo vệ sống chết vì nó, ngược lại thì ta không thích san sẻ, tán đồng… đó là nguyên nhân đưa đến những tranh chấp hỗn loạn và thậm chí tiêu diệt lẫn nhau.
Biết rõ căn bịnh chúng sanh, Bồ Tát dạy :
Tình thương "Thân mình, thương gia thế tôn tử, dung lượng tình thương đó như dung lượng nước ở dấu chân trâu. (Còn) tình thương quốc gia, dân tộc, dung lượng bằng dung lượng nước ao hồ. (Còn) tình thương nhân loại như nước chốn đại dương"

(Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Tý thời 14 rạng 15 tháng 5 At Tỵ,(13.6.1965)..

Nước ở chân trâu thì dễ bốc hơi, nước ở ao hồ thì mau cạn. Chỉ có nước đại dương là nguồn nước luân lưu không bao giờ cạn. Vì nước mọi nguồn mạch, sông ngòi, đều đổ dồn về biển cả, nơi biển cả, mọi thứ nước đều trộn vào nhau, mọi sạch, dơ vạn hữu đều hòa hợp, dung thông không dị biệt trong lòng biển cả.
Tình thương của chúng sanh có nhiều cung bậc cao thấp bổng trầm khác nhau, nhưng khi có tâm Bồ Tát hòa vào thì trở nên một nguồn suối nhạc thiêng liêng bất tận, êm đềm suốt thông tam giới.
Tình người như ánh thái dương khi tỏ khi mờ vì mây mù vô minh, mù dục vọng che phủ.
Tình Bồ tát như vầng Thái dương luôn tỏa ánh sáng nuôi dưỡng muôn loài, không người sang, hèn, thân, sơ, trí, ngu, thiện ác.
Tâm Hạnh Bồ Tát luôn hòa đồng cùng bản thể vũ trụ vạn vật.
Đức Bồ Tát dạy : "Mọi hình thức sắc tướng âm thinh đều là những phương tiện để phô bày, diễn tả đạo lý đó thôi, kỳ thật Đạo là Đạo, chỉ có tâm vô sai biệt mới nhìn thấy lý huyền nhiệm của Đạo, người học Đạo, kẻ tu hành không nên chấp cứng danh từ hay hình thức "

(Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, 13/giêng/At Mão (23.3.1975).

Mỗi chúng sanh đều có Phật Tánh, có Thiên tâm bất diệt nhưng vì chúng sanh sống trong hiện tượng vạn pháp phù du, nhận thân ngũ uẩn sắc, thọ, tướng, hành, thức, sinh diệt làm bản ngã, mãi ôm ấp gìn giữ cung phụng nó mà sanh phân biệt ta người, vì tâm còn phân biệt, đối đãi nên gây nghiệp luân hồi đắm chìm trong lục đạo.

Bồ Tát vì thương chúng sanh, không nỡ nhìn chúng sanh đắm chìm trong bể khổ, Ngài luôn luôn dạy cho chúng sanh thấy rõ mỗi người đều có tâm Phật, có Chơn Tâm, có Cao Đài ngự trong bản thể thanh tịnh. Cái bản thể thanh tịnh đó cùng chân lý với vũ trụ, cùng Thiên Địa Chi Tâm trong Lý nhứt thể của vạn vật.

Tâm Hạnh Bồ Tát là Thiên Địa Chi Tâm.

Đức Bồ Tát dạy : "Bần sĩ trải vô lượng kiếp vào ra cõi thế, với mọi hình thái, mọi danh từ để cứu khổ, cứu nạn chúng sanh trong vòng hóa sanh, sanh hóa. Sự cứu khổ cứu nạn đối với chúng sanh không phải là phép lạ phù linh chi chi ngoài vòng Đại Đạo như thế nhân hằng vọng tưởng mê đời. Trái lại chỉ có một lẽ nhiệm mầu duy nhất là Đạo, là tâm đạo và tâm gồm đủ thiên địa vạn vật, có thể tài thành vũ trụ hay tác Phật tạo Tiên. Tất cả đối với chúng sanh vạn hữu đều không còn cái chi ngoài lẽ Đạo" (Đức Quan Thế Âm Bồ Tát , ngày 3.9.Giáp Dần (17/10/74).

Thiên Địa Chi Tâm là Tâm Trời Đất, cũng là Tâm của chúng sanh. Vũ trụ chỉ có một Tâm, Bồ Tát là nguyên lý trung hòa, là Hoàng Cực để đưa Thượng Đế đến với con người và con người trở về Thượng Đế bằng Quán Tâm Pháp hay là Pháp Quán Thế Am để chúng sanh lắng nghe và ngộ được âm thanh nội tại : Diệu Am; là ngôi "Lời" của Thiên Chúa Giáo hay là Đạo tự hữu nơi mỗi người để tiến vào cuộc sống mới trong sự bình an và tiến bộ.


KẾT LUẬN : NOI GƯƠNG BỒ TÁT.

Sau khi quí vị và đạo muội cũng đã hình dung Đức Quan Thế Am Bồ Tát qua danh hiệu và 12 đại nguyện của Ngài cùng với Tâm Hạnh Bồ Tát qua 4 câu kinh ở Phẩm Phổ Môn, Kinh Pháp Hoa cùng Thánh giáo Cao Đài về Đức Bồ Tát và có lẽ không gì chứng tỏ lòng thành kính của chúng ta dâng lên Bồ Tát bằng thực hành lời Bồ Tát, đó là " tưởng niệm ví bằng hành chánh niệm". Hành chánh niệm là hành động theo gương Bồ Tát.
Bồ Tát là mẹ hiền muôn thuở, muôn phương của chúng sanh.

Kính yêu Đức Bồ Tát, chúng ta cố gắng học tâm hạnh mà thương yêu mọi người như tình yêu của người mẹ hiền luôn chăm sóc, an ủi, vỗ về tha nhân.
Tâm Hạnh Bồ Tát là Quán Tự tại, tự do của Đạo. Muốn tìm tự tại, chúng ta thực hành lời dạy của Bồ Tát : Thiền định công phu để tìm lại "cái tâm minh linh đã ẩn tàng bằng tình thương của Thượng Đế giáng trung".
Tâm Hạnh Bồ Tát là hành Đạo tự nhiên, không ngại : chúng ta hành đạo, học đạo với tâm vô tư, không phân biệt giai cấp, không phân biệt người thân, kẻ sơ, người trí người ngu, người thiện kẻ ác, người khôn người dại, và nguyện trải thân làm chiếc cầu cho mọi người bước sang bờ giác thì mới tìm được hạnh phúc cho bản thân mình và cho người khác.

- Tâm Hạnh Bồ Tát là Đại từ, đại bi, chúng ta theo gót chân Bồ tát, là luôn xem "mình là mọi người, mọi người là mình. Thương người hoàn hảo hóa người, thương ta hoàn hảo hóa ta" Trích "Năm điều tâm niệm của TTN Đại Đạo". bằng tình thương chân thật, tâm hòa ái, đồng cảm , chia xẻ niềm đau nỗi khổ của tha nhân.
Hiện tại trong xã hội của chúng ta có những phong trào xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình thương, đền ơn đáp nghĩa là những hành động rất tốt để bớt đi những cảnh thiếu trước, hụt sau.
Khi xem chương trình "vượt lên chính mình"Có ai mà không mũi lòng, cảm động khi nhìn cảnh từng gia đình người dân nghèo sung sướng và thậm chí rơi nước mắt khi được xóa nợ, và có thêm chút vốn nhỏ để tiếp tục duy trì cuộc sống. Có ai mà không xúc động khi nhìn thấy hình ảnh nhữngvị nữ tu các tôn giáo, quý đại đức, hay linh mục, và đoàn con áo trắng của Đức Cao Đài xả thân hành đạo giúp đời. Tất cả đều thể hiện tấm lòng Từ bi, bác ái của Đức Bồ Tát. Họ chính là hình ảnh Bồ tát giữa lòng nhân thế.
Kính Chúa là yêu người, Kính yêu Bồ Tát là yêu thương chúng sanh. Đó là Chơn Lý muôn đời.
Kính chúc tất cả quí vị luôn là những bước chân nối tiếp của Bồ Tát trên đường phục vụ nhân sanh.
Nam Mô Cao Đài Tiên Ong Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.


Giáo Sĩ Hoàng Mai
19.6.Bính Tuất (2006)

_____________________

Đọc thêm:

Guan Yin Praise

Bodhisattva Guan Yin is wonderful past gratitude,
Pure and clear are her adornments, gained through practice ages long,
Sea-vast a red lotus flower fragrant rests beneath her foot,
Bay-curve of an autum moon is in the crescent of her brows,
Every where and constantly, sweet dew sprinkles from her vase,
In her hand, the willow branch, through the countless autumn,
Prayers depart a thousand hearts, in a thousand hearts she answers,
Sailing the sea of suffering, crossing people over.
Na Mo Greatly Kind and Compassionate Bodhisattva of The Crystal Land, Who Dwells on Potola Mountain and Observes The Sounds of The World.

* * *

The 12 vows of Guan Yin

I respectfully bow to Guan Yin, with the title Boundless Understanding, the name Great Liberation, who raised the immeasurable vow.

I respectfully bow to Guan Yin, of one thought and a mind of no obstacles, who vowed to stay always in the Southern World.

I respectfully bow to Guan Yin, who vowed to stay in samsara, in the realm of darkness, listening to the cries and rescuing sentient beings.

I respectfully bow to Guan Yin, the conqueror of raksas and destroyer of evil spirits, who took the vow to end all troubles and difficulties.

I respectfully bow to Guan Yin, who holds the bowl of pure water and willow branch, who took the vow to sprinkle sacred water to calm the mind of humankind.

I respectfully bow to Guan Yin, the great compassionate, forgiving one, who took the vow to practice equanimity at all times.

I respectfully bow to Guan Yin, who day and night is the destroyer of obstacles, who took the vow to destroy the three realms of suffering.


I respectfully bow to Guan Yin, who faces South, diligently practicing, who took the vow to cut all fetters and knots.

I respectfully bow to Guan Yin, the maker of the Dharma boat which rows in the suffering ocean, who took the vow to save all sentient beings.

I respectfully bow to Guan Yin, with streamers in front and a canopy behind, who took the vow to guide beings to the Western World.

I respectfully bow to Guan Yin, who resides in Realm of the Buddha of Unlimited Life, who took the vow to be the helper of Amitabha Buddha.

I respectfully bow to Guan Yin, the honorable one with a body without imperfections, created by the Twelve Great Vows.
Giáo sĩ Hoàng Mai


Ý nghĩa mùa xuân / Giáo sĩ Hoàng Mai

Hạnh Bồ Tát / Giáo sĩ Hoàng Mai

Thập tam ma khuyên đừng lấp lửng,
Gươm huệ cầm cho vững diệt trừ,
Tịnh lòng hầu thấy chơn như,
Thoát trần sẵn có thuyền từ rước đưa.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây