Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được vinh danh tại Hội thảo quốc tế TTO - Hội thảo Dân Tộc Nhạc Học ...
-
"Người những tưởng Cao Đài tôn giáo, Nào hay đâu Đại Đạo hoằng dương, Gồm thâu trăm nẻo ngàn đường, Tam nguơn chuyển ...
-
"Tư tưởng đạo gia" là những bài dịch Hán Văn từ những kinh sách của chư đạo gia như Lão ...
-
Lễ sanh /
“Lễ Sanh là người có hạnh, lựa chọn trong chư môn đệ mà hành lễ. Chúng nó đặng quyền đi ...
-
PHONG CÁCH THƯỞNG XUÂN CAO ĐÀI Giáo sĩ LẬP HẠNH Từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay, mọi người đều tỏ ...
-
Cách đây hơn 80 năm, khi Ðức Thượng Ðế hạ ngọn linh cơ lần đầu tiên tại Việt Nam, tức ...
-
Dưới đây là bài phát biểu của Giáo Sư Thượng Liêm Thanh vào dịp Lễ Khánh Thành Trung Tông Thánh ...
-
Đại Đạo TKPĐ khai mở chưa được một thế kỷ, thế mà khi lần giở những trang sử đạo người ...
-
Người tín đồ Cao Đài tin rằng các bậc Giáo Tổ từ Nhứt Kỳ đến Nhị Kỳ Phổ Độ đều ...
-
Đạo Phật /
Đạo Phật, hay Phật giáo, là một tôn giáo và triết lý do Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) khởi xướng, ...
-
Người Mường, còn gọi là người Mol, Mual, Moi, Moi bi, Au tá, Ao tá, là một dân tộc sống ...
-
" Quyền pháp không giao riêng cho ai, cho xã hội nào, cho tôn giáo nào ; quyên pháp có ...
Phan Lương Minh
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009
Lược sử Chiếu Minh
Đầu tháng 11 năm Bính Dần 1926 Đức Ngô truyền phép chấp cơ tại Đất Hộ (Dakao) cho 2 cặp đồng tử là Trương Duy Toản – Đặng Văn Ký và Nguyễn Văn Mùi – Trần Minh Lục. Ông Toản và ông Mùi có tên trong Thánh ngôn Hồng Danh Kỷ niệm kẻ có công với Đạo và với quyển Đại Thừa Chơn Giáo.
Ngày 18 tháng 11 năm Bính Dần, đức Ngô đến bái yết đàn Hiệp Minh (Cái Khế). Đức Ngọc Đế giáng cơ cho ngài 4 bài thi và một bài trường thiên. Ban đầu tại Cần Thơ, các môn đồ của Đức Cao Đài được Đức Lý Đại Tiên dạy tu theo kinh cảm ứng là luât Trời, dạy tu tâm sửa tánh gồm đủ tam cang ngũ thường, hễ nhơn đạo làm tròn thì bước qua Tiên đạo chẳng khó. Chiếu Minh Đàn Kinh Cúng Tứ Thời-Thánh ngôn-Cảm ứng-Tang Tế và Cầu siêu 1929.
Cũng trong năm 1926, ngài Võ Văn Thơm cùng với nhị vị : đốc phủ Lượng và hội đồng Trạch (thân phụ của công tử Bạc Liêu) đi đám tang tại Sài Gòn, rồi tìm đến xin gặp Đức Ngô. Đức ngài bảo : Các ông mới đi đám tang nên về tắm gội và nghỉ trưa đi, chiều hãy trở lại. Chiều đến, ngài Võ Văn Thơm được Đức Ngô cho ngồi cầm cơ với đồng tử Ngưng. Ơn Trên cho bài thi sau :
Tặng người nay gặp hội Chiêu Kỳ,
Võ lược ba viền đủ lễ nghi.
Văn chất năm pho khuyên lũ trẻ, ngài có mở trường học Võ Văn
Thơm danh sớm vịn Đạo Vô Vi.
Xem qua bài thi, Đức Ngô hứa sẽ xuống nhà ngài lập đàn vào dịp đầu năm.
Tết Nguyên Đán năm Đinh Mão, Đức Ngô khai đàn tại nhà ngài hội đồng Thơm, với hai đồng tử là Hồ Vinh Qui và Nguyễn Thiện Niệm.
Ngày 17-5-1927 quý ngài Võ Văn Thơm, Lê Công Phượng, Nguyễn Văn Huỳnh cùng nhau mua hai sở đất nằm bên đường trên Cần Thơ đi Cái Răng, diện tích tổng cộng là 4 mẫu 50. Sau khi làm tờ hiệp đồng để tạo lập nghĩa địa, tam vị đã dự trù khi Nhà Khai Đạo triều thiên sẽ rước thân tứ đại của Người về đây. Nghĩa địa được Đức Lý ban cho tên Chiếu Minh.
Ngày 8-8-1927, tam vị đứng đơn xin thành lập am thất và nghĩa địa : (bản dịch của Hội giáo Cao Đài Thượng Đế in năm 1928)
CanTho, le 8 Aỏt 1927.
Gởi cho quan Chánh Tham- biện Chủ-tỉnh Cantho.
Chúng tôi xin Quan lớn ra ơn cho phép chúng tôi lập trên đất của chúng tôi, toạ lạc tại làng Tân-an, tổng Định- Bảo (Cantho) đường trên đi Cairang..
A) Trên sở đất 137 tờ thứ 6 một cái Nghĩa-địa cho mấy người trong Hội và để thí cho kẻ nghèo nàn.
B) Trên sở đẩt 136 cũng một tờ ấy một cái Am-tư, để thờ phượng kẻ quá vãng và cũng để mà nhóm cúng theo lệ.
Nay bẩm, VÕ VĂN THƠM,LÊ CÔNG PHƯỢNG,NGUYỄN VĂN HUỲNH.
Ngày 30-8-1927 Thống Đốc Nam Kỳ gởi thơ yêu cầu ngài Võ Văn Thơm nói rõ về việc nhóm cúng :
No 6345 Saigon, le 30 Aỏt 1927.
Quan Thống-Đốc Nam-Kỳ Tứ đẳng bửu tinh gởi cho
Ông Võ Văn Thơm, cựu Hội-Đồng Quản-hạt
(có quan Tham-biện Cantho gởi giùm)
Ngài,
Tiếp theo đơn của Ngài đề ngày 8 Aỏt, tôi xin cho ngài rõ : tôi có hay rằng cái Am-tự của ngài muốn xin cất ấy sẽ để thờ phượng những vong linh và cũng để cho mấy người vào đạo Cao-Đài nhóm hội nữa.
Vậy nếu quả như vậy, thì xin ngài nói chắc trong đơn của ngài.
BLANCHARD DE LA BROSSE.
Ngày 13-9-1927 ngài Võ Văn Thơm gởi thơ giải trình về việc này, đoạn cuối ông viết : “Vì nhà nước sẽ lấy làm hữu ích mà chỉ vẽ khuôn viên cho Đạo mới nầy vận động mở mang thong thả (tự do hoạt động và khuếch trương – NV), phòng mấy kẻ hành đạo thành thiệt khỏi bị hiếp đáp và bị những điều độc-ác của kẻ nghịch, vì cái khí giới xưa nay thường dùng và độc-ác hơn hết là những lời vu cáo việc Thiên-địa hội (hội kín) cùng vu cáo tội ta rập nhau mà làm chỗ rối loạn trong nước.
Cho đặng chúng dân khỏi bị những điều lầm tưởng như năm 1916, vậy nên tôi cũng do ý mấy ông thông thái LangSa nói về chuyện này, mà tôi cứ lập hội Thích-đạo nầy trong hạt Cantho.”
Qua tháng sau, ngày 27-10-1927 ngài Võ Văn Thơm gởi tiếp đơn xin phép dựng một Am tự, có chỗ giảng đạo, và lập hội giáo Cao Đài Thượng Đế, kèm theo bản Điều lệ với Ban quản lý tạm gồm có :
Chánh hội-trưởng : Võ Văn Thơm, cựu hội-đồng quản-hạt.
Phó hội-trưởng : Nguyễn Đăng Khoa, đốc-phủ-sứ hồi hưu.
Chánh thơ ký : Đặng Khắc Kỷ, cựu đốc học.
Phó thơ ký : Nguyễn Văn Thượng, đốc học trường Võ Văn.
Chánh thủ bổn : Lê Công Phượng, kinh lý.
Phó thủ bổn : Nguyễn Thiện Niệm, thơ-toán Đông-Pháp ngân hàng.
Ngày 2-11-1927, Chánh Tham biện Cần Thơ , thừa ủy nhiệm Thống Đốc Nam Kỳ, đã ký công văn số 152 C cho phép. Thống Đốc Nam Kỳ duyệt y bản Điều Lệ Hội Giáo Cao Đài Thượng Đế ngày 27-3-1928. Từ đây môn sanh Cao Đài được yên bề tu hành. Cơ đạo bắt đầu phát triển, các Chiếu Minh đàn lần lượt lan tỏa ra khắp nơi.
Năm 1929 đàn cơ từ Chiếu Minh Đàn Cái Vồn Ơn Trên dạy ông bà Hội đồng Thơm cất một ngôi chùa, đồng thời cho luôn kích thước để xây dựng, đến sáng Đức Ngô từ Sài Gòn xuống nói với ông Nguyễn Thiện Niệm : nhắc ông Hội đồng là khi đi đầu thai , ông có hứa cất một ngôi chùa. Ông bà hội đồng liền lo công quả xây dựng nên ngôi chùa Cao Đài Hội Giáo. Ngày khánh thành Đức Ngô không đến dự, song ngày 22-11-1929 ngài có gởi thơ chỉ dạy cách thờ phượng và nghi thức cúng kiến cho Cơ phổ hóa của Chiếu Minh. Từ đó Cao Đài Hội Thánh là tiền môn của Chiếu Minh Tam Thanh, đứng ra cán đáng mọi giao thiệp với bên ngoài, chư vị Chiếu Minh Tam Thanh thuộc cơ tuyển độ được yên bề tu tịnh bên trong.
A. CƠ TUYỂN ĐỘ :
Khởi đầu Đức Ngô Minh Chiêu có20 vị đệ tử trực truyền :
-Tiền giang có 5 vị nam : Minh Huấn (Đạo Đức kim tiên), Minh Lý(Viên Minh đạo nhơn), Minh Nghị (Thanh Hư đạo nhơn), Minh Thới, Minh Dương (Huyền Minh chơn nhơn) ; 5 vị nữ : Minh Huờn (Giác Bửu nương nương), Minh Của (Ngọc Bổn tiên nương), Minh Ngàn (Ngọc Thiện tiên nương), Minh Thanh (Ngọc Thanh tiên nương), Minh Huyền.
-Hậu giang có 4 vị nam : Minh Thượng (Nhứt Bửu chơn nhơn), Minh Niệm (Giác Minh kim tiên), Minh Huy (Huệ Mạng kim tiên), Minh Huỳnh (Thiên Môn đế quân), 6 vị nữ : Minh Nghiêm (Bạch Bửu tiên nương), Minh Trình (Diệu Pháp nương nương), Minh Luông(Thanh Lọc nương nương), Minh Hồng (Như Ý nương nương), Minh Mọn, Minh Kình.
Đức Ngô đi du lịch Hà Tiên và Trà Lơn lần đầu vào ngày 26 tháng tư năm Mậu Thìn 1928. Cuối năm 1931 Ngài xin nghỉ phép để dưỡng bịnh. Qua năm 1932 Đức Ngô biết trước ông Phán Quí sẽ canh cải Đạo, nên dạy ông Trần Nghĩa Trọng lập nhà đàn tại Chợ Lớn, ngài sẽ độ cho ông lập công quả. Khai đàn ngày rằm tháng 8 Nhâm Thân tại tàng 3 nhà số 29 Piquet Chợ Lớn, sau dời về số 23 Phú Thọ từ 1935 cho đến nay.
Ngày 30-3-1932 ngài đi du lich Trà Lơn lần nữa. Chuyến về ngài ghề Cần Thơ, bổn đạo cất vội một cái thảo lư để ngài ở, nhưng chỉ được một tuần. Nơi đây ngài dạy dùng vải để chép những bài Thánh giáo, dạy giữ y qui cũ của ngài khai đạo kỳ ba này. Hai ngày trước khi liễu đạo, ngài dạy bà hội đồng Thơm và dặn truyền lại lời của ngài : Trước đàn hay chùa phải trồng 8 thứ hoa khác nhau trong 8 bồn riêng biêt.- Thiên bàn chưng 3 thứ : bông sen, cây trước, dương liễu (hay dương thường), đó là ý Đạo sẽ dùng về sau. –Trái cây chỉ chưng 5 thứ, tương trưng cho ngũ hành trong cơ thể mình. –Đạo Vô Vi chỉ cần treo trái bầu khô giữa nhà để cắm nhang là đủ, nay lập bàn thờ, sau này sẽ có cơn khảo đảo về việc sắp đặt Thiên Bàn.
Sáng ngày cuối cùng Ngài dặn bà Minh Hồng lo dùm xe cộ để đi về Tân An, nhưng bà muốn ngài ở lại nên cứ huởn đãi. Ngài bèn cho mời ông hội đồng Thơm. Ông Hội Đồng khăn áo bước lên Thảo Lư lại quỳ trước Ngài, rồi Ngài dạy chi không biết vì dùng tiếng Pháp không, làm mấy bà lén nghe mà không hiểu gì hết. Chỉ thấy Ông Hội Đồng quỳ khoanh tay và kính cẩn nghe, vâng vâng, dạ dạ. Đến khi Ông Thơm về đem xe vô các bà bàn tán xôn xao. Ngài nói : “đi quanh đây rồi trở lại chớ không đi đâu xa" Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu.
Quả thực, xe mới qua Mỹ Thuận vào lúc 3 giờ chiều ngày 13 tháng 3 năm Nhâm Thân (1932), đức Ngô Mnh Chiêu liễu đạo trên chuyến phà đưa qua sông Tiền, ứng nghiệm với thánh ngôn Ơn Trên đãcho lúc ngài được thuyên chuyển từ Phú Quốc về Sài Gòn :
Giờ này Thầy điểm thâm công,
Ngày sau con sẽ cỡi rồng về Tiên.
Ngài để lại di chúc rất ngắn gọn, vỏn vẹn không đầy 20 chữ, trong đó hai chữ nhứt tâm dường như cũng quá lớn cho hàng môn đồ của ngài từ đây về sau.
Người đạo đến để tang rất đông. Tang lễ rất trọng thể mà vô cùng thanh tịnh. Đến bá nhựt, các đề tử phía Tiền giang đều xả tang, còn các đệ tử ở miền Hậu giang thì giữ luôn với ý nghĩa là Hiếu, chung thân tang chế để luôn nhớ ơn Thầy.
Ông Phán Quí đã lập đàn riêng tại Xóm Chài Cần Thơ, nay đổi không thờ Tam Thanh mà thờ Tam Giáo, từ đó có danh hiệu Chiếu Minh Tam Giáo., nơi tiếp được trọn quyển kinh Tam Nguơn Giác Thế, văn chương thi phú thanh tao. Ông Quí là người nho học rộng, Tây học cũng khá cao, lại luận Đạo hoạt bát nên vì thế mà ông kéo qua Tam giáo gần 300 đạo hữu nghĩa là hết trọi dưới Cần Thơ , chỉ còn bên Tam Thanh : Bà Hội Đồng, Bà Tư và Ông Bà Niệm. Thơ của Ông Minh Truyện gởi ông Minh Nhơn 20-3-1960.
Kế đến ông Minh Huỳnh được Đức Đại Thánh giáng cơ dạy lập ngôi tổ đình :
Huỳnh con lãnh mạng Thầy Trời,
Lập nền Thánh Đức kịp thời đó con.
Chớ nệ tiếng nước non khó dễ,
Đàn Hậu Giang bốn bể oai linh..
Tá danh là hiệu Chiếu Minh,
Thật thành vốn thiệt Thánh Đình Ngô Chiêu.
Chưa kịp làm theo thánh lịnh, ông Minh Huỳnh lâm trọng bệnh rồi liễu đạo vào cuối năm Giáp Tuất 1934, bà Minh Hồng đứng ra lập ngôi Thánh Đức Tổ Đình.
Đêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng 7 năm Giáp Tuất (12-13/8/1924) Đàn tại gia Nguyễn Háo Vĩnh, Thầy dạy lập một bổn kinh y như Huấn truyền cho các con rồi để lưu lại Tàng Thơ (*) có dấu ký tên của Huấn và Lý…BỔN NGUYÊN KINH BÊN PHÁI “BẠCH Y VÔ VI” của ĐỨC NGÔ ĐẠI TIÊN chơn truyền.
Đầu năm At Hợi 1935 Ơn Trên chuyển các đạo hữu đàn Long Ẩn ở Sài Gòn về Tổ đình thọ pháp. Đến nơi có 12 vị, hôm sau xin keo chỉ có 11 vị và sau đó được điểm danh trong đàn cơ mùng 5 rạng mùng 6 tháng 2 năm Ất Hợi (11-12/3/1935) :
THI
Lệ thường đạo cả đức càng cao,
Lộc cả Thầy trao, trẻ gắng nào.
Trong ẩn cơ huyền Nhơn thức Cảnh,
Truyện, Huỳnh cộng hưởng đức Đài Cao.
* *
Đê phận nữ nhi bốn đức tròn,
Chi con sau trước giữ lòng son.
Đại duyên Thầy tu âm chất,
Bé lớn nữ nam cũng đồng con.
* *
Một vị không thỉnh keo lảnh pháp là ngài Trần Văn Quế. Khi đến Cần Thơ ông đến thăm ông Hồ Vinh Qui tức ông Phán Quí. Sau buổi hàn huyên, ông Quế thấy còn phận sự độ đời nên đành hoản lại việc tu pháp. Năm sau (1936) nhị vị lại gặp nhau trong Hội Liên Đoàn tổ chức tại chùa Cao Đài Hội Thánh Cần Thơ. Phần chủ gồm có ông Hồ Vinh Qui, ông Lê Công Phượng, ông Đăng Khắc Kỷ và hai mươi mấy vị chủ nhà đàn Chiếu Minh. Phần khách có ngài Cao Triều Phát, Phan Trường Mạnh, Trần Văn Quế…
Cũng trong năm Bính Tí 1936 này, một nhà đàn mang danh hiệu Trước Tiết Tàng Thơ được tạo lập trên một gò đất giữa thửa ruộng rộng 5 mẫu tại Thủ Thiêm của ông Nguyễn Háo Vinh, chủ nhà in Xưa nay. Nhà đàn này rất rộng lớn, mỗi cạnh dài 10 m, nền cẩn đá xanh, có gác ván để làm nơi cầu cơ, chính tại nơi đây đã hầu cơ tiếp được trọn bửu kinh Đại Thừa Chơn Giáo.
Sau đó bà Minh Hồng cho biết vừa qua thiên bàn được xếp đặt theo thời kỳ Đạo Khai, nay đến thời kỳ Đạo Chuyển phải sửa đổi lại theo cách thức Thầy có dạy riêng cho bà. Khăn tang được dùng luôn làm khăn Đạo và Thiên bàn Đạo Chuyển là hai đề tài gây tranh cải đưa đến tình trạng phân hoágiữa các đàn Chiếu Minh. Vài vị trong phía Tiền giang tán đồng sự sửa đổi này :quý ông Minh Mẫn, Minh Giỏi, Minh Huỳnh, Minh Lộc, Minh Nhơn, Minh Đại. Còn các vị thuộc đàn Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Cần Đước, Tây Ninh, Trước Tiết Tàng Thơ, và những vị còn lại của đàn Long An, đều giữ khăn đen và không đổi Thiên Bàn. Phía Hậu giang đều đổi hết, trừ bà Hội đồng Thơm(Minh Trình) tuy vẫn giữ khăn tang vì bà là đệ tử trực truyền của Đức Ngô, nhưng bà không sửa đổi Thiên bàn.
Bính Tý cũng là năm bắt đầu của những khảo đảo về Khăn trắng- Khăn đen, về Thiên bàn Đạo khai-Thiên bàn Đạo chuyển. Những khảo đảo lúc thì âm ỉ, lúc bộc phát. Khảo đảo kéo dài trong hàng chục năm làm xuyến xao nhà đạo.
Đến năm1939, Trưởng huynh Minh Huấn liễu đạo vào ngày 14 tháng 3 năm Kỷ Mão. Sau tang lễ các vị đã được trưởng huynh chỉ kiểu tu và giữ khăn đen rời tổ đình. Bà Minh Hồng trở lại tổ đình giờ thưa thớt, bên nam không còn ai, tinh thần bà sa sút. Kéo dài đến năm 1945, chiến sự bùng nổ, loạn lạc khắp nơi, bà Minh Hồng phải rời tổ đình tản cư ra chợ Cần Thơ. Tổ đình, thảo lư, vườn tược phải chịu cảnh hoang tàn đổ nát. Bàn thờ, đồ thờ cúng bị Pháp chở đi hết. Nhờ cô Võ Hạnh Tiết là con của ông bà hội đồng Võ Văn Thơm, đi tìm đòi lại cho chùa. Lúc đầu Pháp không chịu trả, nhưng với thái độ cương quyết của cô, chúng phải cho xe chở trả lại. Năm 1951 Tổ đình thứ hai được hai bà Minh Hồng và Minh Đại lo xây cất ngay trên nền cũ, diện tích nhỏ hơn vì lý do tài chánh eo hẹp sau chiến tranh. Thời điểm này đúng như thánh ngôn đã dạy : Bên trong rối rắm, bên ngoài loạn ly.
Ngày 20 tháng giêng Tân Mão 1951 tại đàn Phú Lâm Thầy giáng cơ dạy :
“Các con nên hiểu rằng trong Trời đất có 5 màu chánh sắc : Vàng, xanh, trắng, đỏ, đen, gọi là ngũ sắc. Thể theo lẽ Đạo thì ngũ sắc biến ra ngũ hành : Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngũ hành sanh ngũ khí là Huỳnh, Thanh, Bạch, Xích, Huyền. Các con nhờ phép Đạo vận chuyển cho ngũ khí triều nguơn thì chơn nhơn hiện xuất, tức là thành Đạo.
…Thầy đã dùng 3 màu : Vàng, Đỏ, Xanh tức là Tam Tài cho Tanm giáo về cơ phổ độ. Còn hai màu Đen và Trắng tức lưỡng nghi thì dùng cho phái Vô Vi Tam Thanh.
…Nếu các con tự dung hoà với nhau không đặng,Thầy lấy lẽ vô vi mà ứng hoá cho.
Ơn Trên dạy lập Ban Chỉnh Giáo gồm 12 vị định ngày 27 tháng giêng đến đàn Phú Lâm để bắt thăm.
Kết quả cuộc bắt thăm là : Thờ theo kiểu đạo chuyển. – Khăn trắng.
Rồi trong một kỳ đàn tại gia ông Minh Lộc, bà Minh Hồng đã đốt khăn trắng, một cử chỉ được bên khăn đen coi như tự giác, sửa sai ; nhưng sau này bên khăn trắng giải thích đó là đốt khăn tang, chớ khăn trắng vẫn còn dược giữ.
Như vậy chung cuộc không có gì thay đổi, vẫn còn khăn trắng, khăn đen, vẫn còn thờ theo kiểu đạo khai, đạo chuyển.
Tháng giêng 1960, ông Minh Nhơn cho ấn tống 3000 quyển kinh Cúng Từ Thời với tiêu đề :
CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO
Phái : Chiếu Minh Tam Thanh
-Vô Vi Bạch Y Cân –
(Ao khăn toàn trắng)
Việc này bị bên khăn đen chỉ trích gây gắt vì coi như chánh thức lập một phái khăn trắng.
Năm 1960 ông Minh Truyện xuống Cần Thơ gặp bà Minh Trình (bà hội đồng Thơm) trình bày dự định của ông xây một ngôi chùa trên nền cũ của Quan Âm tự ở Phú Quốc để ghi dấu nơi phát nguyên Cao Đài Đại Đạo. Ông Minh Truyện đã đến ngôi chùa Cao Đài Hội Thánh cũ để đo lấy kích thước. Do đó chùa tại Phú Quốc có cùng kich thước và hình thể với ngôi chùa Cao Đài Hội Thánh ngày xưa, chỉ có mặt dựng trên cao hơi khác ; tên chùa cũng đặt là Cao Đài Hội Thánh (1961).
Năm 1965, ông Minh Huyên đứng ra lo việc xây cất Tổ Đình thứ ba, với sự trợ lực của nhị vị Minh Tiềng, Minh Lộc, cả ba đóng góp ngang nhau. Ngoài ra còn có sự đóng góp của đạo hữu hằng sản khác như quý ông Minh Truân, Minh Lâm, Minh Tấn….
Ngày 13-14-15 tháng 3 năm Đinh Mùi (22-23-24/4/1967) chùa Cao Đài Hội Thánh (Đương Đông Phú Quốc cử hành Lễ Vía Ngôi Hai Giáo Chủ Cao Đài Đại Đạo với sự tham dự của các phái đoàn :, Giáo Hội Trung Ương Cao Đài Thống Nhứt (Minh Tân), Giáo Hội Tiền Giang (liên chi Cao Đài Duy Nhứt), Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Toà thánh Bạch Y Chơn Lý Kiên Giang, Thánh thất Bình Hoà Gia Định, Thanh An Tự Bình Dương (Minh Thiện), Cơ Quan Siêu Hình (Thiện Đức Đàn) Sài Gòn, Trúc Lâm Thiền Điện (Vĩnh Long), Linh Tiêu Cực (Phú Quốc)
Ngày 14 tháng 5 năm Đinh Mùi 1967, ông Minh Huyên tổ chức mời các chủ đàn Chiếu Minh về hầu đàn riêng biệt về Cơ Qui Nguyên. Có tất cả 93 vị về dự chia ra như sau :
Thánh Đức Tổ Đình 21 Nam 20 Nữ
Long An 5 5
Long Hoa 4 /
Cao Đài Hội Thánh 1
Đàn Chợ Lớn 17 11
Đàn Minh Cảnh 1
Đàn Cái Vồn 2
Nhị Thiên 5 1
Tổng số 55 Nam + 38 Nữ = 93 vị.
Điều bất ngờ là cũng tại Tổ đình, và cũng đồng tử cũ, nhưng trong kỳ đàn này, Thầy về cơ ban Thánh Lịnh Qui Tông, theo đó các đệ tử Chiếu Minh phải trở lại đội khăn đen và thờ thiên bàn theo Đạo Khai. Có một ít vị không tuân theo thánh lịnh và không về Tổ đình.
Ngày rằm tháng chạp năm Đinh Mùi (14-1-1968) Đàn Hội Phú Quốc gồm 6 đàn : Long Hoa Đàn, Đàn Chợ Lớn, Đàn Tổ Đình, Đàn Long Ẩn, Minh Cảnh Đàn, Đàn Phú Quốc. Đây là Cơ Đạo Chiếu Minh Thống Nhứt. Trong Đàn Hội này Thầy ban ơn cho Đàn cơ Chiếu Minh Dương Đông hai chữ “KHAI NGUYÊN”.
Đến năm 1968, ông Minh Huyên liễu đạo trong biến cố Tết Mậu Thân , nhị vị Minh Tiềng cùng với Minh Lộc trở về lo tu sửa và giữ gìn lại tổ đình : Khăn trắng trở lại tổ đình.
Sau năm 1975, ông Minh Tiềng, bà Minh Nữ, ông Minh Lộc, bà Minh Mậu đi định cư ở nước ngoài. Bà Minh Dĩ tuy già yêu vẫn đóng góp tài chánh cho Tổ Đình. Sau nhiều việc lủng củng , các vị cùng nhau thành lập Ban quản lý để tự giải quyết công việc của Tổ đình.
Những dị biệt về khăn trắng khăn đen, về Thiên bàn thời Đạo khai, thời Đạo chuyển vãn còn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy vậy giữa các đàn Chiếu Minh không còn nghe nhắc đến việc quy tông hay việc canh cải, mỗi nơi tự lo việc tu hành trong đàn mình và giữ mối liên giao với nhau thôi.
B. CÁC THÁNH SỞ CHIẾU MINH :
1. Chiếu Minh Đàn Cái Vồn – Chiếu Minh Giáo Toà :
Tháng 11 năm Đinh Mão 1927, nhị vị Bùi Quang Huy, Nguyễn Văn Huỳnh lên Sài Gòn diện kiến Đức Ngô. Tháng sau cụ Bùi trở lại, được Đức Ngô cho thấy sự huyền diệu, cụ về phế đời hành đạo, cất một nhà đàn tại xã Mỹ Thuận, tổng An Trường, hạt Cần Thơ, tức Chiếu Minh đàn Cái Vồn, để tu hành và in kinh ấn tống.Trên bìa kinh Đạo Gia Tang Lễ của Chiếu Minh đàn Cái Vồn in năm 1929 có tiêu đề : Cao Đài Thượng Đế Đại Đạo Cần Thơ. Cũng năm 1929 ấn tống quyển giải thích kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, năm 1931 ấn tống quyển Tỉnh Thế Ngộ Chơn giải nghĩa; cả hai đều do chủ đàn biên soạn. Trong thời chiến tranh, Chiếu Minh đàn Cái Vồn bị hoại. Đến mùng 1 tháng 6 năm Canh Tuất 1970 mới tái lập với danh hiệu Chiếu Minh Giáo Toà, đứng độc lập từ đó.
2. Chiếu Minh Đàn Rạch Sỏi – Chiếu Minh Long Châu :
Tháng giêng năm Kỷ Tỵ 1928, gia đình cụ Lê Minh Giác nhập môn cầu đạo tại Đàn Chánh. Đến ngày 20 tháng 4 âm lịch, Ơn Trên định cho cụ khai mở đàn tại nhà ở Rạch Sỏi, làng Thạnh Mỹ, tổng Đinh Bảo, quận Châu Thành Cần Thơ. Đó là Chiếu Minh đàn Rạch Sỏi.Ngày khai đàn có quý vị : Hồ Vinh Qui, Đặng Khắc Kỷ, Tăng Minh thìn, Tám Tỵ đến dự.
Vào mùng 9 tháng giêng năm Bính Thân 1956, hai đồng tử Huệ Ngọc vàNgọc Anh Huỳnh đang hành đạo bên Tiên Thiên, đem thánh lịnh dạy lập hội thánh Chiếu Minh qua trình các vị trong Hội Giáo Cao Đài Thượng Đế. Các vị đều từ chối, cuối cùng ông Thiên Huyền Tâm tiếp nhận rồi cùng ông Ngọc Minh Khai lập Hội Thánh Chiếu Minh và xây Toà Thánh Long Châu trên nền cũ của Chiếu Minh đàn Rạch Sỏi.
3. Chiếu Minh Tự :
Cũng trong năm Kỷ Tỵ 1928, tại làng Tân Lược, quân Trà Ôn, tổng An Trường, cụ Lê Phú Hữu, tên thường dùng là Quản Tám, lập Chiếu Minh Tự Tân Lược. Hiện nay Chiếu Minh Tự đã huờn nguyên về Hội thánh Cao Đài Thượng Đế.
4. Chiếu Minh Đàn Ba Xe – Chiếu Minh An Giáo :
Gia đình cụ Võ Hồng Sa đã nhập môn từ khi Đạo mở tại Cần thơ. Đến năm 1930 cụ đem về xã Tân Thới, quận Ô Môn, lập Chiếu Minh Đàn Ba Xe. Sau 24 năm nhà đàn bị xuống cấp trầm trọng. Sau khi được xây dựng lại, Chiếu Minh Đàn Ba Xe khánh thành vào ngày rằm tháng 7 năm Giáp Ngọ 1954 với tên mới là Chiếu Minh Ẩn Giáo, nay thuộc hội thánh Chiếu Minh Long Châu.
5. Bửu Minh Đàn và bộ kinh Tam Bảo :
Cụ Nguyễn Thành Được người làng Thới Thạnh, quận Ô Môn đến hầu đàn Chiếu Minh ở Ba Xe rồi về nhà lập Bửu Minh Đàn, nơi đây đã tiếp được trọn bộ Kinh Tam Bảo bằng quốc âm. Bửu Minh Đàn nằm trong ngôi nhà gạch tường cao cửa rộng của cụ Cả Được. Nhà này chỉ tồn tại đến 1945 thì phải phá bỏ trong tiêu thổ kháng chiến.
6. Chiếu Minh Đàn Lai Vung – Thánh Tịnh Long Vân :
Cụ Lê Văn Khoái thánh danh Thiện Duyên , đã hầu đàn tại Chiếu Minh Tự Tân Lược và lãnh pháp tu bậc thượng thừa. Đến năm Quí Dậu 1933, cụ tạo lập Chiếu Minh Đàn tại Long Thắng, Lai Vung, Sa Đéc. Đến năm 1952 nhà đàn bị hư hoại, bổn đạo cất lại bằng cây ván, lợp ngói và đổi thành Thánh Tịnh Long Vân. Sau nửa thế kỷ bị hư mục từ từ, thánh tịnh cũng được thu nhỏ lại dần dần, vách ván được thay tạm bằng tôn, ngói phải thay bằng tấm lợp fibro. Tháng chạp năm At Dậu (tháng giêng 2006) đạo hữu trong hội thánh Cao Đài Thượng Đế với phần hổ trợ quan trọng của hai đạo tỷ ẩn danh, đã giúp thánh tịnh Long Vân xây dựng lại mới hoàn toàn bằng gạch, rộng rãi trên nền cao ráo.
7. Các Chiếu Minh Đàn khác :
Năm 1932, phái Chiếu Minh có được 13 nhà đàn, trong đó có Chiếu Minh Đàn Mỹ Khánh của cụ Trần Văn Chất, Chiếu Minh Đàn Long Tuyền của cụ Nguyễn Văn Khá, Chiếu Minh Đàn Nhơn Nghĩa của cụ Nguyễn Văn Trượng, Chiếu Minh Đàn Phong Hoà của cụ Tràn Hữu Phú, Chiếu Minh Đàn Vĩnh Hoà Hưng của cụ Huỳnh Văn Bửu. Cụ Lê Nghĩa Phương, cụ Nguyễn Đăng Dinh lập hai nhà đàn Chiếu Minh tại làng Thành Lợi. – Cụ Nguyễn Quang Diệu lập Chiếu Minh Đàn Tân Qưới, cụ Nguyễn Hữu Vẹn lập Bửu Cảnh Đàn tại làng Tân Qưới.
Vào năm 1937 khi hiệp tác với Cao Đài Liên Hoà Tổng Hội, Chiếu Minh có đến 27 thánh sở. Năm 1940, ông Phán Quí xuất bản 1000 cuốn Đạt Ma Bửu Truyền do ông diễn nghĩa. Sách được giới thiệu trên tạp chí Đại Đồng tháng 5-1940 : “Ai muốn thỉnh xin do diễn giả ở Xóm chài, châu thành Cần Thơ. Có trử bán tại chùa Cao Đài Hội Giáo Cần Thơ. Thực ra chùa này đã được Đức Ngô dạy sửa tên lại : “ Cao Đài Hội Thánh, bỏ chữ Giáo để chữ Thánh, vì chỗ hội những người hiền, tức là Thánh.”
8. Bửu Quan Đàn – Tân Chiếu Minh :
Đến thập niên 40, tạiThành Phú, Thành Lợi, Bình Minh, Vĩnh Long cụ Nguyễn Văn Dần lâp đàn Bửu Quan, sau ông Nguyễn Kim Đương trông coi. Đến những năm rối rắm, đàn bị uy hiếp, ông Hai Đương qua Huệ Đức Thanh kêu cứu. Chánh Hội Trưởng Hội Giáo Cao Đài Thượng Đế Chiếu Minh lúc bấy giờ là cụ Phan Khắc Giảng đứng ra can thiệp với nhà đương cuộc Pháp, rồi cùng ông Võ Văn Ngàn qua lập đàn lại. (Về sau thánh sở này trở thành Hội thánh Tân Chiếu Minh. Hiện nay là thánh thất Tân Chiếu Minh được cất lại trên địa điểm mới) đứng độc lập.
9. Thiên Lý Đàn &Trước Cảnh Quang – Thánh Tịnh Thiên Trước :
Sau chiến tranh, năm 1946 Cụ Phan Khắc Giảng tái lập Hội Giáo và phổ độ được một số khá lớn nhơn sanh. Các nhà đàn Đồng Minh Đức, Đồng An Tịnh, Pháp Minh Đàn, Thiên lý Đàn, Trước Cảnh Quang, được thành lập.
Thiên Lý Đàn của ông Thông Tâm, thế danh Nguyễn Kim Sanh ban đầu ở Cần Thơ, sau được thánh lịnh cho dời về Ô Môn, Trước Cảnh Quang của ông Thông Quang, thế danh Trần Phú Thơ được thánh lịnh cho lập đàn mật tại Ô Môn. Thiên Lý Đàn và Trước Cảnh Quang đều thuộc Hội giáo Cao Đài Thượng Đế, về sau kết hợp lại thành thánh tịnh Thiên Trước đứng độc lập.
1O. Tây Thành Thánh Thất :
Vào giữa năm 1949, chư vị trong Hội giáo Cao Đài Thượng Đế hợp tác với bác sĩ Cao Sỹ Tấn xây dựng trụ sở Chẩn tế và khuyến thiện. Được cụ bà Hội Đồng Võ Văn Thơm nhường cho sử dụng miếng đất, Anh lớn Phan Lương Báu cho bộ cột, sườn nhà (lẫm lúa), cụ Trần Đắc Nghĩa cho ván lót gác, việc xây dựng được khởi công từ tháng 9-1949 đến 11-1949 là hoàn tất. Cơ quan chẩn tế được khai trương vào tháng 12-1949. Đến 1950, đàn cơ tại Huệ Đức Thanh Ơn Trên dạy thiết trí điện thờ Đức Chí Tôn trên gác, ban cho ngôi thờ tự tên Tây Thành Thánh Thất và định ngày khánh thành là 27-8 năm Canh Dần nhằm 10-9-1950. Ngày khánh thành có thượng lá phướn vàng mang hàng chữ : “TÂY THÀNH XUẤT HIỆN QUY BÁ GIÁO HIỆP NGŨ CHI CHUYỂN CÀN KHÔN HOÀ BÌNH THẾ GIỚI” khiến các vị lảnh đạo Hội giáo Cao Đài Thượng Đế không dám đến dự, rồi từ đó không dự vào việc cai quản Tây Thành Thánh Thất. Mọi việc đều do ông Võ Văn Ngàn quán xuyến. Lúc đó trên bảng của thánh thất, người ta thấy bên dưới chữ TÂY THÀNH THÁNH THẤT có 2 chữ Pháp Union Caodaðque (Cao Đài Qui Nhứt -NV), nhân sự của Tây Thành gồm người đạo thuộc các chi phái khác nhau và từ nhiều địa phương khác về đây hành đạo.
8. Huệ Đức Thanh (Cầu củi) – Huệ Đức Thanh (Cồn Cái Khế) :
Sau năm 1945, bổn đạo Chiếu Minh trong thành phố Cần Thơ lập thánh Tịnh Huệ Đức Thanh ở khu Cầu củi đường Nguyễn Trãi Cần Thơ. Văn phòng Hội giáo Cao Đài Thượng Đế đặt nơi đây. Chánh Hội Trưởng là Cụ Lê Quang Nghi.
Năm 1951, có 24 vị được phong thánh danh tại Huệ Đức Thanh. Đàn cơ ngày 14 tháng Chạp năm Tân Mão phong cho Thập nhị Thiên Huyền : Thiên Huyền Vân (cụ Phạm Thành Nam), Thiên Huyền Quang (cụ Lê Quang Nghi), Thiên Huyền Đức ( cụ Phan Lương Báu), Thiên Huyền Huỳnh (cụ Phan lương Hiền), Thiên Huyền Linh (cụ Phan lương Thiệu), Thiên Huyền Thanh (cụ Phan Lương Bản), Thiên Huyền Minh (cụ Hồ Quang Sớm), Thiên Huyền Võ (cụ Hồ Quang Hinh), Thiên Huyền Pháp (cụ Huỳnh Quốc Lập), Thiên Huyền Tâm ( cụ Nguyễn Văn Tự), Thiên Huyền Lạc (cụ Võ Văn Chà), Thiên Huyền Chơn (cụ Nguyễn Thành Tựu).
Đàn cơ ngày Rằm tháng Chạp năm Tân Mão 1951 phong cho Thập Nhị Bạch Diệu :
Bạch Diệu Nhựt (bà Lê Quang Nghi), Bạch Diệu Nguỵệt (bà Phạm Thành Nam, Bạch Diệu Thiện (bà Phan Lương Hiền), Bạch Diệu Minh (bà Phan Lương Thiệu), Bạch Diệu Vân (bà Phan Lương Báu), Bạch Diệu Hồng (bà Phan Thị Liêng), Bạch Diệu Chơn (bà Phan Lương Bản), Bạch Diệu Từ (bà Nguyễn Thị Hường), Bạch Diệu Huệ (bà Lưu Thị Phụng), Bạch Diệu Tâm (bà Hồ Quang Sớm), Bạch Diệu Đức (bà Nguyễn Văn Tự), Bạch Diệu Hoà (bà Võ Văn Chà).
Cũng trong khoảng thời gian này, bộ kinh Ngọc Đế Chơn Truyền của Hội thánh Bạch Y được lịnh mang qua Huệ Đức Thanh để Ơn Trên duyệt.
Năm 1964 thánh tịnh Huệ Đức Thanh bị cháy rụi trong trận hỏa hoạn thiêu hết khu Cầu Củi đường Nguyễn Trãi Cần Thơ. Văn phòng Ban Quản Lý Hội Giáo phải tạm dời về tư gia Anh Lớn Thiên Huyền Minh.
Năm 1969 đàn cơ tại Tây Thành Thánh Thất dạy các vị : Thiên Huyền Vân, Thiên Huyền Minh, Võ Khúc Tinh, và đồng tử Ngọc Ánh Huỳnh hiệp cùng nhiều đoàn khác, trong đó có Anh lớn Huỳnh Đức, có cả Minh Sư… lên Tây Ninh để bàn cơ thống nhứt. Mùng 8 Tết đoàn đến Toà Thánh Tây Ninh, quí anh lớn Cao Hoài Sang, Phạm Tấn Đãi, Lê Thiện Phước tiếp đoàn, nhưng không bàn bạc gì cả vì không thoả thuận được dùng đồng tử nào để lâp đàn.
Năm 1971 Ban Cai Quản Tây Thành Thánh Thất đồng ý cho Ban Quản Lý Hội Giáo Cao Đài Thượng Đế được dời văn phòng về đặt tại Tây Thành. Ngày 15-12-1972 Liên giao 2 gồm 18 hội thánh họp tại Tây Thành Thánh Thất đã ký kết Thỏa Ước Tây Thành.
Một vị chức sắc Bạch Y thế danh là Trần Thị Tư, thánh danh là Ngọc Chi Liên về hành đạo tại Tây Thành Thánh Thất trong thời gian từ ngày 2-1-1971 đến 20-7-1973, độ được rất nhiều người ăn chay nhập môn theo đạo. Ngày 6-5-1971 Chủ trưởng Ban cai quản Phước Thiện Tây Thành Thánh Thất xin gia nhập Giáo hội Trung Ương Cao Đài Thống Nhứt để cho các tu sĩ được hưởng chế độ hoãn dịch với lý do tôn giáo. Gần bốn năm sau, Ban cai quản Tây Thành Thánh Thất xin rút khỏi Giáo hội Trung Ương Cao Đài Thống Nhứt và được chấp thuận vào ngày 16/4/1975. Kể từ ngày này Tây Thành Thánh Thất chánh thức gia nhập Hội Thánh Cao Đài Thượng Đế.
Ngày 1-11 năm Giáp Dần (14-12-1974) tại Tây Thành Thánh Thất được thánh lịnh dạy chuẩn bị ngày ra mắt các Hội Thánh đàn anh và ngày 24 trình diện thành phần Hội Thánh. Anh Lớn Thiên Huyền Thanh thế danh Phan Lương Bản làm Chưởng Quản Hiệp Thiên đài, Thông Huyền Quang thế danh Phan Lương Qưới làm chưởng quản Cửu Trùng đài. Vào đầu thập niên 70 Hội giáo có một sở đất rộng 7000 m2 nơi cồn Cái Khế, trồng táo, dừa, chuối… và có cất một gian nhà làm văn phòng Toà Thánh Huệ Đức Thanh, đến năm 1989 do nhà nước yêu cầu, Hội Thánh phải tháo dở, di dời về tạm đặt tại Tây Thành Thánh Thất tháng 9 - 1990. Như vậy đã hai lần danh hiệu Huệ Đức Thanh bị xoá sổ.
Về việc xin công nhận tư cách pháp nhân của Hội thánh Cao Đài Thượng Đế có 2 ý kiến trái ngược nhau: phải xin và không xin, đưa đến sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ phái đạo Cao Đài Thượng Đế và Tây Thành Thánh Thất. Năm 1999 tình trạng rạn nứt đến độ vô phương cứu vãn. Bên chủ trương không xin pháp nhân ra lịnh đóng cửa thánh thất, ngưng hẵn các sinh hoạt lễ hội, chỉ cúng kính nhang khói thôi, chỉ giữ việc tu hành, tạm ngưng hành đạo. Còn đa số theo chủ trương phải xin công nhận tư cách pháp nhân đã đứng đơn xin tổ chức đại hội Nhơn Sanh.
Ngày 24-4-2002 Đại Hội Nhơn Sanh phái đạo đã bầu ra Ban Đại Diện và hành lễ đón nhận pháp nhân1 cấp vào ngày 4-10-2003. Vào lúc ấy, Hội thánh Cao Đài Thượng Đế chỉ còn hai thánh sở : Tây Thành Thánh Thất và thánh tịnh Bạch Vân Cung ở tỉnh Sóc Trăng. Hai năm sau có thêm hai thánh tịnh huờn nguyên : Chiếu Minh Tự ở tỉnh Vĩnh Long, và Thánh Tịnh Long Vân ở tỉnh Đồng Tháp.
Trong tương lai dự kiến sẽ có thêm thánh sở huờn nguyên, gia nhập hội thánh. Xây lại Tây Thành Thánh Thất và nghiên cứu thiết kế Toà Thánh là hai mục tiêu trước mắt và cho những năm sắp tới.