Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
05/01/2013
Bác Nhã Thiền Sư

TRỞ NGẠI TRONG TU TỊNH (LỜI DẠY CỦA ĐỨC BÁC NHÃ THIỀN SƯ)


HỌC LỜI ĐỨC BÁC NHÃ THIỀN SƯ
DẠY CHƯ TỊNH VIÊN: TRỞ NGẠI TRONG TU TỊNH.

Chuẩn bị bước vào mùa tu Đông Chí Nhâm Thìn, chúng ta học lời Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy về “Trở ngại trong tu tịnh”. Đây là những khó khăn chủ quan, tự thân tâm của hành giả.

Biết tiềm thức còn chôn đủ nghiệp,
Khi móng lên mau kịp ngăn phòng;
Ma ngoài hiệp với ma trong,
Ngơ đi chớ tưởng lặng lòng quên thân.

Còn bóng dáng, ma thần mới khảo,
Còn thức duyên, ma đạo (1)mới sanh;
Trống trơn, bặt dứt, dữ lành,
Cắt đường ma quỷ lưu hành vào ra.

Cứ lì lợm ngồi già chớ nản,
Ngày ngày y thiền quán đừng lơi;
Ngoài thân không dạng Đất Trời,
Trong tâm động đậy tăm hơi chẳng còn.

Công phu được vẹn tròn thanh tịnh,
Thì lậu duyên chướng bịnh tiêu trừ;
Ngưng thần nhập cảnh hườn hư,
Sinh cơ báo triệu, ngộ từ giờ đây.

Giáo sĩ Huệ Ý chú giải

1. Biết tiềm thức còn chôn đủ nghiệp,
2. Khi móng lên mau kịp ngăn phòng;
- Ý thức: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý chúng ta biết và có thể kiễm soát được.
- Nghiệp là hành động của thân, khẩu, ý (tác ý) đó là vòng nhân quả,
- Tiềm thức: Chôn là dấu dưới mặt đất, tiềm là lặn sâu trong nước. Đây là trở ngại tự thân, cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ, chiến thắng chính mình. Tiềm thức: nghiệp còn ẩn, hiện ra bất ngờ nên không kịp kiễm soát, vì chưa tới ngày đáo hạn, vì bản năng thiên nhiên, vì tập quán, như đảo nổi lên giữa biển lúc nào không hay. Cho nên phải cảnh giác (khi vào tịnh chăm chăm tai mắt … ).Tiềm thức là nghiệp quá khứ, người ta dùng thôi miên để người bệnh nói lên các thân, khẩu, ý trong tiền kiếp.
o nghiệp di truyền: từ ông bà, cha mẹ (mỗi lần tái kiếp lại tăng thêm).
o nghiệp tập truyền: thực vật, động vật ăn vào, truyền máu …
o nghiệp lưu truyền: từ bao nhiêu kiếp của chính cá nhân.
Muốn chấm dứt nhân quả, dứt nghiệp thì:
o Phải “vô tác thi công”.
o Phải xoá bộ nhớ = vô niệm (ghi cái vô).
- Móng: tác ý, vừa khởi động bằng niệm (chưa kịp đến tác khẩu, tác thân) là đã bắt đầu gây nhân quả, luyện kỷ là luyện vô niệm. Kịp; tức thời ở địa điểm, thời điểm, nếu không kịp thì sẽ gây tai hại. Lúc ở mầm niệm, chúng ta triệt liền, càng chậm thì di căn như bệnh ung thư, trở thành rừng cây rất khó cứu được nữa. Cổ đức dạy “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác trì.”

3. Ma ngoài hiệp với ma trong,
4. Ngơ đi chớ tưởng lặng lòng quên thân.
- Ma ngoài : lục trần; sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Ma ngoài tức là cảnh, cổ đức dạy “đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền”. Không cho ma ngoài vào trong bằng cách đóng cửa thành (Bế căn) tức hành theo lời Ơn trên dạy:
“Đóng sáu cửa cho bền cho chặt,
Thì thất tình lục tặc khó xâm;”
Ma ngoài còn là những chủ nợ đáo hạn mà lúc nhập môn đã “bôi tên Địa phủ, liên đài hoá thân” nên 10 cửa ngục mở cửa cho lên đòi. Ma bày đủ thứ, Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy:
“Bày đủ thứ thích ưng cám dỗ,
Khiến cho lòng ái ố loạn tâm;
Hoặc cho muỗi, kiến tương xâm,
Thịt da nhức ngứa, bụng râm tê chồn”.
- Ma trong : hiện lên theo tạp niệm, vọng niệm. Trừ ma trong bằng chỉ niệm (chỉ: dừng lại) “Bế căn, chỉ niệm tâm tình hoàn hư”. Phải tu vô vi = tu giải thoát. Dưỡng Chơn Tập dạy “niệm là bịnh, vô niệm là thuốc”
o Vô niệm là thị chi bất kiến, thính chi bất văn, thực bất tri kỳ vị.
o Chết chưa chôn, khen không biết cảm ơn, chê không biết sân si.
o Thân vô thân, tâm vô tâm, vật vô vật, không vô sở không, vô vô diệu vô.
Ngơ đi tức là tu ẩn, tu dốt như Đức Chí Tôn dạy:
“Người tu giả dại, giả câm,
Giả đui, giả điếc lo tầm Đạo cao.
Thủ thường phận giữ thanh cao,
Nhứt tâm, đại chí anh hào vượt qua.
Khử trừ muôn quỉ, ngàn ma,
Thất tình lục dục nên xa lánh chừng.” (2)

5. Còn bóng dáng, ma thần mới khảo,
6. Còn thức duyên, ma đạo mới sanh;
Bóng dáng là thanh, sắc. Nếu hành giả còn quan tâm đến thanh sắc: muốn thấy quần là áo lụa, muốn nghe lời êm dịu, là tạo điều kiện cho ma thần khảo mình. Vậy thì phải cẩn thận. Thức ở trong thân tâm ta. Duyên là môi trường ở ngoài ta,
“Sắc tâm chưa dứt, thấy sắc động lòng tà dâm thì bị sắc ma thừa cơ làm hại.
Tính nộ chưa dứt, một khi phát nộ nghiến răng trợn mắt, đó là hiện thân của ma quỷ. Phật độ người có duyên phần, ma tìm người háo kỳ (thích tìm việc lạ lùng) cho nên giáo phái đạo môn nhiều hơn bao giờ hết. Về pháp thuật, khi chỉ Trời, Trời mờ, chỉ đất, đất lỡ, tàng hình, độn thổ, hiểu biết quá khứ, tiền tri vị lai… ngoài ra có loại thiên ma nhập vào xác người tự xưng là Phật Tiên, dùng thần thông biến hoá để mê hoặc lòng người. Nếu không chú ý, vì động lòng háo kỳ hay nổi lòng ham muốn mà đi theo thì dễ rời khỏi chánh đạo mà vào bàng môn.” (3)
Mỗi người đều có nhược điểm, ma tấn công vào đó. Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy:
“Ma hiện thứ ta ưa, phỉnh gạt,
Dụ không xong, doạ nạt cướp thần;
Của tiền, sắc đẹp, loả thân,
Phật Tiên giá vũ đằng vân đến mừng”.
“Cổ đức nói với các đệ tử mình khi ngồi: Ma đến chém ma, Phật đến chém Phật” vì đó là các pháp hữu vi làm cản bước tiến của người tu thiền.
Khảo do nơi mình không ngoài 4 chữ: hỹ, nộ, ái, tắng (ganh ghét) phát ra không trúng thời, đều dễ dẩn hành giả đi vào ma đạo. Ma không hình tướng, tuỳ tâm người mà hiện.” (4)

7. Trống trơn, bặt dứt, dữ lành,
8. Cắt đường ma quỷ lưu hành vào ra.
Do đó tu đạo phải tu tâm, tâm không nhiễm trần không sinh niệm thì mọi sự khảo nghiệm đều như hư không, có mà không thiệt. (5)
Mình có phát sóng thì ma mới len vào sóng đó để gây nhiểu hoặc điều khiển ngược lại. Ngừng sóng (vô niệm) thì giặc bên trong không có (chỉ niệm), đóng cửa thành thì giặc bên ngoài không vào.
Đức Linh Bửu Thiên Tôn dạy “cõi trần ai là nơi chung chạ, ngọc trắng cát lầm, vàng thau lộn lạo, chánh hưng tà dấy, phàm thánh lẫn nhau, chưa phân bạch hắc. Phật Tiên giáng thế, thì ma quỉ cũng ra đời . Trời độ rỗi chúng sanh, quỉ giựt giành nhơn loại. Đó là thời kỳ bá đạo cạnh tranh, kẻ hữu phước Trời giành, người vô phần quỉ giựt.” (6)
Phật tức tâm, ma cũng tức tâm. Chủ được tâm là theo Phật, còn vọng tâm thì ma dẩn. Đức Chí Tôn dạy:
“Tâm giác làm nên Phật, Thánh, Tiên,
Người tu noi đấy đoạt nhơn duyên,
Tâm mê dẫn dắt làm ma quỉ,
Lộn kiếp lông sừng chịu đảo điên.” (7)

9. Cứ lì lợm ngồi già chớ nản,
10. Ngày ngày y thiền quán đừng lơi;
Lì: lì đây là lì với ma khảo. Ma bày đủ thứ, Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy:
“Bày đủ thứ thích ưng cám dỗ,
Khiến cho lòng ái ố loạn tâm;
Hoặc cho muỗi, kiến tương xâm,
Thịt da nhức ngứa, bụng râm tê chồn”.
Tiếp tục thiền cho đến khi có kết quả. Công phu là việc khổ luyện, không phải một sớm chiều thành công. Không được trể nải … bỏ bê …Đức Chí Tôn dạy:
“Siêng cần dậy sớm thức khuya,
Đạo tâm một khắc đừng lìa nó ra.
Người mà để Đạo đức xa,
Nội trong giây lát quỉ ma xen vào.” (8)

11. Ngoài thân không dạng Đất Trời,
12. Trong tâm động đậy tăm hơi chẳng còn.
Ơn Trên dạy “Ngoại quán thân vô thân, Nội quán tâm vô tâm, Viển quán vật vô vật”, đạt đến đây là đã “xã phú cầu bần, xã thân cầu đạo” rồi sẽ tiếp tục tiến lên “không vô sở không, vô vô diệu vô”.
Không còn thân, không còn tâm, không còn dạng Đất Trời nữa, khi chúng ta đạt đến Tiên Thiên như Đức Khổng Tử dạy “Tiên thiên nhi thiên phất vi, thiên thả phất vi, huống ư nhơn hồ, ư quỉ thần hồ”.
Làm sao đạt được? - Hết sức phấn đấu, rồi phần còn lại Ơn Trên quyết định. Đức Chí Tôn dạy:
“Miễn sao tâm chí vững bền,
Đài cao trăm trượng biết lên kiếm tìm.
Sắt cục mài trở nên kim,
Dày công mới đặng đừng hiềm khó khăn.” (9)

13. Công phu được vẹn tròn thanh tịnh,

14. Thì lậu duyên chướng bịnh tiêu trừ;
Thanh tịnh là kết quả. Thân tâm không còn gây trở ngại nữa.
Lậu duyên: các chướng duyên hiện ra. (chướng là bờ đê, cản trở đường đạo; chướng đạo: là đắp mô).
Chướng bệnh: bệnh gây trở ngại trên đường tu. (thân bệnh, nghiệp bệnh, tâm bệnh). Đức Chí Tôn dạy:
“Đạo truyền im ẩn sâu xa,
Chỉ phương tu luyện thoát ra biển trần.
An vui mùi Đạo Thánh Nhân,
Song tu tánh mạng diệt lần nghiệp duyên.” (10)

15. Ngưng thần nhập cảnh hườn hư,
16. Sinh cơ báo triệu, ngộ từ giờ đây.
Mỗi ngày chúng ta đọc kinh “…Phá nhứt khiếu chi huyền quan…”. Hườn hư là con đường tiến đến phá nhứt khiếu chi huyền quan. Đức Chí Tôn dạy “Người tu hành chừng nào luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hườn hư, luyện hư huờn vô thì huyền quan nhứt khiếu ấy mở hoát ra.” (11)
Thanh tịnh là luyện kỷ, tụ khí ngưng thần là hành công. Đức Chí Tôn dạy:
“Tu chẳng luận sơn xuyên am cốc,
Tu cũng đừng tịch cốc hành thân,
Tu là tụ khí ngưng thần,
Tu cho tráng kiện mười phần nhàn thanh.” (12)
Sinh cơ: mầm máy động trong thân tâm khi ngồi thiền.
Sinh cơ báo triệu: mầm móng báo hiệu – đã ngộ đạo. Chỗ này hỏi các vị đi trước thì câu trả lời là “của ai nấy biết vì được mà nói là mất”

Học lời Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy về trở ngại trong việc tu tịnh, chúng ta có thể tô đậm đôi nét. Hành giả bước vào học tâm pháp là đã xử tròn nhân đạo, nên những trở ngại trong hành công hầu hết là các khó khăn của chính thân tâm.
a). Bệnh cay đắng là nghiệp bệnh, không có toa thuốc vật chất nào chữa được. Cổ đức đã dạy:
“Linh dược khôn trừ oan trái bệnh,
Thần đơn bất trị nghiệp ma tâm”.
Oan trái bệnh là nghiệp huân tập từ nhiều kiếp, chất chứa trong tiềm thức, phải kiên tâm, chuyên tâm lập đức bồi công để giải lần.
b). Thứ hai là cảnh bệnh. Đây là bệnh ngoại tà xâm nhập qua nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý.
- Một là chúng ta phải bế căn (đóng các cửa thành).
- Hai là phải dụng “Thần Chú” của Ơn Trên ban để yểm chúng (lục yểm).
c). “Sanh tử sự đại, tấn tốc vô thường”. Biết đời là vô thường, kiếp người là khổ thì phải tu mau kẻo trể vì thời gian không đợi chờ chúng ta, việc chuyển nghiệp không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Đức Chí Tôn dạy:
“Cha đã già nhờ con sai cậy,
Cậy đến con, con lại bơ thờ;
Con ơi! Máy tạo đâu chờ,
Mà lần lựa mãi trể giờ đó con”.
d). Nói rất dễ mà làm rất khó, cầu xin cho chúng ta thực hành được như lời Đức Chí Tôn dạy:
“Tịnh, tịnh, tịnh, tịnh, tịnh, tịnh …
Tịnh là vô nhứt vật;” (13) …
Có được thành quả để dâng trình lên Ơn Trên và thêm tiềm lực quang năng để gánh vác trách nhiệm.

_______________________________

THAM KHẢO


1-Ma đạo (thuật ngữ). Chỉ thế giới của tà quỉ thiên ma. Đạo ở đây cũng như chữ Đạo trong Ngã quỉ đạo, Súc sinh đạo, chỉ con đường mà bọn chúng qua lại. Kinh Lăng Nghiêm Q.6 “Dù có đa trí thiền định hiện tiền, nếu chẳng đoạn trừ thói dâm dục, ắt bị sa vào Ma đạo; thượng phẫm là Ma vương; trung phẫm là Ma dân; hạ phẫm là Ma nữ. [Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học “Từ điển Phật học hán việt” tr.708, nxb Khoa Học Xã Hội, 2008]
2-Đại Thừa Chơn Giáo tr.17.
3-Tường Định “Từ điển danh từ Đạo Học”tr.235. Minh Lý Đạo, Tam Tông Miếu.
4-Tường Định “Từ điển danh từ Đạo Học”tr.235. Minh Lý Đạo, Tam Tông Miếu.
5-Tường Định “Từ điển danh từ Đạo Học”tr.235. Minh Lý Đạo, Tam Tông Miếu.
6-Đại Thừa Chơn Giáo tr.10.
7-Đại Thừa Chơn Giáo tr.33.
8-Đại thừa chơn giáo tr.35
9-Đại thừa chơn giáo tr.45
10-Đại thừa chơn giáo tr.15.
11-Đại thừa chơn giáo tr.158
12-Đại thừa chơn giáo tr.107.
13-Thánh Ngôn Hiệp Tuyển q.2 Thi văn dạy Đạo.




Bác Nhã Thiền Sư

Thầy dành cho trẻ một mùa xuân,
Đi lại trần gian xóa khổ trần,
Như lý Đạo mầu đang cứu cánh,
Cho đời thuần túy nét thanh tân.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây