Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
12/02/2012
BÁC NHÃ THIỀN SƯ

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 12/02/2012

Bác nhã Ba la mật đa Tâm kinh

Nghiên cứu kinh văn
------------
Bác nhã Ba la mật đa Tâm kinh


Chánh văn

1/ Quán Tự tại Bồ tát , hành thâm bác nhã ba la mật đa thời , chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
2/ Xá lị tử : Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệt phục như thị.
3/ Xá lị tử : Thị chư pháp không tướng, bât sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
4/ Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới... nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh diệc vô minh tận... nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.
5/ Bồ đề tát dã, y Bác nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
6/ Tam thế chư Phật, y bác nhã Ba la mật đa cố; đắc A nậu đa la tam niệu tam bồ đề.
7/ Cố tri bát nhã Ba la mật đa thị Đại thần chú, thị Đại minh chú, thị Vô thượng chú, thị Vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư.
8/ Cố thuyết Bác nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết :
Yết đế yết đế,
Ba la yết đế
Ba la tăng yết đế
Bồ đề tát bà ha.

Diễn nghĩa

1/ Quán Tự Tại Bồ đề tát dã
Lúc vào sâu Bác nhã Ba la,
Không nhơn không pháp mới là
Phát khai trí huệ vượt qua kia bờ.
Soi năm uẩn như tờ lặng lẽ,
Thấy chơn không thiệt thể nó rồi.
( Như vầy mới đặng thảnh thơi ),
Thoát vòng tai ách , dứt đời long đong.

2/ Xá lị tử : sắc không chẳng khác,
Sắc là không , không sắc nào hai.
( Xét không và sắc đường nầy),
Thọ, tưởng, hành, thức nghĩ vầy cũng y.

3/ Xá lị tử : Thế thì các pháp,
Tướng tự nhiên một loạt không ngơ;
Không sanh diệt , không sạch dơ,
Không thêm, không bớt ... tựa hồ như không

4/ Cho nên biết Chơn không không sắc,
Thọ, tưởng, hành, thức, bặt các các phần.
Mắt, tai, miệng, mũi, ý, thân,
( sáu căn hiệp với sáu trần kể sau ).
Tiếng, mùi, vị, sắc, màu, xúc, pháp,
Cả mười hai xứ giáp vòng không.
Trong mười tám giới : mắt không ...
Rốt cùng ý thức vẫn đồng y nhiên.
( Mười hai đoạn nhân duyên nhận kỷ ):
Không vô minh, chẳng ý dứt xong ...
Tới điều già chết cũng không,
Chẳng đem ý tưởng dứt xong chết già.
Bốn diệu đế : trước là khổ tập,
Diệt, đạo sau, kỳ thật vốn không.
Trí là không, đặng cũng không.
Vì chưng lặng lẽ mới mong đặng gì ;

5/ Chư Bồ tát vẫn y môt mực,
Bát nhã ba la mật sửa trau.
Tâm không trở ngại, ngăn rào,
Đã không ngăn ngại thì nào sợ kinh
Lìa mộng tưởng xa tình điên đảo,
Rốt cuộc rồi vãng đáo Niết Bàn.

6/ Ba đời chư Phật muôn vàn,

Đều nương Bác nhã, lìa đàng bến mê.
Đặng bình đẳng, bồ đề đạo chánh,
Bực cao sâu đâu sánh cho hơn.

7/ Mới hay Bác nhã độ nhơn,

Khác nào những chú Đại thần, Đại minh.
Chú vô thượng , chú linh tuyệt đẳng,
( Sức nhiệm mầu dẹp chẳng còn dư )
Phiền rầu, khổ não tiêu trừ,
Một lòng chơn thiệt, chẳng hư, chẳng tà.
8/ Nên đọc chú Ba la Bác nhã,

Lời chú rằng:
Yết đế yết đế,
Ba la yết đế,
Ba la tăng yết đế,
Bồ đề tát bà ha.


Mấy lời nói đầu

Muốn cho đọc giả hiểu bài Tâm kinh nầy, tôi xin bàn sơ về nghĩa “ Nhứt tâm tam quán”.
Nhứt tâm tam quán, nghĩa là : tâm có một, mà xét tâm có ba cách. Thành thử tâm có ba mặt:
a) Giã quán là xét cái hữu ( có ),
b) Chơn quán là xét cái vô ( không ),
c) Trung quán là gồm xét cả hai mặt : hữu vô mà chẳng thiên về bên nào ( hữu vô như một )
d) Dứt ý niệm “ hữu vô như một”

a )Giã quán : Xét cái hữu là xét về tình trạng hiện có trong tâm ta như : sự tín ngưỡng, tinh tấn, tham, sân, si, v.v... tỉ như khoa tâm lý học phương tây ngày nay. Phái Duy thức tông, cũng có một tên khác là pháp tướng tông, chủ trương thuyết hữu luận.
Đó là một phái Phật dạy về cái hữu ( có ) cho người ta biết phân biệt điều lành, điều dữ trong tâm tánh mình. Khi rõ biết hai điều lành dữ rồi, mới có thể làm lành lánh dữ.
Người phàm, ai cũng xưng mình biết lành dữ, mà hởi ôi ! cái lành dữ của họ bị lòng vật dục, lòng vị kỹ sử khiến mà họ không dè, nên mới có sanh ra lắm điều khổ não ở thế gian nầy, cho mình vàcho người ở xung quanh mình.
b)Chơn quán : lành dữ chỉ là hai hiện trạng, nghĩa là : hai hình dáng hiện ra ngoài cho ta thấy được. Còn cội gốc của nó ở đâu ? ai sanh ra nó ? Cái tâm .
Cái tâm nầy là cái tâm thanh tịnh nói ở trên, trống rổng, vắng lặng, không hình tướng, khó bề thấy được, tỉ như ánh sáng mặt trời. Xét mặt nầy gọi là xét cái vô ( không ), do nơi đây mà phát ra thiên hình vạn trạng.
Có người nghe nói cái tâm chẳng có gì hết, bèn đâm ra nghi là người ta không có linh hồn! Nếu con người chẳng có linh hồn, thì lấy chi làm chủ tể, để điều khiển trong thân thể ta. Hiểu như thế là vô lý, Nhưng linh hồn chẳng phải chữ của Phật. Phật gọi là “thức”một món trong năm uẩn nói sau đây, cũng gốc ở tâm.
Phật nói : Cái tâm là “chơn không mà diệu hữu”. Nghĩa là : Tuy không thấy có gì, mà huyền diệu lắm, biến ra người vật, võ trụ.
Bài tâm kinh mà tôi sắp giải ra đây, thuộc về mặt chơn quán, nên luận về cái vô ( không ) nhiều hơn. Cho nên trước khi khởi giải, tôi xin đọc giã để ý về nghĩa chữ không của Phật dùng là Chơn không. Thiệt thể. Tuy không mà các sự vật đều ở trong đó phát hiện ra. Chớ không phải là thứ không không, chẳng có chi ráo. Cái không sau nầy gọi là ngoan không.
Tôi xin lặp lại một lần nữa lời của Phật nói: Chơn không mà diệu hữu. Nghĩa là : Tuy không mà là nguồn gốc của muôn vật. Đây là khoa học Siêu hình học ngày nay, nghĩa là học ra ngoài hình tướng, tìm tới gốc sanh là bổn thể, là thiệt tướng. Nhà Phật gọi là Bác nhã Chơn không. Phái Tam luận tông, tức Pháp tánh tông, dựa vào kinh Bác nhã mà chủ trương thuyết vô luận ( không luận ).
c) Trung quán : cái đặc sắc của trung quán là gồm xét cả hai phương diện nói trên: Không và có, mà chẳng thiên về một bên nào, để mở trí rộng thêm một thí. Phái Như lai tạng tông chủ trương thuyết Trung luận.
Chữ “Trung” nói ở đây không phải là chính giữa, theo nghĩa thường dùng, như nhiều người đã lầm lẫn. Chữ Trung nói đây là không trụ vào một chỗ nào, mà bao quát tất cả các pháp. Nếu trụ ở một chỗ, thì có ranh hạn. Có ranh hạn thì sao lại nói: bao quát tất cả được. Bao quát tất cả là lượng rộng lớn nhốt hết muôn vật, trời đất vào nơi trong, minh mông vô cùng tận.

*  *  *
Chú thích

Hiệu kinh: Tâm kinh là kinh Phật dạy chúng sanh cho biết cái tâm mình. Tâm nói đây không phải là cái tâm thịt, cái tâm tư lự, cái tâm thức nhiễm trần, mà chánh là cái Chơn tâm thanh tịnh, giống như cái tâm của Phật vậy.
Mặc dầu hình tướng bên ngoài có khác, cái tâm thanh tịnh và tâm thức, ở trong bổn thể, ở trong tận nguồn gốc sanh vẫn có một mà thôi. Hồi ban sơ cả hai vốn lành, vốn phải như in một khuôn, nhưng chừng cái tâm bất giác động niệm, mới có phân ra hai đường lành dữ.
Nhà Phật gọi là bổn thể là chỉ cái tâm ban sơ đó, cái tánh mà ai ai cũng có từ đời vô thỉ. Vô thỉ là cái khởi đoan, mà không có mối đầu, không biết xuất hiện ra từ lúc nào, xa tít mù trong khoảng thời gian.
Nói trắng ra: cái Tâm ấy không sanh, không diệt, không đầu, không cuối. Bởi không sanh, không diệt, đứng vững như trồng, nên Phật gọi là; “Thường trụ chơn tâm”. Bởi không đầu, không cuối, đâu đâu cũng có, nên Phật nói: “Tâm trãi khắp mười phương thế giái”.
“Bác nhã” là tiếng Phạn Prajna diễn âm ra như thế. Bác nhã nghĩa là: trí huệ, có đủ sáng suốt mà hiểu biết hết các việc cao siêu huyền bí trong vũ trụ, không còn mãy may lầm lẫn.
Cái trí nầy cũng không phải là trí phàm. Đó là cái trí đã thoát ra ngoài màn vô minh, nghĩa là không còn hôn ám, mê muội nữa.
Xin đừng lộn chữ trí huệ ( sagesse), hoặc gọi là huệ mà thôi, với chữ trí thức( intelligence). Trí thức là trí của người phàm, còn trí huệ là trí của chư Phật. Đồng bào Bắc, Trung gọi là tuệ giác. Chữ huệ và chữ tuệ vẫn là một chữ, mà tại người đọc có khác mà thôi.
“Ba la mật đa” là tiếng Phạn Paramita diễn âm ra như thế. Ba la mật đa nghĩa là : Đáo bĩ ngạn, lấy nghĩa nôm là: đến bờ bên kia, thành Phật.
Bờ bên kia là bờ gì ? Phật nói : Bờ bên nầy sông là chỗ chúng sanh ở. Còn bờ bên kia sông là chỗ chư Phật ở. Chính giữa là con sông, nước chảy cuộn cuộn, rất khó độ qua. Nói khó chớ không phải là qua không được. Ai biết chèo giỏi, khi ghe ra giữa dòng, mà khỏi bị nước lôi cuốn, lướt sóng tung gió nổi, thì lên bờ bên kia được.
Tóm lại, Bác nhã ba la mật đa tâm kinh là bài kinh Phật chỉ cái tâm. Ai biết được cái tâm nầy, thì phát khai trí huệ, vượt qua sông mê bể khổ, lên bờ bên kia mà ở chung với phật, tức là thành Phật.
Ngài Huyền Trang Tam Tạng, khi đi thỉnh kinh ở Tây phương Phật cũng cởi phải thuyền bác nhã, tức là trí huệ, qua bờ bên kia mới tới chùa Lôi Âm là cảnh Phật ở. Chẳng những sông khó qua, mà chiếc đò lại đò không đáy, mới là khó cho chớ! Những lời nầy là lời ví dụ, để chỉ rõ sự khó đặng chánh pháp, xin đừng cố chấp thiệt là có đò, có sông.
Xin đọc giả, sau khi nghe tôi giải bài Tâm kinh nầy, ráng nhìn cái tâm thanh tịnh nói đây, chánh là cái tâm mình trước kia, nay đương mắc trong vòng bó buộc, hạn chế. Muốn tu hành cho đắc quả vị, thì phải rõ biết, tìm phăng cho biết cái tâm đó, mà mở trói buộc cho nó, để phục lại cái thể tánh ban sơ.
Phật nói : tâm tức Phật, Phật tức tâm ( tâm Phật như nhau), thì đủ hiểu đạo Phật không ra ngoài chữ tâm. Lại nói : Ngoài tâm không có pháp, thì đủ rõ đạo Phật là duy tâm triệt để. Cho nên đạo Phật cũng gọi là Tâm giáo. Nhưng chữ tâm của Phật nói đây khác với chữ tâm dùng trong khoa tâm lý học ngày nay.

Bài tâm kinh
Quán Tự tại Bồ đề tát đã
Quán là xét, nghĩ thấu tới nguồn chơn lý. Tự tại là an nhàn, vô ngại, lui tới tự do, tức là cảnh Niết Bàn.
Bồ đề tát đã là tiếng Phạn Boddhisatva diễn âm. Boddhi là giác, satva là chúng sanh. Bồ đề tát đã là chúng sanh đã giác ngộ, rõ cái tâm của Phật. Có chỗ giải : Các vị đi độ dẫn, giác ngộ chúng sanh, nghe cũng thông. Bồ đề tát đã, gọi tắt là Bồ Tát.
“Quán Tự Tại Bồ đề tát đã” là các vị Bồ Tát đã vào hàng thập địa ( mười bực mà các vị Bồ Tát tu hành phải trải qua, trước khi thành Phật ) và đã quán đạt sự lý vô ngại.
Quán Tự Tại nói đây là môt tên khác của Đức Quan Thế Âm Bồ tát, Quan thế âm là gọi theo tục, chớ phải đọc Quán Thế Âm mới là thiệt đúng.
Đây là Ngài Quán Thế Âm thuộc về hàng Đại thừa giảng giải cho ông Xá Lị Phất còn ở trong hàng Tiểu thừa đặng rõ biết cái lý Chơn không Bác nhã. Có Đức Phật Thích Ca chứng minh.
Lúc vào sâu Bác nhã ba la
Hàng tiểu thừa tu, chỉ lo dẹp nhơn chấp, mà còn nhìn có pháp ở ngoài tâm. Các vị Bồ Tát, đã vào hàng thập địa, phải trừ luôn cả pháp chấp, mới là phát huệ, đặng trí bác nhã của Phật.
Dẹp nhơn chấp còn cạn, chưa đủ, phải trừ luôn cả pháp chấp mới gọi là vào sâu. Đó là chỗ phân biệt công phu của hai phái Đại thừa và Tiểu thừa.
Cho nên tôi mới giải tiếp bằng hai câu:
“Không nhơn, không pháp mới là
Phát khai trí huệ, vượt qua kia bờ.”
Nhơn là gì ? Pháp là gì ? mà gọi là nhơn chấp, pháp chấp, phải trừ dẹp? Đó là các món giả, thuộc về Vô minh, không trừ dẹp sao được.
Cuốn Tam thập tụng nói: “Do giả thiết: ngã, pháp, hữu chủng, chủng tướng chuyển”. Nghĩa là : Ngã và pháp là do giả thiết ( tên đặt ra dùng tạm mà giảng giải thuyết Phật, chớ không phải có thiệt thể ). Do đó mới có nhiều tướng biến chuyển đa đoan.
Đã biết ngã, pháp đều là giả thiết, thì không nên cố chấp. Cố chấp thì có nhiều biến chuyển đa đoan, còn sanh ra rối loạn mãi.
Chữ ngã trong cuốn “Duy thức Tam thập tụng ” cũng đồng một nghĩa với chữ nhơn trong bài Tâm kinh tôi giải đây. Ngã là gì ? ngã nghĩa là tôi, ta.
Người phương Tây nói: “Le moi est haissable”, nghĩa là : cái tôi đáng ghét. Ý nói : khi trò chuyện, chớ đem nói việc riêng tư của mình hoài, làm cho khách phải chán nản. Còn Phật dạy phải bỏ cái bản ngã, là đừng chấp mình có cái tôi đứng riêng, bền bĩ, rồi chỉ biết vụ tất cho mình, khoe khoan danh mình,v.v...
Còn Pháp là gì ? là tất cả sự vật, ở chung quanh mình... cho tới cả các pháp của Phật dạy nữa. Các Pháp đó chỉ là bóng vang của cái tâm mà thôi. Nên Phật nói: Ngoài tâm ra, thì không có pháp.
Vậy người học đạo Phật, không nên cố chấp nhánh nhóc, mà phải tìm cội gốc là cái tâm. Huống chi, trên đã nói mình không có cái tôi. Hể mình không có cái tôi, thì người khác cũng như mình đây, làm chi mà có cái tôi đó. Cho nên người khác... cho đến muôn sự, muôn vật cũng thế, chỉ là tạm thời.
Nếu ai hết chấp ngã, chấp pháp, thì cũng dứt hết các sự trở ngại, đặng tiêu dao, tự tại, mới “phát khai trí huệ, vượt qua kia bờ”. Trí huệ vượt qua kia bờ, chánh tiếng phạn là: Bát nhã Ba la mật đa.
“Soi năm uản như tờ lặng lẽ,
Thấy chơn không thiệt thể nó rồi.
Như vầy mới đặng thảnh thơi
Thoát vòng tai ách, dứt đời long đong.”
Phật dạy: thân và tâm ( phàm) của người do năm uẩn mà thành. Năm uẩn, cũng gọi là năm ấm, tức là:
Sắc ( hình tướng ) >>thuộc về Thân
Thọ ( cảm xúc )>> thuộc về tâm
Tưởng ( nhớ tưởng )>> thuộc về tâm

Hành ( động tác ) >>  thuộc về tâm
Thức ( phân biệt ) >>  thuộc về tâm
Hai câu trước nói : Nếu ta xét thấy chơn không là thiệt thể của năm uẩn đó , thì biết gốc nó lặng lẽ như tờ, chẳng có một vật nào ở trong đó hết.
Hai câu sau nói ; biết vậy mới đặng thảnh thơi, vô ngại, thoát vòng tai ách, dứt đời long đong ( cực khổ ).
Xá lị tử! Sắc không chẳng khác,
Sắc là không, không sắc là hai.
Xét không và sắc dường nầy,
Thọ, tưởng, hành, thức, nghĩ vầy cũng y.

Xá lị tử, cũng gọi là xá lị phất, là tên của một người học trò lớn của phật, như Mục Kiền Liên, Tu Bồ đề,v.v ...
Đó là Quán Tự Tại Bồ tát kêu ông Xá lị Phất mà bảo rằng: Tuy ta nói : hình sắc và chơn không ( nói theo triết học ngày nay là hiện tượng và thiệt thể ), mà hai thứ đó không phải riêng biệt, khác hẳn nhau.
Hình sắc là chơn không, chơn không là hình sắc, chơn không với hình sắc đâu phải là khác, là hai. Rời hình sắc chẳng có chơn không, lìa chơn không chẳng có hình sắc. Sắc với không như một mà chẳng phải một.
Tỉ như cái đèn đương cháy và ánh sáng của cái đèn phát ra. Hể dẹp cái đèn thì hết ánh sáng. Bằng thấy hết sáng, thì biết đèn không còn. Hai bên dính liền với nhau rất mật thiết, mặc dầu khác nhau, mà không riêng biệt.
Trên đó là luận về sắc, chỉ một món trong năm uẩn. Bây giờ ta hãy lấy bốn món khác là thọ, tưởng, hành, thức đối chọi với chơn không, mà cũng nghĩ thọ là không, không là thọ,v.v thì cũng y như vậy. Nghĩa nầy mới là chính nghĩa.
Sau có nhiều người hiểu lầm, tưởng phải diệt hết sắc rồi, mới thấy không, ráp nhiều không chỉ hườn lại sắc. Nếu vậy thì hai bên riêng biệt, khác hẳn nhau rồi, đâu phải như cái đèn và ánh sáng đi cặp vào nhau, không rời nhau được. Một mặt khác, vì họ hiểu lầm chữ “không” nói đây là hư không, ngoan không (espace), nên trong kinh Lăng Nghiêm, Phật bác hẳn cái nghĩa nầy mà rằng: chẳng khi nào ráp nhiều hư không mà thành ra hình sắc. Tôi xin nói thêm : một ngàn con số không ( zéro ) , hiệp chung lại, cũng là số không.
Xá Lị tử: Thế thì các pháp,
Tướng tự nhiên một loạt không ngơ:
Không sanh diệt, ... không sạch dơ,
Không thêm, không bớt, tựa hồ như không.
Nếu nói vậy thì các pháp ( tên chung của mọi sự, mọi vật theo thế gian, năm uẩn, 18 giới, 12 nhân duyên, 4 diệu đế của Phật dạy hàng Tiểu thừa) ở trong thiệt tướng, bổn thể, đều là trọn không ngơ, trống rổng. Nó giống như hư không ( mà chẳng phải thiệt hư không), nên mới nói: không sanh diệt, không sạch dơ, không thêm, không bớt, v.v...Nếu nó chưa phát công dụng, thì không có đức tánh nhứt định nào cả.
Nhà Nho luận về chữ trung cũng có nói : cái tâm chưa phát mừng, giận, buồn, vui, thì gọi là trung. Ngôi trung ở đây tương tự với chơn không của Phật dạy.
Tuy biết rằng Phật dạy có năm uẩn là : sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mà đó chỉ là hiện tướng, không thiệt. Ở trong Chơn không, không có năm uẩn đó. Hay là nói một cách khác: tâm Phật thanh tịnh không có năm uẩn.
Vì vậy, tâm kinh mới nói:
Cho nên biết chơn không không sắc,
Thọ, tưởng, hành, thức, bặt các phần.
Sáu căn, sáu trần, sáu thức, cộng là 18 giới cũng theo một lý do đó mà gọi là không.
Các Pháp của Phật dạy hàng Thinh văn, như 12 nhân duyên, 4 diệu đế, cho đến khi tu theo đó mà chứng cũng không, chẳng có gì gọi là đặng cả. Vì trên đã nói chơn không thiệt thể lặng lẽ như tờ, thì mới mong đặng cái gì?

Lời kinh nói rằng:
Mắt, tai, miệng, mũi, ý, thân,
( sáu căn hiệp với sáu trần kể sau ) :
Tiếng, mùi, vị, sắc, màu, xúc, pháp
Cả mười xứ giáp vòng không.
Trong 18 giới, mắt không ...
Rốt cùng, ý thức vốn đồng y nhiên.
( mười hai đoạn nhân duyên nhận kỹ )
Không vô minh, chẳng dứt ý xong.
Tới điều già chết cũng không ...
Chẳng đem ý tưởng dứt xong chết già.
Bốn diệu đế, trước là : Khổ, Tập,
Diệt, Đạo sau, kỳ thật vốn không,
Vì chưng lặng lẽ, mới mong đặng gì !

Chắc chư độc giả đã nhận rõ trong mấy câu kinh nầy cái nghĩa “không” của tôi vừa giải ở trên đó.
Câu “Không vô minh chẳng ý dứt xong” (chữ Tàu : vô vô minh, diệt vô vô minh tận). Có nhiều nhà giải nghĩa mà chẳng chịu đứng về mặt không luận. Họ cắt nghĩa : không có vô minh mà phải ráng diệt nó. Đã nói không có vô minh, thì còn diệt nổi gì ?
Theo kinh Viên giác, vô minh chẳng có thiệt thể. Nó tỉ như hoa đóm trên không. Khi con mắt nhậm thì thấy nó. Chừng con mắt hết đau thì nó cũng biến mất.
Vậy ta phải hiểu như vầy: Không vô minh, chẳng ý dứt xong, ý nói : Vô minh chỉ là cái bóng vang mà thôi, trên đã nói : như hoa đóm trên không. Ta chỉ lo tu cái thiệt thể là cái tâm Phật. Hể cái tâm nầy đặng sáng suốt, thì tự nhiên vô minh phải hết, Chẳng cần đem ý dứt xong, trừ dẹp (cũng như người nhậm mắt thấy hoa đóm, hể mắt hêt đau thì đâu còn hoa đóm mà phải trừ dẹp).
Lại có đoạn nầy: “Vì chưng lặng lẽ mới mong đặng gì!” (chữ Tàu : dĩ vô sở đắc cố), mà nhiều nhà chú thích chấm câu sai, rứt nó ở câu trước, để ráp lại với câu sau, thành ra luống cuống khó giải. Tôi xin chửa lại trong bổn dịch.
Chư Bồ tát vẫn y một mực,
Bác nhã Ba la mật sửa trau.
Tâm không trở ngại nhăn rào,
Đã không ngăn ngại thì nào sợ kinh.
Lìa mông tưởng, xa tình điên đảo,
Rốt cuộc rồi vãng đáo Niết Bàn.
Các vị Bồ Tát đồng y theo một con đường mà tu: Bác nhã Ba la mật đa. Nhờ biết cái tâm chơn không, mà không bị các pháp trở ngại, ngăn rào, hết kinh sợ, lài mộng tưởng, xa điên đảo ? Tâm gồm về một mối Chơn không, Không còn rối loạn tơi bời nữa, nên rốt cuộc rồi, thẳng tới Niết bàn ( cảnh an nhàn, tự tại).
Ba đời chư Phật muôn vàn,
Đều nương Bác nhã lìa đàng bến mê.
Đặng bình đẳng bồ đề đạo chánh,
Bực cao sâu, đâu sánh cho hơn.
Chư Phật, trong ba đời là : quá khứ, hiện tại, vị lai, đều cũng là trước kia các vị Bồ tát tu bác nhã mà đặng thành, biết muôn vàn nào mà kể! Nhờ tu Bác nhã, các vị Bồ tát mới chứng A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, nghĩa là : đạo Vô thượng, chánh đẳng chánh giác, là cực quả, không còn bực nào cao hơn nữa.
Mới hay bác nhã độ nhơn,
Khác nào những chú Đại thần, Đại minh,
Chú vô thượng, chú linh Tuyệt đẳng,
( Sức nhiệm mầu dẹp chẳng còn dư ) :
Phiền rầu, khổ não tiêu trừ,
Một lòng chơn thiệt chẳng hư, chẳng tà.
Đủ biết môn Bác nhã Cao thượng, độ người một cách mau chóng, chẳng khác nào những chú Đại thần, Đại minh,v.v... rất linh diệu của phái mật tông ( là một phái Phật tu phép huyền bí). Nhờ đó mà các vị Bồ tát mới diệt trừ tất cả sự phiền rầu, khổ não, nhờ đó mà chứng được Chơn tâm, nên kinh nói: Phiền rầu, khổ não tiêu trừ. Rồi cũng nhờ đó mà biểu lộ: “Một lòng chơn thiệt chẳng hư, chẳng tà.”, tức là Chơn tâm vậy.
Đây là bài tâm kinh, dạy phải tu cái tâm làm sao cho ra chơn tâm, mà nhiều nhà chú thích lại dịch đoạn “Chơn thiệt bất hư” là : lời Phật nói chơn thiệt, không dối.
Theo sở kiến của tôi, thì đoạn nầy đồng một ý nghĩa với câu kinh thiền môn :
Bỉ phu thoát lạc tân,
Duy hữu nhứt chơn thiệt.
Nghĩa là :
Gọt đổ hết lớp da ngoài ( các pháp )
Thì chỉ còn một chơn tâm.
Cho nên phải để ý, Chữ “chơn thiệt bất hư” trên kia là chỉ vào “chơn tâm” mà nói,chớ không phải chỉ lời Phật dạy ( chơn thật).
Sau cùng, lại có một bài chú, bằng tiếng Phạn, ta đọc như thế nầy:
Yết đế, yết đế,
Ba la yết đế,
Ba la tăng yết đế,
Bồ đề tát bà ha.
Còn người phương tây Tâm như thế nầy:
Gâti, gâti,
Pragâti, prasangâti,
Boddhi swâha.
Đại lược, nghĩa bài chú như vầy : Tự độ mình, độ người, độ đến bờ bên kia, độ khắp chúng sanh tới bờ bên kia, đặng giác ngộ mau chóng.
Có một lúc, các tổ sư nhà Phật có ý đem phái Hiển tông và phái Mật tông mà hiệp làm một. Cho nên bổn tâm kinh nầy ở trên là kinh chữ thường thuộc về Hiển tông, ở sau là Phạn âm thuộc về Mật tông, cũng như kinh A Di Đà phía sau có chú vãng sanh vậy.
Các bài chú phần nhiều là lời chú nguyện của các Bực Đại giác, tóm tắt đại ý của bài kinh trên.

*  *  *
Kết luận
Phàm giải nghĩa một bài kinh, phải biết bài kinh đó thuộc về thuyết hữu (có), về thuyết không, hay là thuyết trung (tổng quát) vì tuy nói một tâm mà có ba cách xét. Lại cũng phải biết thuộc về thời nào, vì Phật dạy có năm thời kỳ, cũng như năm lớp học, có cao, có thấp bất đồng nhau.
Nếu kinh thuộc thời nầy mà nói qua thời khác, hay là thuộc thuyết hữu mà nói qua thuyết không, hoặc trái ngược lại: thuộc về không mà nói hữu, thì ý tứ lộn xộn khó hiểu.
Tôi đã nói : Bài Tâm kinh nầy thuộc về thuyết không, luận về chơn tâm thiệt thể, là chủ ý phá chấp, đánh đổ các hình tướng. Phật sợ chúng sanh chấp có, mà gieo sự trở ngại vào lòng, thì bao giờ mới đặng giải thoát, nên chi cũng nói không. Người tu “quán không’’ là cốt để dẹp hết các thành kiến xưa nay để đạt tới bực cao thượng hơn, là trí Bác nhã.
Kẻ phàm phu chấp có, đắm mê theo vật chất, thì cũng có hại. Còn hàng tiểu thừa tưởng Niết Bàn là tịch diệt (vắng lặng), là chỗ chư Phật về đó để an hưởng, ở không nhưng, nên họ chỉ cầu dẹp hết mọi sợ mọi vật ở trong lòng. Cũng còn lầm:
Vì chỗ sai lầm đó, nên nhà Phật mới mở ra con đường Trung đạo, chẳng chấp có, chẳng chấp không, thì mới thông hiểu trọn cái Đạo. Đó là cái tông chỉ tối thượng thừa của Phật giáo vậy.
Tôi xin tóm tắt bài Tâm kinh giải hôm nay, bằng một vài lời thô thiển sau nầy :
Tu là đừng nên có cái tôi, nghĩa là phải chung lo cho nhau, đừng vụ sự ích kỹ. Tu là đừng ham chuộng các vật ở ngoài thân, chỉ là bóng vang, không bền bĩ. Cho đến các Phật pháp học rồi cũng xả, hà huống là tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn, v.v...
“Nhưng”... , có một chữ nhưng, Phật tuy dạy xả thân, xả pháp, mà không phải xả là không dùng. Bỏ thân thì còn ai mà tu ? Bỏ pháp, bỏ của thì làm sao độ mình, độ thế ? Ai biết cái có để đem dùng về ích lợi chung, mà giữ tâm không, chẳng chấp trước, chẳng có ý tham muốn, chẳng thiên về một bên nào, tức là Trung Đạo của Phật đó.
Đây là tôi chỉ nói đại lược mà thôi, còn nhiều chi tiết nhỏ nhặt, phải học hỏi, phải suy gẫm lâu ngày, mới hiểu thấu ý Phật.

Rất Lòng Thánh Tín.

Nguyễn MINH THIỆN
Rằm tháng 10 năm Tân Mão(1951)

_________

PHỤ LỤC
Bản dịch Hán
Bản này do Đường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch.
觀自在菩薩。行深般若波羅蜜多時。照見五蘊皆空。度一切苦厄。舍利子。色不異空。空不異色。色即是空。空即是色。受想行識亦復如是。舍利子。是諸法 空相。 不生不滅。不垢不淨不增不減。是故空中。無色。無受想行識。無眼耳鼻舌身意。無色聲香味觸法。無眼界。乃至無意識界。無無明。亦無無明盡。乃至無老死。亦 無老死盡。無苦集滅道。無智亦無得。以無所得故。菩提薩埵。依般若波羅蜜多故。心無罣礙。無罣礙故。無有恐怖。遠離顛倒夢想。究竟涅槃。三世諸佛。依般若 波羅蜜多故。得阿耨多羅三藐三菩提。故知般若波羅蜜多。是大神咒。是大明咒是無上咒。是無等等咒。能除一切苦。真實不虛故。說般若波羅蜜多咒即說咒曰 揭帝揭帝 般羅揭帝 般羅僧揭帝菩提僧莎訶





BÁC NHÃ THIỀN SƯ

Biết đạo ai ơi biết lẽ Trời,
Đừng nên mong vọng chuyện xa khơi,
Tu nhân kết quả nhân hành thiện,
Tích đức công dày đức độ đời.

Đức Đại Đồng Tổng Lý , Huờn Cung Đàn, 01-4 nhuần Quý Mão, 22-5-1963

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây