Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
_ Nhân viên Cơ Quan: không chỉ là những tín hữu thường> những người của bộ máy hành sự đắc ...
-
Suy ngẫm mùa tu Hạ Chí
-
Cao Đài Giáo hướng dẫn nhân sinh giải quyết cùng một lúc hai mặt Thế Đạo và Thiên Đạo trong ...
-
”Đạo là con đường duy nhất của vạn linh sanh chúng, từ Thầy ban phát đến thế gian và từ ...
-
Cao Đài – nguyên lý về tính nhất thể trong tôn giáo Cao Hoàng Phong, Võ Văn Tâm, Nguyễn Quang Thoại Là ...
-
THÁNH GIÁO KỶ NIỆM NGÀY KHAI TỊCH ĐẠO Nam Thành Thánh Thất Tý Thời đêm 23 tháng 8 năm Mậu Tuất (1958)
-
"Sự tín ngưỡng : Thầy rất mừng các con giờ nầy đến đây, trước vui cùng các con, Thầy ngẫm ...
-
Nhân sinh thành Phật dễ đâu Tu hành có khổ rồi sau mới thành. Hai câu thơ trong thi truyện về cuộc ...
-
Đất nước Việt Nam với dòng giống Rồng Tiên đã sản sinh ra biết bao anh hùng dân tộc hằng ...
-
III. NGUYÊN LÝ ĐẠI THỪA CỦA ĐẠO PHÁP ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ. Hội ý qui luật “ Châu ...
-
Cuối năm 2014, sau khi hoàn thành sách về “Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương” – Giáo tông Hội thánh ...
-
Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy tại Minh Lý Thánh Hội vào ngày 04-01-Quí Mão (02/1975)
Đức Bác Nhã Thiền Sư
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 13/08/2013
BÀI CHỮ TÂM CỦA ĐỨC BÁC NHÃ THIỀN SƯ
1.- Đạo là gì ? Không là gì cả !
Chớ cái gì hóa hóa sanh sanh.
Cái không phải, cái vô danh,
Không sanh không hóa, hóa sanh muôn loài.
2.- Nó ở đâu, trong, ngoài, cho biết,
Không ở đâu, kỳ thiệt khắp nơi.
Trong, ngoài cũng bặt tăm hơi,
Hư hư, thiệt thiệt, không lời giải phân.
3.- Vậy chớ nó là nhân hay quả,
Không ! Nó trên tất cả đối thù.
Huyền huyền diệu diệu nhiệm mầu,
Theo đuôi chẳng thấy, đón đầu cũng không.
4.- Vậy Đạo khác, Hóa công vẫn khác,
Hay một ngôi xuất phát sanh thành.
Đã rằng vạn hữu bổn sanh,
Nguyên lai chỉ một mẹ lành Kiền Khôn.
5.- Trời Đất hiện, ti tôn định rõ,(1)
Âm dương phân, đây đó là hai.
Thiên hình vạn tượng khác sai,
Chơn tâm bình đẳng, mắt tai chia lìa.
6.- Hòa lưỡng nhứt , nọ kia là một, (2)
Một mà ba , then chốt sanh thành. (3)
Hai nghi, bốn tượng vận hành, (4)
Tám ngôi, sáu bốn (64) quái danh hiện trình.
7.- Vô hóa hữu, thần hình cu hội , (5)
Hữu hoàn vô, triệt thối quái danh.
Thuận chiều tử tử, sanh sanh, (6)
Nghịch lưu (7) phản bổn, kỳ thành đại trung. (8)
8.- Trung chưa hiện, yêu, mừng, giận, ghét,
Trung hiện ra, đúng tiết hòa giai.
Sáu căn duyên với cảnh ngoài, (9)
Tình nương theo ý, phiêu nhai đất người .
9.- Tuồng ảo hóa đầy vơi biển khổ,
Chán chường rồi tỉnh ngộ quày chân.
Biết ra là giấc mộng trần,
Men đường giải thoát, thiên chân cội nguồn.
10.- Đạo vô vi luôn luôn còn mãi,
Đời vô thường bởi tại hình danh.
Vô cầu chứng quả vô sanh,
Lòng mà Vô-Niệm chứng thành như chơi. (10)
11.- Người thọ đức đất trời ban phú,
Khí âm dương ngưng tụ thành hình.
Quỉ Thần giao hội chí linh,
Ngũ hành tú khí kết tinh nhiệm mầu. (11)
12.- Tâm đức ấy há cầu mà được,
Nhơn thân nầy nhờ phước gặp may.
Sánh cùng Thiên Địa tam tài,
Trai lành gái hạnh giồi mài thanh cao.
13.- Tâm rộng lớn trùm bao trời đất,
Đức tạo sanh muôn vật tinh cầu.
Buông ra trải khắp đâu đâu,
Gom về còn nhỏ hơn đầu sợi lông.
14.- Muốn nói không, thật không hằng cửu,
Nói có thì thật hữu chơn thường.
Ở Trời làm chủ âm dương,
Nơi người nhơn nghĩa kỷ cương pháp quyền.
15.- Rất hồn hồn thiêng thiêng trong sáng,
Cả hiển vi vô gián thái hòa. (12)
Ngại khi tâm ấy vọng tà,
Gây nên xáo trộn ta bà đảo điên.
16.- Thường răn đe tâm viên ý mã , (13)
Khá ngăn phòng phước họa không nơi.
Xưa nay tôn giáo dạy đời,
Đọa siêu bởi đó, khuyên người tu tâm.
17.- Nó phóng tán, mau tầm đem lại,
Nó lệch sai, hoán cải quân bình.
Vọng thành biển thức vô minh,
Bế căn (14), chỉ niệm (15), tâm tình hườn hư .(16)
18.- Kìa trời đất như như thanh tịnh,
Mà Kiền Khôn an định hồn nhiên.
Đạo là mực thước trung kiên,
Đời đời mãi được vẹn nguyên vững bền.
19.- Lìa trái Đạo, xuống lên sáu nẻo,
Bị trần căn lôi kéo vấn vương.
Ngăn chia phàm Thánh đôi đường,
Bởi trong tâm sở (17), tâm vương đặt bày. (18)
20.- Muốn nhập thánh thì quay trở lại,
Muốn về Thầy, đổi cải phàm tâm.
Muốn tu, triệt thoái quần âm ,(19)
Muốn nên Bồ Tát, nhổ mầm vô minh.
21.- Mê, nhứt tâm biến thành tám thức ,(20)
Thức phân chia thứ bực, thân thù.
Ghét thương loạn tưởng phù du,
Trần căn gieo gặt, phát thu nhộn nhàng.
22.- Thức rảo khắp muôn vàn lịch kiếp,
Mãi gây nhân tạo nghiệp luân hồi.
Ngày ngày nẩy tược đâm chồi,
Thức lưu, gia, tập tăng bồi thêm đông.
23.- Dòng họ thức chi tông đủ loại,
Tương hệ nhau nội ngoại ý tình.
Hóa ra vạn trạng thiên hình,
Rồi vin vào đó pha tình ngọt chua.
24.- Tình thức xúm bán mua đổi chác,(21)
Gia vị thêm mặn lạt màu mè.
Bao nhiêu sự thực lấp che,
Diễn trò ảo thuật mê lòe người ngu.
25.- Dìm đời trong ao tù biển khổ,
Sớm may duyên giác ngộ hồi đầu.
Ngược xoay cái dụng tham cầu,
Trở về nguyên thể ban đầu là tâm.
26.- Khởi tu đó, giữ cầm nơi đó,
An trụ đây, nghe ngó vào đây.
Thần ngưng tinh khí đủ đầy,
Ngược xuôi chỉ một pháp nầy mà ra.
27.- Đời thường nói tâm ma, tâm Phật,
Ma rong theo cảnh vật sắc trần.
Phật hay quán chiếu tự thân,
Dụng công nghịch thuận, đôi phần khác nhau.
28.- “Tâm kiên thật” một màu trong sáng,(22)
Không nhiểm ô dính dáng bụi hồng.
Tròn đầy như thể hư không,
Bất sanh, bất diệt, ngoài vòng nhơn duyên.
29.- Gốc Trời Đất tâm nguyên có một,
Mà suốt thông cùng tột hữu vi.
Không làm, không lại, không đi,
Không đâu chẳng đến, không chi chẳng làm.
30.- Đâu phải như tâm phàm ngưng trệ,
Đi lại nhiều, làm kể biết bao.
Được chi, hỏi tiến bước nào,
Hay là mơ mộng chiêm bao huyễn trò.
31.- “Tâm như thật” , Trời cho chẳng giữ, (23)
Gọi căn trần duyên lự làm tâm.
Lăng xăng buông bỏ, bắt cầm,
Nhổ râu lão nọ, cắm cằm mụ kia.
32.- “Tâm phan duyên” không lìa vọng niệm, (24)
Dấy lòng phàm đoạt chiếm tranh giành.
Ngày ngày sanh sự, sự sanh,
Vét vơ đủ cách, tung hoành đủ phương.
33- Kế lanh xảo khôn lường nổi ý,
Thêm mắt, tai lợi khí chẳng vừa;
Kể chi then khóa ngăn ngừa,
Vào ra ai thấy, đảo lừa ai hay ?
34- “Duyên lự tâm” già tay lợi hại,(25)
Khéo gieo trồng, gặt hái muôn duyên;
Thẩm hằng sanh sát đủ quyền,
Suy lường, tính toán đảo điên trăm đường.
35- Hay biện biệt, ghét thương bỏ lấy,
Động căn trần liền dấy tham sân;
“Mạt na” tạo quả, gây nhân,(26)
Luân hồi sanh tử, lần khân tuần hoàn.
36- “Tích tập tâm ” kho tàng chủng tử,(27)
Nhặt ba đời tích trử vào đây;
Phát, thâu do ở nơi nầy,
Thánh phàm khác giống ương gầy bên trong.
37- Khéo xông ướp, niêm phong kỹ lưỡng,
“Duyên lự” và “tư lượng” chăm lo;
Kiếm tìm, cất đặt vào kho,
Chưa dùng để đó, làm trò đem ra.
38- “Kiên thật tâm” ấy là tâm Phật,
“Tích tập tâm” vàng thật lộn chì;
Hai tâm kia mới hiểm nguy,
“Mạt na” ý thức cực kỳ tinh ranh.
39- Mượn ngũ uẩn vàng, xanh, đen, đỏ,
Biến chế bao nhiêu đó đủ màu;
Vẽ thành đất thấp trời cao,
Sơn hà, cảnh vật, trông vào như in.
40- Giả với thật, ngắm nhìn chẳng khác,
Khiến bao người lầm lạc hướng đi;
Chánh, tà suýt soát một li,
Không thầy chỉ dẫn, thị phi khó lường.
41- Phật khởi xướng vô thường vô ngã,
Ngã, pháp đều huyển hóa ảo huyền;
Đoạn lìa thập nhị nhân duyên,
Thì đâu còn chấp, còn thiên hồ đồ.
42- Thế thượng vạn bang đô thị giả,
Nhơn gian đạo đức quả vi chơn;
Có câu : họa phước vô môn ,(28)
Đọa, siêu do cả tâm hồn gây ra.
43- Chỉ còn cách thiền na tam muội,
Mới tỉnh tâm tắt nguội lòng phàm;
Diệt trừ tận gốc sân tham,
Mới mong thanh tịnh, mới làm vô vi.
44.- Chỗ lập địa tu trì đốn nhập,
Giữa hình đồ chữ thập giao liên.
Tinh thần hồn phách qui nguyên,
Tam hoa ngũ khí triều huyền nhứt chơn.(29)
45.- Tiên luyện mạng (30), hườn đơn (31) nhập Thánh,
Phật sáng tâm thấy tánh siêu phàm.(32)
Nho phần thế đạo đương kham,
Bảo trung thủ nhứt , dưỡng hàm hạo nhiên.(33)
46.- Hội Tam-Kỳ qui nguyên vạn giáo,
Gồm Thích, Nho, Gia, Lão một nhà.
Vì đời chia bảy rẽ ba,
Phải đem tôn chỉ dung hòa năm châu.
47.- Pháp môn đủ trong sâu ngoài rộng,
Đạo thời trung , tịnh động suốt thông.(34)
Đại-Thừa có pháp huyền công,
Khai, thị, ngộ, nhập, tánh Không hiện bày.
48.- Tánh Không ấy bản lai diện mục ,(35)
Thấy biết rồi hàng phục vọng tâm.
Bấy lâu nhận thức sai lầm,
Lại qua, động đậy, tưởng tâm của mình.
49.- Tâm thức ấy vô-minh trói buộc,
Sống trong vòng hạn cuộc tối tăm.
Cũng vì nhận thức làm Tâm,
Bắt, buông, nắm, bỏ, oái oăm đủ trò.
50.- “Tư lượng tâm” so đo chấp ngã,(36)
“Duyên lự tâm” bám gá sáu trần.(37)
Ngày ngày náo loạn tâm thân,
Dấy lòng ưa ghét, tạo nhân luân hồi.
51.- “Tích tập tâm” nổi trôi sáu nẻo,(38)
Tự cho rằng khôn khéo thông minh.
Oan khiên ràng buộc lấy mình,
Để cho lục dục thất tình khiến sai.
52.- “Kiên thật tâm” Như-Lai tự tánh,
Bị trần căn duyên cảnh che mờ.
Muốn tìm trở lại nguyên sơ,
Y tha ,(39) biến kế quyết ngờ đừng tin.(40)
53.- Quyết buông bỏ, không vin, không dựa,
Không để lòng nghiên ngữa vấn vương.
Tin rằng cả thảy vô-thường,
Nhứt-như bình-đẳng là đường tối tôn.
54.- Bình-đẳng ấy, pháp môn bất nhị,
Bác-Nhã là Chơn-trí, Nhứt-như .(41)
Tiên gia chế luyện tâm hư,
Vô vi, tề vật , vô tư, vô tà.(42)
55.- Phật dẹp bỏ cái Ta chấp kiến,
Nho tồn tâm, chí thiện chánh thường.
Xưa nay Tam-Giáo một đường,
Tìm cầu trở lại mối giường (giềng) nguyên sơ.
56.- Lúc trời đất sinh cơ chưa hiện,
Lúc con người thân huyển chưa sanh.
Hư vô trống rỗng lặng tanh,
Bên trong một khí lưu hành mà thôi.
57.- Một khí ấy là ngôi Bác-Nhã,
Rỗng lặng kia là quả Niết-Bàn.
Đức trí tịch chiếu rõ ràng,(43)
Vô-Cực, Thái-Cực hàm tàng không hai.
58.- Thái-Cực cũng Như-Lai tạng tánh ,(44)
Gồm đủ đầy muôn hạnh, muôn duyên.
Thể Tâm sáng suốt diệu huyền,
Kỳ đại, kỳ tiểu nằm nguyên trong nầy.
59.- Tịnh và động vần xoay một khí,
Sắc và không nguyên ủy một nhà.
Khí nầy vừa muốn manh nha,
Cũng là thỉ giác, cũng là thiên tâm.
60.- Khí phát hiện sinh mầm kiến, tướng,
Ấy công năng vạn tượng lộ bày.
Căn trần đừng nghỉ là hai,
Sanh lòng tham đắm, trong ngoài tự tha.
61.- Tâm bất động ấy là tâm Thánh,
Niệm khởi lên tà chánh rối bời.
Như-Lai tạng tánh biến dời,
Hóa tâm ý thức, lòng người đảo điên.
62.- Tâm-thức với trần duyên xáo động,
Mà biển lòng gió sóng không thôi.
Tỉnh ra phàm Thánh rõ rồi,
Thì mau hạ thủ phục hồi nguyên chơn.
63.- Tiên gia gọi Kim-đơn một khối,
Phật gia gom muôn mối về Không.
Nho gia dỉ Nhứt quán thông,
Tam-kỳ tổng tướng (45), huyền đồng (46)qui nguyên .(47)
64.- Đừng vọng chấp huyên thiên sai khác,
Mà cân đo hậu, bạc, thân, thù.
Còn lòng phân giới chia khu,
Thì chưa thấy Tánh nguyên lưu một nguồn.
65.- Thấy Tánh rồi ngàn muôn chẳng khác,
Như Hư-không man-mác một màu.
Sắc Không đã chẳng trái nhau,
Đều do một khí ban đầu mà ra.
66.- Khí ấy với cái Ta chân thật,
Cùng đất trời muôn vật cùng sanh.
Đến khi khí trở thành hình,
Có thân ngũ uẩn, thức tình che ngăn.
67.- Muốn biết nó tìm phăng lại gốc,
Gốc vốn không, tam độc đâu sanh.
Nhơn duyên giả hợp huyễn thành,
Vô-thường biến ảo tan tành từng giây.
68.- Có cái kia, cái nầy mới có,
Do cái nầy, cái nọ mới sanh.
Trong vòng lẩn quẩn loanh quanh,
Bao giờ thoát khỏi tử sanh luân hồi.
69.- Tuồng ảo hóa biết rồi nên tỉnh,
Sớm vào nơi thiền định tu cầu.
Ngày ngày Bác-Nhã hành sâu,
Chiếu soi vào chỗ nguyên đầu tánh Không.
70.- Lấy vô-niệm làm tông khai trệ,
Lấy vô-tướng làm thể ly hình.
Vô-trụ làm gốc vô sinh,
Thân sơ đối với vật tình như không.
71.- Niệm, tướng, trụ, thể, tông gốc vững,
Đạo Bồ-Đề mạnh cứng biết bao.
Vô-minh không chỗ xen vào,
Định huệ kiên cố, tiêu dao (49) tu hành.
72.- Vòng bát thức chuyển thành tứ trí ,(50)
Là nhờ công tu kỷ luyện tâm.
Hành trì Bác-Nhã diệu thâm,
Tảo thanh tận diệt sạch mầm vô minh.
73.- Muốn chứng quả, quên mình vì Đạo,
Phải nuôi lòng hoài bảo xa xăm.
Dày công tu tập nhiều năm,
Mới mong ra khỏi tối tăm não phiền.
74.- Khi nào thấy vọng duyên vắng lặng,
Trí cũng không mà đặng cũng không.
Không năng , không sở nơi lòng,(51)
Lòng không ví tợ hư-không Niết-Bàn.
75.- Trí Bác-Nhã sáng choang pháp giới,
Tâm Bồ-Đề không tới, không lui.
Chiếu soi cùng khắp ngược xuôi,
Thoáng qua suốt tận đầu đuôi ngọn ngành.
76.- Thấu đáy lòng nhơn sanh toan tính,
Cùng chỗ nơi động tịnh đều hay.
Mười phương như tại bàn tay,
Cần gì trắc lượng vắn dài nghĩ quanh.
77.- Nhận thức đúng, viên thành thật trí ,(52)
Thấu tâm can cốt tủy vật tình.
Y tha, nương vật thấy hình,
Biến kế sở chấp , vô-minh hoàn toàn.
78.- Trí thức nương giác quan tìm biết,
Thấy bên ngoài sự việc lại, đi.
Hành tàng họa phước cơ vi,
Biết bao ẩn áo biện suy sao cùng.
79.- Khéo nắm vững thời Trung đương xứ,
Thuận Đạo thường hằng sử tự nhiên.
Thân tâm an trú chơn thiền,
Vượt qua tất cả vạn duyên pháp trần.
80.- Dầu pháp ấy là chân cũng vậy,
Không để lòng nghe thấy vướng vào.
Tiến lên muôn trượng chót cao,
Cao rồi chân bám đầu sào cũng buông.
81.- Vượt qua cả ngàn muôn sai khác,
Vượt qua lòng thiện ác, tự tha.
Vượt qua tất cả, vượt qua,
Tâm còn buông bỏ lựa là hư danh.
82.- Có Tâm, có chỗ sanh muôn pháp,
Pháp pháp đều qui nạp về Tâm.
Tâm, nơi tập khởi muôn mầm,
Không Tâm, nhứt thiết phù trầm đều không.
83.- Không cũng chẳng còn không đâu nữa,
Cũng không còn chặng giữa đôi bên.
Đừng ngờ rơi lạc bấp bênh,
Hòa trong sự sống, vững bền như như.
84.- Lẽ nhược thiệt, nhược hư, thấu đắc,
Chỗ thị không, thị sắc, hội thông.
Thiên thai, tam đế viên dung,(54)
Như nước với sữa hòa chung khác nào.
85.- Có, không, đó mảy hào chẳng vướng,
Thấy có, không, niệm tưởng chẳng sanh.
Tuyệt nhiên bặt dứt dữ lành,
Vượt qua các cửa tướng, danh, chữ, lời.
86.- Chơn-Tâm tổ ba đời chư Phật,
Vọng thức đường muôn vật xuống lên.
Bỏ buông năng sở đôi bên,
Tức thì giác ngộ chóng nên Bồ-Đề.
87.- Vì chấp tướng bến mê khó thoát,
Còn trước tâm bờ giác sao qua.
Chấp không, chấp có, thiên tà,
Lìa không, bỏ có cũng là bàng-môn. (55)
88.- Bao giáo pháp Thế-Tôn dạy đó,
Ví ngón tay để trỏ mặt trăng.
Hướng theo kiến tánh thường hằng,
Ngón tay nào phải mặt trăng bám ghì.
89.- Đời hễ vớ được gì là chấp,
Giữ không buông, phá đập không tiêu.
Pháp môn nghi lễ, giáo điều,
Y kinh, nhái sách, hiêu hiêu thị đời.
90.- Kinh nghiệm khác xa người thể nghiệm,
Đốn diệu tu mà tiệm thực tu.
Tu không học hỏi, tu mù,
Học không tu chứng, khác nào mọt kinh.
91.- Phật tánh có nơi mình đầy đủ,
Sở nhiếp tàng, ẩn phú tàng che.
Đã khai, đốn ngộ, phá mê,
Não phiền quét sạch trở về nguyên chơn.
92.- Bình thường Tâm dữ nhơn đồng thể,(56)
Tín Tâm tu định huệ đồng trì. (57)
Lục hòa tùy xứ tiện nghi,(58)
Vô công dụng địa, vô vi nhi thành.(59)
93.- Lòng như tánh gương lành trong sáng,
Dầu lăng xăng bóng dáng dị hình.
Tới, lui, đi, ở, mặc tình,
Có chi chướng ngại mà sinh não phiền.
94.- Đành trong cõi nhơn thiên huyễn náo,
Mà tâm thiền lòng đạo không lay.
Thuốc nào trúng bịnh cũng hay,
Dung thông, chớ khá chê bai đạo người.
95.- Người hướng đạo vui tươi sáng suốt,
Đường đã qua, cầm đuốc dẫn đường.
Pháp quyền tiêu biểu làm gương,
Như thật, lẽ sống, tình thương đặt đầu.
96.- Như thật, là Tâm mầu pháp giới,
Lẽ sống, lòng phơi phới dương xuân.
Tình thương, toàn thể một thân,
Nhứt chơn bình-đẳng, xa gần không hai.(60)
97.- Dầu MINH LÝ, CAO ĐÀI, ngũ giáo,
Cũng đồng về với Đạo như nhau.
Đành rằng kẻ chậm người mau,
Đông Tây khác cửa, cùng vào một Tâm.
98.- Trống giác mê vang ầm thúc đổ,
Giục lòng người tỉnh ngộ quày chân.
Liên minh họp bạn tinh thần,
Cảm thông cởi mở xít gần lại nhau.
99.- Có dịp bàn, đổi trao học hỏi,
Góp phương hay cứu khỏi nạn đời.
Ví bằng khác ý nhiều nơi,
Theo Phật Phật lớn, theo Trời Trời cao.
100.- Cải lẩy nhau chừng nào lắng dịu,
Khúc nhạc lòng hòa điệu mới hay.
Nguyện cầu chánh pháp hoằng khai,
Đại đồng thế giới Như-Lai xuất triền.
NAM MÔ BÁC NHÃ CHƯ THIÊN.
_________________________
PHỤ CHÚ
(1) Tôn ti: tôn: cao trọng; ti: thấp hèn. Đây có nghĩa là sự trật tự trong trời đất.
(2) Lưỡng nhứt: hai cái một: một Âm, một Dương.
(3) Một mà ba: Đạo Đức Kinh Ch. 42: “Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh vạn vật. Vạn vật đều cõng âm mà ôm dương, điều hòa bằng khí trung hư.” (ĐĐK. Nguyễn Hiến Lê)
(4)Hai nghi (lưỡng nghi) Âm nghi, Dương nghi.- Bốn tượng: (tứ tượng): Thái dương, Thiếu dương; Thái âm, Thiếu âm.
(5)Cu hội: (câu hội): cùng hội lại. Thần hình cu hội: Thần (thuộc về linh hồn [vô hình] ). Hình (thuộc thể xác) [hữu hình] ) Đây chỉ kết quả của sự tu luyện đạt đến chỗ Tinh Khí Thần hiệp một.
(6)Thuận chiều: chiều thuận: chiều sanh hóa, chiều ra đi từ Bản nguyên;
(7)Nghịch lưu: chiều nghịch: chiều tiến hóa, chiều trở về Bản nguyên.
(8) Đại trung: Bản thể = Thái cực = Chân tâm. Theo Đạo Học Chỉ Nam Minh Lý Đạo:
“Có thể nói Trung cũng là Đạo, Trung là Thần, cũng là Vô cực, cũng là Chơn tâm. Chính sự ngấm ngầm trong lý ấy chăng? Muốn đạt lý ấy, phải chứng cho được động cơ Tạo Hóa, là ngôi Thái cực và hai thể Âm Dương.” (ĐHCN, Mục 3: Hoàng Cực Đại Trung)
(9)Sáu căn: (lục căn): mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đây chỉ sáu giác quan tiếp xúc với ngoại cảnh
(10)Vô niệm: tâm không còn chút suy nghĩ, nhớ nhung, mong muốn bất cứ điều gì
(11)Sách Lễ ký viết: “Nhân giả, kỳ thiên địa chi đức, Âm Dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí dã”
(12) Vô gián: không cách khoảng, liên tục. Vô gián thái hòa :ám chỉ Tâm hòa bình thanh tịnh miên tục
(15) Tâm viên ý mã: Tâm loạn động như khỉ chuyền leo, như ngựa đang giong ruổi.
(14) Bế căn: đóng các giác quan lại
(15)Chỉ niệm: dừng suy nghĩ, niệm tưởng
(16) Huờn hư (hoàn hư): trở lại chỗ không
(17) Tâm sở: “Tâm Sở,心所, Cetasikas (p)—Mental factors—Mental actions—Tâm pháp sở hữu của tâm vương hay những điều kiện tinh thần, những đóng góp của tâm, đặc biệt là những phẩm chất luân lý, tình cảm, thương yêu, hận thù, vân vân—Mental conditions or emotions—The attributes of the mind, especially the moral qualities, emotions, love, hate, etc” (Tự Điển Phật học online Việt Anh-Tuệ Quang)
Tâm vương :Tâm làm chủ quyết định mọi sự.- Tâm Vương,心王, Tác dụng của tâm—The mind, the will the directive or controlling mind—The functioning mind as a whole distinct from its conditions
Tâm Vương Tâm Sở,心王心所, Tâm vương là tác dụng của tâm (hiểu biết chư pháp), còn tâm sở là phẩm chất hay điều kiện của những tác dụng ấy (tham, sân, si, etc)—The functioning mind and its qualities or conditions
(19)Quần âm: những thói hư tật xấu do dục vọng, mù quáng. (quần: bầy, đám; âm: thuộc về tiêu cực, lỗi lầm.)
(20)Tám thức (bát thức): Tự Điển Phật học Việt Anh online-Tuệ Quang: “ Bát Thức,八識, Tám thức—The eight parijnana, or kinds of cognition, perception, or consciousness
(I) Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận—According to The Mahayana Awakening of Faith:
(A) Lục thức—The six-sense consciousnesses:
1) Nhãn thức: Caksur-vijnana (skt)—Seeing—Sight consciouness.
2) Nhĩ thức: Srotra-vijnana (skt)—Hearing—Hearing consciousness.
3) Tỷ thức: Ghrana-vijnana (skt)—Smelling—Scent consciousness.
4) Thiệt thức: Jihva-vijnana (skt)—Tasting—Taste consciousness.
5) Thân thức: Kaya-vijnana (skt)—Touch—Touch consciousness.
6) Ý thức: Mano-vijnana (skt)—Sự suy nghĩ phối hợp với các căn—Mind or mano consciousness—The mental sense or intellect—Mentality—Apprehension—The thinking consciousness that coordinates the perceptions of the sense organs.
(B)
7) Mạt-Na thức (Ý căn): Klista-mano-vijnana (skt)—Klistamanas consciousness—Đây là lý trí tạo ra mọi hư vọng. Nó chính là nguyên nhân gây ra bản ngã (tạo ra hư vọng về một cái “tôi” chủ thể đứng tách rời với thế giới khách thể). Mạt Na Thức cũng tác động như là cơ quan chuyển vận “hạt giống” hay “chủng tử” của các kinh nghiệm giác quan đến thức thứ tám (hay tàng thức)—The discriminating and constructive sense. It is more than the intellectually perceptive. It is the cause of all egoism (it creates the illusion of a subject “I” standing apart from the object world) and individualizing of men and things (all illusion arising from assuming the seeming as the real)—The self-conscious defiled mind, which thinks, wills, and is the principal factor in the generation of subjectivity. It is a conveyor of the seed-essence of sensory experiences to the eighth level of subconsciousness.
8) A Lại Da thức (Tàng thức): Alaya-vijnana (skt)—Alaya consciousness—Tàng thức nơi chứa đựng tất cả chủng tử của các thức, từ đây tương ứng với các nhân duyên, các hạt giống đặc biệt lại dược thức Mạt Na chuyển vận đến sáu thức kia, kết thành hành động mới đến lượt các hành động nầy lại sản xuất ra các hạt giống khác. Quá trình nầy có tính cách đồng thời và bất tận—The storehouse consciousness or basis from which come all seeds of consciousness or from which it responds to causes and conditions, specific seeds are reconveyed by Manas to the six senses, precipitating new actions, which in turn produce other seeds. This process is simultaneous and endless.”
(21) Tình thức: cái biết thuộc về cảm giác, cảm xúc, tình cảm
(22)Kiên thật tâm (zh. 堅實心), chỉ cái tuyệt đối, cái Chân như của các Pháp.
(23)Tâm như thật = Kiên thật tâm?
(24) Tâm phan duyên: tức Mar-na-thức?
(25) Duyên lự tâm (zh. 緣慮心), là thức thứ sáu, ý thức (sa. manovijñāna).
(26) Mạt-Na thức (Ý căn): Klista-mano-vijnana (skt)—Klistamanas consciousness—Đây là lý trí tạo ra mọi hư vọng. Nó chính là nguyên nhân gây ra bản ngã (tạo ra hư vọng về một cái “tôi” chủ thể đứng tách rời với thế giới khách thể). (xem lại chú thích 20)
(27)Tích tập tâm” hay “Hàm tàng thức”, cũng gọi là “A lại da”.
(28) Ngyuên văn: “họa phước vô môn, duy nhân tự triệu”: trích Kinh cảm ứng.-Nghĩa: họa phước không có cửa, (không phải tự nhiên đến) chỉ do con người mời đến.
(29)Tam hoa ngũ khí (Tam hoa tụ đảnh, ngũ khí triều ngươn). Có nghĩa: kết quả của sự tu luyện theo Chánh pháp: Tam bửu (Tinh Khí Thần) hiệp nhất. Ngũ khí (Kim Thủy Môc Hỏa Thổ Khí) đồng hội tụ về gốc (ngươn=nguyên)
(30) Luyện mạng: hành giả bảo toàn Tinh, nuôi dưỡng Khí lực, duy trì Thần lực để thực hành đạo pháp sao cho Thần Khí tương giao thì gọi là luyện mạng; đồng thời kềm tâm giữ ý để Chơn tánh hiển lộ minh linh sáng suốt, gọi là tu tánh. Nói chung là “Tu tánh luyện mạng” tức con đường chơn đạo giải thoát.
(31) Hườn đơn: đơn (đan): viên thuốc (nhà tu tiên ngày xưa dùng thuốc gì cũng có đan sa – loại màu của đá đỏ - nên gọi là tiên đan.). Nghĩa bóng là sự kết tinh của Tinh Khí Thần thành Đơn, gọi là hườn đơn (đan), ám chỉ kết quả của quá trình tu luyện. Chữ Đơn (Đan) của Hán tự 丹 còn tượng trưng cho 2 chữ nhật nguyệt (Âm Dương) kết thành, cũng là ý Đạo.
(32)Sáng tâm thấy tánh (minh tâm kiến tánh)
(33) Bảo trung thủ nhất: Đại thừa chơn giáo viết: “Thiên Ðạo nay:
NHO giáo gọi là: chấp trung quán nhứt.
THÍCH giáo gọi là: bảo trung qui nhứt.
ÐẠO giáo gọi là: thủ trung đắc nhứt.
Người tu đến bực Ðại Thừa đã thọ chơn truyền bí pháp rồi thì cần phải phân chia ngày giờ mà tu luyện cho cái tâm trở nên trong sạch, chẳng bợn hồng trần, phản hồng vi bạch, mà yên tịnh lặng lẽ để đoạt cơ Tạo Hóa, vào bộ Tiên gia, hầu thâu tiếp cái huyền khí của Trời đem hiệp với cái nguơn khí của người mà tạo thành Tiên đơn. »
(34)Đạo thời trung: đồng nghĩa: “tùy thời chấp trung”: giữ được trạng thái quân bình (trung) mọi lúc, mọi thời. Hành sữ không thái quá, không bất cập.
(35) Bản lai diện mục: mặt mày (hình vóc) đã có từ xưa nay. Ám chỉ Nhân bản hay Nguyên nhân vốn có của mỗi người từ thuở chưa sanh vào kiếp nầy.
(36)Tư lượng tâm (zh. 思量心), là thức thứ 7, Mạt-na (sa. manas);
37 (37)Duyên lự tâm (zh. 緣慮心), là thức thứ sáu, ý thức (sa. manovijñāna).
(38)“Tích tập tâm” hay “Hàm tàng thức”, cũng gọi là “A lại da”.
(39)Y tha: dựa vào, tin vào người khác hay điều gì không do tự mình tạo ra
(40)Biến kế: tính toán, so đo, xét nét, nghĩ ngợi của người đời không đúng sự thật
Nhứt như (chân như): Nhất như, Thật tánh ● Chân thật, ● Chân thật đúng như bản thể của tự tánh (http://old.thuvienhoasen.org/index-tudienphathoc-vietanh-minhthong-Ch.htm)
Tề-vật tức là "nhất thiết bình đẳng" nghĩa là vạn vật đều ngang bằng nhau cả, ngang nhau về phẩm, như ta đã thấy ở thiên Tiêu Diêu Du- Nam Hoa Kinh của Trang Tử (Nguyễn Duy Cần)
Tịch: yên lặng; chiếu: soi sáng (ngôn ngữ thiền)
Như lai tạng:Tathagatagarbha là mầm Như Lai hay là người chứa đựng Như Lai trong bản thân mình. Hiểu theo Ðại thừa, Như Lai tạng đồng nghĩa với Phật tính. Học thuyết Như Lai tạng hay Phật tính hàm chứa ý tưởng rằng sinh linh nào cũng ẩn chứa trong lòng nó một vị Phật, một mầm Phật, nghĩa là mọi sinh linh đều có Phật tính. Sinh linh nào cũng có tiềm năng tăng trưởng đạt quả vị Phật. Mọi loài đều có khả năng đạt giác ngộ và trở thành Phật mà không bị hạn chế bởi kiếp sống hiện tại. (http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=337&ict=3738)
(45)Tổng tướng: dung hòa tổng hợp các hình thức. Đây có ý nói đến sự tổng hợp giáo lý các tôn giáo.
(46)Huyền đồng: Đạo Đức Kinh,Ch.56: “Tri giả bất ngôn; ngôn giả bất tri. Tắc kì đoài, bế kì môn, toả kì nhuệ, giải kì phân, hoà kì quang, đồng kì trần. Thị vị huyền đồng.[. . .] » (Người nào biết [đạo] thì không nói [về đạo], người nào nói thì không biết. Ngăn hết các lối, đóng hết các cửa (coi chương 52), không để lộ sự tinh nhuệ ra, gỡ những rối loạn, che bớt ánh sáng, hoà với trần tục (coi chương 4), như vậy gọi là “huyền đồng” (hoà đồng với vạn vật một cách hoàn toàn-Nguễn Hiến Lê).
(47) Qui nguyên: trở về gốc
(48)Thấy tánh (kiến tánh): Hành giả tu thiền trực nhận được Phật tánh tại Tâm.-Thành ngữ Phật giáo: Minh tâm kiến tánh. (đắc đạo)
(49)Tiêu dao 逍遙: An nhàn tự tại, ung dung rộng rãi không bó buộc,thong thả, tự do
( Tứ trí): là quả tu tập do Tông Duy Thức lập ra
- Chuyển Thức Thứ TÁM (Alayda) thành ĐẠI VIÊN CẢNH TRÍ:
Trí này lìa các phân biệt, hành tướng sở duyên vi tế khó biết, không mê vọng, không ngu si đối với tất cả cảnh tướng, tánh tướng thanh tịnh, lìa các tạp nhiễm, như ánh sáng của gương tròn lớn soi khắp vạn tượng, sự lý không sót một mảy may.
- Chuyển thức Thứ BẢY (mat- na)thành BÌNH ĐẲNG TÁNH TRÍ
Trí này quán tất cả các pháp, tự tha, hữu tình đều bình đẳng, thường tương ưng với đại từ bi ... bình đẳng với muôn loài
- Chuyển thức thứ SÁU thành DIỆU QUAN SÁT TRÍ
Trí này khéo quán tự tướng, cộng tướng của các pháp, chuyển biến vô ngại,tự tại thuyết pháp tùy theo căn cơ của chúng hữu tình để giáo hóa
- Chuyển 5 thức trước (nhãn thức, nhĩ thức,..) thành THÀNH SỞ TÁC TRÍ
Trí này do muốn làm lợi lạc các loài hữu tình, cho nên có khả năng ở trong 10 phương vì chúng snah mà hành thiện bằng 3 nghiệp thân, khẩu, ý của mình, thành tựu theo năng lực của bản nguyện(http://www.diendanphatphaponline.com/diendan/showthread.php?9645-TAM-TH%C3%82N-T%E1%BB%A8-TR%C3%8D-NG%C5%A8-NH%C3%83N-L%E1%BB%A4C-TH%C3%94NG)
(51)Tâm năng: hoạt động chủ động của tâm; Tâm sở: thuộc tính của tâm (năng, sở: the 2 terms indicate active and passive ideas, e.g. ability to transforme or transformable and the object that is transformed-TĐ Phật học VN, Trần Nguyên Trung)
(52)Viên thành thật tính (zh. 圓成實性, sa. pariniṣpanna): Tâm vốn thanh tịnh, là Chân như (sa. tathatā), Như Lai tạng (sa. tathāgata-garbha), là tính Không (sa. śūnyatā).
53(53) Biến kế sở chấp tính (zh. 遍計所執性, sa. parikalpita-svabhāva), còn được gọi là huyễn giác (zh. 幻覺) hay thác giác (zh. 錯覺): Tất cả những hiện hữu đều là kết quả của trí tưởng tượng (huyễn giác), do chấp trước, cho rằng sự vật trước mắt là có thật, là độc lập;
(54)Thiên thai = Thánh thai ?.- Tam đế: con người đem tinh khí thần luyện đến biến hóa khó lường sai khiến vạn linh, giống như đế vương nhất hô bá ứng thì gọi là Tam đế. Kinh Huỳnh Đình ghi: “Bồng bềnh tam đế ngồi nơi mát mẻ, khói mây ngũ sắc xanh biết.” (Tự Điển Thuật Ngữ Đạo Giáo, Tấn Tài Phước Đức biên dịch, Nxb Tôn giáo, 2006)
(55) Bàng môn; Bàng旁 Tà, bất chính. ◎Như: bàng môn tả đạo 旁門左道 môn phái bất chính
(56) Cái bình thường là cái vô niệm , vô tâm và vô ngã mà ta luôn luôn ở trong đó.(http://thuonghylenien.com/daohoc/index.php?topic=153.0)
(57) Tín Tâm là tin nơi tâm mình, Minh là ghi, là khắc lại. Tức là những lời được ghi đọc lên chúng ta tin chắc tâm mình, biết rõ được tâm mình, đó là chủ yếu của Tổ Tăng Xán.(ThíchThanh Từ, Tín Tâm Minh, http://daitangkinhvietnam.org/tong-phai-phat-giao/thien-tong-viet-nam/442-tin-tam-minh.html)
(58) Lục hòa: 1. Thân hòa đồng trụ 2. Khẩu hòa vô tránh 3. Ý hòa đồng duyệt 4. Kiến hòa đồng giải 5. Giới hòa đồng tu 6. Lợi hòa đồng quân
(59) Vô công: không màng công sức.- Vô Công Dụng,無功用, Không cố gắng dụng công—Without effort
(60)Nhất Chân,一眞, Nhất như—Nhất thật—The whole of reality (bhutatathata)
Nhất Chân Địa,一眞地, The state of meditation on the absolute
PHỤ LỤC
Tam tự tính là:
1. Biến kế sở chấp tính (zh. 遍計所執性, sa. parikalpita-svabhāva), còn được gọi là huyễn giác (zh. 幻覺) hay thác giác (zh. 錯覺): Tất cả những hiện hữu đều là kết quả của trí tưởng tượng (huyễn giác), do chấp trước, cho rằng sự vật trước mắt là có thật, là độc lập;
2. Y tha khởi tính (zh. 依他起性, sa. paratantra-svabhāva), nghĩa là dựa vào cái khác mà sinh ra: Tất cả pháp hữu vi đều do Nhân duyên mà phát sinh, lệ thuộc vào nhau, không có tự tính (sa. asvabhāva);
3. Viên thành thật tính (zh. 圓成實性, sa. pariniṣpanna): Tâm vốn thanh tịnh, là Chân như (sa. tathatā), Như Lai tạng (sa. tathāgata-garbha), là tính Không (sa. śūnyatā).
Tổng quát, người ta có thể phân biệt sáu loại tâm:
• Nhục đoàn tâm (zh. 肉團心), trái tim thịt;
• Tinh yếu tâm (zh. 精要心), chỉ cái tinh hoa cốt tuỷ;
• Kiên thật tâm (zh. 堅實心), chỉ cái tuyệt đối, cái Chân như của các Pháp.
Ba loại tâm trên được dịch từ danh từ hṛdaya của Phạn ngữ;
• Tập khởi tâm (zh. 集起心, citta), là thức thứ 8, A-lại-da thức (sa. ālayavijñāna);
• Tư lượng tâm (zh. 思量心), là thức thứ 7, Mạt-na (sa. manas);
• Duyên lự tâm (zh. 緣慮心), là thức thứ sáu, ý thức (sa. manovijñāna).
Như lai. Tathàgata (S). A tittle of Buddha.
Như Lai (zh. 如來, sa., pi. tathāgata) là một danh hiệu của Phật được dịch từ tathāgata của tiếng Phạn. Chiết tự của tathāgata là tathā + āgata, và có thể được hiểu là "Người đã đến như thế" hoặc "Người đã đến từ cõi như như". Như Lai là danh hiệu chỉ một Thánh nhân đã đến bậc giác ngộ cao nhất, bậc Chính đẳng chính giác (sa. samyaksambuddha). Như Lai là một trong mười danh hiệu của một vị Phật.
Theo ý nghĩa nguyên thuỷ thì danh từ Như Lai không phải là một "danh hiệu". Phật Thích-ca Cồ-đàm sử dụng danh từ này để tránh sử dụng ngôi thứ nhất "ta", "tôi" trong lúc giảng dạy, thuyết Pháp và đây cũng là một phong cách biểu lộ sự khiêm tốn của Ngài.
Với sự phát triển của Phật giáo theo thời gian, ý nghĩa của danh từ Như Lai đã biến đổi. Trong Đại thừa, Như Lai chỉ Ứng thân (sa. nirmāṇakāya, Tam thân) của Phật. Đó là con người toàn hảo, có thể xuất hiện dưới mọi dạng khác nhau, có Thập lực (sa. daśabala) của một vị Phật. Như Lai cũng là sự biểu hiện cụ thể của Chân như (sa. tathatā), thể tính của vũ trụ, được xem là sứ giả trực tiếp của Chân như, là gạch nối giữa hiện tượng và bản thể. Trong nhiều trường hợp, Như Lai được xem là đồng nghĩa với Trí huệ (sa. prajñā) và tính Không (sa. śūnyatā). ( www.vi.wikipedia.org/)
Như lai tạng. Tathàgata-garbha (S). The Tathàgata womb or store.
Tathagatagarbha là mầm Như Lai hay là người chứa đựng Như Lai trong bản thân mình. Hiểu theo Ðại thừa, Như Lai tạng đồng nghĩa với Phật tính. Học thuyết Như Lai tạng hay Phật tính hàm chứa ý tưởng rằng sinh linh nào cũng ẩn chứa trong lòng nó một vị Phật, một mầm Phật, nghĩa là mọi sinh linh đều có Phật tính. Sinh linh nào cũng có tiềm năng tăng trưởng đạt quả vị Phật. Mọi loài đều có khả năng đạt giác ngộ và trở thành Phật mà không bị hạn chế bởi kiếp sống hiện tại.
(http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=337&ict=3738)
Như lai tạng tánh. The natures of all the livings are the nature of Tathàgata
___________
BỐN CÁI TÂM (Trích thánh ngôn Đức Bác Nhã Thiền Sư)
Con người sống hằng ngày bị cái giặc của Tâm quấy nhiểu. Muốn trừ giặc, phải biết giặc ở đâu ? Giặc đó là gì ? Thật là quan hệ !
Nhưng nói Tâm, thì ai cũng nghĩ quả tim phình xẹp, phát thâu huyết dịch trong người. Đó không phải là Tâm, mà là “nhục đoàn tâm ”, chổ Tâm nương gá để phát ra tác dụng. Ngoài cái nhục đoàn tâm, còn bốn cái Tâm rất quan hệ. Tuy nói bốn, chớ kỳ thật cũng có một Tâm mà thôi :
1.- Là “Duyên lự tâm”, tâm nầy là ý thức gồm luôn năm giác quan. Quyền năng, nghị lực của nó lớn lao, trùm khắp vũ trụ muôn loài. Nó dấy động lên thì thế giới càn khôn biến loạn, mù mịt tối tăm, khiến cho sóng gió ầm ỷ xáo trộn trong ngoài. Một niệm vừa khởi thì muôn duyên tấp nập quây quần, niệm niệm chuyền leo, nối tiếp không ngừng, dựng đứng các duyên rồi đặt tên định tuổi cho mọi tướng.
2.- Tiếp đến “Tư lượng tâm”, là cái Tâm suy lường, tính toán, phân biệt, gây nên thương ghét, thân thù. Tâm nầy gọi là ý căn hay “Mạt na thức”, cả hai liên hệ trong ngoài, dựng nên muôn tượng, muôn hình, tạo cho cõi đời không biết bao nhiêu trò ảo hóa phỉnh phờ, câu nhử con người thèm thuồng, ưa ghét mà chịu luân hồi, sanh tử triền miên.
Riêng về “Tâm tư lượng” chấp chặt cái ngã “A lại da thức”, không phải ta mà cứ nhận là ta. Bởi cái ta, mới gây nên thế giới tranh giành, cướp đoạt, làm tạo lấy quả vui khổ, rồi theo nó mà đầu thai.
3.- Là “Tích tập tâm” hay “Hàm tàng thức”, cũng gọi là “A lại da”. Đây là tạng chứa đủ các hạt giống sanh tử, Thánh phàm do hai Tâm trước đã huân tập, thâu gặt bên ngoài mà chứa vào đó, nên tất cả cái gì đã có, cũng như khởi sanh ra nữa, đều do ở đó, qui nạp về đó, phát khởi do đó, thành tựu ở đó.
4.- Là “ Kiên thật tâm” hay “ Thể tánh thường trụ”, hoàn toàn không biến đổi, mầu nhiệm vô cùng.
Đại lược cho ta thấy sự động tịnh của Tâm, Thánh phàm của nó. Trích TN Đức BNTS 14/12/1974
_____________________