Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
31/03/2012
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo

KẾ SÁCH TÂM LINH




Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời 14 tháng 2 Ất Mão (26.3.1975)

GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO THÁI BẠCH KIM TINH,

Bần Đạo chào chư Thiên ân, mừng chư hiền đệ, hiền muội đạo tâm nam nữ.


. . . Như chư hiền đã biết, bất cứ lãnh vực nào, nhất là lãnh vực Đạo Giáo giáo, giá trị tinh thần, giá trị của tâm linh luôn luôn là một giá trị được đề cao bậc nhất. Tác năng của tâm linh sẽ chi phối to tát đến mọi hoạt động của thể chất và tư tưởng. Đối với những người mệnh danh là hướng đạo, là nồng cốt cho cơ đạo cứu thế, những kẻ hiến dâng cho ánh sáng lý tưởng Đại Đạo thì nền tảng tâm linh phải được xác định trước tiên và hơn ai hết. Vì vậy, kế sách về tâm linh cho những kẻ hiến dâng phải được đề cập trước nhất. Bần Đạo cũng nhắc lại trên phạm trù tâm linh, giá trị đức tin là giá trị của ý chí hiến dâng cho một lý tưởng sáng chói để cứu thế. Có một đức tin dõng mảnh là đã có một ý chí hào hùng tin quyết về kết thúc cao quý của sự cứu độ toàn dân sinh bằng một lý tưởng thật sự thanh cao của Đại Đạo.
 Phải tin quyết thì mới nhất tâm để chí thành hành sự. Đã có nhất tâm chí thành hành sự thì kết quả không xa. Mọi nguy nan dù khó khăn đến đâu cũng sẽ vượt qua một cách uy nghi (tuyệt vời). Chính vì thế, hơn ai hết, những bậc Thiên mạng nên cẩn trọng từ thâm sâu, nung nấu, rèn luyện đức tin sáng chói như minh đăng, như ngọc thạch. Màu xanh của đức tin phải là màu xanh của cẩm thạch bất biến. Hãy dìu dắt và gieo niềm tin này cho những ai đã hiến dâng sát cánh bên mình chan hòa cùng chung trong lý tưởng cứu thế của Đại Đạo. Cũng trong lãnh vực tâm linh, thành phần nhân năng, trí năng và động năng cũng phải được đề cập đến một cách thiết yếu.

 Đã là bậc hiến dâng thì lòng nhân là phương tiện đưa đến thành công, làm sáng danh Đức CHÍ TÔN THƯỢNG ĐẾ và gieo niềm tin cùng sự an vui cho nhân sinh. Phải có một lòng nhân cao quý trong lý tưởng mà mình phục vụ, không xem mình là mình. Nếu đã hiến dâng, là đem mình làm thiên hạ, trọng cùng thiên hạ như trọng chính mình. Đã là bậc hiến dâng thì sự sáng suốt của trí năng phải được cải thiện theo thời gian. Sự sáng suốt sẽ dẫn dắt chính mình ra khỏi lạc lầm và dìu dắt nhơn sanh theo đúng lý tưởng sứ mạng mà ĐỨC CHÍ TÔN đã đặt để từ lúc khai nguyên. Hãy tĩnh thật tĩnh để sáng suốt hành động thật đúng để hoàn thành sứ mạng. Động mà thật tĩnh, tĩnh mà thật động. Đó là sở trường của những bậc hiến dâng. Đã là bậc hiến dâng thì lòng can đảm là một uy hùng của cái dũng đạo đức. Cái dũng của bậc hướng đạo trong lý tưởng cứu thế phải là cái dũng bất khả thoái. Trước một nguy nan chỉ có sự hy sinh và tận dụng lòng dâng hiến của chính mình làm niềm yêu kính Chí Tôn cao cả nhất. Không phủ nhận hay lùi bước những gì mà sứ mạng đã ban cho trên đường vạn lý mà mình đang trỗi bước. Một người, dù khả năng tâm linh thật hoàn hảo, cũng khó có thể bao gồm mọi sự việc. Vì vậy, vấn đề nhân sự, những kẻ cùng thấy được ánh sáng Đại Đạo và cùng hiến dâng lòng mình để phục vụ cho lòng tin cao quý này phải được đề cập đến.

Bần Đạo và chư hiền đề cập đến vấn đề nhân sự trong Đại Đạo, nhân sự dùng cho sự hướng đạo, dùng làm tác năng tạo dựng sự cứu rỗi của CHÍ TÔN không nhất thiết phải đông đảo và phức tạp. Sự đông đảo phức tạp chỉ có giá trị trên số lượng mà thôi. Trái lại sự tiến triển của lý tưởng sứ mạng thật là khó khăn gấp bội. Vì vậy, điểm tốt nhất là vấn đề nhơn sự phải đặt nặng trên tính cách nhơn sự "phẩm"và nh ân sự hợp nhất hơn là sự tổ hợp quá đông đảo.

Sau đây kế sách về nhơn sự đặt nặng trên giá trị phẩm, giá trị hợp nhất của nó trong nội thể của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đã là bậc hiến dâng, giá trị phẩm của từng cá thể phải được rèn đúc và xây dựng thường xuyên, giá trị đức tin, giá trị nhân ái, giá trị trí thức và giá trị dũng mãnh của tinh thần, tất cả phải được nung nấu và cải thiện hoàn hảo luôn luôn. Ngoài ra phương cách bảo dưỡng thể chất không thể không đề cập đến, vì nhờ có nó mà con người mới có thể đi hết con đường mà mình đã vạch ra. Trí năng và thể năng là hai năng lực bổ sung nhau, giúp đỡ sự thực thi trọn vẹn đức tin và lòng nhân ái của chính mình.

Giá trị trí năng phải luôn tiến kịp với thời đại thì mới dẫn dắt và lèo lái thời đại được. Vì vậy kiến thức của những bậc hiến dâng giúp ích không nhỏ trên đường đạo pháp. Ngoài ra bậc hiến dâng còn phải tự nguyện với lòng mình là hướng về sự hợp nhất hơn là chia rẽ. Những ai đã tự nguyện hiến dâng cho lý tưởng Đại Đạo phải là một khởi nguyên duy nhất chẳng hề phân. Có như vậy giá trị hiến dâng mới thật sự trọn vẹn và con đường sứ mạng mới mong được khai hoát hầu rước đưa nhân sinh giải thoát bể khổ thành sầu. Đã là bậc hiến dâng thì không còn gì gọi là mê tối vị kỷ để vấp ngã đi ngược cùng Pháp Chánh để rẽ phân để phũ phàng tranh chấp. Có không chấp không phân tranh giữa khởi nguyên hiến dâng thì nhân loại mới thật sự hòa bình trong thương yêu hòa hiệp. Nội thể Đại Đạo đã phân để hóa hầu cứu độ chúng sanh. Giờ thì không còn một trở lực nào làm ngăn sự hợp nhất giữa những người sắt đá hiến dâng. Vì đi ngược Pháp Chánh nên con người đã xa nhau và vô tình xa cách nguồn gốc chơn tánh của THƯỢNG ĐẾ. Giờ thì khởi nguyên hiến dâng phải hiệp một để dìu dắt nhân sinh. Kế sách về nhân sự này Bần Đạo và chư hiền sẽ khảo sát tường tận hơn trong một kỳ khác. Kế sách tổng quát này trước tiên là phải hợp nhất về lãnh vực Pháp Chánh, sau đó là hợp nhất về lãnh vực hành chánh đạo. Có trọng Pháp Chánh, có không hiểu lầm thì sự hợp nhất sẽ không xa trong trí ước.

Chư hiền đệ hiền muội ! Xuyên qua mấy trang đạo lý để đánh thức tâm linh những hàng nguyên căn hữu duyên đắc ngộ tam kỳ phổ độ để sớm xét lòng hầu vững đức tin trong sứ mạng thế Thiên hoằng đạo. Phật tiên thánh khả dĩ có được đặc điểm phi thường khác hơn là bởi thuộc hàng giác ngộ biết chế ngự kịp thời những tâm tư phiền não vừa máy động. Chư hiền hẳn còn nhớ câu sau đây : "Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi, mà chỉ e lòng người ngại núi e sông". Ngoại cảnh chướng ngại nếu có đưa đến cho hàng hướng đạo hoặc giới tu hành đã là một sự trở gay nhưng nếu có một chướng ngại nội tâm làm ngăn cách với Đạo thì lại càng gay trở muôn phần cho bước đường hồi nguyên đắc nhất. Thánh phàm khác nhau chỉ là do sự giác ngộ hoặc kịp thời chế ngự những ngăn cách ấy mà thôi.
__________________________

CƯỚC CHÚ:
_ khởi nguyên duy nhất chẳng hề phân: tức là Đức tin trọn vẹn, thuần thành tịnh khiết nguyên sơ, chưa bị tạp nhiểm
_ khởi nguyên hiến dâng: phát tâm hiến dâng ngay khi có được đức tin thuần phát, hiến dâng bằng tâm vô tư, vô phân biệt. (BBT)

Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo
KẾ SÁCH TÂM LINH / Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo

Hiến Dâng / Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo

TAM DƯƠNG KHAI THÁI / Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo

Thánh giáo giao thừa / Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo

Xuân sứ mạng / Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo

Lụy thân vì bởi ý ta bà,
Vì bởi người còn chấp cái ta,
Chẳng biệt giả chơn, không chánh niệm,
Đành làm tôi tớ thập tam ma.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây