Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
11/05/2004
NIVA -NNL

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009

Sống an lạc, chết thảnh thơi

Đa số chúng ta đã tìm hiểu các triết lý đông tây kim cổ để tìm ánh sáng cho cuộc đời, và cũng đã áp dụng những phương pháp tu tập khác nhau để giải khổ, song vẫn chưa an lạc, tự tại, chưa chắc chắn về con đường mình đang đi và vẫn còn mơ hồ về sự diệt khổ, chứng đắc, giải thoát, nhất là những gì bên kia cửa tử.

Với tuổi đời trôi qua, mỗi người trong chúng ta đã thật sự chết đi rất nhiều lần chứ không phải chờ lúc đậy nắp quan tài mới chết. Khoa học cho chúng ta biết, chỉ trong vòng hai năm thân xác chúng ta được hoàn toàn đổi mới một lần. Mỗi ngày trôi qua có triệu triệu tế bào trong cơ thể chết đi và tế bào khác sanh ra. Nghĩa là các bộ phận trong cơ thể chúng ta không ngừng trao đổi cùng vũ trụ vạn vật và luôn luôn thay đổi. Cứ mỗi hơi thở, chúng ta thải ra và đem vào hàng tỷ tỷ nguyên tử (atoms).

Cơ thể chúng ta hiện có đây không phải là cơ thể của hai năm trước. Nhưng tại sao những tình cảm, những kỷ niệm từ thuở ấu thơ vẫn còn mãi mãi trong ta ? Và những mầm bịnh từ nhiều năm trước vẫn còn đó ? Hay những nghiệp lực trong a tăng kỳ kiếp vẫn còn mãi bám theo ta cho đến khi được tinh khiết và thánh hóa ? Nghĩa là chúng ta luôn luôn có bình mới mà rượu cũ vẫn còn nguyên. Phải chăng cái cũ kéo dài triền miên nên có câu thành ngữ đầy chế diễu và thách thức "bình mới rượu cũ" mà nhân thế chưa tìm ra giải pháp dù con người đã lên tận cung trăng, khám phá các hành tinh, thám hiểm dưới đáy biển sâu và có thể tạo ra con cừu từ một tế bào của nó (clone)? Nếu không bị phản đối thì chắc chắn con người cũng đã được tạo ra từ phương pháp này. Tuy nhiên con người vẫn chưa hiểu rõ chính mình.

Gần đây theo tin tức báo chí, một số người ăn phải thịt bò điên ở Anh đã bị điên loạn vì bộ óc bị phá hoại bởi phân tử protein (acid aminé) vốn là một thành phần của cơ thế tự biến đổi thành mầm bệnh. Giới y học gần đây cũng nhận thấy rằng một số tế bào tim lành mạnh tự nhiên lăn ra chết, khiến cho cơ thể chúng ta điêu đứng bất ngờ và làm cho y giới điên đầu nhưng biết giải thích thế nào nên tạm gọi là hiện tượng tự tử. Phải chăng hiện tượng phân tử protein biến thành mầm bịnh, hay dùng một cái chết tức khắc là một cảnh giác và nhắc nhở cho chúng ta biết rằng chúng cũng có đời sống riêng tư, cũng có sinh tử, hay nói khác hơn chúng cũng có linh hồn và cũng có cấu trúc của vũ trụ cực nhỏ trong con người chúng ta. Do đó con người được xem là một tiểu vũ trụ so với đại vũ trụ.

Nêu ra các vấn đề này để nhận thấy rằng có quá nhiều điều trong con người mà chúng ta chưa hiểu rõ thì vấn đề bên kia thế giới khó có thể biết đầy đủ. Ngay cả các bậc Đại Giác cũng khó bề dùng lời lẽ của thế gian để diễn tả cho chính xác và trọn vẹn các diễn tiến của cuộc sống và các cõi giới. Bởi thế, việc làm sáng tỏ đề tài Sinh Tử còn tùy thuộc vào sự cảm nhận, lòng tin và kinh nghiệm tụ tập của mỗi chúng ta. Vậy, để có câu trả lời thỏa đáng, chúng tôi hãy cởi bỏ những định kiến và trải lòng mình ra trong an tịnh để tìm ra ánh sáng.
Vấn đề Sống Chết thật rất quen thuộc nhưng cho đến nay vẫn là vấn nạn lớn nhất của nhân loại. Dù các bậc Giáo Chủ đã chỉ dạy phương pháp giải khổ, và khoa học cũng đã đóng góp rất nhiều, thế giới vẫn chưa được thanh bình và con người vẫn còn đau khổ triền miên. Phải chăng vì con người tâm ví tợ trùng dương động nên không lảnh hội được và vâng hành những lời chỉ dạy vàng ngọc của các Đấng Giáo Chủ để Nguơn Thần hay Chân Như Phật Tánh bị vùi lấp. Do đó sống và xử thế bằng cái phàm tâm, lọt vào vô minh, lấy cái giả làm chơn, thấy cái tạm bợ lầm tưởng là vĩnh hằng, rơi vào vô vàn sai trái tội lỗi, nên sống chẳng đặng Lạc, thác chẳng đặng An.
Để giải thoát những khổ đau của nhân loại, vào đầu thập niên ba mươi của thế kỷ này (1926), Đức Thuợng Đế tá danh Cao Đài Khai đạo Kỳ Ba mở đường cho con người giác ngộ quán triệt mình khởi nguyên từ Thượng Đế hay Đại Linh Quang và mỗi người đương nhiên thọ bẩm một Điểm Linh Quang từ Thượng Đế còn gọi là Nguơn Thần hay Chơn Như Phật Tánh bất biến thường hằng.Trên cơ sở đó, nếu ra vâng theo lời chỉ dạy của Thượng Đế và quyết tâm tu tập để Nguơn Thần hay Chơn Tâm điều khiển Thân và Tâm thì chúng ta sẽ được an lạc và cao khiết. Nhờ đó chúng ta sống đuợc hài hòa với vũ trụ, vạn vật, trong thương yêu hòa ái, xứng đáng là con cái của Thượng Đế ngay trong kiếp sống này và khi rời bỏ xác thân trở về hội hiệp cùng Ngài.

Vấn đề " SỐNG AN LẠC, CHẾT NHẸ NHÀNG, CON CHÁU AN LÒNG" nằm trong cứu cánh của Đạo Cao Đài là : THẾ ĐẠO ĐẠI ĐỒNG, THIÊN ĐẠO GIẢI THOÁT.

· Thế đạo (về mặt đời): Thực hành nếp sống đạo đức, sống an lạc, tiến bộ, minh triết, hài hòa cùng vũ trụ vạn vật, tức THẾ ĐẠO ĐẠI ĐỒNG.
· Thiên Đạo (về mặt Đạo): Tu tập để được giác ngộ, thấu rõ mọi bí mật của Đất Trời, thoát vòng sanh tử, để hiệp một cùng Thượng Đế, tức THIÊN ĐẠO GIẢI THOÁT.

Nói rõ hơn, Cao Đài chủ trương "Đời Đạo song tu", hay "Tâm Vật bình hành" được thực hành qua pháp tu Tam công gồm có : CÔNG PHU, là tinh luyện hay thiền định; CÔNG QUẢ là giúp đời, bố thí…. CÔNG TRÌNH luyện kỷ để tự thánh hóa, đóng góp vào sự tiến hóa và giải thoát nhân loại. Nghĩa là Cao Đài chủ trương tu tập để đắc Đạo ngay trong cuộc sống và góp phần phụng sự thế gian tiến bộ thanh bình, chứ không chờ khi bỏ xác thân này mới giải thoát. Vì những gì ta đạt được do tu tập để sống an lạc trong đời này là hành trang của ta khi rời bỏ xác thân.

Trong cuốn " ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ " (Saved by the Light) của Dannion Brinkey và Paul Perry có nêu ra điều mà chúng tôi vừa trình bày. Tác giả ghi lại một kinh nghiệm mà ông đã biết được sau khi bị sét đánh vào đầu, chết đi rồi được sống lại như sau : "Tôi biết được bí quyết thăng hoa nhân loại. Tình thương và sự an lạc mà bạn có được trong khi rời bỏ cõi đời chính là tình thương và an lạc mà bạn đã hành xử trong suốt cuộc đời. Chỉ đơn giản như thế".

Giáo lý Cao Đài dạy : "thế gian là trường tiến hóa" nên Cao Đài Giáo không chú trọng đem Thiên Đàng để khuyến khích hay đem Địa Ngục để đe răn, vì việc này rất trừu tượng, không giúp ích gì cho việc tu tập mà còn là mối sợ hãi khủng khiếp, nhất là đối với người sắp lìa đời. Lắm người tự kiểm điểm lại thấy mình vấp phải nhiều tội lỗi, sợ bị nhận lãnh nhiều hình phạt gớm ghê sanh ra lo sợ, tạo mầm cho bịnh tật đau ốm. Căn bịnh tinh thần này làm cho nhiều người điêu đứng và rất khó chữa trị.

Cao Đài quan niệm rằng con người đến thế gian là để học hỏi, để tiến hóa và thánh hóa hầu góp phần vào sự thánh hóa chung của vũ trụ vạn vật. Khi hoàn tất chu trình tiến hóa sẽ trở về quê xưa chốn cũ nên người Cao Đài không xem sự chết là một mất mát để lo sợ hay đau buồn. Sau khi chết, tùy mức độ giác ngộ của mỗi người, linh hồn sẽ được trở về cõi vĩnh hằng, hoặc tiếp tục tu tập ở cõi vô hình cho đến khi được giải thoát hoàn toàn, hoặc trở lại thế gian để giúp đời hay tiếp tục tu tập. Vì theo Cao Đài Giáo Linh Hồn hay Phật Tính mà Cao Đài gọi là Điểm Linh Quang của Thượng Đế vốn linh thiêng, chí thiện, vĩnh hằng, đã được dung hợp vào thể xác khi vào đời, tùy theo các hệ quả mang theo qua những hành vi cùng trình độ tu tập, tiến hóa từ những kiếp trước mà mỗi người sẽ có những bài học hay thử thách khác nhau trong kiếp này.
Đức Thượng Đế tá danh Cao Đài, Ngài là Cha, là Thầy của nhân loại dùng phương tiện cơ bút trực tiếp giáo hóa chúng sanh. Ngài xác định cho chúng ta biết, mỗi người đều có Thượng Đế Tính hay bản tính Phật Trời linh thiêng trong lòng : "Thầy ngự trong lòng mỗi chúng sinh". Nói khác hơn, Thượng Đế và chúng ta cùng Phật Tiên ngay trong kiếp sống hiện tại này nhưng vì tâm chúng ta bị vọng động, trí phàm lấp che nên không biết lẽ mầu nhiệm của Phật Trời hằng có trong ta.

Thánh giáo Cao Đài cho biết sự đồng nhất giữa ta và Thượng Đế như sau :

" Con là một Thiêng Liêng tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể Linh Quang;
Khóa chìa con đã sẵn sàng,
Khi vào cõi tục khi sang Thiên Đình".

Nhưng bằng phương cách nào để sang Thiên Đình, để trở lại với bản tính Thiêng Liêng tức Thượng Đế nơi ta, để ta và Thượng Đế là một ?

Chúng ta phải quán triệt các lời chỉ dạy của Ơn Trên và tu tập tích cực các phép tu được Thượng Đế chỉ dạy để thánh hóa hầu sống hiệp nhất cùng Trời như lời Thánh Giáo đã dạy :

" Tu là học để làm Trời,
Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian".

Học để làm được Trời nơi thế gian như Ơn Trên dạy thì còn gì an vui hơn ? Làm được như vậy thì vấn nạn sanh tử mà cả nhân loại hằng ưu tư sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Cuộc sống này sẽ không bị trần gian chi phối. Sống sẽ được an lạc và khi chết sẽ trở về ngôi xưa vị cũ từng được chỉ rõ qua lời kinh :

" Hồng trần là chốn giác mê
Phản hồi Tiên Cảnh là quê hương mình"

Chúng ta tu để sống hợp nhất với Trời, chết về Tiên Cảnh như vừa nêu, xét ra rất khuyến khích, nhưng chắc chắn không thiếu gì người ái ngại, không tin. Bởi lẽ, truyền thống tín ngưỡng sai lạc từng ăn sâu trong tiềm thức chúng ta nên khi nói đến tu hành thì tự động cho rằng : tu hành là tụng kinh, xây chùa, tôn vinh Thánh Thần, làm lành lánh dữ để được hưởng phước…Còn tu hành để thành Tiên, thành Phật ngay trong kiếp sống chỉ dành cho hàng Đại Căn Trí, những người có sứ mạng cứu đời như Chúa Phật Tiên Thánh chứ con người bình thường nơi thế gian nầy khó có thể làm được.

Truyền thống tín ngưỡng như thế chính là chướng ngại cản trở khát vọng giải thoát khổ đau của nhân loại. Nếu chướng ngại này không được khai thông thì nhân loại khó có cơ hội để đạt được câu trả lời cho bài toán Sống Chết. Nghĩa là chúng ta rất khó đạt được nếp sống an lạc và được thảnh thơi khi từ giã cõi trần.

Vậy muốn an lạc miên viễn chúng ta phải dọn mình để làm tròn nhơn đạo và quay về nội tâm để thể nhập cùng Thượng Đế chứ khỏi phải vào thâm sơn tầm sư học Đạo.

Thánh giáo Cao Đài dạy :
" Tâm con là chỗ Chí Linh,
Là nơi hiệp nhất nhân sinh cùng Thầy"

Lịch sử cho chúng ta biết, các bậc Đại Giác, Thánh Nhân xưa nay đều "Trực chỉ Chân Tâm Kiến Tánh" nghĩa là họ trở về với "THANH TỊNH" để khám phá những bí mật của vũ trụ và chứng đắc lẽ mầu nhiệm của Đất Trời, để rồi đem ra cung ứng cho đời và công đức ngàn đời sáng tỏ. Chúng ta đây, muốn giác ngộ cũng phải làm như thế. Thánh giáo Cao Đài chỉ rõ Thanh Tịnh chính là chìa khóa mở cửa nhiệm mầu như sau :

"Khuyên ta quay về miền thanh tịnh,
Dạy ta nhiều phép kín độ đời;
Công ta nhờ đó sáng ngời
Tâm ta nhờ đó Đất Trời huyền thông"

Trở về cõi lòng THANH TỊNH để hiệp nhất cùng Thượng Đế chúng ta sẽ học được nhiều điều mầu nhiệm, vì khi đó ta và Thượng Đế là MỘT. Đây là lúc chúng ta trực tiếp học với " Sư Hư Vô", học nơi "Kinh Vô Tự", nhờ đó trí tuệ giác chúng ta hoát khai, hóa giải tất cả những nghiệp duyên, điều khiển cuộc đời và luôn cả những tế bào mới hằng sinh ra trong ta mỗi phút giây để chúng có những đời sống hoàn toàn thánh khiết.

Khi có được ánh sáng tuệ giác để soi dẫn cho rừng tế bào mới kia thì cái chủng tử hay tạm gọi là DNA" của nó từng chịu ảnh hưởng bởi đời sống này hay do sự kết tụ nghiệp lực từ muôn kiếp trước sẽ thay đổi tức khắc. Sự thay đổi này chẳng khác nào căn nhà tăm tối kia được mở đèn lên thì đương nhiên tất cả được soi sáng, Nói khác hơn, song song với lúc cơ thể chúng ta được đổi mới, chúng ta cần ánh sáng tuệ giác để thay đổi luôn các chủng tử hằng tích tụ kia. Việc làm này chính là việc thay bình mới và thay luôn rượu mới để rượu cũ không còn nữa. Nghĩa là chúng ta phải thanh tịnh để có tuệ giác hầu cắt đứt mọi nghiệp lực lưu truyền từ các nhân cũ và giúp cho nhân mới hoàn toàn tinh khiết. Đây là giải pháp toàn triệt để hết bịnh, hết khổ đau, sống trong hạnh phúc, được an lạc, và khi chết được bình an.

Cơ thể mà chúng ta hiện có đây là do sự kết hợp của hàng tỷ tỷ tế bào. Nếu những tế bào trong cơ thể chúng ta không an lạc thì thân tâm ta cũng không được an lạc. Vì chúng liên hệ mật thiết lẫn nhau và nó chính là những thành phần căn bản của thân tâm chúng ta. Cũng từ qui luật ấy, hành động hay tư tưởng lành hay dữ của mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng đến kẻ khác và ảnh hưởng đến cả vũ trụ vạn vật. Nghĩa là, nếu những tế bào trong chúng ta không an lạc thì thân tâm ta không an định, và khi thân tâm chúng ta không an định thì nhân loại và vũ trụ cũng phiền não bất an. Các Bồ Tát đã từng nói "Nguyện độ tận chúng sanh ở cõi ta bà này mới chịu thành Phật" là muốn nói đến vũ trụ vạn vật đều phải an lạc như vừa trình bày thì các Ngài mới chịu thành Phật.
Trở về với Thanh Tịnh còn là linh dược mầu nhiệm giải trừ thân bịnh và tâm bịnh, giúp ta sống an vui và khai mở tuệ giác hiệp nhứt cùng Thượng Đế. Kệ Luyện Châu, một trong những phương pháp mà người Cao Đài thực hành hằng ngày để trở về nơi thanh tịnh nói rõ hiệu năng cắt đứt mọi nghiệp chướng, dứt sạch mọi phiền não giúp cho trí tuệ tinh minh như sau :

" Thần Khí vận hành thông vạn Pháp
Thân tâm thanh tịnh đạt thanh cao
Cao Đài niệm niệm Kim Quang hiện
Đoạn nghiệp trừ phiền đệ nhứt Châu"

Một trong những phương tiện giúp chúng ta đạt đến thanh tịnh để "đoạn nghiệp, trừ phiền" là cách hít thở và điều khí đúng phương pháp (khác với sự hít thở do cơ chế tự động) để tâm trí hiệp cùng hơi thở, rất đơn giản ai cũng làm được.

Sự lợi ích của phương pháp hít thở đúng cách được gọi là thiền định rất phổ thông, đã được Đại học y khoa Harvard nghiên cứu và đúc kết ngày 22/6/99 cho biết : " Mỗi ngày, dành 20 phút hít thở nhẹ nhàng, mang nhiều Oxygen vào phổi và để tâm theo dõi hơi thở cho khỏi giao động thì tâm trí, sức khỏe và hệ thống đề kháng tốt hơn, có khả năng chữa được nhiều bịnh.

Hơn nữa, sự an tịnh còn giúp ta tỉnh táo, nhận thức và theo dõi một cách bình tỉnh các hiện tượng thay đổi tâm sinh lý xảy ra lúc sắp chết và còn có khả năng làm giảm cơn đau hành hạ bởi thân bịnh và tâm bịnh trong những ngày cuối của cuộc đời dù chỉ mới được áp dụng. Vì mức độ đau đớn của mỗi người tùy thuộc rất nhiều vào tinh thần nên thanh tịnh là linh dược ngăn chận đau đớn từ gốc.

Y học ngày nay ghi nhận mức độ đau đớn do bịnh hay sự mất quân bình của thể xác gây nên chỉ chiếm độ 25 % mà thôi, 75 % còn lại là do bị ảnh hưởng về tâm lý, gia đình, xã hội,và cuộc sống…. Hàng loạt các công trình nghiên cứu gần đây ghi nhận : nhiều chất giúp chữa trị nhiều chứng bịnh được cơ thể chúng ta tự động tiết ra khi tâm ta an lạc. Chính vì thế mà ngày nay y khoa áp dụng phương pháp "Thân tâm trị liệu" để chữa trị các chứng bịnh nan y.

Sự chuyển hướng chữa trị của ngành y khoa gần đây cho chúng ta thấy rằng, sự tu tập không những để tinh thần an tịnh mà còn giúp cho cơ thể được lành mạnh và có thể tự ngăn ngừa và giải trừ những bịnh tật, những đau đớn mà không cần thuốc bên ngoài. Cách đây không lâu dư luận chú ý về việc cố thủ hiến quebec Rober Bourassa phải qua Hoa Kỳ để chữa bệnh ung thư da bằng chất interluken khá tốn kém, mà các cuộc thực nghiệm cho thấy chất này cơ thể có thể tiết ra lúc con người vui vẻ và an lạc. Chất làm giảm đau mạnh như morphine, có thể tiết ra từ cơ thể ta gọi là endomorphine, cũng như chất interferons hiệu lực trong việc chữa các bịnh ung thư, cùng chất emipramine chữa bịnh suy kém tinh thần (depression) được tiết ra khi trong người cảm thấy thật vui vẻ.

Vậy muốn thân tâm được an lạc thì phải công phu, thực hành phép hít thở đúng cách để đem tâm trở về với an tịnh vì Tâm là chủ của thân xác như Thánh Giáo Cao Đài dạy :

" Tâm có định rồi, thân mới an,
Tâm còn điên đảo ắt nguy nàn;
Công phu là để tâm an định,
Nên Đạo nên Người chốn thế gian".

Ngoài ra, việc hô hấp đúng cách đúng giờ còn có khả năng kích thích và tăng cường chức năng của các tuyến nội tiết, tuyến não thùy, nhất là kích thích tuyến Tùng Quả (pineal Gland) tiết ra chất melatonine giúp ta trẻ khỏe như khoa học từng kiểm chứng. Và xa hơn nữa, chúng ta có thể dùng chìa khóa hít thở và điều khí đúng cách để mở cửa Thiên Đình, đạt quyền Tạo Hóa như đã được xác định trong Kinh Nhựt Tụng mà người Cao Đài tụng đọc hằng ngày :

"Phá nhứt khiếu chi huyền quang,
Tánh hiệp Vô Vi thống Tam Tài…"

Nghĩa là, khi phá được Khiếu Huyền Quang thì Thể Tánh Chơn Như hay Tiểu Linh Quang nơi ta sẽ hiệp một với Đại Linh Quang tức "Tánh hiệp vô vi", từ đó chúng ta tự có quyền năng để thống lĩnh cả ba cõi Thiên Địa Nhân. Quyền năng mầu nhiệm này đã được thể hiện qua hành động của các bậc Đại Giác rồi, tưởng không cần nhắc lại.

Chúng ta không thể nào kể hết ích lợi của sự tu tập để có an tịnh, dù chỉ mới được áp dụng trong những giờ phút chót của cuộc đời. Muốn tránh lo âu buồn phiền, đau khổ, bất an để có an lạc trong cuộc sống và thảnh thơi khi chết chúng ta phải áp dụng ngay phương pháp tu tập một cách tích cực để có an tịnh, giữ cho chân tâm không bị lu mờ để Nguơn Thần điều khiển ta sống hài hòa với vũ trụ, vạn vật trong thương yêu hòa ái, trong tình huynh đệ đại đồng. Thực hành được điều nầy chúng ta sẽ có thân tâm an lạc bất cứ lúc nào và trong hoàn cảnh nào cũng như trong cảnh giới nào, chứ không phải chờ cho đến khi bỏ xác.

Chúng ta từng chứng kiến nhiều người tu hành thuần thành, đạt được sự an lạc và giác ngộ, khi chết họ ra đi nhẹ nhàng trong an tịnh, không lo lắng và sợ hãi. Có người còn chuẩn bị cho sự chết như là chuẩn bị cho một cuộc hành trình. Đôi khi họ còn tụ họp con cháu để dạy bảo, và khuyên nhủ đừng buồn khổ hoặc không làm tang lễ linh đình…

Riêng đối với những người vẫn chưa an lạc và giác ngộ, việc tổ chức tiếp qui hay cầu siêu, đưa đám là cần thiết nhưng trong đơn giản và trang nghiêm. Theo Cao Đài, các nghi lễ trong khi sắp chết giúp người bịnh định thần, định tánh, thực hành phép an tịnh để giải trừ sự khổ đau của thân bịnh và tâm bịnh giúp cho linh hồn ra đi nhẹ nhàng.

Kinh tang Lễ Cao Đài giúp hiểu rõ các giai đoạn, các hiện tượng tâm sinh lý xảy ra lúc sắp lìa đời, những gì sẽ xảy đến với họ, và họ sẽ đi về đâu để người ra đi được an tâm, không hoang mang sợ hãi. Thêm vào đó, điển lành xung quanh của đồng đạo và thân nhân cũng giúp người sắp chết để đạt được thảnh thơi mà còn giúp con cháu hiểu thêm được ý nghĩa của Sống Chết mà an lòng không buồn đau.

Vậy quán triệt những lời chỉ dạy của Thượng Đế để tu hành đồng thời truyền đạt đến đồng loại và đặc biệt là con cháu, phải chăng là giải pháp toàn triệt của vấn nạn tử sinh ?

Ước mong chúng ta chú tâm tu tập ngay từ bây giờ để sống lành mạnh, minh triết cho chuỗi ngày còn lại được hạnh phúc an lạc và lúc từ giã cõi đời mà ra đi trong nhẹ nhàng.

Chúng ta được may mắn sống vào một thời đại với nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật lớn lao. Chúng ta có đầy đủ tiện nghi vật chất, nhưng về mặt tâm linh thì chúng ta vô cùng khổ tâm, chứng tỏ rằng Tâm Vật không bình hành. Vì đa số con người lớn lên chỉ được đào tạo để trở thành những chuyên viên, những khoa học gia… Nhưng lại không được hướng dẫn để trở nên con người hạnh phúc như chúng ta hằng mong muốn. Có thể nói nền giáo dục như thế đã không thành công trong việc xây dựng con người toàn diện. Nó nghiêng hẳn về phần vật chất và đời sống thế gian còn phần tâm linh là nền tảng căn bản của cuộc đời thì lại thiếu sót. Vì thế, chúng ta đã trải qua biết bao khổ tâm, và trong tương lai, các thế hệ con em chúng ta sẽ tiếp tục khổ tâm. Mong sao tất cả chúng ta cùng ý thức vấn đề quan trọng để cùng nhau góp phần xây dựng một nền giáo dục toàn diện hay Tâm Vật bình hành để xây dựng con người vui sống, an lạc, hạnh phúc, tiến bộ, minh triết ngõ hầu làm hạt mầm cho thế giới thanh bình an lạc.
 
NIVA -NNL

Người giác ngộ vun bồi tánh đạo,
Bậc nguyên căn hoài bão ý Thiên,
Vào đời một chí nhẫn kiên,
Thực thi sứ mạng pháp quyền dựng xây.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, Rằm tháng Giêng Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây