Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Đức Lý Đại Tiên Trưởng Thái Bạch Kim Tinh, Nhứt Trấn Oai Nghiên, hiện kiêm chức Giáo Tông Vô Vi ...
-
Tuy căn trí chúng sanh vô lượng, pháp môn vô lượng; hành giả không nhứt thiết phải khảo sát và ...
-
Thứ Bảy, 14/04/2007, 05:01 (GMT+7) Thân phận, quê hương và tình yêu trong ca khúc Trịnh Công Sơn TTO - Trịnh Công Sơn ...
-
Hình : Lễ giổ Iổ Hùng Vương tại Phú Thọ-miền Bắc VN Viết về Họ Hồng Bàng, quyển Việt Nam Sử ...
-
Tóm tắt các diễn biến trong lịch sử Phật giáo Sự phát triển của Phật giáo thời vua Asoka566-486 TCN: Thích ...
-
Có một tử tù kia suốt đời làm việc tội lỗi, giết người, trộm cướp, lòng dạ rất xấu xa. ...
-
LTS:Tháng 10-2006, tại Hội nghị APEC diễn ra ở nước ta, 21 vị nguyên thủ quốc gia đã mặc ...
-
Thứ Bảy, 27/01/2007, 15:32 (GMT+7) Bình dị cho đến sau khi chết TTCT - Nếu có một chốn vĩnh hằng của những con ...
-
ĐỨC DA TÔ GIÁO CHỦ BÀI HỌC LỚN CỦA MUÔN ĐỜI KIM DUNG Mùa Giáng Sinh lại đến, cả hành tinh này đang ...
-
Tổng hợp và tóm lược thánh giáo của Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt: tại: _ Nam Thành Thánh Thất, 31-3-1969 ...
-
THÁNH GIÁO tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 14-02 Giáp Dần (07-3-1974)
-
Phú Quốc là một hải đảo lớn ở miền Nam nước Việt (rộng 567km2, cách Hà Tiên 40km) nằm trong ...
Hồng Phúc
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/07/2011
Song tu tánh mạng
Tam Kỳ Phổ Độ là cơ cứu độ Đức Thượng Đế khai mở, mượn hình thức tôn giáo
có tên gọi Cao Đài với tôn chỉ “quy Tam giáo- hiệp Ngũ chi” nhắm đến việc tạo dựng một thực thể Đạo cứu thế, trong đó có sự kết tụ tinh hoa giáo lý Tam giáo trên nền tảng “một cội sanh ba nhánh in nhau” với: Nho gia tích cực trong việc bồi dưỡng phẩm cách con người, phải hàm dưỡng cái khí nhân nghĩa. Đạo gia chú trọng việc bồi dưỡng tính thiên nhiên của con người, đặt nặng vấn đề con người cần phải hàm dưỡng cái khí bản chất của mình. Phật gia coi trọng việc con người phải bồi dưỡng năng lực chịu đựng khốn khổ, nên nhấn mạnh vào việc tự mình phải hàm dưỡng cái khí bao dung nhẫn nại . Chân lý Tam giáo sẽ là nấc thang đưa con người đạt đến cứu cánh “ Thế Đạo Đại đồng và Thiên Đạo Giải thoát”, mở ra con đường Thánh đức của buổi Thượng ngươn sau Hội Long Hoa, kết thúc một chu kỳ vũ trụ theo luật tuần hườn của Thiên Địa.
Trong tinh thần đó, lòng Từ bi và đức Dũng của Phật giáo sẽ giúp con người vượt khỏi bản ngã chính mình để thực thi sứ mạng Nho tông chuyển thế theo đường lối Khổng giáo làm thay đổi cuộc diện đen tối của thế gian trong thời mạt pháp, và phương pháp Song tu Tánh Mạng của Lão giáo sẽ đưa con người đến bến bờ của sự giải thoát đích thực ngay khi con người còn ở tại thế gian giữa cơn nước lửa của buổi Hạ ngươn.
I- THẾ NÀO LÀ SONG TU TÁNH MẠNG?
Khi nói đến Tu, người đời thường liên tưởng đến những người dứt bỏ việc đời, hiến mình cho Chúa hay nương bóng Phật từ bi, tức là có một cuộc sống ly gia cắt ái, ẩn mình trong các Nhà dòng Thiên Chúa, hay vào chùa gỏ mõ tụng kinh.
Thật ra, chữ “Tu” đơn giản có nghĩa là “sửa đổi”, người tu là người đã có ý thức giác ngộ muốn sửa đổi bản thân từ xấu ra tốt, từ ác hóa hiền, xa điều ác, làm điều thiện . Nếu hiểu như vậy ai cũng có thể trở thành “người tu” .
Tuy nhiên, tích cực hơn, khi bước chân vào một tôn giáo, việc tu sửa bản thân không còn giới hạn trong sự tùy tiện của mỗi cá nhân, mà được thể chế hóa thành qui điều, giới luật bắt buộc con người phải tuân theo để đạt đến mục tiêu mà người tu đã nhắm tới là sự giải thoát của linh hồn của mình sau khi rời bỏ xác thân tứ đại. Ki tô hữu muốn trở về nước Thiên đàng cùng Đức Chúa Trời. Người Phật tử lại muốn đến được cực lạc niết bàn với Phật, môn đồ của Đức Cao Đài thì mong sẽ trở lại hiệp một cùng ngôi Thái Cực Đại Linh Quang. Mỗi một tôn giáo có con đường đi, hay một phương tu để giúp cho người tín đồ đạt đến những ước vọng lớn lao đó.
Khi nói đến việc tu hành, người ta thường đề cập đến việc “tu tâm luyện tánh”. Nhưng trong Tam Kỳ Phổ Độ, con đường đi của những người học trò Tiên thờ Đức Cao Đài không chỉ tu tâm luyện tánh mà còn phải “ Song tu Tánh Mạng”; và nếu hiểu chữ tu theo nghĩa đơn giản là sửa đổi, thì đó là con đường sửa đổi Tánh và Mạng được thực hiện song hành cùng một lúc.
1-Tánh Mạng là gì?
Hai chữ “ Tánh và Mạng “ có sự giải thích không giống nhau trong Tam giáo và ngay cả các phái của Lão giáo
-Tánh: Hiểu một cách nôm na, đơn giản, Tánh thuộc về phần linh hồn vô hình, là nội tâm bao gồm ý chí, tư tưởng, tư duy của con người, có thể nhìn thấy qua tánh tình, nết na, đức hạnh, hành vi cử chỉ của mỗi người. Tánh cũng gọi là “chân ý”, “chân thần”. Tánh luôn tồn tại điều khiển thân xác.
Nhưng theo Đạo học, Tánh còn bao hàm ý nghĩa cùng tột cao siêu như lời Thánh giáo: “Tánh là bản thể, là căn bản của con người, viên minh thường trụ, hồn nhiên thiên lý, vốn có một không hai, chơn thật mà thiêng liêng, ở Thánh không thêm, ở phàm không bớt.
-Phật giáo gọi là Chơn Như, Pháp giới tánh, Như Lai tạng, Diệu giác Ngươn minh…
-Đạo giáo gọi là Thiên tánh, Linh căn, Huyền đức,, Lý tánh, Lương tân,…
-Nho giáo gọi là Thiên lương bổn tánh, Thiên mạng chi tánh, Minh đức, Lương tri, Lương năng, Tánh lý”
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn dạy: Tánh là nguyên lý(…) rất linh diệu thiêng liêng của Trời đã phân ra mà ban cấp cho mỗi người, nên lý ấy tức là Tánh vậy(…)Tánh tức Tâm.
-Mạng hiểu đơn giản là thân sống của con người, thuộc về phần hữu hình, là nhục thể, là xác thân được kết hợp từ 4 chất là đất, nước, lửa, gió, nên gọi là thân tứ đại,do âm khí hậu thiên của Trời phú bẩm cho cha mẹ sở sanh; cũng gọi là nguyên tinh, nguyên khí.
Tánh và Mạng là hai mặt của một bản thể, là sự un đúc từ Lý và Khí của Trời Đất mà thành hình thể. Hình thể đã có, thì Mạng phải chịu trong vòng sinh diệt, biến đổi. Tánh- Mạng con người trong cuộc sống thế gian bị chi phối bởi ngoại cảnh hữu hình, tạo nên tình thức và ý thức.
Theo giáo lý Cao Đài, Thức là sự biết gồm có Thức lưu truyền, Thức di truyền và Thức tập truyền. Thức do tự tánh phóng ra, lưu tán khắp trong vũ trụ.
- Thức lưu truyền sự nghe biết từ cõi thần đến cõi người do sự ghi nhớ cảm tưởng
qua nhiều thời gian và xuyên vào không gian.
- Thức di truyền :theo dòng hệ tộc mà chảy theo Thất tổ cửu huyền. Tinh khí cha
mẹ cấu nên hình người là một giọt máu thức chảy ngầm trong thân thể . Nếu giọt máu ấy bởi nguồn trong sáng, sinh ra con người được khôn lanh. Bằng nhơ đục thì trở nên rù rờ, ngây dại.” Ơn Trên cho biết Thức này “ không sao phăng tới nguồn mạch của nó”. Phải chăng bởi vì do chính con người tạo ra từ những việc làm của mình, để lại những hậu quả dắt dây từ kiếp này sang kiếp khác gọi là nghiệp quả luân hồi. Phải chăng đây chính là nguyên nhân của tính di truyền giữa những người cùng chung huyết thống do mối liên hệ nhân quả cùng chung nghiệp lực nhân duyên từ tiền kiếp, mà ngày nay khoa học tìm thấy có sự tương quan qua bản đồ gene người ADN đã được khám phá từ 10 năm qua.
-Thức tập truyền: “ở trong các con thú vật và thực vật. Khi ta ăn chúng vào mình , sinh tố, tế bào của các vật đã trộn lộn vào máu huyết nơi thân ta.”
Ba dòng thức này kết hợp lồng vào thân người làm ngăn ngại sự tự do và linh động của phần tự tánh, trở thành thức nghiệp lôi kéo con người vào vòng luân hồi chuyển kiếp, quả báo trả vay không dứt. Đây chính là một khái niệm quan trọng của Duy thức tông (sa. vijñānavāda), một trong hai nhánh chính của Phật giáo Đại thừa (sa. mahāyāna). Trong trường phái này, A-lại-da thức bao gồm 7 thức là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt na thức. A-lại-da thức được xem là thức căn bản của mọi hiện tượng, nên còn gọi là Hàm tàng thức. Thức này chứa đựng mọi sư trải nghiệm của đời sống mỗi con người và nguồn gốc tất cả các hiện tượng tinh thần.
Khái niệm A-lại-da thức là cơ sở của Duy thức tông, qua đó người ta giải thích sự hiện hữu của "con người", của "cá nhân". Theo đó, các chủng tử (sa. bīja), tức là các hạt mầm của Nghiệp (sa. karma, pi. kamma) được chứa đựng trong A-lại-da thức và đợi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện thành tư tưởng. Các tư tưởng có tính riêng tư đó tác động trong mối liên hệ với Vô minh (sa. avidyā) và Ngã chấp (sa. ātmagrāha) làm cho mỗi người tưởng rằng có một con người đứng sau mọi hành động của mình. Tư tưởng đó lại gây tiếp các chủng tử của nghiệp, và nghiệp lại tiếp tục tạo tác. Vòng lẩn quẩn này chỉ được đối trị bằng quan điểm cho rằng, không hề có một thế giới độc lập ngoài Tâm. Theo đó thế giới chỉ là phản ánh của A-lại-da thức, con người chỉ thấy bóng dáng của chính tâm thức nó. A-lại-da thức thường được xem như là "sự thật cuối cùng", có khi được gọi là Chân như (sa. tathatā). Theo một quan điểm Phật giáo khác thì A-lại-da thức chỉ là nơi tập hợp của mọi nghiệp xưa cũ (Pháp tướng tông).
Tương tự khái niệm này của Phật giáo, theo thuyết Bát thức quy nguyên, một phái của Đạo giáo, con người muốn thụ sinh thì cần phải có tinh của cha, huyết của mẹ, thức thần tiền sinh, ba thứ này tương hợp thì thành thai nhi. Tinh khí nhận từ cha mẹ, thức thần đến từ vô thỉ kiếp, cũng có tính sinh, diệt .
Tánh Mạng là do Âm Dương nhị khí kết hợp mà tạo nên con người. Tánh và Mạng không thể tách rời. Tánh là hồn, Mạng là xác. Mạng hữu sinh, Tánh do Trời phú bẩm . Vương Trùng Dương nói: “Tánh là Thần, Mệnh là Khí”.
Nguyên Lý Đạo với thiên “Tính mệnh luận” đã nói: “Tính là tiên thiên chí thần, gọi là nhất linh; Mạng là tiên thiên chí tinh, gọi là nhất khí. Hệ tạo hóa của Tánh là ở Tâm; hệ tạo hóa của Mạng là ở Thân. Trí thức kiến giả được xuất ra từ tâm bằng suy nghĩ, tưởng niệm; Tâm sai khiến Tánh. Cử động xuất ra từ thân bằng nghe, nói, nhìn; thân tích lũy mạng. Mạng do thân tích lũy nên có sinh có tử; Tánh chịu sự sai khiến của Tâm, nên có qua có lại.(…) Tính vô mệnh thì bất lập; mệnh vô tính thì bất tồn, về tên gọi của chúng tuy là hai nhưng về lý thì chỉ có một”
2-Thế nào là “Song tu tánh mạng:”
Song tu là rèn luyện, sửa đổi, bồi dưỡng cả hai phương diện Tánh lẫn Mạng. Tu dưỡng tâm tính, tu dưỡng đạo đức, nhân cách gọi là Tính công. Phương cách giúp cho kéo dài tuổi thọ, gọi là Mệnh công. Nói rõ hơn, tu Tánh cho đức hạnh viên dung, cải sửa bản thân từ phàm nhân ra Thánh nhân. Tu Mạng cho thân xác khỏe mạnh, thanh khiết. Đức Chí Tôn dạy: “ Hễ muốn cho chơn thần đặng tinh khiết thì phải giữ gìn thân thể cho tráng cường. Muốn dưỡng phần hồn tất phải nuôi phần xác”
Tánh (thuộc về Lý) và Mạng (thuộc về Khí) có cùng nguồn gốc nơi Trời, vốn là một, nhưng khi đến cõi nhị nguyên, phân tách ra làm hai: Tánh là bản thể bên trong, Mạng là biểu hiện của bản thể qua lớp thân xác bọc bên ngoài con người.
Đạo Trời là Âm Dương, đạo người là Tánh Mạng. Âm Dương tức là Kiền Khôn, Tánh Mạng tức là Thần Khí. Mà thần khí không phải là hai tên, Kiền Khôn không là nhị thể. Gốc là một. Một mà phân ra có động tịnh, có giáng có thăng, khi trưởng, khi thì thành hình , khi thì hóa khí. Tánh mạng phải song tu thì con người mới trường sanh , chứng quả. Trường sanh đây không có nghĩa là xác thân hữu hình tồn tại mãi mãi,bởi vì hữu hình tất
hữu hoại.
Như vậy, có một sự liên hệ hỗ tương mật thiết giữa Tánh và Mạng, giữa hồn và xác. Nếu con người có xác mà không có hồn thì xác trở nên vô tri, vô, giác như tượng đá, Ngược lại, nếu chỉ có hồn mà không có xác, thì hồn không có chỗ nương dựa để trở thành
một con người thật sự.
Tánh Mạng song tu là vừa tu Tánh vừa luyện Mạng, là pháp môn luyện đạo của Tiên giáo, còn được gọi là: Dưỡng sanh Tánh Mạng. Gọi ra nhiều danh từ nhưng thực sự chỉ là phép luyện đạo cho Tam bửu (Tinh Khí Thần) hiệp nhứt. Trong Tam bửu (Tinh, Khí, Thần) để luyện đạo, thì Tánh là Thần, Mạng là thân tức Tinh và Khí.
Trong phép Tánh Mạng song tu, chủ yếu là phải coi trọng cái Mạng sống của con người, tức là coi trọng xác thân phàm, không được tu ép xác, bởi vì xác phàm có khương kiện thì chơn thần mới được mạnh mẽ và thông huyền.
Nhiều nhà tu hành cho rằng Tu thân là Tu tâm luyện Tánh, nên khinh khi thân xác, coi xác thân là thù địch, nên hành hạ, đánh đập xác thân, nhiều khi còn ăn dơ ở dáy và cho đó là tinh tấn.
Đạo Lão tuyệt đối không có chủ trương ấy. Trái lại, Lão giáo chủ trương phải gìn giữ xác thân cho thanh khiết, mạnh khỏe, tập luyện cho khí lực dồi dào, cố thủ kiên trì cho tinh huyết được đầy đủ, cốt làm cho mình được sống lâu, sống vui, sống khỏe. Tất cả những cái đó gọi là Tu Mạng. Rồi ra mới luyện Thần, tập trung tinh thần vô vi định tỉnh. Tất cả những cái đó gọi là Tu Tánh.
Cái gì thuộc về Tiên Thiên vô vi thì gọi là Tánh.Cái gì thuộc về Hậu Thiên hữu vi thì gọi là Mạng. Nơi con người, Thần thuộc Tiên Thiên, gọi là Tánh; còn thân xác Tinh Khí đều là Hậu Thiên nên gọi là Mạng.
Sách Đạo Học Từ điển có viết:
“Tánh là Tiên Thiên, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Mạng là Hậu Thiên, hữu sanh hữu diệt, hữu cấu hữu tịnh, hữu tăng hữu giảm.”
Tánh là Thần, cái gì hết sức khinh thanh, nên dĩ nhiên phải ở nơi cao nhất trong người. Chính vì thế mà đạo Lão cho rằng, Tánh căn ở đỉnh đầu, ở Nê hoàn cung, ở Càn đỉnh.
Mạng thuộc về phần hình hài nên dĩ nhiên là phải ở chỗ chứa thấp trong người, nên đạo Lão cho rằng, Mạng ở nơi xoang bụng, phía sau rún, đó là Khôn lư.
Giữa hai cực Càn đỉnh và Khôn lư đó là phần khí lưu chuyển tuần hoàn.
II- TẠI SAO PHẢI SONG TU TÁNH MẠNG ?
Con người dù ở ngoài đời hay ở trong đạo muốn trở thành con người hoàn thiện có ích cho mọi người và cho xã hội cũng phải đầy đủ hai phần là thân xác khỏe mạnh và trí óc tinh thần sáng suốt minh mẫn.
Bước vào cửa Đạo, người giác ngộ đã nhận chân con đường phải đi và đích điểm phải đến. Con đường phải đi đó, đòi hỏi người tu không chỉ một tinh thần mạnh mẽ, để có được một đức tin kiên định bền vững, mà còn phải có một xác thân khỏe mạnh, thì mới đủ điều kiện để đi trọn con đường tu hành. Thánh nhân đã từng nói “tu tánh mà không luyện mạng là tu hành đại bệnh hoạn. Luyện mạng mà không tu tánh thì kiếp kiếp không thành Phật”. Nói như thế có nghĩa là con người cần tu sửa thân xác để làm phương tiện cho việc tạo Phật tác Tiên. Bỏ xác thân là đồng nghĩa với sự mất đi phương tiện để tu hành.
Đức Khổng Thánh dạy:
“Con người có hai phần: Tánh và Mạng theo cơ diệu hiệp âm dương ngũ hành mà cấu tạo nên.Tánh và Mạng có mối tương quan linh diệu.
- Tánh có Mạng mới lập.
- Mạng có Tánh mới thành.
Nói chung, nếu không biết Tánh biết Mạng tức chính mình không biết được mình.
Con người Hậu Thiên, Tánh Mạng bị thất chánh, lâm vào đường tội lỗi nên bị luân hồi triền miên chẳng dứt. Nếu chẳng lo tu Tánh luyện Mạng thì hai thành phần này sẽ lần lần tán thất, cuối cùng mất cả Tánh lẫn Mạng, không trở lại được kiếp làm người.”
Mặt khác, giữa Tánh và Mạng có sự gắn kết vô cùng chật chẽ, đan quyện lẫn nhau như lời dạy của Đức Chí Tôn trong Đại Thừa Chơn Giáo: “Trong xác thân của con người có bảy thể cần yếu là : Chơn dương, tinh, khí, thần, xương máu và thịt” trong đó, Chơn dương và thần thuộc Tánh và tinh, khí, xương máu và thịt thuộc về Mạng.
Tánh và Mạng nơi con người vô minh là chuỗi liên kết nhân quả tạo nên sự khổ đau cho chính bản thân mình như lời Đức Đại Từ Phụ:
« Nguyên con người trong buổi thiếu thời , còn giữ tánh thiên nhiên thì đâu biết lo rầu buồn giận. Mãi đến lớn lên lần lần nhiễm lấy mùi trần , rồi ham giàu, ham sang, mới rắp ranh trù nghĩ kế nọ mưu kia , phương này chước khác, báo hại phải hại cái chơn Tâm ( thuộc Hỏa)
Đến khi mưu kế định rồi, lại còn phấn đấu tranh đua để đạt sao cho kỳ được mục đích mới nghe, thì báo hại tới phải lao Can ( thuộc Mộc)
Bây giờ mục đích đạt xong, đã sang, đã giàu thì lại đâm ra muốn vui xác thịt, nên bể dục sóng tình tha hồ đắm đuối ngày đêm, báo hại thêm ra hao Thận (thuộc Thủy)
Đã vui sắc dục thì phải khoái ngọt bùi, nên lại kiếm tầm hải vị sơn trân, sát mạng thượng cầm hạ thú để làm cho khoái đã sự thèm ngon của miệng lưỡi, mà lắm khi chất độc món khác cũng chẳng hề từ, thành ra bệnh tùng khẩu nhập mà báo hại cho phải hao Tỳ (thuộc Thổ).
Lại khi ăn uống no say ngon khoái rồi thì bị những vật thực bằng huyết nhục kia nó phát sanh ra tánh người táo bạo, hung hăng, ganh gổ, độc ác và háo thắng, tự phụ, máu nóng ham sân mà báo hại hao thêm cho phế (thuộc Kim)
Đó là Ngũ hành đã suy mà Ngũ tạng đã nhược.
Vậy nên người tu phải không ham giàu, không ham sang, không ham dục, không không, không hết ráo, thế mới thành công. »
Nếu thức tỉnh, nhận ra chân lý, chọn đường tu hành, dụng phép Song tu Tánh Mạng, con người sẽ dần dần cải sửa bản thân từ Hậu thiên trọng trược trở về Tiên thiên khinh thanh theo lời dạy của Đức Chí Tôn :
“Con người sống là nhờ dương khí nó châu lưu trong thân thể mà nuôi nấng cho các chất yếu cần của nhơn thân. Nên hễ dương khí khi nào đã tuyệt thì tự khắc con người phải dứt hơi liền. Vậy người luyện đạo phải lấy phép hô hấp rồi dụng công phu vận chuyển dương khí ấy vào châu thân cho tráng kiện thêm và cho thông lưu khắp chỗ để đuổi các khí uế trược nặng nề ra thì bảo không vĩnh tồn sức khỏe sao được? và người luyện đạo cũng nhờ chơn dương ấy mà tạo nên Huệ Mạng Kim Cang. Phải dùng hô hấp mà đem khí hạo nhiên vào chơn thể”
Như vậy, tu Tánh cũng chính là luyện Mạng để thâu nhiếp khí hạo nhiên tức là khí tiên thiên hay dương khí có tác dụng nuôi dưỡng, giữ gìn thân xác cho mạnh khỏe tráng kiện, đồng thời trục đuổi tà khí uế trược nặng nề ra khỏi thể xác, có thể tác động làm thay đổi cả chủng tử thuộc về Nghiệp quả của một con người. Nhưng quan trọng hơn nữa là sự bồi đắp khí tiên thiên qua công phu thiền định còn giúp cho con người đắc quả thành Tiên Phật.
Đức Khổng Thánh dạy:
Tâm là Tánh, là Thần chủ vị,
Mạng là Thân, là Khí viên thông.
Thân Tâm Tánh Mạng tương đồng,
Tánh tu Mạng lập, Mạng tùng Tánh khai.
Tánh Mạng ấy tuy hai mà một,
Mạng Tánh đồng chỗ tột chí chân.
Tiên Thiên thể chất quy huờn,
Thần linh Khí hấp keo sơn chẳng rời.
* Trong phép Song tu Tánh Mạng, các phương pháp dưỡng sinh, vận khí, điều tức, đều thuộc phần hình khí, có thể làm con người mạnh khỏe sống lâu, chớ không thể làm con người đắc Đạo được. Đạo giáo gọi là Liễu Mạng, và công phu tu luyện đó mới đạt được nửa phần, chưa trọn vẹn.
* Còn nửa phần nửa gọi là Liễu Tánh, là ngưng Thần nhập định, tâm tĩnh lặng huyền đồng với Thái Hư Vô Cực, trở nên đắc Nhứt. Tu Tánh là thực hành phép luyện Tiên đơn tối thượng của Lão giáo, tương ứng với Chánh pháp Nhãn tạng của Phật giáo.
Cho nên, - Tu Mạng là siêu phàm,
- Tu Tánh mới là nhập Thánh.
Cổ tiên có nói: Tu Tánh, tiên tu Mạng, phương nhập tu hành kính. Nghĩa là: Muốn tu Tánh, trước phải tu Mạng, thế mới vào đường tu hành chơn chánh.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
“Nếu tu tánh để tạo nguyên thần, thì tu mạng để có nguyên khí. Thần khí đầy đủ là âm dương hiệp nhất, có khả năng kết hợp cùng Trời Đất. Thời mạt kiếp, cơ tận độ sắp bày, người tu hành nhơn đó mà lập công bồi đức để đoạn nghiệp tiền khiên và song song với sứ mạng cứu độ, phải công phu tu tánh luyện mạng để giải thoát luân hồi, tạo cho mình được khả dĩ xứng đáng vào hàng Thần, Thánh, Tiên Phật."
Đức Khổng Thánh dạy:
Làm người phải biết lý nhân sanh,
Biết đến chân tri để thực hành.
Tánh ấy Thần quang minh diệu giác,
Mạng là Tinh Khí bản nguyên thanh.
Tánh nương chân Mạng mà linh mẫn.
Mạng hiệp tánh chân mới bảo thành.
Tóm lại, Tánh và Mạng có quan hệ mật thiết với nhau, nói theo khoa học, có thể nói Tính thuộc về tâm lý, Mạng thuộc về sinh lý. Tâm lý có thể ảnh hưởng đến sinh lý và sinh lý cũng có thể làm thay đổi tâm lý, cho nên hai cả Tánh lẫn Mạng đều phải được cùng lúc tu sửa
III- DIỆU DỤNG CỦA SONG TU TÁNH MẠNG
Tánh nhờ Mạng mà sáng, còn Mạng nhờ Tánh mà bảo tồn. Như vậy, Tánh Mạng là vấn đề mấu chốt trọng yếu của con người. Tánh mà trau sửa được từ phàm ra Thánh sẽ làm cho Mạng được tươi nhuận, đẹp đẽ. Những người tu luyện giữ được nguyên khí thì không đến nỗi phải bệnh hoạn yểu vong, mà cuộc sống thể chất cũng được tráng kiện, hào hùng. Họ ngăn chận phong hàn thữ thấp xâm nhiễm; bá bệnh tiêu trừ và tâm trí được vui, sáng suốt minh mẫn.. Chẳng những thế, mà tinh thần còn được cu diệu, chơn tánh siêu xuất ngoài tam giới, đồng cùng Trời Ðất, không bị một định luật nào làm trở ngại, che lấp được tuệ mạng, diệu tinh, chơn tâm.. Đó chính là diệu dụng của việc song tu Tánh Mạng như lời dạy của Đức Giáo Tông:
"Trên phương diện chơn tu, muốn được hoàn toàn đầy đủ năng lực thể chất để giúp tinh thần hành đạo hăng say thì cũng đều do tự chư hiền đệ hiền muội tạo lấy cả. Công phu tu tánh luyện mạng nếu chưa viên dung thì bảo sao còn những phiền ma não chướng ở thể xác. Tu luyện để có bửu bối giúp cho trí tuệ minh mẫn, tâm thần sáng suốt để giải quyết mọi vấn đề hành đạo cho đúng Thiên lý. Tu luyện còn có cái lợi ích thiết thực thay đổi diện mạo được khôi ngô, tác phong đạo hạnh thuần hòa, từ ái nghiêm trang khiêm tốn để gây thiện cảm lòng tin với mọi người. Đó là điều kiện để trợ duyên cho công cuộc thế Thiên hành đạo, phổ truyền giáo lý cứu độ nhơn sanh, chớ không phải tu luyện chỉ mong có việc thành Tiên Phật rồi quên trách nhiệm của mình đang thọ lãnh với Thầy."
Nếu biết tu Tánh luyện mạng, tức là con người biết tự quán xét thân mình, nhận ra đâu là phải trái, sửa đổi tánh tình, từ bỏ những tham dục thấp hèn, không chỉ tự sửa được số phận, định mệnh của mình trong hiện kiếp, mà còn tập làm hiền nhân rồi Thánh nhân, sống theo lòng Trời Đất, thì dù sống giữa cõi tạm trần ai, vẫn tìm thấy hạnh phúc an vui như nơi chốn thiên đàng cực lạc. Đức Giáo Tông đã xác nhận điều này như sau:
"Con người có tánh mạng. Tánh là Thiên tánh, Mạng là Thiên mạng, hai tú khí âm dương tạo thành là bản thể của Thiên Địa vạn vật. Nếu biết tu tánh, đừng để tánh bị muội mê bởi tham dục che lấp vì danh lợi tình tiền. Những thứ vật vô thường đã đã gây cho con người biết bao thảm họa triền miên từ kiếp này sang kiếp khác. Biết tu tánh thời không tham, thì vẫn có mà ăn, mà mặc, không tranh đấu mà vẫn có chỗ ở, không lăn thân vào chỗ đau khổ mà vẫn có địa vị con người. Do đó, tu tánh là ánh linh sáng chói trong muôn ngàn nẻo Thánh. Còn biết luyện mạng là Thiên mạng hằng tại, không thiên không lệch, không ô nhiễm tham dục, trên thuận cùng Trời, dưới an vui bốn cõi, hòa mình khắp chốn, lòng dân là lòng ta, lòng ta là lòng Trời, sống thì Thánh, thác thì thiêng. Ôi nội Thánh ngoại vương, sống hằng sống trong cõi thiên đàng cực lạc thì vẫn còn mơ ước gì nữa; Phật Tiên cũng chỉ thế thôi."
Bởi vì thực hành được phép Song tu Tánh Mạng một cách rốt ráo, con người không
chỉ tìm thấy sự an vui cho riêng mình mà còn hòa mình cùng với thiên nhiên, hòa hợp với cộng đồng để góp phần xây dựng một xã hội thái hòa an lạc như lời Đức Đông Phương Lão Tổ:
"Đại Đạo thì rất giản dị, chỉ có âm dương, thần khí, tánh mạng đó thôi. Người biết có tánh mạng, biết dụng chỗ âm dương, thần khí để nuôi dưỡng tánh mạng, thì sự sống mới hòa nhịp được với thiên nhiên để tâm hồn được sáng suốt vững vàng, sẽ hòa hợp được với đời hầu xây dựng đời an lạc thái bình."
IV-LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỰC HIỆN SONG TU TÁNH MẠNG
Theo Lão Giáo: phép Song tu Tánh Mạng bao gồm 4 điểm mà người tu Tiên phải thực hành:
- Điểu hòa nhịp thở bằng tâm dựa vào sự hợp nhất giữa thần và khí , tức tâm vận hành theo nhịp thở , tâm hòa hợp cùng nhịp thở . Đó là nền tảng để cân bằng sức sống.
-Ăn uống bồi bổ:
-Vận động toàn thân
-Tĩnh tọa ngồi thiền
Ngày nay, Tân Pháp Cao Đài cũng không khác mấy với Cựu pháp của Tiên gia
1-Ăn chay là bước khởi đầu thực hiện Song tu Tánh Mạng
Để thực hiện phép Song Tu Tánh Mạng một cách hiệu quả, điều kiện đầu tiên là phải ăn chay. Ngay trong ý nghĩa của việc ăn chay cũng thể hiện việc tu Tánh luyện Mạng. Bởi vì người ăn chay, theo Lão giáo tự ngàn xưa, tinh thần và thể xác thanh thoát, trút bỏ mọi tà uế. Vương Thường Nguyệt Tổ Sư nói rằng: “Chân tính mọi sự vật trên thế gian này đều do trời Đất , tinh khí hóa thành như nhân lọai vậy, chúng cũng có quyền sinh tồn, bình đẳng. Chính sự tham lam của loài người đã tàn phá môi trường của chúng , giết chết chúng, nên đã gây nên không biết bao nhiêu nghiệp chướng, phá vỡ trái tim từ bi , người ăn chay là biểu hiện cụ thể trong việc cấm giết chóc” . Đây cũng là chân lý trong Tam Kỳ Phổ Độ:
Thương súc vật đồng bào ruột thịt,
Không nỡ lòng giết chết thú cầm;
Đó là con được chữ tâm
Chữ tâm bác ái ham làm việc nhân.
Đức Từ Tôn hằng nhắc nhở:
”Chẳng những các con mà cả vạn vật, như loài sanh cầm hạ thú đều được một điểm linh quang để sống. Sống với không khí của Tạo Công vận hành cung cấp. Như vậy, sự liên hệ nhau về linh hồn, nên Mẹ khuyên các con phải thương yêu chúng nó, để cho nó tiến hóa thêm theo luật tuần huờn. Như các con tu làm điều ích lợi giúp đời để các con tiến hóa lên hàng Tiên Thánh. Vì thế, luật buộc các con phải ăn chay để giữ lòng bác ái đối với vạn vật.”
- Ăn chay vừa là nuôi dưỡng lòng bác ái, từ bi tức tu Tánh mà cũng vừa mang lại sức khỏe cho bản thân tức tu Mạng.
“Thiên cơ muốn thấu phải tu hành,
Chay lạt là phương pháp dưỡng sinh.
Gội rửa lần lần thân trọng trược,
Cho hồn thọ bẩm điển khinh thanh.”
(…)
Tập ăn chay để khử lòng trần;
Bao nhiêu ái ố tham sân,
Bao nhiêu thói xấu rửa lần cho thanh.
- Ăn chay còn là để tránh tạo nghiệp sát sanh sẽ đưa đến thành cộng nghiệp cho cả nhân loại như lời Thánh giáo:
.“Khuyên chư hiền ăn chay, ngoài sự dưỡng sinh thanh khiết về thể chất lại còn tập cho tinh thần tránh nghiệp sát sanh. Rất đổi con tép mòng con cá nhỏ tí ti còn không nỡ giết huống hồ chi sanh mạng con người là quí đến ngần nào. Tác dụng của nó là tránh giết hại lẫn nhau giữa người với người, vì đời chiến tranh loạn lạc bởi không có tư tưởng ấy mà gây nên. Như vậy sự khuyên ăn chay lạt ngoài các yếu tố vệ sinh dưỡng sinh tinh khiết thanh đạm, quí trọng mạng sống từ loài vật đến con người lại còn có tác dụng là tránh cảnh giết hại lẫn nhau để đưa đến hoàn cầu náo động.”
-Việc ăn chay ảnh hưởng đến xác thân tức góp phần trực tiếp vào việc luyện Mạng, gián tiếp đến phần tu Tánh, Ơn Trên dạy:
."Đã là mang thể xác phàm trần, trong đó có thập tam ma và lục căn lục thức lục trần, có lúc thì tâm hồn mình là Thượng Đế, là Phật Tiên Thánh, cũng có lúc tâm hồn mình có những ý nghĩ quá tầm thường, chưa nói đến tội lỗi. Thế nên cần có sự chay lạt, trước tiên là để khử trược phân thanh, không ăn huyết nhục để khỏi chịu ảnh hưởng không tốt từ thú tính còn lại.
Thân thể có được trong sạch, huyết nhục có được khinh thanh thì tâm hồn tánh nết mới được dịu dàng, trí tuệ mới được minh mẩn, thì lời nói mới được dịu dàng khả ái, hành động mới được phúc đức. Chớ không phải ăn chay để thành Phật Thánh Tiên, mà nó cũng là điều kiện tối thiểu cho khởi thủy của việc thành Phật Tiên Thánh nếu có những điều kiện về nội tâm và ngoại thể kế tiếp như đã dạy trên.”
2-Điều tiết trong việc ăn uống
Không chỉ đề cập đến việc ăn chay lạt, phép Song tu Tánh Mạng còn đòi hỏi người phải biết điều tiết trong việc ăn uống, vì nó trực tiếp tác động đến phần thân xác của con người, tức phải có kiến thức về dưỡng sinh. Không phải đến bây giờ với sự tiến bộ của khoa học phương Tây con người mới biết đến phép dưỡng sinh, mà từ ngàn xưa, các Đạo gia cũng đã có đưa ra phương pháp dưỡng sinh không khác với khoa học ngày nay.
Theo Lão giáo, phép Song tu Tánh Mạng gồm nội tu và ngoại dưỡng. Nội tu là công phu thiền định và ngoại dưỡng là phép dưỡng sinh. Theo các Đạo gia, việc ăn uống phải điều tiết. Cát Hồng đời Tấn cho rằng “người biết dưỡng sinh thì không ăn quá no, uống không quá nhiều. Sách Thượng Thư nhấn mạnh: ăn uống phải đúng lúc; trong Ẩm thực chính yếu ghi: “Ăn buổi chiều không tốt bằng ăn buổi sáng, ăn nhiều lần nhưng ăn ít, không nên ăn một bữa quá nhiều. Sách “Tu chân bí yếu”: nên ăn ít, không nên ăn một lần, thường như “no trong đói, đói trong no” mới tốt . Bảo Phác Tử viết: “Nếu muốn trường sinh, dạ dày thường phải sạch, nếu muốn sống, dạ dày phải không có phân ”. Trong Thiên Kim Dực phương khuyên rằng:”Không nên vì quá đói mà ăn, ăn không được quá no, không được quá khát mà uống, không nên uống quá nhiều”. Trong” Xuẩn Tử Y” có ghi: “Dù thức ăn có hợp khẩu vị nhưng không được ăn thoải mái, cỉ được ăn tám phần” Sáng không để bụng trống và tối không ăn quá no. Những điều này đến nay vẫn chính là những lời khuyên của các nhà dưỡng sinh Tây phương.
Trong việc điều tiết ăn uống, ngoài việc chú ý hạn chế những thức ăn theo sở thích của bản thân, còn phải dựa vào tình trạng khí huyết âm dương và tính năng khoa học của thực phẩm để chọn thức ăn: dùng nhiều chất chua hại tỳ, (đau bao tử) nhiều chất đắng thì hại phổi, nhiều chất cay thì hại gan, nhiều chất ngọt thì hại thận ( tiểu đường), nhiều chất mặn thì hại tim. Trong sách Chân nhân dưỡng sinh minh có ghi: Chua hại gân, đắng hại xương, ngọt không có lợi cho thịt, cay thì hư khí,mặn làm giảm tuổi thọ.
Những thực phẩm gia vị dùng thường ngày như tỏi, hành, gừng, tiêu, ớt… thuộc dạng thực phẩm có tính nóng, cay, ăn ít có tác dụng thông dương kiện vị, nhưng nếu ăn nhiều thì có thể làm tản khí hại âm, mất máu, ảnh hưởng độ sáng của mắt, viêm nhiễm do nhiệt. Ăn uống phải thích hợp với nhu cầu của cơ thể .Ăn nhiều chất béo thì dễ dẫn đến các chứng bệnh bán thân bất toại, bị liệt một bộ phận cơ thể, khó thở, ung nhọt.
Theo các Đạo gia, trong bốn mùa, mỗi mùa đều có những thứ thích hợp và những thứ cần kiêng cữ, thể phách thịnh suy, phải bồi bổ thường xuyên. Mức độ rất chi tiết, ngay đến việc uống trà cũng có quy định.
-Vào mùa xuân, thức ăn phải giảm chua, tăng ngọt để dưỡng tỳ khí. Mùa hè nên bớt các thức ăn có vị đắng, ăn nhiều chất cay, để dưỡng khí phổi khí tim. Mùa thu nên ăn những thức ăn có nhiều chất chua, ít cay để dưỡng gan. Mùa đông thận có nước, vị mặn, e là thủy khắc hỏa, nên phải dưỡng tim.
Trong Nội Kinh có ghi: “Ai biết được quy luật Âm Dương và thuật số, ăn uống theo mùa, cuộc sống hằng ngày đi vào nề nếp thì có thể sống đến trăm tuổi” Đức Khổng Tử cũng là người rất chú trọng đến mối quan hệ giữa sức khỏe, sống thọ và ăn uống. Ngài dạy rằng: Con người chết đi là ba lý do, không phải bởi số mệnh, mà là tự mình cuốc lấy. Chỗ ngủ không thích hợp, ăn uống không điều độ, lao động quá sức, dẫn đến bệnh tật mà chết”
Theo các nhà dưỡng sinh Đạo giáo, muốn được trường sinh bất tử, nhục thể thành tiên, nên bắt đầu từ sự bảo vệ, chăm lo bản thân và mạng sống của mình. Bởi vì “ Bản thân mà không trong sạch thì sao có thể làm trong sạch được ai? Không yêu thương mình thì còn có thể yêu thương ai? Không nghĩ cho bản thân mình thì còn nghĩ đến ai? Có thân mà không tự chịu trách nhiệm thì còn có trách nhiệm với ai?”
Thánh giáo Cao Đài cũng đã nhắc nhở việc luyện Mạng có liên quan đến việc ăn uống: “Chính chư hiền ngày nay mang một bộ máy tối linh hoạt động hằng ngày, hư không biết chỗ sửa, không biết sẽ ngưng đi lúc nào, cũng chính mình không biết ăn, uống, thở và tiêu hóa cần ở sự kiện nào trong cuộc sống, và nếu không, cần phải có một phương pháp nào? Nếu như thế mãi thì kiếp nhơn sanh là một kiếp vô dụng.
Không chỉ điều tiết ăn uống, người tu Tánh luyện mạng còn phải tránh làm những việc có thể làm tổn hại đến thân thể: ăn xong mà nằm ngay là việc có hại; lòng đầy ham muốn là có hại; suy tư phiền não là việc có hại. Phải biết sống hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe. Sách “Dưỡng tính diên mệnh lục” có ghi: : nhìn lâu tổn hại đến máu, nằm lâu tổn hại đến khí, đứng lâu tổn hại đến xương , đi lâu tổn hại đến gân, ngồi lâu tổn hại đến thịt.
3-Công phu tu tịnh:
Cuối cùng để thực hiện phép Song tu Tánh Mạng, việc công phu tu tịnh là tối cần thiết để điều hòa cả về Thần, Khí mà Tân pháp Cao Đài là pháp môn Đại Ân Xá, là con đường ngắn nhất để cho hành giả của kỷ nguyên tận độ rời khỏi bến mê, bước sang bờ giác
Đức Thanh Hư Đạo Đức Chơn Quân dạy:
“Người sanh trên thế gian là tạm một cái vỏ huyết nhục để luân chuyển trong cuộc luân chuyển tuần huờn. Trong đấy có cái nguyên nhân bản thể của mỗi người, từ vật chất đến tinh thần, từ thể phách đến linh hồn đều phải có một điểm lưu hành trong ngôi Tạo Hóa. Muốn cho cái điểm ấy được linh quang chiếu diệu, thì cần tu tánh luyện mạng. Trên đường tu tánh luyện mạng, không cứ ở non cao rừng thẳm, cũng phải tùy thời kỳ, hoặc xuất thế hoặc nhập thế.
Như thời kỳ nầy, Đức Thượng-Đế đại ân xá, mở rộng pháp môn để ban hành cho vạn linh sanh chúng dễ dàng vượt qua khỏi nhịp cầu ô trược, thoát cõi trần cấu vô minh, lên một từng xán lạn thanh cao, hầu tu luyện tiếp nối tái tạo lại Thánh-Đức nguyên nhân đã từ lâu bị đắm chìm trong dục giới.”
Tu tánh tức là luyện thần để cho điểm Tiểu Linh Quang trở nên sáng suốt linh diệu, có đủ quyền năng sánh cùng Trời Đất trong thế Tam Tài. Tuy nhiên, sự luyện thần chỉ hoàn chỉnh khi được chuẩn bị và hổ trợ bởi việc luyện kỷ để chế phục thất tình lục dục, tạo điều kiện cho thần tĩnh lặng, phàm tánh trở thành Chơn Tánh, Nguyên Tánh.
Tu mạng là luyện khí và luyện tinh, mà chủ yếu là luyện khí. Tuy có sự minh định về tu tánh và tu mạng, nhưng đó là hai việc không thể tách rời nhau, vì phải luôn có sự kết hợp đồng bộ giữa tinh, khí, thần trong quá trình tu luyện. Thần có tĩnh lặng mới có thể chủ động dẫn khí hậu thiên (dưỡng khí thông thường) trong từng hơi thở để chế luyện thành Khí Tiên Thiên Tác dụng đầu tiên là thân sanh khoẻ mạnh, hình thể tươi nhuận và tinh thần trở nên linh hoạt sáng suốt hơn, sự sống và sức sống càng phát triển. Khí Tiên Thiên càng tích lũy được nhiều, sự sống càng dài lâu. Nếu tu tánh để tạo nguyên thần, thì tu mạng để có nguyên khí. Thần khí đầy đủ là âm dương hiệp nhất, có khả năng kết hợp cùng Trời Đất. "Thời mạt kiếp, cơ tận độ sắp bày, người tu hành nhơn đó mà lập công bồi đức để đoạn nghiệp tiền khiên và song song với sứ mạng cứu độ, phải công phu tu tánh luyện mạng để giải thoát luân hồi, tạo cho mình được khả dĩ xứng đáng vào hàng Thần, Thánh, Tiên Phật."5
Ðức Ðông Phương Lão Tổ cũng có dạy rằng: Cách luyện nầy chỉ có Âm Dương, thần khí và tánh mạng (tu Tánh luyện Mạng) hay là câu luyện khí công để nuôi trí não, luyện trí não để mở khiếu "Huyền Quan", để chơn Thần được xuất ra dễ dàng mà trở về nơi quê xưa chốn cũ.
Tóm lại: Vấn đề tu hành để đắc được quả vị chỉ có: Ðịnh tâm sửa tánh, gìn giữ bổn mạng và tu luyện cho Thần Khí khai thông các huyệt đạo thì chân Thần mới xuất ra được mà trở về.
Nghĩa là: Ðịnh được tâm đừng để vướng mắc các ngục tù như: tửu sắc tài khí, tham sân si dục, sanh lão bịnh tử. Sửa đổi tánh phàm trở thành tánh Thánh nhân. Gìn giữ bổn mạng cho không bịnh hoạn, đầy đủ sức khỏe để làm công quả trả nợ tiền khiên, và lo công phu thiền định để gột rửa linh hồn.
Thế gian là môi trường thuận lợi nhất để học tập, rèn luyện. Thân xác là phương tiện thích hợp nhất cho sự rèn luyện tại thế gian để phàm tánh và thân mạng thăng hoa thành chơn tánh, chơn mạng trường tồn bất hoại, linh diệu biến thông. Kết quả ấy sẽ đem lại lợi ích cho người tu hành lúc còn sống cũng như sau khi thoát xác. Lúc sống thì thân thể khỏe mạnh, tâm trí sáng suốt, trên thông lý trời, dưới đạt lý đất, chung quanh thì thấu suốt lòng người; đối với xã hội thì hành động ích lợi cho nhân sanh, giáo dân vi thiện, đưa bước đồng loại trở lại quê xưa, hoàn thành sứ mạng Đại thừa Thiên đạo. Lúc bỏ xác là đã đủ điều kiện trở về cõi an lạc vô sanh bất diệt.
KẾT LUẬN :
Thếgian là một cõi đi về, con người từ cõi thượng thiên đến tạm dừng chân để làm tròn sứ mạng vi nhân rồi phải quay về vì sứ mạng con người chỉ chu toàn kết thúc khi con người “trở lại cùng Thầy”
-Tam Kỳ Phổ Độ là giai đoạn cuối cùng, là cơ hội cho con người tu hành giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Con đường quy nguyên phản bổn đã được Đức Đại Từ phụ khai mở với pháp môn Tam Công, trong đó, phương pháp Song tu Tánh Mạng là con đường ngắn nhất để cho con người trở lại bến khởi nguyên, mà cũng là phương tu diệu dụng hợp với thời đại đầy ô nhiễm, độc khí lan tràn sẽ giúp hành giả có đủ điều kiện chống chỏi với muôn vàn nghiệp lực tiền khiên trên bước đường thiên lý diệu vợi. Hãy vững niềm tin để đón nhận ân điển thiêng liêng của Đức Cha Trời đang trùng trùng ban rải ./.
Tài liệu tham khảo:
_Đạo Học Chỉ Nam
_Văn hóa dưỡng sinh trong Đạo giáo của Thư Đại Phong, Thanh Minh biên dịch, NXB Lao Động
_Đại Thừa Chơn Giáo
_ Thánh giáo tại NGỌC MINH ĐÀI, Tuất thời Rằm tháng 6 Mậu Thân (10-7-1968)
_ Thánh giáo Đức Giáo Tông 15-10 Canh Tuất 13-11-1970
_Thánh giáo Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 30 rạng 01-01 Đinh Tỵ (17-02-1977);
_ Thánh giáo Đức Đông Phương Lão Tổ; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 04-06 Tân Dậu (05-07-1981)
_ Văn Hóa Dưỡng sinh trong Đạo giáo
_Thánh giáo Đức Vô Cực Từ Tôn, Thánh tịnh Kim Thành Long , Tý thời,18 tháng 2 Quí Sửu (22-3-73)
_Thánh giáo tại NGỌC MINH ĐÀI, Tuất thời Rằm tháng 6 Mậu Thân (10-7-1968)
_Thánh giáo tại Vĩnh Nguyên Tự, Hợi thời, 18-01 Nhâm Tuất (11-02-1982); Thánh Giáo Nguyên Bổn ↩