Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
30/10/2005
Sưu tầm từ danangpt.com.vn

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 23/02/2010

Nét độc đáo của nghệ thuật rối nước truyền thống

Từ xa xưa, con người và thiên nhiên luôn gắn liền với nhau, hỗ trợ cho nhau. Con người đã biết dựa vào thiên nhiên để sản xuất và đồng thời cũng là để sáng tạo ra những loại hình nghệ thuật độc đáo. Miền đồng bằng châu thổ sông Hồng là cái nôi sinh ra nghệ thuật múa rối nước.

Con người nơi đây hay làm và giàu óc sáng tạo. Ngoài thời gian mùa màng đồng áng, họ đã biết dựa vào sông nước để sáng tạo ra những trò giải trí diễn vào dịp lễ hội, ngày vui, ngày Tết, mà nổi bật lên là trò múa rối nước. Nghệ thuật biểu diễn múa rối nước là một loại hình sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời, nó đã có từ xa xưa trong lịch sử văn hóa dân tộc với những nét độc đáo riêng.

Múa rối nước là một sáng tạo độc đáo của cư dân vùng châu thổ sông Hồng, được manh nha từ công cuộc chế ngự nước, cải tạo nước thành yếu tố số một cho việc sản xuất nông nghiệp. Phạm vi hoạt động của nó bao gồm nhiều tỉnh như Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Hà, Hà Tây... Yếu tố độc đáo của rối nước là sử dụng mặt nước làm sân khấu để con rối diễn trò, đóng kịch. Buồng trò rối nước được nhân dân quen gọi là nhà rối hay thủy đình, được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Tất cả buồng trò, sân khấu cùng trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã... đúng là một khu đình làng thu nhỏ lại thành một cảnh đẹp như trong mộng với những mái uốn cong lung linh phản chiếu trên mặt nước. Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò, nó chỉ thực sự hoàn chỉnh khi đã vào chương trình biểu diễn và cũng bắt đầu mất đi ngay khi chấm dứt tiết mục cuối cùng.

Qua những tiết mục biểu diễn của nghệ thuật rối nước cổ truyền, những cảnh sinh hoạt bình thường về đời sống, tập tục tinh thần và vật chất truyền đời của người nông dân Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét.

Ðể làm được một con rối hoàn chỉnh, phải trải qua rất nhiều công đoạn từ đục cốt đến trang trí hóa trang và rất nhiều công đoạn mà người nghệ nhân không thể bỏ qua. Quân rối càng hoàn hảo, càng giúp cho kỹ xảo điều khiển nâng cao, khả năng diễn đạt phong phú. Quân rối nước làm bằng gỗ tốt sẽ nặng và chìm, trên thực tế, gỗ sung là chất liệu thông dụng để tạc con rối, vì loại gỗ này nhẹ lại dai, rất dễ điều khiển trong khi biểu diễn dưới nước.

Sau khi con rối được tạc với những đường nét cách điệu riêng, chúng được đầu óc tinh tế của các nghệ nhân thổi vào luồng sức sống mới bằng cách gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật, làm cho nhân vật được đặc sắc hơn, trong sáng hơn trước người xem. Quân rối nước chính là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, nó vừa giàu tính hiện thực, vừa mộc mạc, đằm thắm, trữ tình.

Trong kho tàng quân rối nước cổ truyền ta còn thấy những người đi cày, chú tễu, người đánh cá, dàn nhạc, cô tiên... Ở đây tài năng của nghệ nhân đã đem lại cho ta cái tươi mát, đôn hậu, hiền dịu, niềm lạc quan yêu đời, yêu thiên nhiên, con người qua cái bình dị đơn sơ được khuếch đại và nghệ thuật hóa. Quân rối nước dù tạc liền một khối gỗ hay chắp lại đều có hai phần gắn liền nhau đó là phần thân và phần đế. Phần thân là phần nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp máy điều khiển cho quân rối cử động.

Máy điều khiển và kỹ xảo điều khiển trong múa rối nước rất được coi trọng, nó tạo nên hành động của quân rối nước trên sân khấu, đó chính là mấu chốt của nghệ thuật múa rối. Quân rối đẹp mới chỉ có giá trị về mặt điêu khắc. Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó. Các nghệ nhân dân gian đã dựa vào kinh nghiệm, lần mò trong thực tế, tìm tòi, sáng tạo và để lại cho đời nay nhiều kiểu máy rối nước phong phú và đa dạng.

Ta có thể gặp ở đây khá nhiều đồ dùng thường ngày của nghề lúa nước mà người nông dân tự làm ra như thừng, sào, vọt... để làm máy điều khiển quân rối. Máy điều khiển rối nước có thể được chia làm hai loại cơ bản: máy sào và máy dây đều có nhiệm vụ làm di chuyển quân rối và tạo hành động cho nhân vật. Máy điều khiển được giấu trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, cống hiến cho người xem nhiều điều kỳ lạ, bất ngờ khó lý giải. Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây xào hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước. Ngâm bùn lội nước để làm nghệ thuật không phải là một công việc bình thường thích thú với mọi người. Nếu không phải là người sống ân tình với nước tới mức "Sống ngâm da, chết ngâm sương" như cư dân trồng lúa nước, thì khó có được sự truyền cảm nồng nhiệt vào hành động của nhân vật rối nước.

Trong nghệ thuật múa rối nước, nghệ thuật sử dụng mặt nước cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh của con rối. Là sân khấu ngoài trời giữa ao hồ mà trò rối lại xuất thân là các trò không lời, nếu có thì chỉ là những câu ca dao mang tính chất giới thiệu, minh hoạ, làm nền... cho nên, rối nước cần âm thanh mạnh để giữ tiết tấu và khuấy động không khí buổi diễn. Các phường hội dân gian chuyên dùng bộ nhạc gõ dân tộc như trống cái, não bạt, mõ. Ngoài ra còn có pháo, tù và ốc hỗ trợ đắc lực cho trò diễn. Âm nhạc rối nước mang tính đại náo của hội hè, có tác dụng kích động mạnh cả người múa lẫn người xem.

Vốn là một nghệ thuật lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt, rối nước gắn bó với âm nhạc như nghệ thuật múa. Âm nhạc điều khiển tốc độ, giữ nhịp, dẫn dắt động tác, gây không khí với tiết tấu truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo trong sân khấu.

Nghệ thuật múa rối nước là một loại hình sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời của cư dân nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng. Thông qua các trò của rối nước, người xem đã cảm nhận được sắc thái của hội làng, lại phảng phất những mơ ước bình dị cho cuộc sống. Họ mơ ước có được cuộc sống may mắn, hạnh phúc và bình yên. Nghệ thuật múa rối cổ truyền từ thời xa xưa đã mang đậm bản sắc dân tộc từ vẻ dịu dàng, man mác đồng quê, sự chịu thương chịu khó tần tảo sớm hôm lo cho cuộc sống, tới sự quật cường anh dũng bảo vệ nơi chôn rau cắt rốn khi kẻ thù xâm chiếm bờ cõi giang sơn. Ở đấy vừa trần tục gần gũi lại vừa linh thiêng, nó cũng chính là biểu tượng cho mơ ước của cộng đồng người Việt, một nghệ thuật quen thuộc và gần gũi với người nông dân từ bao thế kỷ qua.
Sưu tầm từ danangpt.com.vn

Tâm thức dân gian về Tứ bất tử / Sưu tầm từ danangpt.com.vn

Đình làng - văn hóa Việt Nam / Sưu tầm từ danangpt.com.vn

Người giác ngộ vun bồi tánh đạo,
Bậc nguyên căn hoài bão ý Thiên,
Vào đời một chí nhẫn kiên,
Thực thi sứ mạng pháp quyền dựng xây.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, Rằm tháng Giêng Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây