Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Tóm lược. Bài viết này chủ yếu diễn giải lời dạy của Đức Lý Giáo Tông về việc cần phát ...
-
Thanh An Tự là tên ngôi chùa của đàn Minh Thiện. Tọa lạc trên đường Hùng Vương, thị xã Thủ ...
-
Trướt hết, cần tìm hiểu hai chữ "đồng hành". Theo nghĩa hẹp, đồng hành là "cùng đi", nhưng cùng đi trong ...
-
Không tính (zh. 空, 空 性, sa. śūnya, tính từ, sa. śūnyatā, danh từ, bo. stong pa nyid སྟོང་པ་ཉིད་), nghĩa ...
-
Người đạo Cao Đài phải có ý thức sứ mạng thật sáng tỏ. Theo đuổi mục đích “Thế đạo đại ...
-
Trước khi bàn về “Xu hướng hành đạo của đạo Cao Đài trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập ...
-
Đức Chí Tôn và các hàng Phật Tiên Thánh Thần đồng giáng thế bằng linh điển, diễn giải những bí ...
-
Lịch sử đạo Cao Đài cho thấy đức tin Cao Đài, từ lúc chưa có đến lúc lập thành vững ...
-
Nói đến Giuđa Iscariốt, ai cũng biết, Oâng là kẻ phản bội Chúa Giêsu, là kẻ bán đứng Thầy mình. ...
-
Hải Thượng Lãn Ông là tên hiệu của Lê Hữu Trác (còn có tên là Lê Hữu Huân), một nho ...
-
“ NGỌC ĐIỆN HUỲNH HÀ” là một trong Thất Thập Nhi Tịnh trực thuộc Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, ...
-
“Quyền pháp Đạo không là điều cai trị. Quyền pháp Đạo chính là sự thương yêu, giải thoát cai trị ...
Hồng Phúc
Kinh Thánh Thiên Chúa nhìn từ Phương Đông
Bích họa (fresco: tranh vẽ trên tường) của danh họa người Ý Perugino (1445- 1523?) tại nhà nguyện (chapel) Sistine của Vatican, nơi bầu Giáo Hoàng. Nhà nguyện này cất do lệnh Giáo Hoàng Sixtus IV, nên được mang tên Ngài.
Theo truyền thống tôn giáo có từ lâu đời của Do Thái, từ trước thế kỷ 13 trước Công nguyên đã có một số ngôn sứ (tiên tri) Do Thái được Đấng Thiên Chúa Yavê mạc khải dạy bảo, rồi những lời ấy được truyền khẩu hay ghi lại bằng ngôn ngữ thuật sự, trong đó có chỗ Thiên Chúa được đặt ở ngôi thứ ba.
Thí dụ: Khởi thuỷ Thiên Chúa đã dựng nên Trời và đất (Kn:1.1). Người Do Thái và Thiên Chúa giáo tin các kinh sách chép những lời ấy, kể cả những sách không có lời Chúa phán dạy nhưng có nội dung dạy đạo đức, khôn ngoan như sách Cách ngôn, Giảng viên… và thư của các tông đồ Phêrô, Phaolô, Gioan, Giacôbê… cũng đều được gọi là "Lời Chúa" tức Kinh Thánh.
Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo gồm Cựu Ước và Tân Ước. "Cựu ước" có nghĩa là "giao ước cũ", trình thuật về diễn tiến lịch sử dân Do Thái, trong đó có mấy lần Thiên Chúa Yavê giao ước với loài người: lần I, giao ước với Noê; lần II, giao ước với Abraham, tổ phụ dân Do Thái ; lần III, sau khi dân Do Thái rời khỏi Ai Cập, Thiên Chúa truyền "Mười điều răn" và giao ước với toàn dân trên núi Sinai qua trung gian Mosê.
"Tân ước" là "giao ước mới" giữa Thiên Chúa và loài người được hiện thực nơi một nhân vật lịch sử mang thiên tính là Đức Giêsu, vừa là Thiên Chúa, vừa là Con Thiên Chúa. Sứ mạng của Đức Giêsu là làm cho con người trên thế gian nhận ra họ cũng là con Thiên Chúa mà vì vô minh, con người không nhận biết. Trước Thiên Chúa, Ngài là huynh trưởng của loài người.
Xuyên suốt Cựu Ước thể hiện mối Đạo nối tiếp nhau trong giòng thời gian mà gọi theo thuật ngữ Thiên Chúa giáo là Đạo thống, là sự hiện diện của Thiên Chúa qua ngòi bút của các soạn giả, qua ngôn ngữ của các tiên tri: Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật, làm chủ các hiện tượng thiên nhiên, chi phối lịch sử các dân tộc, đặc biệt là dân Do Thái. Thiên Chúa nâng đỡ người lành, trừng phạt kẻ dữ. Tất cả mọi sự, mọi việc thế gian đều tuỳ thuộc quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Vì vậy, Cựu Ước kêu gọi mọi người tôn thờ Thiên Chúa là điều răn thứ nhất. Yêu thương tha nhân nhất là những kẻ yếu đuối, người cùng khổ, mồ côi, goá bụa là điều răn thứ hai vì con người mang hình ảnh Thiên Chúa, tức là mang trong mình một bản tính thiêng liêng. Đây phải chăng chính là ý nghĩa Phật tánh theo đạo Phật, Thiên tánh theo đạo Lão.
Cựu Ước cũng đã gián tiếp đề cập đến Luật Nhân quả qua lịch sử Do Thái và các câu chuyện của các dân tộc vùng Trung cận Đông như nói đến sự đau thương của Davit, sự suy tàn của nền văn minh Ai Cập, sự hoang tàn của thành Yêrusalem, sự tan rã của Babylon… đều là hậu quả của các hành động xấu xa trái ý Thiên Chúa của các vương triều, chính quyền và dân chúng ở những nơi ấy.
Sách Khởi nguyên nói Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người trong 6 ngày, ngày thứ 7 Chúa nghỉ. Điều này về sau bị giới khoa học phản bác, nhất là từ khi có thuyết Big-Bang. Linh mục Trần Phúc Nhân cho rằng: "Lấy khuôn khổ một tuần lễ (6+1) để trình bày việc tạo dựng, và như vậy có ý lấy hoạt động của Thiên Chúa làm gương mẫu cho công việc của con người". Nhưng tại sao có tuần lễ 7 ngày. Số 7 là một huyền số thuộc truyền thống phương Đông, tương truyền là cách chia cung số trong Nhị thập bát tú (4x7=28) ở trên bầu trời cũng lấy theo huyền số 7 này. Cách chia này đã có từ thế kỷ 27 trước Công nguyên, trong đó: 7=3+4 (3 là số Trời và 4 là số Đất). Số 7 là biểu tượng kết hợp của Trời Đất có nghĩa âm dương hoà hợp.
Thật ra, con số 5 mới gọi là Tham Thiên lưỡng Địa tượng trưng sự hòa hợp âm dương. Theo thiển nghĩ, con số 6 ngày sáng tạo vũ trụ mà Kinh Thánh Cựu Ước nói, phải chăng bắt nguồn từ Kinh Dịch, với 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào tượng trưng cho 6 giai đoạn mà tất cả mọi sự vật, sự kiện diễn ra trong vũ trụ đều phải trải qua. Riêng 2 quẻ đầu mối là Kiền và Khôn, còn có thêm hào Dụng Cửu và Dụng Lục được xem như là hào thứ 7.
Đối với sự sáng tạo con người, theo sách Khởi nguyên, Thiên Chúa đã dựng nên một người độc nhất và là đàn ông: "Yavê Thiên Chúa đã nắn hình người với bụi lấy từ đất đai và người đã hà hơi sống vào mũi nó và người đã thành mạng sống" Còn đàn bà thì được dựng nên sau cả dã thú và chim trời, bằng cách làm cho đàn ông ngủ mê, rồi lấy một xương sườn tạo thành người đàn ba. Loài người từ bao nhiêu thế hệ cứ tin theo nghĩa đen như thế, để rồi hoặc tin tưởng một cách tuyệt đối hoặc ngược lại chỉ trích là vô lý.
Phải chăng đây là cách nói ẩn dụ: Nguồn gốc của con người vốn từ Thượng Đế, thân xác con người là từ cát bụi, đất nước, và linh hồn là của Trời ban cho. Cũng như việc tạo dựng nên người đàn bà là hàm chứa huyền nghĩa nguyên lý Âm Dương của Trời Đất. Trời là ngôi Kiền: "vạn vật tư thỉ", với đức Dương cương kiện, "nãi thống Thiên"; còn Đất là ngôi Âm: "vạn vật tư sanh", với đức Âm nhu thuận, chở đỡ, dưỡng sanh muôn loài.
Sách Khởi Nguyên còn trình bày lời Thiên Chúa: "Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như hoạ ảnh của Ta" Trong khi đó, sách Thứ Luật nói rằng Thiên Chúa không có hình tượng nào giống như hình tượng thế gian. Điều đó có nghĩa Thiên Chúa là Đấng Siêu hình. Làm sao hoạ hình ảnh của Thiên Chúa? Đó phải chăng là Thiên tính, Phật tính, Chân tâm, hay Bản lai diện mục hiện diện trong mỗi con người mà Cao Đài còn gọi là Tiểu Linh Quang.
Đức Giêsu Kitô truyền bá giáo lý nhắm đến mục đích dẫn dắt con người tìm đến Nước Trời là vương quốc thuộc về Thiên Chúa với những công dân thánh thiện biết sống tuân phục Người.
Do vậy, theo Thiên Chúa giáo, Nước Trời là cùng đích của loài người cả trong cuộc sống tại thế lẫn cuộc sống siêu xuất thế gian. Nước Trời chính là sự giải thoát, khi con người biết chọn cách sống phục tùng Thiên lý. Ngài dạy: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này mà mến người kia, hoặc chuộng chủ này mà khinh chủ nọ. Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được."
Ngài dạy người tu hành phải biết làm công quả, như là cách tích tụ vốn liếng nơi cõi vô hình: "Các ngươi chớ tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, nơi mà mối mọt nhấm nát được và trộm cắp khoét mà phỗng mất được. Nhưng hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời, nơi mà mối mọt không nhấm nát, và trộm cắp không khoét, không phỗng mất được. Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó."
Một lần rao giảng khác ở một ngọn núi gần Capharnaum, Ngài giảng dạy Bài "Hiến chương Nước Trời": "Phúc thay những kẻ có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ./ Phúc thay cho những kẻ hiền lành, Vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp./ Phúc thay cho những kẻ ưu sầu, vì họ sẽ được an ủi./ Phúc thay những kẻ khao khát công chính, vì họ sẽ được no đủ./ Phúc thay những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được thương xót./ Phúc thay những kẻ có lòng trong sạch,vì họ sẽ thấy được Thiên Chúa./ Phúc thay những kẻ gây hoà thuận, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa./ Phúc thay những kẻ bị bắt bớ vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ ."
Đây cũng là luật Đạo của Đức Giêsu công bố trong Tân Ước, là tinh hoa của Phúc Âm (Tin Mừng) nên cũng được quen gọi "Phúc Âm của Phúc Âm".
1. Phúc thay những kẻ có tâm hồn nghèo khó: mang ý nghĩa: "an bần lạc đạo" không đua đòi chạy theo cuộc sống vật chất thế gian để phải bị sa chân, lạc bước. Cũng hàm nghĩa cần kiệm, không hoang phí, không tham lam của cải, quyền lợi không phải của mình. Tâm hồn nghèo khó là do ý chí muốn từ bỏ mọi dục vọng vật chất thế gian để không còn vướng bận vòng danh lợi tiền tài, thì sẽ được giải thoát.
2. Phúc thay cho những kẻ hiền lành: Hiền lành tức không có ác tâm, không tham vọng chiếm đoạt, điều có thể dẫn đến âm mưu hại người. Đó là lý tưởng "lạc thiên an mệnh" của người quân tử (vui với Trời chấp nhận số mệnh). Người hiền lành thường đi đôi với đức khiêm tốn, không tranh đua đố kỵ, trái lại hay nhường nhịn, tha thứ, hay giúp đỡ người khác. Ngôn ngữ của người hiền lành thì ôn hoà, trung thực, không làm mích lòng người khác. Người hiền lành và khiêm nhường, theo Đức Giêsu, thì tâm hồn sẽ được thư thái,tức là tạo được cho bản thân mình sự thái hòa, là bước đầu để đạt đến cái hoà với tha nhân, với vạn vật, và với Thiên Chúa, tức là giao cảm cùng trời, huyền đồng cùng vũ trụ, xây dựng được hạnh phúc đích thực nơi cõi thế gian.
3. Phúc thay cho những kẻ ưu sầu: Ưu sầu là dấu hiệu của sự đau khổ, nhưng theo nguyên lý âm dương "Âm cực dương sinh" hay "vật cùng tắc biến", do vậy có câu "hoạ sinh ư phúc, phúc sinh ư hoạ", đã xuất hiện ưu sầu, tức là sẽ đến lúc vui tươi vì "bĩ cực thái lai". Thánh Vịnh viết: "Những kẻ gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong hân hoan". Tuy nhiên, chỗ rốt ráo của lời dạy nầy, chính là ý nghĩa: "phiền não sanh bồ đề" của Phật giáo. Chính cái chỗ khổ đau ưu sầu mới làm cho con người thức tỉnh để tìm thấy chân lý đích thực của đời sống, mạnh dạn rời bỏ vật chất để tìm đường tu hành giải thoát, trở về với ngôi xưa vị cũ.
4. Phúc thay những kẻ khao khát công chính: Công chính theo nghĩa của Thiên Chúa giáo là hết lòng tin vào Thiên Chúa và sống theo sự chỉ đạo của Thiên Chúa. Đó chính là con đường Trung Nhứt của Đông phương, là con đường duy nhứt dẫn dắt con người về với Thượng Đế. Con người biết khao khát công chính tức biết noi theo Trung Đạo, với tâm chí thành thực hiện những điều đạo lý theo đúng lẽ Trời để mà trở về với Đại Đạo. "Họ sẽ được no đủ" là sự no đủ tinh thần, để vươn tới một sự sống vĩnh cửu thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử.
5. Phúc thay những kẻ biết thương xót: tức thể hiện Đức Nhân, là lòng bác ái đối với chúng sanh, thực hiện được tình thương không chỉ đối với đồng loại mà cả muôn loài, đó chính là lòng từ bi của Phật Đạo, sẵn sàng thương yêu, giúp đỡ tha thứ tất cả mọi người để làm nên sứ mạng "thế Thiên hành hoá".
6. Phúc thay những kẻ có lòng trong sạch: Có lòng trong sạch sẽ được thấy Thiên Chúa. Không chấp nê, hận thù, đố kỵ, để tấm lòng rộng mở cho phàm tâm diệt và đạo tâm sanh là nơi Thượng Đế sẽ ngự, cho nên trong bài Khai Kinh của đạo Cao Đài có câu: "Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh". Có được lòng trong sạch là không làm điều tội lỗi, và thấy được Thiên Chúa cũng có nghĩa là chứng được lẽ huyền vi của Trời Đất như trong bài kinh Tham Thiền: "Không làm tội lỗi tham thiền phát minh."
7. Phúc thay những kẻ gây hoà thuận: Đem lại sự hoà thuận cho tha nhân, cho xã hội nhân quần. Thế nhân hoà là nền tảng tiến tới việc xây dựng một xã hội đại đồng hạnh phúc nơi cõi thế gian. Thế nhân hoà đòi hỏi phải có người tạo được cái hoà từ nội tâm cá nhân đến gia đình, rồi lan ra xã hội, quốc gia, nhân loại và cả với môi trường thiên nhiên, như vậy mới hoàn thành sứ mạng của Tiểu Linh Quang.
8. Phúc thay những kẻ bị bắt bớ vì lẽ công chính: Đức Giêsu dùng từ "bắt bớ" do bởi thời đại và hoàn cảnh của Ngài, những ai đi truyền đạo đều bị lâm vào cảnh bị săn đuổi lùng bắt, cho nên để củng cố đức tin và tinh thần hy sinh tử vì đạo, Ngài đã cụ thể hoá bằng lời dạy này. Đó chính là tinh thần hy sinh cho lẽ Đạo của người sứ mạng Thiên ân, sẵn sàng hy sinh cả cuộc sống để thay Trời tiếp nối công cuộc lập đời nơi cõi hữu hình.
Trong 12 vị tông đồ của Chúa, chỉ duy nhất có Thánh Gioan là chết già, còn các vị kia đều chết vì tuyên xưng Đức Giêsu và truyền rao giáo lý của Ngài: Phêrô bị đóng đinh ngược, Phaolồ bị chém bay đầu ở Rôma. Thánh Thomas bị đâm ở Madras, Ấn Độ. Ngay cả Yuđa phản Chúa cũng hối hận thắt cổ tự vận…
Thánh kinh Thiên Chúa không đề cập đến "Thiên đạo Đại thừa" nhưng Chúa Giêsu có dạy con người muốn vào Nước Trời phải được tái sinh: "Không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi thần khí sinh ra là Thần khí… không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi Ơn Trên". Phải chăng đây chính là lời dạy về công phu của Đức Giêsu, vì con người chỉ có thể giải thoát nhờ công phu thiền định, và việc công phu chỉ đạt được hiệu quả rốt ráo khi nào hành giả tiếp nhận được sự điểm Đạo của Thiêng Liêng.
Chúa dùng chữ "tái sinh", sinh trở lại, không phải là sự sinh về thể xác, mà chính sự sinh về tinh thần, sự phục hồi chơn thần do việc luyện đạo để đạt đến tình trạng mà Thánh Kinh gọi là "con đường thơ ấu" là con đường dẫn đến Nước Trời, vì những ai muốn vào được Nước Trời hãy trở nên như trẻ nhỏ. Thánh Matthêo đã viết: "Lúc ấy, môn đồ đến gặp Đức Giêsu mà rằng: Vậy thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời? Gọi một trẻ nhỏ lại, Ngài đặt nó giữa họ rồi Ngài nói: Quả thật, tôi bảo các ông: Nếu các ông không hoá nên lại như những trẻ nhỏ, các ông sẽ không vào được nước Trời. Vậy ai kể mình hèn mọn như trẻ nhỏ này đây, thì người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời."
Đây là khái niệm: "xích tử chi tâm" (tâm con đỏ) của Đức Lão Tử và "anh nhi chi tâm" của Đức Mạnh Tử để chỉ tâm con người tu luyện đến mức hồn nhiên, đạt Đạo, không còn sự phân biệt của thế giới nhị nguyên, mà trở về với lẽ Một cuả cõi Nhất nguyên.
Cuối cùng, Đức Giêsu cũng dạy con người muốn vào Nước Trời, "hãy vào cửa hẹp. Vì rộng rãi và thênh thang là đường dẫn đến hư vong, và người vào đó lại nhiều. Còn cửa hẹp và đường chật, tức là cửa, là đường dẫn đến sự sống, thì ít người kiếm ra nó."
Vào cửa hẹp tức là tự chế phục, ràng buộc mình vào quy điều, giới luật để kềm chế những dục vọng, thất tình là những sự cản trở con đường đi tìm giải thoát. Đó là con đường chiến đấu với bản thân, chiến đấu với mọi thói hư tật xấu của phàm ngã tối tăm đã bám sâu gốc rễ từ vô lượng kiếp mà Đức Lão Tử đã dạy: "Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả hữu cường" (Thắng được người là có sức, mà thắng được chính mình là người mạnh.)
Dù Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước đều được xem là khó hiểu vì cách hành văn do việc dịch thuật, rồi do sự khác biệt văn hóa, cách diễn giải… và không có sự tìm hiểu, nên có cái nhìn dị biệt với Thiên Chúa giáo, nhưng thật ra chân lý chỉ có một. Ngay cả trong việc ăn chay, người Kytô hữu không ăn chay không có nghĩa là Thánh kinh cho phép vì trong quyển Lêvi, Cựu ước dạy: " Mọi côn trùng bò trên đất là vật kỵ, người ta không được ăn. Mọi vật bò bằng bụng, mọi vật đi bằng 4 chân hay có nhiều chân hơn, tóm lại, phàm côn trùng nào bò trên đất, các ngươi sẽ không ăn vì chúng là vật kỵ. Các ngươi chớ để mình thành đồ ghê tởm vì các côn trùng bò sát, các ngươi đừng để mình nhiễm uế vì chúng, bởi vì chúng các ngươi mắc uế. Vì chính Ta là Yavê Thiên Chúa của các ngươi: các ngươi sẽ ở như người Thánh và các ngươi hãy là Thánh, vì Ta là Thánh, các ngươi sẽ không để cho mình nhiễm uế vì bất cứ côn trùng nào cựa quậy trên đất."
(Tham khảo có trích dẫn từ quyển: Công Giáo và Đức Kitô – Thánh Kinh qua cái nhìn từ Đông Phương của tác giả Lý Minh Tuấn, NXB Tôn giáo)
Đọc thêm: http://nhipcaugiaoly.googlepages.com/tongiaoban_1