Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • TỪ GIÁ TRỊ TÂM LINH ĐẾN GIÁ TRỊ TÂM LINH SIÊU VIỆT Giá trị là điều mà con người quan tâm ...


  • Lòng vị tha / Huệ Chơn

    Những bậc Vĩ Nhân danh lưu thiên cổ đó toàn là những người có một nội lực vị tha phi ...


  • NHAT KÝ CUỐI TUẦN / Thiện Chí

    “Bởi quyền Đạo còn yếu nên thế quyền mới lấn được; dầu phải thế quyền cao rộng đến bao nhiêu ...


  • QUỐC SƯ VẠN HẠNH / TT. Thích Quảng Tùng

    Quốc sư Vạn Hạnh và PG thời Lý đóng góp vào sự nghiệp hộ quốc an dân TT. Thích Quảng Tùng Phật ...


  • Từ năm 1902 đến năm 1919, Ngài Ngô Văn Chiêu đã vài lần đến hầu đàn Tiên tại Thủ Dầu ...


  • Nói đến Trần Nhân Tông trước hết là nói đến người anh hùng cứu nước. Ông làm vua 14 năm ...


  • Ý NGHĨA CÂU KHUYẾT BÁC NHÃ PHÁ VÔ MINH HUỜN NGUYÊN TÁNH MẠNG TAM TÔNG KHAI CHÁNH PHÁP BẢO HỢP THÁI HÒA DÀN ...


  • BỘ THIẾT GIÁP CỦA NGƯỜI TU Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, Thầy đã dạy như sau: "Bởi vậy cho ...


  • Mùa Trung Nguơn tháng 7 năm Quý Tỵ 1953, tại Thánh tịnh Tam Thanh – Cao Minh Quang ở Long ...


  • Những hạt cà phê / Lê Anh Dũng

    “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.” (Mạnh Tử) Đây là chuyện tôi ...


  • Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn / Hà Ân và Trần Quốc Vượng

    Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt ...


  • Tam giáo qui nguyên, như nước ba sông lớn đổ về biển cả, không thể biết nước nào thuộc về ...


01/05/2007
Thiên Vương Tinh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 02/05/2007

Kỷ niệm tái thiết Vĩnh Nguyên Tự

1. Một chút lịch sử

Ngôi Vĩnh Nguyên Tự được Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long (thế danh Lê Văn Tiểng, 1843-1913) khai sáng năm Mậu Thân (1908) ở làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Đây là chùa Phật của chi Minh Đường.

Nguyên lai Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long tu theo Minh Sư. Chùa Minh Sư gọi là Phật đường, thường là nơi che giấu nghĩa quân chống Pháp. Có thể do tránh sự bắt bớ, đàn áp của quân Pháp nên sang đến đời Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long, thì bốn chữ Minh Sư Phật đường rút gọn thành Minh Đường chăng? Đây là một giả thuyết tạm nêu ra để các nhà sử Đạo lưu ý, vì hầu hết đều không rõ lý do xuất hiện chi Minh Đường, nguồn gốc thế nào, và vì sao chỉ có ở làng Long An với Vĩnh Nguyên Tự trong lúc chi Minh Sư thì lan rộng khắp hai miền Trung Kỳ và Nam Kỳ.

Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long xưa kia (mà nay là Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn) lúc còn tại thế đã tiên tri sứ mạng Vĩnh Nguyên Tự trong thời khai đạo Cao Đài nên Ngài đã di chúc cho con cháu và môn sanh sau này hãy dùng Vĩnh Nguyên Tự làm phương tiện cho các tiền khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hoằng giáo. Năm 1970, có lần Đức Chơn Nhơn xác nhận sứ mạng dọn đường của Ngài như sau:

"Xưa kia, Lão lập Vĩnh Nguyên Tự để tu niệm và gầy dựng một số hành trang dành để chờ đợi đoàn người sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ tạm dừng chân để lãnh số hành trang ấy làm vốn liếng đi trên quãng đường gay go khó khăn giữa thời mạt pháp, ngõ hầu hoàn thành sứ mạng đã thọ lãnh chốn Thiên cung."([1])

Chính vì lẽ nhiệm mầu ấy, đến tháng Giêng năm Bính Dần (tháng 3-1926) thì con trai của Ngài Lê Văn Tiểng là Lê Văn Lịch (1890-1947) đã tuân thánh ý, thuận cơ Trời mà mau lẹ quy hiệp đạo Cao Đài.

Vĩnh Nguyên Tự từ xưa đến nay tuy vẫn giữ nguyên hình dáng một ngôi chùa Phật nhưng rất vinh diệu là di tích thứ hai của lịch sử khai đạo Cao Đài. Di tích thứ ba là thánh thất Cầu Kho đã mai một nên về sau thay bằng thánh thất Nam Thành (quận 1, Sài Gòn). Di tích thứ tư là chùa Gò Kén (Thiền Lâm Tự, làng Long Thành, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh).

Nói về hai di tích đầu tiên, Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:

"Chí Tôn đã dùng một di tích đầu tiên nơi Dương Đông (Phú Quốc) và đã truyền giao cho Ngô Văn Chiêu nhận lãnh dấu hiệu Thiên nhãn để làm biểu tượng thờ phượng trong đạo Cao Đài từ ấy đến nay.

"Di tích thứ hai là Vĩnh Nguyên Tự. Chí Tôn đã dùng nơi này thâu nhận những sứ đồ trung kiên làm nòng cốt ban phong Thiên sắc để nhận lãnh công việc khai Đạo truyền bá giáo lý trong Tam Kỳ Phổ Độ. Nơi đây đã là nơi Chí Tôn lập các kinh điển, luật pháp Đạo trong buổi sơ khai." ([2])

Trải qua sáu thập niên dãi dầu mưa nắng, ngôi chùa xưa xuống cấp, hư hỏng quá nhiều. Cuối xuân Canh Tuất (tháng 4-1970), Đức Chí Tôn ban ơn cho họ đạo Vĩnh Nguyên Tự hiệp sức chung lòng cùng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý xúc tiến công cuộc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự. Mọi việc lớn nhỏ từ lúc khởi công cho đến khi hoàn tất, làm lễ khánh thành, thảy thảy đều thuận theo lẽ Thiên nhân hiệp nhất.

Thật vậy, chính Đức Chí Tôn chọn ngày 13-3 Quý Sửu (06-4-1973) để làm lễ khánh thành công cuộc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự, diễn ra trong ba ngày 13, 14 và Rằm. Công cuộc tái thiết này được Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn (năm 1970) gọi là "gầy dựng lại ngôi nhà lịch sử".([3])

Sau 34 năm, nhân kỷ niệm ngày tái thiết Vĩnh Nguyên Tự, hôm nay chúng ta có dịp ôn học ý nghĩa lịch sử và giá trị đạo lý huyền nhiệm của ngôi nhà lịch sử. Quan trọng hơn hết là từ chỗ ôn cố tri tân, chúng ta rút ra bài học sống động áp dụng cho Vĩnh Nguyên Tự để quật khởi tinh thần và sức mạnh của họ đạo này sao cho khỏi phụ lòng ký thác của tiền nhân, sao cho khỏi tụt hậu so với Thiên cơ và kịp thời hòa nhịp cùng vận hội mới của đất nước.

2. Ý nghĩa thiêng liêng của ngày khánh thành 13-3

Như đã nhắc trên đây, chính Đức Chí Tôn chọn ngày 13-3 Quý Sửu (06-4-1973) để làm lễ khánh thành công cuộc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự. Tuy nhiên, lúc ấy công trình chưa kịp hoàn tất 100%, một số công trình phụ hãy còn dang dở. Lý do vì sao không thể hoãn lại đã được Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy rõ như sau:

"Chí Tôn Thượng Đế đã chọn ngày an vị khánh thành sắp tới đây để các sứ đồ con cái của Ngài ôn nhớ lại kỷ niệm thời kỳ khai nguyên lập Đạo. Vì tác dụng, nhu cầu cho việc truyền bá đạo pháp cứu độ quần sanh, chi nên ngày 13 tới đây, nếu vì lý do các cơ sở tả hữu tiền hậu phụ thuộc chưa kịp dựng nên hình, rồi đình hoãn lại, ắt phải trễ thêm một niên kỳ nữa, là ngày 13 tháng 3 năm Giáp Dần, e sẽ lỡ hết các cơ hội.

"Thế nên, trong phạm vi hiện hữu với khả năng cố gắng tối đa của nhơn sanh chỉ tới chừng ấy, Chí Tôn vẫn cho phép hành lễ trong năm này để kịp thời sử dụng trong công cuộc cứu rỗi."([4])

Như thế, ngày khánh thành tái thiết Vĩnh Nguyên Tự vào 13 tháng 3 âm lịch có ý nghĩa thiêng liêng về mặt đạo pháp. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy chi tiết như sau:

"Chư hiền đệ muội có biết tại sao Chí Tôn Thượng Đế đã chọn ngày 13 tháng 3 để cử hành cuộc lễ đó chăng? Sao lại không chọn thời gian khác để có đủ thì giờ chu toàn công việc tái thiết được hoàn mỹ thêm hơn?

"Để khỏi mất thì giờ, Bần Đạo giải thích về đạo số cho chư hiền được rõ.

"Ngày 13 tháng 3 tiền khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Chí Tôn đã chọn ngày ấy phong thánh cho tam vị đại thiên phong chức sắc đầu tiên. Đó là Thượng Trung Nhựt Lê Văn Trung, Ngọc Lịch Nguyệt Lê Văn Lịch,Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

"Ngày 13 tháng 3 cũng là ngày Chí Tôn Thượng Phụ thâu hồi người Anh Cả tín hữu Cao Đài. Đó là Ngô Văn Chiêu.

(. . .)

"Ngô Văn Chiêu là một Anh Cả trong thập nhị tông đồ đầu tiên. Ngô Văn Chiêu đã kiến nhận và tiếp lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn. Nói về lý số Thiên Nhãn là con số 1, tượng trưng cho ngôi Thái Cực.

"Kế đến lập thành lưỡng nghi nơi Vĩnh Nguyên Tự. Đó là nhựt nguyệt âm dương.

"Từ Thái Cực biến Lưỡng Nghi trở thành cái pháp sanh hóa muôn loài vạn vật mà cái pháp ấy HộPháp đã tượng trưng."([5])

Như thế, thánh giáo giúp cho ta hiểu rằng khánh thành công cuộc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự cũng là để kịp thời tạo nên một trụ tướng hữu hình làm cái lý huyền diệu cho dòng đạo pháp sinh hóa trường lưu hầu cứu rỗi chúng sinh trong Kỳ Ba ân xá.

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:

"Vĩnh Nguyên Tự ngày nay được tái thiết bằng những tấm lòng thiết tha vì đạo nghiệp. Dẫu rằng chưa được hoàn thành trọn vẹn, nhưng cũng tạm gọi là thành, và khánh thành cho đúng với máy Trời xây chuyển tận độKỳ Ba."([6])

Vậy, bài học thứ nhất rút ra là gì? Phải chăng, nếu Vĩnh Nguyên Tự hôm nay cứ vì những lẽ thường tình, cứ loanh quanh trong vòng trói buộc của vật chất, thì sẽ không đủ sức huyền linh để phát động vị thế lưỡng nghi sanh hóa của mình. Như thế cũng có nghĩa là trái Thiên cơ, nghịch thánh ý, là phụ lòng tiền nhân gởi gắm và ơn phước của Đức Chí Tôn chan rưới.

3. Ý nghĩa việc rút băng khánh thành tái thiết Vĩnh Nguyên Tự

Khi khánh thành công cuộc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự, thay vì tục lệ cắt băng khánh thành quen thuộc trên thế gian, Ơn Trên dạy làm nghi thức rút băng khánh thành, đáng nói là hy hữu. Tại sao không cắt băng mà lại rút băng?

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:

"Chư hiền đệ, hiền muội xa gần chung nhau bồi đắp nền tảng đạo để hữu dụng tương lai. Đó cũng là một sợi dây liên hệchặt chẽ khiến cho tiền đồ Đại Đạo càng được vững vàng bởi cội gốc được vững bền."([7])

Như thế, cắt băng cũng đồng nghĩa cắt đứt "sợi dây liên hệ chặt chẽ" mà Đức Chơn Nhơn đã nói đó. Còn rút băng hàm ngụ ý nghĩa tháo gỡ những gút mắc, rối rắm cho tình đạo hanh thông, tình đời suôn sẻ.

Trên phương diện hòa đồng tôn giáo, dung hợp tín ngưỡng, Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch minh giải ý nghĩa sâu kín của việc rút băng khánh thành như sau:

"Còn sang ngày Rằm. Cười. Chương trình đã in có ghi chữ rút băng, nhưng chư hiền phân vân chưa biết rút băng hay nên cắt băng. Nếu Ban Tổ Chức không thỉnh ý Thiêng Liêng cứ noi theo cựu lệ mà hành thì cũng tốt. Nhưng tâm nguyện hỏi thì Bần Đạo cũng góp ý để tùy chư hiền linh động.

"Theo ý Bần Đạo, nếu được, nên làm băng thắt thành hoa có tám cánh, nhưng phía dưới thòng ra bốn mối. Bốn mối đó dành cho đại diện Tứ Giáo xu hướng tín ngưỡng: Một là Phật Giáo, có vị thượng tọa. Hai là Tiên Giáo (Đạo Giáo, Lão Giáo cũng thế), có thể mối này do Tổng Lý Minh Đạo rút. Mối khác nữa đại diện Khổng Giáo. Mối chót do đại diện Thiên Chúa (Ki Tô) rút."([8])

Ngoài ra, để thể hiện lý đạo của hình ảnh "sợi dây liên hệ chặt chẽ", Đức Giáo Tông Vô Vi khuyên hãy thành lập một Ban Tổ Chức hỗn hợp cho lễ khánh thành, thay vì chỉ gồm những người địa phương. Đức Giáo Tông dạy:

". . . Bần Đạo khuyên Thường Vụ Cơ Quan đứng ra mời các tổ chức bạn để cùng phối hợp tinh thần trong Ban Tổ Chức. Các khối ấy gồm có Hội Thánh Truyền Giáo, Minh Lý Thánh Hội, Giáo Hội Tiên Thiên cùng chư hiền Thường Vụ soạn thảo chương trình phối hợp hành sự. Có như vậy để nói lên ý nghĩa Vĩnh Nguyên Tựlà của chung, là một mắt xích trong sợi dây xích Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ."([9])

Nếu Vĩnh Nguyên Tự là "của chung" thì ắt có người không hiểu vì sao hơn 40 năm qua Vĩnh Nguyên Tự luôn luôn gắn bó với Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, kể cả quá trình tái thiết cũng như duy trì và phát triển sau này.

Quả thật, Cơ Quan chẳng phải là một hội thánh, thậm chí cũng chẳng phải là một thánh thất, nên Cơ Quan đóng vai trò mặc nhiên là "trung tính" (neutre), là không chi phái. Đó là lý do Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, vị Tổ khai sáng Vĩnh Nguyên Tự, đã khuyên lớp hậu duệ của Ngài ở Vĩnh Nguyên Tự như sau:

"Vậy trong sự tái thiết chánh danh chánh nghĩa, các cháu hãy tựa hẳn vào toàn Đạo để khỏi điều dư luận thị phi, mà điểm tựa chánh là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý. Lão cũng nói rõ hơn, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ngày nay là đại đồng hiệp nhứt, quy nhứt, thống nhứt, v.v…"([10])

Vậy, bài học thứ hai rút ra là gì? Phải chăng, nếu thánh giáo đã xác định Vĩnh Nguyên Tự "là của chung, là một mắt xích trong sợi dây xích Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ", là nơi thể hiện tinh thần dung hòa, thống nhứt các xu hướng tín ngưỡng… thì người Vĩnh Nguyên Tự không một ai được phép nghĩ rằng thánh sở này là tài sản riêng và chỉ dành riêng cho dòng tộc họ Lê mà thôi. Ngược lại, nếu ai còn dám nghĩ suy theo óc tư riêng chiếm hữu, thì có lẽ Đấng buồn phiền nhất chính là Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn.

Mời đọc tiếp: http://nhipcaugiaoly.googlepages.com/vinhnguyentu


([1]) NHƯ Ý ĐẠO THOÀN CHƠN NHƠN. Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 20-3 Canh Tuất (25-4-1970).

([2]) ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN. Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 20-02 Quý Sửu (24-3-1973).

([3]) NHƯ Ý ĐẠO THOÀN CHƠN NHƠN. Vĩnh Nguyên Tự, Ngọ thời, 06-8 Canh Tuất (06-9-1970).

([4]) ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN. Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 20-02 Quý Sửu (24-3-1973).

([5]) ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN. Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 20-02 Quý Sửu (24-3-1973).

([6]) NHƯ Ý ĐẠO THOÀN CHƠN NHƠN. Vĩnh Nguyên Tự, Hợi thời, 10-3 Quý Sửu (12-4-1973).

([7]) NHƯ Ý ĐẠO THOÀN CHƠN NHƠN. Vĩnh Nguyên Tự, Ngọ thời, 06-8 Canh Tuất (06-9-1970).

([8]) GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ. Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 04-3 Quý Sửu (06-4-1973).

([9]) ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN. Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 20-02 Quý Sửu (24-3-1973).

([10]) NHƯ Ý ĐẠO THOÀN CHƠN NHƠN. Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 20-3 Canh Tuất (25-4-1970).
Thiên Vương Tinh

Phật Tiên buổi chót đến hồng trần,
Kêu gọi người đời rõ lý chân,
Chớ để linh tâm vùi tục lụy,
Nên ngừa cám dỗ của tà thần.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây