Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Sách được chia làm ba phần lần lượt trình bày về ba nền tôn giáo lớn : Nho giáo, Thích ...
-
"Thật sự thì tự ngàn xưa, bên cõi trời Đông, bên bờ sông Lạc Việt, bên lịch sử Tiên Rồng ...
-
Khi nghiên cứu đối chiếu quan niệm các tôn giáo về thuyết "Thiên địa vạn vật nhất thể", chúng ta ...
-
Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy tại Thiên Lý Đàn vào lúc Tý thời 29 rạng mùng 1 tháng 01 ...
-
Một số người cho rằng nguồn gốc của các dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ Trung Hoa, hoặc Tây ...
-
Trước kia Thầy có dạy : "Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài còn.". Quả thật vậy ! Sáu ...
-
_ Nhân viên Cơ Quan: không chỉ là những tín hữu thường> những người của bộ máy hành sự đắc ...
-
Thời kỳ mạt pháp là thời kỳ được bắt đầu từ sau khi đức Phật nhập niết bàn 1500 năm, ...
-
Ngươi dám đóng lại khung trời Đại Đạo,? Có biết từ đâu ngươi đã sinh ra? Cái nốt bụi được mặt trời ...
-
Trước Tết nguyên đán, mỗi độ đón chào Xuân mới chúng ta thường nhắc đến phong cách thưởng Xuân Cao ...
-
Lê Quý Đôn nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 2-8-1726, trong một gia ...
-
... Nhưng điều kỳ lạ là cái sinh vật nhỏ bé này từ ngàn xưa đến ngàn sau không bao ...
Thuần Chơn
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009
Thiên Địa Chi Tâm
Theo thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhứt thể, Trời là thể lớn, con người là thể nhỏ, tức Trời và người đồng một nguyên lý. Theo giáo lý Cao Đài, Thượng Đế (Trời) là khối Đại linh quang, con người là Tiểu linh quang do Thượng Đế chiết ra cho giáng trần, tạm mượn xác phàm một thời gian để học hỏi những kinh nghiệm ở thế gian mà tiến hóa lên hàng thượng đẳng cao siêu là Thánh, Tiên, Phật, đồng thời cũng hợp tác cùng Thượng Đế vận chuyển cơ tiến hóa của vũ trụ càn khôn nơi cõi hữu giới
Dầu lớn, dầu nhỏ, con người và vạn vật đều cũng nhận nơi Tạo Hóa một bản nguyên bất tử, linh diệu, nên Trời có gì thì người có nấy, con người có đủ điều kiện để được sánh ngang hàng cùng trời đất trong vị thế gọi là tam tài đồng đẳng. Con người phải biết nguồn gốc thiên chân của chính mình, sống không vong bản, biết lo tu thân hành đạo, hằng giữ chánh tâm, gìn chánh tín, hành chánh đạo, phụng Thiên sự dân thì đương nhiên thành chánh quả, đạt ngôi vị thần thánh tiên phật.
1. Thiên địa chi tâm nơi Tạo Hóa
Thiên là nguyên lý bản thể của vũ trụ, là Đạo, là Thượng Đế. Thiên là Trời, thuộc dương, vốn chủ trương động, cương kiện, vận hành bất tức, sanh hóa dưỡng dục vạn linh sanh chúng không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi, im lìm không tiếng thở than.
Địa là đất, thuộc âm, vốn chủ trương tịnh, ôn hòa nhu thuận, hiệp cùng với Thiên để dưỡng dục, chở che, bảo tồn cho vạn vật chúng sanh trong tình Tạo Hóa thiên nhiên.
Thiên địa chi tâm, hiểu theo lý Đạo, là đức háo sanh của ngôi Thái Cực, là nguồn sống của vũ trụ, muôn loài, là động năng giúp cho vạn vật trưởng dưỡng, sinh tồn và tiến hóa.
Theo Đại Thừa Chơn Giáo, trang 171: "Cái lý độc nhứt ấy toàn tri toàn năng, biến hóa vô cùng, vô tận, dưỡng dục cả sanh linh, bảo tồn vạn loại. Lý độc nhứt ấy bao quát thần thông, quay chuyển bánh xe vô hình mà làm nấc thang tiến hóa chung cho tinh thần vật chất mở mang cái trí huệ cho mọi người noi theo Thiên lý vận hành mà tăng tiến mãi cho đến chỗ kỳ cùng mục đích là nơi nhứt định."
Tâm của thiên địa vốn vô vi, vô hình, vô ảnh, vô tướng, nên không thể nắm bắt hay nhìn thấy được, nhưng chúng ta nhận thức được thiên địa chi tâm của Đấng Chí Tôn Thượng Đế do tình Tạo Hóa thiên nhiên vô lượng, vô biên, vô tận với đức háo sanh khôn cùng, hằng dưỡng dục, chở che, bảo bọc, mở lượng khoan dung, tha thứ, dang tay từ ái đón rước tất cả sanh linh, dầu đứa phải hay đứa trái cũng đều là con cái của Thầy (Thượng Đế). Chúng ta hãy lắng nghe huấn từ của Đại Từ Phụ trong một đàn xuân năm Ất Tỵ (1965):
Các con ôi!
Tình Tạo Hóa ban đều vũ trụ,
Đức háo sanh bao phủ càn khôn,
Chuyển luân nhựt nguyệt vong tồn,
Cỏ cây nhơn vật vô cùng hóa sanh.
............
Con nhìn thấy Trời cao che chở,
Con nhìn xem đất nở hoa mầu,
Cỏ cây nhơn vật một bầu,
Cũng đều hằng sống phép mầu Hóa Công.
Lẽ chúng sanh vui lòng đẹp dạ,
Khi mưa thu, nắng hạ rưới chan,
Khi xuân nở, khi đông tàn,
Vận hành thời tiết nhơn gian cậy nhờ.
Sao còn lúc thờ ơ giận dỗi,
Sao còn hồi buồn tủi trách than!
Rằng nóng bức, rằng cơ hàn,
Rằng không ban phước đỡ đần riêng tư .
Trong khi đó lòng Từ Phụ :
Vẫn với tình Tạo Hóa đương nhiên,
Trời che đất chở vô biên,
Công bình thưởng phạt nghiệp duyên nhân loài.
Như Thầy đã giải thích, thiên địa chi tâm là tâm của trời đất, trời che đất chở vô biên trong tình Tạo Hóa dưỡng nuôi vạn loại.
Nhơn loại nhận thức được cái tâm thiên địa qua thời tiết vận hành bốn mùa. Với tiết xuân, cỏ hoa đua nở xanh tươi khoe sắc thắm muôn màu rực rỡ dưới bầu trời ấm áp. Với mùa hạ, ánh thái dương chan hòa khắp mọi nơi đem lại sức sống vươn lên cho muôn loài vạn vật phát triển lớn mạnh. Mùa thu đem lại khí trời mát dịu để nhơn vật thu liễm, nghỉ ngơi, dự trữ tiềm lực để sang đông tàng rét lạnh, đón chờ khí dương lai phục, mà tiếp thu, trưởng dưỡng, phát huy, rồi sang xuân tiếp tục cuộc sanh tồn của muôn loài. Xuân sanh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng là phép nhiệm mầu biến hóa chuyển xoay của Tạo Hóa với thiên địa chi tâm.
2. Thiên địa chi tâm nơi con người
Như đã nói, con người đồng đẳng với thiên địa, cùng xuất phát từ một nguyên lý, nên cũng có thiên địa chi tâm như Đấng Tạo Hóa.
Vốn là thiên chân, con người phải nhận thức cái tâm trời đất sẵn có của mình, phải bắt chước thể hiện tình Tạo Hóa đương nhiên để huyền đồng cùng máy thiên cơ mới xứng đáng đứng vào hàng tam tài trong vũ trụ.
Thiên địa chi tâm, tuy vô hình, vô tướng, vô vi mà dịch sử quần linh, cổ động vạn vật, thiết lập an bày cho tất cả, không cần ai biết mình, ẩn kín giấu tên không để lại dấu vết, không bao giờ ngừng nghỉ, nên gọi là càn kiện cao minh, vận hành bất tức.
Chúng sanh phải nhận thức thấy rõ điều đó. Trời hành động lợi ích cho chúng sanh nào có nói gì đâu. Trời nào có kể công, nào có thở than trách móc ai đâu. Trời làm cho tất cả muôn loài vạn vật được nương nhờ, hưởng hạnh phúc một cách vô vi, không đứng ra nhận mình làm chủ thiết lập an bài, không giữ quyền làm chủ mà trao trọn quyền ấy cho vạn vật tự khai thác khả năng của mình để hưởng lấy hạnh phúc tự do.
Người muốn đạt được thiên địa chi tâm phải bắt chước, noi theo Trời mà hành động, để xứng đáng là Thiên ân sứ mạng thế Thiên hành hóa. Phải học hạnh tứ vô của thánh nhân mà tiếp vật xử thế như tình Tạo Hóa vậy. Hạnh tứ vô là vô vi, vô ngã, vô danh, vô công. Giáo lý Cao Đài dạy môn sanh thực hành thiên địa chi tâm rất giản dị. Thầy hằng nói:
Con Thầy thì phải giống Thầy,
Giống Thầy ở chỗ đủ đầy tình thương.
Vì chính Thầy xác nhận Thầy là Cha của sự thương yêu. Và sự thương yêu là thiên địa chi tâm vậy.
Thiên địa là âm dương hiệp nhứt, tuy hai mà một. Thầy dạy mở thiên địa chi tâm cho môn sanh Cao Đài bằng thực hành sự thương yêu, giống như Thầy. Thầy dạy từ dễ đến khó, trước tiên là nếu chúng ta không đủ sức thương yêu nhau, thì "Đừng ghét nhau. Nghe à!" Kế tiếp, Thầy dạy chúng ta hãy tập thương yêu kẻ ghét mình, khoan dung tha thứ kẻ thù, cầu nguyện cho họ được an lành và sớm giác ngộ.
Thầy căn dặn: "Các con nên nhớ rằng nếu các con không thương được kẻ ghét mình, thì khó mong gần gũi Thầy được." Lại còn khó thực hành hơn nữa, lời dạy của Thầy là phải làm cho người thù trở thành người thân mới đúng Đạo, mới về được với Thầy. Phải có cái thiên địa chi tâm, cái thánh tâm mới thực hiện được lời dạy sau này, mới tạo được chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh của Thầy mà đạo Phật gọi là niết bàn cực lạc.
Muốn đắc đạo người tu hành cần phải luyện cho được cái thiên địa chi tâm của Thầy vừa dạy. Phật giáo cũng có dạy môn sanh thực hành tứ vô lượng tâm. Là bốn cái tâm: tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả. Và hàng đại thừa phải tiến lên đạt cho được cái bát nhã chơn tâm, không khác nào cái thiên địa chi tâm mà chúng ta vừa nêu ra. Cái bát nhã chơn tâm ấy đạt được nhờ tu thiền định qua thực hành rốt ráo thâm sâu tam học: giới, định, huệ.
Đức Hà Tiên Cô giải thích: "Cái bát nhã chơn tâm không dùng lý trí con người mà thấu hiểu. Khi tâm ấy phục sinh thì mới thiệt chơn chánh vĩnh tồn, không cần học mà biết, không cần tập mà nên, không cần đi mà tới, không cần ăn mà sống, không cần mặc mà lành, vào lửa không cháy, xuống nước không chìm, nanh vuốt thú dữ không làm hại, tiêu diêu ngoài sáu cõi, xuất nhập tự do. Ấy mới gọi là chơn tâm, ấy là bát nhã. Muốn có chơn tâm đó hiện, bát nhã phải xuất sanh, phải luyện được quên mình. Nên nói tâm phàm phải chết thì tâm Đạo mới sanh."
Thật ra nói đến chỗ cùng cực rốt ráo của Đạo thì không còn có sự thương ghét mà chỉ còn có bát nhã chơn tâm hay thiên địa chi tâm mà thôi. Trong một thánh giáo, Đức Chí Tôn Thượng Đế dạy rõ: "Thật sự lẽ cùng cực của Đạo là mức tuyệt đối, hễ tuyệt đối thì không còn nói đến điều thương sự ghét. Song vì các con sống nơi thế gian là trường đối đãi, thì sự từ bi bác ái được nêu lên là việc thường để răn lòng mỗi con mà thôi." (TGST 1971)
Giờ đây, chúng ta thử nhận xét ở thế giới nhị nguyên này, chúng ta có nhận thấy được sự thể hiện của thiên địa chi tâm hay không?
Xin thưa: Có thấy. Gần đây và không xa chúng ta, như nạn lụt ở tỉnh Đồng Tháp và miền Trung Việt vừa qua, nước cuốn trôi phút chốc, làm tiêu tan biết bao nhiêu tài sản sự nghiệp nhà cửa của đồng bào, người người cam chịu đói rét lạnh lẽo, chưa kể tánh mạng nguy kịch, và đã có những người gan dạ, dám hy sinh liều chết nhảy xuống nước để vớt trẻ em, người già thoát nạn chết đuối, và những người đã bỏ công, bỏ sức, bỏ của, bỏ ngày giờ quý báu để góp sức xây dựng nơi tạm trú cho nạn nhơn. Đó là những thành phần đã khai quật được cái thiên địa chi tâm có sẵn ở lòng.
Chúng ta cũng đã nhìn thấy những nhơn viên cứu hỏa can đảm liều mạng tranh đấu với ngọn lửa hung hãn hoành hành khắp cả rừng mênh mông ở U Minh, quên đi sự nóng bỏng cháy da và mệt lả vì phí sức để làm nhiệm vụ cao cả của mình.
Cũng như những vị lương y, y tá đã dám hy sinh sự sống, không sợ lây nhiễm đến mình để chung đụng với nạn nhân bệnh SARS vừa qua. Đó không phải là những người đã thực hiện được cái thiên địa chi tâm Thiên phú hay sao? Chỉ vài ví dụ xảy ra ở Việt Nam, chớ ở các nước ngoài thiên tai còn lớn hơn nhiều, và cũng đã có lắm người thực hiện thiên địa chi tâm với hạnh tứ vô: vô vi, vô danh, vô công, vô ngã của thánh nhân rất đáng khâm phục.
Những hàng thiện tâm thực hành hạnh bố thí Ba la mật cũng thực hiện được thiên địa chi tâm, vì họ giữ được cái tâm thuần chơn vô ngã của trời đất, trong lúc thực hành bố thí với ba điều tâm niệm khăng khăng: một, không coi mình là người thi ân, bố thí; hai, không coi người nhận đồ vật bố thí là người thọ ân mình; ba, xem những đồ vật, tiền bạc cống hiến không phải là của bố thí mà khinh rẻ.
3. Thiên địa chi tâm theo kinh Dịch
Khóa tịnh mùa Đông chí vừa mãn, chúng ta đã được các vị hướng dẫn đạo pháp giảng về quẻ Địa Lôi Phục gọi tắt là quẻ Phục, mà cốt lõi của quẻ này là Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm.
Tiết Đông chí làm mầm sống khởi nguyên, vạn sự vạn vật manh nha ở đó, nên mỗi năm vào mùa tu Đông chí có ý nghĩa sâu xa, người tu chơn đạo nên suy gẫm cho tường tận nguyên lý mà phục hồi tiên thiên chánh khí để bồi dưỡng thân tâm cho được tráng kiện sáng suốt, hầu làm tròn bổn phận vi nhân tại thế.
(Hình 1: từ trái sang phải: Quẻ Khôn - Quẻ Phục - Quẻ Càn )
Theo Dịch Kinh, cực âm được diễn tả bằng sáu hào âm chồng lên nhau. Đến thời Đông chí thì nhứt dương sơ động, một hào dương hiện lên, đó là khí nhứt dương khởi phát, còn lại 5 hào âm, nên gọi là quẻ Phục. Phục là phục hồi trở lại khí dương đã mất trước đó.Thời tiết, vạn vật chuyển xoay nhờ dương khí phục hồi trở lại để con người lấy lại sức sống thiên nhiên đã hao hụt ở ba mùa trước.
Từ quẻ Khôn (sáu hào âm), chuyển qua quẻ Phục (một hào dương hiện) lần riết đến quẻ thuần Càn (sáu hào dương ) cho được càn kiện cao minh, phối thiên là cứu cánh của đạo pháp, chế âm phục dương cho đến khi được thuần dương đắc nhứt, tức là đắc đạo.
Quẻ Phục tượng trưng cho thời điểm con người quay trở lại với chính mình để biết rằng tâm trời đất với tâm mình là một, cùng chung một bản thể.
Cốt lõi của quẻ Phục là phục kỳ kiến thiên địa chi tâm. Kiến là tìm thấy cái tâm thiên địa ẩn áo nơi nội tâm, khai triển nó bằng những hành động vong kỷ, bác ái, vị tha đối với đồng bào, với nhơn loại như tình Tạo Hóa của trời đất, che chở bao la rộng khắp thế giới muôn loài vạn vật.
Vào khóa tu Đông chí, hành giả có hoàn cảnh thuận lợi mà kiến tánh, nhận thức được thiên địa chi tâm bằng phương pháp tham thiền nhập định, giữ thân tâm cho được ổn định nhứt như thanh tịnh, bế lục căn, tuyệt dứt vọng trần, lặng lẽ tai mắt quay về chỗ thủ trung mà chờ đón thiên địa chi tâm (bát nhã chơn tâm) phát hiện.
Nói tóm lại, thiên địa chi tâm là tình Tạo Hóa bảo bọc chở che, thúc đẩy sự vận hành thời tiết để dưỡng nuôi vạn vật muôn loài:
Tình Tạo Hóa háo sanh muôn vật,
Máy kiền khôn chất ngất chở che,
Thu qua, đông đến, xuân, hè,
Vận hành thời tiết tư bề dưỡng nuôi.
Còn thiên địa chi tâm ở con người không khác tình Tạo Hóa đất trời, nhưng trong phạm vi nhỏ hẹp hơn vì con người chỉ là tiểu thiên địa.
Tâm người nào khác tâm Trời.
Quên mình lợi chúng, rạng ngời tình thương.
Học, tìm hiểu và nhận thấy được thiên địa chi tâm qua quẻ Địa Lôi Phục trong mùa tu Đông chí vừa qua chưa đủ đối với người tu hành chơn chánh, mà điều cần thiết là phải thực hành được thiên địa chi tâm, mới phản bổn huờn nguyên trở về hiệp nhứt được với Đức Chí Tôn Thượng Đế, vì có thực hành được thiên địa chi tâm mới huyền đồng với cõi hư vô bằng cái tâm thiên địa bao trùm càn khôn vũ trụ.
Thực hành cách nào? Bằng cách hành động tự nhiên theo lẽ sống thiên nhiên như Thượng Đế, vận hành bất tức không ngừng nghỉ, vô vi lặng lẽ, không cần ai biết mình là chủ sử, không để lại dấu vết tiếng tăm....
Đức Thượng Đế không cần con người làm những điều gì lợi ích riêng tư cho Ngài, Ngài chỉ cần con cái của Ngài biết giác ngộ cho nhau, nhớ lại nguồn gốc thiên chân của chính mình mà đem thực hiện cho được sự thương yêu nhân loại như Ngài hằng nhắc nhở, đối xử với nhau trong tình huynh đệ đại đồng, giúp đỡ lẫn nhau cùng sống trong hòa bình hạnh phúc ở thế gian. Hãy chia sớt bù đắp cho nhau những cơn thiếu hụt lúc cơ hàn, bệnh tật, hàn gắn xoa dịu những bất hạnh đau khổ vì nghèo đói bệnh hoạn, thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn, hạn hán. Làm được những điều đó, Đại Từ Phụ sẽ hài lòng mà thấy chúng ta là những người con chí hiếu, biết thương Thầy, vì thương nhơn sanh tức là thương Thầy như lời Thầy thường bảo.
Chúng ta hãy xem đau khổ của chúng sanh là cái đau khổ của chính mình, và hãy xem hạnh phúc của nhơn loại là hạnh phúc của chính mình. Đó là thực hành đúng đắn bốn chữ thiên địa chi tâm vậy.
Sống đây vũ trụ là nhà,
Tình là nhơn loại, nghĩa là vạn dân.
(Hinh 2: tượng trưng tâm vũ trụ)