Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Thượng Đế khai Đạo là một hi hữu / Chư Tiền Khai Đại Đạo

    THÁNH GIÁO tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 14-02 Giáp Dần (07-3-1974)


  • Trong đời sống xã hội, gia đình nào cũng kỳ vọng vào con cái. Cha mẹ thể hiện trách nhiệm ...


  • Ôn Học Lời Dạy Của Đức Lý Giáo Tông / NGHÊ DŨ LAN trích lục và chú thích

    Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-01 Giáp Dần (06-02-1974)


  • Thánh giáo giao thừa / Đức Chí Tôn và Chư Tiền Khai Đại Đạo

    Nam Thành Thánh Thất, Tuất thời, Mùng 1 tháng Giêng Canh Tuất (6-2-1970) (Bộ Phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ ...


  • Từ Hà Nội xuôi về phía Nam 90 km là tỉnh Ninh Bình, nơi hội tụ nhiều di tích văn ...


  • Kinh Ngọc Lộ Kim Bàn / Thanh Bình sưu tầm

    Tìm hiểu Kinh Ngọc Lộ Kim Bàn Là người Cao Đài không ai tránh được thổn thức khi đọc hay nghe ...


  • Ngày công khai đạo Cao Đài tại Miền Trung / Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (Nguồn: Tạp chí Cao Đài số 01/2009)

    “Từ đây nòi giống chẳng chia ba, Thầy hiệp các con lại một nhà; Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc, Chủ quyền ...


  • Nay, nhân loại sẽ bước sang kỷ nguyên mới của thiên niên kỷ kế tiếp. Đây là một khúc quanh ...


  • Cảm hoài dòng Sử Đạo / Nhịp cầu giáo lý

    Đại Đạo TKPĐ khai mở chưa được một thế kỷ, thế mà khi lần giở những trang sử đạo người ...


  • Cao Đài nội tại / Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn

    Thánh giáo tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 14 tháng 3 Mậu Ngọ (20-4-1978) NHƯ Ý ĐẠO ...


  • Bài Thuyết đạo tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo ngày 19-6-Đinh Hợi (01-8-2007) ________ [Ảnh bên: Tượng Quan Thế Âm Bồ ...


  • XUÂN AN NHIÊN TỰ TẠI / Ban Biên Tập

    Trở lại mùa Xuân năm nay, cũng như bao nhiêu mùa Xuân trước, thiên hạ vẫn mừng đón khí Xuân ...


15/03/2006
Ngọc Kiều

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 23/02/2010

Tư tưởng Lão giáo qua bảy chủ đề

Trước đây, trong thời gian những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước, Hội Đồng Nghiên Cứu Giáo Lý Đại Đạo tại CQPTGL gồm các Ban Nghiên cứu Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, Ki Tô giáo, Bahai giáo, Thông Thiên học, Cao Đài giáo, lần lượt nghiên cứu nhiều chủ đề chung để tìm ra chỗ nhứt lý giữa các tôn giáo. Dưới đây là bài đúc kết tư tưởng Lão giáo qua bảy chủ đề nghiên cứu của cố Đạo tỷ Ngọc Kiều (đắc vị Hồng Quang Thánh Nương), thành viên Ban Nghiên cứu Lão giáo biên soạn. (BBT.)

I. THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHỨT THỂ

Mọi sự vật trong vũ trụ đều cùng có một bản căn.
Về nguồn gốc phát sinh của vũ trụ thì bản căn là khởi điểm, là tác động đầu tiên vận động vạn vật theo một nguyên lý là nguyên nhân tối sơ của các tác động hỗ tương của vạn vật. Về bản chất thì bản căn là nguyên thủy và vô sanh bất diệt, hoàn bị, phổ biến và vô hình. Về quá trình phát triển thì sự vật trong trời đất do bản căn chuyển hóa không ngừng nhờ hai động lực âm dương đun đẩy đối đãi nhau mãi.
Về bản thể của vạn vật, Đạo đức kinh (ĐĐK) viết: "Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật. Đạo làm nên sự hiện hữu (hữu: nhứt). Sự hiện hữu này phân làm hai đặc tính đối đãi nhau, giữa hai (nhị) đặc tính này có một đặc tính thứ ba có nhiệm vụ trung gian hòa hợp hai đặc tính trên (tam) để giữ vững thể hiển hiện của sự vật." (Ch. 42)
Vậy thì sự vật hiển hiện là thực tại có được do hậu quả của quá trình chuyển hóa của Đạo, tức bản căn hay bản thể của vạn vật. Tác dụng chuyển hóa ấy gọi là Đức. Vì Đạo vốn không có hình, kịp khi tác động, vận chuyển thành đức, ắt có cái dụng.
Về tính chất của vạn vật, thì ở thế giới hiện tượng, mọi sự vật đều vô thường, đối đãi. "Dưới trời này khi biết đẹp là đẹp thì cái kia là xấu rồi, khi biết lành là lành thì cái kia chẳng lành vậy." (ĐĐK, Ch. 2)
Về giá trị của vạn vật thì theo Nam hoa kinh (NHK): "Vạn vật dữ ngã vi nhất." (Tề vật luận)
Con người là một sinh vật làm chủ tể được muôn loài vì bản tính con người sẵn có mầm thiện. Mầm thiện này là cái điểm mà người lớn như trời đất, vì trời đất và người là một, đều do Đạo sanh cả. "Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong vũ trụ có bốn cái lớn, mà người là một." (ĐĐK, Ch. 25)
Thế nên Tử Huỳnh Tổ viết:
Thiên nhân nhất khí bản lai đồng,
Vị hữu hình hài ngại bất thông;
Luyện đáo hình thần diệu hợp xứ,
Phương tri sắc tướng tức hư không.
Tiên học từ điển (THTĐ, tr. 47.
(Trời người một khí gốc chung đồng,
Bởi có hình hài vướng chẳng thông;
Luyện đến xác thần hòa một thể,
Mới hay đáng vẽ cũng là không.)
Thật vậy, Thiên địa vạn vật nhất thể (Trời người một gốc), thì nếu con người có chí tự rèn luyện đến tột bực sẽ thấy được điểm chung ấy. Thực ra chẳng phải thấy mà đã thành, vì ở mức tuyệt vời ấy sắc tướng là hư không, chỉ còn lại có thần là diệu hợp trong trời đất.
Do đó Âm phù kinh viết:
Thiên tính nhân dã, nhân tâm cơ dã,
Lập thiên chi đạo, dĩ định nhân dã.
(Thiên tính là người, nhân tâm là máy,
Lập ra Đạo Trời, để định người lý tưởng.)
Vậy con người thật là con người nhất thể với Thiên tính. Đạo Trời chính là đường lối vận dụng cái máy nhân tâm để tạo ra con người lý tưởng ấy ngay trong ta.
Tương đồng và tương quan giữa thiên địa người vật.
Đạo là bản thể, nền tảng sanh ra muôn vật, còn đức là hiện thể năng lực nuôi nấng muôn vật, và Đạo vốn không có hình, kịp khi tác động, vận chuyển thành đức ắt có cái dụng.
Như vậy, Đạo nói lên bản thể của Thiên địa vạn vật thì đức phô bày mối tương quan giữa các đối tượng ấy. Mối tương quan ấy vô cùng gắn bó và đều khắp chớ không phải là sự dính líu riêng rẽ của từng nhóm. Gắn bó vì vạn vật là diệu dụng của Đạo đã bày ra. Diệu dụng này là đức, nên mới nói đức với Đạo như bóng với hình. Mà một khi dụng của Đạo đã buông ra thì thiên hình vạn trạng thể hiện. Buông ra được là có đức. Tương đồng nhau vì ẩn Đạo. Bởi thế nên nói tương quan là nói cái công dụng nối liền giữa các đặc thù. Nói tương đồng là nói cái nhất thể bên trong các đặc thù. Nhất thể ấy là Đạo. Tóm lại, Thiên địa vạn vật tương quan, tương đồng vì "Nhất thể tán vạn thù".
Vấn đề quan trọng là nắm lấy căn nguyên của vũ trụ, cái chìa khóa để tìm cho ra nguồn gốc vạn vật mà đường lối con người chung quy là phải khuôn rập theo trời đất, khuôn theo Đạo, mà Đạo thời tự nhiên. Vậy tự nhiên là thế nào?
Tự nhiên là bất đắc bất nhiễm (không vậy không được), là cái thái độ sinh thành của Đạo, giữ gìn muôn vật của đất, vì như NHK đã viết: "Trời không thể không cao, đất không thể không rộng, mặt trời mặt trăng không thể không xoay vần, muôn vật không thể không thỏa mãn sự sanh sản."
Cái "không thể" ấy chẳng phải là cái mất tự do, mà là cái vô tư, không thiên lệch, không vướng mắc. Không thiên lệch, không vướng mắc nên mới phổ biến, mới đồng nhất ở mọi nơi, mọi vật:
Đạo cao cả lan tràn tả hữu,
Cho muôn loài bám víu sống còn;
Dưỡng sinh vạn vật trần gian,
Lặng thinh chẳng có khoe khoang nửa lời.
(ĐĐK, Ch. 34)
Thế nên bắt chước đạo đức của trời đất không gì bằng giữ được tánh tự nhiên theo phương châm "kiến tố, bão phác, thiểu tư, quả dục" (đơn giản, giữ tự nhiên, ít riêng tư, giảm ham muốn).
Được tánh tự nhiên ấy là không còn phân biệt vinh nhục, lợi hại, quý tiện, thân sơ, là giải kỳ phân, là bỏ nhị nguyên, là về nhất nguyên, sống một cùng vạn sự vạn vật. Đó là trạng thái huyền đồng cùng trời đất muôn loài, là thể nhập vào cái Thiên địa vạn vật nhất thể vậy.

II. CON ĐƯỜNG PHẢN BỔN HUỜN NGUYÊN


Vạn vật có nguồn gốc chung gọi là Nhất bổn. Cái gốc chung ấy đã phóng phát ra các nguồn năng lực nuôi dưỡng vạn hữu. Do đó vạn vật hiện thực là do nhất bổn tán vạn thù.
Từ chân lý Thiên địa vạn vật nhất thể, chúng ta nhận định rằng chính trong con người phải có một trung tâm trường cữu và hoàn thiện tuyệt đối mà chung quanh nó là những gì ảo hóa và khiếm khuyết. Trung tâm ấy Lão giáo gọi là đạo tâm, là cốc thần. Vậy phản bổn hoàn nguyên là rời bỏ những gì ảo hóa mê vọng của con người để trở về với bản chất tinh toàn sáng láng. Thế nên các đạo gia chủ trương tu luyện sao cho phàm tâm thoái, chân tâm tiến.
Lão Quân nói: "Ta từ vô lượng nhờ nhìn sâu vào tâm mà tìm được Đạo." Con đường phản bổn không ở đâu xa xôi cả, mà nó ở ngay trong tâm ta, nghĩa là khởi điểm và đích điểm của con đường đều ở trong thân tâm ta. Bởi vậy phản bổn hoàn nguyên là thực hiện một cuộc tiến hóa sau cùng để con người trở nên hàng siêu đẳng sau khi đã trải qua cuộc tiến hóa từ vạn vật càng ngày càng hoàn hảo về thân xác và quan năng.
Theo Lão Trang, trước hết là từ bỏ cái lối tri thức tương đối để tự biết mình, vì "Biết người là trí thức, biết mình là sáng suốt." (ĐĐK, Ch. 23). Chỉ có cách trở về cái nguồn gốc chưa bắt đầu phân hóa ra nội ngoại mới có thể thông suốt được cả nội ngoại. Biết mình là ai, ấy là biết cái ngã tự thân, cái ngã cùng xuất hiện với trời đất như NHK quan niệm: "Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất." (Tề vật luận)
Trời đất với ta cùng xuất hiện, tạo vật với ta là một thể đồng nhất. Cái thể đồng nhất ấy tiềm tàng ở tâm thân ta khi còn là anh nhi hồn nhiên. Do đó, tự biết mình là trở về với tâm hồn nhiên tiền là tập "phục quy ư anh nhi" (ĐĐK, Ch. 28), "Phục quy ư phát" tức là trở về với tuyệt đối, không còn đối đãi nữa "phục quy ư vô cực".
Cái gốc của Thiên địa vạn vật là vô (Thiên địa vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô. – ĐĐK, Ch. 37). Vô là thể của Đạo, khi hiển dương thì tạo ra sự vật làm đối tượng cho tri thức và hành động. Cho nên hoạt động (hữu vi) là phản ứng theo hiện tượng, chỉ giải quyết được các triệu chứng giai đoạn và cái hoạt động ấy lại trở nên một triệu chứng khác làm rắc rối dây chuyền mới cho cuộc đời. ĐĐK viết: "Mình không tranh thì thiên hạ không ai cạnh tranh với mình." Lại viết: "Có làm tất có thất bại, muốn cầm giữ thì bị mất. Thánh nhân không làm nên không bại, không giữ nên không mất."
Tuy nhiên vô vi chẳng phải là không được việc, vì "Trời đất trường cữu, sở dĩ trở nên trường cữu được là vì không tự sinh nên trường cữu được mãi. Bởi thế thánh nhân để thân mình ở sau mà thành thân mình ở trước, bỏ thân mình ra ngoài mà thành ra thân mình còn mãi." (ĐĐK)
Muốn đạt được tư thái ấy, con người phải trở về với tâm hồn thuần phác (phục quy ư phác) sống trong bản thể không tập nhiễm tri thức phân biệt, không chất chứa kinh nghiệm so đo mãi. ĐĐK viết: "Cái có cái không vẫn sinh ra nhau, cái khó cái dễ vẫn thành ra nhau, cái dài cái ngắn vẫn đo với nhau, cái cao cái thấp vẫn nghiêng với nhau, cái trước cái sau vẫn theo với nhau." Ấy là vượt qua các tầng lớp ý thức bên ngoài vào tận tâm hư tĩnh bên trong (phục quy ư vô cực), từ đó có cái biết là biết Đạo Trời, từ đó có cái làm là làm vô vi (vi vô vi) mà làm nên mọi việc.
Khảo sát sự thực hiện phản bổn huờn nguyên là khảo sát các giai đoạn của cuộc tiến hóa từ ngoại cảnh vào trong nội tâm. Giai đoạn đầu tiên, hành giả phải làm chủ được xác thân, ngũ quan, đừng để cho những thú vui giác quan làm tản thần hao khí, đó là thực hiện thiên chân:
Sắc năm màu làm ta choáng mắt,
Thanh năm cung ngây ngất lỗ tai;
Năm mùi tê lưỡi nếm sai,
Ruổi rong săn bắn lòng người hóa điên.
Của hiếm có ngả nghiêng nhân đức,
Khinh giác quan giữ chặt lòng son;
Thánh nhân hiếu lẽ mất còn...
(ĐĐK, Ch. 12)
Hễ đạo mất nặng tình với đức,
Đức không còn lục tục theo nhân;
Hết nhân có nghĩa theo chân,
Nghĩa không còn nữa thay thuần lễ nghi.
Nên nghi lễ là chi khinh bạc,
Cũng là mầm loạn lạc chia ly...
(ĐĐK, Ch.38)
Theo ĐĐK, từ xưa đến nay, tôn giáo đã suy thoái qua năm giai trình: đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ... Giờ đây, muốn tiến tới Trời, tới Đạo, chúng ta cũng phải ngược lại năm giai trình ấy là: lễ, nghĩa, nhân, đức, đạo.
ĐĐK thật ra không coi trọng cái tiểu học, tiểu trí:
Dứt bỏ thánh, khinh thường tiểu trí,
Trong dân gian lợi sẽ gấp trăm...
(Ch. 29)
Rũ tục học sẽ quên lo lắng,
Dạ với ơi khác được bao lăm.
(Ch. 30)
Học nhiều càng lắm rườm rà,
Càng gần đạo cả càng ra đơn thuần.
Giản phân rồi lại giản phân,
Tần phiền rũ sạch còn thuần vô vi.
(Ch. 48)
ĐĐK viết "Vi Đạo nhật tổn" (Ch. 48). Nghĩa là nếu chúng ta đi tìm Đạo tìm Trời, chúng ta phải đi vào con đường rũ bỏ. Chúng ta phải rũ bỏ lòng tư kỷ tư dục. Chúng ta phải rũ bỏ lòng ham lợi ham danh. Chúng ta phải rũ bỏ tà tâm tà niệm. Chúng ta phải rũ bỏ tất cả những gì làm xao xuyến tâm hồn, làm mất tĩnh lặng của tâm hồn. Chúng ta phải rũ bỏ hết mọi nhân dục.
Lý Long Uyên cho rằng: Khi mà nhân dục đã hủy hết, thiên lý sẽ trở nên tuần hoàn. Khi mà tính đã yên như ngọc lưu ly, không còn vấn vương một chút chi ô nhiễm, không còn bợn một chút chi nhơ bẩn, lúc ấy bản thể sẽ hiển lộ rõ ràng, và lúc ấy Vô Cực Chân Nhân mới để lộ dung quang.
Nhìn tổng quát chúng ta thấy rằng "Con đường phản bổn huờn nguyên" vốn là một cuộc tiến hóa tự nhiên của loài người. Chiều đi ra của vạn vật cũng như của con người thật ra không đáng chê trách vì nó theo luật tự nhiên của vũ trụ. Chỉ tại con người bám víu vào nó mới đáng chê trách thôi, và quy luật sinh hóa của vũ trụ bao giờ cũng có hai chiều – một âm một dương – chiều hướng ngoại là chiều căn cốt để phục vụ nhân sinh, điểm tô cho ngoại cảnh, phụng sự xác thân, gia đình, quốc gia, xã hội. Chiều dương là chiều hướng nội nhằm phục vụ tâm linh, cốt tìm ra tinh hoa cốt cách của con người, tìm ra Đạo ra Trời tiềm ẩn trong tâm não mình. Và chặng đường sau cùng này cũng là đích điểm. Đây là giai đoạn huyền đồng sống hợp với Trời với Đạo. Lão giáo gọi thế là vô vi, là đắc nhứt, là thủ trung bão nhất, là trí hư cực, thủ tịnh đốc, là đắc đạo. Tới đây là thành Tiên, đắc đạo, thành Phật, thành Thánh. Tới đây là đạt tới Đạo, tới bản thể tuyệt đối, là trở về với Thiên tâm, với trạng thái thuần phác nguyên thủy.

III. ĐẠO PHỤNG SỰ ĐỜI

Đạo muốn phụng sự được, trước hết phải khai triển tâm đạo nơi con người.
Tâm đạo phụng sự. Đạo gia phụng sự đời trong cái tâm vô kỷ, vô công, và vô danh.
Vô kỷ. Không bao giờ vì ta, xem như không có cái thân ta. ĐĐK viết: "Ta sở dĩ có điều to lớn là vì ta có cái thân, nếu ta khôngcó cái thân thì ta có lo gì. Cho nên chỉ quý thân vì thiên hạ như gởi cho thiên hạ, chỉ yêu thân vì thiên hạ như phó thác cho thiên."
Bởi vô kỷ, vô thân nên thường vô dục. Không tham dục nên không còn chấp cái thiên kiến vụn vặt của tiểu ngã và có được tâm đạo sáng suốt, thấy được cái vi diệu của muôn vật. Đó là: "Cố thường vô dục, dĩ quan kỳ diệu" còn "Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu". Kiếu là vụn mảnh, là hữu vi, là vật chất làm chướng ngại tâm trí và nghị lực.
Bởi vậy, thánh nhân vô kỷ nên không ham muốn, không chuộng những vật hiếm có. (Thị dĩ thánh nhân dục bất dục, bất quý nan đắc chi vật.)
Đối với Đạo gia, danh là cái không có thật, không lâu bền mà còn là đầu mối của điều tai hại. ĐĐK viết: "Đạo vốn là cái mộc mạc không có tên, rồi sau mới đặt ra danh. Đã có cái danh, người ta sẽ có tri thức biện biệt để biết cái danh ấy. Có tri thức biện biệt thành ra khó trị." Như vậy cái danh là đầu mối của sự rối loạn.
"Thế nên thánh nhân đối với thân mình thì để thân mình ở sau mà thành ra thân mình ở trước, bỏ thân mình ra ngoài mà thành ra thân mình còn mãi." (ĐĐK).
Còn đối với thiên hạ thì lấy cái vô danh mà an định: "Vì sự biến hóa mà dục vọng mới lên, ta muốn trấn áp nó bằng cái mộc mạc vô danh sẽ khiến cho người ta không có dục vọng. Không có dục vọng để được yên lặng, thiên hạ sẽ tự yên định." (ĐĐK)
Vô công. Đạo gia có tâm vô công để vi vô vi và sự vô sự. Vô công nên không khoa trương hành động và không bồng bột nhắm ngay vào đại sự. Ngược lại nhắm cái gốc nhỏ bé chưa thành "sự", làm từ cái đơn giản chẳng thấy "công". Thế mà làm được việc lớn không khó gì.
ĐĐK viết: "Làm cái vô vi, phục vụ cái vô sự, lo việc từ khi khó còn dễ, làm việc lớn từ khi còn nhỏ. Việc khó trong thiên hạ tất phải làm từ khi còn nhỏ. Vì vậy thánh nhơn không làm việc lớn mà thành việc lớn."
Do đó, cái tâm vô công có tác dụng nắm giữ, giải quyết mọi việc từ khi các sự việc ấy chưa hiện thực. Ấy là "vi chi ư vị hữu, trị chi ư vị loạn". Thế nên hạt vô công mà thành công lớn, đất vô công mà thành lâu dài, gót chân vô công mà đi ngàn dặm (Hợp bão chi mộc, sinh ư hào mạt, cửu trùng chi đài khởi ư lũy thổ, thiên lý chi hành, thủy ư túc hạ.)
Đạo gia sống đạo phụng sự.
Tự nhiên. Đạo gia phụng sự đời không phải là bày vẽ thêm cho đời bất cứ điều gì cả, mà chỉ sống tự nhiên và làm theo tự nhiên: "Không chuộng người hiền cho dân khỏi sinh tranh giành. Không quý những vật khó được cho dân khỏi làm kẻ trộm. Không thấy cái gì đáng ham cho dân khỏi loạn. Dứt hẳn sự thánh, bỏ hết sự khôn, thì dân sẽ lợi gấp trăm. Dứt hẳn điều nhân, bỏ hết điều nghĩa thì dân sẽ trở nên hiếu thảo. Dứt hẳn sự khéo, bỏ hết điều lợi, thì trộm cướp sẽ không còn nữa." (ĐĐK)
Làm theo tự nhiên là kéo lại những sự mà người đời đã trót vượt qua, để giúp vào cái tự nhiên của vạn vật mà không xen vào (Phục chúng nhân chi sở quá, dĩ phụ vạn vật chi tự nhiên nhi bất cảm vi).
Theo cái luật tự nhiên ấy đến mức mình phụng sự mà không ai biết mình phụng sự nên "công thành việc xong trăm họ không ai biết tại đâu, đều bảo mình là tự nhiên" (Công thành sự toại, bách tính giai vị ngã tự nhiên.)
Đạo gia phụng sự đời theo chủ trương: "Bất tranh nhi thiện thắng, nhu nhược thắng cang cường."
ĐĐK theo chủ nghĩa vô vi nên bí quyết thủ thắng bao giờ cũng là tránh hữu vi, lấy cái thuật mềm dẻo mà vô hiệu hóa đối lực cang cường: "Người khéo làm tướng không bao giờ hung hăng, người khéo chiến đấu không bao giờ tức giận, người khéo thắng quân địch không bao giờ tranh với quân địch."
Thật vậy, hung hăng tức giận và tranh với kẻ đối nghịch, bề ngoài là những phản ứng kịch liệt, thậm chí có thể đàn áp được họ, nhưng xét cho cùng, hung hăng tức giận tức là đã thọ thương trước khi chiến đấu. Còn tranh vốn để đối trị với tranh gọi là tương tranh thì sẽ tranh mãi hết đợt này đến đợt khác chẳng bao giờ bất tranh. Cũng như thuốc đối trị chứng, hết chứng này đến chứng khác, thuốc vốn không làm cho vô bịnh được. Do đó, chỉ có bất tranh là bí quyết thắng tận gốc, không có tính cách chống đỡ mà hóa giải ngay từ khi chưa có cái mầm đối nghịch. Nên ĐĐK viết: "Mình không tranh thì thiên hạ không ai cạnh tranh với mình."
Nhưng bất tranh chẳng phải là khinh địch. ĐĐK viết: "Không có cái họa nào to bằng sự khinh địch." Và: "Khinh địch cơ hồ làm mất cái báu của ta."
Cái báu ấy là gì? "Một là nhân từ, hai là tằn tiện, ba là không dám làm trước thiên hạ. Vì nhân từ cho nên mới mạnh, vì tằn tiện cho nên mới rộng rãi, vì không dám làm trước thiên hạ cho nên mới làm trùng trướng của người và vật." (ĐĐK)
Đoạn này Thích Đức Thanh giảng: Đã lấy nhân từ đối với mọi người, thì coi người nào cũng như mình và không còn sự kình địch giữa mình với người, tự nhiên không ai thắng được mình nữa. Như thế tức là mạnh. Đã tằn tiện thì trong lòng lúc nào cũng cảm thấy có thừa, như thế tức là rộng rãi. Đã không làm trước thiên hạ thì sẽ quên hết cả người và mình, chót vót đứng riêng một nơi, thiên hạ thấy vậy sẽ phải coi mình là bậc trên nhứt trong loài người. Như thế tức là trùm tất cả nhân vật. Đó là "bất tranh nhi thiện thắng" vậy.
Còn đem nhu nhược đối với cang cường là cách khắc chế phản lực dội lại tác lực cao cường, khiến cho tác lực kia bị rơi vào khoảng không, đã bị đối phương vô hiệu hóa, chẳng cần chịu đựng chống đỡ gì cả. Ví như quả banh ném đi không dội vào tường mà mất hút qua cửa, ví như viên đạn nằm yên trong cây chuối nước nhưng lại phá nát khúc gỗ lim.
Chính ở chỗ không có kháng lực như thế, Đạo gia ví mình như nước. "Nước không cố vượt lên chỗ cao, mà làm lợi ích cho muôn vật. Nước khéo làm lợi cho muôn vật mà không có tính tranh giành, ở cái chỗ mà mọi người không thích (chỗ thấp), cho nên gần được Đạo." (ĐĐK)
Nước bao dung hết mọi sạch dơ lành dữ nên có vạn năng. ĐĐK viết: "Trong thiên hạ không có cái gì nhu nhược như nước, nhưng dùng để công phá những vật rắn mạnh thì không có gì thắng được nó và không có gì thay được nó. Thánh nhân có nói: Chịu được một sự nhơ nhuốc của một nước thì làm chủ xã tắc, chịu được điều không lành của cả nước thì làm vua thiên hạ." Đó là nhu nhược thắng cang cường vậy.
Tóm lại, tâm đạo là lấy đạo pháp quy chiếu vào con người để làm nổi bật lên các bản sắc của chơn tâm rồi dụng nó làm phương châm hành động, phương châm sống đạo.
Sống đạo là đem bản sắc của chân tâm quy chiếu vào nhân sinh thế sự ứng biến với cuộc đời để đem cuộc sống nhân loại trở vào từ trường đạo đức. Thật ra, đạo phụng sự đời là đem đời vào đạo, chớ không phải đem đạo vào đời. Sứ mạng đạo pháp là vận dụng khả năng tâm linh để tác động vào tâm linh tha nhân và do đó phục vụ tha nhân. Tóm lại, đạo pháp là cái dụng của đạo điều hòa vũ trụ và nhân sinh. Đó là cái trình tự: "Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên" của Lão giáo vậy.

IV. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Vạn vật được sinh ra, phát triển và thành toàn trong trời đất vũ trụ là do một sức hóa dục hanh thông mãi mãi gọi là đức sinh. Thế thì sự sống thật không phải là sự an trụ. An trụ thì không có đức.
Sự sống thật không đứng dừng được nên không riêng tây. Mỗi phần tử hiện hữu thành vạn hữu vạn tượng, còn sự sống chỉ là một "Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất".
Sự sống thật vượt ra hiện hữu để trường cữu, vượt ra cá thể để hòa hợp. Sự sống thật không "chấp đoạn" cũng không "chấp thường", chân tướng của mọi hiện tượng là bất sinh bất diệt, không thường cũng không đoạn, không sanh tử, không Niết Bàn.
Vậy nhân sinh có cứu cánh vĩnh cữu. Cứu cánh ấy không phải ở xa tít chín từng mây hay diệu vợi bên kia bờ biển rộng mà từng giây từng phút sự sống thật đã nằm trong cứu cánh. Thế nên nhân sinh vốn nằm sẵn trong thực tại, có chân tướng bất diệt trong cái thực của Niết Bàn.
Bởi thế, con người phải hiểu rõ địa vị của mình. Con người ra đời không phải để mưu sinh mà để thực hiện sứ mạng. Mưu sinh là phương tiện, phụng sự là mục đích. Nếu ôm chầm lấy phương tiện làm sự sống là lấy giả làm thật thì cuộc đời bị quay cuồng theo mọi biến thiên, chợt khóc chợt cười, oán than không dứt.
Theo ĐĐK, ở đời thân hình là một cái không đáng quý nhất, vì nó thường là mối lo cho con người ta. Đáng quý nhất là lúc người ta đem thân ra phụng sự cho thiên hạ. "Ngô sở dĩ đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Cận ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn? Cố quý dĩ thân vị thiên hạ, nhược khả ký thiên hạ, ái dĩ thân vị thiên hạ, nhược khả thác thiên hạ." (ĐĐK)
Đã biết nhân sinh là thế, đã rõ nhân vị là thế, tất có một nhân tâm giải thoát. Hễ có một nhân tâm giải thoát thì nắm được đầu mối giải thoát cho tất cả các biến trạng khác.
Tâm giải thoát là minh. Đối với Lão giáo, cái minh ấy có được khi ta tự quán chiếu về mình, rời bỏ sự cầu biết tha nhân một khi chưa biết mình, chối từ vật dục. Nhờ đó mà đem vạn vật trở về với đạo tự nhiên.
"Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thị dĩ thánh nhân dục bất dục, bất quý nan đắc chi vật, học bất học, phụng chúng nhân chi sở quá, dĩ phụ vạn vật chi tự nhiên nhi bất cảm vi." (ĐĐK). Đó cũng là giải thoát.
Con người đã giác ngộ là được giải thoát ra ngoài trường ảo hóa, lại tiến đến mức minh triết là đã thông suốt mọi thực tại, nhưng phải đắc nhất (được một) mới gọi là giải thoát hoàn toàn.
Người được một là bản thể của mình đã hòa hợp được với bản thể của vũ trụ. Mọi tư tưởng việc làm của mình tựu trung đều theo một nguyên lý, mọi hiện tượng đối với mình đều chỉ có một căn cơ. Do đó người được một thì không còn gì giới hạn được nữa. "Nhơn đắc nhất vi đại." Địa vị ấy chính là căn nguyên của muôn vật, bất biến, trường cữu, hóa sinh, chí thiện, chí mỹ.
ĐĐK, Ch. 68, viết: "Phối thiên, kết hợp với Trời, là cực điểm của người xưa." Do đó, chủ trương của Đạo gia xưa nay là trở nên một với Trời. Sự tu luyện nhằm quy căn phản bổn là giải thoát khỏi cuộc sống ngoại vi biến thiên sinh diệt để trở về với trung tâm hằng hữu là Thái Cực, là Nhất.
Thái Cực hay Nhất trong vũ trụ là Trời. Thái Cực hay Nhất trong con người là Tính, là Thiên Tâm, là Thiên Chân. Cả hai đều ở ngôi trung. Nơi đó là chính vị giải thoát con người trở nên đẹp đẽ, sự nghiệp trở nên vẻ vang.
Muốn đắc nhất phải nghịch hành. Đi theo chiều thuận của Tạo Hóa tức sinh người sinh vật, làm vòng sinh bệnh lão tử, luân hồi không dứt. Đi theo chiều nghịch của Tạo Hóa sẽ thành Tiên thành Phật, bất sinh bất diệt cùng trời đất.
Đi theo chiều thuận, trong thì bị thất tình lục dục làm muội mê, ngoài thì bị trăm điều nghìn việc quấy đảo tâm thần, lấy giả làm chơn, lấy tà làm chánh, lấy khổ làm vui, cứ bị lôi cuốn theo dục vọng của mình mãi mãi cho đến tiêu hao tinh thần.
Người đại trí đại huệ đi theo chiều nghịch sẽ thoát vòng kềm toả của các định luật Tạo Hóa, sẽ không còn bị âm dương nung nấu, không còn bị vạn vật cuốn lôi, vạn duyên biến dịch, dùng đời để tu đạo, lấy nhân đạo để chu toàn thiên đạo. Nghịch đó là trở về với tuyệt đối thể y như một kẻ bỏ nhà ra đi thật xa xôi, nay trở lại nhà, và Đạo gia gọi là "phản ư thái phác, hoàn ư thái sơ".
ĐĐK, Ch.16, viết:
Vạn vật cùng được xuất sinh,
Nhìn qua ta thấy đăng trình về nguyên.
Vạn vật sinh hóa triền miên,
Để rồi mỗi mỗi quày lên một nguồn.
Đó là hồi phục mệnh thường,
Ngàn năm bất biến vĩnh tồn một ngôi.

V. THIÊN ĐÀNG HAY NIẾT BÀN

ĐĐK viết: "Thường đức không xuyến xao, lại trở về Vô Cực." (Ch. 28)
NHK viết: "Thái sơ hữu vô, vô hữu, vô danh." (Thiên địa)
Các đạo gia tu luyện là để thần huờn hư. Luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư.
Vật hữu hình nên hữu hoại, duy thái hư không biến thiên, chuyển động, nên mới là chí thực. Hư là chí thiện. Hư là thủy tổ vạn hữu. Trời đất đều từ hư phát xuất ra.
Hư không hàm tàng hết sắc tướng vạn vật bao gồm nhựt nguyệt tinh cầu, sông núi, đất đai, suối nguồn, khe lạch, v.v... Cho nên cái không của Niết Bàn là cái không mà viên mãn tròn đầy. Do đó: "Vạn vật sinh từ hữu, hữu sinh từ vô." (ĐĐK, Ch. 2)
Như thế, Niết Bàn phải được hình dung bằng một vòng Vô Cực hay đúng hơn Niết Bàn tuyệt đối chính là Vô Cực, với bản chất hư vô và viên mãn.
Vạn vật bắt đầu từ không. Thái Cực là không. Không sinh ra nhất. Nhất sinh ra vạn. Vạn trở về nhất. Nhất trở về không. Từ Vô Cực mà suy luận tới vạn vật tức là suy luận ra đầu đuôi của trời đất. Từ vạn tượng suy ngược về Vô Cực tức là đầu đuôi của Thánh Thần.
Máy Trời đã chuyển ra cho vạn vật sinh thì cũng chuyển vào cho vạn vật thành. Các tôn giáo xưa nay được thành lập và phổ truyền là để hướng dẫn con người tự thăng hoa nương theo lẽ mầu nhiệm của đất trời mà các giáo chủ đã thông suốt qua thần nhãn của mình.
Chiều tiến thủ của chúng ta nhằm đích điểm rất phi thường siêu việt nhưng phương tiện và cách thức vốn sẵn kề bên. Những cái trước mắt ta, quanh ta và chính trong ta đang ẩn tàng thiên lý.
Đức Lão Tử chứng đắc được thiên lý ấy nên ĐĐK chỉ viết 12 chữ mà thấu đáo được đạo lý muôn đời: "Nhơn pháp địa. Địa pháp thiên. Thiên pháp Đạo. Đạo pháp tự nhiên."
Nhưng nếu tóm gọn nữa thì có thể nói pháp môn của Ngài chỉ có một chữ tự nhiên. Đem đạo tự nhiên áp dụng vào việc tiếp nhân xử thế. ĐĐK viết:
Làm sao đem hết xác hồn.,
Hòa mình với đạo chẳng còn lìa xa;
Làm sao giữ vẹn tinh ba,
Sống đời thanh thản như là anh nhi.
Muốn đạt được lẽ tự nhiên ấy, nguyên tắc chính của Đạo gia bao giờ cũng là: "Theo đạo càng ngày càng bớt, bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi." (ĐĐK, Ch. 48)
Cho nên đối với cuộc đời nhiều tần phiền, thì hằng ngày ta giảm trừ đi mọi sự nghe thấy, mọi sự thị phi. Miệng thì "hi ngôn tự nhiên" (ít nói để cho mọi sự tự nhiên), tai mắt thì "bế kỳ môn" (ĐĐK, ch. 52) để cho trọn đời không phải lao nhọc tấm thân (chung thân bất cần). Đó là:
Âm thầm ấp ủ tấc son,
Một đời trần cấu chẳng mòn mỏi hơi.
Mặc ai đày đọa hình hài,
Một đời tất tưởi phí hoài tấm thân.
Còn đối với bản thân, hằng ngày ta cũng phải giảm trừ tánh riêng tây lợi hại, lòng tham dục thấp hèn, tức là "thiểu tư quả dục" (ĐĐK, Ch.19) cả đến cái học phù phiếm trục vật làm nặng nề trí óc bởi sự so đo câu nệ cũng cần phải bỏ đi "tuyệt học vô ưu" (ĐĐK, Ch. 30). Đó là "Tốn chi hữu tốn" để đi lần đến mức vô vi được giải thoát hoàn toàn lã chỗ "trí hư cực, thủ tịnh đốc" (ĐĐK, Ch.16). Đạt đến chỗ cùng cực của hư không tức là đã nhập thế vào cái tịnh. Phải chăng tịnh ấy chính là Niết Bàn cao tột? ĐĐK đáp ngay rằng:
"Vạn vật cùng đều sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi! Mọi vật trùng trùng, đều trở về cội rễ của nó. Trở về cội rễ, gọi là tịnh. Ấy gọi là phục mạng. Phục mạng gọi là thường." (ĐĐK, Ch.16)
Như vậy, con đường tiến hóa của vạn vật rồi ra sẽ trở về cội rễ khởi nguyên của nó là tịnh và thường. Thì con người khi qua cuộc giảm trừ mọi tần phiền tham dục mãi cho đến khi hư cực tất phục mệnh nhập Niết Bàn vậy. ĐĐK mô tả bản thể tuyệt đối, Thượng Đế hữu ngã như sau: "Thấp thoáng mập mờ, trong đó có hình. Mập mờ thấp thoáng, trong đó có vật. Sâu xa tăm tối, trong đó có tinh (thần). Tinh (thần) đó tất thực, trong đó có tín. Từ xưa đến nay, tên đó không mất. Gốc của vạn vật, ta làm sao biết được trạng thái của nó? Nhờ đó vậy." (ĐĐK, Ch. 21) Hoặc: "Có vật hỗn độn mà nên, sinh trước trời đất, yên lặng trống không, đứng riêng mà không đổi, đi khắp mà không mỏi, có thể là mẹ thiên hạ." (ĐĐK, Ch. 25)
Người tu hành sống theo thiên tính để cảm ứng với tâm vũ trụ, mà thoát hóa dần dần đến chỗ huyền đồng trong cõi tịch liêu thấp thoáng ấy, tức là đạt được Niết Bàn tại tâm. Cho nên tâm Niết Bàn là tâm hư vô và huyền đồng. Từ tâm đó phát khởi tình thương vô cực, nảy sanh lòng yêu mến, chăm sóc, dưỡng dục tất cả mọi người, vong kỷ vị tha, sống trong cái sống tương ái tương sanh với mọi người. Vì Trời sanh con người là đã trao cho cái tính ấy để con người thực hiện đức hiếu sinh của Ngài, và trạng thái Niết Bàn xuất hiện ngay khi tâm hòa hợp cùng Tạo Hóa.

VI. CON NGƯỜI


Đặt vấn đề nghiên cứu con người qua dòng tư tưởng của Trang Tử, Lão Tử, chúng ta có thể tìm ra ở đó vấn đề con người trong sự hạn hẹp, chịu vũ trụ chi phối, mà cũng có thể tìm thấy ở đó một con người siêu việt vượt lên thiện ác, vượt lên thế sự, một con người bất khả xâm phạm.
Nhân loại của thế kỷ 20 và nhất là ở cuối thế kỷ này là nhân loại của kỷ nguyên văn minh vật chất cao tột. Loài người đã khám phá được các phương thức cấu tạo vật chất và các quy luật vận dụng vật chất phục vụ cho con người. Con người đã tự giải thoát khỏi sự khống chế của thiên nhiên. Con người đã chiến thắng, nhưng mỉa mai thay! Con người chưa khỏi bị đọa đày đến nỗi ngày nay trên thế giới không ngớt những tiếng kêu cứu về cuộc khủng hoảng của chính các thời đại văn minh tột bực này.
Và nỗi ưu tư của triết gia Martin Heidegger như sau: "Không một thời đại nào chúng ta thu thập nhiều loại tri thức khác nhau như là thời đại chúng ta đang sống. Không có thời nào như thời này lại trình bày sự hiểu biết về con người rõ ràng hơn và dễ hiểu hơn. Không có thời nào lại truyền đạt sự hiểu biết mau chóng dễ dàng hơn, nhưng cũng không một thời đại nào con người lại ít hiểu biết về con người hơn thời đại này. Không có thời kỳ nào con người lại xuất hiện đầy bí ẩn đến thế." (Kant et le problème de la métaphysique)
Quả thực, câu nói là một nhận định chân thành về sự mâu thuẫn lạ kỳ của thực trạng tri thức loài người. Con người của thời đại văn minh tột bực này lại càng ngày càng trở nên mù tịt về chính mình.
Trên con đường tìm về nhân bản, những chướng ngại là tri thức phân biệt, là bản ngã đưa đến hậu quả con người mù quáng vong thân. Thì Lão Trang giữ tâm chuyên nhứt mà uyển chuyển với mọi người, bỏ quên bản ngã, giữ lòng tự nhiên mà huyền đồng cùng vạn hữu.
Như thế, bản ngã tạo thành nhân tâm ly tán khiến cho đời người mờ mịt không định hướng, và cuộc nhân sinh xao động không ngừng. Để đối trị thảm trạng này, ĐĐK dạy: "Lấy lòng của trăm họ làm lòng mình. Với kẻ lành thì lấy lành mà ở, với kẻ chẳng lành cũng lấy lành mà ở, nên được lành vậy. Với kẻ thành tín thì lấy thành tín mà ở, với kẻ không thành tín thì cũng lấy thành tín mà ở, nên được thành tín vậy. Thánh nhơn lo cho thiên hạ, mà không để lộ lòng ra (là thiên vị ai)." (ĐĐK, Ch. 49)
Như thế, con người minh triết giữ vững một tâm chí thiện, chí tín đối đãi với mọi người thì hết thảy mọi người sẽ trở nên thiện tín cùng với mình vậy.
NHK cũng chủ trương vượt lên trên cái tâm phân biệt để hiểu biết sự vật: "Thánh nhân không căn cứ vào phải quấy mà căn cứ vào khiếu hiểu biết tự nhiên của mình để hiểu mọi vật." (Tề vật luận)
Được như thế, chẳng những người không còn chia cách với người mà còn hòa đồng cùng vạn vật và trời đất nữa. Nên Nam Quách Tử Kỳ bảo Nhan Thành Tử Du với một giọng siêu thoát rằng: "Ta nay đã mất bản ngã rồi, người có biết chăng? Ngươi chỉ nghe tiếng sáo của người mà không nghe tiếng sáo của đất, người chỉ nghe tiếng sáo của đất mà chưa nghe tiếng sáo của Trời." (Tề vật luận)
Con người chính danh của Lão Trang là con người tự nhiên. Con người tự nhiên không chuộng tri thức biện biệt nên dễ hòa đồng, không ham quy ước giáo điều nên tự do độc lập, không tham vọng nên được yên vui.
Hai chữ tự nhiên có vẻ thuần phác, đơn sơ mộc mạc, nhưng Lão Trang cho đó là những đức tính cần thiết để con người trở nên to lớn bằng trời đất và được hạnh phúc vô cùng. Bởi vì tính tự nhiên là tính của Đạo. Trở nên tự nhiên tưởng chừng như thô lậu tối tăm, nhưng thật ra là để cho những gì mà Suzuki gọi là "tinh lực cố hữu tiềm tàng" bắt đầu triển chuyển bên trong khiến cho con người cảm thấy sung mãn vô cùng như nằm trong lòng "mẹ của muôn loài":
Người đời sáng chói, riêng ta mịt mờ,
Người đời phân biện, riêng ta hỗn độn.
"Điềm tĩnh dường tối tăm. Vùn vụt dường không lặng. Người đời đều có chỗ dùng, riêng ta ngu dốt thô lậu. Ta riêng khác người đời. Ta quý mẹ muôn loài." (ĐĐK, Ch. 20)
Cho nên người tự nhiên sống ở đời, hành tàng của họ không tạo ra một cái gì cố định, không hiểu biết cái gì theo câu chấp, không toan tính cái gì vững bền.
NHK viết: "Lấy vô vi làm danh vọng chánh của mình, làm mưu vọng chánh của mình, làm việc làm chánh của mình, làm sự hiểu biết chánh của mình. Vô vi dùng mãi không cùng, còn cách sinh hoạt của nó thì không để dấu vết gì cả. Nhận tất cả những gì đã thu ở Trời mà không giữ lại cái gì cho mình tất cả, cũng vì nó là hư không mà thôi.
"Bậc chí nhơn dùng cái tâm mình như tấm gương, không đi theo, không từ bỏ, mà không chấp chứa, vì vậy hay thấy được mọi vật mà không làm hại nó." (Ứng đế vương)
Đó là con người hiện sinh giữa xã hội như bao nhiêu người khác, nhưng người ấy đã vứt bỏ tình thức đa tạp nhỏ nhen, nên cõi lòng đã bao la, hành vi trở nên điềm đạm.
NHK viết: "Thánh nhơn có cái hình của người mà không có cái tình của người. Có cái hình của người nên mới cùng một đàn với người. Không có tình của người nên thị phi mới không được lòng. Cùng một đàn với người là việc nhỏ, mà riêng cùng làm một với Trời là việc lớn vậy." (Đức sung phù)
Tóm lại, con người của Lão Trang cốt cách thì tự nhiên, tâm hồn điềm đạm, hành vi thì thuận hòa. Đó là đức tính của con người chính danh ở giữa cuộc diện nhân sinh, tinh thần và tâm trung là một mới bảo tồn được thiên tánh, phát huy được thiên lý mà an định được nhân tâm.

VII. TỰ GIẢI THOÁT HAY NHỜ CỨU RỖI? TỰ LỰC HAY THA LỰC?

Tiêu đề là một câu hỏi, nhưng cũng xác định sự hiện hữu của ta (tự giải thoát) và cũng đã xác định có một siêu việt thể không phải ta (nhờ cứu rỗi).
Có ta hay không có ta là một cuộc đánh giá rất quan trọng về con người mà xưa nay các tôn giáo đã phải nhận lấy trách nhiệm xác minh một khi nêu lên tôn chỉ giải thoát hay cứu rỗi con người.
Con người đang có mặt đây sẽ thành toàn được gì cho chính mình và đóng góp được gì cho vũ trụ?
Các tôn giáo đã xác minh chính vì giá trị lớn lao của con người mà con người cần giải thoát. Cho nên giải thoát là giải thoát con người ra khỏi con người nhỏ hẹp, nhưng lại đặt con người vào môi trường sống bình thường của nó, nghĩa là các tôn giáo không thể phủ nhận nó, nếu nó hiện hữu gắn liền với cứu cánh của vũ trụ.
ĐĐK viết: "Theo đạo càng ngày càng bớt, bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi." (Ch. 48) Nhưng vô vi không phải là chết mất, mà là tịnh. Tịnh là sống trở lại trong sinh mạng thực của mình. Ấy mới thực là cái sống đúng nghĩa. ĐĐK gọi là thường:
"Phù vật vân vân, các quy kỳ căn. Quy căn viết tịnh. Thị vị viết phục mạng. Phục mạng viết thường." (ĐĐK, Ch.16)
Cho nên con người phải triệt tiêu những gì để vô công, vô kỷ, vô danh, nhưng con ngưởi vẫn tồn tại trong ứng dụng rất lớn lao của đời mình cho thiên hạ. "Chỉ quý đem thân vì thiên hạ nên có thể gửi gắm được cả thiên hạ, chỉ yêu đem thân vì thiên hạ nên có thể phó thác được cả thiên hạ." (ĐĐK, Ch.13)
Đạo gia không vì cái đạo lớn mà xem con người là nhỏ bé (Đạo đại, thiên đại, địa đại, vương diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi vương cư kỳ nhất yên. – ĐĐK, Ch. 25). Ngược lại, không vì yêu mình mà cho là mình quý hơn cả, không vì biết mình mà cho là mình đáng hơn cả (Tự tri bất tự kiến, tự ái bất tự quý. – ĐĐK, Ch. 72). Như thế, con người mới có tư cách hiện hữu hiện sinh trong đạo thường của trời đất.
Vậy đường lối giải thoát của đạo Lão đặt trọng tâm ở chỗ tự tri và tri thường. "Tự tri giả minh" (ĐĐK, Ch. 33) và "Tri thường viết minh" (Ch.16). Tự tri có thể giải thích theo triết gia K. Jaspers là một thể của "hữu tự tại" vượt lên trên "hữu thường nghiêm". Còn "tri thường" là "hữu hiện sinh" nối kết được với mạch sống của siêu việt thể mà ĐĐK gọi là Đạo.
"Biết đạo thường thì bao dung. Bao dung thì công bình. Công bình thì bao khắp. Bao khắp là Trời. Trời là Đạo. Đạo thì lâu dài. Suốt đời không nguy." (ĐĐK, Ch.16). Đó là quan niệm tự giải thoát của đạo Lão vậy.
Dầu quan điểm tự lực giải thoát của mỗi tôn giáo có khác nhau, nhưng các phương cách ấy đều đặt trên một nguyên lý đồng nhất tuyệt đối là khai sáng và tận dụng điểm thiêng liêng hằng hữu của mỗi cá thể con người, cho nên một khi sức mạnh của điểm thiêng liêng ấy phát hoạt rộng rãi, tác động sâu xa thì ta thấy nó bắt đầu giao tiếp với năng lực của siêu việt thể, mà theo Lão giáo - đó là Đạo.
ĐĐK diễn giải cái đức của Đạo như sau: "Đạo lớn tràn lấp. Bên phải bên trái. Vạn vật nhờ nó mà sanh ra. Không vật nào bị nó khước từ. Xong việc rồi không để tên. Che chở nuôi nấng muôn loài mà không làm chủ. Thường không ham muốn nên có thể gọi tên là nhỏ. Được muôn vật theo về mà không làm chủ nên có thể gọi là lớn." (Ch. 34)
Đó là những đức tính của Đạo. Muốn diễn tả cái lực của Đạo thì trong Đạo học chỉ dùng chữ thần, chữ khí là đắc cách nhứt. Tử Huỳnh Tổ diễn tả cuộc diêu hợp giữa tự lực của người và tha lực của Đạo mà Ngài đã hữu ngã hóa thành Thiên:
Thiên nhơn nhất khí bản lai đồng,
Vị hữu hình hài ngại bất thông;
Luyện đạo hình thần diệu hợp xứ,
Phương tri sắc tướng tức hư không.
THTĐ, tr. 47
(Trời người một khí gốc chung đồng,
Mới có hình hài vướng chẳng thông;
Luyện đến xác thần hòa một thể,
Mới hay dáng v ẻ cũng là không.)
Nhưng sách Thái Thượng bảo phiệt mô tả cái dụng của Đạo một cách xác quyết: "Tâm tức thị Đạo. Đạo tức thị tâm. Tâm dữ đạo ly, tắc nhập lục đạo tam đồ. Tâm dữ đạo hợp, tắc Đạo Bồng Lai tam đảo." (Lão học, Ch. I, Bs. Nguyễn Văn Thọ)
Tóm lại, cảm cùng trời đất, hòa đồng cùng trời đất và phối kết với Trời là những trạng thái của người đã tiếp nhận được tha lực siêu việt của vũ trụ vậy. Đó là thể nhập vào chơn như, chứng được trạng thái Niết Bàn vậy.

03-4 Kỷ Mùi (28-4-1979)
Ngọc Kiều

Nên Người chẳng phải dễ gì đâu,
Nên Phật Thánh Tiên lại khó cầu,
Biết sửa một ly là đắc quả,
Con ôi Diêu Điện Mẹ đang sầu.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Thiên Lý Đàn, 01-02 Mậu Thân, 27-01-1968

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây