Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy tại Thiên Lý Đàn vào lúc Tý thời 29 rạng mùng 1 tháng 01 ...
-
Buổi đời mạt pháp, nhơn loại tập nhiễm thói hư nết xấu của Đời, từ vô thỉ dĩ lai chồng ...
-
Đường hoa Nguyễn Huệ đã "khắc" vào tết Sài Gòn một nét đẹp mới, dân dã mà hiện đại, vật ...
-
Ảnh : GS Nguyễn Thuyết Phong (giữa) chơi đàn kìm bên cạnh cô Ngọc Thủy đàn tranh, David Badagnani đàn ...
-
Bất kỳ trong xã hội nào trên hoàn cầu này, đều có cảnh trạng : người thì nhà cao cửa ...
-
Bài nói chuyện tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo ngày mùng 1 tháng 3 năm Đinh Hợi (17-4-2007) Tam ...
-
Phật Tiên Thần Thánh rộn ràng, Đồng vâng ngọc sắc cứu an cõi trần. Hiện diện trên cõi trần này, con người ...
-
Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt ...
-
Lời báu nào cần vẽ rắn rồng, Bao nhiêu đã đủ gọi thành công. Tu vì đại nghĩa không vì phẩm, Luyện bởi ...
-
Làm người trên cõi thế là đã mặc nhiên thọ nhận sứ mạng làm người, thay Trời điều hành cai quản ...
-
Đề tài đặt vấn đề mối quan hệ giữa Nhân sinh quan Cao Đài và bối cảnh xã hội nhân ...
-
Tổng hợp và tóm lược thánh giáo của Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt: tại: _ Nam Thành Thánh Thất, 31-3-1969 ...
TT. Thích Quảng Tùng
QUỐC SƯ VẠN HẠNH
TT. Thích Quảng Tùng
28/07/2010 14:00 (GMT+7)
http://www.hoangphaphanoi.com/phat-giao-ha-noi/phat-giao-thang-long-ha-noi/7EC41A_quoc_su_van_hanh_va_pg_thoi_ly_dong_gop_vao_su_nghiep_ho_quoc_an_dan.aspx
Phật giáo truyền vào Việt Nam theo các thuyền buôn từ Ấn Độ đến bằng gió mùa Tây Nam và về bằng gió mùa Đông Bắc. Theo sử sách ghi chép thì Trung tâm Phật giáo Việt Nam có từ đầu Công Nguyên tại Luy Lâu, Bắc Ninh.
Với tinh thần khế lý, khế cơ và tùy duyên bất biến Phật giáo đã hội nhập vào văn hóa bản địa về thờ cúng tổ tiên của người Việt để thành Phật giáo Việt Nam, nổi bật là tín ngưỡng Tứ Pháp.
Trong bối cảnh gần 1000 năm Bắc thuộc, Phật giáo Việt Nam sống trong lòng dân tộc, hòa mình cùng dân tộc. Nên khi đất nước bị nô dịch hà khắc thì Phật giáo cũng bị suy vong. Và cũng từ đó mà hun đúc nên các Thiền Sư vừa uyên thâm về nội điển vừa mang tư tưởng đấu tranh giành độc lập cho dân tộc như Thiền Sư Định Không, Cảm Thành và La Quý v.v…
Vào cuối thế kỷ thứ bảy, các Ngài đã dùng sấm vĩ để xác định tương lai của Đất nước và Phật giáo. Để vận động Phật tử, tín đồ và nhân dân đoàn kết lại cùng các trí thức đương thời phù Vua Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành đánh tan quân đô hộ phương Bắc, giành độc lập cho Đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc và đạo pháp vào cuối thế kỷ thứ 10.
Nhân dịp Hội thảo Phật giáo thời Lý với 1000 năm Thăng Long. Chúng tôi xin tham luận đề tài :"Quốc Sư Vạn Hạnh và Phật giáo thời Lý đóng góp vào sự nghiệp hộ quốc an dân".
Trước hết ta xét bối cảnh buộc Quốc Sư Vạn Hạnh đưa Lý Công Uốn lên ngôi.
Khi Đinh Tiên Hoàng đứng lên dẹp xong 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng Đế đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dựng đô, chế định triều nghi cai quản thiên hạ trong điều kiện thế và lực chưa đủ mạnh. Trong nước, nạn cát cứ bị dập tắt nhưng mầm mống vẫn còn. Bên ngoài thì giặc Tống rình rập xâm lược, nên nhà Vua dùng hình phạt nặng nề và tàn khốc. "Vua đặt vạc dầu lớn ở sân triều, nuôi hổ trong cũi, hạ lệnh rằng kẻ nào phạm pháp sẽ bị nấu trong vạc dầu, bị hổ ăn thịt" (Việt sử lược, NXB Văn sử địa, Hà Nội 1960, tr5).
Hình phạt thời Tiền Lê cũng hà khắc như vậy. Sử còn ghi những cực hình như : Lấy rơm tẩm dầu bó vào người các tù phạm để đốt sống; Lấy dao cùn xẻo dần từng mảnh thịt, nhốt tù phạm vào trong cũi rồi thả xuống sông, bắt người trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ v.v… tiêu biểu cho lòng tàn nhẫn là Đỗ Thích giết cha con Vua Đinh, Ngoạ Triều giết em là Lê Trung Tông, rồi "róc mía trên đầu Sư Quách Ngang giả vờ lỡ tay để làm đầu Sư bị thương chảy máu rồi cười rầm lên" (Đại Việt sử lược 1 tờ 21b9-10).
Hai là, tuy bị 1000 năm Bắc thuộc, nước mất nhưng làng không mất. Các sinh hoạt làng xã vẫn giữ được nét riêng ít bị đồng hòa. Vai trò của ngôi chùa làng rất quan trọng trong đời sống tinh thần của dân làng với câu "Đất vua, chùa dân, phong cảnh Bụt", ta thấy ngôi chùa thân thương là ngôi trường đào tạo nền đạo đức, nơi hun đúc nên các bậc trí thức tài danh, với những vị Sư mang lại bình an cho dân làng "Chùa có Sư như nhà có nóc" hoặc "Sư chùa là bùa làng".
Chính các vị Sư là người lãnh đạo tư tưởng cho dân làng, chùa làng là cơ sở hạ tầng, nơi quy tụ nhân tài và phổ biến các chủ trương, tư tưởng hộ quốc an dân. Qua các bài thơ các điềm tốt lành như chó trắng chùa Thiên Ứng hương Cổ Pháp trên lưng có chữ thiên tử, sét đánh vào cây bông gạo để lại bài văn, cây đa chùa Song Lâm sâu ăn vỏ thành chữ "Quốc" Thiền Sư Vạn Hạnh xét bàn mỗi mỗi đều phù hợp với điềm nhà Lê bị diệt và nhà Lý hưng. Như : "Tật Lê trầm Bắc thủy, Lý tử thọ Nam thiên", (tật Lê chìm bể Bắc, hạt Lý mọc trời Nam).
Thông qua hệ thống các chùa, các nhà sư, Ngài Vạn Hạnh vận động nhân dân ủng hộ việc đưa Lý Công Uẩn là người được đào tạo từ trong chùa lên làm Vua. Với ông Vua am hiểu Phật Pháp mang tư tưởng từ bi cứu khổ cứu nạn thì đất nước hưng thịnh và Phật giáo phát triển.
Ba là : Kế sách an dân được thực hiện theo Phật Pháp. Từ lúc vừa thắng giặc Tống, Lê Hoàn đã hỏi Thiền Sư Pháp Thuận về vận nước và biện pháp chấm dứt nội chiến. Thiền Sư đã trả lời Vua bằng bài kệ :
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
Bài kệ có hai vế. Vế đầu nói về vận nước như dây sắn quấn vào cây mà lên. Dân là dây sắn phải dựa vào quân vương, người lãnh đạo là trụ cột để dây quấn vào đó mà phát triển. Tức là Vua tôi và dân chúng đoàn kết trên dưới một lòng. Người lãnh đạo tài đức vì dân và dân đoàn kết xung quanh và ủng hộ người lãnh đạo thì trời Nam sẽ được thái bình.
Vế thứ hai là cách lãnh đạo, ý thức hệ chủ đạo theo hệ tư tưởng nào thì chấm dứt chiến tranh. Vô vi là chính pháp là tinh túy của Đạo Phật không phải vô vi của Đạo Nho. Đó là thực tướng, là từ, bi, hỷ, xả, là vô ngã, vô thường v.v… Điện các tức là ngôi Vua, nơi người lãnh đạo phải dùng chính sách nào để trị quốc. Nếu nhà Vua mang chính pháp trị quốc thì mọi nơi sẽ hết đao binh.
Trong Kinh Tâm Địa Quán :"Quốc vương lấy chính pháp mà trị hóa thì kẻ xâm lăng ở ngoài nước, kẻ phản nghịch ở trong nước và những ác quỷ, đói khát cùng những khủng bố, mưa gió bất thời không thể có được. Quốc vương xem thần dân như con, ngày đêm chẳng rời lòng lo ủng hộ, thì ơn ủng hộ ấy đáng gọi là lớn vậy" (Trang 98-99 Kinh Lời Vàng, Nhà xuất bản Tôn Giáo 2003).
Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy : "Lấy từ bi diệt oán thù thì oán thù sẽ hết, lấy oán thù diệt oán thù thì không bao giờ hết". Cho nên từ triều Đinh và Tiền Lê đã lấy tư tưởng Phật giáo làm hệ tư tưởng chủ đạo để trị nước và sang triều Lý nó được phát huy cao độ mà trở thành đất nước thịnh trị.
Từ 3 nguyên nhân chính này Thiền Sư Vạn Hạnh đã mở cuộc đại vận động dọn đường dư luận để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Đó là thành quả của người kế thừa và thực hiện trọn vẹn di chúc của Ngài Định Không và La Quý với quan điểm địa linh, Ngài Định Không xác định đất Cổ Pháp sẽ sản sinh ra được đế vương đủ sức làm chủ đất nước và làm cho Phật giáo hưng thịnh.
"Đất bày pháp khí
Mười món đồng ròng
Để Phật Pháp được hưng long
Đặt tên là Cổ Pháp".
Ngài Định Không, không những dự báo đúng về tổng thể mà còn đúng tới cả những chi tiết nhỏ nhặt. Khi đào móng xây chùa nhặt được 10 cái khánh Ngài đã làm bài thơ huyền ký :
Mười chiếc xuống nước đất
Cổ Pháp ấy tên làng
Gà sau tháng chuột ở
Chính lúc Tam Bảo hưng.
Bài thơ tiên đoán Lý Công Uẩn lên ngôi vào năm Gà (Dậu) tháng Chuột (11) và đúng tháng 11 năm Kỷ Dậu 1009 Ngài lên ngôi.
Còn Vạn Hạnh trong bài thơ của mình Ngài nói tới tích "Mười khẩu xuống đất nước" của Ngài Định Không và "Lạc trà ấn có chữ Quốc" của Ngài La Quý.
Chỉ trong ba tháng thôi
Thân vệ lên đỡ xã tắc
Lạc trà ấn có chữ Quốc
Mười khẩu xuống nước đất
Gặp thánh gọi thiên đức.
Bài thơ nêu rõ quan điểm phò Lý Công Uẩn lên ngôi của Ngài Vạn Hạnh và vận động để cho đất nước có người làm chủ. Chỉ khi nào đất nước có người làm chủ, có độc lập thì Phật giáo mới phát triển và hưng thịnh. Lợi ích của Phật giáo gắn liền với lợi ích của dân tộc. Phật giáo không thể phát triển bên ngoài dân tộc và không thể hưng thịnh khi dân tộc mất chủ quyền, mất tự do. Người Phật tử muốn sống nếp sống đạo, phải thực hiện nghĩa vụ đối với đời là đấu tranh cho đất nước có chủ quyền và tu đạo cũng để phục vụ cho cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ quyền làm chủ đất nước.
Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, sử sách không ghi phong thưởng nào cho Ngài Vạn Hạnh. Chỉ sau này Phan Huy Chú ghi trong Lịch triều hiến chương loại trí Vạn Hạnh như một Tể tướng triều Lý. Tại bài vị thờ Ngài ở chùa Tiêu Sơn Bắc Ninh :"Lý triều nhập nội Tể tướng Lý Vạn Hạnh Thiền Sư thần vị".
Sau khi lên ngôi việc đầu tiên Lý Thái Tổ làm là tha hết những người tù và đốt bỏ ngục cụ và dời đô về Thăng Long. Việc dời đô chắc chắn là có sự tham gia ý kiến của Ngài Vạn Hạnh. Vì Thiền Sư là người thày vĩ đại nuôi dưỡng, giáo dục Lý Công Uẩn từ tấm bé. Vạn Hạnh dành suốt cuộc đời mưu cầu cho đất nước thanh bình, muôn dân được an lạc. Mặt khác, qua bốn bài thơ quanh mộ Hiển Khánh Đại Vương ta thấy Ngài rất thông thạo về thuật phong thủy. Vì việc dời đô "Để mưu cầu chỗ chính giữa làm kế cho con cháu ức muôn đời (…) vận nước lâu bền phong tục giàu thịnh" cho nên chọn nơi định đô với thế "Rồng cuốn hổ ngồi" v.v… (Chiếu dời đô).
Lý Công Uẩn là người đặt nền móng lấy chính pháp trị quốc nên các Vua sau đều có đạo đức, có độ lượng khoan hồng với dân và ngay cả với kẻ cừu địch không giống các Vua Đinh, Lê dùng cực hình, vạc dầu sôi, chuồng hổ báo, cũi ngâm sông v.v… Các Vua lấy từ bi làm đường lối chính trị, đó là đường hướng nhân bản được dân chúng ủng hộ. Như Vua Lý Thái Tông tha tội cho Nùng Trí Cao. Vua Lý Thánh Tông không giết Vua Chiêm Thành là Chế Củ v.v…
Năm 1065 Vua Lý Thánh Tông, trong một phiên xử kiện ở điện Thiên Khánh đã chỉ vào công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh mà bảo Ngục Lại rằng :"Lòng ta yêu con ta, cũng như lòng ta là cha mẹ dân, yêu dân, dân không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng nhẹ, đều nhất luật khoan giảm" (Đại Việt sử ký toàn thư).
Lòng thương người của Thánh Tông không phải là sự giả dối của nhà chính trị mà đó là sự biểu lộ của tâm từ bi do Phật giáo tạo dựng và gây ảnh hưởng với những ông Vua có từ tâm và những người xuất gia biết lo giáo dục. Sự thực hành đạo từ bi trong dân chúng nên đời sống xã hội đời Lý trở thành thuần từ và đẹp đẽ nhất. Đạo đức và từ bi đã làm cho dân giàu nước mạnh. Qua việc chiến thắng nhà Tống và Chiêm Thành xâm lược, ta thấy tư tưởng từ bi đã tạo thành sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để chiến thắng giặc nội xâm và ngoại xâm.
Ngôi chùa là trung tâm văn hóa là trường học giáo dục nền đạo đức và từ bi nên khi vừa dời đô về Thăng Long Lý Thái Tổ đã cho xây dựng nhiều chùa và tuyển chọn hàng ngàn người ở kinh đô Thăng Long đi xuất gia. Tới Lý Thần Tông lại một lần nữa tổ chức độ Tăng xuất gia. Chùa có nhiều người tu học, có ruộng và có người cày do Nhà nước cấp.
Về kinh điển năm 1011 Lý Thái Tổ đã cho dựng Tàng Kinh Trần Phúc để chứa kinh điển đến năm 1019 Vua sai Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang Tống để thỉnh Tam Tạng Kinh v.v…
Tóm lại, Lý Thái Tổ được đào tạo trong ngôi trường nhà chùa cùng một loạt trí thức xuất thân từ nhà chùa đã ra phục vụ đất nước trong những ngày tháng bộn bề công việc với các thầy giáo kiệt xuất : Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Viên Chiến, Mãn Giác v.v..
Các Ngài đã mở những cuộc vận động gây ý thức quốc gia, đã sử dụng các môn học phong thủy và sấm vĩ trong các cuộc vận động ấy, đã trực tiếp thiết lập kế hoạch, thảo văn thư, tiếp ngoại giao đoàn, bàn luận cả những vấn đề quân sự.
Khi triều đình đã có người lo các việc ấy thì các Ngài giữ vai trò hướng dẫn tinh thần và cố vấn đạo đức. Tuy tham dự chính sự nhưng vẫn giữ thái độ xuất thế của mình, không dính vòng danh lợi, xong việc thì rút lui về chùa. Triết học hành động của Vạn Hạnh tiêu biểu cho thái độ chung của các Thiền Sư. Làm thì làm, nhưng không mắc kẹt vào công việc, không nương tựa vào hữu vi. Các vị vua tài đức tạo nên một triều đại thuần từ, lấy đức từ bi làm căn bản cho chính trị và luôn sống vì dân nên đã cố kết lòng dân để Vua tôi, dân chúng đoàn kết cùng chung tay chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.
Với "Vô vi" các vị vua được ứng xử chuẩn mực trong đời sống hàng ngày thì chính những ứng xử ấy đem lại lợi ích an lạc cho dân. An được dân thì nước sẽ cường thịnh, an được dân chính là yêu nước. An được dân chính là giữ nước. Việc an dân là trách nhiệm và sở trường của Phật giáo nên được nhiều nhà cầm quyền giao phó trong nhiều thế kỷ.
Đối với các Thiền Sư lúc đó và nhất là Ngài Vạn Hạnh đã trải qua 5 triều đại khác nhau từ Dương, Ngô, Đinh, Lê cho đến Lý. Với tư tưởng vô thường của Phật dạy và thực tiễn của xã hội hiện tại Ngài cảm nhận thấy sự chóng vánh của cuộc đời. Nếu không còn làm chủ được quy luật phát triển của xã hội thì con người dễ rơi vào hoang mang sợ hãi, không biết phải hành động thế nào trước sự biến đổi vô thường của mọi hiện tượng và sự vật.
Cho nên Ngài Vạn Hạnh dạy đệ tử phải nắm chắc quy luật vô thường, thịnh suy ở đời và di chúc lại cho các đệ tử phải làm chủ quy luật thịnh suy đó (nhậm vận thịnh suy), để nhìn về phía trước kiến tạo một tương lai tươi sáng an lành cho bản thân và thế hệ mai sau. Đây là một triết lý hành động tích cực xuất phát từ những con người giác ngộ và hết lòng vì nước, vì dân tạo dựng một trang sử vàng chói lọi cho đất nước, cho dân tộc và đạo pháp.
Năm Thuận Thiên thứ 9 (1018) Ngài không đau ốm gì mà thị tịch hưởng thọ 95 tuổi. Trước khi thị tịch Ngài để lại bài kệ rằng :
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Nghĩa là :
Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tuơi tốt, thu qua rụng rời
Xá chi suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt xương rơi đầu cành.
Tới Vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) làm bài truy tán Ngài rằng :
Vạn Hạnh dung tam tế
Nhân phù cổ sấm cơ (ky)
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích chấn vương kỳ.
Dịch :
Thiền sư học rộng bao la
Giữ mình hợp pháp sấm ra ngoài lời
Quê hương Cổ Pháp danh ngời
Tháp bia đứng vững muốn đời đế đô.