Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
02/06/2004
Huệ Nhẫn

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009

Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc

Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là một vị tiền bối dày công với Đạo buổi đầu, đặc biệt Ngài được chư đạo hữu tại thánh địa Tây Ninh kính trọng vào hàng bậc nhất do đạo đức của Ngài và công lao xây dựng nên Tòa thánh Tây Ninh.

Lúc Cơ quan Phổ Thông Gíáo Lý mới thành lập, cùng với Hội đồng Tiền bối Đại Đạo, Đức Hộ Pháp với danh xưng "Thượng Tôn Quản Thế Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" đã nhiều lần giáng dạy những điều rất căn bản (thí dụ dạy về ý nghĩa các ngày khai tịch Đạo 23-8 và ngày Khai Minh Đại Đạo rằm tháng 10).
Ngài Phạm Công Tắc, tên tự là Ái Dân, bút hiệu Tây Sơn Đạo, sanh vào ngày Tết Đoan Ngọ (lễ Đoan Dương), mồng 5 tháng 5 năm Canh Dần (21-6-1890) tại làng Bình Lập, tỉnh Tân An. Cha Ngài, ông Phạm Công Thiền người gốc Trảng Bàng, Tây Ninh, làm công chức; mẹ Ngài là bà La Thị Đường. Ngài đứng thứ 8 trong gia đình. Cha Ngài mất năm Ngài 13 tuổi (1902). Đến lúc 22 tuổi, mẹ Ngài cũng qua đời. Nhiều chuyện đau buồn liên tiếp đã đến với gia đình Ngài. Ngài tự sự:

"Năm Bần Đạo 22 tuổi, đau đớn biết bao nhiêu, chỉ biết có một điều là lo lập thân danh đặng nuôi mẹ, lập thân danh để bảo trọng anh em. Đến chừng thành danh rồi khổ đáo để, cha mẹ đã khuất hết. Dầu thương bao nhiêu cũng không còn… Thôi mình đeo theo anh em, em chết nữa! Lần lượt bao nhiêu người thân ái đều chết hết. Bao nhiêu cái thương nồng nàn chỉ để nơi một người anh rễ, thương hơn anh ruột nữa, có một ngừơi em gái thứ chín, đó là người bạn thân mến trong kiếp sanh của Bần Đạo, mà cũng quy liễu hết. Tới chừng ấy tâm hồn ngơ ngẩn, xác thịt bơ thờ. Đi ra ngoài đồng ngó ngọn cỏ, con chim, nó cũng nhắc; nghe tiếng hát của mấy em cấy lúa, nghe tiếng hò của người chèo ghe, cũng nhắc tới nỗi đau thương. Từ ngày ấy không biết buổi nào được vui. Chỉ muốn đi tu, muốn tìm cảnh tu. Cho đến từng tuổi này, đáo để tâm hồn quá lẽ."

Năm 21 tuổi, Ngài lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nhiều (1892-1968), người con đầu của Ngài lại mất sớm, có hai người con gái là cô Ba Phạm Hồ Cầm (1914-1998) và cô Tư Phạm Tần Tranh (1915-1990), đến người con trai út tên Phạm Công Thiện lại cũng mất đi. Nỗi buồn chồng chất nỗi buồn. Có lẽ ảnh hưởng bởi việc mất mát quá nhiều người thân, khiến Ngài chú ý tìm đọc các sách Pháp nói về Thông linh học (Spirirtism) cũng như thường tìm khuây khỏa trong tiếng nhạc, lời thơ.

Cùng làm việc tại Sở Thương Chánh Sài Gòn với Ngài, có hai vị cùng quê Tây Ninh là quý Ngài Cao Quỳnh Cư và Cao Hoài Sang. Ba vị đều là những nhạc sĩ, thi sĩ tài hoa, và đều mang tâm trạng buồn vì cảnh nước nhà bị Pháp đô hộ. Những yếu tố trên hội tụ kích thích ba vị thử tìm cách tiếp xúc với cõi hư linh để mong biết được tương lai việc nhà, việc nước. Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi, một vị Tiền bối cùng thời chư vị, kể lại: vào thời điểm 1924, viên Đại úy Pháp tên Paul Monet, một hội viên Hội Thông Linh học Pháp và là bạn của Ngài Cao Quỳnh Cư, có một lần đã làm đồng tử cho ba vị trao đổi tư tưởng với cõi vô hình. Năm 1924, Ngài Phạm Công Tắc 34 tuổi và Ngài Cao Hoài Sang trẻ hơn, chỉ vừa 24 tuổi.

Có thể nói, Đức Phạm Công Tắc gắn liền với lịch sử buổi đầu khai đạo Cao Đài nhánh Công truyền. Cơ Đại Đạo vận chuyển, theo sắp xếp của Đức Chí Tôn, giữa năm Ất Sửu (1925) đã đến thời mở đạo.

Ngày 5-6 Ất Sửu (25-7-1925), ba vị đang họp mặt tại nhà Ngài Cao Hoài Sang ở phố Hàng Dừa (đối diện chợ Thái Bình, nhà ngài Phạm Công Tắc cách kế một căn), thì phát tâm xây bàn. Bắt đầu từ đó, nhiều vị Thiên sứ giáng điển tiếp xúc và dần dần hướng chư vị vào cửa Đạo. (Các diễn tiến từng bước theo thời gian, việc mở Đạo của Ơn Trên, có thể đọc tường tận trong các quyển Sử Đạo.)

Từ việc chuyển hình thức từ xây bàn qua dùng đại ngọc cơ, lễ Hội Yến Diêu Trì đêm Trung Thu Ất Sửu, lễ Vọng Thiên cầu Đạo đêm 01-11 Ất Sửu, đến đàn Noel năm 1925 là lần đầu tiên Đức Chí Tôn xưng hồng danh "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát", đều có sự tham dự của Ngài Phạm Công Tắc trong vai trò chính, với tư cách người tích cực tổ chức, điều động… và nhất là chính Ngài phò ngọc cơ (cùng với Ngài Cao Quỳnh Cư về sau được Thiên phong Thượng Phẩm).

Trong năm đầu tiên khai Đạo, Ơn Trên sử dụng sáu cặp đồng loan phò ngọc cơ gồm:

1. Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư
2. Trương Hữu Đức, Nguyễn Trung Hậu
3. Trần Duy Nghĩa, Trương Văn Tràng
4. Ca Minh Chương, Phạm văn Tươi
5. Phạm Tấn Đãi, Nguyễn Thiên Kim
6. Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Diêu

[ Hình 1: Tượng Đức Hộ Pháp mặc thiên phục]

Các cặp đồng loan trên là chánh danh do Đức Chí Tôn chỉ định tiếp điển Thiêng Liêng mở Đạo, phổ độ nhơn sanh. Nhưng chỉ có cặp đồng loan Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư là cặp cơ phong thánh. Nhị vị đồng loan này, và chỉ nhị vị, là người được tiếp điển Đức Chí Tôn để thiên phong chức sắc cao cấp nhứt Hội thánh là ba vị Chưởng pháp, ba vị Đầu sư, các vị Chánh Phối sư, Phối sư và một số chức sắc cấp dưới để thành lập Hội thánh vào rằm tháng 10 Bính Dần. Cũng chính nhị vị tiếp điển để Đức Chí Tôn ân ban Pháp Chánh Truyền.

Có một điều ít ai để ý là cặp đồng loan này phò cơ không có pháp đàn. Ngoại trừ một buổi đàn đêm giao thừa Ất Sửu - Bính Dần có vị pháp đàn, đó chính là Ngài Ngô Minh Chiêu.
Giờ Tý ngày rằm tháng 3 Bính Dần, tại nhà Ngài Lê Văn Trung ở Chợ Lớn (nay gần góc Châu Văn Liêm, Lão Tử), buổi lễ Thiên phong Chức sắc lần đầu tiên được tổ chức. Ba vị chức sắc rường cột cho Đạo được Thầy đặt để. Bên Cửu Trùng Đài là nhị vị Đầu sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt. Bên Hiệp Thiên Đài, phẩm Hộ pháp cho Ngài Phạm Công Tắc.

Có một điều hết sức đặc biệt trong trường hợp của Ngài Phạm Công Tắc, chưa thấy có trường hợp thứ hai, là khi Ngài Phạm Công Tắc đứng trên bàn Hộ pháp hôm rằm tháng 3 ấy, mặt Ngài đắp một tấm khăn đỏ, Ngài được Đức Chí Tôn (lúc này đã nhập thần vào Ngài Cao Quỳnh Cư) trục chơn thần ra, thay vào đó là chơn thần của vị Hộ Pháp. Đây gần như là một sự thay thế hay bổ sung chơn thần tạm khi Ngài phò cơ. Cũng kể từ đây, Ngài chánh danh chánh vị là Hộ Pháp của Hội Thánh, một chức phẩm vào hàng phật vị: Phật Hộ Pháp thường thấy ở các chùa.

Danh vị Hộ pháp này mới xứng đáng để tất cả các chức sắc, từ nhị vị Đầu sư trở xuống phải quỳ trước mặt mà thề, trong lời thề có câu cuối là:

"Như ngày sau phạm thiên điều, thề có Hộ Pháp hành pháp đọa tam đồ bất năng thoát tục."

Lời thề này rất nặng. Chúng ta biết một chơn linh tiến hóa từ kim thạch lên thảo mộc, thú cầm hàng muôn triệu kiếp mới đặng làm người. Đoạ tam đồ, là phải tiến hóa ba lần như vậy…
Ngay từ khi mới được khai sáng, đạo Cao Đài được quảng truyền rộng rãi một cách hết sức nhanh chóng. Theo tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương, đến rằm tháng 10 Bính Dần có 400.000 người theo Đạo. Năm 1931, đạo Cao Đài có 105 thánh thất, qua năm sau, số thánh thất tăng lên 128. Theo báo Progrès số ra ngày 19-12-1931, số tín đồ Cao Đài là một triệu người.

Như vậy, song song với việc mở rộng mối Đạo đến đủ mọi thành phần xã hội, từ trí thức đến nông dân, với số lượng đông đảo liên tục tăng lên, hệ thống tổ chức Giáo hội phải phát triển theo cho hợp với tầm cỡ. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã trực tiếp tham gia vào các việc mang tính chiến lược:
- Về mặt hình thức trụ tướng:

+ Mở mang khu Thánh địa Tây Ninh
+ Cất Tòa Thánh và Báo Ân Từ cùng các cơ sở Đạo trong nội ô.
+ Xây dựng ba cung, ba động : Trí Huệ Cung ở Thiên Hỷ Động; Trí Giác Cung ở Địa Linh động và Vạn Pháp Cung ở Nhơn Hòa động.
+ Cất chợ Long Hoa (1951) và phòng Kinh lý Họa đồ; phóng các con đường rộng, thẳng; phân lô đất cấp cho bổn đạo từ các nơi đổ về. Định vị trí xây dựng trường học, bệnh viện, nghĩa địa và cả… sân bay.

- Về mặt phát triển cơ cấu tổ chức:

+ Pháp Chánh Truyền là cơ sở pháp lý căn bản nhất của Đạo do chính Đức Chí Tôn ân ban, quy định các cấp chức sắc Hội Thánh, chủ yếu phần Cửu Trùng Đài. Là người có trách nhiệm cao nhất Hiệp Thiên Đài, Đức Hộ Pháp đã trình xin Ơn Trên bổ sung thêm hàng chức việc dưới Thập Nhị Thời Quân.

Ngày 16-2 Ất Hợi (1932), Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ góp ý với Đức Hộ Pháp thành lập bảy phẩm, từ trên xuống: Tiếp dẫn Đạo nhơn, Chưởng ấn, Cãi trạng, Giám đại, Thừa sử, Truyền trạng, Sĩ tải.

+ Lập Ban Thế Đạo : đây là một cơ quan đặc biệt thu nhận những người có khả năng, đang bận làm việc ngoài đời, tạo điều kiện cho họ làm công quả giúp Đạo. Năm Quý Tỵ (1954), Đức Hộ Pháp lập phẩm Hiền tài. Sau đó Đức Lý Giáo Tông bổ sung ba phẩm: Quốc sĩ, Đại phu, Phu tử.

Nhờ Ban Thế Đạo, rất nhiều vị ban đầu chỉ công quả giúp Đạo, về sau cầu phong (hay được bổ nhiệm) vào hàng chức sắc, mà Ngài Hồ Tấn Khoa là một thí dụ điển hình. Từ Hiền tài, Ngài được ân phong Bảo đạo Chơn quân vào năm 1954.
Có một số vấn đề gây nhiều dư luận, thậm chí còn ảnh hưởng đến ngày nay, liên quan Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, như việc lập Phạm môn (sau là Cơ quan Phước thiện), nhứt là Bát Đạo Nghị Định và việc chưởng quản nhị hữu hình Đài của Ngài năm 1934. Đến nay đã qua 70 năm, thời gian đủ để nhìn vấn đề một cách khách quan và toàn diện. Để qua một bên những ý kiến cho rằng đây là Thiên ý (có nhiều Thánh giáo để minh chứng), chỉ xét thuần túy bối cảnh lúc ấy, một số tác giả nghiên cứu về lịch sử Đạo, trong đó có người viết bài này, nhận thấy rằng: vào những năm từ 1930 đến 1934, tình hình đạo Cao Đài quá biến động, nhiều vị chức sắc cao cấp quy liễu như Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương, Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ (trước đó là sự tách rời của Thái Chưởng Pháp Như Nhãn và Thái Đầu Sư Thiện Minh), việc tách ra lập chi phái Minh Chơn Lý của Phối Sư Thái Ca Thanh; sự bất hợp tác của chư vị ở thánh thất Cầu Kho. Rồi Hội thánh Ban Chỉnh Đạo do nhị vị Quyền Đầu Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh ra mắt ở An Hội, Bến Tre, kéo theo đa số thánh thất hiện có lúc bấy giờ.

Cơ Đạo lúc này xảy ra tình trạng phân ly sâu sắc, nhơn tâm bất ổn. Lý do phân ly đúng sai sẽ có lịch sử phán xét. Tại Tây Ninh, đơn thuần là việc bảo vệ sự tồn tại của Hội thánh đầu tiên, nơi mà Đức Chí Tôn và chư Tiền khai đã dày công xây dựng. Đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng ấy, Ngài Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt quy thiên (13-10 Giáp Tuất 1934), Tòa thánh Tây Ninh gấp rút triệu tập Hội Nhơn sanh và Hội thánh. Nghị quyết đưa ra là yêu cầu Đức Hộ Pháp nắm quyền chưởng quản Cửu Trùng Đài cho đến ngày có đủ ba vị Đầu sư. Kể từ đó, (06-11 Giáp Tuất, 12-12-1934), Đức Hộ Pháp nắm quyền chưởng quản nhị hữu hình đài: Cửu Trùng và Hiệp Thiên.

Bát Đạo Nghị Định cũng ra đời trong bối cảnh ấy, đặc biệt là Đạo Nghị định thứ 8, nguyên văn như sau:"Những chi phái nào do bởi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ làm gốc lập thành mà, không do nơi mạng lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là bàng môn tả đạo."
Ký tên
Hộ Pháp Phạm Công Tắc Giáo Tông Lý Thái Bạch
(15-7 Giáp Tuất)

Đạo Nghị định thứ 8 đưa ra gây nên một phản ứng mãnh liệt từ các chi phái. Thời gian trôi qua… cũng không thấy có hiện tượng rõ rệt nào chứng tỏ các tín hữu đã chọn theo chi phái quay trở lại Tòa Thánh. Các chi phái vẫn tiếp tục hoạt động. Điều này nói lên rằng quyền của vạn linh, con cái của Đức Chí Tôn là cao tột nhất. Người tín đồ đơn giản chỉ biết một lòng quỳ trước Thiên bàn kính lạy các Đấng… Còn các anh lớn sắp xếp như thế nào thì đó là chuyện của… các anh lớn.
Chỉ có điều đến nay tổng kết lại, sau Đạo Nghị định thứ 8 năm 1934 ấy, hiện tượng tách ra lập chi phái hầu như ngưng lại, ổn định hơn.

Công trình xây dựng Tòa thánh Tây Ninh :

Hầu hết các sách sử hay tài liệu nói về việc xây dựng Tòa Thánh đều ghi rằng Tòa Thánh bắt đầu được khởi công vào tháng 10 năm Tân Mùi (1931) do Ngài Thái Thơ Thanh (lúc ấy đang là Chánh Phối sư) đảm trách việc xây dựng: đào móng, đổ bê tông hầm Bát Quái Đài… Sau đó, qua một thời gian ngưng trệ, Ngài Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung tiếp tục công trình. Tiếp đến, Ngài Tiếp thế Lê Thế Vĩnh làm thêm được chút ít… Năm 1936, Đức Hộ Pháp tiếp tục công trình cho đến hoàn thành. Sự thật không phải như vậy.

Hiện còn nhiều chứng nhân hành đạo tại Tòa Thánh xác nhận rằng các công việc xây dựng Tòa Thánh trước đó là có, nhưng đều bị hủy hoại hết, hầm Bát Quái đã được đào, vị trí hiện nay là sân gạch trụ phướn (đã đổ 200m3 bê tông phía dưới) được lấp lại. Nếu Bát Quái Đài nơi ấy, mặt tiền Tòa Thánh rẽ gần đến Cửu Trùng Thiên.

Ngày 01-11 Bính Tý (14-02-1936), Đức Hộ Pháp huy động 100 vị công quả hiến thân (nam nữ thệ nguyện không lập gia đình trong thời gian xây cất, giữ tịnh khiết để tạo tác Đền Thánh).
Việc xây Đền Thánh. Một mặt, Đức Hộ Pháp điều động nông viện hỗ trợ lương thực, công viện tham gia sản xuất vật liệu xây dựng như cát, đá, dóng gạch… vận chuyển về kho bãi ngăn nắp. Còn tại công trường, Ngài phân phối sắp xếp từng công việc, chia thành từng nhóm riêng có Tá lý phụ trách. Tổng giám Lê Văn Bàng điều động chung.

Cứ mỗi ngày, vào buổi sáng, Đức Hộ Pháp đến từng nhóm hướng dẫn công việc bằng cách lấy một thanh tre vẽ kiểu trên mặt đất, chỗ nào đào, chỗ nào đắp, chỗ xây, chỗ tô, kích thước rõ ràng. Các Tá lý cứ theo đó mà làm. Tuyệt nhiên không hề có họa đồ (bây giờ gọi là bản vẽ thiết kế thi công), hoàn toàn không có bản vẽ.

Làm được ba năm, đến 1939, Đền Thánh đã có hình dáng sừng sững uy nghi. Chính phủ Pháp muốn cản trở nên cử xuống ba kỹ sư (xưa gọi là bác vật), hai người Pháp, bác vật người Việt là ông Lưu Văn Lang kiểm tra cấu trúc Tòa Thánh với mục đích ngăn chận việc xây dựng nếu không đúng kỹ thuật. Nhưng khiến xui ông Lang lại có cảm tình với Đạo. Bằng cách đo vẽ, tính toán theo ngành xây dựng, ông đã chứng minh được rằng cấu trúc Tòa Thánh rất bền vững. Nhờ vậy, chính quyền Pháp không có cớ cản trở. Cũng nên nói thêm về ông bác vật Lưu Văn Lang. Trước đó, ngày 06-3-1928, ông cầu xin có một đàn riêng. Thầy hỏi chư vị: "Các con coi Lang là bực nào?"

Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa bạch: "Bực thượng lưu."
"Cười, thượng đẳng chớ không phải thượng lưu. Nếu nó muốn rõ Đạo thì các con cũng đủ sức nói cho nó nghe, lựa là phải hỏi đến Thầy. Như nó là đứa tâm đạo, cùng có lòng bác ái, thì tự nhiên đến hiệp với các con mà chung lo cho sanh chúng, chớ tư cầu mà làm chi. Thầy không thâu nạp lời xin ấy, nghe à!"

Trở lại việc xây dựng Đền Thánh, tiếp tục còn nhiều hồi khảo đảo.Công việc xây cất chưa xong thì ngày 04-6 Tân Tỵ (1941) mật thám Pháp vào Tòa Thánh bắt Đức Hộ Pháp, sau đó bắt thêm một số chức sắc khác (trong đó có Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa) và đúng một tháng sau, ngày 04-6 nhuần, Pháp đưa các vị đi đày ở đảo Madagascar (Phi Châu).

Cuộc đồ lưu hải ngoại này kéo dài năm năm, đến 25-7 Bính Tuất (1946), Pháp mới thả Ngài về Việt Nam. Ngày 04-8 Bính Tuất (30-8-1946) Đức Hộ Pháp về đến Tòa Thánh. Ngài tức tốc triệu tập công thợ tái xây dựng Đền Thánh mà trong thời gian Ngài bị giam cầm bị Pháp chiếm dụng làm chỗ đậu xe. Gạch lót nền Đền Thánh bị người Pháp cạy lên đem lót chợ. Đức Hộ Pháp cho lệnh lót gạch trở lại (do vậy, ngày nay ta thấy trên Đền Thánh, đường chỉ gạch hơi bị sứt mẻ.)

Ngày 06-01 Đinh Hợi (1947), chỉ sau bốn tháng, Đức Hộ Pháp làm lễ trấn thần Tòa Thánh; qua mồng 8, rước quả Càn Khôn từ Báo Ân Từ về Bát Quái Đài Tòa Thánh để kịp cúng đại lễ vía Đức Chí Tôn vào giờ Tý mồng 9 tháng giêng năm Đinh Hợi. Tuy vậy, lễ khánh thành Tòa Thánh mãi đến tám năm sau, nhân đại lễ vía Đức Chí Tôn năm Ất Mùi (1955) mới tổ chức được, cùng lúc với Báo Ân Từ và một số dinh thự khác trong nội ô.

Công việc xây dựng trụ tướng Tòa Thánh Tây Ninh vậy là vừa kịp lúc, vì tình hình chính trị, xã hội miền Nam đã biến động mạnh. Sau hiệp định Genève, phân chia Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc. Chính phủ miền Nam không thuận lòng với chính sách "hòa bình chung sống" của Ngài Phạm Công Tắc nên đã giam lỏng Ngài tại Hộ Pháp đường hơn bốn tháng.
Vào 3giờ sáng ngày 05-01 Bính Thân (1956), một năm sau ngày khánh thành Tòa Thánh, Đức Hộ Pháp cùng một số vị chức sắc (trong đó có Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa) lên đường sang Campuchia tỵ nạn chính trị tại thánh thất Kim Biên, Nam Vang.

Tại thánh thất Kim Biên, Ngài cũng thường thuyết pháp cho tín hữu sở tại hiểu lý Đạo Trời.

Đức Hộ Pháp quy thiên vào lúc 13giờ 30 phút ngày mùng 10-4 Kỷ Hợi (17-5- 1959) tại thánh thất Kim Biên, Nam Vang, hưởng thọ 70 tuổi. Lễ tang Ngài được tổ chức trọng thể trong sự tiếc thương vô hạn của các tín đồ Cao Đài, đặc biệt là sự đau buồn đối với hàng chức sắc và tín hữu Tòa thánh Tây Ninh.
Đức Ngài đã được Thiên triệu sau khi hoàn tất nhiệm vụ trong kiếp người ở cõi thế, đã làm một cánh tay đắc lực, một đại tướng soái của Thầy trong thời phổ độ kỳ Ba này. Sự linh ứng về cuộc triều Thiên của Đức Hộ Pháp không chỉ được người Cao Đài cảm nhận, mà những người có năng khiếu ngoại cảm cũng nhận thấy.

Một thí dụ cụ thể là trên tạp chí Le Lien des Cercles d"Etudes số 4 tháng 5-6 năm 1959, nữ đồng tử Sarah Barthel tại Paris, Pháp có viết bài Chứng nghiệm:

"… Một tiếng nói trên không trung, nói với tôi: "Sở dĩ đạo đức đưa tới một đời sống hạnh phúc là vì đạo đức là một tình thương yêu cao cả. Tình yêu này chỉ là một với tình yêu cả nhân loại lẫn vũ trụ." Tiếng nói ấy thoát ra ngoài vật thể và nó ở khắp nơi trên thế giới địa hoàn, để cho các tâm hồn yên lặng và mở rộng đều có thể nghe được.
"Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc vừa quy Thiên ngày 17-5-1959 hồi 13giờ 30 phút (giờ Cao Miên) tại chùa Tual Svay Prey… Đúng giờ đã định, những vị Thiên thần cầm lọng vàng tới đón rước Ngài, và các hung thần bị xua đuổi ra xa tít…

"Những Đấng đã liễu đạo, lớp mặc thiên phục đỏ, lớp thiên phục xanh dương, lớp nữa, thiên phục vàng, và cũng còn hàng ngàn và hàng ngàn mặc thiên phục trắng tiếp rước Ngài.
"Tiếng nói của Đấng Thượng Đế, tiếng nói trong tâm mỗi người, dầu ở thiên giới, địa giới hay trung giới, đã phán: "Trong bốn màu hiệp lại thành một. Con đã xuống thế, hạ mình một cách cao cả… Hộ Pháp Phạm Công Tắc, con hãy trở về trong lòng Ta và góp phần trong lời Thánh huấn của Ta."
"Ngày 17-5-1959, trong toàn địa giới, trung giới, yên tịnh hay phiêu lãng, tất cả những người nam nữ trong đại cơ quan đồng tử đều được nhìn thấy và nghe rõ tất cả những sự việc mà tôi ghi chép y như trên.
"Ký tên: Nữ Đồng tử Sarah Barthel
"20 Alibert, Paris Xème (Trích trong quyển "Hình ảnh Đức Hộ Pháp Quy Thiên" của soạn giả Nguyễn Văn Hảo, xuất bản năm 1967.)

Chúng ta sẽ tìm nguyên văn bản tiếng Pháp để dịch hoàn chỉnh lại bài báo này. Dù sao, bài báo cũng cho thấy việc tiếp xúc với cõi thiêng liêng không phải là đặc quyền của đạo Cao Đài và nhứt là việc tu hành của người Cao Đài đạt kết quả thực tế (qua hình ảnh những vị tu hành đắc đạo mặc thiên phục vàng, xanh, đỏ, trắng) được xác định bởi người ngoài Đạo.

Xin mượn lời ca ngợi tôn vinh Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc của nữ đồng tử Sarah Barthel trên đây để thay lời kết luận bài viết này.
 
Huệ Nhẫn

Đạo có gì đâu, đạo ấy Trời,
Trời là Tiên Phật, cũng là người,
Người hay giác ngộ thành Tiên Phật,
Tiên Phật vọng tâm cũng xuống đời.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây