Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
24/09/2016
Một số tác giả

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 25/09/2016

BÀI VIẾT VỀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠO CAO ĐÀI

CÁC BÀI VIẾT VỀ ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
Và tài liệu liên quan để tham khảo, đối chiếu


CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠO CAO ĐÀI (tài liệu để tham khảo)

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) hay đạo Cao Đài khai minh vào đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam đã mở ra một kỷ nguyên cứu độ mới và là một sự kiện vô cùng trọng đại và hy hữu trong lịch sử nhân loại từ khai thiên lập địa đến nay trên quả địa cầu nầy. ĐĐTKPĐ xuất hiện trong bối cảnh cuối thời Hạ nguơn Mạt kiếp, nhân loại ngày càng tiến bộ vượt bực về mặt trí năng nhưng ngày càng mờ nhạt về mặt tâm linh.

Chúng ta đều biết rằng các nền chánh giáo khải thị cho nhân loại đều do các bậc giáo chủ là các sứ giả của Đức Thượng Đế đến thế gian lập giáo cứu độ nhân sanh theo từng thời kỳ và địa phương khác nhau; tất yếu sẽ có những dị biệt về mặt hình thức bên ngoài như nghi thức thờ phượng, tổ chức hội thánh, v.v., còn điểm cốt lõi bên trong của các tôn giáo đều có cùng một lý duy nhất là “vạn giáo nhất lý”, do tất cả các tôn giáo đều có cùng một nguồn gốc là Thượng Đế hay Đạo. Mục đích của tôn giáo, suy cho cùng, cũng không ngoài thế đạo đại đồng và thiên đạo giải thoát. Các tôn giáo thuộc về Thánh Đạo chú trọng mục đích thế đạo đại đồng nhưng cũng hàm chứa phần Thiên đạo giải thoát. Các tôn giáo thuộc về Tiên Đạo và Phật Đạo chú trọng đến Thiên đạo giải thoát, nhưng cũng không bỏ qua mục tiêu thế đạo đại đồng.

Mục đích và đối tượng cứu độ của ĐĐTKPĐ hoàn toàn giống với các tôn giáo trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ phổ độ. Tuy nhiên, ĐĐTKPĐ được Đức Thượng Đế khai minh cuối thời Hạ nguơn Mạt kiếp phù hợp với căn trí chúng sanh được gọi là Tân pháp, trong khi các tôn giáo trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ Phổ độ được gọi chung là Cựu pháp. Đây chính là điểm khác biệt căn bản giữa đạo Cao Đài và các tôn giáo khác.

Tuy nhiên, do tôn chỉ của đạo Cao Đài là “Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhứt”, nên nhân sanh thường suy diễn rằng đạo Cao Đài tổng hợp giáo lý của Tam giáo là Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo. Trong buổi ban đầu, người ta cho rằng đạo Cao Đài là “Phật giáo canh tân”. Có người cũng nói rằng đạo Cao Đài chỉ là một tôn giáo “vay mượn” hoặc “tổng hợp” từ các tôn giáo khác, chứ không có điểm gì mới hoặc đặc biệt cả. Những sự nhận định nêu trên chỉ là phiến diện và ngộ nhận mà thôi.

Chúng ta có thể nêu lên một số đặc điểm của đạo Cao Đài như sau:

1. Cơ lập giáo
Đức Thượng Đế đã sử dụng thần cơ diệu bút để khai mở nền ĐĐTKPĐ với đầy đủ trụ tướng của một tôn giáo như: Hội Thánh, Tân Luật Pháp Chánh Truyền, kinh điển, thánh ngôn thánh giáo, nghi thức thờ phượng, chánh trị đạo, v.v. Cơ lập giáo của Đức Thượng Đế bắt đầu từ hữu hình rồi dần dần đi đến chỗ vô vi nhằm bảo tồn cơ Đạo trường tồn cho đến thất ức niên (700.000 năm). Kinh Đại Thừa Chơn Giáo đã minh giải rất chi tiết lý nhiệm mầu của cơ lập giáo:
“Còn Đạo Thầy lại trái hẳn với Tam Giáo là bắt đầu truyền Đạo thì dụng hữu hình, lấy sắc tướng, âm thinh mà độ đời một cách lẹ làng, mau chóng. Vả lại Đạo Thầy bắt đầu do chỗ hữu hình mà truyền bá, rồi lần lần mới dẹp hết chỗ hữu hình mà đi đến chỗ vô vi, là cơ siêu phàm nhập thánh. Vậy thà trước dụng cơ hữu hình để phổ hóa cho cơ Đạo sẽ lưu thông, rồi cứ đó mà dắt dẫn cho nó tấn hóa mãi trên đường cao thượng, riết đến chỗ hư không tức là vô vi thì đạo pháp mới phát minh, cơ diệu lý huệ tâm ứng lộ; thế là Đạo Thầy không hư hoại đặng. Mà không hư hoại đặng là nhờ ở chỗ hữu hình đi riết đến tận vô vi. Còn Tam Giáo xưa lại từ vô vi mà lần sa sút xuống hữu hình mới thành đạo bế, rồi sai lầm ra ngoại giáo bàng môn.

Mà Thầy lập giáo kỳ này lại trái hẳn với nền cổ Đạo. Thầy chỉ dùng cái huyền cơ bí pháp mà truyền Đạo khắp dân gian. Thầy đem chơn pháp diệu huyền trao cho người luyện thành chánh giác thì phản bổn huờn nguyên. Thầy dùng huyền diệu cơ bút để hoằng khai cơ quan vô vi Đại Đạo. Thầy nhứt định không giao Thánh giáo cho tay phàm nữa, vì trước kia Tam giáo thất chơn truyền là cũng bởi Thánh giáo ở trong tay phàm, nên các con canh cải làm sai lạc pháp linh.

Vậy Thiên thơ Thầy định ngày nay lập giáo như vầy:

1) Trên là dùng huyền diệu thiêng liêng mà bảo tồn cơ Đạo.

2) Dưới để tự Thầy định mới có thể chuyển hóa nổi nhơn tâm, đủ sức thần thông, vận hành Chơn giáo, chớ nếu Thầy mà mượn xác thịt nặng nề thì làm sao biến hóa thiên hình vạn trạng mà phổ độ chúng sanh cho mau chóng nổi sôi, rần rộ được, chớ dùng huyền cơ bí pháp tất có thể lưu thông nháy mắt khắp mọi nơi.”

2. Giáo chủ & chánh pháp
Giáo chủ của ĐĐTKPĐ là Đấng vô hình, là Thượng Đế, trong khi giáo chủ các tôn giáo lại là các Đấng hữu hình, sứ giả của Thượng Đế giáng trần giáo đạo.

“Sự bắt đầu từ chỗ khởi điểm tới Khai Minh để hình thành một thánh thể, một thực tướng phổ độ nhơn sanh. Đó là một việc làm từ ngàn xưa đã có, nhưng có khác ở chỗ là Đấng Giáo Chủ trong thời kỳ ân xá nay là Đấng vô hình hay Chí Tôn Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Hơn nữa, về hình thức tổ chức cũng có một sắc thái tổng hợp đại đồng quy nguyên. Đó là thánh ý Thiên cơ mà mỗi người Thiên ân hướng đạo phải tự tìm hiểu mới thông suốt lẽ huyền nhiệm ấy.

Chính Đức Chí Tôn mở đạo bằng huyền linh thiên điển mà không giao chánh pháp cho tay phàm. Chư Thiên ân nên lưu ý điều đó.”

Hơn thế nữa, Đức Thượng Đế giáng trần khai mở ĐĐTKPĐ với sự phò tá của các bậc giáo chủ các tôn giáo và chư Phật, Tiên, Thánh, Thần nơi cõi thiêng liêng hằng sống.

“Thượng Đế đến khai minh Đại Đạo đã là một hi hữu, mà vấn đề hoát khai Đại Đạo để cứu độ vạn linh là một hi hữu khác.”

Đức Thượng Đế giáng trần dùng cách xưng rất thân thiết và gần gũi. Ngài xưng là THẦY và con người nơi thế gian là “các con”. Ngài không thể hiện uy quyền của bậc Chúa tể càn khôn thế giới, mà là một người Cha nhân từ và độ lượng.

Chánh pháp của ĐĐTKPĐ do chính Đức Thượng Đế trực tiếp nắm giữ chứ không giao cho người thế gian như trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ phổ độ. Bởi lẽ, chánh pháp có thể bị sai lạc nếu truyền trao cho người thế gian và cơ cứu độ thời Mạt kiếp vô cùng lớn lao cho toàn cả thế giới nhân loại.

Do đó, có thể nói đạo Cao Đài mang một nét đặc trưng là “Đạo vô vi, Sư vô vi”.
Đạo vô vi chí tôn chí trọng.
Sư vô hình chưởng thống chơn cơ,
Hoằng khai chánh pháp kịp giờ,
Cứu an sanh chúng trong cơ sảy sàng.

3. Sứ mạng qui nguyên

Trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ phổ độ, tiến trình vận hành của cơ cứu độ là từ Đại Đạo phát sinh ra Tam giáo Đạo gồm: Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo. Đến Tam kỳ phổ độ, nhằm chấm dứt chu kỳ của vũ trụ, hoàn mãn cơ cứu độ, Tam giáo Đạo trở về cùng Đại Đạo. ĐĐTKPĐ thực hiện sứ mạng qui nguyên đó. Đây chính là một trong những đặc điểm rất quan trọng của ĐĐTKPĐ.

Do đó, tôn chỉ của đạo Cao Đài là: Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhứt. Tam Giáo Đạo gồm Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo, tất cả các tôn giáo trên thế gian đều tương ứng trong Tam Giáo Đạo. Thí dụ: Thánh Đạo gồm: Khổng giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo; Phật Đạo gồm: Bà La Môn giáo, Thích Ca giáo, Pythagore.

"Ngày nay, Thầy đến đây, đem ba nền tôn giáo hiệp nhứt lại, tạo một tòa lớn lao để đời đời kiếp kiếp cho nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơn nạn khổ thảm sầu.”

Ngũ chi Đại Đạo gồm: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo. Ngũ chi Đại Đạo là năm nấc thang mà con người tu tiến từ thấp lên cao. Trong đạo Cao Đài, Đức Phật Thích Ca đại diện Phật đạo, Đức Lý Thái Bạch Đại Tiên Trưởng đại diện Tiên đạo, Đức Chúa Jésus đại diện Thánh đạo và Đức Khương Thái Công đại diện Thần đạo.

4. Hình thức tổ chức

Hình thức tổ chức bao gồm: Tổ chức Hội thánh, giáo lý, nghi lễ, v.v. có đặc điểm tổng hợp Tam Giáo Đạo gồm: Phật Đạo, Tiên Đạo và Thánh Đạo.

Tổ chức hội thánh ĐĐTKPĐ gồm hệ thống Tam đài là Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Một cách khái quát, Bát Quái Đài thuộc phần vô hình, là nơi Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng ngự trị để điều hành guồng máy Thiên cơ, cai quản toàn cả vũ trụ càn khôn thế giới, và trực tiếp điều hành nền ĐĐTKPĐ. Hiệp Thiên Đài là cơ quan thực hiện chức năng thông công bằng phương tiện cơ bút giữa Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng với con người và ngược lại. Cửu Trùng Đài thuộc phần hữu hình, là nơi thực hiện mối quan hệ cứu độ giữa con người và con người tại chốn nầy. Hệ thống Tam đài chính là Thánh thể của Đức Chí Tôn tại thế gian.

“Thánh thể của Đức Chí Tôn gồm có ba phần: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Ba đài hiệp lại thành một Thánh thể chung. Thánh thể hữu hình tượng trưng cho guồng máy Đại Đạo xoay vần trong Càn Khôn thế giới. Vì nếu hầu hết con người trên thế gian đều chấp nhận cái hình thức Thánh thể ấy để đạt được cái lý siêu nhiên của Trời, của Đạo, gìn giữ được những bửu vật cố hữu của con người muôn thuở, thì Càn Khôn sẽ được an tịnh, thế giới sẽ được an ninh, phong hòa võ thuận, thế giới an khương.”

Có thể nói Bái Quái Đài tượng trưng cho phần Thiên, Cửu Trùng Đài thuộc phần Nhơn, còn Hiệp Thiên Đài giữ chức năng nối liền giữa phần Thiên và Nhơn. Vì thế, Hội thánh ĐĐTKPĐ mang tính thiên nhân hiệp nhất.

Chức sắc Cửu Trùng Đài có 9 bực từ thấp lên cao tương ứng với 9 phẩm Thần Tiên nơi cõi Vô Hình: Đạo Hữu (Địa Thần), Thông Sự/ Phó Trị Sự/ Chánh Trị Sự (Nhơn Thần), Lễ Sanh (Thiên Thần), Giáo Hữu (Địa Thánh), Giáo Sư (Nhơn Thánh), Phối Sư/ Chánh Phối Sư (Thiên Thánh), Đầu Sư (Địa Tiên), Chưởng Pháp (Nhơn Tiên) và Giáo Tông (Thiên Tiên). Phẩm Giáo Tông chưởng quản Cửu Trùng Đài chỉ có một vị, các phẩm chức sắc khác từ Chưởng Pháp đến Lễ Sanh chia làm ba phái là Thái, Thượng và Ngọc tương ứng với Tam giáo lần lượt là Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo.

Giáo lý ĐĐTKPĐ mang tính chất dung hòa tổng hợp giáo lý Tam Giáo Đạo nói riêng, giáo lý các nền chánh giáo nói chung. Như đã nêu trên, các tôn giáo thuộc Thánh Đạo chú trọng phần nhơn sinh nhằm xây dựng thế đạo đại đồng, còn các tôn giáo thuộc Tiên Đạo và Phật Đạo chú trọng phần tâm linh nhằm thực hiện thiên đạo giải thoát.
“Riêng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có khác ở chỗ sơ khai và lập thành qui luật giáo điều trong một tính chất dung hòa tổng hợp giáo lý cổ kim.”

Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã xác tín:

“Tục ngữ có câu: có bột mới gột nên hồ. Những tư tưởng dung hòa Tam Giáo từ xưa đã là những nền tảng của bột để sang đến thời kỳ này Đức Chí Tôn mới thị hiện để làm nên hồ, có đầy đủ một hệ thống giáo lý căn bản không sót từ xưa, chẳng những từ cổ tới kim mà còn từ Đông sang Tây nữa. Điểm phong phú dồi dào sinh lực tinh thần ở thời kỳ Hạ Nguơn này là như thế. Tam Giáo, Tứ Giáo và cả vạn giáo nữa để góp thành một tân tôn giáo mệnh danh là Cao Đài giáo hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.”

Kinh điển và thánh giáo ĐĐTKPĐ do Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng trực tiếp giảng dạy qua phương tiện cơ bút, dùng ngôn ngữ tiếng Việt làm chánh tự truyền giáo. Đây cũng là một đặc điểm rất nhiệm mầu của Đại Đạo. Lại nữa, kinh điển và thánh giáo do Ơn Trên truyền dạy bằng phương tiện cơ bút nên chỉ cần trong một thời gian rất ngắn chưa đến 50 năm mà đã có một khối lượng kinh sách đồ sộ. Tốc độ ban truyền kinh điển thánh giáo nhanh chóng như thế mới có thể đáp ứng với tốc độ phát triển như vũ bão của nhân loại trong thời đại tân tiến hiện nay.

Ngoài ra, các Đấng Thiêng Liêng đã minh giải các chủ đề đạo học khúc chiết của Tam giáo đạo bằng cách diễn tả giản dị nhưng rất sâu sắc, giúp chúng ta thấu hiểu giáo lý Tam Giáo Đạo. Chúng ta có thể tham khảo một ví dụ về lý sắc không của đạo Phật được Ơn Trên lý giải rất đơn giản nhưng không kém phần thâm sâu.

Chấp không chấp có thiên tà,
Lìa không, bỏ có cũng là bàng môn.

5. Tân pháp Cao Đài

Như đã trình bày, pháp môn của ĐĐTKPĐ được gọi là Tân Pháp ĐĐTKPĐ hay còn gọi là Tân Pháp Cao Đài. Đây là pháp môn đại ân xá, phù hợp với căn trí của chúng sanh trong thời đại hiện nay.

“Tân Pháp Cao Đài là pháp môn Đại ân xá, là nấc thang cuối cùng trong kỳ mạt pháp để cứu nhân sanh. Người biết giác ngộ nhập cảnh vô vi sẽ được siêu thoát, kẻ biết hồi đầu hướng thiện chưởng duyên lành vào đời thánh đức khỏi đọa tam đồ hay tán khôi trần sau Hội Long Hoa.”

Tân pháp Cao Đài được phổ cập cho tín đồ Cao Đài đã trọ trì thập trai (ăn chay 10 ngày) trở lên theo qui định của Tân Luật.

Trong hàng hạ thừa, ai giữ trai kỳ từ mười ngày sắp lên, được thọ truyền bửu pháp, vào tịnh thất có người chỉ luyện đạo.”

Đây chính là một đặc điểm nổi bật của ĐĐTKPĐ. Bởi lẽ, theo Cựu pháp, hành giả muốn học đạo giải thoát buộc phải hội đủ nhiều điều kiện rất khó khăn như: trường chay tuyệt dục, minh sư, v.v. Đức Phục Đức Tôn Thánh đã so sánh về điều kiện thọ pháp và hành pháp giữa hành giả xưa và nay như sau:

Người xưa tầm đạo luyện tu,
Non cao rừng thẳm mịt mù xa xôi,
Muốn cầu giải thoát luân hồi,
Biết bao khổ hạnh vị ngôi mới thành.
Thời kỳ ân xá sẵn dành,
Cao Đài Tân Pháp chúng sanh thoát nàn.

Hơn nữa, Ơn Trên luôn hộ trì cho từng hành giả trong quá trình tu luyện để có thể thành công, được Đức Chí Tôn điểm đạo. Xin được nêu lên một ví dụ để minh họa và đây cũng là một trường hợp rất hi hữu.

“Vừa rồi Đức Đông Phương Chưởng Quản phải đến Đâu Suất Cung hữu sự, có nhờ phần việc dạy pháp nầy cho Lão. (…) Vậy chư đệ muội đã thọ pháp hãy đồng ngồi lại, tất cả công phu một giây cho Lão xem. (…) Phải từ từ, chẳng nên phóng tâm. Sắc diện phải tươi lên như sắp được một việc vui mừng. Thôi được rồi. Mặc dầu chư hiền đệ chưa niệm hết bài chú, nhưng cái thể đã biểu lộ trong sự công phu của chư hiền ở thời gian qua.”

Do trình độ chúng sanh phát triển vượt bực về phần hậu thiên trong thời Hạ nguơn Mạt kiếp nên cựu pháp không còn thích hợp nữa . Tân pháp Cao Đài mang tính khế cơ nên phù hợp với căn trí của chúng sanh trong thời khoa học phát triển tân tiến này. Đức Đông Phương Chưởng Quản xác nhận:

“Như thời hiện tại vật chất thạnh cường, tinh thần băng hoại, hậu thiên hữu dư, tiên thiên bất túc, không thể dùng trọn vẹn cựu pháp kỳ bí để chế hãm được phàm tâm, nên phải đem phương pháp tùy căn trí mà truyền. Đạo đã xa lạc hậu thiên, phải có phương pháp chế hậu thiên để huờn phản tiên thiên. Nhưng phương pháp đối trị vô vi của các bậc Giáo chủ là căn trí cao dày, hàng phàm phu bị giam hãm trong thời suy vong đọa lạc này, không thể theo đó mà tu luyện nổi, nên phải cần các phương tiện thiết yếu hơn.”

6. Thiên nhân hiệp nhất

Đức Thượng Đế đã ban cho con người một đặc ân vô cùng lớn lao là cùng chung trách nhiệm thực hiện sứ mạng của ĐĐTKPĐ với các Đấng Thiêng Liêng nơi cõi Vô hình. Chính sự cộng thông sứ mạng giữa con người và Thượng Đế đã tạo ra một năng lực cứu độ vô cùng lớn lao, bởi lẽ đó chính là yếu tố Thiên nhân hiệp nhất. Một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử cứu độ từ xưa đến nay là một sự gần gũi thiêng liêng giữa hai cõi sắc không vô cùng sâu sắc.

“Một sứ mạng chia hai đoàn người u hiển sắc không. Các em đã hiểu rồi, đã biết rồi, hữu hình mới phục vụ cho hữu hình, vô vi là tác năng của tiềm lực trí tuệ. Có hữu không vô ví như có hình vật mà không có cơ năng linh hoạt, có vô không hữu khác nào bốc gió chốn hư không, xây lâu đài trong mộng ảo, bởi vì rễ có sâu thì gốc mới vững, cây có tàn lớn thì hoa trái mới sum sê.”

Đức Lý Thái Bạch Đại Tiên Trưởng đã đảm nhiệm quyền hành Giáo Tông vô vi Hội thánh ĐĐTKPĐ, Đức Quảng Đức Chơn Tiên (nguyên Tổng Lý Minh Đạo Huệ Lương khi cỏn tại thế) tiếp tục trách nhiệm Tổng Lý Minh Đạo vô vi tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, v.v. Sứ mạng đối với Đạo dù ở cõi vô hình hay nơi thế gian vẫn song hành, không phân biệt. Nhân kỷ niệm 60 năm Khai minh Đại Đạo, Đức Giáo Tông đã bộc bạch tâm tư của Ngài.

“Nhắc đến sứ mạng đối với Đạo, bản thân Bần Đạo đòi phen tủi hổ với Đức Chí Tôn. Sáu mươi năm hành đạo tuy kết quả có đôi phần, nhưng chưa đối xứng với cơ tận độ Kỳ Ba, với muôn ngàn nhân sinh còn lặn hụp trong trần thế.”

Ngoài ra, sứ mạng Tam kỳ Phổ độ luôn là sự nối tiếp xuyên suốt nơi trần thế và cõi Vô hình. Điều nầy có nghĩa là khi con người từ giã cõi trần và hội đủ điều kiện chứng quả nơi cõi vô sanh bất diệt, vẫn tiếp tục sứ mạng thiêng liêng cao cả trong Tam kỳ Phổ độ. Thật vậy, Chư vị Tiền Khai Đại Đạo đã khai sáng trụ tướng nền Đại Đạo từ đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, đã trở về phục lịnh Đức Chí Tôn, vẫn đang tiếp tục gánh vác sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ.

“Thật sự, chúng Tiên huynh là những ánh thần quang bàng bạc bao la trên dải sơn hà cẩm tú này với sứ mạng của dân tộc được chọn và đang hiện diện cùng chư hiền, cùng các em đây.”

Đây cũng chính là yếu tố thiên nhân hiệp nhất vô cùng thiêng liêng mầu nhiệm vậy.

7. Vai trò của Nữ phái

Có thể nêu lên một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các tôn giáo là Nữ phái được giữ các trọng trách trong Hội thánh như Nam phái (Ngoại trừ hai phẩm Giáo Tông và Chưởng Pháp trong Cửu Trùng Đài chỉ dành cho Nam phái). Ngay từ buổi đầu khai Đạo, Đức Chí Tôn đã truyền dạy Nữ phái.

“Đường Thị! Thầy giao phe nữ cho con lập thành. Chẳng phải vì đờn bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài. Phần các con truyền Đạo kỳ phổ độ nầy cũng lắm nặng nề, bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ; Nam biết thành Tiên Phật, chớ Nữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả Nam và Nữ, mà phần nhiều Nữ lấn quyền hơn Nam rất nhiều. Vậy con phải tuân lịnh Thầy mà lập thành Nữ phái. Nghe và tuân. Thầy hằng ở bên con, lo chung cùng con, con chớ ngại.”

Theo Pháp Chánh Truyền, Nữ Phái ĐĐTKPĐ được công cử đến phẩm vị Đầu Sư.

“Đầu Sư Nữ phái chịu công cử theo luật Hội Thánh ban hành, theo luật Hội Thánh phân xử về đường Đời và đường Đạo.”

Có một điểm rất đặc biệt là chức sắc Nữ phái thuộc phẩm Giáo Hữu, Giáo Sư và Phối Sư không hạn chế về số lượng và không chia ra ba phái Thái, Thượng và Ngọc (chức sắc phẩm Đầu Sư và Chánh Phối Sư Nữ phái chỉ có 1 vị); trong khi chức sắc Cửu Trùng Đài Nam phái phẩm tương ứng có qui định số lượng chức sắc cụ thể (3.000 vị Giáo Hữu, 72 vị Giáo Sư và 36 vị Phối Sư) và chia ra ba phái.

Nữ phái ĐĐTKPĐ đã góp phần rất to lớn trong cơ cứu độ kỳ Ba.

8. Các phép bí tích ĐĐTKPĐ

Các phép bí tích trong Đại Đạo TKPĐ áp dụng cho tín đồ Cao Đài có đặc điểm là đều thuộc về Tân pháp Đại Đạo nên sẽ mang đến kết quả cứu độ nhất định theo luật Đại ân xá kỳ Ba. Có bảy phép bí tích thuộc hai lãnh vực độ sanh và độ tử: (1) Phép tắm thánh, (2) Pháp giải oan, (3) Phép hôn phối, (4) Phép giải bệnh, (5) Phép xác, (6) Phép đoạn căn và (7) Phép độ thăng.

9. Đại ân xá kỳ Ba

Đại ân xá kỳ Ba là một đặc ân chung trong thời kỳ cuối Hạ nguơn Mạt kiếp, chớ không áp dụng riêng cho môn đệ Cao Đài. Bỡi lẽ, luật công bằng của Đức Chí Tôn áp dụng cho toàn thể con cái của Ngài nơi cõi thế, bất luận có tu hoặc không tu, bất luận theo tôn giáo nào.

“Ngày nay trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, không riêng một quốc gia, xã hội, chủng tộc nào, vẫn được những hồng ân đại xá của Đức Chí Tôn chan rưới.”

Người môn đệ Cao Đài rất hữu duyên được Đức Chí Tôn ban truyền cho Tân Pháp Cao Đài, con đường ngắn nhất để có thể thành công chứng quả. Lại nữa, nhờ luật Đại ân xá kỳ Ba nên con đường trở về cùng Đức Chí Tôn được thâu ngắn rất nhiều do công quả được nhân hệ số Ba.

“Thời đại ân xá, ai tu cũng có thể được đắc quả. Một việc làm thiện dầu nhỏ nhen đến thế ,mấy đi nữa cũng vẫn là việc thiện và được ghi ở hệ số BA. Trái lại, việc ác dầu cho nhỏ đến thế mấy đi nữa cũng vẫn là việc ác.”

Cho nên, với Tân Pháp Cao Đài và Đại ân xá kỳ Ba, người tín hữu Cao Đài có thể rút ngắn con đường tiến hóa của mình chỉ trong một kiếp thay vì phải trải qua vô lượng kiếp. Thật vậy, trong điều kiện tiến hóa bình thường, con người nơi quả địa cầu 68 nầy sẽ tiến hóa lên quả địa cầu 67, rồi từ đó lần lượt tiến hóa lên quả địa cầu thứ nhứt; sau đó tiếp tục chuyển sang 3.000 thế giới; rồi mới đến Tứ đại Bộ châu (4 châu lớn); chặng dừng chân cuối mới là Tam thập lục thiên (36 tầng Trời). Thông thường con người phải trải qua khoảng 90.000 kiếp mới có cơ hội trở về quê cũ nơi cõi Trời. Vì thế, có thể nói Đại ân xá kỳ Ba là cơ hội VÀNG, và thậm chí còn rất nhiều lần hơn thế nữa, để con người có thể rút ngắn tối đa con đường tiến hóa của mình trong MỘT kiếp duy nhứt mà thôi.

Kỳ ân xá ngập tràn duyên phước,
Một kiếp tu mà được đắc thành,
Thoát vòng hệ lụy tử sanh,
Nghiệp xưa trả dứt, quả lành kết tinh.

Tạm Kết

Đức Thượng Đế Chí Tôn vì lòng đại từ đại bi đã đến đất nước Việt Nam nhỏ bé nầy bằng huyền diệu cơ bút khai mở nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay đạo Cao Đài để cứu độ nhân loại. Đây là một sự kiện vô cùng hi hữu trong lịch sử cứu độ tự cổ chí kim.

“Tam Kỳ Phổ Độ là một giai đoạn quan trọng trên lịch sử diễn tiến của nhân loại trong kỳ Hạ Nguơn. Đây là thời kỳ có một không hai trong quá trình tiến hóa tâm linh nhân loại, vì được diễm phúc hồng ân lớn lao duy nhất: Thượng Đế giáng trần lập đạo, cứu độ và tận độ nhân loại.”

Khai minh Đại Đạo tại trần gian, Đức Thượng Đế cùng với các sứ giả của Ngài là các bậc Giáo Chủ đã đến thế gian trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ Phổ độ, thực hiện sứ mạng qui nguyên nhằm đưa Tam Giáo Đạo trở về nguồn gốc Đại Đạo lúc khởi nguyên. Mặt khác, toàn bộ hệ thống giáo lý Cao Đài mang tính dung hòa tổng hợp giáo lý của Tam Giáo Đạo.
Đức Thượng Đế đã thị hiện Thánh thể của Ngài tại trần gian qua trụ tướng của Hội thánh ĐĐTKPĐ là Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài. Hình thức tổ chức Tam đài đã thể hiện rõ nét đặc tính Thiên nhân hiệp nhứt.

Nhằm thực hiện sứ mạng cứu độ toàn nhơn loại trên quả địa cầu nầy, Đức Thượng Đế đã truyền trao chánh pháp Đại Đạo, là Tân pháp Cao Đài, là pháp môn Đại ân xá, là bánh thật để con người có thể thực chứng đạo giải thoát tại chốn nầy và siêu xuất thế gian. Thầy còn ban Luật đại ân xá kỳ Ba nhằm giảm bớt tội lỗi và tăng hệ số công quả lên gấp ba lần để tạo điều kiện dễ dàng nhứt cho con cái của Ngài có thể “Một kiếp tu mà được đắc thành”.

Dân tộc Việt Nam rất hữu duyên được Đức Thượng Đế chọn với vai trò là hạt nhân ban đầu để hợp tác và cộng thông cùng các Đấng Thiêng Liêng nơi cõi Vô Hình thực hiện tôn chỉ và mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nơi quả địa cầu nầy.

Thuyết minh tại Hội Trường CQPTGL ngày mùng Một tháng 6 Canh Dần (12-7-2010)
THIỆN HẠNH

___________________________________

Những đặc điểm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ


ĐẶC ĐIỂM ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Tóm lược)

Thánh giáo có viết: “Thượng Đế đến khai minh Đại Đạo đã là một hi hữu, mà vấn đề hoát khai Đại Đạo để cứu độ vạn linh là một hi hữu khác.” . Đương nhiên, ĐĐTKPĐ trong quá trình Khai Đạo, Tổ chức nền Đạo, truyền Đạo với Tôn chỉ Mục đích của Đạo đều có những đạc điểm so với các tôn giáo được sáng lập trong thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
Do đó, người tín hữu Cao Đài cần nắm vững những đặc điểm ấy để có đức tin vững vàng đồng thời hành đạo tự độ độ tha đúng theo Chơn Truyền Đại Đạo mới thành công đắc quả.
Sau đây, là một số suy nghĩ của người viết về những “Đặc điểm của ĐĐTKPĐ” mà trong thời gian gần đây đã có nhiều đạo hữu thảo luận khá rốt ráo. Có thể đây chỉ là sự bày tỏ nhất trí với những gì mà quí HTĐM đã từng đề cập.

1. Đức Chí Tôn Thượng Đế xưng danh “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát” là Giáo chủ trực tiếp khai Đạo và dạy Đạo trong TKPĐ, do chủ định của Ngài trong thời Hạ Ngươn Tam Kỳ Phổ Độ này Ngài không giao Chánh pháp cho tay phàm nữa. Ngài phán: “Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh Thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Ðảo.” TNHT,Q 1: 24 Avril 1926

2. ĐĐTKPĐ được sáng lập, tổ chức Hội thánh, ban bố kinh điển, truyền đạo bằng huyền diệu cơ bút. Thầy dạy: “Trong thời kỳ Hạ Nguơn, chính mình Thầy dùng khí Hư Vô trực tiếp hữu hình đến thế gian để dẫn dắt thâu hồi những điểm linh quang Thầy đã cho đến trần gian trở về khối Đại linh quang” (Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ (08-02-1967).

3. Cơ Đạo của ĐĐTKPĐ là “Cơ Qui nguyên” do Qui luật “Tuần hoàn châu nhi phục thỉ” hay “Nhất tán vạn, vạn qui nhất” của vũ trụ, tương ứng với thời Hạ ngươn sau Thượng ngươn và Trung ngươn. Nên có tôn chỉ “Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhất”

4. Nguyên tắc mở Đạo, hành Đạo, và thực hành đạo pháp của ĐĐTKPĐ là “Thiên nhân hiệp nhất”.
“ Thượng Đế từ trên cõi mịt mù,
Người đời thiện nguyện dốc lo tu;
Tạo cơ cảm ứng Thiên nhơn hiệp,
Để có thông công, có tác thù.”
( Vạn Hạnh Thiền Sư,Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 22 tháng 7 Tân Hợi (11-9-71))

5. Đường lối cứu độ của ĐĐTKPĐ là khai phóng Nhân bản, nhìn nhận con người là chủ thể “tối linh”, đồng bản thể với Thượng Đế Đại Linh Quang, có khả năng tiến hóa vô hạn. Về mặt nhập thế góp phần xây dựng thế giới văn minh hòa bình; về mặt xuất thế trở về hội nhập cùng Thượng Đế.
Thế nên, Đức Chí Tôn đã phán định: “Thầy là các con, các con là Thầy” (TNHT, Q 1, Jeudi 22 Juillet 192913 Tháng Sáu Bính Dần)

6. Mục đích ĐĐTKPĐ có tính toàn diện cả hai mặt nhân sinh (sự sống đời) và tâm linh (sự tiến hóa của linh hồn), tức “Thế đạo đại đồng, thiên đạo giải thoát”

7. Thiên nhãn là là “bí tích” của Đạo Cao Đài. Là nơi Thần của Thượng Đế phóng phát để tín đồ hiệp thông với Ngài. Thầy dạy: "Các con hiểu Thần cư tại Nhãn; bố trí cho chư Ðạo-hữu con hiểu rõ. Nguồn-cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó. Thầy khuyên con mỗi phen nói Ðạo hằng nhớ đến danh Thầy.”(Thánh giáo 25 Fevrier 1926,TNHT, Q1, TT.Tây Ninh,)

8. Nguyên tắc của Tân pháp Cao Đài về mặt tu luyện là “hoàn nguyên Chơn Thần”. TNHT viết: “Thầy đến đặng hườn nguyên Chơn-Thần cho các con đặng đắc Ðạo. (TNHT. Q1, 25-2-1926, sđd)

9. Sứ mạng ĐĐTKPĐ là ân sủng chung ban cho toàn thể nhân loại; bất cứ ai có đức tin nơi Thượng Đế, nơi Tôn chỉ Mục đích của Đại Đạo, đều mặc nhiên được tham gia vào Sứ mạng TKPĐ để tự độ, độ tha. Do TKPĐ là thời kỳ “tận độ” “đại ân xá”.

10. Giáo lý Đại Đạo là nền Giáo lý dung hòa tổng hợp giáo lý vạn giáo và văn hóa triết học Đông Tây:

“Thầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo,
Dụng huyền linh Đại Đạo vận hành,
Quyền Thầy hiệp cả vạn sanh;
Đông Tây kim cổ lập thành tương lai”

Trước xây đắp Cao Đài thánh đức,
Dụng Nam bang làm mức phong khai;
Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
Năm châu bốn bể hòa hài từ đây.”
(Đức Chí Tôn, CQPTGL, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 9 giờ đêm Rằm tháng 2 Quí Hợi (29.3.1983)

11. ĐĐTKPĐ đặc biệt chú trọng bình đẳng nam nữ giới về mặt phổ độ, về hàng giáo phẩm và pháp môn giải thoát. Ngay trong thời kỳ khai Đạo, nữ phái Cao Đài đã có chức sắc thiên phong đến cấp Chánh Phối Sư rồi Đầu Sư (chỉ dưới Giáo Tông và Chưởng Pháp)

12. Nguyên lý chung của Cơ Công truyền và Tâm truyền của ĐĐTKPĐ là Trung Đạo: Trong Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy dạy: “Ðạo Thầy là vô hình, vô dạng. Nhưng cái lý vô vi ấy cần phải nương với hữu hình (hồn hiệp xác), chẳng nên lấy cái CÓ mà bỏ cái KHÔNG, mà cũng chẳng nên gìn cái KHÔNG mà quên cái CÓ. Vậy thì «Có», «Không» phải đi cặp nhau. Như hột lúa, các con dùng đặng mà nuôi lấy thân thể ấm no là dùng cái hột gạo ở trong, chớ cái vỏ (trấu) ở ngoài các con dùng sao đặng. Nhưng các con muốn cho có hột gạo phải dùng luôn cái vỏ lúa đặng gieo xuống thì nó mới mọc lên, chớ nếu các con thấy không cần cái vỏ, rồi các con lột ra trụi lủi, còn hột gạo trơ trơ thì các con gieo sao cho nó nứt mộng đặng, các con!"

Vậy các con tu hành cũng y như lẽ đó.(ĐTCG,đàn tháng 9 Bính Tý (1936) Tôn Chỉ Đạo Cao Đài )

KẾT:
Thượng Đế đã đến, đạo pháp đã khai, thế pháp đã lập cho mục tiêu tận độ chúng sanh. Bất cứ ai ở thành phần nào, ở tôn giáo nào, dân tộc nào đều có thể tham gia vào sứ mạng Kỳ Ba bằng sự giác ngộ tâm linh trong căn cơ mình. Đức Đại Từ Phụ đang chan hòa Chơn Thần Ngài cho con cái Ngài, một sự thức tỉnh âm thầm nhỏ bé nào cũng tiếp nhận được ơn cứu độ của Ngài.

Đại Đạo khai minh tại địa cầu này với những đặc điểm của thời Hạ nguơn là cuộc hội tụ ánh từ quang của Thượng Đế, của các Đấng Thiêng Liêng với ánh linh quang giác ngộ của khắp cả chúng sanh làm sáng lên một góc vũ trụ. Đó là “ Vạn linh đã hiệp chí linh”. Một khi sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ đã hoàn thành thì cuộc Thiên nhân hiệp nhứt đó sẽ còn bừng sáng hơn nữa trong bầu Càn Khôn tràn đầy chân phúc.

08 – 12 - 2010
THIỆN CHÍ

_____________________


MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA CỦA ĐẠO CAO ĐÀI

Đinh Quang Tiến [1]

Đạo Cao Đài là tôn giáo do người Việt Nam sáng lập năm 1926 tại Tây Ninh nên mang đặc điểm văn hoá của cư dân Nam Bộ. Mục đích của Đạo Cao Đài nhằm đưa chân lý của các tôn giáo chân chính hướng dẫn con người sống có đạo đức, hoàn thiện hóa bản thân, xã hội và giải thoát linh hồn hướng tới một con người chuẩn mực, toàn diện, đạo đức, đoàn kết xây dựng xã hội hòa bình, an lạc. Đạo Cao Đài chủ trương tôn trọng tín ngưỡng của các tôn giáo và nêu nguyên lý chung của tôn giáo là đề cao đạo đức, lối sống nhân ái, thương yêu nhằm giác ngộ nhân loại toàn cầu. Với tư tưởng đó, chỉ trong một thời gian từ 1926 đến 1934, Đạo Cao Đài đã thu hút hàng triệu người nhập môn vào Đạo. Quá trình hình thành và phát triển của Đạo Cao Đài đã góp phần làm đa dạng, phong phú nền văn hoá Việt Nam.
Dưới góc nhìn văn hoá thì Đạo Cao Đài là một tôn giáo mang tính khoa học với các giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân Nam Bộ. Trong đó có 9 đặc điểm của Đạo Cao Đài được biểu hiện qua các giá trị văn hóa cụ thể là: tính toàn cầu trong tôn giáo, tính triết lý về quan điểm vạn giáo nhất lý, tính triết học trong nhân sinh quan, tính văn minh trong nghi lễ, tính chung thủy trong cuộc sống gia đình, tính dân chủ trong sinh hoạt, tính dân tộc trong lễ nhạc, tính văn hóa vật thể, và tính truyền thống trong việc nhập thế phụng sự nhân sinh.

1. TÍNH TOÀN CẦU TRONG TÔN GIÁO
Đạo Cao Đài là tôn giáo có tính toàn cầu được thể hiện ngay trong việc thờ Thiên nhãn, có nghĩa là mắt Trời, biểu tượng qua hình ảnh con mắt mở của con người để nhìn thấu rõ mọi việc ở thế gian. Điều này giúp con người phải trung thực trước hành động của mình, mọi sự vật, hiện tượng của sự sống đều được Thượng Đế biết đến, lương tâm và hành vi của con người luôn được soi xét mọi lúc, mọi nơi. Với đức tin có Đấng Thượng Đế Cao Đài, người tín đồ Cao Đài luôn luôn hướng thiện, tu chỉnh bản thân để sống đạo đức, thương yêu nhân loại. Mỗi người chúng ta dù ở bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trên địa cầu đều có con mắt để nhìn, để sống trong môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và đều trân trọng con mắt. Để thấy sự vật hiện tượng và có nhận thức, tư duy về các sự vật hiện tượng đó, con người cần đôi mắt để nhận biết. Như vậy, Thiên nhãn tượng trưng cho ánh sáng tỏa khắp vũ trụ, cho sự minh bạch, trung thực của con người. Đức Thượng Đế Cao Đài dạy rằng: “Thầy đến lập cho các con một nền chơn Đạo, tức là mỗi sự chi dối trá là chẳng phải của Thầy”[2]. Đồng thời Đức Thượng Đế Cao Đài cũng dạy rằng: “Người sống trên thế gian này dầu thuộc giống dân nào cũng chỉ có một cha chung mà thôi. Ấy là Trời, đang chế ngự số mạng của các con. Tại sao các con lại chia rẽ nhau vì sự bất đồng Đạo lý mà chính các con đều phải chung chịu đau khổ rửa tội của các con ở cõi thế gian này.” [3]

2. TÍNH TRIẾT LÝ VỀ QUAN NIỆM VẠN GIÁO NHẤT LÝ
Đạo Cao Đài quan niệm rằng các tôn giáo trên thế giới đều từ một gốc sinh ra, cùng thờ Đấng Thượng Đế Tối Cao tức là ông Trời, Ngọc Hoàng Thượng Đế, hay Đức Chúa Trời,... Đạo Cao Đài đã kế thừa và dung hòa những tư tưởng căn bản của các tôn giáo trên thế giới. Trên bàn thờ của Đạo Cao Đài có các Đấng Phật, Tiên, Thánh, Thần đại diện của các tôn giáo là Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo tượng trưng cho quan điểm Tam giáo đồng nguyên hay Vạn giáo nhất lý, tức là các tôn giáo đều có chung một chân lý để giác ngộ nhân loại toàn cầu hướng đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ của con người. Theo xã hội học thì “chân lý là những quan niệm về cái thật và cái đúng” [4]. Chân lý của các tôn giáo là những quan niệm về cái đúng của con người, để con người tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân tiến đến một con người hoàn hảo và từ đó xã hội sẽ trở thành xã hội đạo đức hoàn toàn. Điều này người tín đồ Đạo Cao Đài đã được Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy rằng: “Thầy sắp đặt một thực tướng Tam giáo cho các con hiểu rõ vạn giáo trên thế gian đồng nhất lý, ngõ hầu lập đời Thánh Đức sau hội Long Hoa.” [5]

3. TÍNH TRIẾT HỌC TRONG NHÂN SINH QUAN
Trong quan niệm về nhân sinh quan con người, Đạo Cao Đài cho rằng con người được Đức Thượng Đế tạo dựng nên con người có cùng chất liệu với Thượng Đế nên mang sự linh diệu, sáng suốt, trường tồn. Những sinh vật thấp hơn thì tùy theo sự tiến hóa mà có bản năng khác nhau. Nhân sinh quan Cao Đài có các điểm chính sau đây: Linh hồn con người là một siêu thực thể trường tồn bất diệt. Linh hồn kết hợp với thể xác tạo thành con người có sự sống hoàn hảo. Con người hoàn toàn có quyền tự chủ dìu dắt thiên lương của mình. Mỗi người phải được tự do sống theo tính phận của mình. Cõi trần là một trường học, con người là những học trò đang theo học trên trường đời. Số mạng và tương lai của con người không phải là một việc đã được an bài hay định trước bởi Thượng Đế, mà do nhân quả của mỗi người.
Đạo Cao Đài có tính triết học thể hiện việc sử dụng hiện tượng Thông linh học để sáng tạo ra một tôn giáo với nhiều yếu tố liên quan đến phong trào cơ bút, con người có thể và có khả năng giao cảm giữa người sống và người chết, nhưng không phải là mê tín dị đoan. Khoa học thế giới đã chứng minh sự hiện hữu của linh hồn trong mỗi con người, người chết rồi vẫn tồn tại linh hồn. Trong con người có ba thể: thể xác (hữu hình), chơn thần (bán hữu hình) và linh hồn (vô hình). Chơn thần làm trung gian cho thể xác và linh hồn và là điểm mới trong giáo lý của Đạo Cao Đài để lý giải các hiện tượng của con người từ vật chất đến tinh thần, từ hữu hình qua vô hình. Hiện nay, Đạo Cao Đài không sử dụng cơ bút nữa mà thay vào đó là việc tập thể chức sắc quyết định những việc quan trọng của Đạo bằng hình thức nhóm họp, bàn bạc, cùng thống nhất thể hiện sự dân chủ, bình đẳng của con người trong xã hội hiện đại.

4. TÍNH VĂN MINH TRONG NGHI LỄ
Đạo Cao Đài là một tôn giáo tiến bộ, văn minh. Trong sinh hoạt cúng lễ không dùng đồ xa xỉ, chỉ dùng toàn đồ mầu trắng, lễ phẩm dùng trái cây, hoa. Việc cúng tế vong linh tại các đàn lễ dùng toàn đồ chay. Lễ cầu siêu vong linh cho người tín đồ Cao Đài quy vị từ tuần cửu đến Đại tường (581 ngày) là mãn tang. Trong khi đó, theo phong tục Việt Nam để tang là 3 năm (1095 ngày) gấp đôi thời gian theo quy định của Đạo Cao Đài. Vì vậy, thời gian chịu tang của người Đạo Cao Đài rút gắn được một nửa và dành thời gian để làm ăn, sinh hoạt không nặng nề về việc sinh ly tử biệt. Tân luật quy định: “Việc cầu siêu vong linh trong tuần cửu cửu (81 ngày), tiểu tường (200 ngày) đến Đại tường (300 ngày) là mãn tang”.[6] Đạo Cao Đài không mê tín dị đoan, cấm kỵ việc dùng bói toán, đồng cốt, giết sinh vật tế lễ, không dùng vàng mã. Để dâng lên Đức Chí Tôn lòng tín thành, người đạo Cao Đài dùng tam bửu là ba món quý báu nhất của con người gồm tinh khí thần qua ba thứ: bông rượu trà. Bông (hoa) tượng trưng cho hình thể hữu vi (thể xác) tức là Tinh. Rượu tượng trưng cho trí khôn tức là Khí. Trà tượng trưng cho linh hồn tức là Thần. Đức Cao Đài dạy rằng: “Thầy chẳng dùng sự chi mà thế gian gọi là tà quái dị đoan, nếu có xảy ra một ít dị đoan trong Đạo đã dùng lỡ, ấy là tại nơi tâm của một vài môn đệ, nếu chẳng giữ theo lẽ Chánh mà hành Đạo và bày biện nhiều sự vô lối thì trong ít năm sau sẽ trở nên một mối Tả Đạo.” [7]

5. TÍNH THỦY CHUNG TRONG CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH
Đạo Cao Đài đề cao tính chung thủy của con người trong cuộc sống gia đình, mỗi người chỉ một vợ một chồng. Khi trở thành chức sắc thì luật đạo quy định “Cấm vợ chồng bỏ nhau” nên chức sắc Đạo Cao Đài thường thủy chung với gia đình. Mặt khác, Đạo Cao Đài khuyên người đi tu để làm điều có ích cho gia đình, xã hội, trở thành người hiểu lẽ đời, lẽ đạo, học lối sống đạo đức trong sáng, tiến bộ, văn minh, không làm hại đến gia đình làm cho vợ chồng ly tán, chia lìa. Dưới khía cạnh xã hội học quan niệm: “gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên của nó gắn bó với nhau bởi mối quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ con nuôi, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của các thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người” [8]. Đạo Cao Đài quy định người tín đồ phải thủy chung trong cuộc sống vợ chồng để giữ gìn đạo đức gia đình, đạo đức xã hội. Tân luật của Đạo Cao Đài viết : "Cấm người trong Đạo, từ ngày ban hành luật này về sau, không được cưới hầu thiếp. Rủi có chích lẻ giữa đường thì được chấp nối, …Vợ chồng người Đạo không được để bỏ nhau” [9].
6. TÍNH DÂN CHỦ TRONG SINH HOẠT
Trong giao tiếp hàng ngày, người Đạo Cao Đài xưng hô với nhau thân thiện, gần gũi không quan cách. Giáo tông là người đứng đầu trong Đạo xưng là anh Cả, còn các vị chức sắc xưng với người tín đồ là anh, là chị. Người tín đồ gọi chức sắc là anh lớn, chị lớn. Đức Cao Đài khi xuất hiện qua “cơ bút” xưng danh với các đệ tử là Thầy, như là người hướng dẫn, chỉ dạy cho tín đồ. Lời dạy của Đức Cao Đài với tín đồ như sau: “Thầy thả một lũ hổ lang ở lộn cùng các con, lại hằng ngày xúi biểu nó cắn xé các con, song Thầy cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức các con” [10].
Đức Cao Đài còn xưng danh là Đấng Cha Trời để khuyên chúng sanh biết nhìn nhận mình là anh em con chung một Đấng Cha Trời.
“Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một đạo tức một cha.
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hoà” [11].

7. TÍNH DÂN TỘC TRONG LỄ NHẠC
Đạo Cao Đài cũng sáng tạo ra văn hoá tinh thần riêng của tôn giáo. Kinh, lễ nhạc của Đạo Cao Đài cũng mang âm hưởng của văn hóa dân gian Nam Bộ với điệu nam xuân, nam ai, thể thơ song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú,... Khi hành lễ người Đạo Cao Đài luôn có ban lễ nhạc với các dụng cụ âm nhạc truyền thống như đàn cò, đàn kìm, phách, sáo, nhị,… để thể hiện giai điệu dân tộc và ban đồng nhi đọc kinh. Ngày 11.10.1996, trong buổi nói chuyện về nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam và nhạc lễ Cao Đài tại Thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh), Giáo sư Trần Văn Khê nhắc lại kỷ niệm về thời nhỏ ở Vĩnh Long với các chức sắc Cao Đài như Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi (Cao Đài Tiên Thiên) và Trần Văn Quế (Truyền Giáo Cao Đài). Ông nói : “ Tôi viết thơ cho thầy tôi là Trần Văn Quế, xin thầy cho biết rõ coi trong đạo Cao Đài tổ chức việc nhạc như thế nào. Một hôm, thầy tôi gửi cho tôi một bức thư trong đó có chép lại một bài cơ bút đã giáng xuống [quy] định cho tất cả nhạc trong đạo Cao Đài. Lần đó tôi mới giựt mình thấy tất cả nhạc Cao Đài đều do nhạc trong dân gian Việt Nam, trong truyền thống Việt Nam đưa vào, không phải từ phương xa tới, không phải từ một nước ngoài đi tới. Chính từ trong dân gian mà đưa ra, …Tôi biết chắc căn bản âm nhạc Cao Đài như thế nào. Tôi mới hiểu tại sao có điệu ai, tại sao có điệu oán, tại sao có điệu xuân… Tất cả các điệu nhạc lễ đều có mặt trong nghi lễ của đạo Cao Đài mà [còn là] âm nhạc trong phong cách nhạc lễ miền Nam Việt Nam chứ không phải miền Trung hay miền Bắc. Tức là âm nhạc trong đạo Cao Đài dựa vào âm nhạc truyền thống dân gian của miền Nam một cách rõ ràng”.
8. TÍNH VĂN HÓA VẬT THỂ
Đạo Cao Đài còn tạo ra nét văn hoá vật chất độc đáo trong kiến trúc xây dựng cơ sở thờ tự và trang phục dân tộc. Kiến trúc Toà thánh Tây Ninh và các Thánh thất Cao Đài với hai lầu chuông trống, có tam đài (Bát quát đài, Cửu trùng đài, Hiệp thiên đài) cùng mầu sắc, trang trí hoa văn kết hợp giữa truyền thống dân tộc và nét hiện đại đã trở thành một bộ phận trong kiến trúc văn hoá Nam Bộ, đem lại bản sắc riêng của tôn giáo ra đời tại Việt Nam. Lầu chuông bên hữu gọi là Bạch Ngọc Chung đài có ý nghĩa là: “chuông ấy là do nơi Thiên Đình mỗi khi đánh chuông thì tiếng ngân thấu đến Phong Đô, mười cửa ngục đều mở để cho các âm hồn giác ngộ sám hối, tiền khiên mà siêu rỗi” [12]. Lầu trống bên tả gọi là Lôi Âm Cổ đài có nghĩa là: “ngôi đền của Đức Phật Thích Ca ngự tại Tây Phương. Mỗi khi có cúng đại lễ Lôi Âm Cổ nổi lên ba hồi, mỗi hồi 12 chập mỗi chập 12 dùi thì chư Thần, Thánh, Tiên, Phật phải đến chầu Ngọc Đế” [13]. Người tín đồ Cao Đài mặc trang phục theo truyền thống của người Việt Nam, nam giới đội khăn đóng mầu đen, nam nữ đều mặc áo dài truyền thống mầu trắng, nam để râu tóc.

9. TÍNH TRUYỀN THỐNG TRONG VIỆC NHẬP THẾ PHỤC VỤ NHÂN SANH
Đạo Cao Đàithực hiện mục tiêu sứ mạng vi nhân là phụng sự xã hội, dân tộc, đất nước. Trong đời sống xã hội, người đạo Cao Đài hướng tới xây dựng cuộc đời thánh đức. Bên cạnh việc tu hành, người đạo Cao Đài còn thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với Tổ quốc. Khi đất nước bị xâm lược, người đạo Cao Đài sẵn sàng thực hiện sứ mạng với dân tộc, tích cực tham gia phong tràokháng chiến giải phóng dân tộc. Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiếnchống Phápcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh,hàng ngàntín đồ Cao Đài Minh Chơn đạodưới sự lãnh đạocủa Chưởng pháp Cao Triều Phát xây dựngMặt trận Giồng BốmởBạc Liêu đã anh dũng đứng lên chống lại quân xâm lược. Tiếng súng kháng chiến ở Mặt trận Giồng Bốm trở thành một trong những trận đánh lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ thời kỳ đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp. Đội quân áo trắng đã tiêu diệt được hơn 100 tên địch đồng thời viết nên một trang sử vẻ vang về Đạo Cao Đài. Ý chí quật cường, hi sinh anh dũng của nghĩa quân "áo trắng" gây tiếng vang lớn khắp vùng,trở thành nguồn cổ vũ, khích lệ tinh thần "phụng đạo, yêu nước" trong quần chúng tín đồ Cao Đài và lan rộng đến các phái Cao Đài ở Nam Bộ. Từ đây, Đạo Cao Đài nói chung và Cao Đài Minh Chơn đạo nói riêng đã trở thành một lực lượng quần chúng yêu nước có đóng góp đáng kể vào phong trào kháng chiến cứu quốc và có ảnh hưởng tích cực tới tinh thần yêu nước của nhân dân Nam bộ. Giá trị văn hoá tinh thần của người Đạo Cao Đài được hun đúc từ truyền thống chống giặc ngoại xâm và còn đến ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

10. KẾT LUẬN
Có thể nói, Đạo Cao Đài là tôn giáo có vai trò nhất định trong hệ thống các tôn giáo ở Việt Nam và có tác động tích cực đến văn hoá của cư dân Nam Bộ. Đạo Cao Đài là tôn giáo có đường hướng hành đạo tiến bộ, có quá trình hoạt động gắn bó với dân tộc. Đạo đức tôn giáo có những nội dung phù hợp với đạo đức cách mạng của người cộng sản, phát huy những giá trị cao đẹp của tôn giáo để giáo dục con người sống có đạo đức, có văn hóa, có tình người, biết đoàn kết, thương yêu nhau trong cuộc sống. Hình ảnh người tín đồ Cao Đài mặc áo dài trắng, đội khăn đóng mầu đen, kiến trúc của Tòa thánh Tây Ninh và những Thánh thất Cao Đài với hai lầu chuông trống, xe thuyền bát nhã hình con rồng đưa vong linh tiễn biệt người quá vãng trong đạo, tiếng kinh ngân nga theo điệu nam ai, nam xuân,… trở thành nét đẹp trong văn hóa của Đạo Cao Đài nói riêng và của nhân dân Nam Bộ nói chung. Tìm hiểu một số đặc điểm văn hóa trong Đạo Cao Đài giúp chúng ta thấy rõ hơn bản thể của một tôn giáo ra đời tại Việt Nam với những đặc trưng tư tưởng, ý nghĩa nhân văn trong cuộc sống. Từ đó, mỗi chúng ta biết trân trọng những giá trị văn hóa của tôn giáo, cũng là giá trị triết lý nhân sinh của cư dân Nam Bộ


________________________________________
[1] Ban Tôn Giáo Chính Phủ
[2] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Thánh ngôn Hiệp tuyển (quyển thứ nhất), Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1970, tr. 77.
[3] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Thánh ngôn Hiệp tuyển (quyển thứ nhất), Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1970, tr. 123.
[4] Phạm Tất Dong – Lê Ngọc Hùng (đồng chủ biên), Xã hội học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr 248
.[5] Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo, Yếu điểm giáo lý Đại Đạo, Nxb Tôn giáo, 2008, tr 35.
[6] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Tân luật, Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1966, tr. 13.
[7] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Thánh ngôn Hiệp tuyển (quyển thứ nhì), Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1970, tr. 42.
[8] Phạm Tất Dong – Lê Ngọc Hùng (đồng chủ biên), Xã hội học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr 310.
[9] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Tân luật, Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1966, tr. 12.
[10] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, Tòa thánh Tây Ninh, Thánh ngôn Hiệp tuyển (quyển thứ nhất), Hội thánh giữ bản quyền, Tây Ninh, 1970, tr. 69.
[11] Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo, Thánh ngôn Hiệp tuyển 2006, tr.9.
[12] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ đô Tòa thánh Tây Ninh, Khai đạo Phạm Tấn Đãi (Chủ biên), Giải thích nội tâm và ngoại tâm Đền Thánh Cao Đài Tây Ninh, NXB Tôn giáo, 2013, tr.9.
[13] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ đô Tòa thánh Tây Ninh, Khai đạo Phạm Tấn Đãi (Chủ biên), Giải thích nội tâm và ngoại tâm Đền Thánh Cao Đài Tây Ninh, NXB Tôn giáo, 2013, tr.9-10.



ĐẠO CAO ĐÀI GÓP PHẦN HÌNH THÀNH LỐI SỐNG ĐẠO ĐỨC,
DÂN TRÍ VÀ NẾP SỐNG VĂN HÓA CỦACƯ DÂN NAM BỘ

Đinh Quang Tiến

Đầu thế kỷ 20 tại Nam Bộ, thực dân Pháp thực hiện chính sách cai trị hà khắc với nhiều loại sưu cao thuế nặng, đất nông nghiệp lại tập trung chủ yếu vào tay các nhà địa chủ, tư sản khiến người dân phải đi làm thuê, cuốc mướn. Cuộc sống khó khăn, bế tắc, cư dân Nam Bộ mong muốn có sự giải thoát về tinh thần. Khi xuất hiện một tôn giáo mới là đạo Cao Đài như một sự cứu cánh về tinh thần cho một bộ phận quần chúng nhân dân. Họ tin theo đạo Cao Đài như để quên đi những trở ngại của cuộc sống trần thế và hi vọng được an ủi, giải thoát. Năm 1926, đạo Cao Đài ra đời đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối sống đạo đức, dân trí, nếp sống văn hóa của cư dân Nam Bộ và phần nào đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận quần chúng nhân dân nên nhanh chóng thu hút được đông đảo người gia nhập. Kết quả việc phổ độ buổi đầu thời gian (1925-1931), tín đồ đạo Cao Đài đã lên tới một triệu người (theo tài liệu của Sở mật Thám Đông Dương lúc ấy). Năm 1937, đạo Cao Đài có 1.027.000 tín đồ, riêng tại Nam Bộ chiếm 980.000 người, ở miền Trung và Bắc kỳ 7.000 người (riêng Hà Nội có 4.000 người) và Campuchia lên tới 40.000 người (gồm người Cao Miên, Hoa kiều và Việt kiều). Năm 1953, số tín đồ lên tới 1,5 triệu người, đến năm 1954 lên đến 2,5 triệu người. Hiện nay, đạo Cao Đài có trên 1 vạn chức sắc, 3 vạn chức việc, khoảng 2,5 triệu tín đồ, hơn 1.200 cơ sở thờ tự, phạm vi hoạt động ở 38 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở Nam Bộ.
Quá trình tồn tại và phát triển, đạo Cao Đài đã góp phần hình thành lối sống đạo đức, dân trí, nếp sống văn hóa của cư dân Nam Bộ.
1. Tác động đến lối sống đạo đức
Trong đời sống tôn giáo của người tín đồ đạo Cao Đài, họ chú trọng việc giữ gìn đạo đức theo chuẩn mực Nho giáo như Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức được chỉ dạy theo Tân luật, Pháp Chánh truyền,... Tín đồ đạo Cao Đài tham gia sinh hoạt tôn giáo bởi họ được tu dưỡng về đạo đức. Qua kết quả khảo sát năm 2003 của Ban Tôn giáo Chính phủ: “trong 1.500 tín đồ được hỏi có 86,9% cho rằng theo đạo Cao Đài tìm thấy được giá trị đạo đức văn hoá”[1].
Đạo Cao Đài chú trọng việc giáo dục rèn luyện phẩm chất đạo đức cho chức sắc, tín đồ. Trong phương châm hành đạo của đạo Cao Đài, người tín đồ đạo Cao Đài được chỉ dạy đối đãi, giao thiệp với người ngoài đạo phải có lòng từ bi, thương yêu, lấy sự trung thực để bày tỏ cái tâm của người có đạo: “Trong đường giao thiệp, ta cần phải lấy hết tấm lòng bác ái, đem hết tấc dạ chí thành, mà đối đãi nhau, thì đạo tâm ta mới biểu lộ ra cái gương chân chánh”[2].
Người tín đồ đạo Cao Đài phải tuân theo chức sắc trong việc tu hành, ngoài ra người tín đồ, cũng như chức sắc phải tuân theo Tân luật của Đạo. Đó là phải làm lành lánh dữ, ăn ở ngay thật không làm điều thất đức, đồng thời phải cứu nhơn độ thế, giúp đỡ người khó khăn hoạn nạn. Không những vậy mà người tín đồ Cao Đài còn phải trau dồi đức hạnh, biết khiêm nhường, nhẫn nại, hòa thuận, kiên tâm, thanh liêm trong cuộc sống. Đạo Cao Đài chỉ dạy:
“Đức hạnh là điều cần nhứt của bực tu hành. Thành Tiên, thành Phật cũng nhờ đức hạnh, vì thuở nay chưa từng nghe có Tiên Phật nào mà không hoàn toàn đức hạnh. Thái Thượng khuyên lập đức, Khổng Thánh dạy tu thân, lập đức tu thân là căn bổn của tôn giáo. Muốn vẹn bề đức hạnh, ngoài ra đạo Tam cang Ngũ thường ta lại cần phải giữ sao cho đặng khiêm nhượng, nhẫn nại, thuận hòa, kiên tâm, thanh liêm, thì mới gọi là khắc kỷ, mới gấm ghé đặng phẩm vị Thần Tiên vậy”[3].
Đạo Cao Đài luôn nêu cao ý thức công dân cho người tín đồ, căn dặn bổn phận của người công dân phải biết yêu nước, yêu dân tộc, chấp hành pháp luật, không trộm cướp, biết giữ quy giới của Đạo, một lòng với gia đình, có tinh thần thương yêu con người. Đó là trách nhiệm, bổn phận mà người tín đồ Cao Đài phải thực hiện theo lối sống đạo đức, văn minh của người tu hành chân chính. Trong cuốn sách Giáo lý Đại Đạo của Tiếp pháp Trương Văn Tràng có viết:
“Là một phần tử trong nước, người công dân phải giữ tròn bổn phận của mình. Yêu nước nhà, mến giống nòi, thuế sưu đóng đủ đừng toan kế tà, chẳng nên vầy đoàn, hiệp lũ gây việc trộm cướp, phá xóm, phá làng. Ở trong quốc gia phải tuân hành luật nước, ở trong Đạo phải giữ qui điều giới luật của Hội thánh và phải kiêng sợ luật Trời báo ứng. Rồi cứ một lòng bảo hộ gia đình, tương thân, tương ái với người xã hội, góp công vào việc thuần phong, mỹ tục, an cư lạc nghiệp của giống nòi”[4].
Trong Châu trivề việcchỉnh đạo,Hội thánhCao Đài Ban Chỉnh đạoở Bến Trenêu rõ: “…chọn cử trong hàng chức sắc hay là đạo hữu có đạo đức và tri thức: nhất là để lo chấn chỉnh nét tu, khép trọn vào khuôn hạnh, gom hiền góp đức mà làm cho ra vẻ Đạo thành”[5].
Quá trình hoạt động, đạo Cao Đài luôn nêu cao đạo đức của người tu hành và điển hình là đạo đức củacác vị chức sắc đứng đầu Hội thánh như: Giáo tông Lê Văn Trung, Hộ pháp Phạm Công Tắc,Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Chưởng pháp Trần Đạo Quang, Chưởng pháp Cao Triều Phát, Giáo tông Nguyễn Bửu Tài,…trở thành tấm gương cho chức sắc, tín đồ trong Đạo noi theo.Cao Đài Ban Chỉnh đạo quy định cụ thể chức sắc từ Giáo hữu trở lên, muốn vào chính vị phải thực hành những điều kể ra dưới đây:
“… 4. Phải có tịnh 36 ngày, 72 ngày, 108 ngày sắp lên. Tịnh có ích là bỏ được những tánh không lành, không tốt do tính dục mà ra như là: giận, ghét, oán thù, gây rầy, lớn tiếng, khinh người, kích bác người, tự cao, tự đắc v.v… Mà đem lại những tánh hạnh tốt như là: Hoà thuận, thương yêu theo đạo đức, ăn nói dịu ngọt đưa ra ròng những lời tao nhã, hữu ích cho người”[6].
Sau khi thành lập, đạoCao Đài đã tạo ra một lực lượngquần chúng đông đảo, gây tácđộng mạnh đến cư dân Nam Bộvà phục hưng nền đạođứcvề nhiều phương diện trong đó có việc trấn an tinh thần, củng cố đức tin, gieo tư tưởng đúng đắn, nêu gương sáng về đạo đức tu hành, tạo được niềm tin trong chức sắc, tín đồ.
2. Tác động đến dân trí
Trong đời sống văn hóa của người tín đồ đạo Cao Đài ngoài việc tu hành thực hiện quy định của luật pháp Đạo còn có sự mở mang về dân tríđượcHội thánh vàcác vị chức sắc đứng đầu quan tâm hướng dẫn. Năm 1927, sau một năm khai đạo, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh quyết định mở trường khai dân trí. Chương trình học theo chương trình nhà nước: Tiểu học có các môn: Việt văn, Pháp văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Cách trí, Vệ sinh, Nhạc, Vẽ, Thủ công, cộng thêm các môn của Đạo: Giáo lý, Hán văn; Trung học có các môn: Việt văn, Pháp văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sử địa, Nhạc, Vẽ, Thủ công, cộng thêm các môn của Đạo về Giáo lý, Hán văn. Tháng 9-1928, khai giảng năm học đầu tiên, trường Đạo Đức Học Đường có tất cả 210 học sinh. Đạo Đức Học Đường được giải nghĩa như sau:
Đạo Đức truyền lưu hậu tấn hiếu trung phò xã tắc,
Học Đường giáo hoá thơ sanh nhân nghĩa lập giang san.
Sau 4 năm học, Trường Đạo Đức Học Đường đã có sự tiến bộ vượt bậc góp phần việc mở mang dân trí cho người đạo Cao Đài. Trong Báo cáo của Hội Nhơn Sanh năm 1932 có viết:
“Trường Đạo Đức Học Đường năm nay có mở thêm được ba lớp học nam nữa. Một lớp năm thứ nhì (Cours 2 è année) và hai lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin), cộng chung là 11 lớp. Số học trò được 417. Trong đó có 312 trò nam và 105 trò nữ, thêm được 143 trò, nhiều hơn năm ngoái. Kỳ thi tiểu học vừa rồi, nhà trường có 26 trò đi thi đều đậu hết. Có 21 trò đậu luôn phần Pháp văn (mention francaise). Mấy cô giáo và thầy giáo dạy nơi trường đều siêng năng, lo lắng dạy dỗ. Không người nào ăn lương bổng hết”[7].
Hội thánh Cao Đài Tây Ninh đã duy trì Trường Đạo Đức Học Đường đến năm 1974. Năm 1952, trường có 60 lớp lợp bằng tranh, tường xây gạch đất không nung (gạch sống), có 10 lớp Cao đẳng, đi thi tiểu học với 5.393 thí sinh thi tại Tỉnh lỵ, và chỉ trượt một trò vì bị bệnh bất thường. Đó là kết quả của quá trình tập trung đào tạo, nâng cao dân trí của Hội thánh với sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo và nỗ lực của học trò là con em người đạo Cao Đài. Mô hình trường Đạo Đức Học Đường được nhân rộng có hệ thống từ Trung ương tới địa phương. Ở Trung ương Hội thánh có Đạo Đức Học Đường, ở các phận đạo có Trường Minh Đức Tân Dân (quen gọi Trường Đại Đồng), và Trường Địa Linh Động. Trong trường của đạo Cao Đài dạy đủ các môn theo chương học của Nhà nước, cũng đi thi lấy các văn bằng của Bộ Giáo dục. Bên cạnh đó, Hội thánh tổ chức kỳ thi lấy văn bằng của Đạo. Mục đích để tuyển chọn người vào làm trong các cơ quan Đạo. Đặc điểm của các trường học giáo dục Cao Đài là học thêm môn Giáo lý về thần học Cao Đài để cho học sinh hiểu về triết lý của đạo Cao Đài. Ngoài ra, các lớp đều học Hán văn để có kiến thức học hiểu về đạo đức Nho giáo, giúp học sinh sau này có thể theo học trường Đại học Văn Khoa.
Đến năm 1971, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh mở Viện Đại học Cao Đài được chính quyền cấp giấy phép hoạt động. Viện Đại học Cao Đài gồm 2 phân khoa: Nông Lâm Mục và Sư phạm. Khoa Nông Lâm Mục gồm có hai cấp: Cấp I: Học trình 2 năm, sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp văn bằng cán sự Nông Lâm Mục; Cấp II, Học trình 4 năm, các sinh viên có khả năng chuyên môn và có phương tiện tiếp tục thêm 2 năm, khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng kỹ sư Nông Lâm Mục với ghi chú ngành chuyên môn (Nông khoa, Súc khoa…). Khoa Sư phạm gồm 2 cấp: Cấp I, học trình 2 năm, sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp văn bằng Cao đẳng Sư phạm có ghi chú ngành liên hệ và nhiệm ý lựa chọn; Cấp II, học trình 4 năm, các sinh viên có khả năng chuyên môn, có phương tiện có thể tiếp tục học thêm 2 năm để lấy bằng Cử nhân Sư phạm (Ban Văn khoa hoặc Ban Khoa học).
Ngoài việc chú trọng đào tạo tập trung trong Trường Đạo Đức Học Đường hoặc Viện Đại học Cao Đài, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh còn mở các lớp hạnh đường để bồi dưỡng cho chức sắc, chức việc về hành chính đạo nâng cao trình độ quản lý trong điều hành việc đạo. Từ đó, giúp cho người tín đồ Cao Đài có môi trường được học tập từ nhỏ đến lớn và nếu có nguyện vọng làm việc cho Đạo thì được bồi dưỡng qua các lớp hạnh đường bổ sung thêm kiến thức về tôn giáo và hành chính đạo để trở thành một chức sắc Cao Đài.
Bên cạnh hệ thống giáo dục của Hội thánh Cao Đài Tây Ninh còn có Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo cũng chú trọng đến hoạt động mở mang dân trí cho người tín đồ đạo Cao Đài. Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương thuộc Hội thánhCao Đài Ban Chỉnh đạochú trọnglập Minh Đạo Học đường nhằm nâng cao dân trí, hiểu biết về tôn giáo, về cách thức tu hành cho chức sắc, tín đồ. Theo Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương thì việc lập Minh Đạo Học đường là: Minh là tỏ rạng, làm cho sáng rõ Đạo là nói về sự hành Đạo của mỗi chức sắc và sự giữ đạo của mỗi tín đồ cho rõ thêm luật Đạo và cách tu hành, nâng đỡ đức tin cho trong Họ đạo được thêm vững vàng mạnh mẽ. Nghĩa là: xem xét việc hành đạo theo phận sự của Chánh,Phó Đầu Họ đạo, Bàn Cai quản và chức việc, xem xét sự tín ngưỡng sùng bái và sự tu hành của tín đồ. Đem những Thánh giáo trong Hiệp tuyển, Tân luật, Nội luật và những Tiểu luật trong Châu tri của Hội thánh đã ban truyền. Giải nghĩa cho chức sắc, chức việc rõ thêm mà thi hành phận sự cho tròn và dạy thêm tín đồ cho thông hiểu luật lệ của Đạo hầu đem đức tin của Họ đạo càng ngày càng thêm cao, bước Đạo càng ngày càng thêm đầm thấm, vững bền. Cao Đài Ban Chỉnh đạo chú trọng việc giáo dục văn hóa cho chức sắc, tín đồ. Nhận biết chức sắc, tín đồ của Hội thánh chủ yếu là nông dân có trình độ văn hóa còn thấp nên Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương quan tâm việc dạy chữ trong Đạo. Tại Tòa thánh, mở trường học chữ, tổ chức nuôi học sinh mồ côi nghèo khó cho ăn học được 94 người. Ban đêm mở hai lớp dạy chữ, hai lớp dạy Đạo lý phổ thông cho những người làm công quả, số học viên 4 lớp này trên 200 người. Đồng thời mở lớp dạy Đạo cho hàng chức sắc làm việc tại Tòa thánh. Ngoài ra, còn có một trường Hạnh đường gồm 2 lớp: một lớp cho chức sắc và một lớp cho chức việc dự học, mỗi tháng 15 ngày, hàng tháng đều có mở. Tại Thánh thất An Hội lập một lớp Hạnh đường để dạy chức sắc hiến thân cho Đạo. Dự định mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ 7 ngày học. Hội thánh lập một trường Tiểu học cho trẻ biết chữ, biết kinh lễ và phận sự đồng nhi. Mỗi Thánh thất phải có lớp Đồng nhi. Mỗi tháng, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo ra một Châu tri dạy Đạo, nhất là về Ngũ giới cấm, Tứ đại điều qui, Bài Thương yêu… Đồng thời khuyến khích chức sắc, tín đồ học thuộc lòng và ban khen cho những người đã học thuộc. Tại các Họ đạo đều hưởng ứng phong trào học tập, trở thành động lực khuyến khích tinh thần học Đạo sâu rộng trong chức sắc, tín đồ.
Như vậy, khi người tín đồ đạo Cao Đài nhập môn vào Đạo, họ có điều kiện được học tập từ bậc tiểu học đến Đại học. Việc mở mang tri thức cho người đạo Cao Đài cho thấy các vị chức sắc đứng đầu đạo Cao Đài luôn quan tâm đến giáo dục, dân trí để không chỉ đào tạo con người có kiến thức về đạo Cao Đài mà còn am hiểu các kiến thức xã hội đáp ứng yêu cầu của chính tôn giáo và xã hội đương thời.
3. Tác động đến nếp sống văn hóa
Đạo Cao Đài còn hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trong chức sắc, tín đồ. Đầu sưNguyễn Ngọc Tươngkhi còn làm việc tại Tòa thánh Tây Ninh đãchỉnh đốn việc ăn uống tại Tòa thánh. Do khi mới thành lập,việc ăn uống tại Tòa thánh Tây Ninh có sự phân cấp rõ ràng. Chức sắc lớn trong đạo không ăn chung cùng chức việc và tín đồ. Thấy vậy, Đầu sưNguyễn Ngọc Tương xem xét các phòng ăn của đạo hữu làm công quả và thường xuyên ăn cơm cùng với đạo hữu. Sau khi có thời gian nghiên cứu thực tế, Đầu sưNguyễn Ngọc Tương đề nghị giảm bớt số tiền ăn của chức sắc lớn để thêm vào số tiền ăn của đạo hữu và cử người kiểm soát chu đáo mọi việc thu chi lúa gạo, lương thực của phòng Trù. Kết quả là vừa tiết kiệm nhiều tiền bạc lương thực của Hội thánh vừa nâng được mức ăn cho đạo hữu. Về tinh thần đã xóa bớt được chế độ phân cấp trong ăn uống, tình cảm giữa chức sắc lớn và đạo hữu được gắn bó hơn. Đầu sưNguyễn Ngọc Tương còn chỉ dạy về vệ sinh trong ăn uống, người đạo ăn chay phải biết tận dụng sự bổ dưỡng của gạo lức và đậu nành, các thực phẩm khác để giữ sức khoẻ, hỗ trợ việc tu hành. Khi về Bến Tre lập Hội thánhCao Đài Ban Chỉnh đạo và được công cử lên phẩm Giáo tông, ông đề nghị Hội thánhlập Uỷ ban chọn lựa và kiểm duyệt các kinh sách đạo được in lại. Các vị này sẽ xem xét, lựa chọn và cho in những kinh sách phù hợp với đường hướng chỉnh đạo của Hội thánh.
Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương còn làm gương về sự chuyên cần trong sinh hoạt. Theo Tiểu sử Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương một ngày làm việc của ông được ghi lại như sau:
“Sáng sớm, Người thức dậy lúc 5 giờ, cùng rồi tịnh đến 6 giờ ra ăn cháo, đọc sách báo. 7 giờ, đến văn phòng làm việc. 8 giờ, cỡi xe đạp đi viếng các cơ sở như: Học đường, Hạnh đường, Dưỡng đường, các cơ sở công nghệ và 9 sở rẫy. 10 giờ, trở về văn phòng làm việc. 11 giờ, cúng rồi tịnh. 1 giờ, ra tịnh ăn cơm rồi đọc sách báo. 1 giờ rưỡi, đến văn phòng làm việc. 3 giờ, đi viếng các văn phòng và các cơ quan nội phận Cửu viện, phòng trù… 5 giờ, cúng rồi tịnh. 7 giờ tối, ra tịnh ăn cháo, đọc sách báo. 8 giờ, làm việc giấy tờ đến 11 giờ tại thơ phòng. 11 giờ, cúng rồi tịnh. 1 giờ, ra tịnh rồi nghỉ”[8].
ĐạoCao Đàiđãhình thành nếp sống văn minh cho người đạo, từ việc nhỏ nhất như thay đổi nếp ăn uống, phải biết tác dụng, công hiệu của từng loại thực phẩm, sắp xếp thời gian tu hành và làm việc hiệu quả, khoa học. Với nhiềutấm gương tiêu biểu như:Hộ pháp Phạm Công Tắc, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Chưởng pháp Cao Triều Phát,…rất khoa học trong thời gian làm việc và nghỉ ngơi, bố trí thời gian hợp lý để vừa đảm bảo việc tu luyện, vừa không sao nhãng công việc Đạo. Những thay đổi trong đời sống hàng ngày của người đạo đã có tác động nhất định đến rèn luyện đạo đức, nâng cao dân trí và nếp sống vănhoá của quần chúng tín đồ trong sinh hoạt. Đồng thời cũng ảnh hưởng tích cực đến quần chúng nhân dân ở Nam Bộ và nhất là ở nơi có Toà thánh Cao Đài hoạt động, tạo ra tinh thần hiếu học, siêng năng, lối sống văn minhtrong mỗi gia đình đạo và người tín đồ Cao Đài.
ĐạoCao Đài đã tích hợp, hỗn dung những giá trị tâm linh làm giảm bớt những tín ngưỡng tuỳ tiện, cổ sơ, hoang dã tạo ra đường hướng tu hành đúng đắn. Do tiếp xúc với văn hoá phương Tây, những người sáng lập đạo Cao Đài đã thu nhận những giá trị nhân văn mới, tiến bộ, văn minhcủa nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, nhân quyền. Việc tiếp thu, dung hoà các tinh hoa văn hoá phương Tây và văn hoá truyền thống vốn có tạo cho đạo Cao Đài một diện mạo mới lôi cuốn được cưdân Nam Bộ.
Hiện nay,đạoCao Đài ổn định về tổ chức và có nhiều hoạt động tôn giáo tiến bộ, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng. Hình ảnh những chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài mặc áo dài trắng, đội khăn xếp hòa cùng dòng người trên đường trở nên dung dị, quen thuộc và tác động đến lối sống đạo đức của cư dân Nam Bộ. Hàng năm, đạo Cao Đài có khoảng 3 vạn người nhập môn vào Đạo. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng và vai trò của đạo Cao Đài trong đời sống của cư dân Nam Bộ.
Kết luận
Đạo Cao Đài ra đời năm 1926 tại Tây Ninh, do một số quan lại, công chức, địa chủ… sáng lập. Mục đích của Đạo Cao Đài nhằm “làm sao cho nhơn loại được cộng hưởng cuộc hòa bình như buổi trước”[9].Sự ra đời của đạo Cao Đài là một sự tất yếu của xã hội miền Nam Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20. Nam Bộ là vùng đất rộng, chưa khai phá hết, con người chất phác, phóng khoáng. Cư dân chủ yếu là những người ở vùng khác đến khai hoang, lập nghiệp nên họ có lòng kính thờ các Đấng Thiêng liêng, nhất là Tam giáo (Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo) là các tôn giáo của người phương Đông. Nam Bộ thời kỳ này dưới sự cai trị của thực dân Pháp nên chịu áp lực nặng nề của sự áp bức, bóc lột và tư tưởng văn hóa phương Tâydu nhập. Ngay từ những năm đầu thành lập, đạo Cao Đài rất chú trọng đến đạo đức, dân trí và nếp sống văn hóa giúp cho chức sắc, tín đồ nâng cao về tri thức, tu dưỡng đạo đức và lối sống văn minh. Chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài chủ yếu có thành phần xuất thân từ nông dân, ít được đào tạo, học tập nên còn hạn chế trong nhận thức về xã hội, tôn giáo. Nhận thấy vấn đề bất cập của tôn giáo, các chức sắc đứng đầu đạo Cao Đài thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng con người thì phải giáo dục, đào tạo, hướng dẫn cách sinh hoạt có khoa học cho tín đồ của mình. Với chiến lược đó, đạo Cao Đài đã xây dựng được hệ thống giáo lý phù hợp để mọi người có thể hiểu và tin theo đạo Cao Đài. Đó là tu hành để rèn luyện đạo đức con người, biết yêu nước, yêu dân tộc, sống chân thực, có đạo đức, giúp đỡ nhau trong cuộc sống như trong một gia đình “cùng nhau một Đạo tức một Cha”. Đặc biệt, đạo Cao Đài tạo ra môi trường giáo dục, dân trí cho chức sắc, tín đồ được học tập trong trường học của tôn giáo theo quy định của nhà nước từ bậc tiểu học đến đại học. Trong môi trường Cao Đài, người tín đồ được chỉ dạy về cách thức sinh hoạt phù hợp với môi trường xã hội về ăn ở mặc, sinh hoạt thường ngày, hiểu về dinh dưỡng của người ăn chay, đảm bảo vệ sinh của người tu hành nơi tịnh thất. Những yếu tố đó cho thấy, đạo Cao Đài đã có kế hoạch lâu dài để đào tạo con người, coi con người là vấn đề quan trọng của tôn giáo.
Đạo Cao Đài có đường hướng hành đạo đúng đắn bằng việc nâng cao dân trí, mở mang các cơ sở phước điền, cơ sở công nghệ, cải thiện mức sống của người tu hành, dạy bảo tín đồ cách tu luyện để đạt tới sự giải khổ và tích cực hoạt động từ thiện, nhân đạo đem tới sự thương yêu đoàn kết thực sự trong Đạo. Chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài vừa tu hành, vừa tăng gia sản xuất để nuôi sống bản thân và làm giàu cho xã hội. Đó là điều mới mẻ, tiến bộ củađạoCao Đài. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốchiện nay, đạo Cao Đài tích cựcvận động chức sắc, tín đồ tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, làm từ thiện, nhân đạo,... và đóng vai trò trong việc đoàn kết tôn giáoở Nam Bộ.Chính vì vậy, đạo Cao Đài đã góp phần hình thành lối sống đạo đức, văn hóa, văn minh trong cư dân Nam Bộ.
Với 2,5 triệu tín đồ hiện nay, đạo Cao Đài vẫn là một thực thể khách quan tồn tại cùng với xã hội đương thời. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm vấn đề tôn giáo và ghi nhận những đóng góp của tôn giáo trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đạo Cao Đài là tôn giáo sinh ra tại Việt Nam nên mang đặc điểm, tính chất của dân tộc. Các phái Cao Đài hiện nay đều xây dựngđường hướng hành đạo tiến bộ, hoạt động gắn bó với dân tộc nên trong quá trình quản lý, chính quyền các cấp cần quan tâm và tạo điều kiện chođạoCao Đài hoạt độngđúng với những nội dung tiến bộ trong giáo lý, giáo luật của tôn giáo. Đạo đức tôn giáo có những nội dung phù hợp với đạo đức củangườiCộng sản, phát huy những giá trị văn hóa của đạo Cao Đàiđể giáo dục con người cólối sốngđạo đứctrong sáng,đoàn kết, thương yêu, giúp đỡnhau trong cuộc sống, đồng thời vận động chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài tích cực tham gia các hoạt động văn hóa ở cơ sở./.


________________________________________
[1] Ban Tôn giáo Chính phủ (2004), Báo cáo tổng quan Dự án “Điều tra căn bản thực trạng đạo Cao Đài – những kiến nghị về chủ trương chính sách”, tr. 92.
[2] Đầu sư Lê Văn Trung (1964), Phương châm hành đạo, Tòa thánh Tây Ninh, tr.9.
[3] Đầu sư Lê Văn Trung (1964), Phương châm hành đạo, Tòa thánh Tây Ninh, tr.4.
[4] Tiếp pháp Trương Văn Tràng (1970), Giáo lý, Tòa thánh Tây Ninh, tr.100.
[5] Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo (1958), Tiểu sử Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Nhà in Hòa Chánh, Sài Gòn, tr.55.
[6] Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo (2007), Tuyên ngôn dạy đạo của Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 28.

[7] Hiền tài Trần Văn Rạng (1974), Giáo dục văn hóa đạo Cao Đài, Tòa thánh Tây Ninh ban hành, tr. 6.
[8] Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo (1958), Tiểu sử Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Nhà in Hòa Chánh, Sài Gòn.
[9]Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo (2005), Lịch sử Đạo Cao Đài (quyển 1) Khai Đạo từ khởi nguyên đến khai minh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.290.


____________________________


PHÁC HỌA CHÂN DUNG NGƯỜI TÍN HỮU CAO ĐÀI

Thiện Chí biên soạn

I. Dẫn Nhập

Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“(. . .) Luận về trong lãnh vực tu học, nơi đây nói riêng, toàn đạo nói chung, đã có lắm người đọc qua nhiều kinh điển, hiểu nhiều nguyên tắc hành đạo, nói lời đạo lý rất là thông suốt, nhưng tự mình hiểu mình gẫm lại chưa có mấy ai! Chư đạo hữu suy nghĩ một phút đi rồi sẽ thấy lời Bần Tăng nói đó là thế nào?
Tự hỏi mình là ai? Mình nơi đây không phải là tên X,Y,Z, cũng không phải là chú Ba, bác Năm, dượng Bảy, cậu Chín mà các cháu xưng hô hằng ngày.
Vậy chớ mình là ai? Trong một ngày qua, có lúc mình là phật, có lúc mình là tiên, có lúc mình là thánh, thần, cũng có lúc mình quá phàm phu tục tử, và cũng có lúc mình là ngạ quỉ súc sanh. Như vậy, hỏi lại mình là ai? Cũng đồng thời một nhục thể này, nhưng nhục thể ấy cũng không phải là mình. Chính những nguồn tư tưởng phát xuất từ nội tâm ấy đã đánh giá con người mình là phật, tiên, thánh, thần, phàm phu hoặc ngạ quỷ súc sanh…” (1)
Nên Đức Chí Tôn có lần đã hỏi:

“Con biết con là ai đó chăng?
Con ôi, lý Đạo ráng tầm phăng,
Con là không phải thân phàm xác,
Con vốn Chơn thần Thượng Đế ban.” (2)

II. Phác họa chân dung người tín hữu Cao Đài
Vậy muốn phác họa chân dung tinh thần của người tín hữu Cao Đài, ta phải lần lượt nhận định:

A. VỀ ĐỨC TIN
1. Đức tin nơi Đức Thượng Đế
- Về đức tin, Đức Chí Tôn dạy:
“Thầy lại khuyên nhủ các con rằng: Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy có tu mà đắc đạo, phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm luân nơi khổ hải, chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi. Nay tuy các con chẳng thấy đặng hành vi mầu nhiệm mà chính mình Thầy đã đến nói, các con cũng nên tin nơi Thầy mà cho rằng lời Thầy dạy là chơn thật. Nếu các con đợi đến buổi chung qui, hồn ra khỏi xác, mới thấy cơ mầu nhiệm đặng thì chừng ấy đã muộn rồi.”
“Các con liệu phương thế mà nâng đỡ đức tin của môn đệ cao lên hằng ngày, ấy là công quả đầu hết.” (3)

- Vọng thiên cầu đạo: Trong sử đạo thời sơ khai, một sự kiện đem đến đức tin sâu sắc cho ba vị tông đồ để sau nầy ra gánh vác Cơ Đạo trọng đại là lễ Vọng thiên cầu đạo.
Ngày 30-10 Ất Sửu (15-12-1925), Ông A Ă Â giáng dạy rằng:
“ Ngày mùng 1 tháng 11 nầy (dl 16-12-1925), tam vị phải vọng Thiên cầu Đạo. Tắm gội cho tinh khiết, ra quỳ giữa trời, cầm 9 cây nhang mà vái rằng: Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng Đế, ban ơn đủ phúc lành cho ba tôi cải tà qui chánh.”
Nhớ lời Ông A Ă Â dạy, ba ông quỳ ngoài sân, sắp đặt có một cái bàn nhỏ, quỳ chống tay lên bàn, cầm 9 cây nhang vái như trên . . . (theo Đạo Sử- Bà Hương Hiếu)
- Nhập môn (Phật giáo gọi là “Quy y”) (4)
Nhập môn tại đơn vị cơ bản của Đạo là Thánh thất hoặc Thánh tịnh.
1. Muốn nhập môn phải tìm hai vị đạo đức hơn mình để tiến dẫn.
2. Vào ngày sóc, vọng hoặc lễ vía các Đấng Thiêng liêng.
3. Vị Đầu Họ Đạo hoặc Chánh Hội Trưởng sẽ hành lễ: đọc Kinh Giải Oan, đọc Kinh Nhập Môn, minh thệ (5). Thánh Ngôn Hiệp Tuyển ghi: (6)
“Tới phiên các Môn-đệ, từ người đến bàn Ngũ-Lôi mà thề rằng:
“Tên gì ?. . . Họ gì ? . . . Thề rằng: Từ đây biết một đạo Cao- Đài Ngọc-Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn-đệ, gìn luật lệ Cao-Đài, như sau có lòng hai thì Thiên-tru, Địa-lục.”
Tới trước bàn Hộ-Pháp, cũng thề như vậy.”

Kinh giải Oan có đoạn:

. . .May đặng gặp hồng ân chan rưới,
Giải trái oan sạch tội tiền khiên,
Ðóng Ðịa ngục, mở tầng Thiên,
Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương.
Nhập Thánh thể dò đường cựu vị,
Noi chơn truyền khử quỷ trừ ma,
Huệ quang chiếu thấu chánh tà,
Chèo thuyền Bát Nhã Ngân hà độ sanh.
Cứ nương bóng Chí Linh soi bước,
Gội mê đồ tắm nước Ma-Ha,
Liên đài may nở thêm hoa,
Lão Ðam cũng biết, Thích Già cũng quen.
(Niệm 3 lần câu Chú của Thầy). (7)

Đức Bảo Văn Pháp Quân Cao Hữu Chí dạy:
“Tín đồ là người:
● đã được cứu, được nâng mình lên trên tất cả cái gì mà người ta gọi là phàm phu hèn thấp,
● đã được khước bộ Âm Ty, được vào trong hàng Thánh đức,
● được THẦY và các đấng Thiêng Liêng hằng trông coi dìu dắt, thoát nơi đen tối vô minh.
Người Tín đồ có giá trị nơi phần thiêng liêng để độ phần hồn siêu xuất khổ hải, cứu phần xác danh phận cao tôn.” (8)
Chúng ta, Tín đồ của Đại Đạo cùng nhau tương thân, tương trợ đi suốt đạo trình Kỳ Ba trong ân điển:
“Lòng con tin Đấng Cao Đài,
Đạo, đời Trời sẽ an bài cho con.” (9)

2. Tin vào Cơ cứu độ Kỳ Ba
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1,24 Avril 1926 :
Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế Viết Cao-Ðài Tiên Ông Ðại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát Giáo Ðạo Nam Phương
Vốn từ trước Thầy lập ra Ngũ chi Ðại-Ðạo là:
Nhơn-đạo
Thần-đạo
Thánh-đạo
Tiên-đạo
Phật-đạo
Tuỳ theo phong hoá cuả nhân loại mà gầy Chánh-giáo, là vì khi trước Càn-vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn-loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.
Còn nay thì nhơn-loại đã hiệp đồng, Càn-Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn-loại nghịch lẫn nhau: nênThầy mới nhứt định quy nguyên phục nhứt. [….]
Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh thể, có lớn nhỏ, đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Ðảo.” (10)
- Thầy từng thố lộ đức từ bi vô biên, lâm phàm cứu độ chúng sanh:

“Thầy mở cơ tận độ kỳ ba này cho các con, cho thế giới nhân loại cũng như mùa xuân đến với vạn vật. Vạn vật đã trải qua những giai đoạn sanh sôi trưởng thành hoạt động thâu liễm và tàng ẩn để phục sinh, như cái nóng bỏng của mùa hè, mưa gió thê lương của mùa thu, rét mướt lạnh lùng của mùa đông, là cơ vi triển chuyển từng giai đoạn, vừa un đúc, vừa tạo thành cho vạn vật mà không hề hủy diệt. (....)
Thầy khởi đầu cơ phục nguyên tái tạo trên mảnh đất nhỏ bé để dân tộc ít oi mà giàu lòng tin đạo này góp tay vào công cuộc xây dựng đời thánh đức Thượng nguơn, thế giới an bình cho xã hội nhân loại trong tương lai.
Thầy đã đưa tay đến với các con, các con phải đưa tay tới với Thầy. Thầy sẽ dìu dắt các con đến gần Thầy và trở về cùng Thầy. Thầy cùng các con là một, sống trong lẽ thiên nhiên, trong mùa xuân vĩnh cửu.”

“HUYỀN nhiệm Thầy ban khắp cõi trần,
KHUNG trời Đại Đạo thưởng ân xuân,
CAO Đài mở rộng đường sinh lộ,
THƯỢNG cảnh lấp ngăn lối tử thần.
ĐẾ khuyết vui vầy hàng Thánh Phật,
NGỌC giai vắng vẻ bóng nguyên nhân.
HOÀNG đồ Thầy chỉ từ năm trước,
ĐẠI chí THIÊN TÔN sẽ để phần.” (11)

3. Tự tin là một Tiểu linh quang được phóng phát từ Đại Linh Quang.
Trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn dạy:

“Các con khá biết rằng Thầy hằng nói: Thầy là các con, các con tức là Thầy. Có Thầy mới có các con, mà có các con rồi mới có chư Tiên, Phật, Thánh, Thần, thì người là “tiểu Thiên Ðịa”. Ðiểm linh-quang nào muốn tạo Phật tác Tiên cũng phải đầu thai vào thế giới hữu hình vật chất. Dầu cho một vị Ðại-La Thiên-Ðế giáng trần đây không tu luyện cũng khó mong trở lại.
“Ðiểm Linh-Quang là gì?
“Là một cái yến sáng mà thôi. Thái-Cực là một “khối Ðại Linh-Quang” chia ra, ban cho mọi người một điểm “tiểu Linh-Quang”, khi đầu thai làm người. Ðến chết, điểm linh-quang ấy quày về hiệp nhứt với “Ðại Linh-Quang.”
“Các con có rõ hai chữ Thiêng-Liêng chăng?
“Thiêng-Liêng là nối tiếp theo. Hễ kẻ nào tu đắc Ðạo cũng phải chịu dưới luật riêng cơ pháp.
“Trời ban cho mỗi người một điểm linh-quang (nguơn-thần). Ðiểm linh-quang ấy phải đầu thai xuống thế-giới hữu hình vật chất này, mượn xác phàm tu luyện mới thành Tiên đắc Phật. Nhờ có cái xác phàm nầy mới thành Ðạo mà tạo Phật tác Tiên, tiêu diêu cảnh lạc.” (12)

B. TU HỌC
Thánh giáo Đức Quan Thế Âm Bồ Tát:

“Hôm nay Bần Đạo đến đây phân tách những nét chính của những giai đoạn của đời người tu học để chư hiền đệ muội xem kỹ rồi tự trắc nghiệm bản thân mình, sau đó sẽ thấy rõ công nghiệp đức hạnh trong đời tu mình đã đếm mức nào rồi.
Những giai đoạn đó có thể tạm chia ra như sau:
1/ Là nhập môn hay nhập đạo hoặc quy y cũng thế.
2/ Là giữ đạo,
3/ Là học đạo.
4/ Là hiểu đạo.
5/ Là tu thân lập hạnh.
6/ Là hành đạo.
7/ Là Thánh thiện hay Thánh tâm hay giải thoát cũng thế.
Đây Bần Đạo sẽ diễn tả từng điểm một.
1/ Là nhập môn (nhập đạo quy y):
Vì muốn xa lánh những điêu ngoa tội lỗi xảo trá sa đọa của nhân thế thường tình nên chọn một con đường để đời mình lấy đó làm lẽ sống, thích hợp với tâm linh, thuận Thiên hòa nhơn, nên phải đặt mình vào một nếp sống đạo lý. Đó là động lực thúc đẩy mình phải chọn một đoàn thể đạo đức hay một tôn giáo nào để nhập môn quy y.
2/ Là giữ đạo:
“Giữ đạo nơi đây có nghĩa là tôn trọng nội quy luật lệ giáo thuyết giáo điều của tôn giáo đó, không dám làm trái lại.”
3/ Là học đạo:
“Điều này mới bắt đầu hữu ích cho sự mở mang kiến thức.” (người tín hữu phải học hiểu Tôn chỉ, Mục đích và giáo lý Đạo)
4/ Là hiểu đạo:
“Điều nầy đã bắt đầu hơi khó rồi. Nói rằng hiểu đạo, ai cũng có thể nói được, nhưng hiểu cho đúng lại là một việc khác. Thế thường mỗi người hiểu đạo mỗi cách khác nhau, vì hoàn cảnh, nghề nghiệp, tập quán, xu hướng, v.v…
Có hiểu đạo mới biết được vị trí của con người đứng chỗ nào trong Tam Tài và trong vạn linh, và hiểu mình phải làm và bắt buộc tự nguyện phải làm những gì để gọi là thuận thiên lý, phụng sự Thiên cơ.” (phải hiểu và thực hiện Tôn chỉ, Mục đích ĐĐTKPĐ)
5/ Là tu thân:
Nếu hiểu đạo mà không tu thân là người trốn trách nhiệm... Có tu thân, con người mới mong hoàn thiện để trở nên hột giống tốt cho thế hệ hiện tại cũng như thế hệ ở tương lai. Khi tu thân được hoàn thiện rồi bước ra trường đời, không gây điều tổn đức, thất nhân tâm, tổn nhân ích kỷ.”

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy dạy phong cách tu hành giản dị khiêm tốn:
Tu hành giữ mực thường thôi,
Ðừng bày vẽ lắm rồi bôi lem đầy.
(cười...cười...).
Các con biết đặng đạo Thầy,
Ðạo Thầy không chịu cho ai biết mình.
Ở ăn như thể thường tình,
Lo tu luyện Ðạo sửa mình tinh ba.
Tu không biểu mặc đồ dà,
Cạo râu thí phát bỏ nhà lìa con.
Ông bà cha mẹ đương còn,
Phải lo báo đáp cho tròn hiếu trung.
Vợ chồng trọn nghĩa thỉ chung,
Giữ như sen mọc dưới bùn không dơ.
Làm như dốt nát dại khờ,
Ðừng cho kẻ thế rằng ngờ mình tu! (13)

Lời dạy ân cần của Thầy cho thấy người tín hữu Cao Đài tu thân không thái quá, bất cập mà vừa nhập thế vừa xuất thế.

6/ Là hành đạo.
“Hành đạo là bước đầu xây dựng nền tảng âm chất vững chắc cho tòa lâu đài Thánh thiện. Nhờ hành đạo mà các hàng Thần Thánh Tiên Phật càng ngày càng được đắc phẩm vị cao siêu.
Tu thân và hành đạo phải gắn liền nhau như gấm thêu hoa. Tu thân và hành đạo cần phải được hỗ tương nhau để tiến hóa. Nếu hành đạo mà không tu thân là thiếu căn bản lương thiện. Nếu tu thân mà không hành đạo thì sự tiến hóa bị chậm trễ không biết ngần nào.”
7/ Là thánh thiện, thánh tâm hay giải thoát.
Xuyên qua một đoạn đường dài, từ nhập môn, giữ đạo, học đạo, hiểu đạo, tu thân đến hành đạo là khoảng thời gian chuẩn bị để kiện toàn cho ngày phát Thánh tâm, hiện Thánh ý, hành Thánh sự để đến giải thoát.
Giải thoát nơi đây không phải lìa khỏi nhục thể hay trốn lánh nợ đời. Giải thoát nơi đây có nghĩa là hàng thánh thiện, bực siêu nhân, tuy ở tại cõi phàm gian ô trọc mà lòng chẳng nhiễm bụi trần ô trọc. Luôn luôn đem những kiến thức cao siêu giúp đời độ thế trên đường thánh thiện. Đó là giai đoạn đắc quả tại trần.

THI
Ráng lo tu tỉnh tập từ ngày,
Đừng để buông lung phải trễ chầy;
Một kiếp tu hành muôn kiếp hưởng,
Phải lo công quả hạnh cho dày. (14)

C. PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐẠO
Tr0ng Kinh Trung THừa Chơn Giáo, Đức Lý Giáo Tông dạy:

“Để đem lại niềm yên vui về thể xác và tinh thần cho đẳng chúng sanh đường lối xây dựng thánh thể hiện hành trên thực tế căn cứ vào ba điểm là phụng sự dân sanh, xương minh dân trí và hoàn thành dân đức.
“Trong ba chính điểm với chương trình thực hành rất rộng rãi tùy theo hoàn cảnh, tùy theo thời kỳ con đường hành đạo sẽ biểu diễn vô cùng tận để đưa bước tiến cho chúng sanh.
“Hễ chúng sanh đã trưởng thành dân đức, nghĩa là đức độ tu hành đã sáng tỏ vào tâm giới của mỗi môn đồ ấy là nhờ pháp đạo đã dìu đường cho chúng sanh trở về tân dân nghĩa hiệp. Lòng người đã đổi mới hay lòng chánh niệm đổi mọi vọng tâm tức là đã biết tương thân hòa ái thực hành nhân đạo căn bản là đã tròn công dẫn đường cho chúng sanh đi đến đích Chí Thiện; ấy là hoàn thành phần Thánh Đạo.” (15)

D. TU LUYỆN
Theo Tân Luật:
Điều Thứ Mười Hai:
Nhập môn rồi gọi là tín đồ. Trong hàng tín đồ có hai bực:
1. Một bực còn ở thế, có vợ chồng làm ăn như người thường, song buộc phải giữ trai kỳ họăc 6 họăc 10 ngày trong tháng, phải giữ Ngũ Giái Cấm và phải tuân theo Thế Luật của Đại Đạo truyền bá. Bực này gọi là người giữ Đạo mà thôi; vào phẩm hạ thừa.
2. Một bực đã giữ trường trai, giái sát và tứ đại điều quy, gọi là vào phẩm thượng thừa.
Điều Thứ Mười Ba:
Trong hàng hạ thừa, ai giữ trai kỳ từ mười ngày sắp lên, được thọ truyền bửu pháp, vào tịnh thất có người chỉ luyện Đạo.

E. TÂN PHÁP CAO ĐÀI: TAM CÔNG

Pháp môn Tam công là pháp môn tổng hợp bao gồm công quả, tô bồi âm chất hóa giải nghiệp lực; công trình nhằm rèn luyện bản thân, kiên nhẫn, trì thủ, hy sinh, tu học để tự hoàn thiện và hoàn thiện tha nhân; công phu để thân tâm an định, diệt trừ lục dục thất tình, tâm linh mẫn tuệ. Đây là pháp môn có công dụng toàn diện từ thế đạo đại đồng đến thiên đạo giải thoát.
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy về Tam công:

“…Công Quả: . . .Tùy khả năng sở hữu tới đâu làm tới đó, nhưng phải làm với tất cả tấm lòng vị tha bác ái, không gọi công không gọi danh.
Còn về Công Trình - đó là đào luyện trui rèn ý chí phàm tánh bản năng sanh tồn. Đừng nói rằng mình ít oi đạo học về giáo lý làm sao đi thuyết minh truyền giáo giảng dạy đó đây cho đời hướng thiện. Vậy chớ một cử chỉ nhỏ như tha thứ lỗi người, dằn cơn nóng giận để cảm hóa lòng người không gọi là công trình được sao?
Còn về Công Phu, đừng nghĩ rằng phải chờ đến bực Thiên phong chức sắc có nhà tịnh đủ tiện nghi hoặc chờ Thiêng Liêng điểm danh cho nhập khóa. Vậy chớ Phật xưa ngồi nơi gốc cây, tấm thân tròi trọi, địa vị bần dân, vẫn giữ được công phu thiền định,còn chư hiền phải làm sao?
. . .Hãy chăm chú vào ngọn nhang, ánh đèn Thái Cực, hoặc nhìn chăm chú vào Thiên Nhãn, đừng tưởng việc chi khác hơn, đó cũng là khởi đầu cho động tác công phu thiền định rồi vậy.” (16)

III. THAY LỜI KẾT: Tiêu chí hoàn thiện hóa người tín hữu Cao Đài

Người tín hữu Cao Đài mỗi khi kết thúc một buổi cúng kính đều đọc bài Ngũ Nguyện, mở đầu là “Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai” được Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn diễn giải thành thơ như sau:
Nam mô:

Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai,
Vì đời nào ngại chông gai dữ lành.
Nhì nguyện phổ độ chúng sanh,
Quyết đem hoằng giáo đạo lành giáo dân.
Tam nguyện tha tội bản thân,
Khoan dung phá chấp cõi trần vô minh.
Tứ nguyện thiên hạ thái bình,
Tịnh tâm chế động muôn nghìn trái oan.
Ngũ nguyện thánh thất bằng an,
Hai ngày sóc vọng đăng đàn thuyết minh.
Trấn an tâm đạo nhân sinh,
Vai trò un đúc đức tin đạo đồng. (17)

Thiển nghĩ, lời nguyện lớn này không phải là sự phó thác cho Thiêng Liêng một công cuộc trọng đại ngoài sức người. Tâm nguyện ấy phải đi đôi với ý chí “phổ độ chúng sanh” thúc đẩy người tín hữu Cao Đài tự nhận vai trò tích cực trước Cơ Đạo.
Đó là chí hướng, là tâm nguyện, nhưng muốn thực hiện được tâm nguyện trên thực tế, người tín hữu Cao Đài không thể cầu nguyện suông, mà phải dựa vào nền Giáo lý Đại Đạo, nêu lên 3 điều kiện hay 3 tiêu chuẩn then chốt:
1. Mỗi người tín hữu Cao Đài phải thực sự tu chứng. Tu chứng chưa phải là đắc đạo thành Tiên, mà đã hay đang tiến hóa tâm linh đến một giai đoạn nhứt định nào đó. Người tu chứng không phải chỉ là người giác ngộ, nhập môn vào đạo, giữ quy giới, thờ phượng cúng kính bình thường. Tu chứng tức đã diệt phàm tâm, hiện thánh tâm, thực sự vong kỷ vị tha.
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy: “Người đạo Cao Đài là gương mẫu, là chiếc đò, là nhịp cầu đưa khách từ bến mê sang bến giác, là điện đài thu phát động năng thúc đẩy sự thống hiệp giáo lý, là tính chất của Tạo Hóa kết hợp với sự thương yêu cho toàn diện thế giới nhơn loài.” (18)
2. Góp phần xây dựng hệ thống giáo lý phổ quát, đáp ứng được nỗi khao khát một ý thức hệ nhân bản phục hồi giá trị con người, đem lại ý thức về ý nghĩa cao quí của kiếp người, củng cố lòng tự tin để sống xứng đáng là chủ thể “tối linh” trong vạn vật.
3. Người đạo Cao Đài phải có ý thức sứ mạng thật sáng tỏ. Theo đuổi mục đích “Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát” dưới tôn chỉ “Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhất”, không phải để hoài cổ hay ca tụng các tôn giáo xưa và mơ ước hão huyền về một thiên đàng tại thế, mà phải chứng minh được khả năng xây dựng thế giới hòa bình, an lạc của con người tiến bộ toàn diện cả hai mặt nhân sinh (social life) và tâm linh (spiritual life). (19)

Vậy người tín hữu Cao Đài, hơn nữa là tín hữu Cao Đài Việt Nam, đang có cơ hội ngàn năm một thuở để mang lấy sứ mạng lịch sử là sứ mạng của dân tộc được chọn, sứ mạng tiền phong trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.◙

Thiện Chí
Thuyết trình tại Ngọc Minh Đài
Ngày mùng 10 tháng 5 năm Nhâm Thìn
(28-6-2012)


___________________________

THAM KHẢO:

1-Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 19-9 Tân Hợi (06-11-1971).
2-Đức Chí Tôn,Thánh Huấn Hiệp Tuyển, Q.1, tr.207.
3-Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.I, Tòa Thánh Tây Ninh, 1964, tr.33, 34.
4-Theo Phật giáo, nhập môn gọi là quy y (quy y Tam Bảo) Quy y (zh. 歸依, sa. śaraṇa, pi. saraṇa, bo. skyabs) còn được gọi là quy đầu (zh. 歸投), ngưỡng trượng (zh. 仰仗), y thác (zh. 依托). Quy y trong Phật giáo có nghĩa là quy y Tam bảo (chỉ Phật, Pháp và Tăng). Chữ Quy cũng được viết là 皈, gồm bộ thủ Bạch 白 (“cõi sáng”) và chữ Phản 反, “quay về” và như vậy, có nghĩa là “quay về cõi sáng”. Trong các bộ Phệ-đà (sa. veda), từ śaraṇa có nguyên nghĩa là “bảo hộ”, “cứu tế” hoặc “chỗ tị nạn”, “chỗ bảo hộ”, ý là chỗ chúng sinh có thể đến, thân được an toàn, tâm được vô ưu. Quy y Tam bảo của Phật giáo chỉ sự nương vào uy lực của Tam bảo để đạt được an ổn vô hạn của tâm thức, thoát mọi khổ não. Câu-xá luận quyển thứ 14 (Đại Chính 29.76c) nói: “Nghĩa của Quy y là gì? Là cứu tế; vì nương vào đó mà người ta có thể vĩnh viễn thoát khỏi mọi khổ ách.”
Người hâm mộ Phật pháp khi nhập môn tất phải thực hiện nghi thức quy y; thệ nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng xong mới chính thức được xem là một đệ tử Phật.
5-Ơn Trên dạy: “Vô nguyện bất thành Phật dữ Tiên, Phật Tiên vô nguyện bất điều hiền”. Nghĩa là: “Không lập nguyện thì không thành Phật Tiên, và Phật Tiên cũng không phù hộ người chưa lập nguyện”.
6-Kinh Thiên Đạo, Thế Đạo Toà Thánh Tây Ninh không có kinh nhập môn.
7-Theo Tủ Sách Đại Đạo, internet, Tây Ninh.
8-Trung Hưng Bửu Tòa, 30-01-ĐĐ.32 (Đinh Dậu) (01-3-1957).
9-Đức Bảo Pháp Huỳnh Chơn, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 15-6 Quý Sửu (14-7-1973).
10-Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.I, Tòa Thánh Tây Ninh, 1964, tr.18.
11-Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 30-12 Giáp Dần (10-02-1975).
12-Đức Chí Tôn, Đại Thừa Chơn Giáo.
13-Đại Thừa Chơn Giáo, 01-9 Bính-Tý (1936), bài “Tôn chỉ của Cao Đài Đại Đạo”.
14-Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 01-9 Kỷ Dậu (11-10-1969).
15-Đức Lý Giáo Tông, KinhTrung Thừa Chơn Giáo, Hội Thánh Cầu Kho Tam Quan,Tý thời, 10-7 Đại Đạo 37 (09-8-1962).
16-Vĩnh Nguyên Tự, 03-01 Giáp Dần (25-01-1974).
17-Vĩnh Nguyên Tự, 15-3 Bính Thìn (14-4-1976).
18-Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, 15-7 Canh Tuất (16-8-1970).
19-Thánh giáo Đức Trần Hưng Đạo, Thiên Lý Đàn, 10-4 Ất Tỵ (10-5-1965):
“Phục hưng tinh thần truyền thống cổ truyền của dân tộc dính liền với sự phục hưng văn minh nhân loại, để xây dựng một nguơn hội thái bình vĩnh cửu cho muôn người, tạo lập một Thiên đàng cực lạc tại thế...”

__________________________

CHÂN DUNG NGƯỜI TÍN HỮU CAO ĐÀI

Cách đây hơn 80 năm một sự kiện hi hữu chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại đã xảy ra trên đất nước VN, Đức Thượng Đế giáng trần khai mở một đại cuộc cứu độ trong thời Hạ nguơn mạt pháp, nhằm giúp loài người thoát khỏi những bế tắc trong đời sống nhân sinh, đồng thời nhận ra nguồn cội tâm linh mà quay về cho kịp với tiến trình của vũ trụ. Sự kiện hi hữu đó đã khởi đầu cho sự hình thành một nền tôn giáo mới với danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay đạo Cao Đài mà Giáo chủ chính là Đấng Tạo Hóa đã khai sinh muôn loài vạn vật, tá danh Cao Đài Tiên Ong Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Ngài đã chọn đất nước VN làm điểm xuất phát để mở cơ tận độ cùng với sự phò tá của các vị Giáo Tổ và toàn thể chư Phật Tiên Thánh Thần đã từng có mặt trong Nhứt và Nhị Kỳ Phổ Độ.
Từ đó, hình ảnh của người tín đồ Cao Đài trong bộ đạo phục màu trắng cũng là quốc phục truyền thống của người Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện, và ngày nay đã trở nên hết sức quen thuộc không chỉ với người Việt trong nước mà còn ở nhiều quốc gia có người Việt định cư. Và có thể nói rằng, nếu trên thế giới, chiếc áo dài là hình ảnh của người Việt, không lẫn lộn với bất cứ dân tộc nào, thì đạo phục Cao Đài cũng hết sức đặc trưng tiêu biểu cho một nền tôn giáo dân tộc thuần tuý Việt Nam.

Điều đáng nói là với đạo Cao Đài, đạo phục không chỉ dành riêng cho giới xuất gia như các tôn giáo khác, mà cho toàn thể tín đồ, có nghĩa là khi đã nhập môn vào đạo, đương nhiên người tín đồ phải có đạo phục là bộ đồ dài trắng, nam cũng như nữ, nam phái có thêm chiếc khăn đống đen hình chữ "nhân" để mặc khi đến chùa thất, và cả khi cúng lạy ở tư gia. Hình ảnh người tín đồ trong bộ đạo phục trắng, nhất là nam phái, theo nhiều người, thể hiện nét hiền lành, trang nghiêm, chân chất nhưng đồng thời pha lẫn một chút quê mùa, thủ cựu, thậm chí phảng phất một sự hạn chế về tri thức; nhưng là điểm nổi bật của tôn giáo Cao Đài khi so sánh với tín đồ các tôn giáo khác lúc hành lễ nơi Thánh sở.

80 năm là một thời gian dài đối với một đời người nhưng không thấm vào đâu so với tuổi của một nền tôn giáo. Cho nên cũng không gì đáng ngạc nhiên khi mà tôn giáo Cao Đài vẫn còn là một ẩn số đối vơi đa số nhơn sanh; hơn nữa đây lại là một tôn giáo hết sức đặc biệt: Giáo Chủ là một Đấng vô hình siêu phàm thống trị cả càn khôn thế giới giáng trần cùng với các vị Giáo Tổ của thời đại mấy ngàn năm trước tưởng chừng như là truyền thuyết và các Đấng Thiêng Liêng tưởng chừng như muôn đời chỉ hiện hữu qua kinh sách,... Tất cả lại cùng xuất hiện, qua huyền cơ diệu bút nói chuyện với con người, không chỉ là những câu chuyện đạo lý, dạy làm lành lánh dữ nơi cõi thế gian, mà còn mang đến trao cho con người giữa thời đại văn minh khoa học rực sáng một sứ mạng trọng đại cao cả chưa từng có trong lịch sử tôn giáo mà lời dạy của Đức Thái Thượng Đạo Tổ, Giáo Tổ của đạo Lão, một tôn giáo theo đường lối Tiên đạo ra đời cách đây mấy ngàn năm mà con người từng biết qua kinh sách, ngày nay lại tiếp tục "ra tay dẫn độ dày công giúp đời" trong Tam Kỳ Phổ Độ như một sự khẳng định:

"Trong cõi vô thường cuộc đời giả tạm mà lại có các hàng Giáo chủ – Tiên, Phật, Thánh – ra đời để giác ngộ, hầu khải ngộ dẫn dắt quần sanh. Chư môn đồ đang thực hiện sứ mạng để tiếp nối các việc làm của hàng Giáo tổ Thánh nhơn trong hai kỳ trước. Vậy mỗi một tín đồ của Đại Đạo là một Thiên ân. Mỗi một Thiên ân là một sứ mạng phải hoàn thành khi đã được Đấng Chí Tôn Thượng Đế ban trao."[1]

Lời dạy này đã xác định vai trò của người tín đồ Cao Đài hết sức vĩ đại là "tiếp nối các việc làm của hàng Giáo tổ Thánh nhơn trong hai kỳ trước"trong vị trí "mỗi một tín đồ của Đại Đạo là một Thiên ân" với trách nhiệm vô cùng lớn lao : "Mỗi một Thiên ân là một sứ mạng phải hoàn thành khi đã được Đấng Chí Tôn Thượng Đế ban trao."

Như vậy, rõ ràng bên trong hình ảnh người tín đồ ĐĐTKPĐ hết sức tầm thường lại có chút gì đó quê mùa trước mắt mọi người phải chứa đựng cả một giá trị tưởng chừng như không thể có được trong tư duy thời đại. Nhưng đó lại là chân lý, bởi lẽ, dù mang hình thức tôn giáo, nhưng đạo Cao Đài lại do chính Đấng Toàn Tri Toàn Năng khai mở để hướng đến một vận hội mới cho tâm linh nhân loại vượt khỏi chiếc vỏ tôn giáo vươn lên tầm vóc Đại Đạo được thể hiện qua lời dạy của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:

"Khêu tỏ lý đồng nguyên và qui nguyên, khai sáng tâm linh, đưa con người lên tầm vóc Đại Đạo. Ngước mắt nhìn lên bầu trời to rộng, vượt ra đại dương trời nước bao la, chắp cánh bay bổng khắp 4 phương trời để phục vụ nhân loại, phụng sự Thiên cơ, phụng sự Đại Đạo, làm theo lòng Trời Đất."

Những dòng Thánh ngôn dạy đạo với văn từ trau chuốt, văn phong trang nhã, ý tứ sâu sắc, nội dung hàm chứa ý chí mạnh mẽ nhưng đầy tình thương này đã gợi nhớ đến hình ảnh của nhà thơ Lý Bạch đời Đường năm xưa mà vẫn luôn đọng lại trong tâm tưởng hậu thế với những nét hào hùng thi vị của một bậc nhân tài vẹn toàn nhân trí dũng. [ . . .]

Nhắc lại chuyện xưa trong tinh thần"ôn cố-tri tân", để qua hình ảnh của nhà thơ Lý Bạch thuở xưa và sự hiện hữu của Đức Thái Bạch Kim Tinh trong Tam Kỳ Phổ Độ có thể thấy được giá trị thực sự của người môn đệ Cao Đài hết sức to lớn; song le, dường như con người vẫn còn lơ là, chưa thực sự quan tâm tin tưởng đến giá trị đã được Thiêng Liêng ban cho. Bởi vì một người sau khi đã nhập môn, lập lời thệ nguyện trước Thiên bàn thì dù muốn dù không đã được coi là người đạo Cao Đài, nhưng có trở nên người-tín –đồ- Đại Đạo trong ý nghĩa "mỗi tín đồ ĐĐ là một Thiên ân" hay không thì còn tùy thuộc vào giá trị mà người đó tạo được cho mình.

Có những người đạo Cao Đài mãi mãi vẫn đóng khung trong lối mòn tín ngưỡng mua chuộc thần quyền để mong cầu những điều ích lợi riêng tư hoặc một sự chở che vô hình như Thầy đã đề cập ngay từ buổi đầu khai Đạo: "Phần nhiều trong các con chẳng để lòng thờ kính Thầy, tưởng cho đem thờ Thầy vào nhà là chủ ý cầu một việc lợi riêng chi cho gia quyến vậy thôi, chớ chẳng hiểu là một nguồn trong sạch để rửa các lỗi phàm tục của các con. Nhiều đứa lại còn mơ hồ, đã thờ Thầy mà còn chưa chắc ý rằng thờ đặng chi và mở Đạo ra có ích gì?[2]!

Cũng có những người đạo Cao Đài theo Đạo do bởi truyền thống gia đình hay vì thấy đời đau khổ muốn tìm một chỗ dựa cho tâm linh, nhưng lại an phận trong suy nghĩ hạn hẹp, hoặc do trình độ hạn chế, thiếu người hướng dẫn, cứ tưởng nhập môn rồi, trong nhà thượng tượng thờ Thầy, ăn chay một tháng đủ 10 ngày, 2 ngày sóc vọng tới chùa cúng lạy, đọc kinh là đã đủ bổn phận của người tín đồ. Người đạo Cao Đài loại này vẫn còn là số đông, cũng chưa thực hiện được phận sự của người tín đồ, Thầy đã than:

"Than ôi! Đã bước chân vào đường đạo hạnh mà chẳng để công tìm kiếm, học hỏi cho rõ ngọn nguồn thì làm phận sự môn đệ như thế có ích chi cho nền Thánh giáo đâu"[3]

Một thành phần khác tiến bộ hơn, vào đạo rồi có biết đến giới luật căn bản là Ngũ giới cấm, biết điều tội phước, nhưng vẫn chưa thấy được trách nhiệm của mình khi vào đạo, do bởi ít đọc Thánh giáo, không học hỏi đạo lý, không quan tâm đến việc tu sửa thân tâm, mà tu hành theo chiều mê tín. Đức Giáo Tông đã cảnh báo:

"Trong hàng giáo phẩm thiên phong chức sắc cũng như chức việc tín hữu, đừng tưởng rằng mình đã nhập môn rồi với mỗi tháng mấy ngày chay, đi chùa thất cúng bạc hiến tiền là được vào hàng con cưng của Trời Phật, và các đấng Thiêng Liêng sẽ hộ trì cho đến ngày thành Tiên tác Phật; vẫn bị đọa như thường nếu không tìm hiểu được đâu là chánh tín, đâu là mê tín tà niệm. Nếu nhập môn rồi mà không cố gắng học hỏi đạo lý, hiểu việc nào nên làm, nên nói, nên suy nghĩ và điều nào không nên làm, không nên nói, không nên suy nghĩ, không rèn luyện bản tâm cho thuần chơn, không chế ngự thất tình lục dục để chúng tự do loạn động.

Thượng Đế thương đời, đã đem các giáo lý từ khó đến dễ để kêu gọi thức tỉnh người đời, chớ Thượng Đế không bảo người đời quá chú trọng về mặt hình thức dập đầu cầu Phật. Nếu trong lúc ấy tâm thức chưa được mở mang thì tâm linh vẫn còn lúng túng trong bức màn vô minh, thì dầu có giữ đạo ngàn đời muôn kiếp cũng vẫn mãi còn lên xuống lặn hụp trong bánh xe luân."[4]

Với người đạo Cao Đài đi theo con đường chơn đạo vô vi, lại tưởng mình hết lòng tu luyện bản thân là đủ, không cần quan tâm đến thế sự cuộc đời. Cũng chưa phải là người- tín- đồ- Cao- Đài đúng nghĩa như lời nhắc nhở của Đức Chí Tôn trong TNHT:

" Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng hễ vào đạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. Thầy nói cho các con biết nếu công quả chưa xong thì không thế nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế này thì tìm cách khác mà làm âm chất thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng thể đạt địa vị tối cao. Các con phải hiểu Thánh ý Thầy mà trau giồi chí lớn." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q-I)

Tuy nhiên, qua mấy mươi năm đạo Cao Đài xiển dương chánh pháp trên đất nước Rồng Tiên, cũng không ít người đã tự vẽ được chân dung người- tín –đồ- Cao- Đài của mình một cách rực rỡ để thực chứng cho những trãi nghiệm làm niềm tin cho các thế hệ tiếp nối đạo nghiệp. Đó là các bậc Tiền Khai Đại Đạo, những người đệ tử ban sơ của Đức Cao Đài, sau khi trở về nơi chốn vô sanh đã gởi lại đàn em những vần thơ nhắn nhủ xác nhận con người nếu một lòng quyết tâm tu học, giúp đời thì cũng sẽ tiến hóa lên hàng Tiên Phật:

Trần gian là chốn tiến thân,

Từ thân huyết nhục nên Thần Phật Tiên;

Người xưa nên bậc Thánh hiền,

Người nay sẽ cũng Phật Tiên sắp thành[5]

Không chỉ các bậc Tiền Khai công lớn với đạo, mà còn có những người đạo Cao Đài rất bình thường cũng đã tự họa được cho mình bức chân dung người- tín- đồ-Cao- Đài nhờ đức từ bi giúp sức của Ơn Trên, cho người đời thấy được lẽ huyền vi của Trời Đất, để mau tiến bước trên đường sứ mạng tự độ, độ thaBức chân dung của người- tín- đồ- Cao- Đài phải do mỗi người tín đồ tự phác hoạ bằng chính tâm hạnh đức tài của mình trên đường tu sửa, rèn luyện bản thân, thực hành sứ mạng. Thánh giáo dạy:

"Có tâm mà lại có Tài,

Đức,tâm, tài đủ,Đạo Thầy hoằng dương."

[ . . .]
Hồng Phúc

Đọc tiếp: http://nhipcaugiaoly.googlepages.com/chandungtinhuu


[1] Đức Thái Thượng Lão Quân; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 15-02 Kỷ Mùi (12-03-1979)

[2] TNHT- 27-12-1926

[3] TNHT- 27-12-1926

[4] Đưc Giáo Tông- NGỌC MINH ĐÀI Tuất thời Rằm tháng 10 Kỷ Dậu (24/11/69)

[5] Vĩnh Nguyên Tự, Tuất thời mùng 1 tháng 9 Giáp Dần (15.10.1974)

__________________________________


ĐỨC TIN CAO ĐÀI
Trong một lần giáng cơ, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã nêu lên câu hỏi về đức tin như sau : "Chỉ có một Thiên nhãn trong sự sùng bái của dân tộc này dưới bảng hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Như vậy thì tất cả những người Thiên ân chức sắc, tín đồ, đạo hữu nhắm vào hình thức nào, ảnh hưởng nào, để biết được Đấng mà chư Thiên ân chức sắc, tín đồ, đạo hữu đặt niềm tin trọn vẹn với bao sự hy sinh cao cả từ buổi sơ khai?" (Trúc Lâm Thiền điện, Tuất thời, 07-5 Quý Sửu, 07-6-1973)

Câu hỏi đột ngột của Đức Thiền sư lúc ấy có lẽ đã khơi dậy những suy tư vể đức tin của chư vị thiên ân trước sứ mạng Tam kỳ phổ độ. Đó là thời điểm sau 47 năm khai Đạo. Còn hiện nay, câu hỏi đã được đặt ra cách 30 năm, liệu chúng ta có thể trả lời dễ dàng chăng ?

Đức tin Cao Đài không chỉ để sùng kính hằng ngày;

Đức tin Cao Đài không chỉ để cầu nguyên cho bản thân;

Đức tin Cao Đài không chỉ để ngưỡng mộ công đức của các đấng Giáo tổ hoặc chư Phật Tiên Thánh Thần;
Vậy đức tin Cao Đài phát xuất từ cơ bút là một huyền diệu hi hữu, nhưng ý nghĩa của nó hẳn nhiên không chỉ để chứng tỏ sự huyền diệu của cõi vô hình hay sự hiện hữu của Thượng Đế.

Chính vì Đức Thượng Đế không muốn lập ra một tôn giáo trong thời kỳ nầy để chúng sanh có một đức tin như thế nên Ngài chỉ thị hiện Thiên nhãn làm biểu tượng Cao Đài mà thôi.

Ở phương diện hữu hình, con mắt là cơ quan đồng nhất giữa nhân sanh, biểu thị tâm hồn của mọi nguời.
Về mặt tâm linh, Thiên nhãn là Thượng Đế, mà cũng là tâm linh con người.
Nhưng tượng Thiên nhãn vẫn là vật hữu hình, nên Thiên nhãn phải có nhân tâm làm chứng thị, nghĩa là người tín đồ phải nhận được mạc khải từ Thiên nhãn thì mới đạt đến đức tin thật sự.

Tuy nhiên, có ấn chứng nơi Thiên nhãn, nơi cơ bút, mới chỉ đạt đến đức tin Cao Đài như một tôn giáo bình thường; chưa đạt đến đức tin Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Thế nên tuyệt đích của đức tin Cao Đài phải gắn liền với Sứ mạng kỳ ba.

Bởi chính Sứ mạng kỳ ba làm chúng thị cho Qui luật tiến hóa tuần hoàn bất biến của vũ trụ, đã đến thời kỳ qui nguyên những chủ thể tiến hóa và đào thải những chơn linh lầm lạc. Động năng tiến hóa chủ yếu của từng chủ thể chính là công đức góp phần giác mê khải ngộ chúng sanh. Và Đại Đạo TKPĐ là cơ hội tu học , là trường huấn luyện, là trường thi mà Đức Chí Tôn đặc ân mở ra để chúng sanh tiến hóa kịp thời, càng đông đảo, càng vinh diệu cho cơ đạo. Sự cứu độ của Chí Tôn là giáo hóa để chúng sanh tự lực tiến hóa. Nên thánh giáo Đức Vân Hương Thánh Mẫu có dạy :

"Các em từng đặt trọn niềm tin vào Thượng Đế, vào các đấng Thiêng Liêng qua linh cơ để giác ngộ khải mê, giúp các em thức tỉnh tiến bước hành đạo phản bổn hoàn nguyên. Chị cho là đúng. Đó là phần hướng nội, là tự xem chính mình có thật sự tin hay không. Đã tin thì chính mình là Đạo, phải thay Trời mà vận hành tự cường bất tức. Có như vậy các em mới thực hiện được sứ mạng, hay nói rõ hơn là các em mỗi
người thiên ân hướng đạo phải tự nhận trách nhiệm của mình." ( VHTM, 13-08-Kỷ Mùi, 1979 )
Vậy có thể tóm tắt :
ĐỨC TIN CAO ĐÀI = ĐỨC TIN NƠI THƯỢNG ĐẾ + GIÁC NGỘ QUY LUẬT TIẾN HÓA HOÀN NGUYÊN + SỨ MẠNG TKPĐ.

Nhịp Cầu Giáo Lý
___________________________________

ĐẶC ĐIỂM ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Trích tham khảo của Quach Hiệp Long)
Nam Mô CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT

I. DẨN NHẬP
II. THƯỢNG ĐẾ TRỰC TIẾP KHAI MINH VÀ LÀM GIÁO CHỦ ĐẠO CAO ĐÀI
III. DÙNG CƠ BÚT LÀM PHƯƠNG TIỆN LẬP GIÁO VÀ DẠY ĐẠO
IV. TỔ CHỨC HỘI THÁNH : TAM ĐÀI (TINH – KHÍ - THẦN)
V. TÂN PHÁP CAO ĐÀI : PHÁP MÔN TAM CÔNG[1]
VI. CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG - NIẾT BÀN DIỆU TÂM : NHÃN THỊ CHỦ TÂM – CƠ TẠI MỤC[2]
VII. THỂ HIỆN MỘT SỰ HỢP TÁC
- GIỮA TRỜI VÀ NGƯỜI (THIÊN NHÂN HIỆP NHẤT)
- GIỮA NGƯỜI VÀ NGƯỜI (THẾ ĐẠO ĐẠI ĐỒNG)
- GIỮA CÁC TÔN GIÁO (VẠN GIÁO NHẤT LÝ hay TAM GIÁO QUI NGUYÊN, NGŨ CHI PHỤC NHẤT)
VIII. ĐẠI ÂN XÁ KỲ BA
IX. KẾT LUẬN
Lời dạy của Đức MẸ :
« Trải lịch kiếp, nghiệp còn trìu trịu,
Kỳ Xá Ân, nương níu trì tu.
Công trình, công quả, công phu,
Mà không thoát khỏi ngục tù này sao ? »


“ Nhãn thị chủ Tâm,
Lưởng quang chủ tể,
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả Ngã dã.

THẦN là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Độ này, duy THẦY cho THẦN hiệp TINH, KHÍ đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh. (...)
THẦY đến đặng huờn nguyên Chơn Thần cho các con đắc ĐẠO. Con hiểu “Thần cư tại Nhãn”. Bố trí cho chư đạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó.
THẦY khuyên con mỗi phen nói Đạo, hằng nhớ đến danh THẦY.” (Trích Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I, Đức CHÍ TÔN, 25-02-1926).

Tại Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 26 tháng 5 Ất Mão (05.07.1975), Đức Bác Nhã Thiền Sư có dạy trong một đàn pháp như sau : “Hôm nay Bần Đạo muốn lý giải một pháp môn tối thượng nhứt thừa về "Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, hữu tướng vô tướng, giáo ngoại biệt truyền" và đem bí quyết ấy phối đồng với yếu lý "Nhãn thị chủ Tâm, lưỡng quang chủ tể, Quang thị Thần, Thần thị Thiên, Thiên giả ngã dã" của Đức Cao Đài. Đó là một pháp môn tối thượng xưa nay ít người biết được cái yếu lý sâu kín nhiệm mầu. Nếu không đạt tới chỗ bí nhiệm này, khó mong thành quả.
Bần Đạo cũng thấy từ lâu hai bên Phổ Thông Giáo Lý và Minh Lý Thánh Hội đã giao tình thân thiết, mà chí hướng cũng gần nhau, về tổ chức bên này thờ Vô Cực là Niết Bàn Diệu Tâm, bên kia thờ Thái Cực (Thánh Nhãn) là Chánh Pháp Nhãn Tạng thật là một mối quan hệ phải quan tâm giữa hai màu đen trắng hội họp đồng là chỗ bí nhiệm Huyền Tẩn Chi Môn Thiên Địa Căn. Tuy bên ngoài mặt hình thức không đáng kể, mà về chơn lý đạo pháp rất vi ẩn. Nếu hai bên thực lòng thì Bần Đạo sẽ thuyết minh về phẩm "Huyền Môn Tự Thể" này hầu cùng nhau làm chìa khóa mở cửa vô sinh vào đường giải thoát.”

Thánh truyền Trung Hưng (HT.Truyền Giáo Cao Đài) có thánh ngôn Đức Chí Tôn dạy về Chánh Pháp Nhãn Tạng như sau: “Lần Ba nầy, Thầy trao cho Chiêu Chánh Pháp Nhãn Tạngnầy chẳng những như xưa mà phổ cập mười phương dù kẻ tu nội tĩnh cầu tâm hay ngoại giới cầu pháp cũng được siêu độ.
Nên con nào tu pháp môn nào mà có thờ Thiên Nhãn thì được kết quả? Vì sao? Vì pháp môn chỉ tụ khí dưỡng tinh mà không có thần thì làm sao mà hoàn nguyên đăng thượng. Cũng như gà ăn no thì đẻ trứng, song không có trống khó nở con, cây cỏ cũng thế. Cô âm bất sanh, cô dương bất thành.
Mà Chánh Pháp Nhãn Tạng là sao?
_Tạng là kho chứa.
_Nhãn là con mắt, là xu cơ[3]
Nếu luyện Thần Nhãn mà luyện song quan thì làm sao âm dương trở về cội gốc là Thái Cực nên phải mở mắt giữa mới thấy được Huyền quan.
Nói “Nhãn thị chủ Tâm” tức là tâm chủ hai con mắt. Lưỡng quan chủ tể. Quang thị
Thần. Thần thị Thiên. Thiên giả ngã giả, đó là một yếu quyết khai thông, khi các
con được truyền chỉ hiệp một với Đại Đạo”. ( Trích bài đăng trong Tập san Sống Đạo, số Xuân Kỷ Sữu, 2009).
Nay kính.



________________________________________
[1] Đức MẸ dạy :
« Trải lịch kiếp, nghiệp còn trìu trịu,
Kỳ Xá Ân, nương níu trì tu.
Công trình, công quả, công phu,
Mà không thoát khỏi ngục tù này sao ? »
[2] Cơ tại mục: Tự điển thuật ngữ Đạo giáo: “Tâm duyên dẫn do mắt, như nỏ phát động do cơ. Cơ không động thì nỏ (arbalète) đứng yên, mắt không động thì tâm an trụ, chẳng cảm thấy ham muốn thì tâm không loạn. Hỏa Hậu Ca ghi: “Muốn thấu huyền huyền phải cẩn thận, công phu cẩn thận cơ tại mục.”
[3] Xu cơ: xu: then chốt; cơ 機 nguyên nhân làm cho sự vật phát động hay biến hóa của Tâm.














Một số tác giả

Thầy dành cho trẻ một mùa xuân,
Đi lại trần gian xóa khổ trần,
Như lý Đạo mầu đang cứu cánh,
Cho đời thuần túy nét thanh tân.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây