Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
24/11/2010
Phạm Văn Liêm

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 24/11/2010

Tưởng niệm Đức Quảng Đức Chơn Tiên

BÀI NÓI CHUYỆN

Ngày Liên Giao Hành Đạo tại Thánh Thất Từ Vân

13-10. Canh Dần- 18-11-2010



Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát

Kính thưa:….

Hôm nay 13-10 ngày giổ cố Hòa Thượng Trần văn Dõng trụ trì Từ Vân tự
Ngày mai 14-10 ngày giổ tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế quả vị Quảng Dức Chơn tiên, cố Chủ Trưởng Hội Thánh Truyền Giáo. Họ Đạo Từ Vân đã chọn thời điểm nầy tổ chức ngày Liên Giao Hành Đạo thật vô cùng ý nghĩa.
Hòa Thượng Trần Văn Dõng trụ trì ngôi cổ tự Từ Vân đã phát tâm chuyển mặt bằng tâm linh nầy cho Cao Đài. Vào năm 1953, quí Hướng Đạo Cao Đài miền trung, sau thời gian tao loạn, đã đoàn tụ về đây, mời tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo Cơ Quan Truyền Giáo, tiến đến thành lâp Hội Thánh Tuyền Giáo Cao Đài.
Nhân ngày cúng giổ tưởng niệm hôm nay chư quí Đại biểu, quí anh chị lớn các Hội Thánh, Thánh Thất, Thánh tịnh, Cơ quan Đạo sum vầy tại hội trường nầy trong tinh thần Liên giao rất thân tình đầm ấm. Tệ đệ hân hạnh được họ đạo Từ Vân giành cho phần trình bày bài nói chuyện để nhìn lại dấu tích và công lao của hàng sứ mệnh hóa duyên cứu thế và đề cập đến Chánh Pháp Trung Hưng qua cuộc đời và Đạo nghiệp của tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế.
Kính thưa quí vị,
Cái “tự nhiên như nhiên” là bản hoài của các nhà tu giải thoát. Họ đến không để ảnh, họ đi không để hình.
Như cánh chim vút bay qua bầu trời, chẳng lưu dấu vết.
Như trăng chiếu dòng nước, nước chẳng giữ trăng.
Như mặt gương soi, Hán, Hồ đều hiện.
Trong sáng, tự nhiên, vắng lặng và dung thông là tính chất của gương. Người Hán đến, hiện người Hán, người Hồ đến, hiện người Hồ. Khuôn mặt nào ra khuôn mặt đó. Nhưng khi Hán đi Hồ khuất thì gương vẫn trong ngần với thể tánh chân thường.
Thể tánh chân thường là tự tánh, là cội nguồn hằng sống, cội nguồn của hóa giải khổ đau, ràng buộc. Đó là cõi an nhiên tự tại. Đặt tâm được vào chỗ an nhiên tự tại là hòa cùng đại thể. Nhưng muốn được “tự nhiên như nhiên”, có đâu ai cũng làm được. Từ nhất kỳ, nhị kỳ, rồi tam kỳ. Từ tây Ninh, Chiếu Minh, rồi Truyền Giáo. Từ những đạo sư, đạo sĩ, thiền sư, giáo sĩ, đến những hành giả cao Đài, từng lớp người đã lướt dặm nhân gian kinh qua kiếp sống, thực nghiệm tâm linh. Trong cõi ta bà thăm thẳm nầy, biết bao chân linh đã đến rồi đi. Dấu vết nào còn lưu lại, dấu vết nào vắng bặt khi gót chân qua

Hãy dõi nhìn vết chân,
Vết chân bậc “vi nhân”
Băng qua ngàn dâu biển,
Để dấu thức mộng trần.


Đi qua không để dấu là bước chân cũa thiền giả, của kẻ xuất triền. Vào cuộc in đậm nét hóa duyên là hành trạng của bậc vi nhân, của người nhập triền. Triền là ràng buộc, là vây khổn, là chìm đắm. Nhập triền còn có nghĩa là vào chợ. Thỏng tay ung dung vào chợ là chỗ tuyệt dụng của bậc Bồ Tát, bậc Vi nhân. Bậc Bồ Tát, bậc Vi nhân không thể xuất triền, mà phải nhập triền, phải vào chợ đời tăm tối u sầu, phải ngược dòng khổ lụy thế nhân bằng tâm bi mẫn mà tự tại hồn nhiên.

“Lộ hung tiển túc nhập triền lai,
Phù thổ đồ hôi tiếu mãn tai.
Bất dụng Thần Tiên chân bí quyết
Trực giao khổ mộc phóng hoa khai”

(Lưng trần chân đất chợ người
Cát lầm bụi vẩn ta cười say sưa
Thần Tiên bí quyết cũng thừa
Cây khô thoắt đã đung đưa nhụy vàng)

(Tranh chăn trâu thứ 10 Thiền Tông)

Đó là tâm trường của bậc Bồ tát. Còn trong buổi đời cùng cuối nầy, người đương vi sứ mạng phải giong thuyền từ, lướt sóng dục để vớt kẻ trầm luân đang chơi vơi lặn hụp, là sứ mạng của bậc Vi nhân.

“Vơi vơi bể khổ chiếc thuyền từ,
Sứ giả nào đâu chốn Ngọc Hư.
Chiếc áo Thiên ân còn rỡ rỡ
Tay chèo tận độ phải khư khư
Nhân sinh lặn hụp sao đành vậy
Đạo pháp trường lưu thế cũng như
Bác ái nằm lòng, già hóa trẻ
“Vi nhân” chút phận liệu bao chừ”.

Bài thơ giáng bút của Ngài Quảng Đức Chơn Tiên, Huệ Lương Trần Văn Quế dạt dào tâm trường âu lo của một Thiên ân sứ mạng.
“Vi nhân phận sự liệu lo
Vơi vơi bể khổ đưa đò hóa duyên
Thiên ân sứ mạng tâm nguyền,
Trường lưu đạo pháp tận truyền nhân sinh.
Tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế vào cõi nhân gian năm Nhâm Dần (1902) và dăng Tiên ngày 14.10, Canh Thân (1980). Với 78 năm để bước hồng trần Tiền bối đã lưu lại cho nhân quần cả ngoài đời lẫn trong đạo một nhân cách lớn và nhũng bài học vô giá.
Trong tinh thần liên giao hôm nay, nhân ngày tiên thường kỵ nhật của tiền bối, chúng ta hãy cùng nhau nhìn ngắm lại cuộc đời và đạo nghiệp một bậc sứ đồ của Thượng Đế Chí Tôn.
Kính thưa quí vị,

Tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế sinh ngày 7 tháng 4 năm Nhâm Dần (1902) tại Long Thành Đồng Nai. Tiền bối là người con áp út trong gia đình khá giả gồm 8 người con. Năm lên 7 tuổi, tiền bối bắt đầu học chữ Hán. Sau một năm chuyển sang học trường Tổng Phước Long lớp Dự bị cours Préparatoire đến năm lớp Nhì Cours Moyen được chuyển sang học trường Biên Hòa. Từ đó tiền bối tiếp tục đường học vấn từ Saigòn ra Hà Nội rồi trở về Saigòjhn đi dạy mà vẫn tiếp tục thăng tiến. Qua 16 năm, tiền bối đạt được 7 mãnh bằng. Bằng cấp đầu tiên là certificat d’ Etudes Primaire franco năm 17 tuổi. Bằng cấp sau cùng là Certificat d’ aptitude Pédagogique-titre fracais năm 30 tuổi.
Trong lãnh vực khoa bảng thực sự tiền bối rất thành công đến nỗi được ca ngợi là “vua bằng cấp”
Tiền bối đã chọn con đường văn hóa, nguyện cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. Khi tốt nghiệp sư phạm xong, tiền bối về dạy học tại trường Pétrus Ký, sau nầy làm giảng sư Đại học văn khoa và Đại học Vạn Hạnh. Tiền bối lập nhà xuất bản Thanh Hương tùng thư, soạn rất nhiều sách về giáo khoa sư phạm, sách khảo cứu, sách về triết lý tôn giáo. Ngoài ra trong giai đoạn đất nước mất chủ quyền:

Vận nước đã suy vi tan tác
Hồn dân còn trụy lạc tả tơi
Phải cơn nước lữa tơi bời
Cam lồ rưới khắp đạo Trời mở tung.

Tiền bối đã cảm nhận lời Thánh giáo của Đức Trần

Nhưng thân còn đứng trong vũ trụ
Nợ non sông chừ phú cho ai
Oằn oằn nặng trĩu đôi vai
Trả xong cái nợ râu mày cho xong
Đời phải lúc Tây Đông quyết liệt
Đời phải cơn chém giết lẫn nhau
Nước non thay dạng đổi màu,
Người đau ta há chẳng đau đớn lòng

Tiền bối đã tham gia vào phong trào Liên Đoàn Ái Quốc 1943. Bị Pháp bắt cùng với nhiều nhà yêu nước khác. Tiền bối bị kết án 20 năm khổ sai, đày biệt xứ và bị tịch biên gia sản.
Sau ngày thoát nạn tù, trong tinh thần đắp vá non sông tiền bối đã giữ chức Dân Huấn Vụ thuộc bộ thông tin tại Hà Nội, rồi đến Bộ trưởng Bộ Nghiên Cứu cải cách tại Sàigòn
Cùng với nỗi đau mất nước của dân tộc, tiền ối đã chung lưng gian khổ với lớp trí thức ưu thời, mưu cầu hạnh phúc cho con người. Nhưng đối với tiền bối, Ơn trên đã đặt để một sứ mệnh khác- Sứ mệnh Cao Đài. Ngay từ buổi thiếu thời tiền bối đã có tâm hướng về lãnh vực tâm linh. Tiền bối thâm nhiễm Phật Giáo, học theo kinh Tây Qui Trực Chỉ, thờ đức Di Đà. Song song với cuộc sống hữu hình, tiền bối luôn có một năng lực vô hình chuyển hóa. Mặc dù gia đình đã tin theo Cao Đài và muốn tiền bối cùng chung tín ngưỡng. Nhưng tiền bối quyết không bỏ Phật, bỏ kinh. Từ đó mỗi lần về thăm nhà tiền bối đều mộng thấy điềm lạ như những linh khải
Lần đầu tiền bối thấy mình bị rượt đuổi đến vấp té và có người kê dao găm vào cổ dùng tiếng Pháp hỏi rằng: “De quelle religion êtes vous? (Ông theo đạo nào?) tiền bối vội trả lời “Je suis Boudhiste” (tôi là Phật tử) người kia nạt lớn: “Dites plutôt caodaiste” (nên nói tín đồ Cao Đài là tốt hơn)
Lần tiếp theo về nhà thấy tran thờ tượng một thiên nhãn sáng rực, ra sau vườn thấy hồ sen đầy những bông to bằng bánh xe bò. Hỏi bông gì thì có người trả lời là bông sen để cúng Thầy. Bông sen tượng trưng cho Phật giáo, Thầy là Thượng Đế Giáo Chủ cao Đài. Câu “Bông sen để cúng Thầy” đã làm tiền bối suy nghĩ rất nhiều.
Lần khác nữa tiền bối thấy mình về vừa gần đến nhà thì gặp trận mưa lớn phải chạy vào ngôi miếu cổ để núp. Vừa vén tấm sáo cửa đã thầy tượng Thiên Nhãn giống lần trước. Hình tượng nầy như có một huyền lực khiến tiền bối chuyển đường tín ngưởng từ tự nguyện học kinh thờ Phật sang nhập môn Cao Đài.
Tiền bối nhập môn ở Thánh Thất Phú Hội Tổng Thành Tuy Hạ, quận Long Thành rồi tu học, hành đạo tại Thánh Thất Cầu Kho của Đốc học Đoàn văn Bản.
Tại đây tiền bối đã hội hiệp với nhiều bậc lỗi lạc trong đạo THẦY đồng thời thường xuyên tiếp xúc với điển lực Thiêng Liêng. Như cá gặp nước, như rồng gặp mây, tiền bối trở thành tri âm tri kỷ với quí bậc thiên phong trong Đại Đạo. Cho nên khi qui thiên, Đức Đoàn Văn Bản đắc quả vị Chánh Giác Kim Tiên đã về cơ tại Hườn cung Đàn rằng:

“Huệ Lương tri kỷ nhớ hay chăng?
Nhớ buổi Đạo khai gặp khó khăn
Tiên tục tuy nay đôi nẻo cách
Lòng riêng riêng trợ bạn tri âm”.

Năm 1930 tiền bối được tiến cử vào Hội đồng trị sự Tòa Thánh Tây Ninh đắc phong phẩm vị Giáo hữu.
Năm 1932 tiền bối tham gia phái Minh Chơn Lý (Mỹ Tho). Ơn trên đã nâng phẩm Tiền bối lên Giáo Sư với bài thi điểm danh:

QUẾ nếm mùi rồi quế chẳng phai
Công KHANH đâu ví chức Cao Đài
Lên non đến ĐẢNH xem thêm đẹp
Phong phẩm Giáo Sư thật chẳng sai.

Năm 1933 Tiền bối được vận chuyển về Trước Tiết Tàng Thơ thuộc HT Cao Đài Tiên Thiên. Thầy giao cho tiền bối trọng trách lớn lao qua bài Thánh giáo bằng Pháp văn. Trong đó có đoạn:
“Quế con, nghe Thầy dạy. Thế giới đang bị đẩy vào đường tận diệt. Con sẽ thấy sắp đến đây, những tai biến dập dồn. Chiến tranh sẽ bùng nổ và các nước văn minh với vũ khí giết người trong tay đang tìm mọi cách để dùng chúng mà tiêu diệt lẫn nhau. Con và các huynh đệ hãy rao truyền giáo thuyết cao cả của Thầy, để kêu gọi con người hung ác hãy lui bước,…
Quế dần dần con sẽ hiểu một sự thật mà lâu nay kín nhẹm…”
Ở Trước Tiết Tàng Thơ tiền bối nhớ câu Thánh giáo:

QUẾ minh chơn đạo cầm cân
Chen chân cửa Phật vững thân cậy nhờ.

Cho nên tiền bối chăm chỉ học pháp luyện Pháp hầu đàn cơ. Khi đã hiểu được các pháp và phương thức hành đạo của Tiên Thiên, tiền bối dừng lại và trở về an dưỡng ở Thánh tịnh ngọc Tuyền do bào huynh Trần Văn Tồn làm chủ tịnh tại Long Thành. Tại đấy tiền bối được Ơn trên ban cho Thánh danh Huệ Lương cùng 3 tiền bối khác với bài thi như sau :
TỒN tâm Huệ Thánh độ nhơn hiền
QUẾ đức Huệ Lương trợ bốn nguyên
TAM tứ Huệ Khai thành quốc đạo
BƯỜNG tâm Huệ Nghĩa ngộ Thần tiên.
Trong giai đoạn an dưởng nầy tiền bối đã kết mối tâm đồng với tiền bối Đàm Thi sau nầy là đồng tử Liên Hoa thủ cơ Bửu kinh Đại Thừa Chơn Giáo mà Tiền bối Trần văn Quế dược Ơn trên ban lệnh viết phàm tựa.
Năm 1934 tiền bối đắc cử tổng thư ký Liên Hoa Tổng Hội thực hiện 12 Hội Long Vân. Sau khi kết thúc, tiền bối về lại Ngọc Tuyền, nhân kinh Đạo Nguyên Chính Nghĩa Vĩnh nguyên tự xuất bản, tiền bối vâng lệnh đức Như Ý Đạo thoàn viết phàm tựa. Phần thánh tựa do đức Như Ý giáng đàn ban tại TT. Thánh Thất Đà Nẵng
Cũng chính giai đoạn tịnh dưỡng ở ngọc Tuyền tiền bối được huyền linh Tam giáo vận chuyển đến tiếp xúc với Minh lý Thánh Hội tham dự vào Bình Nghị Thất
Năm 1949 tiền bối được Tòa Thánh Tây Ninh bổ chức Khâm Sai Bắc Tông Đạo lo mở mang xây dựng cơ sở Cao Đài tại Bắc phần.
Năm 1955 Tiền bối cầm đầu phái đoàn Cơ quan Truyền Giáo tham dự hội nghị Quốc tế tôn giáo tại Nhật Bản.
Năm 1956 (1.6) tiền bối được Thiên phong phẩm Phối Sư giữ chức Chủ trưởng Hội Thánh Truyền Giáo.
Năm 1961-1962 tiền bối tuân mạng Ơn trên viết Phàm tựa cho Tam Thừa Chơn Giáo HT Tam Quan.
Cùng năm 1962 Ơn trên trao nhiệm vụ Phó Ban Phổ Thông Giáo Lý Liên Quan Hành Đạo. Trưởng ban thuộc vô vi do Đức Giáo Tông đảm trách
Sau 1 năm (1963) Đức Lý giáng đàn phê công như sau:

Bần đạo tạm chủ trương giáo lý,
Cậy Huệ Lương chung thỉ lo tròn
Tuổi già chí vẫn sắt son,
Vì Thầy vì Đạo sống còn quản chi
Và 3 năm sau (1966) Đức Lý thừa sắc chỉ trao nhiệm vụ Tổng Lý Minh Đạo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Đức Lý truyền:

Huệ Lương!

Mấy mươi năm nhọc nhằn gian khổ,
Suốt một đời củng cố đạo tâm
Thiên nhơn lý đạo xét tầm
Mạng trời trao để vững cầm Cơ Quan

Năm 1967 tại Minh Lý Thánh Hội (Tam Tông Miếu) tiền bối được thiên phong Vĩnh Tịnh Sư
Năm 1973 tiền bối được Đức Giáo Tông Vô Vi ĐĐ thừa sắc chỉ Ngọc Hư Cung tuyên dương công trạng gồm 8 điểm. Và Hội Thánh Truyền Giáo tôn cử tiền bối lên phẫm vị Ngọc Chánh Phối Sư.
Năm 1980 vào ngày 14.10 tiền bối đăng tiên tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý trụ thế 78 năm. Trong đó 27 năm Chủ Trưởng Hội Thánh Truyền Giáo.

Kính thưa quí vị,

Trong suốt thời gian 27 năm nhận vai trò lãnh đạo Hội Thánh Truyền Giáo với sứ mệnh Trung Hưng vô cùng trọng đại như chính tiền bối đã nhận dịnh trong một bài phỏng vấn năm 1972: “Sứ mạng Trung Hưng ở đây có nghĩa rộng và hẹp. TRUNG HƯNG là phục hưng nền TRUNG ĐẠO mà đức Thánh Khổng thường hay đề cập đến “Đắc trung” và Chính trung”. Từ xưa trong phương diện khai thế trị thế áp dụng “Đạo trung” sẽ đem lại những thời đại thanh bình thạnh trị, như thời Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang ở Trung Hoa. Thời nhà Lý, nhà Trần ở Việt Nam! Đó là nghĩa rộng, còn nghĩa hẹp: Cơ Đạo truyền ra Trung, ngay từ giờ phút đầu tiên Thầy đã cho biết

Ngọc chỉ ban ra, dạ nghẹn ngùng
Hoàn cầu thế giới vẫn trời chung
Thượng cờ qui nhất Minh Chơn đạo
Đế mạng chừ ai gánh vác cùng.

Như vậy là Thiên ý đã định sẵn cho cơ Đạo miền Trung có một trách nhiệm lớn lao “thượng cờ qui nhất minh chơn Đạo” mà sứ mệnh Trung Hưng chánh pháp từng chặng đường lần đi vào chỗ trọng yếu là cơ duy nhất Giáo hội ngày mai”.
Khi Chánh pháp buổi đầu đã được phục hưng thì mọi dị biệt sẽ trở lại hòa đồng, mọi canh cải không còn nữa. Như vậy “Sứ mạng Trung Hưng Chánh Pháp” chẳng những liên hệ với công cuộc vận động thống nhất Đại Đạo mà chính là lý tưởng căn bản để soi dẫn công cuộc lập nên một Giáo hội duy nhất toàn cầu, đây cũng là ý nguyện lớn của tiền bối Chủ Trưởng đeo đuổi theo lời thúc dục của Đức Lý Giáo Tông: “Pháp Đạo nơi đây được hồng ân, cơ lập pháp nơi đây có nhiều thiện duyên, nên Đức Chí Tôn lần nầy chọn tại xứ Trung Việt làm cơ Chỉnh Pháp Khai Đạo, Chư Hiền rán nỗ lực mà lo góp phần công phu, công quả để xây đắp nền Giáo hội Trung Hưng. Ngày đến đây các Hiền được vui mừng, thấy nhiều ân điển mà Thánh linh hằng ngự nơi lòng,…”
Giai đoạn Chỉnh Cơ Lập Pháp, Khai Cơ Giáo Pháp, nền Đạo Trung hưng đã thể hiện rõ ràng con đường qui nhất:

“Trung Tông có phép nhiệm mầu
Có Thầy dẫn lối có đầu có đuôi”.

“Có Đầu” là Cao Đài Đại Đạo và Cao Đài Tôn giáo, hai đầu mối của Tâm Pháp và Tướng Pháp Thầy lập từ buổi Khai Đạo 1926 (Bính Dần)

Chính tiền bối Huệ Lương khi được lệnh Thiêng Liêng viết bài ca tụng Bửu Kinh Đại Thừa Chơn giáo, Tiền bối đã minh định:
“Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã hiện ra nơi cảnh sắc giới thì tức nhiên phải chịu dưới luật ấy mà phô diễn ra làm hai thể cách hữu hình là Cao Đài Đại Đạo và Cao Đài Tôn Giáo. Hai thể cách nầy tức là tả chi hữu dực của Đạo Trời để tiếp tục nhau mà đưa quần linh từ cảnh vô minh khổ não của trần tục cho đến cảnh hư vô tịch diệt, để cùng hội hiệp với Đấng Chúa Tể Càn Khôn.
“Cao Đài Đại Đạo thì hiện nay có chi Chiếu Minh làm đại diện, chuyên về khoa bí truyền, hay là khoa siêu phàm nhập thánh.
“Cao Đài Tôn Giáo thì hay về khoa phổ hóa mà hiện nay làm đại diện là các chi phái bên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và phái Tiên Thiên.
Đã là tả chi hữu dực của Đạo Trời thì hai cơ thể Bí Truyền và Phổ Hóa phải liên hòa tương tiếp, tương trợ lấy nhau mới có thể chống vững Đạo Trời và làm cho cây Đạo đặng rườm rà sung túc thêm lên là vì:
“Nếu không có Bí truyền thì cơ Phổ Hóa không thể đưa người đến mục đích cuối cùng của chữ tu đặng. Như vậy, lý thuyết lấy đâu làm căn cứ cao siêu hầu phổ hóa năm châu sau nầy.
Trái lại khoa Bí truyền không khoa phổ hóa thì lấy đâu tuyển chọn sĩ tử vào trường để cùng tuyên truyền mối Đạo Vô Vi”
Và như vậy: “Có đuôi” chính là pháp môn Tướng Tâm qui nhứt, Phước Huệ đồng tu, hành đạo tịnh luyện đi đôi
Tiền bối Bảo Pháp Thanh Long, một nhân tố tiên phong của Cơ Đạo miền Trung, một con người tiêu biểu của Hội Thánh Truyền Giáo đã từng say sưa “xông pha vào trường đời học hỏi” để “mở mang giao hảo cho tày người ta”. Nhưng khi tiền bối “bỏ xác hồn lên Thánh vức” đã về cơ minh định rõ ràng:

“Pháp Trung Hưng đã đêm về một
Dính chùm nhau như hột ác xoa!
Dù mà muốn gỡ không ra
Khác nào sữa nước chan hòa lẫn nhau”

“Đem về một”, chính là Cao Đài Đại Đạo (Tâm Pháp) và Cao Đài Tôn Giáo (Tướng Pháp) hiệp một. Như vậy ta thấy rằng lập Hội Thánh Truyền Giáo Thầy không ban một pháp môn thêm nữa mà chính là con đường qui nhất Tâm Pháp và Tướng Pháp. Trong đó Tâm pháp có Chỉnh pháp và Tướng Pháp có Chỉnh cơ
Phần Chỉnh Pháp được Thầy Mẹ, các Đấng Thiêng Liêng và Đức Ngô Cao Tiên ban trao 4 tầng bậc công phu (bảo pháp Luyện Châu) và 4 pháp bí tích (Tứ Bửu pháp) để thực hiện phần Cao Đài Đại Đạo tức pháp tu tâm và pháp trị đạo.
Phần chỉnh cơ cũng do Ơn trên và Đức Ngô chỉnh đốn về 3 phái 4 cơ quan để thực hiện phần Cao Đài Tôn Giáo tức tướng pháp công truyền.
Việc chỉnh cơ chỉnh pháp nầy chính là phục hưng lại phần dị biệt canh cải do tình trạng phân chi rẻ phái.
Thâm đắc về một sứ mạng phù hợp với lý tưởng phục vụ Đạo trời, mở đường qui nhất, tiền bối Huệ Lương đã dốc hết tâm lực, trí lực xây dựng Hội Thánh Truyền Giáo và nền Đạo Trung Hưng. Từ năm 1956 các Họ đạo được thành lập tận duyên hải đến thượng nguồn miền Trung, lên cao nguyên vào miền Nam, xuống miền Đông đất đỏ. Tiền bối đã cùng song hành với tiền bối Thanh Long và GS Nguyễn Đăng Thục khoa trưởng Văn Khoa Đại học Sàigòn trải chân khắp các Tỉnh, Thành Đạo từ Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Phước Tuy, Sàigòn,… để truyền bá về giáo pháp Đại Đạo về giáo thuyết Đại đồng, về Tam giáo Đồng nguyên cũng như Chánh Pháp Trung Hưng. Tệ đệ xin mở một dấu ngoặc chỗ nầy để thưa rõ về Chánh Pháp Trung Hưng. Chánh Pháp Trung Hưng là Chánh Pháp của Cao Đài được mô tả “ phi cổ nhi cổ. phi kim nhi kim.Phi cổ phi kim, nhi cổ nhi kim, trung nhất thị Cao Đài”( không xưa mà xưa, không nay mà nay. Không xưa không nay, mà xưa mà nay, trung nhất ấy Cao Đài). Chánh Pháp nầy thực thi sứ mạng “ Trung vạn Pháp, hưng vạn Giáo, thân vạn loại, hòa vạn chủng, siêu vạn linh”. Đối với Hội Thánh Truyền Giáo Thầy giao cho thực thi sứ mạng nầy gọi là sứ mạng Trung Hưng Chánh Pháp tức là thực thi sứ mạng Cao Đài trong cơ tận độ. Chính đức Trần Hưng Đạo Tổng Lý Hội Thánh đã giải bằng cơ bút nầy:

“ Không phải xưa cũng không phải nay
Trung dung quán nhứt ấy Cao Đài
Tam Kỳ Thượng Đế khai Chơn Đạo
Ngàn tuổi muôn năm chẳng có hai”


Nhất vạn Giáo mà trung vạn Pháp
Hòa vạn dân tổng hợp vạn thù
Qui nguyên Gia, Lão, Thích, Nhu
Mượn tay nhân thế vận trù thi công”

(TTTH)

Để có diễn đàn làm cơ quan ngôn luận về văn hóa Cao Đài về Chánh Pháp Trung Hưng, tiền bối Huệ lương đã làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Nhân Sinh mà tòa soạn buổi đầu đặt tại TT. Từ Vân nầy. Ngoài ra tiền bối còn viết trên các báo Sàigòn, báo Phương Đông, báo Đồng Nai phổ biến giáo lý Đại Đạo tam Kỳ Phổ Độ.
Cùng với hoàn cảnh xã hội đương thời, tiền bối cổ xúy việc lập khu hướng nghiệp, khu văn hóa xã hội, trại lánh nạn, mở nhà in, trường học, cô ,ký nhi viện, khu kinh tế mới cũng như dòng tu.
Trong thời Pháp nạn của Phật Giáo năm 1963, tiền bối lập phái đoàn Hội thánh đến gặp gở Tòa Khâm Mạng, Tòa Giám Mục, Hội Thánh Tin lành, Tổ chức Đạo Ba Hai,… dể hợp đồng liên tôn thăm viếng, chia sẻ với Viện Hóa Đạo Phật Giáo.
Đối với nguyện vọng thống nhất chi phái Cao Đài, tiền bối hướng dẫn các Hướng Đạo miền Trung đến Tòa Thánh Tây Ninh tiếp kiến Ngài Bảo Thế Lê Thiên Phước thảo luận gây ý thức về cơ qui hiệp chi phái,…
Kính thưa quí vị, trên đây là những công tích tiêu biểu với vai trò chủ trưởng Hội Thánh Truyền Giáo của tiền bối Huệ Lương. Đồng thời tiền bối còn là Vĩnh Tịnh Sư Minh Lý Thánh Hội 15 năm và Tổng Lý Minh Đạo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý cao Đài Giáo Việt Nam 20 năm.
Sau ngày tiền bối Huệ Lương đăng Tiên 8 tháng, Đức ngọc Hoàng Thượng Đế lâm đàn tại Minh Lý Thánh Hội ban sắc chỉ phong quả vị Quảng Đức Chơn Tiên vào ngày 07.06 Tân Dậu cho tiền bối. Trong phần báo đàn đức Bát Nhả Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ giải ý nghĩa tinh yếu của quả vị Quảng Đức Chơn Tiên như sau:
“Quảng Đức Chơn Tiên là một Thiên vị cao cả của hàng Thiên ân. Bần tăng tạm xin giải sơ cho chư hiền hữu được thông đạt Thánh ý, rõ được trí thức, đạo đức và tài năng của Người, tuy chưa được viên túc cả ba, nhưng Chí Tôn muốn phó chúc cho Người để tấn tới hoàn mỹ, chí thiện đúng như trong Dịch Lý, Hệ Từ Thượng Truyện ở chương 6 là:

Quảng đại phối Thiên địa
Biển thông phối tứ thời
Âm dương chi nghĩa phối nhựt nguyệt
Dị giản chi thiện phối chí Đức

Và Đức Chí Tôn ban ơn cho phép tiền bối nhập đàn thăm viếng. Tiền bối tiếp điển:

Quảng thông sứ mạng buổi Tam Kỳ,
Đức độ vun bồi chẳng dám ly
Chơn pháp sáng soi đường tận độ,
Tiên phàm minh định buổi đương vi,
Trần tình cậy có vầng thiêng điền,
Văn vẻ nhớ ơn bạn cố tri
Quế đượm hương thơm ân nghĩa cũ
Mừng chư hiền hữu mấy vần thi

Nội dung toàn bài Thánh giáo của tiền bối nói lên cả niềm vui và nỗi lo trong hiện tình cơ Đạo.
Nhìn cơ đạo ngỗn ngang rời rã
Nỗi Thiên ân mỗi ngã mỗi lòng
Đạo Trời huyền nhiệm mênh mông
Mắt tai hạn hẹp ngắm trông sao cùng

Kết hợp lại cái chung chưa đủ
Ý cá nhân tư phụ đâu thành
Muốn cho Thánh Thể mạnh lành
Tương quan liên hệ đồng thanh nhất tề.

Và tiền bối bày tỏ niềm cảm thông trên đường sứ mạng bằng giọt lệ mừng thương:

Nhìn nhau bỗng rưng rưng giọt lệ,
Nỗi mừng thương huynh đệ Thiên ân,
Mừng vì đường lối chánh chân,
Thương vì sứ mạng lâm phần gay go
Thôi thì thôi chuyến đò buổi chót,
Lòng dặn lòng đắng ngọt chớ nao,
Người xưa để lại người sau,
Gieo mầm sống đạo biết bao mống tròn

Đến đây để nhìn ngắm tổng quát tinh thần tham thông và gánh vác sứ mạng Đạo Trời của tiền bối Huệ Lương, tệ đệ xin đọc lời dạy của Đức Trần Hưng Đạo năm 1971 : “ Huệ Lương! (…) Hiền là bực Thiên ân quyền pháp gần như một giáo chủ của một phái, thì cần phải học thiên đạo, tu thiên đạo để dìu dắt đàn em hậu tấn, để tham thông cùng các đạo bạn, để giúp Trời sáng tỏ mối Đạo. Nên nói về Hạnh thì hiền đã chứng, nói về Pháp hiền cũng thông, chỉ có Tâm để cùng Trời làm một là mọi sự hoàn hảo” (Bác Nhả Tịnh Đường 1971). Và tiếp theo là 8 điểm tuyên dương công trạng của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo ngày 09.01. Quí Sửu (11.02.1973)
1) Đã nhứt tâm, nhứt đức trọn vẹn lòng tin phụng thừa Thiên mạng truyền bá giáo lý Thiên Đạo khắp ba miền Trung Nam Bắc
2) Đã có tinh thần Tam Giáo đồng nguyên, vạn giáo nhất lý.
3) Đả có tinh thần hòa đồng với tôn giáo bạn, không phân biệt màu sắc dị đồng tín ngưởng về phương diện truyền giáo cũng như hành lễ.
4) Đã thiết tha với sứ mạng thiên hạ đại đồng, hoài bảo tình huynh đệ nơi thế gian sẽ có ngày như tình linh sơn cốt nhục đồng thọ huyết thống một nguồn cội tối linh.
5) Đã hoài bảo mong thực hiện tình thương yêu dân tộc, không phân biệt địa phương Trung, nam, Bắc, hoài vọng ngày thống nhất đất nước trong tình huynh đệ Lạc Hồng, giữ vững non sông bản đồ chữ S về phương diện nhân sanh thế đạo
6) Hoài bảo xây dựng một thế hệ trẻ trung mầm non tiếp nối, đời sống tâm linh thánh thiện, theo luật tiền tấn, hâu kế tre tàn măng mọc trong tinh thần huynh đệ đại đồng trong mai hậu.
7) Đã nhứt tâm nhứt đức đặt trọn đời mình trong khoảng thời gian còn lại trong sứ mạng thế thiên hành hóa, độ dẫn nhân sanh trên đường tu học.
8) Hoài bảo xây dựng một Hội Thánh Đại Đạo duy nhất để truyền bá giáo lý tối thượng khắp nơi.
Kính thưa quí Đại biểu, quí anh chị Lớn, quí Thiên phong Chúc Sắc và chư Đạo tâm
Hôm nay chúng ta gặp gở trong tinh thần liên giao và tưởng niệm về một bậc Thiên ân đã tròn Thiên mạng để lại cho hậu nhân một công nghiệp lơn lao. Chúng ta nguyện học hỏi noi theo và nối tiếp hành trình
Hãy nhìn vào cái đã qua một cách tường tận để biết nhũng gì cần trân trọng, những gì cần loại bỏ. Từ đó cùng nhau chung sức vun bồi cho những hoạch định phát triển giáo hội. cần cho sự tu học của nhân sinh, hoài bảo cưu mang hướng lộ cho cái sắp đến được tốt đẹp theo định hướng.
Cái đã qua để dấu cho hiện tại, hiện tại để dấu cho tương lai. Những dấu vết nầy luôn sáng trong chánh kiến, nó nối kết theo nhau như chuỗi châu như dòng nước.
Phải biết trân trọng nâng niu những dấu tích đã qua để làm nền tảng cho mọi duy trì, phát triển, xây dựng cơ đồ.
Sau cùng tệ đệ mong mỏi rằng toàn thể chúng ta chí thành cầu khẩn Đức Quảng Đức Chơn Tiên phóng điển quang huấn dụ cho HT về đường hướng thực thi quyền pháp hiện tại như sắc chỉ Thầy đã truyền là Tiền Bối vẫn giữ nguyên vị, vận dụng thần lực điều hành quyền pháp tại Hội Thánh Truyền Giáo và Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý.

Tệ đệ xin kết thúc nơi đây. Trân trọng cảm ơn.

Nam Mô Quảng Đức Chơn Tiên.

Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Phạm Văn Liêm

Học đạo để nên người thánh thiện,
Tu hành cần rèn luyện thân tâm,
Có thân, thân chớ đọa trầm,
Có tâm, tâm chớ lạc lầm phàm phu.

Đức Đông Phương Lão Tổ, CQPTGL, 04-6 tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây