Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
10/05/2004
Huệ Nhẫn

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009

Quan điểm về các ngày kỷ niệm: Khai Đạo, Khai Tịch Đạo, Khai Minh Đại Đạo

Trong nội bộ Cao Đài, mấy năm gần đây, thỉnh thoảng chúng ta có nghe bàn về ngày Khai Đạo, về ngày Khai Tịch Đạo. Có nơi (như Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) chọn ngày mồng 1 tháng giêng (Tết Âm lịch) làm ngày Khai Đạo, có nơi (như Nam Thành Thánh Thất) cho rằng ngày 23-8 mới đúng là ngày Khai Đạo (và không đồng ý chữ Khai Tịch). Một số tác giả (như Đức Nguyên viết trong Cao Đài Từ Điển) lại có ý kiến khác.

Do cũng có thời gian nghiên cứu về lịch sử Đạo Cao Đài buổi đầu, chúng tôi xin nêu một số nhận định riêng liên quan đến vấn đề này. Qua đây, chúng tôi không hy vọng các vị đã bày tỏ ý kiến sẽ thay đổi quan điểm, chỉ mong tất cả chúng ta cùng suy nghĩ thêm trên một số phương diện. Thiết nghĩ, trong tương lai, một lúc nào đó các tôn giáo bạn, các nhà nghiên cứu tôn giáo, người đời nhìn vào sẽ không thắc mắc phân vân khi thấy nội bộ Cao Đài vẫn còn có nhiều ý kiến trái khác nhau về ngày Khai Đạo.

Để nhận định về "các" ngày Khai Đạo, chắc chắn chúng ta cần phân tích ý nghĩa lịch sử của từng ngày một cách cụ thể. Tuy nhiên, trước hết xin nói qua nghĩa đen của chữ Khai. Chữ Khai có mấy ý nghĩa khác nhau: Thứ nhứt, khai là mở ra, mở đầu một công việc (như khai trương, khai giảng, khai nghiệp...). Thứ hai, khai có nghĩa là trình báo, kể ra (như khai sanh cho đứa bé, tờ khai lý lịch...). Chữ Khai còn một số ý nghĩa khác nhưng không thích hợp nên không kể ra thêm.
Sau đây, chúng ta lần lượt xem lại bối cảnh lịch sử của từng ngày "Khai Đạo". Đầu tiên là:

I. NGÀY KHAI ĐẠO

Giống như nhiều ý kiến trước nay, chúng tôi chọn định nghĩa: Ngày Khai Đạo là ngày Thượng Đế chính thức khai mở nền Đạo Cao Đài xuống thế gian. Chữ Khai hiểu theo nghĩa thứ nhứt (Khai mở).

Khai Đạo đây thuộc phạm trù Thiên ® Nhơn; Trời mở mối Đạo mới cho nhân loại. Vậy, Đức Cao Đài mở đạo vào ngày nào, năm nào? Để giải đáp, cần đưa thêm vào phần định nghĩa một số yếu tố dùng xác định, như, đó là ngày mà:

- Đức Cao Đài Tiên Ông xưng hồng danh và chính thức dạy Đạo.
- Có một người, do đã ý thức được mối Đạo, chính thức nhận làm đệ tử Đức Cao Đài.

Như vậy, nếu trước thời điểm ấy, Ơn Trên có lời tiên tri (qua các từ Cao Đài, Tam Kỳ Phổ Độ…) hay phái những vị Thiên Sứ đến tiếp xúc (xưng danh hay chưa xưng danh) đều là động tác chuẩn bị, chưa phải thời điểm chính thức Thượng Đế Khai Đạo.
Công việc đầu tiên, có lẽ chúng ta cùng đọc lại lịch sử Đạo Cao Đài và suy nghĩ thêm. Vì bởi Đạo Cao Đài quá đặc biệt, được Đức Chí Tôn khai mở từ hai nhánh khác nhau:

- Nhánh đầu tiên: Tâm Truyền (sau này là Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi). Ngài Ngô Văn Chiêu (1875-1932) đã được Ơn Trên độ dẫn từ lúc còn trẻ. Ngài nhiều lần được ban ơn nghe hồng danh Cao Đài. Đến mồng Một Tết Tân Dậu (1921), tại Dương Đông, Phú Quốc, Ngài Ngô chánh thức nhận làm đệ tử Đức Cao Đài Tiên Ông. Ngày này theo chúng tôi là ngày Khai Đạo của nhánh Tâm Truyền.

- Nhánh thứ nhì: Công Truyền. Quý Ngài Cao Quỳnh Cư (1883-1929), Phạm Công Tắc (1890-1959) và Cao Hoài Sang (1901-1971) được Ơn Trên độ dẫn từ tháng 7-1925, chư vị nghe hồng danh Cao Đài ngày 15-12-1925. Hôm sau 16-12 (nhằm 01-11 Ất Sửu) ba vị "Vọng Thiên Cầu Đạo".

Đến đêm Noel 25-12-1925, chư vị thừa tiếp đầy đủ hồng danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và được Đức Cao Đài dạy (trích đoạn):

"Cao Đài đã hiểu lòng ba đệ tử… Bấy lâu Thầy vẫn tá danh A Ă Â là để cốt dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây các con phải ra giúp Thầy Khai Đạo."

Như vậy, đêm Noel 1925 có thể được xem là ngày Khai Đạo (cho nhánh Công Truyền) theo các điều kiện đã nêu bên trên.
Tuy nhiên, nếu chúng ta quan niệm Đạo Cao Đài là Một-thực-thể-Đạo-cứu- thế duy nhứt, như lời dạy của Thầy vào ngày "Vía Trời" 09-01 Bính Dần cho chư vị Tiền Khai:

Bửu Tòa thơ thới trổ thêm hoa.
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà,
Chung hiệp rán vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.

"Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ. Sau các con sẽ hiểu..."
(Trích Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

Đạo Cao Đài là duy nhứt, Đức Cao Đài là duy nhứt. Đức Cao Đài mở đạo xuống thế gian và chọn người đệ tử đầu tiên là Ngài Ngô Văn Chiêu vào ngày mồng một Tết Tân Dậu (1921) [1] Thiên Nhãn (biểu tượng thờ của Đạo Cao Đài) cũng là duy nhứt. Nhánh Phổ Độ Công Truyền thọ lệnh Ơn Trên lấy biểu tượng theo mẫu của Ngài Ngô.. Theo ý kiến riêng chúng tôi, đây là ngày Khai Đạo với đầy đủ ý nghĩa và điều kiện đã nêu.

Có ý kiến cho rằng ngày mồng Một Tết Bính Dần mới đúng là ngày Khai Đạo. Ý kiến này trích dẫn nhiều tài liệu nhưng quan trọng nhất là dựa vào đoạn nơi trang 23, quyển Đạo Mạch Tri Nguyên, tác giả Huệ Chương [2], xin chép ra như sau:

"Lúc thúc đã gần cuối năm. Đức Chí Tôn lại dạy ba vị phải ăn chay trước ba ngày, dạy chí đêm 30 tháng chạp, năm nọ là Ất Sửu, đợi đúng giờ Tý, là đầu ngày của năm Bính Dần, mỗi người thắp ba cây nhang, ra quỳ ngoài trời, thành tâm khấn vái, vọng Thiên cầu Đạo...

Khi mấy ông khấn xong rồi, thì vào nhà phò loan cầu Ngài, hầu coi Ngài có điều chi dạy bảo chăng?". Đức Chí Tôn giáng dạy như vầy: "Thầy cho các con hiểu rằng buổi Tạo Thiên Lập Địa, Thầy sanh loài người ra, nhằm ngày Dần "nhân sanh ư Dần", vậy từ đây, Thầy dùng các con làm tay chơn mà gầy dựng nền Chánh Giáo, lại cũng kể ngày nay là ngày phát khởi nguồn Đại Đạo. Lấy hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, còn Ngài thì tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, rồi Ngài giải rõ rằng: trong danh hiệu của Ngài, gồm đủ Tam Giáo: Nho, Đạo, Thích.

Nên Đại Đạo Tam Kỳ khai nhằm giờ Tý, ngày mồng 1 năm Bính Dần là do nơi đó."

Trên đây là đoạn văn trong Đạo Mạch Tri Nguyên (được trích chính xác với các dấu chấm, phẩy, ngoặc kép). Chúng tôi xin thận trọng nêu một số ý như sau:

- Quyển Đạo Mạch Tri Nguyên kể nhiều về sự tích buổi sơ khởi lập Đạo Cao Đài tại Sài Gòn . Với thể văn tự thuật, quyển này không do Hội Thánh xuất bản hay đã được chức sắc có thẩm quyền duyệt qua. Do vậy có nhiều chi tiết cần thẩm định lại, thí dụ: Đêm vọng Thiên cầu Đạo là 01-11 Ất Sửu (theo Đạo Sử của Tiền Khai Hương Hiếu), không phải là 30 tháng Chạp At Sửu.

- Phần Thánh giáo của Đức Chí Tôn: "Thầy cho các con hiểu rằng…" không thấy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển hoặc các thư tịch chính thức của Hội Thánh. Vậy, đoạn kết câu Thánh giáo của Thầy là đến chữ nào? Phải chăng chỉ đến câu "… gầy dựng nền chánh giáo". Cần nói thêm là trong phần trích để chứng minh cho quan điểm chọn ngày mồng 1 Tết Bính Dần là ngày Khai Đạo, một số người viết đã sửa chữ "Ngài" thành "Thầy", tạo sự sai lệch trong mạch văn. Người đọc từ đó nghĩ rằng đây là đoạn thánh giáo, mà thực ra đó có thể chỉ là ý của tác giả Huệ Chương…

II. NGÀY KHAI TỊCH ĐẠO

Đó là ngày 23-8 Bính Dần, ngày này mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Vào năm Bính Dần (1926), do tình hình chính trị, xã hội tại Sài Gòn, việc hành đạo gặp nhiều khó khăn. Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt đã cầu xin Thầy cho phép chư vị "trình báo" nền đạo mới với chính quyền. Đến đêm Rằm tháng 8 Bính Dần, Thầy đồng ý và lệnh cho quý ngài họp tại nhà ông Nguyễn Văn Tường (số 237 Bis đường Galliéni, nay là Trần Hưng Đạo) vào ngày 23-8. Thầy dạy:

"Trung, Lịch hai con phải hội chư Thánh mà xin Khai Đạo. Phải làm đơn cho Thầy xem xét, sữa trước nghe."

Chư vị đã tuân hành Thánh Ý. Hơn 200 người đã dự họp và đồng nhứt trí ký vào đơn Khai Đạo với chánh quyền. Ngày 01-9 Bính Dần, đơn này được Ngài Thượng Đầu Sư trao tận tay Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol.

Trong quyển Đạo Sử II (Toà Thánh Tây Ninh ấn hành) nơi trang 2, Tiền Khai Hương Hiếu gọi đó là "Khai Đạo với Chánh phủ". Bà viết: "Ngày 23-8 năm Bính Dần (29-9-1926), Ông cựu Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung vâng Thánh Ý hiệp với chư Đạo hữu, hết thảy là 247 người tại nhà Ông Nguyễn Văn Tường, đứng tên vào Tịch Đạo để Khai Đạo với Chánh Phủ."
Vậy là rất rõ. Chữ Khai ở đây có nghĩa thứ hai: Trình báo. Chư vị Tiền bối vào ngày 23-8 Bính Dần trình báo mối Đạo với nhà cầm quyền. Điều này nằm trong phạm trù Nhơn Nhơn, giữa người với người mà thôi. (Và cũng cùng ý nghĩa với hai chữ Khai Đạo trong câu Thánh Giáo đã trích:"…. Các con phải ra giúp Thầy Khai Đạo" (ở phần trước, trang 4).

Cần phải nói thêm, ngày 23.8 chư vị họp bàn việc khai báo, đến 01-9 đi khai báo với chánh quyền. Cả hai ngày này đều cùng một mục đích. Thế nhưng, ngày họp bàn mang nhiều ý nghĩa, bao gồm việc quyết định nội dung tờ khai và nhứt là thể hiện tinh thần hành đạo của chư vị Tiền bối. Mấy trăm người đến họp, rồi ký tên mà không sợ bị mật thám theo dõi làm khó dễ. Do đó, ngày 23-8 được coi là ngày chánh, mang trọn ý nghĩa việc Khai Đạo với chánh quyền bấy giờ.

Còn chữ Tịch. Tịch là sổ sách, ghi chép tên tuổi vào sổ bộ của nhà nước. Để phân biệt với các ngày Khai Đạo khác, từ xưa, các tiền bối của chúng ta thêm chữ Tịch vào để gọi cho đúng nghĩa ngày 23-8 ấy. Thí dụ:

+ Trong Đạo Sử II, trang 2, Tiền Khai Hương Hiếu viết: "Ngày 23-8 năm Bính Dần…. Chư Đạo hữu hết thảy 247 người đứng tên vào Tịch Đạo để khai đạo với Chánh phủ… trong tờ này. Có 28 người đứng tên thay mặt cho cả chư Đạo hữu có tên trong Tịch Đạo."

+ Chính trong văn bản tiếng Việt của tờ Khai Đạo có đoạn viết: "Chúng tôi thay mặt cho nhiều người An Nam và đã nhìn nhận sở hành của chúng tôi và đã ký tên vào tờ Đạo Tịch ghim theo đây"

+ Ngày 22-8 Mậu Dần (1938), lần đầu Thánh Thất Cầu Kho thiết lễ kỷ niệm ngày 23-8 (các lần trước tổ chức tại nhà Ông Nguyễn Văn Tường), Ngài Đoàn Văn Bản, Chủ trưởng Ban Cai Quản Thánh Thất Cầu Kho đọc bài diễn văn, trong đó Ngài nhấn mạnh:

"Rất quý, rất trọng thay cái ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần.
Là ngày Bổn đạo ký tên vào Tịch Đạo.
Là ngày của Đức Chí Tôn sở định, cho bổn đạo ký tờ công khai Đại Đạo…"
(Tạp chí Đại Đồng, quyển 2, 01-12-1938, trang 9)

Riêng chúng tôi, sau này khi viết các tài liệu Sử Đạo, đều gọi ngày 23-8 là ngày Khai Tịch Đạo vì bản thân từ ấy chỉ rõ ý nghĩa lịch sử của ngày này. Hơn nữa, Khai Tịch Đạo là từ mà Ơn Trên sử dụng một cách khẳng định để chỉ ngày 23.8. Xin đơn cử một đoạn Thánh ngôn của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc giáng đàn tại Nam Thành Thánh Thất ngày 23-8 Canh Tuất (1970), nhân dịp nơi đây thiết lễ kỷ niệm Khai Tịch Đạo. Đoạn Thánh ngôn như sau:

"Hộ Pháp Phạm Công Tắc Quyền Thượng Tôn Quản Thế Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chào chư hiền hữu, chào chư hiền muội đàn tiền.

Vì muốn sáng tỏ thiên cơ trên đường hành đạo, hôm nay Bần Đạo vâng lệnh Đức Chí Tôn, và cũng thay mặt các Tiền Bối quá vãng, đến để nói rõ ngày 23 tháng 8 và ngày Rằm tháng 10…

Ngày 23 tháng 8 ngày Khai Tịch Đạo trên bình diện pháp lý thế đạo… Ngày Khai Tịch Đạo là ngày gióng tiếng chuông cảnh giác để kêu gọi nhơn sanh hãy chuẩn bị tâm linh trong mùa thu, sẵn sàng trước mùa đông tiến tới. Ngày Khai Tịch Đạo 23 tháng 8 là ngày Thiên Cơ hé mở để hòa hợp với tác động của thế nhơn…

Bần Đạo trở lại vấn đề ngày 23 tháng 8, Ngày này là ngày Khai Tịch Đạo, để mọi người trong tâm thành chí thiện, ý thức kết hợp thành một khối, chuẩn bị đủ dữ kiện cho ngày Rằm tháng 10 Khai Minh Đại Đạo trước nhân loài, trước quốc tế."
Thánh giáo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc nêu trên, do Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam tiếp điển tại Nam Thành Thánh Thất, thiết nghĩ đã quá đủ để giải đáp cho những ý kiến về tên ngày kỷ niệm 23.8.

III. NGÀY KHAI MINH ĐẠI ĐẠO

Ngày Khai Minh Đại Đạo là Rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926), đúng theo lời Thánh ngôn của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc xác minh, vừa nêu. Ngày này hết sức quan trọng cho cơ Đạo. Quan trọng trên cả hai phương diện Thiên và Nhơn, lại thêm có phần tài Địa.

* Về phương diện "Thiên".

Rằm tháng 10 còn gọi là Rằm Hạ Nguơn. Đại lễ Khai Minh Đại Đạo trong buổi Hạ Nguơn này đã được Ơn Trên ấn định từ trước và sắp xếp rất kỹ lưỡng, chi tiết. Có thể nói, tính cho đến ngày nay, trong đạo Cao Đài, chưa có một cuộc lễ nào long trọng như vậy. Để chuẩn bị, Đức Chí Tôn đã phong chức sắc đầy đủ, hoàn chỉnh tổ chức Hội Thánh; chỉ dẫn rõ các kiểu cách may các bộ đạo phục… Thậm chí, phần lễ nhạc cũng được Đức Chí Tôn lưu ý đến từng chi tiết nhỏ. Và, để thêm phần tập trung, từ 13-8 Bính Dần (trước cuộc lễ đến 2 tháng), Đức Chí Tôn ban lệnh cho một số vị Tiền Khai cốt cán phải tạm ngưng công cuộc phổ độ ở các tỉnh, về chùa Gò Kén lo toan tươm tất mọi việc.

Tất cả các phần trên tạm gọi là chuẩn bị về hình tướng cho cuộc Đại Lễ. Sau đó, đến phần việc hết sức quan trọng trong nội dung cuộc lễ Khai Minh: Đức Chí Tôn ban Pháp Chánh Truyền, chính thức hóa guồng máy Hành Chánh Đạo.
Trong lời tựa quyển Pháp Chánh Truyền, Hội Thánh viết:
"Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh cho Đạo tức là lập chủ quyền cho Đạo đó vậy… Cũng nhờ chủ quyền đó mà Hội Thánh, là hình thể Đức Chí Tôn tại thế, mới có đủ quyền hành để thế Thiên hành hóa."

Khai Tam Kỳ Phổ Độ đã mấy năm qua, đến thời điểm Rằm tháng 10 Bính Dần này, Đức Chí Tôn mới hoàn tất việc tạo dựng nên Hội Thánh tại thế gian. Pháp Chánh Truyền thường được tạm xem như Hiến Pháp của Đạo, làm căn bản cho tất cả công việc Hành Chánh Đạo (Đến giai đoạn phân chia chi phái, các Hội Thánh hình thành sau này vẫn tổ chức đúng theo Pháp Chánh Truyền quy định).

* Về phương diện Địa lợi.

Từ thuở mở đạo đến trước khi có Thánh Thất Gò Kén, các điểm tập trung tín đồ hầu đàn, cúng kiến, nhập môn… đều gọi là "Đàn phổ độ". Thí dụ như: Đàn Cầu Kho, Đàn Tân Định, Đàn Tân Kim… Chỉ đến khi Thiền Lâm Tự (Chùa Gò Kén) được chọn làm địa điểm thiết lễ Khai Minh Đại Đạo, nơi đây mới được Thầy gọi là Thánh Thất. Thánh Huấn của Thầy ngày 13-8 Bính Dần (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển) như sau:

"Các con! Thầy đã lập thành Thánh Thất, nơi ấy là nhà chung của các con, biết à!
Thầy lại quy Tam Giáo lập Tân Luật. Trong Rằm tháng 10 có Đại Hội cả Tam Giáo nơi Thánh Thất. Các con hay à!
Sự tế tự theo Tam Kỳ Phổ Độ cũng nơi ấy mà xuất hiện ra, rõ à!"

Sự tế tự mà Thầy dạy, đó chính là việc Thiên Bàn có đủ Tam Giáo, Tam Trấn và Ngũ Chi. Phát khởi từ Thánh Thất Gò Kén, cách thờ phượng này đều được tất cả các Hội Thánh áp dụng đúng.

Cũng xin mở dấu ngoặc là phần II và phần III, chúng tôi chỉ bàn luận trong phạm vi của nhánh Phổ Độ Công Truyền. Những điều này không trực tiếp đến nhánh Tâm Truyền, Chiếu Minh Tam Thanh.

* Về phương diện "Nhân".

Con người, hay vạn linh, đối tượng của đại cuộc Phổ Độ Kỳ Ba này. Thành lập Hội Thánh để tạo gạch nối liền giữa Vạn linh với Đức Chí Linh. Hội Thánh là Thánh Thể Đức Chí Tôn tại thế. Thành phần Hội Thánh gồm các chức sắc từ thấp lên cao, những con người ưu tú, được Đức Chí Tôn chọn từng vị trong buổi đầu thành lập.

Ngày Rằm tháng 10 Bính Dần, toàn thể chức sắc Hội Thánh đầu tiên của Đạo Cao Đài lần đầu tiên hiện diện đầy đủ tại Thánh Thất, hành lễ Khai Minh Đại Đạo.

Về mặt hình tướng, qua cuộc lễ này Hội Thánh Đạo Cao Đài chính thức trình diện trước nhơn sanh, điều này thuộc phạm trù Nhân - Nhân, như Thánh Ngôn của Đức Hộ Pháp đã dẫn:
"Ngày Rằm tháng 10 Khai Minh Đại Đạo trước nhân loài, trước quốc tế."

Vì là cuộc Đại Lễ trình diện đạo Cao Đài trước nhơn sanh, Đức Chí Tôn đã hướng dẫn tường tận chư vị trong Ban Tổ chức chia làm bốn bộ phận: Lễ, Khách, Xuất, Thâu. Trong đó bộ phận Khách phụ trách việc phát thơ mời gởi rộng rãi các giới trong xã hội.

Đáp ứng thơ mời, các viên chức cao cấp nhứt bấy giờ, từ Thống Đốc Nam Kỳ, nhân hào nhân sĩ đến các tầng lớp dân chúng, khắp nơi tựu về tham dự. Tiếng lành đồn xa, khách tứ phương về ngày càng đông khiến cuộc Đại lễ mời trong 3 ngày, lại phải tiếp tục tiếp khách đến viếng cúng kéo dài đến 3 tháng, tức là đến tận Rằm Thượng Nguơn tháng giêng Đinh Mão. Quả là một cuộc Đại Lễ có một không hai. Thành công vượt quá sức mong đợi của Ban Tổ Chức.

Thật ra, điều này cũng nằm trong dự tính của Đức Chí Tôn. Thánh ngôn ngày 12-10 Bính Dần tại nhà Ngài Thượng Trung Nhựt, hôm ấy do cần thiết tập trung dạy chư Tiền Khai nhiều chi tiết cho Lễ Khai Minh Đại Đạo, Thầy có lời dạy cho các vị đến cầu đạo, như sau:

"Thầy khuyên chúng nó lên Thánh Thất, nơi ấy sẽ mở cửa cho cầu đạo trọn ba tháng, thì có ngày giờ nhiều cho tâm thành chúng nó thỏa nguyện."

Nói tóm lại, Đại lễ Khai Minh Đại Đạo, có ý nghĩa hết sức quan trọng trên nhiều phương diện: Ngày Hội chư chức sắc đầu tiên; ngày Đức Chí Tôn ban Pháp Chánh Truyền thành lập Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ; ngày đầu tiên Hội Thánh cúng trước Thiên Bàn hoàn chỉnh; cuộc lễ đầu tiên của Đạo chính thức mời quan khách, trình diện nền tân tôn giáo trước nhân sanh…. Trong đó, nổi bật nhất là sự bắt đầu đạo Cao Đài có một Hội Thánh hoàn chỉnh với tất cả những ý nghĩa và điều kiện. Thánh Thể của Đức Chí Tôn tại thế gian đã chính thức trọn đủ quyền pháp phổ độ.

Đó là một số ý nghĩa của ngày Khai Minh Đại Đạo. Sở dĩ chúng tôi trình bày về cuộc Đại Lễ này dài và chi tiết như vậy cốt để chuyển ý qua một vấn đề khác, cũng khá quan trọng và cũng đang trong vòng thảo luận, đó là vấn đề "Năm Đạo". Niên lịch của đạo Cao Đài bắt đầu từ ngày nào, năm nào?

IV. VẤN ĐỀ ĐẠO LỊCH

Lịch là phép tính năm tháng ngày giờ.

Về cơ bản, đạo Cao Đài sử dụng theo Âm lịch. Thí dụ: Trong một ngày có bốn thời cúng Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu. Các ngày lễ kỷ niệm dựa trên ngày tháng Âm lịch… Tuy vậy, cũng như các tôn giáo khác, niên lịch Đạo Cao Đài có cách tính riêng.

Thông thường, ngày bắt đầu năm đạo là ngày giáng sanh của vị giáo chủ tôn giáo ấy. Riêng, Giáo chủ Đạo Cao Đài là Đức Thượng Đế không có ngày giáng sanh. Vậy, niên lịch đạo Cao Đài bắt đầu vào ngày, tháng, năm nào? Đây là điều có nhiều ý kiến khác nhau trong nội bộ Đạo. Phải nói là đáng mừng vì các ý kiến còn khoanh trong nội bộ, bởi nếu các nhà nghiên cứu ngoài đời đặt vấn đề với chúng ta: "Hiện nay, trên các văn bản, sách vỡ của đạo Cao Đài có ghi: Năm Đạo thứ … , nhưng so lại, giữa các Hội Thánh không giống nhau. Tại sao vậy?" Câu trả lời của chúng ta chắc chắn cũng khác nhau. Ai cũng có cơ sở lý luận, nhưng được các nhà nghiên cứu đồng ý hay không là việc khác. Thời điểm đạo Cao Đài kỷ niệm 100 năm gần đến, theo chúng tôi, vấn đề này phải được đặt ra và giải quyết rốt ráo, có tinh thống nhất giữa các Hội Thánh. Chúng ta nên chọn ngày Khai Đạo, ngày Khai Tịch Đạo hay ngày Khai Minh Đại Đạo làm ngày khởi đầu niên lịch đạo Cao Đài?

Theo ý riêng, chúng tôi chọn ngày Khai Minh Đại Đạo Rằm tháng 10 Bính Dần (1926) làm ngày khởi đầu năm Đạo.
Qua những ý kiến phân tích nêu trên, ngày Khai Minh Đại Đạo hội tụ nhiều yếu tố hết sức quan trọng của cơ đạo; và trên hết, đó là ngày thành hình Hội Thánh đầu tiên, là ngày Thánh Thể Đức Chí Tôn Tại Thế "giáng sanh". Vì vậy, một cách tổng quát nhất, trên đây cũng là ngày Khai Đạo. Thánh giáo Đức Chí Tôn giáng dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ngày Rằm tháng 10 năm Quý Sửu (1973) có đoạn như sau:

"Hỡi các con! Ngày Khai Minh Đại Đạo, các con thiết lễ kỷ niệm để đánh dấu sự vui mừng ngày Thầy đến Khai Đạo tại Việt Nam. Dầu rằng Thầy Khai Đạo để ổn định cuộc đời sau cơn biến chuyển, nhưng các con, dân tộc các con phải vui mừng vì được chọn làm sứ mạng tiên phong trong Tam Kỳ Phổ Độ."

Như vậy, ngày Rằm tháng 10 Bính Dần (1926), bắt đầu năm đạo thứ I, Rằm tháng 10 năm Quý Mùi (2003) bắt đầu năm đạo thứ 78. Năm đạo chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà thôi (như Phật giáo tại Việt Nam ngày nay), không tạo thành một lịch đạo riêng của Cao Đài với đầy đủ năm tháng ngày giờ vì như vậy sẽ rất rắc rối và không gần gủi với dân chúng.

Hiện trạng, đạo Cao Đài chúng ta đang có nhiều chi phái. Một số hình thức hay đường lối hành đạo đôi chỗ còn chưa đồng nhất. Tuy vậy, rất hy vọng là ở những vấn đề cơ bản thuộc về tinh thần chung, trong đó có vấn đề "Khai Đạo", "Năm Đạo"…. chúng ta thống nhất được, để có cùng tiếng nói. Thiết nghĩ đó là sức mạnh của đạo Cao Đài vậy.

Chú thích :
[1]

[2]Huệ Chương, tên thật Nguyễn Văn Thân (1908-?). Ông là con riêng của Bà Trần Thị Lựu (vợ sau Ngài Cao Quỳnh Diêu), được Ngài Cao Quỳnh Diêu nuôi dưỡng từ 4 tuổi, đặt tên là Cao Huệ Chương. Quyển Đạo Mạch Tri Nguyên viết năm 1929, lúc ông Huệ Chương 21 tuổi, in tại Nhà in Xưa Nay, 1930.
 
Huệ Nhẫn

Là môn đệ Cao Đài Thượng Đế,
Phải dặn lòng phước huệ song tu,
Ấy là công quả công phu,
Thương người mến vật vận trù nội tâm.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 29 tháng Chạp Mậu Ngọ

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây