Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Lịch sử đạo Cao Đài cho thấy đức tin Cao Đài, từ lúc chưa nảy sinh đến lúc lập thành ...
-
Trong Huấn Từ ngày 14 tháng giêng năm Bính Ngọ 1966, tại Thiên Lý Đàn, Đức CHÍ-TÔN có dạy như ...
-
Những biến động trên thế giới trong những năm gần đây khiến người ta suy nghĩ về nguyên nhân sâu ...
-
Ý NGHĨA CÂU KHUYẾT BÁC NHÃ PHÁ VÔ MINH HUỜN NGUYÊN TÁNH MẠNG TAM TÔNG KHAI CHÁNH PHÁP BẢO HỢP THÁI HÒA DÀN ...
-
“Xuân, xuân đến, muôn phần nô nức, Xuân là chi vạn vật đón chờ? Xuân về có rượu có thơ, Có câu chúc ...
-
“Từ thuở khai Thiên tịch Địa sắp bày trần thế đến ngày nay, các con chỉ hiểu đạo khai trong ...
-
“Quyền pháp Đạo không là điều cai trị. Quyền pháp Đạo chính là sự thương yêu, giải thoát cai trị ...
-
Bất kỳ trong xã hội nào trên hoàn cầu này, đều có cảnh trạng : người thì nhà cao cửa ...
-
"Muốn sửa lòng, ngắm lòng Từ Phụ, Tu thân nhìn vũ-trụ là thân. Thái sơn, biển cả, vi trần, Tình thương chứa đựng ...
-
Tâm sự của mùa Xuân Thời gian là dòng sông vĩnh cửu, nhưng nếu không có bốn mùa thì lấy ...
-
Tu học trong nhà Đạo Kỳ Ba, cho dầu khác hội thánh, khác địa phương chúng ta đều được dạy ...
-
Thánh giáo có viết: ““Thượng Đế đến khai minh Đại Đạo đã là một hi hữu, mà vấn đề hoát ...
Đức Thái Thượng Đạo Tổ
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 11/03/2011
CHÂN LÝ - HUYỀN DIỆU
Chương thứ II.- Chân Lý, Huyền Diệu
Huyền Đô Đại Pháp Sư. Ta chào chư hiền lưỡng ban. Hãy tu chỉnh trung đàn, tiếp giá Đạo Tổ, Ta xuất cơ.
Tiếp điển:
THI
Thái cổ phương tri đạo phát minh,
Thượng mưu mạc dụng sự tương tranh,
Đạo tâm hà thủ tâm tư kỷ?
Tổ pháp hoằng khai độ chúng sanh.[1]
太 古 方 知 道 發 明
上 謀 莫 用 事 相 爭
道 心 何 守 心 私 己
祖 法 宏 開 度 眾 生
Lão mừng các môn sanh!
Ớ các môn sanh! Đại Đạo phát triển giữa thời kỳ cạnh tranh tấn hoá nầy, nhân loại mảng[2] xâu xé giựt giành nhau vì miếng đỉnh chung[3], mồi phú quí, đời người chỉ biết trọng sự hiện tại mà không tưởng đến buổi tương lai, lại mong tàn sát lẫn nhau để gây nên cuộc đời tận khổ.
Ôi! Nạn tiêu diệt hầu gần[4] mà nhân loại còn mơ màng trong giấc mộng, thương thay!
Đã trải qua hai thời kỳ khai Đạo, bao nhiêu văn từ kinh điển đến nay đã theo thời gian mà trôi mất, chỉ còn lại những giả pháp hề hà, làm phương nuôi sống của người vô nghệ học. Còn chánh pháp lại phải ở sau tấm màn vô minh đang che lấp nhân loại. Qua đến thời kỳ thứ ba, là một thời kỳ đứng vào nguơn phản cổ[5]. Bao nhiêu hiện tượng tàn khốc của nhân loại đều biểu diễn giữa cảnh tang thương biến đổi. Các Đấng Thiêng liêng vì xót nhân loại, không nỡ ngồi yên, nên công đồng thỉnh sắc Ngọc Đế biến pháp dụng thần cơ diệu bút, nương lấy điển quang để dẫn độ chúng sanh cho dễ tầm mau hiểu, và hoằng khai Đại Đạo, lập thời kỳ đại ân xá, để cứu bao nhiêu nhân loại trầm luân khổ hải.
Từ buổi sơ khai Đại Đạo đến giờ, sự tuyên truyền chánh pháp, luật lệ thi thố, đều do Chí Tôn cùng Phật Tiên giáng cơ mà ban hành giáo hoá. Thế thì cơ bút là trọng hệ vậy. Nhưng trong khoảng thời gian vừa qua đây, vì sự nghịch lẫn nên cơ bút biến động mỗi nơi, (Ớ các môn sanh! Chớ đem câu nói nầy mà tưởng cơ bút do nhơn tạo nghe. Sự mầu vi [6] chính ở trong ấy. Đời há tìm biết đặng sao?) Rồi từ đấy bao nhiêu Thánh Ngôn chân lý, phương pháp huyền diệu, chúng sanh đều đặng kề bên thưởng thức. Song vì quá ư tín ngưỡng theo lối tư tâm[7] mà phải lắm lúc lạc nẻo xa đường bởi lòng thực hành bất độ[8].
Đây lão giải thuyết huyền diệu chân lý cho các môn sanh đặng rõ.
Huyền diệu! Huyền diệu là một thiên cơ rất sâu kín mầu nhiệm. Cái nguyên lý không thể tìm cho tột, chẳng khá lấy tư tưởng mà tin đặng, hay ai cầu mà thấy đặng. Phật gọi rằng: «Sắc sắc không không, tụ tắc hữu, tán tắc vô»[9]. Đạo gọi là «Huyền quan hư vô chi khiếu[10], buông ra thông đều sáu cửa[11], thâu lại ắt trọn ở nơi kín», huyền diệu có thể bao trùm vũ trụ, song vẫn do nơi chân lý phát hiện. Còn một sự nữa cũng ví như huyền diệu là thuật pháp. Thuật pháp là một cơ quan ẩn hiển rất dễ dàng. Cái trình độ oai lực có thể biểu diễn trước mắt nhơn sanh tín ngưỡng như huyền diệu, duy chẳng đặng trường tồn.
Chân lý! Chân lý là một lẽ thật tự nhiên, vẫn bao gồm các lý trong đời. Khắp vũ trụ nầy không vật chi ở ngoài chân lý mà đặng hoàn toàn. Các môn sanh muốn tìm thấy chân lý hay hưởng dụng rất dễ dàng, không phải tầm thiên kinh vạn quyển[12] mới tường[13]. Chân lý vẫn từng ở trước vạn vật. Chỉn[14] có lòng người không thực hành chân lý mà thôi.
THI
Huyền khả mật hề diệu khả thâm,
Bao la vũ trụ vị hà tầm?
Nhược nhơn dục kiến cơ huyền diệu,
Chân lý tiền tri hậu đắc tâm.[15]
玄 可 密 兮 妙 可 深
包 羅 宇 宙 未 何 尋
若 人 欲 見 機 玄 妙
真 理 前 知 後 得 心
Ớ các môn sanh! Nếu dụng lý trí thiên nhiên mà suy nghiệm thiên cơ còn khá đặng, bằng dùng ngôn ngữ mà biện bác tìm tòi thiên cơ, thì trước nhục nhãn[16] hay lầm lạc vậy!
Huyền diệu chân lý chẳng khá riêng dùng.
THI
Bài giải cho người hết muội mê,
Mới mong tìm rõ lối đi về,
Nếu không phân biện tà cùng chánh,
E nỗi đạo tâm phải não nề!
Lão ban ơn các môn sanh!
Thăng.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Thái cổ phương tri đạo phát minh 太 古 方 知 道 發 明 = Thời xa xưa mới biết Đạo phát khởi. – Thượng mưu mạc dụng sự tương tranh 上 謀 莫 用 事 相 爭 = Bậc mưu trí cao chẳng dùng sự tranh chấp nhau. – Đạo tâm hà thủ tâm tư kỷ? 道 心 何 守 心 私 己 = Lòng Đạo tại sao lại ôm giữ lấy lòng ích kỷ riêng tư? – Tổ pháp hoằng khai độ chúng sanh 祖 法 宏 開 度 眾 生 = Phép xưa mở rộng ra để cứu độ chúng sanh.
[2] Mảng = mải mê; ham; chuyên lo vào việc gì.
[3] Đỉnh chung = quyền thế lớn. Nhà quyền thế lớn nấu cơm bằng vạc, khi ăn thì dộng chuông tấu nhạc, chữ Hán gọi là chung minh đỉnh thực 鐘 鳴 鼎 食 (chuông kêu, ăn cơm nấu bằng vạc). Từ đó, danh từ chung đỉnh hay đỉnh chung ám chỉ quyền thế lớn. Miếng đỉnh chung, mồi phú quý = ám chỉ mồi danh bả lợi chốn thế gian.
[4] Hầu gần = hầu như đã gần tới.
[5] Nguơn phản cổ = nguơn trở lại xưa.
[6] Mầu vi = mầu nhiệm và tế vi.
[7] Tư tâm 私 心 = lòng riêng; ý kiến riêng.
[8] Lòng thực hành bất độ = lòng thực hành không vượt qua tư tâm.
[9] Sắc sắc không không, tụ tắc hữu, tán tắc vô 色 色 空 空 聚 則 有 散 則 無 = có có không không, tụ lại thì có sự hiện hữu của vạn vật; tán ra thì không có sự hiện hữu của vạn vật.
[10] Huyền quan hư vô chi khiếu 玄 關 虚 無 之 竅 = khiếu huyền quan hư vô.
[11] Sáu cửa = lục căn 六 根 (nhãn 眼 = mắt; nhĩ 耳 = tai; tỵ 鼻 = mũi; thiệt 舌 = lưỡi; thân 身 = thân thể; ý 意 = ý nghĩ).
[12] Thiên kinh vạn quyển 千 經 萬 卷 = ngàn bộ kinh, vạn quyển sách; ý nói rất nhiều kinh sách.
[13] Tường 詳 = rõ ràng, tường tận.
[14] Chỉn = chỉ; vốn thật là. Chỉn e = chỉ e.
[15] Huyền khả mật hề diệu khả thâm 玄 可 密 兮 妙 可 深 = Huyền có thể kín, diệu có thể sâu. – Bao la vũ trụ vị hà tầm? 包 羅 宇 宙 未 何 尋 = Sự huyền diệu đầy vũ trụ, sao chưa tìm đi? – Nhược nhơn dục kiến cơ huyền diệu 若 人 欲 見 機 玄 妙 = Nếu người đời thấy được bộ máy huyền diệu. – Chân lý tiền tri hậu đắc tâm 真 理 前 知 後 得 心 = Thì biết trước chân lý, rồi sau sẽ đạt được [Đạo] tâm.
[16] Nhục nhãn 肉 眼 = mắt thịt.