Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
22/09/2010
Nguyễn Thị Trúc Thảo

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 22/09/2010

Đôi điều Học tập và Tâm đắc từ Hệ Từ Thượng- Chương VI


Hệ Từ Thượng-Chương VI viết:

“Quảng đại phối Thiên Địa, biến thông phối tứ thời, âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt. Dị giản chi thiện phối chí đức” (廣 大 配 天 地, 變 通  配 四 時, 陰 陽 之 義 配 日 月. 易 簡 之 善 配 至 德): Sự  quảng đại sánh với trời đất, sự biến thông sánh với bốn mùa, cái nghĩa âm dương sánh với mặt trời mặt trăng, sự giản dị khéo léo sánh với đức siêu việt. (Dịch Kinh Tân Khảo, hệ từ thượng, tr.3602)

I. Quảng đại phối Thiên Địa

- Quảng đại là sự rộng lớn. Phối: sự kết hợp. Quảng đại phối Thiên Địa: sự rộng lớn hợp với nhau tạo thành Thiên Địa, sánh như Thiên Địa, lòng quảng đại, hội thông được tâm của Trời Đất.
- Quảng đại là tình thương rộng lớn: Không có gì rộng lớn cho bằng vũ trụ càn khôn, bao quát cả không gian vô cùng, thời gian vô tận. Trời Đất chứa đựng tất cả: muôn loài, vạn vật, mọi sự, mọi việc thiện ác tốt xấu, nên hư,… Vậy, quảng đại là tình thương rộng lớn. Chúng ta dễ nhận thấy lòng quảng đại của cha mẹ đối với con cái, của các bậc Minh chúa, Thánh hiền, ở các vị Giáo chủ như Đức Phật, Đức Chúa, Đức Chí Tôn:
Tình Tạo Hóa ban đều vũ trụ,
Đức háo sanh bao phủ càn khôn,
Chuyển luân nhựt nguyệt vong tồn,
Cỏ cây nhơn vật vô cùng hóa sanh. Đức Chí Tôn, Nam Thành Thánh Thất, Tuất thời, 01-01 Ất Tỵ (02-02-1965).

- Quảng đại là sự bao dung, rộng lòng cảm thông, tha thứ cho lỗi lầm của người khác, thương yêu đối với mọi người. Quảng đại để có trái tim biết nhạy cảm, tâm hồn mở rộng mà tiếp thu, vươn lên tiến bộ.
- Quảng đại thể hiện tánh không: không phân biệt ta người, không ranh giới dị biệt, tất cả đều gồm chung vào một, xem việc người như việc của mình, lo cho người như lo cho mình.
- Quảng đại là vong kỷ, là tâm xả trong tứ vô lượng tâm: từ bi hỉ xả. Quảng đại là phải chịu hy sinh, thiệt thòi một chút để làm nên cho người, được việc lớn. Quảng đại là cho mà không tính toán. Cho đi một cách thật lòng chính là cách khôn ngoan nhất và chắc chắn nhất để ta giữ lại những gì mình có ở trần gian này như lời Thánh Phanxicô Assisi: “Chính lúc cho đi là khi được nhận lấy; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.
Tuy chứa đựng tất cả, nhưng cũng phải từ bỏ, tha thứ. Tha thứ những lỗi lầm của người, từ bỏ những nhỏ nhen, hẹp hòi, ích kỷ xấu xa, phiền não, trược trần không ích lợi cho con đường tiến hóa của mình.
Tóm lại từ “Quảng đại” thể hiện tình thương rộng lớn, bao dung như tấm lòng của cha mẹ, của một bậc đại nhân, một người quân tử, đó là lòng Trời. Lòng quảng đại giúp chúng ta đón nhận tất cả trong sự an nhiên, vui vẻ, mà cũng buông bỏ tất cả không vướng bận. Lòng quảng đại tạo nên cái đức lớn nhất của con người là đức Nhân. “Đức Nhân là nguồn cội vi nhân”, đức Nhân là hạt giống tình thương nơi con người, tức là điểm thiện, điểm Linh Quang hằng có của con người để thực hiện sứ mạng làm người là trở nên giống Trời, ban vui, cứu khổ, thương yêu, tha thứ, giúp đỡ muôn người muôn vật để cùng tiến hóa. Đức Nhân che chở con người khỏi chướng ngại của cuộc đời, được an nhiên tự tại. Lòng quảng đại ví như Đức Nguyên của Kiền mà cũng là Đức Nguyên của Khôn, chủ về sự sanh hóa.

II. Biến thông phối tứ thời

- Biến thông: Huấn từ Đức Chí Tôn dạy:

"chứng giả biến thông vô tận,
Đắc nhất trung trực tấn Cao Đài,
Thiên nhân chánh vị hoà hài,
Vạn đồ cổ vãng kim lai thủ thành"Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Hợi thời, 29-02 Mậu Ngọ (06-3-1978).

Biến thông là khả năng ứng biến một cách trực giác, nhanh nhạy và hiệu quả.
- Tứ thời là Tý Ngọ Mẹo Dậu, là 4 mốc thời gian chia đều một chu kỳ thời gian: ngày tháng năm,… Tứ thời là bốn mùa xuân hạ thu đông chỉ sự biến thiên thời tiết của một chu kỳ. Nói rộng ra, tứ thời chỉ qui luật thay đổi về thời gian.
- Tứ thời là chu kỳ tuần hoàn: Tứ thời là Tứ Tượng của Trời Đất, khởi đầu cho sự sanh hóa, vận hành để sanh hóa muôn loài vạn vật. Tứ thời là sự sắp đặt của Tạo Hóa để cho vạn vật vận hành nhằm bảo tồn cơ sanh hóa. Sự vận hành này là một chu kỳ tuần hoàn để trở về gốc.
Biến thông phối tứ thời: Sự vận hành thay đổi của trời đất đã tạo nên tứ thời. Mọi sự mọi việc biến đổi không ngoài tứ thời, tức sự thay đổi theo chu kỳ bất biến của càn khôn vũ trụ, nhắm mục đích “hanh thông” tức là chiều hướng thuận lợi cho sự tiến hóa phát triển của vạn loại. Chiều hướng này không theo đường thẳng mà là đường xoắn ốc, tiến hóa tuần hoàn trong sự qui nguyên trở về của vạn loại.
Biến thông là sự thay đổi mà Tạo Hóa đã sắp đặt cho vạn vật để cho sự sống tồn tại và phát triển.
“Ví dụ: Chúng ta biết rằng hiện tượng ngày đêm có do sự quay của trái đất xung quanh trục của nó. Nếu Trái Đất không quay quanh trục nữa thì hiện tượng ngày đêm sẽ bị gián đoạn: Những nơi nào được mặt trời chiếu sáng sẽ là ban ngày mãi mãi, đến một lúc nào đó, nhiệt độ quá cao sẽ làm thiêu cháy nơi đó. Những nơi nào không được mặt trời chiếu sáng, sẽ là ban đêm mãi mãi, mọi vật chìm trong đêm tối, thực vật, động vật và cả con người sẽ chết dần chết mòn vì băng giá.” Hành Trình về Phương Đông

Cơ vận hành này được sắp đặt hết sức hoàn hảo:
“Mặt trăng là một vệ tinh của trái đất, điều khiển thuỷ triều biển cả. Nếu nó không cách xa trái đất 380 000 cây số mà xích lại gần hơn 80 000 cây số thì một cuộc hồng thuỷ sẽ xảy ra. Nước sẽ bị sức hút dâng lên ngập tất cả các lục địa mỗi ngày hai lần. Nước sẽ bốc hơi hết về hai cực và đồng thành băng giá cả. Tóm lại tất cả mọi đời sống trên mặt địa cầu sẽ biến mất, nếu các điều kiện sai lệch đi một ly.” Hành Trình về Phương Đông

- Vạn vật không ngoài 4 chữ: Sanh trưởng thâu tàng, vạn sự không ngoài 4 chữ: thạnh suy bĩ thái, đời người không ngoài 4 chữ: Sanh lão bệnh tử. Đó là những chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ.
- Một ngày có ngày đêm, một năm có bốn mùa, một đời người có ấu-lão. Mỗi giai đoạn là mỗi công việc nhưng tất cả đều nhắm vào mục đích hoàn mãn sứ mạng làm người:
Một sứ mạng Thầy dành hai ngõ,
Một ra đi một trở lại Thầy.
Tóm lại “Biến thông” là sự ứng biến một cách nhanh nhạy, hiệu quả, đạt sự hanh thông, tức là đúng như sự sắp đặt hoàn hảo của Tạo Hóa để vạn vật bảo tồn sự sống và tiến hóa. Chúng ta dụng đức biến thông để hành xử uyển chuyển khéo léo tùy thời tùy lúc nhằm đạt đến thành công, tức là được lòng người, được việc lớn.

III. Âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt.

- Âm dương là hai nguyên lý khởi đầu cho sự sanh hóa. Nhất âm nhất dương chi vị Đạo. “Trước khi chưa phân Trời Ðất thì khí hư vô bao quát càn-khôn sáng soi đầy trong vũ-trụ. Nó là một cái trung tâm điểm tức là Ðạo. Ðạo ấy mới sanh Thái-Cực, hóa lưỡng nghi. Lưỡng nghi là âm với dương (động với tịnh). Có âm dương rồi mới hóa sanh muôn vật.” Đại Thừa Chơn Giáo

- Nhật nguyệt: Thầy có dạy: “Huyền quan nhứt khiếu ấy là chi? Là Thiên-Nhãn vậy. Nó ở ngay nê huờn cung, gom trọn chơn dương chánh đạo. Hai con mắt của các con là nhục nhãn, tức là âm với dương, thì cũng như Thái-Cực là Thiên-Nhãn, còn lưỡng quang là Nhựt Nguyệt hằng soi sáng khắp càn-khôn, cứ tuần huờn mãi, hết ngày đến đêm, hết đêm đến ngày, không bao giờ dứt sự hành tàng của Tạo-Hóa. Âm dương lại có thêm cái thể dụng của âm dương nữa là Nhựt, Nguyệt, tức là cặp ðèn (lưỡng nghi). Người tu hành biết cách hồi quang phản chiếu thì đắc kim đơn cơ tại mục là vậy.” Đại Thừa Chơn Giáo

Thầy cũng đã dạy: “Âm dương là cái pháp nhiệm-mầu, sâu kín Thiên-cơ. Âm dương ấy hiệp nhứt thì phát khởi Càn-Khôn. Khí âm cướp một phần chơn dương của ngôi Kiền, Kiền mới hóa ra Ly (Ly là Thái Dương: mặt Nhựt). Khôn đặng chơn dương biến thành Khảm (Khảm là Thái Âm: mặt Nguyệt).”
Âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt: hai chữ Âm Dương vốn đã bao quát sự sanh hóa, biến đổi không ngừng của càn khôn vũ trụ.
- Âm dương là hai phạm trù đối đãi, không thể thiếu, không thể tách rời, vốn có và hằng có. Không có vật chi trên thế gian tồn tại nằm ngoài hai lẽ âm dương. Mọi sự vật đều tồn tại hai mặt đối lập của nó. Luật-tắc âm dương động tịnh là điều-kiện vạn vật biến hóa sinh trưởng.
Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn dạy:
“Hỡi chư Thiên ân hướng đạo! Hỡi chư đệ muội phận sự Cơ Quan. Nhật nguyệt vần xoay có đêm có ngày, có sáng có tối. Bóng hoàng hôn vừa buông xuống thì vạn vật đều thu mình để hấp thụ khí âm sinh hòa hợp với dương sinh mà sinh sôi nảy nở. Trong một năm có bốn mùa tám tiết, con người có lúc làm lụng thì cũng có lúc nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi để thu hồi khí lực cho sức sống buổi bình minh. Phương chi người sinh trong đạo, sống bằng đạo vận hành của trời đất thì cũng cần biết lúc nào cần thu liễm bồi bổ khí lực tiêu tán trong năm dài với thời tiết đổi thay.” Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ngày mùng 01 tháng 5 Canh Thân (13-6-1980):
“Hạ Chí là mùa ôn dưỡng cho tất cả vạn linh. Chư Thiên ân hướng đạo, chư đệ muội là những người tiêu biểu để thực hiện cái đạo hằng hữu sinh súc của con người. Thế nên, những ai đã giác ngộ bước trên nẻo Thiên Đạo Đại Thừa thì không cần đợi gì nhắc nhở khi đến khóa tu giờ tịnh, mà phải tự lo chuẩn bị dọn mình nhập định để nhiếp thâu ôn dưỡng.
Mỗi người tự biết cách sống thì mới sống cuộc đời thư thái ung dung, mặc dầu trước mọi sự vật thay đổi của trần gian thăng trầm nóng bỏng. Ai dám nói là không có gì liên hệ, không có gì ràng buộc, nhưng con người đã độc lập được cái sống đạo thì có ngăn ngại gì đâu, vì họ đã sống vui với cái tự do của họ trên đường thành trụ hoại không, luân hồi nghiệp quả rồi. Con người ấy với trời đất là một vậy.”

- Âm dương chỉ sự hòa hợp, quân bình. Ngay từ khởi thủy, chúng ta thấy hình đồ Thái Cực ôm kín một âm một dương. Khắp nơi trong vũ trụ đâu đâu cũng có một sự quân bình tuyệt đối, không dư, không thiếu, từ hạt bụi bé nhỏ đến những dãy thiên hà vĩ đại. “Luật-tắc âm dương động tịnh chứng minh sự tác-động đối nghịch để chuyển vận mọi sự tiến-hóa được phát sinh từ sự mâu thuẫn tác hiệp. Sự mâu thuẫn ở đây phải nằm trong luật-tắc tương-hiệp tương-hòa.” Đạo học chỉ nam.

Đây là một điểm then chốt và rất lý thú trong đời sống thường nhật cũng như trong tu học và đạo pháp. “Nhứt âm nhứt dương chi vị Đạo”. Đạo Học Chỉ Nam có dạy: “Chữ Nhứt nó rất mầu nhiệm. Nếu âm dương không có chữ Nhứt thì làm chi gọi được Đạo. Thái Cực là Nhứt, thì Nhứt nầy hiện ở dương thì gọi là Nhứt dương, hiện ở âm gọi là Nhứt âm. Nhứt nọ, Nhứt kia cũng là Nhứt, nghĩa là dầu ở phương diện nào cũng có cái Nhứt trong phương diện đó. Một đó có thể là vật nọ vật kia, thiên hình vạn trạng, thay đổi biến hóa, không sao nhận được. Đã là Dịch, thì có khi nào đứng yên một chỗ, mà luôn luôn thay đổi.”
Chữ Dịch bao gồm chữ Nhật và chữ Nguyệt. Mà chữ Minh cũng gồm chữ Nhật và chữ Nguyệt. Nhật Nguyệt, một soi sáng ban ngày, một soi sáng ban đêm. Một người có thể vừa trong tình huống này phải cương kiện quyết đoán (dương), nhưng chuyển sang một tình huống khác lại phải nhu thuận mềm mỏng (âm). Trong sự tu học, rèn luyện, ví dụ đức tánh kiên nhẫn, kiên (dương), nhẫn (âm); dũng mãnh (dương) hòa ái (âm). Dụng theo nghĩa lý quân bình âm dương, dụng âm dương đúng thì con người sẽ thành công và đạt đạo Trời.
Tâm vật bình hành là chủ trương của ĐĐTKPĐ thể hiện qua:

• Mục đích ĐĐTKPĐ là Thế đạo đại đồng và Thiên đạo giải thoát.
• Trong thế chân vạc: Nhân bản- an lạc- tiến bộ phải xây dựng đồng thời ở cả hai mặt tâm linh và nhân sinh.
• Sứ mạng vi nhân gồm 2 đoạn đường: một ra đi một trở lại Thầy,…
Tóm lại, Âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt dạy chúng ta: âm hay dương đều có giá trị riêng của nó, khi cần cương kiện thì cương kiện, khi cần mềm dẻo thì mềm dẻo. Dù dương hay âm, dù Nhật hay Nguyệt cũng tỏa sáng không ngừng trong ý nghĩa giúp đời giúp đạo.

IV. Dị giản chi thiện phối chí đức.

Giản: đơn giản, Dị: dễ dàng.
Giản là đức của Khôn, của âm; dị là đức của Càn, của dương. Có đức “dị” (của Càn), có đức “giản” (của Khôn) thế là nắm được đạo lý trong thiên hạ rồi; nắm được đạo lý trong thiên hạ, thế là có được cái địa vị ở giữa trời và đất (cùng với trời đất thành ba ngôi – tam tài: Trời, Người, Đất)
Chú thích chương 1 về sự giản dị:
Càn dĩ dị tri, khôn dĩ giản năng: Càn nhờ đức cương kiện mà động nên dễ dàng, không tốn sức mà làm chủ tác động lúc mới đầu; Khôn nhờ đức nhu thuận mà đơn giản, không rối ren mà tác thành vạn vật.
Đạo Học Chỉ Nam có dạy: “Cơ mầu nhiệm đã sáng tạo nên trời đất, sanh hóa muôn loài, tuy mắt phàm không nhận thấu sự đơn thuần giản dị của Âm Dương, trong có một hệ thống trật tự, đâu phải tam phân rối rít như người nhận đó là sự ly cách phân tranh. Sự cách ly phân tranh là tâm thức, bị vô minh vọng chấp, mà gây nên đối đãi dị biệt, rồi trông thấy tất cả những gì cũng thù địch, cũng xáo trộn bất an. Mà sự xáo trộn bất an đó cũng do người chia lìa vũ trụ làm đôi, thời gian không gian cách biệt, sự sự vật vật không còn hỗ tương, mà chỉ thấy nhau là thù địch.” Đạo Học Chỉ Nam

Người ta nếu bắt chước Càn, xử thế một cách bình dị thì lòng mình người khác dễ biết; nếu bắt chước Khôn mà xử sự một cách đơn giản thì người khác dễ theo mình. Người khác dễ biết mình thì có nhiều người thân với mình; người khác dễ theo mình thì mình lập được công lao. Có nhiều người thân thì mình được lâu dài, lập được nhiều công thì sự nghiệp mình lớn. Mình được lâu dài thì là có đức của hiền nhân, có sự nghiệp lớn thì là có sự nghiệp của hiền nhân. Dị tắc dị tri, giản tắc dị tòng. Dị tri tắc hữu thân, dị tòng tắc hữu công. Hữu thân tắc khả cửu, hữu công tắc khả đại. Khả cửu tắc hiền nhân chí đức, khả đại tắc hiền nhân chi nghiệp.

Giản dị giúp ta suy nghĩ đơn giản, hành động đơn giản, không làm mọi việc trở nên trầm trọng, phức tạp, vì “một niệm sanh, muôn pháp khởi sanh”, người cũng chẳng vui mà tâm mình cũng ưu phiền vọng động.
Giản dị về mặt vật chất thì đi liền với đức cần kiệm, về mặt tinh thần thì đi liền với đức khiêm tốn.
Sống giản dị là sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội, biểu hiện ở chỗ không xa hoa lãng phí, không chạy theo những nhu cầu vật chất và hình thức bề ngoài.
Lời nói giản dị là lời nói gần gũi, dễ hiểu. Oliver Smith nói: "Thuật hùng biện chân chính không có nghĩa là trình bày những điều vĩ đại theo phong cách hoành tráng, nhưng là nói về những điều đơn giản, dễ hiểu" vì nói cho cùng thì nói và viết hùng hồn là để thêm sức mạnh cổ vũ mọi người nghe theo, hành động... Nhưng để cổ vũ mọi người hành động thì đâu chỉ nói những lời đao to búa lớn to tát, nghe choang choang như tiếng gõ thùng mà chính là ở sự giản dị, thiết thực, chân thành.
Đức Lão Tử dạy:
Làm việc khó, bắt nơi chỗ dễ.
Làm việc lớn, bắt nơi chỗ nhỏ.
Việc khó trong đời, khởi nơi chỗ dễ.
Việc lớn trong đời, khởi nơi chỗ nhỏ.
Đồ nan ư kỳ dị
Vi đại ư kỳ tế
Thiên hạ nan sự
Tất tác ư dị
Thiên hạ đại sự


Đức Lão Tử dạy: “Ta có ba của báu, hằng nắm giữ không buông, một là Từ, hai là Kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ.” “Từ” là thương yêu, xem mọi người như mình, không phân biệt người lành kẻ dữ, nên không bao giờ có kẻ thù; “Kiệm” nên không xa xỉ, không khêu gợi lòng tham dục của con người mà làm nên đại sự. “Không dám đứng trước thiên hạ” là người khiêm cung mới có thể cầm đầu thiên hạ. Kẻ có lòng Từ là người đại dũng vì dám xem thù như bạn, có lòng khoan dung rộng lớn. Kiệm thì làm gì luôn luôn cũng có mực độ, lòng dạ quảng đại quang minh.” Đạo Đức Kinh

Thế cho nên: Dị giản chi thiện phối chí đức: Sự giản dị là điều thiện sánh với đức lớn ở trong đời.
Cái đức lớn của Trời Đất là nguồn sống. Thiên Địa chi đại đức viết sinh
Sự sống nói đây chẳng những ở trong người, mà nó bàng-bạc khắp trời đất, đâu đâu cũng đầy dẫy, ví như dòng nước tuôn trào, miên miên trường cửu, sự sống là đức lớn của Trời. Đức sinh sinh hóa hóa vô cùng, từ cỏ cây đến động-vật và con người, luôn luôn được nảy nở đủ mọi mặt, làm cho ngày ngày được mới, triển chuyển từ hẹp đến rộng, từ rộng đến sâu, mà tinh thần phát đạt cao cực, sự nghiệp lớn lao. Đức sinh sinh ấy là nguyên-khí của đạo Trời, là nhân, là thiện ở nơi người, là xuân, là tình của muôn vật. Đạo Học Chỉ Nam

Tóm lại, Nhơn pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự Nhiên. Đạo thì hồn-nhiên thanh tịnh vô đối, toàn thiện toàn chơn. Tánh con người là hồn-nhiên vô thiện ác, mà hồn-nhiên vô thiện ác là chí thiện, đồng thể với Thiên lý, đạo trời. Tự Nhiên là đạo của Trời, càng giản dị là càng hợp lẽ tự nhiên, hợp lòng Trời. Giản dị là điều kiện cần để hòa hiệp với mọi người, mà hòa hiệp chính là giềng bảo sanh muôn vật. Đạo Đức Kinh

"nền tảng bảo sinh nhân nghĩa,
Hiệp mở đường chủ thể đại-đồng.
Thiên thời địa lợi song song,
Nhơn hòa, vạn vật vô cùng thắm tươi"Đạo Học Chỉ Nam

Góp phần làm cho muôn vật sinh hóa chính là noi theo Đức Hiếu Sinh của Trời, thể hiện tánh thiện từ và tạo nên cái đức lớn của con người.

Kết luận:

“Quảng đại phối Thiên Địa, biến thông phối tứ thời, âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt. Dị giản chi thiện phối chí đức”: đó là Đạo của người quân tử, được ví như nước. Lão Tử khuyên: Người muốn trở thành tốt thì hãy sống giống như nước: Bậc “thượng thiện” giống như nước. Nước thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Ở chỗ mà người người đều ghét, nên gần với Đạo. Ở thì hay lựa chỗ thấp, Lòng thì chịu chỗ thâm sâu, Xử thế thì thích dùng đến lòng nhân, Nói ra thì trung thành không sai chạy, Sửa trị thì chịu làm cho được thái bình. Làm việc thì hợp với tài năng, Cử động thì hợp với thời buổi. Ôi, vì không tranh, nên không sao lầm lỗi. Thượng thiện nhược thủy, Thủy thiện lợi vạn vật, Nhi bất tranh, Xử chúng nhân chi sở ố, Cố cơ ư Đạo, Cư thiên địa, Tâm thiện
Đạo Trưởng Huệ Lương là một bậc Thiên ân hướng Đạo của cả ba nơi: Minh Lý- Truyền Giáo- Cơ Quan. Ngài đã được Thiên phong phẩm vị Quảng Đức Chơn Tiên vì đã có trí thức, đạo đức và tài năng, tuy chưa được viên túc cả ba, nhưng Đức Chí Tôn muốn phó chúc cho Người để tấn tới hoàn mỹ. Phỏng theo lời dạy của Đức Bác Nhã Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội, 07-6 Tân Dậu (08-7-1981).
Sắc lệnh của Đức Chí Tôn: “Công hạnh ấy, tâm đức ấy, Huệ Lương Trần Văn Quế đã hi sinh đóng góp thật nhiệt thành, bôn ba khắp nước, thiết tha với sự hòa hiệp. Chí hướng ấy trọn đời ôm ấp để thực hiện hai chữ "Dung Hòa". Mặc dầu chưa thành công, nhưng ý chí đã thành.” Minh Lý Thánh Hội, 07-6 Tân Dậu (08-7-1981).

Ôi! Đại nhân ấy là người hợp đức cùng Trời Đất, hợp sự sáng soi cùng với mặt trời mặt trăng, hợp thứ tự với bốn mùa, hợp cát hung với quỷ thần. Ở trước trời mà trời không trái, ở sau trời mà vâng theo thời trời. Trời còn không trái, huống chi người, huống chi quỷ thần! Phù đại nhân giả, dữ thiên địa hợp kỳ đức, dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh, dữ tứ thời hợp kỳ tự, dữ quỷ thần hợp kỳ cát hung. Tiên thiên nhi thiên phất vi, hậu thiên nhi phụng thiên thời, thiên thả phất vi nhi huống ư nhân hồ, huống ư quỷ thần hồ! 夫 大 人 者, 與 天 地 合 其 德, 與 日 月 合 其 明, 與 四 時 合 其 序, 與 鬼 神 合 其 吉 凶. 先 天 而 弗 違, 後 天 而 奉 天 時, 天 且 弗 違 而 況 於 人 乎, 況 於 鬼 神 乎- Dịch kinh tân khảo, II tiết 49, tr.668-669, Nguyễn văn Thọ
Nguyễn Thị Trúc Thảo

Phật Tiên buổi chót đến hồng trần,
Kêu gọi người đời rõ lý chân,
Chớ để linh tâm vùi tục lụy,
Nên ngừa cám dỗ của tà thần.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây