Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Cửu Nương Cao Thọai Kiết / Đạt Truyền & Đạt Linh

    Trong một kiếp giáng sanh xuống trần gần đây nhứt tại Bạc Liêu, Cửu Nương có tên là CAO THOẠI ...


  • Mục tiêu tu luyện của Đạo giáo là trường sinh bất tử, là thành tiên 仙 hay chân nhân 真人, ...


  • Ngài Cao Quỳnh Cư tự là Bội Ngọc, sinh năm Mậu Tý 1888 tại làng Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh ...


  • Trong môn họa truyền thống của Trung Quốc (thường được gọi là Quốc Họa) ta thường bắt gặp những chủ ...


  • Trong Tờ khai Đạo ghi ngày 07-10-1926 (nguyên văn bằng tiếng Pháp), được tiền bối Lê Văn Trung gửi cho ...


  • Lễ hội cúng đình Đình Nam bộ / Theo TRẦN PHỎNG DIỀU-TTO- 19-8-07

     [Ảnh: Miếu Thần Nông tại đình Bình Thủy] Trong quá trình Nam tiến, cư dân từ miền ngoài vào khai khẩn ...


  • Hoàng cực / Huệ Nhẫn

    Trong nhiều Kinh sách Nho Giáo, từ Hoàng Cực đã được trân trọng nhắc đến. Hoàng Cực được xem như ...


  • Ý NGHĨA CÂU KHUYẾT BÁC NHÃ PHÁ VÔ MINH HUỜN NGUYÊN TÁNH MẠNG TAM TÔNG KHAI CHÁNH PHÁP BẢO HỢP THÁI HÒA DÀN ...


  • Trướt hết, cần tìm hiểu hai chữ "đồng hành". Theo nghĩa hẹp, đồng hành là "cùng đi", nhưng cùng đi trong ...


  • THỜI KỲ MẠT PHÁP / Thư viện Hoa sen

    Thời kỳ mạt pháp là thời kỳ được bắt đầu từ sau khi đức Phật nhập niết bàn 1500 năm, ...


  • ĐẤNG TỪ BI QUAN THẾ ÂM / Giáo sĩ Kim Dung

    Nơi cõi thế gian này từ xưa cho đến nay danh xưng “QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT” đã ăn sâu ...


  • SƠ LƯỢC về HUYỀN BÚT CƠ trong ĐĐTKPĐ. Tý thời 14 rạng 15 tháng 3 Mậu Thân 1968, một buổi đàn ...


02/01/2017
CƠ QUAN PTGL ĐẠI ĐẠO

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 03/01/2017

CHƯƠNG TRÌNH HỌC TẬP THÁNH GIÁO CƠ QUAN PTGLĐẠI ĐẠO


Học tập Thánh giáo – Tháng 01 năm Đinh Dậu 2017
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 30 tháng Chạp Canh Thân (04-02-1981)


NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ KIM VIẾT CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT. Thầy các con. Thầy đến giờ này để ban ơn cho các con và chư Phật Tiên, Thánh Thần sẽ bố điển lành trong giờ giao thừa để giúp thần lực cho các con chí thành tâm đạo được trọn hành đạo sự trong niên trình mới.

Hỡi các con! Chỉ có bao nhiêu con cái đang quỳ trước đàn mà tâm các con chưa đồng nhứt thì bảo sao thế sự chẳng biến thiên. Nhưng điều mà Thầy vui mừng hơn cả là ở lòng các con có một chí thành trung kiên sự đạo, nên dầu có chênh lệch vị ngã đôi chút cũng có thể thọ nhận được hồng ân của Thầy để các con hòa hợp cùng nhau để cùng nhau bước đại thừa hầu thực hành sứ mạng Thiên đạo. Thầy miễn lễ, các con đồng an tọa.
Mùa xuân này, Thầy muốn các con sống trong quyền pháp đạo. Thầy đã dạy từ năm Giáp Dần và chư Tiên Tiền Khai Đại Đạo đã kêu gọi hòa hợp các con để chuẩn bị trước những sự thay đổi của máy Tạo cuộc đời.
Bảy năm trôi qua rồi, hiệu năng vẫn còn trong giai đoạn kế tiếp. Các con hãy học lại từ năm. Một cuộc thi học kỳ của Thiên ân sứ mạng. Thầy sẵn dành hồng ân cho những con lỡ lầm lỗi biết hối quay về với sứ mạng. Dầu ở nơi đâu cũng thế.
Này các con! Xuân Tân Dậu Thầy hỏi thử các con một câu: Thầy sanh cái gì trước nhứt trong sự sanh hóa vạn hữu? Các con đáp đúng Thầy sẽ thưởng. Các con hãy bạch đại ngôn. Con lớn bạch trước.

(…) [Huệ Chơn: Thiên nhứt sanh thủy, địa lục thành chi. Trong sứ mạng Cơ Quan phải noi theo tánh đạo là nước. Thánh nhơn lấy nước làm đề. Nước làm sạch cho đời, thắm đượm tình thương. Nước tuy mềm nhưng...]

Các con giỏi lắm. Con quên rồi sao? Thiên nhứt sanh thủy. Như vậy Thầy dùng cái nguyên sơ này để ban ơn cho các con. Huệ Chơn, con hãy đem bình bạch thủy nơi Thiên bàn đến đây cho Thầy. Con hãy đem để lại nơi Thiên bàn. Đến khi xả đàn, chia cho tất cả các con từ lớn đến nhỏ. Tất cả các con hãy thiền định trong năm phút.
Các con nghe Thầy dạy.
THI
Nguồn nước thiên lương tự buổi đầu,
Trong xanh mát mẻ tỏa đâu đâu,
Hiệp hòa thú vị cùng xuân khí,
Sanh hóa vô biên phép nhiệm mầu.
Thầy dạy bao nhiêu lời hôm nay với hồng ân của Thầy cũng đủ để các con vui hưởng một mùa xuân bất tận để hành đạo trong một năm dài sắp tới. Chỉ e rằng các con quên lời Thầy dạy bảo nên dễ dàng bị chư ma lôi kéo vào nẻo đọa đó thôi.
Thầy ban ơn lành cho tất cả các con hiện diện hôm nay cũng như các con không được may duyên. Thầy hồi cung. Thăng.
(Còn tiếp đàn tái cầu, xin xem trang tiếp theo)

_________________________

Thiên nhứt (nhất) sanh thủy, địa lục thành chi 天 一 生 水. 地 六 成 之. Dịch Truyện chép: “Thiên nhất, địa nhị. Thiên tam, địa tứ. Thiên ngũ, địa lục. Thiên thất, địa bát. Thiên cửu, địa thập.” 天 一, 地 二. 天 三, 地 四. 天 五, 地 六. 天 七, 地 八. 天 九, 地 十. (Trời một, đất hai; trời ba, đất bốn; trời năm, đất sáu; trời bảy, đất tám; trời chín, đất mười.)
Ở đây nói về các số trong Hà Đồ. Tất cả có 10 số, gồm 5 số Dương hay số trời (1, 3, 5, 7, 9) và 5 số Âm hay số đất (2, 4, 6, 8, 10). Các số trời và số đất ứng với ngũ hành như sau:
Thiên nhất sinh thủy 天一生水, địa lục thành chi 地六成之 (Trời là 1, sinh thủy; thì đất là 6 hình thành.)
Địa nhị sinh hỏa 地二生火, thiên thất thành chi 天七成之 (Đất là 2, sinh hỏa; thì trời là 7 hình thành.)
Thiên tam sinh mộc 天三生木, địa bát thành chi 地八成之 (Trời là 3, sinh mộc; thì đất là 8 hình thành.)
Địa tứ sinh kim 地四生金, thiên cửu thành chi 天九成之 (Đất là 4, sinh kim; thì trời là 9 hình thành.)
Thiên ngũ sinh thổ 天五生土, địa thập thành chi 地十成之 (Trời là 5, sinh thổ; thì đất là 10 hình thành.)
Trong Hà Đồ, số trời đánh dấu là điểm trắng, số đất đánh dấu là điểm đen. Quy ước trong các hình vẽ (và bản đồ) cổ xưa của Trung Quốc là hướng bắc ở dưới và hướng nam ở trên. Do đó: Nhất lục tại bắc 一六在北 (1 và 6 ở hướng bắc). Nhị thất cư nam 二七居南 (2 và 7 ở hướng nam). Tam bát cư đông 三八居東 (3 và 8 ở hướng đông). Tứ cửu cư tây 四九居西 (4 và 9 ở hướng tây). Ngũ thập tại trung 五十在中 (5 và 10 ở giữa).

Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo. Cư thiện địa, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trị, sự thiện năng, động thiện thời. Phù duy bất tranh, cố vô vưu. (Đạo Đức Kinh, chương 8) 上善若水. 水善利萬物而不爭, 居眾人之所惡, 故几于道. 居善地, 心善淵, 與善仁, 言善信, 政善治, 事善能, 動善時. 夫唯不爭, 故無尤. (Sự trọn lành giống như nước. Nước khéo làm lợi vạn vật mà không tranh với ai, ở chỗ chẳng ai ưa, nên gần Đạo. Ở thì lựa nơi chốn; tâm hồn thì thâm trầm sâu sắc; giao tiếp với người thì nhân ái; nói năng thì thành tín; lâm chính thì cai trị an bình; làm việc thì có năng lực; hoạt động thì hợp thời. Chính vì không tranh, nên không lỗi lầm.)


Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-01 Tân Dậu (19-02-1981)
GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO THÁI BẠCH KIM TINH.

Chào chư Thiên ân, chư hiền đệ, hiền muội.
Ngày Thiên quan tứ phước, chư đệ muội thiết lễ kỷ niệm thành lập Văn phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, cũng là ngày đệ nạp phúc trình đệ tứ tam cá nguyệt chung niên hành đạo của Cơ Quan, Bần Đạo đến để chia sớt những nỗi ưu tư của người Thiên ân sứ mạng đã vì tiền đồ Đại Đạo mà gắn bó từ mười mấy năm qua, và cũng khích lệ chư hiền đệ muội đã trọn tâm hành đạo. Trên có Thầy, dưới có bạn, cùng nhau chia sớt những nỗi buồn vui mà Bần Đạo cũng là một trong những người bạn đồng cộng sự vô vi của Đức Chí Tôn với các hàng Tiền khai Đại Đạo. Tất cả đều cùng một chí hướng phụng sự. Đức Chí Tôn đã ban trao sứ mạng trọng đại thì chư hiền đệ muội cùng Bần Đạo phải thực hiện được hoàn thành. Có như vậy, chư hiền còn lo gì phải bị trở ngại không đạt đến chỗ viên thông. (...)
THI BÀI
Huyền linh điển hàng hàng ngọc rót,
Giọng vô trần thánh thót châu rơi,
Thiên không bóng nguyệt rạng ngời,
Tinh quân lấp lánh khung trời mạnh xuân.
Kỳ đại xá Thiên ân trải khắp,
Ban pháp quyền tái lập thượng nguơn,
Châu nhi phục thỉ tuần huờn,
Cơ mầu tiến hóa thiên chơn phản hồi.
Người giác ngộ vun bồi tánh đạo,
Bậc nguyên nhân hoài bão ý Thiên,
Vào đời một chí nhẫn kiên,
Thực thi sứ mạng pháp quyền dựng xây.

Về phúc trình đệ nạp, chư đệ muội nghe Bần Đạo phê đây:

1.Một năm dài trên Thầy dưới bạn,
Mấy điểm son cho đáng công trình,
Trui rèn, thử thách thí sinh,
Suốt năm nội bộ nội tình ra sao.

2.Kiểm điểm lại đề cao ý chí,
Xét xem rồi chưa phỉ lòng Già,
Các phần hành đạo lẽ ra,
Gần thì có vẻ, nhìn xa thiếu gì.

3.Bảo thiếu thì chẳng chi gọi thiếu,
Đã đủ rồi, đủ liệu vào đâu?
Chợt nhìn thấm thoát bóng câu,
Đông qua xuân đến mái đầu pha sương.

4.Hàng sứ mạng nêu gương tâm đức,
Lớp thừa hành đều bực Thiên ân,
Thế Thiên hoằng Đạo cõi trần,
Hỡi ai, ai có trọn phần hay chăng?

5.Cửa huyền môn lần phăng tiến hóa,
Gót đại thừa giục giã thi công,
Ngoài xây thế đạo đại đồng,
Trong cùng trời đất cộng thông cơ mầu.

6.Trước luyện kỷ, sau hầu tế chúng,
Thế đạo thành, công dụng mới linh,
Thước khuôn mẫu mực lý tình,
Hợp thời đúng Đạo, phân minh pháp quyền.

7.Người chức vụ tinh chuyên trách vụ,
Các tư kỳ phận đủ công tư,
Khi bất túc, lúc hữu dư,
Cùng trong tập thể bù trừ đỡ nâng.

8.Được như vậy trong phần tu chứng,
Được thế rồi mới xứng Thiên ân,
Sống thì trọn đạo vi nhân,
Thác làm Tiên Phật, Thánh Thần khó chi.
(…)

9.Ngày Đại hội hằng năm sắp đến,
Chỉnh tu đường Thiên mệnh thừa hành,
Ngại chi thành hoặc bất thành,
Lòng người sứ mạng an lành là hơn.

10.Muốn bảo thân keo sơn minh triết,
Đã trung thành mới biết đạo cơ,
Được ân sao vẫn còn ngờ,
Trong tầm tay lại đợi chờ xa xăm.

11.Chư muội nữ gìn tâm trọn đạo,
Đường Chung Hòa càng rảo càng hay,
Minh di chính ở lúc này,
Làm mà chẳng biết, công dày mới nên.

12.Thanh thiếu niên móng nền tiếp nối,
Lòng dặn lòng sớm tối học tu,
Công trình, công quả, công phu,
Nghiêm minh quyền pháp, cang nhu đúng thời
.
13.Để tóm tắt những lời Lão dạy,
Với tâm tình bác ái vị tha,
Muốn nên thế đạo nhơn hòa,
Cơ quan guồng máy phải là tinh vi.
(…)
Bần Đạo bảo chư Thiên ân đệ muội hãy ý thức về Tâm Hạnh Đại Thừa. Đó là lẽ tất nhiên của người hành giả về nhân vị, về giá trị, cũng như sự tu chứng tâm linh. Nếu trên bước Đại Thừa mà người hành giả thiếu Tâm Hạnh Đại Thừa thì tâm đức sẽ mờ lu, thường bị chư ma hàng phục, sanh sân si hỷ nộ, tật đố, chủ quan, v.v... Hằng ngày bị lôi kéo vào cảnh vô thường mà không hay biết. Do đó, chư đệ muội phải thận trọng. Trước kia Đông Phương Lão Tổ có dạy, những ai muốn vào trường đạo pháp, trước tiên phải đến gõ cửa Cao Đài. Cửa Cao Đài sẽ mở cho những ai có duyên được đến.
Điều thứ đến là phải học luật lệ Cao Đài, và điều sau nữa là phải giữ giới luật quy điều Đại Đạo. Đó là ba điều tối thiểu mà người muốn bước vào Đại Thừa Thiên Đạo phải thực hiện cho được thì mới vững vàng trên bước đường chơn đạo và sẽ được Đức Chí Tôn điểm đạo.
Chư Thiên ân đệ muội có biết cửa Cao Đài ở đâu không? Ngày nay, những vị có trách nhiệm về đạo pháp cần phải lưu ý đến những điểm đó.
Này chư hiền Thiên ân! Đạo vô vi không ranh giới, nhưng người muốn bước vào Đại Thừa Thiên Đạo chỉ cần trọn tâm, trọn đạo chí thành thì ngưỡng cửa Đại Thừa không phải khó. Bần Đạo bảo cho, nếu trên bước Đại Thừa, người hành giả vì lý do này hay lý do khác làm mất uy linh thành tín của đạo, khi trọng tội sẽ bị đọa tam đồ bất năng thoát tục.
(…)

THI
Xa xăm muốn đến cũng gần thôi,
Nước trí non nhân giữa đất trời,
Rẽ gót chơn quân từ thuở trước,
Nay chờ mai đợi chốn cung trời.
Bần Đạo ban ơn lành chư hiền đệ, hiền muội. Bần Đạo đang mong chờ sự thành công của chư hiền trong ngày Đại hội Thường niên sắp tới.


___________________________

Chú giải


Châu nhi phục thỉ tuần huờn (Chu nhi phục thủy tuần hoàn) 周而復始循環: Luân chuyển giáp vòng thì trở lại ban đầu. Cụm từ “chu nhi phục thủy” xuất xứ Hán Thư - Lễ 3.Nhạc Chí 漢書-禮樂志: “Tinh kiện nhật nguyệt, tinh thần độ lý, âm dương ngũ hành, chu nhi phục thủy.” 精 健 日 月, 星 辰 度 理, 陰 陽 五 行, 周 而 復 始. (Mặt trời và mặt trăng mạnh mẽ, các ngôi sao có nguyên lý, âm dương và ngũ hành, giáp vòng thì trở lại ban đầu.)
Chưa phỉ lòng: chưa thỏa lòng.
Bóng câu: chữ Hán là câu ảnh 駒影 (bóng của ngựa câu, tuấn mã), ý nói thời gian qua nhanh. Đồng nghĩa với khích câu 隙駒, nói tắt của bạch câu quá khích 白駒過隙 (bạch mã vút ngang qua khe hở). Xuất xứ Trang Tử-Trí Bắc Du 莊子-知北遊): “Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích.” 人 生 天 地 之 間, 若 白 駒 之 過 隙 (Người ta ở trong trời đất như ngựa trắng chạy vút ngang khe hở.)
Hầu: ngõ hầu, nhằm để. Tế chúng 濟眾: cứu giúp chúng sinh, cũng như tế thế 濟世 (giúp đời, cứu đời).
Các tư kỳ phận 各司其份: ai nấy có phận sự riêng của mình. Đồng nghĩa: Các tư kỳ sự 各司其事; các tư kỳ chức 各司其職.
Bất túc 不足: không đủ. Hữu dư 有餘: có dư.
Trọn đạo vi nhân: trọn đạo làm người.
Rảo: nhanh (rảo bước).
Tật đố 嫉妒: ganh ghét, đố kỵ.
Đọa tam đồ bất năng thoát tục 墮三途不能脫俗: rơi vào ba đường ác không thể thoát khỏi cõi phàm tục. Ba đường ác: địa ngục 地獄, ngạ quỷ 餓鬼 (quỷ đói), súc sinh 畜生. Trong sáu nẻo luân hồi (lục đạo luân hồi 六道輪回) có ba đường ác và ba đường thiện. Ba đường thiện: nhân 人, thiên 天, a tu la 阿修羅.
Nước trí non nhân: cảnh sơn thủy (sông nước núi non). Khổng Tử nói: “Kẻ trí vui chơi nơi sông nước, kẻ nhân vui chơi nơi núi non. Kẻ trí hiếu động, kẻ nhân trầm tĩnh. Kẻ trí vui vẻ, kẻ nhân trường thọ.” 知(智)者樂水, 仁者樂山, 知(智)者動, 仁者靜, 知(智)者樂, 仁者壽 (Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn, trí giả động, nhân giả tĩnh, trí giả lạc, nhân giả thọ.) [Luận Ngữ - Ung Dã]


Học tập Thánh giáo – Tháng 02 năm Đinh Dậu 2017
Thiên Lý Đàn, 26 - 12 Bính Ngọ (05-02-1967)


THI
    LÝ hòa xuân sắc, sắc xinh tươi,
THÁI độ trần ai thoát lưới đời,
                    BẠCH Ngọc từng phen gieo giống thiện,
           Giáng trần nay kể đặng mười mươi.

LÝ THÁI BẠCH. Bần Đạo mừng chư hiền đệ hiền muội trung đàn. Hôm nay, Bần Đạo cho dời tất cả chư phận sự Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý đến hầu lịnh là vì năm cũ sắp qua, năm mới hầu đến, mọi việc cũng phải tùy theo thiên tượng mà thay đổi hành trình. Bần Đạo miễn lễ, chư hiền đệ hiền muội đồng an tọa nghe Bần Đạo phân đây.
Đời đang biến chuyển, Đạo cũng phải hoằng khai trong biến chuyển để cứu vớt nhơn sanh.Chư hiền đệ hiền muội đã dày công lao trí trong một thời gian qua, đem sự chí thành chí kỉnh phục vụ chánh nghĩa nhân quần, chơn lý Đại Đạo, đối với thế nhân cũng đáng ngợi khen. Những gì đã hành đạo vừa qua là một kết quả trong lòng người tín đồ Thượng Đế. Kể ra đối với công trình thì công quả kia cũng bù lại xứng đáng cho chư hiền đệ hiền muội.
Nhìn đến thế sự dường như mặt biển trùng dương, nhìn đến cơ Đạo ở Việt Nam rất bao la huyền ảo. Người hành đạo ít ra cũng phải nhắm vào mục đích tối thượng để thẳng tiến trên kiếp sanh tồn mới tìm hiểu được lý thiên nhiên của vũ trụ.
Mùa xuân năm Đinh Mùi đúng theo lý số tuần huờn, thiên cơ chuyển hóa, từng giai đoạn, từng thời gian, nên chi đường lối hành đạo trong năm này được tiến lên một mức nữa để đúng với lẽ mầu nhiệm của Hóa Công. Vì thế nên Bần Đạo triệu tập tất cả chư hiền đệ hiền muội đến đây để đem trách vụ hiện hành thi thố, làm sáng tỏ chức vụ của người đạo Cao Đài trong nước Việt Nam.
Bần Đạo cũng biết tâm tư của toàn chư đệ muội lúc nào cũng mong muốn sự huệ cố của Thiêng Liêng chan rưới cho địa phương mình bằng hình thức liên đới Thiêng Liêng. Đó là một đạo tâm hoài bão đáng khen; nhưng xét kỹ lại thì cũng không qua luật định Tam Giáo Tòa đã ban phát. Nên trước khi chư hiền đệ muội nhận lãnh một công quả mới, một kỳ vọng tương lai, Bần Đạo đến trước họp tất cả để chỉ dẫn vài lời cho chư hiền đệ hiền muội được sáng suốt thêm và chuẩn bị một kỳ hành đạo; từ một danh nghĩa tín đồ Thượng Đế cho đến chức vụ Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, từ một lương dân cho đến tình dân tộc, nghĩa nhân loài, trong một năm qua, sẽ kết thúc ở kỳ đệ tứ tam cá nguyệt, thì trong khi thi hành phận sự Thiêng Liêng giao phó, là một điểm son cuối cùng của một năm và một niềm tin ở vạn năm sau. Chư hiền đệ hiền muội cần ý thức lời Bần Đạo đã dạy.
(…)
Chư hiền đệVụ Trưởng, Trưởng Ban, Phó Ban và chư nhân viên phận sự đều vui vẻ để nhìn lên ánh sáng huy hoàng soi rọi do nơi lòng chí thành chí kỉnh đã kết hợp một ánh sáng ở mùa xuân năm Đinh Mùi. Tất cả những gì nhỏ nhặt bộc phát chi phối phiền phức trong năm qua, đối với người tâm đạo thì chẳng khác chi mớ cặn dưới dòng sông mà chất nước vẫn thanh trong trên mặt.Có thế sẽ làm được bao nhiêu công việc ở ngày mai và sẽ nhận thấy cơ huyền diệu tối thượng. Thiêng Liêng lúc nào cũng ban phát tế độ cho người đạo tâm hành chánh đạo. Chư hiền đệ hiền muội đem niềm tin hoan hỉ để đón xuân sang và vui với hồng ân sẵn dành sắp đến, đồng an tọa.
(…)
THI
Một năm qua lại một năm qua,
Thế sự bao nhiêu cũng gọi là,
Lỡ bước đường trần nên cố gắng,
Mau chơn cho kịp bóng trời tà.
HỰU
Trời tà lắm kẻ lắm bôn chôn,
Có thấy chăng ai vực hóa cồn,(1)
Nếu chẳng biết mình nơi vị cũ,
Chưa rời bến tục đã hoàng hôn.
HỰU
Hoàng hôn có kẻ đến tìm Ta,
Nếu muốn say sưa trước Bửu Tòa,
Hãy giở bầu Tiên tìm thuốc lạ,
Xuất thần chớ để vướng Nam Kha.

HỰU
Nam Kha giấc mộng hỡi còn dài,
Uống thuốc trường sanh ngại tỉnh say,
Đến bến không sang đò vẫn đợi,
Không sang thì trễ bước đường dài.
HỰU
Đường dài mới biết vó truy phong,
Lạc nẻo rồi ra cũng uổng công,
Vị bởi lòng phàm còn béo ngọt,
Ắt mùi tiên tửu chẳng hơi nồng.
HỰU
Hơi nồng tiên tửu thiếu chi đây,
Hỡi bạn ngày xưa uống giải khuây,
Chớ để bợn trần còn dấy động,
E cho quên lửng lối về Thầy.
HỰU
Về Thầy mới biết Đạo Trời chung,
Chẳng luận Đông Tây với giống dòng,
Hà tất địa phương mơ bá đạo,
Cho hoài công của kẻ vun trồng.
HỰU
Vun trồng nên giống dễ gì đâu,
Sương nắng từng phen phải dãi dầu,
Tòng bá mới là quân tử tánh,
Ai ơi! Sớm biết để quày đầu.

HỰU
Quày đầu trở lại nếp nhà xưa,
Sứ mạng thiêng liêng chẳng phải vừa,
Bát Nhã chống chèo nhờ thiện chí,
Bao nhiêu khách tục rước cùng đưa.
(…)
Sau cùng, Bần Đạo để lời dạy nhân viên đến chức vụ Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý: hãy luôn luôn thận trọng trên mọi phương diện hành đạo, chẳng khá vì một việc nhỏ mà chấp nhận để làm cho mầm chia ly nảy nở, sẽ đắc tội với Thiêng Liêng. Và một phần nữa là chẳng nên xin cầu những số lợi nào, bất cứ lớn nhỏ, đến với Cơ Quan trong một cơ hội nào. Phải luôn luôn giữ phần thanh bạch, đứng đắn cho danh nghĩa Cơ Quan. Sự bành trướng mở mang hay phần đạo tâm giúp đỡ, đó là tự nhiên, chừng đến sẽ đến mà thôi. Chư hiền đệ hiền muội nên nhớ rằng: Việc phải trên đời để cho người biết tìm lẽ phải làm, và lời Chí Tôn có dạy:
“Của con Thầy để thiếu chi đây,
Hễ đứa nào ngoan cứ lấy xài….”
Nếu chư hiền đệ hiền muội hành đạo được như lời bần Đạo đã dạy và những năm qua, sẽ kết quả mau chóng nghe chăng?
Bần Đạo ban ơn chung toàn tất chư hiền đệ hiền muội được nhiều hồng ân trong cuối đông và xuân sắp đến. Thăng.


_______________________

Chú giải

Vực hóa cồn: vực sâu biến thành cồn cát, ý nói sự thay đổi lớn lao, giống như nói tang điền thương hải 桑田蒼海 (ruộng dâu biến thành biển xanh), nói tắt là tang thương, hoặc nói theo ý là biển dâu/ dâu biển.
Nam Kha: giấc Nam Kha (Nam Kha mộng 南柯夢). Thuần Vu Phân thích rượu. Trong sân nhà ông có một cây hòe lớn. Một hôm ngồi dưới bóng cây hòe và ngủ quên, ông thấy mình làm thái thú quận Nam Kha, nước Đại Hòe, được vua gả công chúa. Hưởng vinh hoa phú quý, về sau đánh giặc thua trận, ông bị đuổi về làm dân. Lúc tỉnh dậy ông thấy mình ở dước gốc cây hòe, ở cành cây hướng phía nam (trong giấc mộng là quân Nam Kha) có tổ kiến (trong giấc mộng là nước Đại Hòe). Giấc Nam Kha ám chỉ đời người như giấc mơ, phú quý quyền thế đều là hư ảo.

Hà tất 何必: 1/ cần gì, sao lại phải, bất tất. 2/ không hẳn, chưa chắc, không nhất định, vị tất.
Tánh người quân tử như cây tòng (tùng), cây bá (bách). Cổ nhân gọi tùng, trúc, mai là ba người bạn mùa lạnh (tuế hàn tam hữu 歲寒三友), bởi vì ba loại cây này dù mùa sương tuyết vẫn tươi tốt trong khi những loại cây khác hầu như cằn cỗi héo hon. Tính chịu lạnh của tùng, trúc, mai tượng trưng đức tính nhẫn nại của người quân tử, tự cường mãi không thôi, luôn trau giồi tài đức trước nghịch cảnh cuộc đời. Ngoài ra bốn loại cây mai, lan, cúc, trúc cũng được xem là tứ quân tử.

Châu nhi phục thỉ tuần huờn (Chu nhi phục thủy tuần hoàn) 周而復始循環: Luân chuyển giáp vòng thì trở lại ban đầu. Cụm từ “chu nhi phục thủy” xuất xứ Hán Thư - Lễ 3.Nhạc Chí 漢書-禮樂志: “Tinh kiện nhật nguyệt, tinh thần độ lý, âm dương ngũ hành, chu nhi phục thủy.” 精 健 日 月, 星 辰 度 理, 陰 陽 五 行, 周 而 復 始. (Mặt trời và mặt trăng mạnh mẽ, các ngôi sao có nguyên lý, âm dương và ngũ hành, giáp vòng thì trở lại ban đầu.)
Chưa phỉ lòng: chưa thỏa lòng.
Bóng câu: chữ Hán là câu ảnh 駒影 (bóng của ngựa câu, tuấn mã), ý nói thời gian qua nhanh. Đồng nghĩa với khích câu 隙駒, nói tắt của bạch câu quá khích 白駒過隙 (bạch mã vút ngang qua khe hở). Xuất xứ Trang Tử-Trí Bắc Du 莊子-知北遊): “Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích.” 人 生 天 地 之 間, 若 白 駒 之 過 隙 (Người ta ở trong trời đất như ngựa trắng chạy vút ngang khe hở.)
Hầu: ngõ hầu, nhằm để. Tế chúng 濟眾: cứu giúp chúng sinh, cũng như tế thế 濟世 (giúp đời, cứu đời).

Các tư kỳ phận 各司其份: ai nấy có phận sự riêng của mình. Đồng nghĩa: Các tư kỳ sự 各司其事; các tư kỳ chức 各司其職.
Bất túc 不足: không đủ. Hữu dư 有餘: có dư.
Trọn đạo vi nhân: trọn đạo làm người.
Rảo: nhanh (rảo bước).
Tật đố 嫉妒: ganh ghét, đố kỵ.
Đọa tam đồ bất năng thoát tục 墮三途不能脫俗: rơi vào ba đường ác không thể thoát khỏi cõi phàm tục. Ba đường ác: địa ngục 地獄, ngạ quỷ 餓鬼 (quỷ đói), súc sinh 畜生. Trong sáu nẻo luân hồi (lục đạo luân hồi 六道輪回) có ba đường ác và ba đường thiện. Ba đường thiện: nhân 人, thiên 天, a tu la 阿修羅.

Nước trí non nhân: cảnh sơn thủy (sông nước núi non). Khổng Tử nói: “Kẻ trí vui chơi nơi sông nước, kẻ nhân vui chơi nơi núi non. Kẻ trí hiếu động, kẻ nhân trầm tĩnh. Kẻ trí vui vẻ, kẻ nhân trường thọ.” 知(智)者樂水, 仁者樂山, 知(智)者動, 仁者靜, 知(智)者樂, 仁者壽 (Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn, trí giả động, nhân giả tĩnh, trí giả lạc, nhân giả thọ.) [Luận Ngữ - Ung Dã]


Học tập Thánh giáo – Tháng 3 năm Đinh Dậu 2017
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 25-02 Kỷ Mùi (22-3-1979)

THI
Từ cõi THÁI hư đến cõi trần,
                      Đạo mầu thanh BẠCH độ nguyên nhân,
         Dầu cho KIM ngọc khôn so sánh,
       Chỉ có TINH hoa một điểm thần.

GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO THÁI BẠCH KIM TINH. Chào mừng chư hiền đệ hiền muội.
Hôm nay, Bần Đạo sẽ cùng chư đệ muội minh định chương trình hành đạo trong niên trình mới để cơ đạo được hoằng hóa sâu rộng hơn. Miễn lễ, đồng an tọa. Chư hiền bên ngoài được phép nhập đàn.
Chư đệ muội có thấy chăng! Cơ dịch biến vô cùng của Tạo Hóa không phút giây ngừng nghỉ. Hết đông qua, xuân lại, rồi hạ đến, thu sang. Mỗi thời tiết đều có Đạo sinh sôi, đức hàm dưỡng của đất trời cùng vạn vật. Đó là thời tiết của một năm, còn lẽ bĩ thới hưng vong là thời của thế vận. Thiên cơ luân động theo nhịp độ vận hành, dầu lớn nhỏ không ra ngoài vòng Tạo Hóa. Bởi thế nên cổ Thánh khi ghi lại những đường nét Châu Dịch tuần huờn đều nhắm vào thời trung. Thời trung là sự chuyển luân của đạo pháp không ngừng theo Thiên lý để cho hàng thức giả sĩ phu, bậc lãnh đạo giáo dân noi theo đó mà an định quốc gia, bảo toàn trăm họ.
Đã gọi là biến dịch thì mọi hình tướng vật chất trong thế gian không có chi là chắc cứng và tồn tại cả mà tất cả phải theo thời gian sanh trưởng thâu tàng, hoại không thành trụ.
Người tu hành cũng thế, cũng sống theo đạo thời trung để xử tròn bổn phận vi nhân xử thế.
Điều cốt yếu là vượt ra khỏi vòng luân hồi sanh tử. Sự vật biến thiên, nhưng vượt ra bằng cách nào khi còn mang mảnh thân tứ đại giả hiệp, còn sống trong cõi tạm hồng trần? Đó là một vấn đề mà chư hiền đệ muội phải thấu triệt để khởi đầu hoằng đạo trong niên trình mới.
Mười lăm năm Cơ Quan thành lập trong cảnh loạn ly từ thế đạo nhơn tâm là mười lăm năm chuẩn bị cho thời kỳ đại đồng công dụng.
Chư hiền đệ muội hãy suy gẫm lại những lời của Đấng Chí Tôn Thượng Đế và chư Phật Tiên đã từng tha thiết dạy dỗ nhơn sanh những gì và dìu dắt con người đi về đâu. Có phải dạy dỗ con người cho nên trang đạo đức đầy đủ bổn phận vi nhơn, sống trong tình thương Tạo Hóa và dìu dắt về nơi nhân bản cội nguồn của con người Chơn Nhơn, con người Hiền Thánh Tiên Phật? Thật là rõ ràng như ánh thái dương, như vầng trăng sáng, không có gì mờ ảo mông lung.
Bởi lòng tham dục dấy lên trước mồi danh bả lợi vật chất nên con người bị sa ngã đọa đày. Do đó, cần phải tu hành để tiết chế kềm giữ lòng tham dục tầm thường đó mới khỏi lụy thân vào vòng câu chọ, mới giữ còn bản chất thể diện của giống kình ngạc, giao long.
Cái thánh thiện của con người không riêng cho ai mà ai cũng có, nên sự tương hệ tương quan như một mạng lưới vô hình đang trùm khắp, như nguồn nước từ trên chảy xuống rưới chan, như không khí một bầu hít thở dưỡng nuôi. Lại cùng một mảnh hình hài không sai không khác. Đó là Đạo tự nhiên sinh, đức tự nhiên súc. Con người có hiểu được lẽ sinh súc đó thì sẽ sống một đời sống bình thường tịnh lạc với trách nhiệm đương nhiên, phương chi là người tu hành tiến lên Đại thừa Thiên đạo là vong xả tục trần, xem phú quý như mây bay, bỏ công danh như dép rách. Những hình thức tổ chức bên ngoài trang trọng chỉ là những trợ duyên để hành giả thực hiện sứ mạng hoằng giáo độ nhơn, kỳ trung không mảy may dao động.
Lời xưa có nói: “Đắc nhứt vạn sự tất”, nghĩa là được Một sẽ được tất cả. Một là chi? Một là Đạo.
Đạo bao gồm, hàm súc cả quá khứ, hiện tại và vị lai của sự lý trong cõi đời. Thiếu Đạo là thiếu Một. Một đã bỏ mất thì dầu có bao nhiêu cũng là mộng ảo, không cội, không nguồn.
Trên năm mươi năm dạy dỗ, thánh ngôn, thánh giáo rất nhiều, chung quy cũng nhằm dạy lẽ Một đó mà thôi.
Dầu gặp cảnh khó khăn trở ngại hay hoàn cảnh chi phối khác nhau, nhiều chi, nhiều phái, công nghiệp của các hàng Tiền Khai cũng chỉ là dâng hiến mạng sống còn để hoằng khai Đại Đạo nơi cõi tạm hồng trần, thức tỉnh lương dân.
Cái đạo thời trung mà Bần Đạo vừa đề cập nơi trên là để nhắc nhở chư Thiên ân trên bước đường sứ mạng cần phải hiểu thông đạo lý cho thâm sâu và hành cho kết quả hơn nữa.
Kiểm điểm phúc trình đệ nạp, Bần Đạo rất cảm thông mà chấp nhận tâm đạo chí thành của chư hiền đệ hiền muội. Điều mà Bần Đạo rất lưu tâm đến và ngợi khen là chư đệ muội đã tự luyện được một đội binh hùng cường chiến thắng nội tâm thì những kế hoạch đã đề ra sẽ có nhiều cơ duyên công thành quả tựu.
THI BÀI
Niên trình mới trong giai đoạn mới,
Sứ mạng thành do bởi tâm thành,
Quên mình hoằng đạo lợi sanh,
Hòa quang hỗn tục duyên lành rải gieo.
Đạo thời trung lựa vèo tế độ,
Đức vô hình làm chỗ dựa nương,
Đại thừa cất bước lên đường,
Khó khăn chớ nệ, dặm trường đừng nao.
Đạo thị hiện trông vào hành giả,
Đức có dày nhân ngã đều không,
Bo bo sứ mạng vào lòng,
Vượt ra phiền trược, thoát vòng thị phi.
Trên các Đấng từ bi hộ độ,
Dưới đệ huynh tiến bộ đồng hành,
Đuốc thiêng thắp sáng tâm lành,
Hữu cầu tắc ứng, hữu thành tắc thông.
Bần Đạo cảm động trước nhiệt tâm giác ngộ của chư hiền đệ muội.
5 Vụ, 22 Ban, 60 vị chia chia sớt từ việc lớn đến việc nhỏ, đó là điều đáng được ban ơn. Nhưng lượng đã tăng thì phẩm phải tăng, chớ để chênh lệch. Mỗi nhơn viên phải tự ý thức trách nhiệm, đừng xem là của ai, làm cũng được, không làm cũng không sao, thì sẽ thất bại.
Tâm đạo của mỗi hiền, Bần Đạo đã rõ. Nếu chư đệ muội tin tưởng nơi người Anh Vô Vi này thì sẽ tự an ủi, tự an lạc hòa đồng nhau cả.
(…)
Trên đường hành đạo sẽ có nhiều việc xảy đến, chư đệ muội không lường trước được. Phải giữ lòng thanh tịnh để phân định. Đừng vui cũng chớ buồn.
Những lời dạy của Đạo Tổ Lão Quân và của Bần Đạo hôm nay là hành trang của những bước khởi đầu trên đoạn đường mới. Hãy ghi nhớ.
Bần Đạo ban ơn lành chung toàn thể chư hiền đệ hiền muội trung đàn, giã từ hồi động phủ. Thăng.


_______________________________

Chú giải


Vực hóa cồn: vực sâu biến thành cồn cát, ý nói sự thay đổi lớn lao, giống như nói tang điền thương hải 桑田蒼海 (ruộng dâu biến thành biển xanh), nói tắt là tang thương, hoặc nói theo ý là biển dâu/ dâu biển.

Nam Kha: giấc Nam Kha (Nam Kha mộng 南柯夢). Thuần Vu Phân thích rượu. Trong sân nhà ông có một cây hòe lớn. Một hôm ngồi dưới bóng cây hòe và ngủ quên, ông thấy mình làm thái thú quận Nam Kha, nước Đại Hòe, được vua gả công chúa. Hưởng vinh hoa phú quý, về sau đánh giặc thua trận, ông bị đuổi về làm dân. Lúc tỉnh dậy ông thấy mình ở dước gốc cây hòe, ở cành cây hướng phía nam (trong giấc mộng là quân Nam Kha) có tổ kiến (trong giấc mộng là nước Đại Hòe). Giấc Nam Kha ám chỉ đời người như giấc mơ, phú quý quyền thế đều là hư ảo.
Hà tất 何必: 1/ cần gì, sao lại phải, bất tất. 2/ không hẳn, chưa chắc, không nhất định, vị tất.
Tánh người quân tử như cây tòng (tùng), cây bá (bách). Cổ nhân gọi tùng, trúc, mai là ba người bạn mùa lạnh (tuế hàn tam hữu 歲寒三友), bởi vì ba loại cây này dù mùa sương tuyết vẫn tươi tốt trong khi những loại cây khác hầu như cằn cỗi héo hon. Tính chịu lạnh của tùng, trúc, mai tượng trưng đức tính nhẫn nại của người quân tử, tự cường mãi không thôi, luôn trau giồi tài đức trước nghịch cảnh cuộc đời. Ngoài ra bốn loại cây mai, lan, cúc, trúc cũng được xem là tứ quân tử.

Hà tất 何必: 1/ cần gì, sao lại phải, bất tất. 2/ không hẳn, chưa chắc, không nhất định, vị tất.
Tánh người quân tử như cây tòng (tùng), cây bá (bách). Cổ nhân gọi tùng, trúc, mai là ba người bạn mùa lạnh (tuế hàn tam hữu 歲寒三友), bởi vì ba loại cây này dù mùa sương tuyết vẫn tươi tốt trong khi những loại cây khác hầu như cằn cỗi héo hon. Tính chịu lạnh của tùng, trúc, mai tượng trưng đức tính nhẫn nại của người quân tử, tự cường mãi không thôi, luôn trau giồi tài đức trước nghịch cảnh cuộc đời. Ngoài ra bốn loại cây mai, lan, cúc, trúc cũng được xem là tứ quân tử.

                                                         Học tập Thánh giáo – Tháng 4 năm Đinh Dậu 2017
Ngọc Minh Đài, 01-3 Đinh Mùi (10-4-1967)


GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO THÁI BẠCH KIM TINH. Bần Đạo chào mừng chư hiền đệ hiền muội đàn trung đẳng đẳng.
THI
Không ham thế sự lớp trò hề,
Vào đạo tìm phương thuốc giải mê,
Từng gác lợi danh cho rỗi rãi,
Hằng quên sự nghiệp để yên bề.
Đã không núng dạ vì phi thị,
Đâu nỡ nao lòng bởi trách chê,
Quân tử thà cam trong sứ mạng,
Chớ không lỗi hẹn với câu thề.
Bần Đạo giáng đàn hôm nay để cùng chư hiền đệ hiền muội kiểm điểm lại việc hành đạo trong kỳ đệ nhứt nhiệm kỳ một năm, và cũng để cùng chư hiền đệ hiền muội tìm phương pháp hành sự cho đệ nhị nhiệm kỳ trong 2 năm sắp tới. Miễn lễ đàn trung an tọa.
Chư hiền đệ hiền muội! Thử kiểm điểm lại một năm qua, chư hiền đệ hiền muội đã lao tâm nhọc sức cố gắng đem lại những gì tốt đẹp cho Cơ Quan Đại Đạo. Mặc dầu sự kết quả rất ít oi đối với chương trình, nhưng chư hiền đệ hiền muội đã ghi được những điểm son đáng kể trong lúc việc nhiều người ít, đối nội cũng như đối ngoại, phần thì vấn vương mặc cảm cùng bận ít nhiều tâm lý, đã vượt qua bao nỗi thử thách; nhờ tấm lòng phục vụ Đạo Trời, triệt để tuân hành Thánh ý, đặt đại cuộc lên trên hết, nên đã hàn gắn mau lại những gì vừa chớm sứt mẻ. Bần Đạo thiết nghĩ chư hiền đệ tình nguyện vào giúp Đạo, trong lúc đó, ở Cơ Quan Đạo không có chức sắc, không vị ngôi, chẳng lợi lộc, không danh vọng, thử hỏi người hành đạo tựa vào đâu để làm nguồn an ủi? Có thể là bậc Thánh nhân hoặc siêu nhân, biết lấy đạo lý nghĩa nhân đức độ làm nếp sống cho đời mình để làm một việc mà thế nhân khó có thể làm được.
Chư hiền đệ đã biết phát huy tấm chân thiện mỹ của Thượng Đế phát ban, bởi những yếu tố đó, chư hiền đệ hiền muội đã kiên tâm bền chí chọn lọc tuyển lựa tập tành trong một năm qua, vừa học vừa hành, với sự chỉ dẫn của Thiêng Liêng, cũng như vì thời gian thúc đẩy, chư hiền đệ muội đã đoạt được những gì tốt đẹp để làm phấn khởi tinh thần hành đạo trong nhiệm kỳ thứ hai, trên khoảng đường dài hai năm sắp tới.
Nhiệm kỳ thứ nhứt, vừa học vừa hành; nhiệm kỳ thứ hai, một năm đầu vừa hành vừa học để vươn mình lên, tiến triển lên trong năm thứ hai.
Người Sứ mạng có thể nói là trổi hơn bậc Hiền nhân Quân tử. Từ xưa, bậc Hiền nhân Quân tử vì chánh nghĩa, vì đại cuộc, vì đạo lý, đã xem thường những gì phức tạp hằng ngày đã xảy ra trong cõi vô thường này. Vẫn biết thế gian là trường rèn luyện, là nơi trả quả, là nơi học hỏi cho các nguyên căn, mà thế gian cũng là nơi đọa đày không ngày trở lại cho những linh hồn còn non yếu, không khắc phục trước mọi cảnh. Chư hiền đệ thuộc vào hàng Thiên sứ, nếu không được hơn các Hiền nhân Quân tử, ít nhứt cũng bằng, chớ không lẽ chịu thua.
Trải qua hai thời kỳ mở Đạo, Thượng Đế đã giao chánh pháp cho tay phàm, để dìu dẫn giáo luyện nhân sanh trong thời Thượng cổ và Trung cổ. Tại thời kỳ ấy, với trình độ nhân loại dường ấy, dầu muốn dầu không, Thượng Đế không làm cách nào khác hơn là những phương pháp đã làm.Tuy rất quý báu trong hai thời kỳ đó, nhưng cũng là những điểm cần phải bổ túc trong thời kỳ thứ ba. Sự truyền Đạo, giáo Đạo với nhơn sanh trong hai thời kỳ đó đã đóng khung người tín đồ trong vòng chật hẹp, chỉ biết một mà không biết hai.
Ngày nay, các Đấng Phật Tiên Thánh Thần cũng phải đến thế gian trong Tam Kỳ Phổ Độ và Hoàng Cực Chủ Nhơn sẽ đến lập Tam Long Hoa Hội. Chư hiền đệ hiền muội có biết tại sao Hoàng Cực Chủ Nhơn phải đến mảnh đất nhỏ hẹp này để kết thúc Nguơn Hội cuối cùng của luật tuần hoàn vũ trụ chăng?
Bần Đạo sẽ giải thích một dịp khác về điểm ấy.
Hôm nay, Bần Đạo chỉ nói một điểm rất gần, đó là trong khoảng thời gian 42 năm khai Đạo và giáo Đạo, máy Thiên cơ nhiệm mầu đã thố lộ bao lần, nhưng tiếc vì không mấy ai chịu khó tìm hiểu việc gì sẽ xảy đến, và Đạo là nguồn cứu rỗi thế nào trong thời kỳ Hạ Nguơn mạt kiếp này.
Tuy vậy, cũng có lắm người hiểu biết, nhưng biết với cái cá nhân, làm với cái cá nhân, rồi kết quả cho cá nhân. Ôi! Đó là một tai hại vô cùng cho người học Đạo.
Đến nay, ngày giờ không còn cho phép trì hoãn nữa, sự hiện diện của chư hiền đệ hiền muội trải qua mấy đợt chọn lọc, là một bằng chứng nói lên rằng những phần tử ưu tú đã chịu đựng những cơn thử thách giũa mài, đáng được hiểu và hành để trọn hưởng những gì sắp đơm bông kết quả, mà trí phàm cùng nhục nhãn chư hiền đệ không thể biết và thấy được. Nếu có sự thúc đẩy cùng trách yêu của Thiêng Liêng, chư hiền đệ hiền muội cố gắng tìm hiểu Thiên ý để khỏi uổng công trình của mình đã trải qua nhiều kiếp tu học.
THI BÀI
1. Người thiện chí giúp đời học Đạo,
Bậc tài nhân hoài bão căn cơ,
Tương lai thế đạo mịt mờ,
Sáng soi lối bước cậy nhờ thiện tâm.

2. Từng khó nhọc kiếm tầm lựa chọn,
Dày công phu đưa đón tập tành,
Kiên tâm trì thủ hy sanh,
Nắng mưa mấy lúc nhọc nhành bao phen.

3. Chẳng câu nệ sang hèn quyền quý,
Không quản gì ngôi vị lợi danh,
Một lòng chí kỉnh chí thành,
Vui câu đạo đức học hành nghĩa nhân.

4. Quỉ tự ái lắm lần xúi giục,
Ma háo kỳ nhiều lúc rủ ren,
Nga thiêu thân bởi ánh đèn,
Người tu vững chí nhờ rèn tâm linh.
(…)
Chư hiền đệ hiền muội! Cơ Quan ví như cây đàn, đạo lý ví như tiếng đàn, các cấp nhân viên hành sự Cơ Quan ví như nhạc sư và nhạc công chơi đàn. Đàn có hai phần: một là dây phím đúng điệu cung thương, hai là số người chơi đàn phải có tâm hồn thanh cao. Nếu dây, phím không đúng mực đúng chỗ, thì cây đàn ấy là một món huê dạng, dầu nhạc sư tài ba lỗi lạc cũng không làm sao khảy lên đúng nhịp điệu. Nếu nhạc sư là người chơi đàn, dầu cho là một người chuyên nghiệp, nhưng không có tâm hồn thanh cao, tiếng đàn không sao quyến rũ được những người thanh cao thích nhạc.
Ai ai cũng thích nghe nhạc, nhưng tùy theo âm điệu nhạc, tùy theo tâm hồn của người sử dụng nhạc. Nếu người sử dụng nhạc, khi có những tâm hồn cuồng loạn, làm sao trỗi lên âm điệu trầm bổng êm đềm thức tỉnh khách trần trong cơn mê mộng. Trong một ban nhạc, dầu những món nhạc khí, nhạc cụ, hình ảnh có khác nhau, nhưng khi trỗi lên một bản nhạc hợp tấu, đâu đó đều trúng điệu trúng nhịp, âm thanh điều hòa, có phải bởi nhờ mỗi nhạc công đều lên dây đúng tầng âm thanh, theo một khuôn viên mẫu mực, theo đúng các ký âm pháp của bản nhạc, và luôn luôn hướng về sự điều khiển của nhạc trưởng hay chăng? Nếu ngoài quy luật ấy, dầu một hai món nhạc khí cũng đủ gây lên âm điệu cuồng loạn, mất trật tự, khiến người nghe nhạc phải điên đảo thêm lên.
TIẾP BÀI
6. Đây Ta thử đưa ra tỷ dụ,
Để chư hiền có đủ phương châm,
Rỉ tai, khuyên nhỏ, nhắc thầm,
Muốn nên việc cả chớ lầm tiểu vi.

7. Ai ai cũng muốn suy lý Đạo,
Người người đều hoài bão thiện căn,
Thiên đường ai cũng muốn phăng,
Ngục tù ai chịu trói trăng bao giờ.

8. Người lãnh đạo cầm cờ hướng đạo,
Bậc chơn tu khai tạo đường tu,
Là người thoát khỏi ngục tù,
Xả thân hành đạo công phu độ đời.

9. Biết tiến thoái tùy thời xử thế,
Biết trọng tôn nghĩa lễ tín thành,
Bảo tồn chánh đạo chánh danh,
Hiểu thông quy luật thực hành lý chơn.

10. Ví nhạc công ôm đờn nhấn phím,
So tơ đồng đúng điểm cung thương,
Gảy lên những khúc can trường,
Lòng thanh cao lẫn du dương bổng trầm.

11. Cơ Quan ấy danh cầm huyền diệu,
Tạo chân tài phát điệu âm thanh,
Hữu vô lý đạo phân minh,
Năm châu bốn biển thanh bình âu ca.

Chư hiền đệ hiền muội! Theo Du Thần phúc trình thì bản danh sách nhơn viên tân Ban Chấp Hành vẫn còn thiếu sót các phần quan trọng, mà hiền đệ hiền muội không chú ý. Đó là các Ban. Các Ban là động lực chánh của Cơ Quan.
Đành rằng thành phần toàn thể từ Tổng Lý đến nhơn viên thường, mỗi mỗi đều hữu ích cho bộ máy, nhưng đơn vị các Ban là động lực chánh. Toàn thể bộ máy có được điều hòa hay không cũng đều do nơi đó. Vì vậy, Bần Đạo nhận thấy hiện giờ các Phó Vụ là những hiền đệ hiền muội đã có tâm lẫn có tài. Với tâm và tài đó có thể đảm nhận phần vụ các Trưởng Ban, còn những vị trí của các Phó Vụ dầu chưa có người đảm nhận cũng chưa đến nỗi làm tê liệt bộ máy. Bần Đạo thấu hiểu can trường các hiền đệ trong tân Ban Chấp Hành đã tình nguyện tham gia, là có ý muốn lập công quả để dưng hiến Thiêng Liêng hầu đặt đời mình trong sự gội nhuần ân huệ của Thượng Đế, thì không quản gì danh vị cao thấp trong lúc hành sự.

TIẾP THI BÀI
12. Cơ Quan muốn điều hòa bộ phận,
Chư hiền cần chỉnh chấn nội tâm,
Trước nên gây dựng mống mầm,
Xét xem trách nhiệm chung tâm thực hành.

13. Trên Thường Vụ lập thành Minh Đạo,
Dưới Cơ Quan rốt ráo tương đồng,
Vụ, Ban, hệ thống tinh thông,
Nữ nam gắn bó một lòng âu lo.

14. Lái cho vững chiếc đò Bát Nhã,
Trau cho thành ngọc dạ minh châu,
Rước đưa nhau khỏi biển sâu,
Sáng soi đường lối nhịp cầu tối tăm.

15. Vì mến đạo mà làm công quả,
Vì muốn tu việc cả đảm đương,
Khổ lao chẳng bổng không lương,
Không danh, không vị quan trường thế gian.

16. Có thể sánh vào hàng Tiên Thánh,
Vì lòng nhân ra gánh Đạo Trời,
Thực hành tâm cũng như lời,
Phôi pha việc nhỏ cho đời thanh cao.

17. Trong biển khổ cùng nhau cải tạo,
Giữa thời nguy dụng đạo biểu dương,
Cố công lấp biển đoạn trường,
Tạo thành cái cảnh Thiên đường thế gian.
(…)
Toàn thể nhơn viên trong Ban Cai Quản Ngọc Minh Đài và đạo tâm sở tại đã góp phần công quả trong những ngày Đại hội vừa qua, đều được thọ hưởng ân lành của Thầy Mẹ chan rưới.
THI
            Chung nhau vùa giúp Ngọc Minh Đài,
Sẽ được toại lòng buổi hậu lai,
Lớn bé quả công còn vẹn để,
      Tình thương trước hết mới an bài.
Nhơn viên Ban Cai Quản cùng hướng đạo, đồng nhi, lễ sĩ Thánh thất Tân Định, Bàu Sen, Bình Hòa, Vĩnh Nguyên Tự cũng như Tam Thôn Hiệp đều được ghi công quả vào sổ vô vi trong kỳ Đại Hội.
THI
            Tình thương vượt khỏi mọi giang biên,
      Đồng đạo đó đây bước một thuyền,
  Đen trắng rốt rồi chung một mối,
Long Hoa Đại Hội cũng trò Tiên.
(…)
Toàn thể nhân viên tân cựu Ban Chấp Hành, từ Tổng Lý đến nhân viên thường, đã triệt để chí thành tâm nguyện phục vụ cơ đạo trong suốt thời gian từ chuẩn bị đến hoàn thành Đại hội, đều được hồng ân chan rưới.
THI
              Nêu gương can đảm trước muôn người,
  Hòa hiệp chung tay phổ Đạo Trời,
  Đã có công nhiều trong vạn kiếp,
Ráng tu một kiếp nữa mà thôi.

Chư hiền đệ hiền muội! Dường như Bần Đạo cũng có lưu ý và thổ lộ nhiều lần nhưng hiền đệ hiền muội nghe rồi lại quên. Đó là hai tiếng chơn tu. Biết rằng phù sanh là giả tạm, đời người so với vũ trụ như hột cát trong bãi sa mạc, biết được ngày nay mà không biết được ngày mai. Thế thường người đời hay hoạch định chương trình xây dựng những gì hữu hình như sự nghiệp danh vọng tử tôn cho thân tộc, nhưng trong chỗ xây dựng đó thiếu nhân nghĩa đạo đức, chẳng khác nào xây đền đài trên sa mạc. Còn trong cửa đạo thì lại khác. Chỉ cần chánh tâm hành chánh đạo, xả thân giúp đời, theo lòng Tạo Hóa, hòa hiệp với thiên nhiên. Sự gì sắp đến sẽ đến, mọi việc sẽ an bài, dầu mình không tự lo tư hữu, cũng có Tạo Hóa an bài cho, được sanh trong vòng trưởng dưỡng và bảo tồn theo định luật vũ trụ. Hôm nay Bần Đạo đã dạy kể ra cũng khá dài, chư đệ muội cố gắng ghi nhận hoặc hành sự để vẹn tròn công quả trong thời kỳ tuyệt vọng của nhân loại.
THI
Đêm khuya dạy bảo với chân tình,
Mong cả đàn trung vững đức tin,
Ghi nhận lo tu cho kíp kíp,
Để hầu tránh khỏi nạn đao binh.
NGÂM
Thương đời trong kiếp phù sinh,
Ngày mai chẳng biết đời mình ra sao!
Tuần huờn vận hội đáo đầu,
Vòng tròn giáp mối chuyển bầu càn khôn.
Thuận Thiên thì đặng giả tồn,
Nghịch Thiên ắt phải chơn hồn khó an.
Tấm thân giữa cõi trần hoàn,
Trong cơn nước lửa bảo toàn sao đây?
Chinh chinh ác lặn non đoài,
Cha con chồng vợ tớ thầy loạn ly.
Quỉ ma ác thú đến kỳ,
Thánh Thần Tiên Phật ra thi hội này.
Có công có phước đủ đầy,
Để xem Đại hội một ngày không xa.
Hỡi ai thương nước thương nhà,
Thương người thương vật ấy là thương thân.
Mau mau tỉnh giấc mộng trần,
Hồi tâm hướng thiện gỡ lần oan khiên.
Ban ơn chung cả đàn tiền,
                                                                        Thế gian lo đạo, cảnh Tiên đây về.
                                                  Thăng.

___________________________

Chú giải


Thời trung 時中: trung chính tuỳ theo thời. Trung Dung chép: “Trọng Ni (tức Khổng Tử) nói: Quân tử giữ được Trung Dung, tiểu nhân thì trái lại. Quân tử giữ được Trung Dung nên giữ được sự trung chính tuỳ theo thời. Còn tiểu nhân không giữ được Trung Dung nên việc gì cũng dám làm, chẳng sợ ai cả.” (Trọng Ni viết: Quân tử Trung Dung; tiểu nhân phản Trung Dung. Quân tử chi Trung Dung dã, quân tử nhi thời trung; tiểu nhân chi phản Trung Dung dã, tiểu nhân nhi vô kỵ đạn dã. 仲 尼 曰: 君 子 中 庸; 小 人 反 中 庸. 君 子 之 中 庸 也, 君 子 而 時 中小 人 之 中 庸 也, 小 人 而 無 忌 憚 也.)
Học giả Huệ Đống (1697-1758) nói: “Đạo Dịch thâm sâu thay, nhưng có thể lấy một lời mà tóm hết, đó là «thời trung». Khổng Tử viết Thoán Truyện, có 24 quẻ nói đến «thời», 35 quẻ nói đến «trung». Còn Tượng Truyện có 6 quẻ nói đến «thời», 36 quẻ nói đến «trung». Chữ «thời» dùng với các ý nghĩa là: «đãi thời» (chờ thời), «thời hành» (vận hành đúng thời), «thời thành» (thành tựu đúng thời), «thời biến» (biến đổi của tứ thời), «thời dụng» (vận dụng đúng thời), «thời nghĩa» (ý nghĩa đúng thời), «thời phát» (phát triển đúng thời), «thời xả/xá» (xả bỏ đúng thời; cư trú tạm thời), «thời cực» (đúng thời). Chữ «trung» dùng với các ý nghĩa là: «trung chính», «chính trung», «đại trung» (trung lớn), «trung đạo», «trung hành» (vận hành theo trung), «hành trung» (trung lúc vận hành), «cương trung» (trung cứng), «nhu trung» (trung mềm). Nơi Thoán của quẻ Mông, «thời» và «trung» xuất hiện chung một câu (Dĩ hanh hành thời trung dã.). [...]
Tử Tư viết Trung Dung thuật chân ý của Khổng Tử: «Người quân tử giữ đạo trung chính linh động theo thời.» (Quân tử nhi thời trung.). Mạnh Tử cũng nói: «Khổng Tử là bậc hiểu được chữ thời của thánh nhân.» (Khổng Tử, thánh chi thời giả dã.). Lời dạy chấp trung khởi đầu từ trời. Khổng Tử làm rõ ý nghĩa của thời trung. Đó là tâm pháp truyền từ Nghiêu Thuấn. Thoán của quẻ Phong nói: «Trời đất khi đầy khi vơi tuỳ theo thời.» (Thiên địa doanh hư, dữ thời tiêu tức.). Thoán của quẻ Bác nói: «Người quân tử coi trọng lẽ doanh hư tiêu trưởng; đó là qui luật tự nhiên.» (Quân tử thượng tiêu tức doanh hư, thiên hành dã.). Văn Ngôn nói: «Kẻ biết tiến, thoái, tồn, vong nhưng không đánh mất sự trung chính, chỉ có thánh nhân mà thôi!» (Tri tiến thoái tồn vong, nhi bất thất kỳ chính giả, kỳ duy thánh nhân hồ!). Tất cả những lời này đều nói ý nghĩa của thời trung vậy.” (Huệ Đống惠棟, Dịch Thượng Thời Trung Thuyết 易尚時中說)
Kình 鯨: cá voi. Ngạc 鰐(鱷): cá sấu. Giao long 蛟龍: thuồng luồng, được xem như một loại rồng.
Sinh súc 生畜: sinh ra và nuôi dưỡng.
Hòa quang hỗn tục 和光混俗: Lão Tử (chương 56): “Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần.” 和其光, 同其塵 ([Thánh nhân] làm dịu ánh sáng của mình và hòa đồng với bụi bặm của thế tục). Hỗn tục tức là đồng kỳ trần. Đó là chủ trương thao quang, hối tích, ẩn thánh, hiển phàm (che bớt ánh sáng, làm mờ dấu tích, che dấu vẻ thánh, làm lộ nét phàm) của chân nhân; cũng là nội dung bức tranh chăn trâu thiền tông thứ 10: thuỳ thủ nhập triền (thõng tay vào chợ).
Từ xưa viết là dèo (cách thế, bộ tịch). Lựa dèo: lựa chọn cách thế.
Hữu cầu tắc ứng, hữu thành tắc thông 有求則應, 有誠則通: có khẩn cầu thì ắt được đáp ứng; có lòng thành thì ắt được hanh thông.
Nhiệt tâm 熱心: lòng hăng hái.


SẼ ĐĂNG TIẾP 4 BÀI HTTG CÁC THÁNG 5 - 6 - 7 -8
____________________________
CƠ QUAN PTGL ĐẠI ĐẠO

Tà thần thấy người đang dục vọng,
Đã tu hành còn mộng mị huyền,
Thừa cơ khuyến dụ rủ ren,
Thiêu thân đành phải vì đèn lụy thân.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây