Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
01/09/2011
Nghi Phong

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 01/09/2011

NHỮNG MẪU CHUYỆN TRUNG THU

(Trích Tập san Nữ Chung Hòa 1978)

Ngày tháng trôi qua rất lẹ làng
Chưa nguôi lửa hạ, gió thu sang.

Thu ! mùa lá vàng rơi lả tả, có những ngọn gió heo may hiu hắt, có những cơn mưa lất phất dưới nền trời ảm đảm làm se thắt lòng người có nhiều tâm sự riêng tư.
Thu ! gợi lên bao nguồn thơ lai láng, những nhà thi sĩ cảm hoài viết ra biết bao áng văn chương tuyệt tác.
Nhưng chị em chúng ta không phải là những thi sĩ để mà “ru với gió”, mùa thu đối với chúng ta có nhiều ý nghĩa thiêng liêng.
Thu đến như một tiếng chuông ngân vang trong lòng của những người tín đồ thương Thầy mến Đạo, của những người con nhớ Mẹ Diêu Trì.
Có một mùa thu nào đó, chúng ta từ giã Mẹ hiền, xuống trần gian với sứ mạng đem Đạo cứu đời, quyết đạt được kỳ công để dâng lên cho Mẹ. Nhưng đường trần nhiều lối rẻ, những đứa con thân yêu ra đi, đi mãi không về ! Mẹ lo âu kêu gọi :
Hỡi con trẻ cung son còn nhớ !
Chốn Diêu Trì trẻ nỡ quên sao?
Dẫu khi mang sứ mạng vào,
Dẫu khi bị đọa trần lao đền bù.
Thì cũng nhớ mùa thu năm ấy,
Mẹ dặn dò con hãy ghi lòng,
Vào đời độ chúng lập công,
Rồi quay trở lại hiệp cùng Mẹ con……

Lúc ra đi, Mẹ đã trang bị cho mỗi đứa con một cái túi “ VẠN BỬU NAN” đựng 8 báu Trung Tín, Le, Nghĩa, Liêm Sĩ, Hiếu Để, để làm thiết giáp cho linh căn khi lăn lóc vào đời.
Mẹ dặn dò : “ khi xuống hồng trần, các con phải luôn luôn đeo cái túi này trong mình, 8 báu chớ rời xa, vì nếu mất đi một món cũng khó trở về với Mẹ. Nếu túi và báu đều mất hết thì con phải bị vĩnh viễn đọa địa ngục, Mẹ nát cõi lòng. Còn như con đem túi và báu trở về đầy đủ thì Mẹ cho con được ngồi tòa sen. Các con ráng nhớ !”
Quảy túi ra đi, quyết đạt được kỳ công đem về cho Mẹ, linh căn hăm hở vào đời. Nhưng than ôi ! vật chất trần gian có nhiều quyến rủ say mê. Lúc mới sanh ra do thọ bẩm tinh cha huyết mẹ ở trần gian, linh căn còn giữ được thiên tánh bổn căn. Nhưng lớn lên, biết việc khôn lanh, thấy vàng bạc của báu động lòng tham, đặng 1 đồng muốn có 10 đồng cũng chưa đủ, nên ra đi kiếm tiền, lạc bước vào dục hải của Kim Ma.
Nào hay Kim Ma có phép mê hồn, đã bước vào rồi, chẳng chịu bước ra, ngày đêm toan tính cách làm tiền với mọi thủ đoạn. Hai báu Trung Tín trở thành chướng ngại vật cho sự làm giàu bất nhân vô đạo đức. Linh căn không ngần ngại mở túi bỏ đi 2 báu Trung Tín, để được vui vẻ với sự làm ăn nhiều mánh khóe của mình.
Khi có nhiều tiền rồi, như trái banh được trớn lăn theo triền núi, người linh căn say sưa lặn hụp trong biển rượu của Thủy Ma, trở thành con người mê tâm loạn tánh, cha mẹ không kể, cô bác chẳng vì, chẳng tưởng bà con anh em chi cả. Cái túi Vạn Bửu Nan vướng mắc mỗi bước chân đi, người linh căn sa đọa kia không ngần ngại mở túi bỏ bớt thêm 2 báu Liêm Sĩ để quên đi những hối hận của việc làm.
Từ dốc này lăn xuống dốc khác, linh căn bước thẳng vào biển khí của Hỏa Ma, gặp ai nói việc không vừa ý, tánh hung bạo nổi lên, làm những việc tội lỗi không lường, còn biết chi là thờ cha kính mẹ, hòa thuận anh em, nên 2 báu Hiếu Để cũng chẳng làm gì, bèn thẳng tay quẳng tuốt đi cho rảnh.
Từ sa đọa này đến sa đọa khác, tàn linh mê mẫn tâm hồn, tưởng đó là hạnh phúc vĩnh cửu ở trần gian nên đâu còn nhớ đến đấng Mẹ thiêng liêng đang :
Mở ngõ Diêu Trì chờ mõi mắt,
Soi dòng Trì Thủy đợi chồn chân !
Lạc loài, tàn linh chạy qua biển thuốc của Thổ Ma. Khá thương thay cho tàn linh ngã ngang ngã ngữa, thích thú lăn xả vào như châu chấu gặp đèn, thấy cái túi Vạn Bửu Nan trống không chẳng để làm chi, liệng luôn cho xong việc. Rồi lầm lũi cấm cổ đi, 2 vai nặng quằng oan trái !
Chừng thân thể gầy ốm , tinh huyết khô hao, trở động không nổi, trước mắt là “quỷ môn quan” mới giựt mình, muốn trở lại, thì hỡi ôi ! đã hết một kiếp làm người, tội lỗi dẫy đầy, đành phải chịu đọa trầm luân…
96 ức nguyên căn vào đời bị lưới trần giang bủa không phương vùng vẫy, những tưởng đi ra đem Đạo cứu Đời, chẳng dè sứ mạng chưa thực hành, lại bị Đời lại bị Đời lôi kéo rơi vào vực thẳm của đọa sa !
Trước cảnh huống đau lòng, thấy các nguyên căn bị vùi lấp bởi vô minh, Đức Thượng Đế mở Đạo cứu Đời để đem nguyên căn trở về cựu vị.
Nhưng Nhứt Kỳ Phổ Độ, các Đấng Giáo Chủ trước tỉnh được 2 ức trở về, và Nhị Kỳ Phổ Độ cũng chỉ được 2 ức thôi, còn lại 92 ức đang mê say lặn ngụp trong vòng trần cấu.
Lòng từ ái vô lượng vô biên, Đức Thượng Đế mở đại ân xá kỳ 3 và đến trần gian, tại xứ Việt Nam nhỏ bé của chúng ta, khai Đạo để tận độ chúng sanh, giải tỏa lớp vô minh đang che lấp bản thể của con người, giải tỏa cái kho tàng quý giá đã bị chôn sâu trong đáy mồ của thể xác nghèo nàn, đang khắc khoải rên xiết trước ảo ảnh vàng son rực rỡ. Những người giác ngộ lãnh hội được Thánh ý Thiêng Liêng, đã tự giải tỏa và nhận lấy trách nhiệm đem Thánh ý đến cho mọi người khoác đượoc bức màn vô minh, khai thác được kho tàng vô giá bửu. Tuy nhiên cũng có nhiều người chưa tỉnh ngộ, Đức Mẹ lo âu, cất tiếng kên tha thiết vang lên trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ :
Hỡi tàn linh ơi ! Hỡi tàn linh,
Có nhớ quê xưa chốn Ngọc Đình;
Quay gót mau về nơi cựu vị,
Thôi đừng can díu kiếp phù sinh !

Chị em chúng ta may duyên được nghe tiếng đạo lý, được thụ huấn lời dạy dỗ của Ơn Trên, và đã trở về quỳ dưới chân Mẹ, mỗi ngày sám hối :
“ Lạy Mẹ đại từ đại bi,
Xin thương con dại ngu si phàm trần …“
Có một lần Đức Vân Hương Thánh Mẫu đã an ủi vỗ về nữ phái “ Các em là những người con ngoan của Đức Từ Tôn Kim Mẫu được Thượng Đế ân ban sứ mạng vào đời để góp công cùng tạo vật, lập Thượng Nguơn Thánh Đức trong chu kỳ tái tạo. Thế các em đã ý thức được gì chưa và đã làm gì với sứ mạng của các em ? Hiện tình dân tộc còn điêu đứng khổ nàn, nước nhà còn ly loạn, thế giới nhân loại còn đổ xô vào hố sâu tận diệt. Những người có sứ mạng đem Đạo vào Đời để cứu vãng tình thế nguy vong tất phải nhiều cam go thử thách.
Các em ơi ! Đường trần nhiều lối rẽ, muôn hình vạn trạng, thay đổi đổi thay. Bước chân vào đời là trường tiến hóa của vạn sinh, những điều chánh tà vinh nhục, họa phúc bại thành luôn luôn diễn biến vào ra trong vọng ngã của con người. Cái bản thể tuyệt đối với con người trong cõi đời tương đối này có còn được lưu ý giữ gìn hay không hay lại che lấp trong cảnh lãng quên vì thế sự ?
Con người bằng lòng với hai tiếng định mệnh và định mệnh cũng là bức tường không chân mà con người tự cho đó là một thế tựa vững chắc và phó mặc thời gian đưa đẩy cuộc đời trôi xuôi theo dòng nhân quả. Cái vốn liếng tự hữu đã đánh mất, còn lại là những gì đều là vay mượn bám víu cầu may mà chính con người cũng chưa hay biết…
Các em ơi ! Cái bản thể không tự nó chánh tà, thiện ác, vinh nhục, thành bại, đọa siêu, cũng như Đức Thượng Đế không bao giờ đem những điều ấy cho ai, cho một loài vật nào. Chính những cái dục vọng tham lam ích kỷ tàn bạo đã gây ra những thứ đó để chịu vay trả luân hồi trong định luật bảo toàn của thiên nhiên. Các em có nghĩ gì về Đức Thượng Đế đến khai Đạo ở trần gian không ? Các em có hiểu rằng tất cả vạn hữu đều do Đạo mà có không? Các em phải hiểu để tìm thấy nguyên nhân khai Đạo của Thượng Đế…
Thượng Đế đã chấp nhận và ân ban quyền pháp Đại Đạo để phụng thiên sự dân cho những ai nhận lấy trách nhiệm đem Thánh ý đến cho mọi người, trong đó có Nữ Phái. Nữ Phái cũng được thừa hưởng ân huệ vô biên, có Đức Mẹ chở che, có các vị Phật nữ Tiên Nương, Thánh Mẫu, Nữ Vương dắt dìu chỉ dạy.
Tình thương của Mẹ ngọt ngào như chất mía đường, bao la như thời gian vô tận. Mặc dầu đám con trần gian có nhiều tội lỗi, Mẹ vẫn tha thứ thương yêu, dạy dỗ không ngừng những đứa con biết ngày quờn chơn đi ngược dòng đời trở về với Mẹ. Mẹ đã nói lên tình thương của Mẹ :
Đem tình thương Vô Cực rải muôn phương,
Con hỡi ! Từ Tôn mã nhớ thương;
Soi bóng Diêu Trì tìm bóng trẻ,
Mẫu Nghi vì trẻ giáng canh trường.
Và mỗi năm, chúng ta làm sao quên được :
Trung thu tháng 8 đêm rằm,
Là ngày đức Mẹ giáng lâm cõi trần.

Mùa thu tượng trưng cho mùa Đào Tiên kết trái, và Trung Thu là ngày Hội Yến Bàn Đào, Mẹ trao bí pháp.
Về sử liệu khánh đản xưa kia, ngày 18 tháng 7 là ngày lễ Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu mà hiện nay Minh Lý Thánh Hội còn noi theo cúng kính.
Đến khi Đức Thượng Đế lâm phàm tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thì ngày lễ Vô Cực Từ Tôn được thiết vào đêm Rằm tháng 8. Tuy ngày thánh có khác nhưng nguyên lý vẫn một, chỉ có tùy thời kỳ mà giáo hóa, tùy cơ duyên mà phổ độ. Về hình thức cũng như tổ chức trước dụng sự để vào lý, sau dụng lý mà hóa sự. Vì thế nên đêm thiết lễ Hội Yến Bàn Đào ban trao bí pháp, tựa vào đó còn có quà nhi đồng, công tác xã hội từ thiện, v.v…
Lời của Đức Vân Hương Thánh Mẫu “Dù đã trải qua mấy mươi thu, Bản Nương nhận thấy chư liệt vị cũng như mọi người đều chưa giải đáp với niềm tin trong danh từ Hội Yến Bàn Đào bao trao bí pháp.”
Rồi bao nhiêu dấu hỏi, ai đã được sống nghìn năm khi dự Hội Yến Bàn Đào ? Và ai được ban trao bí pháp ?
Mặc dù có người được tràng sinh từ khi có Hội Yến Bàn Đào và cũng có lắm người được ban trao bí pháp. Thế tại sao ? – Nếu người đời chưa thoát ra khỏi cái thấp ngà riêng rẽ, chưa thoát bức vô minh, thì làm sao suy luận nổi bí pháp nhiệm mầu của Tạo Hóa. Dù cho có được hưởng Hội Yến Bàn Đào cũng không thấm cái hương vị tràng sinh,- có ban trao bí pháp cũng hóa thành công cụ riêng tư trong kho tàng ích kỷ. Chỉ những người có tâm pháp nhứt như mới thấu triệt huyền vi hoán chuyển ấy...
Mỗi năm đến ngày Trung Thu, Đức Mẹ Diêu Trì mong mỏi gì ở các con Đức Mẹ ? Có phải vì khổ nạn của vạn linh sanh chúng mà Đức Mẹ mong cho người lành mạnh đỡ nâng người đau khổ, người khôn ngoan dìu dắt kẻ dại khờ, người may mắn chia sớt cùng người bạc phước đó chăng ?
Than ôi ! Trường tiến hóa có nẻo luân hồi mà nghiệp lực chúng sanh như ba đào không dứt. Thế nên Đức Mẹ mong ở những người con giác ngộ còn thiên lương thánh thiện, gởi gắm tình mẫu tử thiêng liêng Vô Cực đem gieo rải vào lòng chúng sanh bằng mọi cách để cứu khổ cứu nạn chúng sanh.
Từ ngàn xưa, các Đấng Giáo Chủ chỉ nhắm vào sự cứu cánh tâm linh hơn là nhơn sanh. Khi cán cân chinh bên nào thì bổ khuyết vào bên ấy cho được thăng bằng, nhưng tâm linh chưa bừng sáng trọn vẹn thì cuộc chuyển thế đã đến kỳ. Vì sự chênh lệch chưa thăng bằng lại càng chênh lệch bởi nhơn loại quá ư thiên về vật chất.
Thế nên công cuộc tận độ kỳ ba này phải nhắm vào hai mục tiêu : Tâm linh và nhân sinh.
“Chư hiền muội ! (lời của Đức Quan Âm Bồ Tát) Bần Sĩ thiết tưởng trước cảnh đời đang khổ nạn đau thương, mục đích Đạo là để cứu độ người đời thoát vòng trầm lụy. Đại Hội Yến Bàn Đào là phép nhiệm mầu từ ngôi Vô Cực hiện bày thật tướng để cứu độ vạn linh, nên khi được tổ chức một lễ hội nào, người Thiên ân hướng đạo, người tu hành cần phải ý thức đến mục đích cứu cánh của Đạo và tinh thần trách nhiệm thiêng liêng đối với niềm đau khổ chung của nhân loại. Có như vậy cuộc lễ mới có ý nghĩa, hình thức long trọng tôn nghiêm mới được hiển hích anh linh và sự cực nhọc tốn hao mới xứng đáng.
Hội Bàn Đào mấy ngàn năm lẽ,
Góc Trời Nam mở hé cơ mầu;
Trao tay sứ mạng nữ lưu,
Lòng từ gieo rải năm châu hưởng nhờ.”
Đại lễ hiến dâng Đức Mẹ không nhứt thiết phải tổ chức linh đình. Đức mẹ chỉ muốn cho nữ phái kết hợp tinh thần đồng nhứt cứu thế kỳ ba, dù ở đâu, nơi nào, Tòa Thánh, Hội Thánh, Thánh Thất, Thánh Tịnh đều có một sự liên quan với nhau trên phương diện tu thân hành đạo độ đời. Nữ phái là một thực lực hữu hiệu trong việc từ thiện xã hội. Người tu hành có đem được tình thương cho mọi người mọi kẻ, có tạo một niềm tin cho thực lực cứu cánh thì mới tận độ cho họ về nhân bản, đạo pháp và tâm linh.
“Nầy các em Nữ Phái ! Tam Kỳ Phổ Độ là cơ hội tiến thân của các nữ lưu dày căn trí,- Đức Vân Hương Thánh Mẫu dạy,- thế nên Chị khuyên các em đừng ngần ngại trước những khúc quanh thế lộ. Các em được hồng ân của Từ Mẫu và sự nâng đỡ của Ơn Trên cũng như huynh đệ đạo đồng, vậy hãy dõng mãnh tiến bước, từ bản chất thanh tịnh phát huy đạo lý tình thương, từ chỗ sanh hoạt phát huy để bảo tồn hàm dưỡng tâm thanh tịnh. Có được vậy, các em mới thông thấu chỗ siêu vi của đạo lý…”
Và mỗi năm, đến ngày Trung Thu tháng 8 trăng rằm, Đức Mẹ Từ Tôn giáng lâm vỗ về an ủi, khuyến khích chúng ta trên đường hành đạo độ đời.
“Hỡi các con ! Mẹ dụng tiếng Diêu Trì là tượng trưng cho mùa đào tiên kết trái, và chư Thần Thánh Tiên Phật đến trần dự Yến cùng các con là hòa hợp hai cõi sắc không, đồng thọ lãnh sứ mạng hoằng dương chánh pháp phổ độ kỳ ba.
Dẫu các con nam hay nữ, cũng đồng chung trách nhiệm. Các con hãy tự làm sáng cái Đạo hằng hữu của các con, rồi mới vững bước trên đường Thiên Đạo Đại Thừa
Mẹ trao gởi chân tình Vô Cực,
Con nhận rồi chí đức chí tâm,
Dầu cho thế cuộc thăng trầm,
Độ đời con giữ một tâm vững vàng…”
Năm nay, Trung Thu mới, sứ mạng còn nhiều, chúng ta đừng e ngại bước chân ngắn ngủi trên đường thiên lý dậm dài có nhiều gay go thử thách. Hãy cố tạo cho bước chân đó có một giá trị tương đối mẫu hệ tương lai, cũng đừng so bi viễn vong mà chùn bước nữ nhi trên đường sứ mạng.
Sứ mạng của chúng ta rất nặng nề, vì Mẹ đã dạy :
“Cơ tận độ trông vào Nữ Phái…”

“Đời còn Thánh Triết hiền nhân,
Nhờ nơi thiện mỹ chánh chơn nữ hiền…”
Chúng ta phải ý thức lời Mẹ dạy và chúng ta phải làm sao cho tất cả nữ phái trên thế gian này đều là Nữ Phái của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để thực hành sứ mạng Mẹ giao. Như thế mới không buồn tủi khi đến trước kim giai phục lịnh.
Chúng ta đừng mặc cảm cho mình là hột cát trong bãi sa mạc nhưng nó sẽ quý giá khi góp lại nên cồn.
Một cây trổ hoa không đủ làm đẹp cho một khu vườn. Chúng ta phải là những đóa hoa đồng trổ để điểm tô cho vườn Đại Đạo, cho vườn Ngự Uyển vạn sắc thiên hương của Đức Mẹ Diêu Trì.

Thu Mậu Ngọ
Nghi Phong
Nghi Phong

Phổ là rộng khắp cùng thế giới,
Thông là nguồn suối tới muôn phương,
Giáo là dạy nẻo chỉ đường,
Lý là lẽ thật chủ trương thới bình.

Đức Lý Giáo Tông, 20-5 Ất Tỵ, 19-6-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây