Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Vậy, để hội nhập thế giới trong kỷ nguyên Tam Kỳ Phổ Độ, người Cao Đài phải nhận định, nắm ...
-
Nhìn lại lịch sử các tôn giáo trên thế giới hơn hai ngàn năm qua, mọi người đều nhận thức ...
-
Người tu muốn hiểu bản ngã là gì ? trước phải thông ngũ uẩn và làm chủ bát thức. Song ...
-
. . .Hôm nay Bần Đạo đến đây phân tách những nét chính của những giai đoạn của đời người ...
-
Mùa Xuân thắm màu hoa, em áo mới, Hoa tỏa hương, tà áo mới em bay. Bước tung tăng, em đi lễ ...
-
Thế sự giả chơn thôi trối kệ, Tùy thời công quả với công phu
-
Thánh giáo có viết: ““Thượng Đế đến khai minh Đại Đạo đã là một hi hữu, mà vấn đề hoát ...
-
Cách đây đúng 12 năm, thời điểm lịch sử của sự ra đời của Khối Liên Giao các Hôi Thánh ...
-
"Văn hóa là tất cả những cố gắng của con người để cải thiện nội tâm, gia đình, quốc gia, ...
-
Nền văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung được giới khảo cổ phát hiện từ hơn 40 năm trước. Tháng ...
-
Lúc dương khí manh nha từ cuối Đông thì người nhạy cảm với tiết trời đã thấy mang máng một ...
-
DẤU ẤN THỨ NHỨT: THƯỢNG ĐẾ LÂM PHÀM BẰNG LINH ĐIỂN KHAI ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ DẤU ...
Thanh Sương
Học tập lời dạy của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát về chữ TU
Thường đến hồng trần độ chúng sanh,
Cư mà chẳng nhiễm chốn hư danh,
Nam san giả khách khuyên người dữ,
Bắc hải hóa nhân giúp kẽ lành,,
Quan tước ngàn phen tâm chẵng lụy
Phúc Am muôn kiếp chí lo hành,
Như không hữu tận vô cùng nguyện,
Lai vãng dìu đời lại cõi thanh
1.TU LÀ DIỄN TRÌNH TIẾN HÓA CỦA CON NGƯỜI
Theo giáo lý Đại Đạo thì vũ trụ vạn vật được tạo dựng và được ban cho sự sống từ một đấng Thượng Đế toàn thiện, toàn chân , toàn mỹ. Tất cả đều phải trãi qua nhiều vòng luân hồi sanh tử , biến thiên để tiến hóa, và đích điểm của sự tiến hóa là trở về bến khởi nguyên để hiệp nhứt cùng cha Trời Thượng Đế. Con người cũng không nằm ngoài chu trình tiến hóa đó, nhưng có thêm một sứ mạng đặc biệt: vừa tự tiến hóa, vừa giúp chúng sanh vạn vật cùng tiến hóa. Ở vị thế là con người, do có đặc điểm là thiên hạ tối linh, do gồm đủ tam hồn thất phách, do đã đạt đến một trình độ tiến hóa nhất định so với muôn vật, mỗi người phải học, phải tu, và phát triển khai phóng hết tiềm năng nội lực đến mức toàn thiện, toàn chân, toàn mỹ để có được tính chất và quyền năng như Thượng Đế hầu thực hiện sứ mạng thế Thiên hành hóa, thay Trời cứu độ tất cả vật loại chúng sanh, vận hành cho vạn loại cùng tiến hóa đến chỗ tận thiện tận mỹ. Đó chính là sứ mạng vi nhân, và cũng là ý nghĩa và lý do hiện diện của chúng ta tại trần gian như lời Đức Quan Thế Am đã từng dạy:
Luật trời mầu nhiệm lắm ai ơi,
Một kiếp vi nhân quý một đời
Linh tánh khôn ngoan hơn vạn vật
Tu hành chắc thiệt sẽ thành Trời
Trời với muôn loài một bổn nguyên
Cũng trong linh tính cũng tâm điền,
Linh Quang một khối chia nhiều ức
Người vật tương đồng với Phật Tiên
Qua lời dạy trên của Đức Quan Thế Am ta thấy rằng việc tu hành không phải để dành cho một số ít người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có căn cơ từ tiền kiếp như thế gian hằng lầm tưởng, trái lại đó là bổn phận đương nhiên và tất yếu của mỗi người tại thế gian. Một kiếp này chưa làm xong thiên chức tu hành của mình thì phải tái sanh nhiều kiếp để tiếp tục nhiệm vụ. Chính vì vô minh, không hiểu được chân ý nghĩa của cuộc đời nên con người đã biến cuộc đời thành nơi tranh đấu giựt giành để đạt đến cứu cánh là thụ hưởng thật nhiều thú vui vật chất trong kiếp sống trăm năm ngắn ngủi ở cõi trần gian tạm bợ, và rất đau khổ tiếc nuối khi bị buộc phải dứt áo ra đi ở phút lâm chung. Đó là nguyên nhân khiến cho thế gian này lúc nào cũng là một trường huyết chiến, và nghiệp lực của con người mỗi kiếp một nặng nề thêm như lời cảnh báo của Đức Quan Thế Âm:
Thương kẻ tục dãi dầu sớm tối
Chốn hồng trần không lối thoát ra
Thế gian những tưởng là nhà
Lo xây kiên cố ở mà muôn năm
Cái khổ của chúng sanh cũng là cái khổ của lòng người Bồ Tát với 12 lời đại nguyện. Do đó, không ngại chốn trần ai trọng trược, Ngài thường nương điển thần giáng cơ dạy đạo khuyến tu để chúng sanh sớm tỉnh giấc muội mê, hồi đầu hướng thiện:
Ta muốn cho đời thoát khổ nguy
Soi đường đạo lý dạy tu trì
Vượt qua bể dục tham sân ái
Tránh khỏi rừng tình hỉ nộ si
Sang cõi Thượng Nguơn triều Thánh Đức
Lên bờ giác ngạn yết Từ Bi
Khắp trong vạn loại đều an hưởng
Lập định càn khôn buổi hạ kỳ
2. TU NHƠN ĐẠO
Sẽ là một điều không tưởng nếu muốn đắc quả vị Phật Tiên Thần Thánh mà không thực hành nhơn đạo. Thiêng liêng hằng dạy rằng không có một vị Tiên, vị Phật nào trên Thiên Đình mà bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, bất nhân. Do đó bước đầu của người tu là phải hành tròn nhơn đạo, tức cái đạo làm người (chữ NGƯỜI viết hoa). Trong ý nghĩa này thì không phải ai được sinh ra đời với vóc dáng thẳng đứng, đầu dội trời, chân đạp đất cũng đều được gọi là NGƯỜI. Ơn trên dạy "Vi nhân tử tài thành nhân vị", phải xứng đáng ở vị thế làm người mới được gọi là con người, hay rõ hơn như Đức Lê Đại Tiên đã dạy, phải làm người cho thiệt con NGƯỜI. Muốn thế con người phải trãi qua quá trình luyện kỷ tu thân. Tu không phải là tạo hình thức bên ngoài cho khác với người thế tục và lánh xa người thế tục mà phải làm một cuộc cách mạng bản thân để hoàn hảo hóa mình, sống tốt với người để nêu gương tốt cho người, giúp người hoàn hảo hóa người. Tu là phải chỉnh trang từ ý nghĩ, lời nói , cái nhìn, cử chỉ , hành động cho ra người quang minh chánh đại. Tu là sửa, Tu là bồi như lời Đức Quan Thế Am đã dạy:
Tu là sửa những gì đã trật,
Tu là bồi cái mất thân tâm
Tu là tránh nẽo sai lầm
Tu là phục thiện, lòng phàm sửa đoan
Người tu trong thời Tam Kỳ Phổ Độ không thể sống biệt lập trên núi thẩm rừng cao mà phải chu toàn bổn phận của một thành viên trong gia đình với các mối quan hệ họ hàng huyết thống, bổn phận của một phần tử trong xã hội, trong cộng đồng dân tộc, cộng đồng nhân loại, cùng chia sẽ với nhau những ngọt bùi ấm lạnh trong những chặng đường lịch sữ. Đức Quan Thế Am đã để lời huấn dụ cho những trang nam tử :
Khuyên người hiểu trí tri đạo lý
Đạo làm người chung thỉ nhờ thân
Làm dân cho đáng nên dân
Làm quan cho đáng tinh thần làm quan
Khi ở chốn gia đàng cư xử
Đạo làm cha phụ tử tình thâm
Cha không tửu sắc sai lầm
Bạc bài đàng điếm là mầm hư thân
Đạo làm chồng ân cần ký chú
Đạo thỉ chung phu phụ một đường
Tử tôn nhìn thấy noi gương
Gương lành là một tình thương lưu truyền
Nữ phái vốn phận đạo khôn nhu thuận, thủ vai nội tướng tài thành, công việc làm tuy âm thầm nhưng bền bỉ kiên trì và có ảnh hưởng rất lớn đối với gia đình, quốc gia và dân tộc . Nếu có ngọn núi Thái sơn cao vòi vọi làm biểu tượng cho người cha thì hình ảnh của người mẹ là dòng Trường Giang luân lưu bất tận. Đức Quan Thế Am không bao giờ bỏ quên người phụ nữ trong sứ mạng tận độ của Ngài:
Phận làm mẹ tu hiền vui vẽ
Làm gương cho con trẻ noi theo
Đời rằng bèo lại sanh bèo
Oi đâu trổ trái dưa leo bao giờ
Con còn dại, còn khờ trong trắng
Tập tành cho chúng đặng hiền lương
Ban cho chúng nó tình thương
Chọn người bạn tốt trên đường tiến thân
Bà mẹ ấy tinh thần trụ cốt
Là hiền thê rường cột gia trung
Chồng xưa nổi tiếng anh hùng
Cũng do hiền phụ đúc un tinh thần
Phải chánh kỷ mới có thể hóa nhân, phải độ được mình rồi mới có thể độ được thiên hạ, bản thân mình phải làm được thì mới có thể thuyết phục được thiên hạ làm theo. Sức thuyết phục và cảm hóa tha nhân nằm tại bản thân người hành giả. Đó là lý do Đức Quan Thế Am dành rất nhiều thời gian để dạy người tu rèn luyện phần tu thân luyện kỷ, vừa để thực hành sống đạo, vừa nêu lên được bài học cùng tấm gương đạo đức giữa lòng chúng sanh, từ tập thể nhỏ là gia đình, chòm xóm láng giềng, xã hội tôn giáo, cho đến xã hội dân tộc và xã hội các dân tộc...v.v . Đó là tu phần nhơn đạo, là vượt qua được một chặng đường tiến hóa.
3. TU THIÊN ĐẠO
Không phải chờ cho tu xong Nhơn Đạo rồi mới bước qua Thiên Đạo.Việc tu Nhơn Đạo phải được tiếp tục cho đến phút lâm chung và việc tu Thiên Đạo phải được thực hiện ngay trong kiếp này khi mới vừa giác ngộ. Hay nói cách khác, hai nhiệm vụ Nhơn đạo và Thiên Đạo phải được thực hiện đồng thời. Thầy có dạy:
Một sứ mạng Thầy dành hai ngõ
Một ra đi, một trở lại Thầy
"Một ra đi" để vào đời thực hành Nhơn đạo, để làm tròn sứ mạng vi nhơn, chung tay xây dựng cuộc đời, góp phần thúc đẩy cơ tiến hóa cho vũ trụ vạn vật trong đó có con người, "một trở lại Thầy" trong ý nghĩa thực hành Thiên đạo, hàm dưỡng thân tâm, đoạt cơ siêu thoát. Đức Quan Thế Am đã từng dạy:
" Giáo lý Cao Đài dạy cho người phải tu theo phương pháp hướng nội. Hướng nội nghĩa là nhìn vào trong, nhìn vào nội thân để tìm cái Chơn Như Bổn Tánh của mình nó bị phủ mờ chìm sâu trong bức màn vô minh bởi tham, sân, si, dục, phiền não, hỉ, nộ, ái, ố. Phải tìm cho ra Chơn Như Bổn Tánh đó mới mong giải thoát kiếp trần lụy giả tạm này hầu phản bổn hoàn nguyên trở về cùng với Thượng Đế. Đó là phương pháp Thiền Định Công Phu."
Bí quyết thành công của Công Phu Thiền Định là điều ngự được cái Tâm. Tâm là yếu tố quyết định cho hai đường siêu đọa, siêu củng nhờ Tâm mà đọa cũng do Tâm. Đường siêu nẽo đọa cách nhau chỉ có ¼ sợi tóc. Đức Quan Thế Am xác nhận:
Non bồng nước nhược chẳng đâu xa,
Chẳng ở Nam Sơn hoặc Bắc Hà
Chẳng tại Tây Phương Đông Độ xứ
Chính là ở giữa bản tâm ta
Một lần khác Ngài dạy thêm:
"Tâm biến hóa vô cùng vô tận, nó là con ngựa chứng mà cũng là con ngựa hay. Nếu người chủ ngựa biết sử dụng điều khiển thì sẽ trở nên Bạch Mã, Phi Mã, Vạn Mã vô song; ngược lại người chủ ngựa không biết sử dụng, điều khiển thì nó là con ngựa chứng, chạy khắp đó đây, lên núi xuống đồng, tàn phá bao nhiêu cây trái ruộng vườn, hoa màu khắp chốn, đụng ai đá nấy. Cũng thời chữ Tâm, cách đây cũng nhiều phen, Bần đạo hằng dặn dò môn đệ trong hàng ĐĐTKPĐ ráng cần lưu ý đến chữ Tâm. Chữ Tâm nếu để tự nhiên giống như thuở sơ sinh tâm hồn chất phác, Tâm như Minh Cảnh Đài, thông công tam thập lục thiên, tam thiên thế giới, thương vì khi vào đời trần cấu, gặp những ngoại cảnh cuốn lôi làm cho Tâm phai mờ dưới những lớp bụi trần hĩ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, cụ...Người tu hành trong thời đại ân xá rất dễ đắc quả vị mà than ôi cũng rất khó. Khó là tự mình chưa hoặc không thể làm chủ, chưa mạnh dạn quét sạch những bụi trần vừa kể. Khi quét sạch được rồi tâm đạo hiện ra, dẫn dắt con người đến chỗ tận thiện tận mỹ. Khi ở tại trần giả thử được một người toàn vẹn dường ấy, một lời nói ra cảm hóa muôn người, mười lời nói ra, trăm lời nói ra, ngàn lời nói ra thì lo gì nước không trị, nhà không yên, đạo không quy về một khối, lo gì thiên hạ chẳng hưởng cảnh đất Thuấn trời Nghiêu"
Với phương pháp công phu thiền định, thanh tịnh, khi đạt tới trình độ chứng đắc, Tâm sẽ trở lại như thuở sơ sinh hồn phát, Tâm sẽ sáng như Minh Cảnh Đài, sẽ thông công cùng tam thập lục thiên, tam thiên thế giới. Với một cái tâm như thế, khi tiếp nhân xử thế mới có được một năng lực kỳ diệu, một lời nói ra cảm hóa được muôn người. Đó là điều mà Đức Khổng Tử gọi là" Nội Thánh Ngoại Vương". Đó cũng là điều mà Đức Thượng Đế đã từng đặt kỳ vọng nơi hàng tịnh sĩ:
Con là một Thiêng Liêng tại thế
Cùng với Thầy đồng thể linh quang
Khóa chìa con đã sẵn sàng
Khi vào cõi tục khi sang Thiên Đình
Và người hành giả đã làm một sự chuẩn bị tốt cho cuộc hành trình trở về bến khởi nguyên, hiệp cùng Thượng đế sau khi lìa bỏ xác phàm. Đó cũng là ý nghĩa của việc "tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời" trong công cuộc cứu độ kỳ ba đại ân xá của Đức Chí Tôn khi lâm trần khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
4. TÔ BỒI ÂM CHẤT ĐỂ ĐOẠN NGHIỆP TIỀN KHIÊN VÀ LẬP VỊ
Một trong những chướng ngại cho người tu là những khảo đảo từ nội thân cho đến ngoại cảnh. Đức Quan Am có dạy:
"Mỗi một nhân sanh đều có tam thế, đó là quá khứ, hiện tại, vị lai. Những gì may rủi, vui buồn, tốt xấu, dễ khó ở kiếp hiện tại không những chỉ do nơi những quả lành của kiếp hiện tại gây dựng được mà thôi, những nợ nần vay mượn trong quá khứ kiếp vẫn còn cộng thêm. Người tu hành lòng mong giải thoát ở kiếp lai sinh thì ngay từ kiếp hiện tại phải kiện toàn mọi mặt để thanh toán nợ cũ, đừng vay nợ mới và phải gây dựng một số vốn liếng sự nghiệp cho kiếp lai sinh". Và Ngài dạy tiếp:
"Như vậy ngay từ khi bước đầu vào đạo, người tu thân nên nhớ 4 điểm sau đây để tạo điều kiện dễ dãi trên bước đường hành đạo.
Điểm thứ nhất: Hy sinh. Lòng hy sinh là hiến dâng tất cả những gì ích kỷ riêng tư của mình cho kẻ khác. Hy sinh từ việc nhỏ đến việc lớn.Thí dụ như hy sinh rượu thịt chè chén béo miệng ngon mồm, tránh giết hại loài vật đang cần sự sống. Hy sinh lời nói cay đắng, đau khổ xấu hổ nhục nhã cho kẻ khác trong lúc trái ý nóng giận bực bội. Hy sinh những tranh tụng làm tha nhân tán gia bại sản để đạt được nguồn lợi bất chính do lòng tham vọng nảy sinh. Hy sinh mọi lạc thú riêng tư ích kỷ xa hoa phung phí để giúp đỡ người đời trong lúc thiếu thuốc thiếu cơm màn trời chiếu đất. Có đức hy sinh là đã tạo ra nhân lành quả tốt, sẽ khấu trừ mọi nghiệp quả tiền khiên trong khoãng đời quá khứ. Mỗi lần hy sinh ắt có sự níu trì giữa tánh ích kỷ và lòng vị tha. Cố gắng vượt qua được sẽ được phù trợ lại bằng khoan khoái tinh thần, cõi lòng mát mẻ, trí huệ hoát khai. Sự hy sinh luôn có tác dụng của nó là giúp đời.
Điểm thứ hai: Độ đời. Độ đời nơi đây không phải nhằm chỉ riêng về khía cạnh vật chất mà đặt nặng về tinh thần trong câu tự giác giác tha. Tìm mọi cách, tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi cơ hội, đem giáo lý đạo đức để bày giải thức tỉnh mọi người đi về đường đạo lý. Sự độ đời nơi đây không phân biệt màu da chủng tộc gì hết, Cả nhơn sanh hoặc chúng sanh đều do một gốc mà ra, do đức háo sanh của Thượng Đế mà có. Độ đời cũng là tạo được cái nhơn lành ở phần âm chất.
Điểm thứ ba: Công quả. Công quả nơi đây đừng quan niệm chỉ gò bó trong phạm vi Chùa Thất, Hội Thánh, Tòa Thánh mà gọi là công quả cho thiêng liêng để đổi lại phần cứu rỗi. Công quả nơi đây phải quan niệm về nhân sinh thế đạo, đem mọi hành động cử chỉ đạo lý áp dụng vào đời sống thường nhựt giữa con người và con người với nhau. Hãy đối xử với nhau cho phải tình nghĩa, hiếu trung, liêm sĩ, chánh chơn. Công quả lo giúp đời trên mọi phương diện trong đời sống thường nhựt, lo cho người tức là lo cho mình, giúp người đời tức là giúp cho mình. Công quả cũng là gây tạo được nhân lành quả tốt về âm chất, mà đó là nêu gương sáng đạo đức cho kẻ khác cảm hóa mà làm theo.
Điểm thứ tư: Lập vị. Lập vị nơi đây không có nghĩa là thiết lập mọi địa vị uy quyền tạm bợ nơi cõi vô thường này, mà cũng không phải lập cho mình có danh vào hàng Thiên Phong Chức Sắc để lãnh đạo một tôn giáo. Lập vị nơi đây bao gồm 3 lãnh vực vừa kể trên. Đó là hy sinh, độ đời, công quả. Chỉ biết làm 3 điều đó trong vô tâm, không tham vọng, không dụng ý, không cầu mong. Cõi lòng mở rộng như như, làm những điều cõi lòng thúc giục thích hợp với Thiên Lý. Đó là tạo tất cả những nhân lành quả tốt. Càng nhiều nhân lành quả tốt, càng khiêm tốn nhân nhượng, khước từ mọi tiếng khen của người thế gian. Lập vị không phải cầu mong muốn tạo Tiên tác Phật mà đương nhiên sự ấy phải đến, nghĩa là lòng chỉ mong lập công bồi đức hành đạo để giúp tay Thượng Đế phụng sự thiên cơ với lòng vô tư , không lập vị hữu ý mà địa vị hoặc ngôi vị Thiêng liêng đã dành sẵn cho người đáng vị trí của nó." Sau cùng Đức Bồ Tát nhấn mạnh: " Đừng e sợ tu hành không đắc đạo, không đạt đến ngôi vị Phật Tiên, mà chỉ e cho phẫm hạnh, đức độ và công quả của mình không xứng đáng để đãm nhận những ngôi vị ấy"
Nhưng hy sinh, độ đời, công quả chỉ có ý nghĩa đích thực và được thực hiện tích cực, toàn tâm toàn ý khi có chất men tình thương, thiếu tình thương thì sự thể hiện sẽ trở nên gượng gạo, miễn cưởng, nặng nề và nhuộm màu tính toán, cân phân. Chính tình thương làm cho người ta dám hy sinh, dám khổ công độ đời, chính tình thương làm cho việc thực hành công quả, tô bồi âm chất có được linh hồn và sức sống như Đức Chí Tôn đã từng dạy:
Có thương con mới dày công quả
Công quả là đường đến Ngọc Kinh
Đức Quan Thế Am đã ban cho chúng sanh một tấm lòng từ bi vô hạn, từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Chúng sanh thường có thói quen nghĩ rằng khi gặp khổ nạn niệm danh Ngài ắt sẽ có Ngài ứng hiện để giãi trừ tai ách.. Thật sự thì Đức Quan Thế Am đã ban cho mỗi chúng sanh một đạo bùa để đoạn trừ oan khiên nghiệp chướng và ngăn ngừa tai ách. Mỗi chúng sanh phải luôn gìn giữ đạo bùa này bên mình để tự mình cứu khổ. Đó là những lời giáo huấn ngàn vàng không đổi được, đó là phương cách tu hành trãi từ Nhơn Đạo đến Thiên Đạo, đó cũng là những bậc thang để đưa chúng sanh lên đỉnh cao tiến hóa.
Trãi qua hơn 70 năm kể từ khi Đức Chí Tôn khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Quan Thế Am vẫn luôn cận kề cùng chúng sanh để đở nâng, dắt dìu, dạy dỗ. Bao nhiêu giọt tình thương là bấy nhiêu lời vàng ngọc, khi thì thiết tha trìu mến, lúc lại ôn tồn nhẫn nại, khi khoan thai nhẹ nhàng, lúc hùng hồn thôi thúc, tấm lòng Bồ Tát những mong cho tất cả chúng sanh ứng dụng được vào trong cuộc sống nhân sinh để cuộc đời này không còn là biển khổ, ứng dụng được vào trong cuộc sống tâm linh để cho cảnh cực lạc không còn là điều không tưởng:
Một cành dương liễu định phong ba
Cất mái thoàn linh vượt ái hà
Vớt khách trầm luân mong giác ngộ
Đưa về cảnh củ thú Tiên Gia
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, theo lời dạy của Thiêng Liêng, người tín đồ Cao Đài thờ kính Ngài không phải qua hình ảnh của vị Nữ Phật có gương mặt thanh tú, phúc hậu, mà phải kỉnh Ngài qua danh xưng nói lên công đức vô lượng của Ngài "Từ Hàng Phổ Tế", có nghĩa là chiếc thuyền từ đi tế chúng độ dân khắp trong các cõi. Con thuyền cứu khổ đi ngược về xuôi của Ngài hiện vẫn còn thưa vắng khách, khách trần hồng vẫn đang còn mãi mê đắm mình trên dòng sông tình tiền danh lợi, vẫn đang còn hơn thua sát phạt nhau trên trường huyết chiến, vẫn đang còn lặn ngụp vẫy vùng trong biển trầm luân, tay không đưa ra cho người cứu nạn nắm lấy mà lòng những mong được thoát khổ.
Ước mong những lời dạy của Đức Quan Thế Âm đến với từng chúng sanh còn đang đau khổ, để trong một giây phút lắng lòng , chúng sanh sẽ nghe được âm thinh của Ngài từ tận nơi sâu thẳm tâm hồn.
Sóng trần khổ thảm chơi vơi
Đây thuyền Bát Nhã độ người tỉnh mê.