Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Hỡi các con ! Hẳn các con có nghe câu : "Thiên Địa tuần hoàn, châu vi phục thỉ". Tuy ...
-
Theo cuốn Hội chân biên của Thanh Hoà Tử, in vào năm thứ 7 đời Thiệu Trị (1847), thì ở ...
-
Ngoài cuốn ĐẠO ĐỨC KINH, Đức còn để lại cho đời nhiều cuốn kinh khác : KINH CẢM ỨNG dạy về ...
-
Đoàn Thị Điểm hiệu Hồng Hà Nữ Sĩ, biệt hiệu Bang Tang, quê làng Hiếu Phạm (còn gọi Giai Phạm ...
-
Đôi khi tôi tự hỏi: điều gì đã làm nên sự sống của tôi? Có phải do công cha nghĩa mẹ ...
-
Một đoàn các nhà leo núi gồm nhiều tín ngưỡng khác nhau đã tổ chức leo núi vì hòa bình. Đỉnh ...
-
Đức Thích Ca Mâu Ni thương xót tất cả chúng sanh. Dưới mắt Phật tuy muôn loài có hình dạng ...
-
Thông thường, khi muốn nói đến một tổng thể bao gồm tất cả Trời đất vạn vật, chúng ta dùng ...
-
Cơ Đạo cấp thiết, đại cuộc lớn lao, cần có những đoàn người hy sinh, hiến dâng cho mục đích ...
-
Tín ngưỡng và tôn giáo là những đề tài phong phú xưa nay đã thu hút rất nhiều học giả, ...
-
Trong huấn từ của Đức Chí Tôn do Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo tuyên đọc ngày 29-02 Mậu ...
-
Chư hiền đệ hiền muội ! Bốn mươi hai năm khai đạo và giáo đạo vừa qua, chính Đức CHÍ ...
http://vn.360plus.yahoo.com/kimchung_y4/article?new=1&mid=888
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 16/02/2011
Ý nghĩa ngày lễ Thượng ngươn Thiên Quan Tứ Phước
Ý NGHĨA NGÀY RẰM THƯỢNG NGƯƠN THIÊN QUAN TỨ PHƯỚC
Tranh tết Thiên quan Tứ phước
Phép làm âm lịch thời xưa gọi ngày rằm tháng Giêng là thượng nguyên 上元, rằm tháng Bảy là trung nguyên 中元, rằm tháng Mười gọi là hạ nguyên 下元. Đó là ba ngày rằm lớn trong năm. Người miền Nam đọc nguyên chệch đi là nguơn.
Ở Trung Quốc, đêm rằm thượng nguơn cũng gọi là (đêm) nguyên tiêu 元宵 (tiêu là ban đêm). Người ta mở hội hoa đăng, tức là giăng dây treo đèn lồng rất nhiều. Tương truyền tục này có từ thời Hán Minh đế 漢明帝 (trị vì 58-76).
Lời truyền rằng một đêm Hán Minh đế nằm mộng thấy một vị mình vàng, cao lớn, tỏa sáng hào quang hiện ra trên không trung. Sáng hôm sau, vua hỏi các quan xem giấc mộng đó có ý nghĩa gì. Quan Thái sử bói xong, quỳ tâu: “Thần nghe rằng ở Tây Vức có Đức Phật. Bệ hạ mộng thấy người vàng, thì nhất định đó là Đức Phật vậy.”
Sau đó, Hán Minh đế phái đoàn sứ giả mười tám người qua Ấn Độ cầu Phật pháp. Họ gặp được đại sư Ca-diếp Ma-đằng (Kasyapa-Matanga), bèn thỉnh về Trung Quốc hoằng giáo. Đại sư nhận lời, cùng đi có bạn đạo thân thiết là đại sư Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa). Hán Minh đế mời hai vị về tu ở chùa Bạch Mã tại thành Lạc Dương.
Các đạo sĩ không hài lòng khi thấy vua sùng thượng đạo Phật. Năm 72, ngày đầu xuân, các đạo sĩ dâng sớ xin Hán Minh đế cho phép họ cùng tranh tài với hai đại sư. Vua thuận, cho tổ chức tranh tài ở chùa Bạch Mã. Theo truyền tụng, cuộc đấu phép rất ly kỳ, cuối cùng hai đại sư đã đánh bại hơn sáu trăm đạo sĩ. Nhân chiến thắng đó, vua Hán Minh đế xuống chiếu cho thắp đèn suốt đêm rằm thượng nguơn.[1] Sau này họ còn đốt thêm pháo bông.
Nhưng đối với phần đông người Hoa và Việt thì rằm thượng nguơn cũng là ngày Thiên quan Tứ phước.
1. Thiên quan Tứ phước trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam
Từ xưa đến nay, đồng bào Việt và Hoa đến ngày rằm tháng Giêng, nhân tiết xuân còn đượm, thường hay tổ chức hành hương các chùa để cầu phước, mong được mua may bán đắt, danh lợi hanh thông… Tục này đi kèm theo câu nói dân gian: “Ăn chay cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng.” Một trong những điểm hành hương tiêu biểu tại miền Nam là chùa Bà (chùa Thiên Hậu) ở số 18 đường Hùng Vương, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Thật ra, phần đông đều không hiểu đấy là tập tục của đạo Lão Trung Quốc nhưng trải qua lâu đời đã trộn lẫn vào tín ngưỡng dân gian và hòa vào đạo Phật của quần chúng bình dân.
Lễ rằm tháng Giêng chính là lễ Thiên quan Tứ phước (vị quan nhà Trời ban phúc lành cho dân chúng). Ở các khu người Hoa, phía trước nhà luôn có bàn thờ nho nhỏ để ở cửa, chỗ hàng ba (sát bậc thềm), hoặc gắn trên tường, rất đơn giản, kèm theo một linh vị (tablet) nền đỏ son, viết bốn chữ Hán bằng sơn nhũ vàng: 天官賜福 Thiên quan Tứ phước.
Thiên Quan Tứ Phước-Tranh Tết Trung Quốc
Ở miền quê Nam Kỳ Lục Tỉnh, có bàn thờ ông Thiên ngoài sân, là một trụ cột ngang tầm ngực, trên đầu cột chỉ là mảnh ván vuông và bát nhang, không có ảnh tượng thờ hay linh vị. Về sau người ta xây gạch. Những người sống trên sông nước thì lập bàn thờ ông Thiên ở đầu mũi ghe. Đó cũng là “biến tấu” của bàn thờ Thiên quan Tứ phước. Theo nhà văn Bình Nguyên Lộc, “Trước năm 1945 ở thôn quê ta, trong 100 nhà, có ít lắm là 80 nhà có bàn thờ ông Thiên.” [2] Bàn thờ này còn gọi tắt là bàn Thiên, đã sớm đi vào ca dao:
Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Vào cuối thập niên 1960 hay đầu những năm 1970, bàn Thiên đã đi vào bản nhạc trữ tình “Đêm trên quê hương” giữa thời chiến loạn của cố nhạc sĩ tài hoa Trầm Tử Thiêng (Nguyễn Văn Lợi, 1937-2000):
“Từng đêm trước bàn Thiên, mẹ thương con khấn nguyện hàng giờ. Đêm lặng lẽ theo làn hương, niềm tin bay khắp ngoài chiến trường…”
2. Nguồn gốc Thiên quan Tứ phước trong lịch sử đạo Lão Trung Quốc
Từ xa xưa người dân Trung Quốc đã có tục thờ trời, đất, nước (đạo Lão gọi là Tam nguyên hay Tam nguơn 三元). Rồi sau các đạo sĩ nhân đó đặt ra tên gọi Thiên quan 天官 (quan Trời), Địa quan 地官 (quan Đất) và Thủy quan 水官 (quan Nước), gọi chung là Tam quan 三官 (ba ông quan).
Theo các đạo sĩ đời Đông Hán (25-220), khí trời chủ về sinh sôi 生 nên Thiên quan trông coi việc “tứ phúc” 賜福 (ban phúc), khí đất chủ về thành tựu 成 nên Địa quan trông coi việc “xá tội” 赦罪 (tha tội), khí nước chủ về biến hóa 化 nên Thủy quan trông coi việc “giải ách” 解厄 (tiêu trừ tai họa, ách nạn).
Đầu đời Đông Hán, giáo phái Thái bình đạo 太平道 của Trương Giác 張角 (140?-184) và phái Ngũ đấu mễ đạo 五斗米道 (đạo Năm đấu gạo)[3] của Trương Lỗ 張魯 có phép trị bệnh gọi là “Tam quan thủ thư” 三官手書 (tay viết tên Tam quan). Đạo sĩ viết tên ba vị Tam quan và tên họ bệnh nhân trên ba tờ giấy. Một tờ chôn đỉnh núi, một tờ chôn xuống đất, một tờ ném xuống nước, để cầu xin Tam quan ban phước, xá tội, và giải trừ tai ách cho bệnh nhân.
Ngũ đấu mễ đạo rất có thanh thế trong dân gian vì người Trung Quốc có xu hướng ưa chuộng những chuyện thần tiên kỳ bí. Có sách giải thích lý do có tên gọi Ngũ đấu mễ đạo là vì người nào muốn vào đạo phải làm lễ ra mắt bằng cách cúng năm đấu gạo (họ gọi là “tín mễ” 信米 tức là gạo của đức tin).
Đến đời Tống (960-1279), các đạo sĩ kết hợp Tam quan với Tam nguyên (nguơn), cho nên Tam quan cũng gọi là Tam nguyên (nguơn). Tam nguyên ở đây có nghĩa là ba ngày rằm lớn trong năm.
Thượng nguyên Thiên quan 上元天官 là ngày rằm tháng Giêng.
Trung nguyên Địa quan 中元地官 là ngày rằm tháng Bảy (xá tội vong nhân, cúng cô hồn, làm lễ Vu lan…). Có nơi Phật tử lấy ngày rằm trung nguơn làm lễ vía Địa tạng vương Bồ tát.
Hạ nguyên Thủy quan 下元水官 là ngày rằm tháng Mười. Thủy quan liên hệ tới giải ách (tiêu trừ tai ách), phải chăng vì thế mà Khai minh Đại đạo đã tổ chức vào rằm tháng Mười với ý nghĩa cứu độ nhân loài?
Trong huyền sử Trung Quốc có ba vị thánh vương là vua Nghiêu 堯, vua Thuấn 舜, vua Vũ 禹 được gọi là Tam nguyên Đại đế 三元大帝 (hay Tam quan Đại đế 三官大帝).
Huyền sử chỉ ghi vua Nghiêu lên ngôi 2356 trước Công nguyên (TCN), vua Thuấn 2255 TCN, vua Vũ 2205 TCN. Không thấy nói ba vị sinh ngày nào. Nhưng người Trung Quốc cứ theo thứ tự mà xếp ba vua lần lượt vào ba ngày rằm. Thế là: Vua Đường Nghiêu 唐堯 sinh vào thượng nguơn nên được tôn làm Thiên quan. Vua Ngu Thuấn 虞舜 sinh vào trung nguơn nên được tôn làm Địa quan. Vua Đại Vũ 大禹 sinh vào hạ nguơn nên được tôn làm Thủy quan. Ba vị này trông coi việc thưởng phạt tội phước thiện ác của người đời. Tam quan Đại đế cũng gọi là Tam giới công 三界公 (các vị coi ba cõi).
3. Mùa Xuân và lễ Thiên quan Tứ phước
Cuối năm cũ, chuẩn bị đón năm mới, để cầu Thiên quan ban phước lộc, dân gian Trung Quốc thường dán trước cửa nhà hình Thiên quan và các chữ như: Thiên quan Tứ phước 天官賜福 (Quan Trời ban phước); Cát khánh hữu dư 吉慶有餘 (Tốt lành dư dật); Thụ Thiên bách lộc 受天百禄 (Nhận trăm lộc của Trời), v.v.
Tranh tết của dân gian Trung Quốc (gọi là “niên họa” 年畫) thường in hình Thiên quan. Dân gian thường vẽ Thiên quan là ông quan mặc triều phục (áo mão trịnh trọng), hai tay giơ cao bốn chữ Hán “Thiên quan Tứ phước”.
Đón Xuân vui Tết, người Hoa còn tổ chức các sân khấu biểu diễn hoạt cảnh Thiên quan Tứ phước để chúc phước cho khán giả. Chẳng hạn, ở thành phố Đài Đông (Đài Loan) người ta cho diễn viên đeo mặt nạ đóng vai Thiên quan; cuối màn ông này sẽ căng bốn chữ Thiên quan Tứ phước để chúc phước cho khán giả đã mất tiền mua vé để mua hy vọng cho năm mới. Dĩ nhiên Thiên quan sẽ lì xì cho khán giả lấy hên.
Ở chùa Bà (số 18 đường Hùng Vương, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), người ta cũng hóa trang làm Thiên quan (áo mão đỏ chói) đi xuống lộ để lì xì chúc phước cho khách hành hương.
Thiên quan Tứ phước (chùa Bà, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Tại Trung Quốc, trong hội hoa đăng nguyên tiêu, người ta thi tài khéo tay làm lồng đèn đủ loại, kể cả lâu đài thành quách, chim muông… Dĩ nhiên họ cũng làm lồng đèn Thiên quan Tứ phước, là hình một ông quan cầm cành hoa ban lộc, đứng trên con dơi chúc đầu xuống đất. Chữ Hán gọi con dơi là biên bức 蝙蝠, nói tắt là bức, phát âm là “phủ”, nghe y hệt chữ phúc (phước) 福 cũng phát âm là “phủ”. Con dơi chúc đầu xuống đất, tức là con dơi treo ngược, chữ Hán gọi là đảo bức 倒蝠, phát âm là “tào phủ” nghe na ná hai âm “táo phủ” tức là đáo phúc 到福 (cái phước tới với mình). Trên hai cánh dơi giang rộng ra có hình hai đồng tiền, ngụ ý có phước thì phát tài. Như thế, cái lồng đèn Thiên quan Tứ phước trong hội hoa đăng lễ nguyên tiêu là một lời chúc lành, hay là ước nguyện cầu xin phước lành và tài lộc.
http://vn.360plus.yahoo.com/kimchung_y4/article?new=1&mid=888