Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
30/03/2009
Thiện Quang

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 04/01/2010

Vũ trụ trong tâm hồn chúng ta

Vũ trụ (cosmos) có thật sự quan trọng đến mức các tôn giáo phải đặt nó vào vị trí đặc biệt như vậy không? Và liệu vũ trụ luận (cosmology) có là một cái gì thiết thực đối với chúng ta, hay chỉ dành cho những tinh tú ở tít mù trên trời cao? 

"Vũ trụ bao la cái sắc không,
Tạo nên vạn vật, lẽ tương đồng.
Ba nghìn thế giới quy tam bửu,
Chín cõi ta bà hiệp nhứt tông.
Yếu lý Kiền Khôn cơ biến dịch,
Nhiệm mầu Tạo Hóa thể dung thông.
Kẻ trời vạch đất chi cho nhọc,
Cái cái, người người, vốn ở trong."
Đạo Học Chỉ Nam, chương 4, tiết 2, mục 1.

Khó có thể hiểu được vũ trụ luận của đạo Cao Đài hay của bất kỳ một nền đạo nào nếu chúng ta chỉ nhìn lên bầu trời cao hoặc gắng sức đưa trí tưởng tượng vào những thế giới quỷ thần huyễn hoặc. Ngược lại, tất cả sẽ trở nên đơn giản, dễ hiểu, và thiết thực nếu chúng ta nhìn nhận rằng: những vũ trụ luận ấy đều đề cập đến vũ trụ trong tâm hồn chúng ta. Nói như vậy không phải là bác bỏ sự tồn tại khách quan của vũ trụ ngoại tại, nhưng để nhấn mạnh rằng vũ trụ vẫn hiện diện không chỉ ở chung quanh ta mà còn bên trong lòng ta nữa, và, nếu không hiểu được vũ trụ trong lòng ta thì chưa chắc có thể hiểu được vũ trụ chung quanh ta.

1. Thời tiết của tâm hồn chúng ta

Mỗi người, muốn thấy được vũ trụ trong tâm hồn mình, trước hết phải thấy được chính tâm hồn của mình tức là nơi "chứa đựng" cái vũ trụ đặc biệt này. Và muốn thấy được tâm hồn của mình, dù bạn là người duy tâm hay duy vật, bạn phải nhìn nhận rằng bản thân bạn là một con người. Con người ấy, giáo lý Đại Đạo bảo, là một chủ thể tự do.

Chữ "tự do" hàm ngụ rằng tất cả những gì liên quan đến ta đều do ta quyết định, chứ không do một ai khác hoặc một cái gì khác. Tình trạng đời sống của ta ngày hôm nay – bao gồm tổng số của mọi thành công và thất bại, ưu điểm và nhược điểm,… – hoàn toàn là do chính ta tạo ra, chứ không phải do tổ tiên của dòng tộc ta từ quá khứ, hay do nhà cầm quyền của chế độ hiện tại, hay do các chức sắc đương nhiệm trong các Hội Thánh, hay do bè bạn, hay do láng giềng, hay do những sinh vật được nuôi trồng quanh ta, hay do những vật vô tri vô giác trong môi trường sống, hay do những điều kiện khí hậu của thiên nhiên,… Bản thân ta và chỉ có bản thân ta sáng tạo nên số mạng của chính mình, là tác giả và tác phẩm của chính mình, là nhân mà cũng là quả của chính mình. Mặc dù mỗi ngày đêm hoặc mỗi giờ phút, ngoại cảnh và tha nhân "gởi đến" rất nhiều yếu tố tác động đến bản thân ta, nhưng ta có toàn quyền quyết định xem mình có chịu nhận lãnh những tác động ấy vào tâm hồn mình hay không.    

Còn chữ "chủ thể" ở đây hàm ngụ rằng ta là một vật thể có hai khả năng đặc biệt: thứ nhất là khả năng chủ động, không bị lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài; thứ hai, là khả năng chủ sử, tức là khả năng điểu khiển, sai khiến, hoặc thay đổi hiệu năng tác động của hoàn cảnh bên ngoài. Những ai không biết khai thác hai tiềm năng thiên phú này – chủ động và chủ sử – đều bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh chung quanh. Stephen R. Covey đã có những nhận xét tinh tế về điều này trong quyển "Seven habits of highly effective people": những người như vậy sẽ luôn luôn bị môi trường sống điều khiển. Họ có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi thời tiết của thiên nhiên: khi trời nắng, họ thực hiện được những công việc của họ, nhưng khi trời mưa họ sẵn sàng bỏ hết mọi dự định. Không những thế, họ còn dễ dàng bị ảnh hưởng bởi thời tiết của xã hội: khi được người ta đối xử tốt, họ cảm thấy thoải mái, nhưng khi bị người ta đối xử không tốt, họ phòng ngự. Họ xây dựng cuộc sống của mình quanh hành vi của người khác, họ tự làm cho nhược điểm của người khác mạnh lên để chi phối chính họ Stephen R. Covey, Bảy Thói Quen Của Những Người Thành Đạt, tr.73..

Đó là những nô lệ tự nguyện của ngoại cảnh, vì họ giao phó định mạng mình cho ngoại cảnh sai khiến. Ngược lại, những người biết chủ động và chủ sử có một cách sống hoàn toàn khác, khác biệt với cách sống vừa kể trên đến mức giáo lý Đại Đạo gọi những người này là chủ nhân ông. Tuy họ cũng phải đối diện với những biến dịch vô thường của thời tiết thiên nhiên và thời tiết xã hội, nhưng họ không bị các thời tiết này điều khiển. Họ có bí quyết gì chăng? Có chứ – họ ý thức về sự hiện diện của một loại thời tiết khác: thời tiết của tâm hồn chính họ. Tuy không có cách nào sai khiến được nắng mưa của thiên nhiên, cũng không thể nào thay đổi được nắng mưa của xã hội, nhưng họ hoàn toàn có thể điều khiển những nắng mưa trong tâm hồn chính mình.

Khám phá bí quyết này bằng cách thường xuyên quan sát lòng mình, chúng ta sẽ thấy có lúc mình rất sáng suốt nhưng cũng có lúc mình thật tăm tối: sự sáng suốt và sự tăm tối đó chẳng khác nào ngày và đêm của vũ trụ nội tâm. Cũng như trái đất nhận ánh sáng từ mặt trời, tâm hồn nhận ánh sáng từ chơn tâm. Khi chơn tâm ló dạng và tỏa sáng trong tâm hồn, ta bỗng trở nên một bậc đức hạnh mẫu mực, một nhà thông thái minh triết, một đấng cứu thế từ bi. Đến khi chơn tâm vừa lặn xuống, sự vô minh bao phủ lấy cả tâm hồn, ta có thể biến thành một tạo vật thô kệch, một sinh vật xấu xa, một nhân vật đê tiện. Xem vậy, giữa thời tiết của Trời Đất và thời tiết của tâm hồn có một sự tương đồng mà Đại Thừa Chơn Giáo đã từng nhấn mạnh: Trời Đất "có khi động tịnh, mưa nắng, hồi thanh quang minh bạch, lúc u ám vũ vần" Đại Thừa Chơn Giáo, tr.342., còn lòng người cũng không khác chi, "có khi động, khi tịnh, lúc ưa đạo đức, thuận  thiên lý hữu hành, còn có hồi lại thích vật chất, dẫy đầy lòng nhơn dục, gây mãi tội tình, cũng có sáng suốt, trí huệ thông minh, mà cũng có ngu hèn, đần độn dốt nát." Ibid.

Nhiều người có thể giận dữ vì những nội dung giáo lý này mà nói: "Tôi không thể xấu, không thể sai, không thể ngu hèn, đần độn, dốt nát; vì… tôi luôn tốt, luôn đúng, luôn sáng suốt, trí huệ thông minh!" Phản ứng này hoàn toàn có thể thông cảm được, vì nhìn bức tranh thời tiết nội tâm của mình ở những mảng sáng của nó, ta càng vui mừng và hãnh diện bao nhiêu, thì sang những bóng tối của nó, ta càng thất vọng và hổ thẹn bấy nhiêu. Liệu có cách nào che đậy bớt những bóng tối này? Hỡi ôi, sự khác biệt giữa ngày và đêm, mưa và nắng, giữa những xuân, hạ, thu, đông trong tâm hồn chúng ta luôn rõ ràng đến mức mọi người ở quanh ta sớm muộn đều nhận ra được. Chúng ta không có một cách ngụy trang nào để làm cho thiên hạ lầm tưởng ban đêm là ban ngày, trời mưa là trời nắng, mùa đông là mùa xuân. Vậy thì không có cách nào khác hơn là phải nhìn nhận cảnh giới nội tâm này: đó là vũ trụ trong tâm hồn ta, là nơi quyết định mọi thành bại trong kiếp người của ta, là nơi biến ta thành một chủ nhân hay nô lệ ở thế gian.

Điều khiển được những nắng mưa trong tâm hồn chính mình, đó chính là điểm khác nhau duy nhất giữa một chủ nhân ông và một nô lệ. Thật vậy, hai địa vị trái ngược này chỉ khác nhau ở khả năng hành xử tự do trong đời sống của mình. Tự do ở đây không có nghĩa là muốn làm gì theo ý thích mình thì làm, bởi lẽ, ngay cách hành xử tuỳ-ý-muốn này tự nó đã nói rằng người hành xử đang bị nô lệ. Nô lệ cho ai? Cho một thứ ý muốn không được kiểm soát của chính mình. Và sẽ không bao lâu sau đó, thứ ý muốn này có thể làm cho người hành xử trở thành một nô lệ tự nguyện cho cả thế giới, nô lệ cho từng sự kiện nhỏ nhặt nhất của cuộc đời này, ví dụ, nô lệ vào từng lời khen tiếng chê. Giống như con ngựa gỗ của thành Troie, ý muốn không được kiểm soát của chúng ta chính là nội loàn trong tâm hồn của chúng ta. Nó đẩy thế giới nội tâm vào những chu kỳ thiếu thốn rồi thừa mứa, bão giông rồi hạn hán, tạo ra mọi loại tai họa trong cuộc đời chúng ta. Bởi vậy, để có được sự tự do, chỉ có một cách duy nhất là phải kiểm soát và huấn luyện ý muốn của chính mình, sao cho ý muốn của mình chỉ được phép hoạt động trong phạm vi đạo lý của nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mà thôi.

Một khi đã làm chủ được ý muốn, chúng ta sẽ "tự làm chủ thân tâm, khắc phục mọi chướng ngại do nội tâm" Đức Quan Âm Bồ Tát; Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 09-01 Đinh Mùi (17-02-1967).. Khi đó, chúng ta sẽ dự báo được và chủ sử được thời tiết trong tâm hồn mình. Có dự báo, chủ sử được thời tiết trong tâm hồn mình, chúng ta mới duy trì được sự sáng suốt mà khai thác những thuận lợi và tránh né được những bất lợi của thời tiết ngoại cảnh, hiểu theo nghĩa rộng là những biến dịch vô thường của ngoại giới. Chính bằng cách này, những chủ thể tự do luôn luôn chiến thắng được ngoại cảnh. Không phải vì họ có thể tùy tiện thay đổi được ngoại cảnh, mà vì họ biết tận dụng mọi tình huống của ngoại cảnh để biến chúng thành những cơ hội tiến hóa cho bản thân. Nói khác đi, họ không thay đổi được những sự kiện mang tính vật lý học của ngoại cảnh, nhưng họ thay đổi được những ý nghĩa mang tính siêu hình học của ngoại cảnh. Nhờ đó, luôn luôn họ thụ hưởng được một sự hỗ trợ tích cực từ bất kỳ một thứ ngoại cảnh nào cho những tiến bộ bản thân. Công thức chiến thắng của họ, nếu ta mượn lời Đức Lý Giáo Tông, chính là:     

"Đạo nên/hư, trách thân trách kỷ,

Chớ không nên trách bỉ trách tha." Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Hợi thời, 19-02 Bính Dần (28-03-1986).

Có những người không đồng ý về điều này. Họ hỏi: nếu có ai đó nói những lời khiến tôi tổn thương, làm những điều khiến tôi mất mặt, thì tại sao tôi phải chịu đựng? Nhà tâm lý học Do Thái Victor Frankl, trong những ngày sống trong nhà tù của Đức quốc xã, khi trải qua vô số điều mà chúng ta thường gọi là "đau đớn", "sỉ nhục", "tổn thương",… về cả thể xác lẫn tinh thần, đã khám phá ra một điều kỳ diệu trong bản chất của con người: tất cả những gì xảy ra chung quanh ta đều không thể làm ta tổn thương được, thế nhưng, chính cách phản ứng của ta đối với những cái đó mới thật sự làm ta tổn thương. Stephen R. Covey, Bảy Thói Quen Của Những Người Thành Đạt, tr.70-75.

Bản chất kỳ diệu của nội tâm nằm ở khả năng khám phá những ý nghĩa tích cực của ngoại cảnh, khả năng chọn lựa những cách thức phản ứng cao thượng trước cùng một tác nhân ngoại tại. Đức Mẹ đã từng dẫn ra cho chúng ta thấy:

"Tâm mà được chí chơn chí chánh,
Tâm hòa quang, mọi cảnh sẽ vui;
Ớt chanh nghe cũng ngọt bùi,
Tâm tư: đường mật cũng mùi đắng cay.
Con giỏi lội, sông dài vẫn thích,
Con dốt bơi, mương lạch vẫn ghê;
Nệm bông, buồn thấy gồ ghề,
Chỏng tre, vui thấy mọi bề đều êm.
Đó là Đạo trước thềm giải thoát,
Đó là tâm linh hoạt viên dung;
Đó là đạt Đạo thời trung,
Quyền mà bất biến, thuận tùng bất thiên."
Đức Vô Cực Từ Tôn; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tý thời, 13-08 Mậu Ngọ (14-09-1978).

Chơn tâm là vầng thái dương trong tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta soi sáng nội tâm, và nhờ vậy mà chủ sử được thời tiết trong đó. Tân pháp Đại Đạo không dạy ta hô phong hoán võ để đổi thay thời tiết của Trời Đất, nhưng giúp ta an trị và điều hòa thời tiết của tâm hồn. Một khi đã làm chủ được của tâm hồn, ta có thể thay đổi được thời tiết của xã hội. Nhưng đó là nội dung ở phần cuối bài này. Còn bây giờ, chúng ta hãy tiếp tục chuyến du hành vào vũ trụ trong tâm hồn mình.

2. Thiên đàng và địa ngục nơi tâm hồn chúng ta

So sánh thời tiết của Trời Đất và thời tiết của tâm hồn, chúng ta đã thấy có một sự tương đồng. Sự tương đồng này không phải do người Cao Đài tưởng tượng ra, mà xuất phát từ một sự thật đã được khám phá bởi các nền đạo học cổ đại trên khắp thế giới: mỗi con người đều là một tiểu vũ trụ, một mô hình thu nhỏ của Trời Đất, tức là đại vũ trụ.

Gọi con người là tiểu vũ trụ, tức vũ trụ nhỏ, bởi vì chúng ta so sánh kích thước cơ thể vật chất của con người với kích thước hình thể vật chất của vũ trụ. Thật ra, trong mỗi cá nhân, chỉ riêng tâm hồn của họ thôi cũng đã là một vũ trụ không có giới hạn về kích thước không gian. Đây là một điều mà ai cũng có thể kiểm chứng được: hãy thử nhắm mắt lại để “nhìn” vào tâm hồn của mình. Có ai nhìn thấy một làn ranh giới nào hạn định tâm hồn mình trong không gian? Chắc là không. Không một ai có thể tìm thấy biên giới của tâm hồn mình, đơn giản là vì tâm hồn không hề có biên giới. Thể xác của chúng ta tuy hữu hạn, nhưng tâm hồn của chúng ta là vô hạn! Vậy thì chưa hẳn cái vũ trụ nội tâm này đã nhỏ hơn đại vũ trụ ngoại giới. Thậm chí, giáo lý Phật giáo còn khẳng định rằng tâm con người cũng rộng lớn như đại vũ trụ, và cách thức kiểm chứng vừa nêu ủng hộ cho lời khẳng định này. Thế thì chữ “tiểu vũ trụ” ở đây chỉ là một thuật ngữ quy ước để chỉ cái vũ trụ gắn liền với mỗi người chúng ta, chứ không chứa một hàm ngụ nhất định nào về kích thước.

Với những thuật ngữ này, đạo học có thể trình bày một trong những phát minh to lớn nhất của mình: vũ trụ là một hữu thể được biểu hiện thành hai cấp độ, thứ nhất là cấp độ nội tâm hay tạm gọi là tiểu vũ trụ, và thứ hai là cấp độ ngoại cảnh hay tạm gọi là đại vũ trụ.

Không chỉ riêng đạo học, mà triết học cũng đã chạm tay đến chân lý này. Trên bia tưởng niệm Immanuel Kant, một vĩ nhân của triết học cận đại, người ta đã ghi lại những lời mà ông đã từng viết khi kết luận quyển “Phê Phán Lý Tính Thực Hành”: “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính trọng luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi.” I. Kant, Phê Phán Lý Trí Thực Hành, tr.278. Triết gia người Đức này bằng trí tuệ siêu việt của mình đã nhận ra hai cấp độ vừa nêu của vũ trụ. Bầu trời đầy sao của Kant chính là đại vũ trụ của đạo học, “bắt đầu từ vị trí tôi đang chiếm chỗ ở trong thế giới bên ngoài của giác quan, và nới rộng sự nối kết của tôi ở trong đó với sự lớn rộng vô bờ bến của những thế giới chất chồng lên những thế giới và những hệ thống chất chồng lên những hệ thống, và lại ở trong những thời gian vô lượng vô biên của sự vận hành theo chu kỳ của chúng với sự khởi đầu và tiếp diễn.” Ibid. Còn quy luật luân lý của Kant chính là tiểu vũ trụ của đạo học, “bắt đầu từ bản ngã vô hình vô ảnh của tôi, từ nhân cách của tôi và thể hiện tôi trong một thế giới có sự vô tận đích thực, nhưng chỉ có thể dò tìm bằng giác tính, và, cùng với tính vô tận ấy, tôi nhận ra rằng tôi không hiện hữu trong một sự nối kết đơn thuần bất tất mà là phổ quát và tất yếu.” Ibid.

Sự biểu hiện của một vũ trụ duy nhất thành hai cấp độ đã giải thích vì sao tiểu vũ trụ của mỗi con người và đại vũ trụ của Trời Đất có cùng một nguyên lý, được thiết kế theo cùng một họa đồ và được vận hành bởi cùng một chương trình. Lý do thật đơn giản: đại vũ trụ và tiểu vũ trụ chỉ là hai cấp độ của một vũ trụ duy nhất, chứ không phải là những vũ trụ khác biệt. Ứng dụng điều đó, khi phân tích thánh ngôn thánh giáo Cao Đài, đối với bất cứ điều gì được mặc khải cho một cấp độ vũ trụ, chúng ta đều có thể mang nó vào cấp độ còn lại với điều kiện phải nắm vững đạo lý của vấn đề để khi “chuyển đổi cấp độ” chúng ta không bị sai lạc.

Chúng ta sẽ dựa vào phương pháp này để chỉ ra rằng: nguồn gốc thật sự của thiên đàng và địa ngục đều nằm trong vũ trụ nội tâm. Theo giáo lý Đại Đạo, trong vũ trụ của Trời Đất, có rất nhiều thế giới dành cho nhiều trình độ tiến hóa khác biệt nhau. Đức Chí Tôn đã dạy:

“Khắp trong vũ trụ, biết bao là quả linh cầu, có quả trược quả thanh, có bực cao bực thấp, có cái sáng cái tối, thảy thảy đều tuân theo máy thiên cơ mà tuần tự chuyển luân xoay chạy, cái lại cái qua, cái lên cái xuống, không bao giờ ngưng nghỉ đặng.

Linh cầu nào cao thanh, khinh phù, thì vượt qua mấy cõi khác mà lên ngất trên thượng tầng không khí. Vậy quả địa cầu của các con đây, tuy là một quả cầu vật chất, hữu hình, trọng trược, song cũng còn thuộc về bực khá, chớ dưới nữa lại còn lắm quả địa cầu còn trọng trược hơn nữa. Những quả cầu như thế thì nó nặng trầm chìm tột dưới đáy sâu của Vũ Trụ, nên rất tối tăm mờ mịt, âm khí nặng nề, thảm sầu buồn bã gớm ghê (…) Những cõi ấy mà linh hồn nào phải rủi ro bị đọa lạc vào, thì càng ngày càng thêm mê muội, tối tăm mãi mãi.” Đại Thừa Chơn Giáo, tr.410-412.

Ta cần hiểu thể nào là “linh cầu”? Trái đất mà chúng ta đang sống được gọi là địa cầu. Chữ “địa cầu” chỉ có nghĩa là quả cầu bằng đất, hay nói theo đạo học, là quả cầu được tạo thành từ vật chất. Trong đại vũ trụ, ngoài địa cầu này ra, còn có nhiều quả cầu khác có sự sống, được Đại Thừa Chơn Giáo gọi là linh cầu. Linh cầu – không phải là địa cầu, tức không phải là những quả cầu vật chất – đó là những quả cầu tâm linh. Mỗi linh cầu là một cảnh giới quy tụ những chơn linh có trình độ tiến hóa tâm linh tương đương nhau hoặc rất gần nhau. Điều này thoạt nghe có vẻ trừu tượng, nhưng sẽ trở nên rất dễ hiểu nếu chúng ta đọc lời tường thuật của một chơn linh đã thấy được các cảnh giới ấy sau khi thoát xác phàm:

“Trong cõi thiêng liêng hư vô bất muội, người nào có những tư tưởng nào trong phạm vi nào và sống trong đời sống nội tâm nào, khi hồn lìa khỏi xác sẽ về hợp và sống trong bầu vị bản chất của nó. (…) Nói một cách khác, tuy trong cõi hư linh có muôn triệu triệu thế giới, có không biết bao nhiêu những chòm, những nhóm mà nơi sách Thần linh học hay Thông thiên học gọi là khóm hồn. Mỗi khóm đều có mỗi trình độ tiến hóa cao thấp khác nhau, loại nào tự nó sẽ tìm và quy tụ về loại ấy.” Chơn linh Hoàng Đình Lập; Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Dậu thời, 08-08 Mậu Thân (29-09-1968).

Phân tích những dữ kiện trên đây, ta thấy mỗi linh cầu chính là một khóm hồn, tức một sự tập hợp lại với nhau của những chơn linh có cùng trình độ tiến hóa. Vậy thì những thế giới hư linh đều không thể có nguồn gốc từ bên ngoài ngoại cảnh, mà phải có nguồn gốc từ trong tâm hồn của chúng ta. Nguồn gốc ấy là gì? Là những trạng thái nội tâm khác nhau của ta. Mỗi trạng thái nội tâm của ta đều tương ứng với một thế giới hư linh trong Trời Đất. Để thấy rõ điều này, chúng ta hãy xét hai trạng thái tiêu biểu của tâm hồn mình. Trạng thái thứ nhất là trạng thái “tự nhiên, giống như thuở sơ sinh, tâm hồn chất phác, tâm như minh cảnh đài” Đức Quan Âm Bồ Tát; Huờn Cung Đàn,Tý thời, 14 rạng 15-05 Ất Tỵ (01-06-1965).; và trạng thái thứ hai: “tâm khuấy động, bao thất tình, lục dục, cặn cáo nổi lên, mặt phừng phừng đỏ, chuyển động cả thân thể tứ chi, đụng đâu phá đó, có thể một giây cuồng loạn tiêu diệt quả địa cầu” Ibid. Bằng những ngôn từ như của Đại Thừa Chơn Giáo, ta nói rằng trạng thái thứ nhất là trạng thái sáng suốt, trí huệ, thông minh của vũ trụ nội tâm, nên phải tương ứng với những linh cầu cao thanh, khinh phù, ở thượng tầng của Trời Đất; còn trạng thái thứ hai là trạng thái u tối, đần độn, thấp hèn của vũ trụ nội tâm, nên phải tương ứng với những linh cầu trọng trược, nặng trầm. Khi còn mang xác phàm, mọi cá nhân trên cõi đời này đều có thể trải qua đủ mọi trạng thái nội tâm như vậy. Nhưng nếu ta sống ở trạng thái nội tâm nào thường xuyên nhất, thì chơn thần của ta sẽ mang tính chất của trạng thái ấy một cách rõ rệt nhất; và sau một kiếp sống, chơn thần của ta sẽ tự động quy tụ về khóm hồn tương ứng với trạng thái nội tâm ấy một cách dễ dàng nhất.

Đó là cơ sở đạo lý của mọi khái niệm về thiên đàng và địa ngục trong mọi tôn giáo trên thế giới từ xưa đến nay. Mỗi người chúng ta tác giả duy nhất của thiên đàng hoặc địa ngục cho chính bản thân mình, không phải sáng tác ra bằng trí tưởng tượng hay bằng những lý luận tư biện, mà bằng tự do chủ thể tính của nội tâm. Chính vì vậy mà Đức Chí Tôn đã dạy:

“Các con ôi! Hễ cái tâm sáng suốt, thiện từ, đạo đức là thiên đàng. Còn tâm mê muội, vạy tà, hung bạo là địa ngục. Vậy thì địa ngục, thiên đàng cũng chỉ tại tâm!” Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 420.

3. Thượng Đế trong tâm hồn chúng ta


Trong nhị kỳ phổ độ, thánh Augustine đã từng chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế qua sự sống trong cơ thể của mình: “Trái tim của chúng con không bao giờ ngừng nghỉ cho tới khi nào nó được yên nghỉ nơi Người.” (“Our hearts are restless until they rest in You.”) Augustine, The Confessions, tr.11 Tại sao trái tim của ta có thể đập liên tục từ khi ta chào đời cho đến ngày ta lìa đời? Sự sống của chính bản thân ta là một bằng chứng nói với ta rằng Thượng Đế đang tồn tại. Cách chứng minh đó cho đến nay vẫn còn giá trị. Tuy nhiên, trong tam kỳ phổ độ, chúng ta phải làm nhiều hơn thế: phải chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế bằng cách tự tiến hóa cho đến khi trở thành Thượng Đế trong đời sống của mình.

Qua cơ bút Cao Đài, Đức Thượng Đế thường nói: “Thầy là các con, các con là Thầy”. Như vậy, trong nhân loại, ai cũng là Thượng Đế cả. Thế thì chúng ta phải hiểu và thực hành điều này như thế nào? Đã mang danh là Thượng Đế thì phải có quyền năng của Thượng Đế chứ. Thế nhưng trong một xã hội mà ai cũng quả quyết rằng mình là Thượng Đế giáng thế và dùng mọi khả năng của mình để chinh phục người khác thì đó sẽ là một xã hội loạn lạc vĩnh viễn với những cuộc chiến tranh bất tận. Hơn nữa, những người muốn chiếm hữu một quyền lực bên ngoài – tức là khả năng sai khiến người khác – trong khi bản thân họ chưa làm chủ được thời tiết nội tâm, thì đều bị nô lệ cho quyền lực bên ngoài ấy. Jean-Jacques Rousseau đã từng nói với những người này: “Anh hãy chiếm lấy mọi thứ, hãy thoán đoạt mọi thứ, rồi vung tiền bạc rủng rỉnh; hãy lập những phân đội đại bác; hãy dựng những giá treo cổ, những xa hình; hãy ra các đạo luật, các pháp lệnh; hãy gia tăng bọn do thám, các binh lính, các đao phủ, các nhà tù, xiềng xích: tất cả những cái đó giúp gì cho các anh, những con người nhỏ bé tội nghiệp? Các anh chẳng vì thế mà được phục vụ tốt hơn, mà bị ăn cắp ít hơn, bị lừa ít hơn, mà chuyên chế tuyệt đối hơn. (…) Điều tốt lành đầu tiên của mọi điều tốt lành không phải uy quyền, mà là tự do.” J.J.Rouseau, Émile hay là Về Giáo Dục, tr.95.

Muốn trở thành Thượng Đế, đừng nghĩ rằng cứ giành lấy những quyền lực vật chất để thống trị đồng loại mình mà được. Ngược lại, càng làm như thế, người ta càng tự tố cáo thân phận nô lệ của mình: những bạo chúa độc đoán nhất đều là những nô lệ hèn hạ nhất của quyền bính vô thường, dù quyền bính ấy do chính bản thân họ nắm giữ suốt một giai đoạn nào đó. Mặt khác, sẽ là sai lầm nếu cứ nói đến Thượng Đế là nói đến một sự tập trung quyền lực vô hạn. Thượng Đế, ngược lại, “không giữ quyền làm chủ, mà quyền làm chủ ấy đều trao cho cả vạn vật, [để mỗi vật] tự khai thác khả năng của nó mà hưởng lấy hạnh phúc tự do.” Đạo Học Chỉ Nam, chương 1, tiết 3, mục 3. Thảo nào, Rousseau đã quả quyết: Điều tốt lành nhất trong mọi điều tốt lành là tự do chứ không phải là uy quyền. Vậy con người phải khai phóng quyền tự do trong vũ trụ nội tâm nếu muốn “Thượng Đế hóa” chính mình. Chi khi nào càng trở nên tự do hơn, chủ nhân ông của vũ trụ nội tâm mới càng tiến hóa lên được các đẳng cấp tâm linh cao hơn – tức trở thành thần, thánh, tiên, phật – và nhờ đó, càng trở thành Thượng Đế.

“Chư hiền muốn thành phật ư? muốn thành tiên, thánh, thần ư? Được, tốt lắm!” – Đức Quan Âm Bồ Tát dạy Đức Quan Âm Bồ Tát; Huờn Cung Đàn,Tý thời, 14 rạng 15-05 Ất Tỵ (01-06-1965). – “Chính trong thâm tâm chư hiền, mỗi người đều có, tạm gọi là vốn liếng, để thành phật, tiên, thánh, thần, miễn chư hiền biết trọn lòng, [từ] tư tưởng đến việc làm cùng lời nói. Loại nào của các bực phật, tiên, thánh, thần, [chư hiền] nên nuôi dưỡng mà tiến hành. Còn những tư tưởng, hành động, lời nói nào của ma quỉ, [chư hiền] phải chừa ngăn.” Và Đức Bồ Tát cho chúng ta bốn ví dụ:

“Nếu mình làm đúng, nói đúng, trong lúc đó có người nói ngược lại, mình có bực bội tức giận chăng? Nếu có, tức là không được phật tánh.

Nếu khi gặp cơn đói lạnh, mình chỉ còn một chén cơm cho cả gia đình, trong lúc đó, gặp người hàng xóm xin chia bớt một phần, mình có chia chăng? Nếu không, tức là thiếu lòng bác ái, chẳng được thành tiên.

Nếu khi cơn ghiền rượu đang hoành hành, ở nhà còn sót một vò rượu ngon, hỏi mình có tự nhẫn kiên, không dùng rượu, để sáng suốt tinh thần (…)? Nếu không nhẫn được là không thành thánh.

Nếu cần một món tiền chia hai, bên ba phần, bên năm phần, cho thân nhơn với một người láng giềng, có ưng lòng chia phần nhiều cho người hàng xóm chăng? Nếu không thì chẳng được thành thần.” Ibid.

Đức Bồ Tát kết luận: “Những sự kiện [ấy,] nghe qua rất tầm thường, nhưng xét lại thật là khó hành. Mà hễ khó hành thì không thành. Muốn thành, phải kiên nhẫn, hy sinh, đức độ.” Ibid.

Chúng ta đang nói về sự tự do như là yếu tố tạo nên sự tiến hóa của con người. Thế thì kết luận trên đây của Đức Quan Âm Bồ Tát có liên quan gì đến sự tự do? Chính kiên nhẫn, hy sinh, đức độ là những đặc tính của một ý chí tự do! Để chỉ rõ điều này, ta hãy phân tích các hành vi tiêu biểu trong bốn ví dụ đã nêu, và so sánh chúng như bảng dưới đây.

Bảng 1. So sánh hành vi theo tình huống

Tình huống Hành vi không tự do Hành vi tự do
Ta làm đúng, nói đúng, nhưng có người nói ngược lại điều ta làm và điều ta nói. Ta bực bội, tức giận è ta còn bị nô lệ cho phàm ngã, cho thất tình lục dục. Ta bình thản, không bực tức è ta không bị phàm ngã và lục dục thất tình điều khiển.
Gặp cơn đói lạnh, ta chỉ còn một chén cơm cho cả gia đình. Có người hàng xóm xin chia bớt một phần. Ta không chia cơm, vì sợ gia đình mình sẽ đói è ta còn bị nô lệ cho sự ích kỷ ở phạm vi gia đình. Ta chia một phần cơm, vì thấy ai cũng đói như ai è ta không bị tính ích kỷ điều khiển.
Cơn ghiền rượu đang hoành hành, ở nhà còn sót một vò rượu ngon. Lấy rượu ra uống, dù biết rằng sẽ “say xỉn” è ta còn bị nô lệ cho những ham muốn của bản thân đối với rượu. Nhất định không uống rượu, để cho tinh thần luôn được sáng suốt è ta không bị sự ham muốn này của bản thân điều khiển.
Một người bạn ở nước ngoài gởi về 5 tờ 100USD, nhờ ta chia ra hai phần càng bằng nhau càng tốt, một phần cho đứa em út của ta và một phần cho thằng Tèo bên hàng xóm, nhưng lại dặn rằng trong khi chia, không được đổi bất cứ tờ 100USD nào ra giấy bạc có mệnh giá nhỏ hơn, vì sợ “mất giá”. Ta chia cho em ta 300USD, còn thằng bé lối xóm 200USD è lòng tham trong ta vẫn tồn tại dưới một hình thức tinh vi của sự thiên vị, nhất là trong những trường hợp mà ta không thể thực hiện được sự công bằng hoàn toàn, và ta còn bị nô lệ cho lòng tham tinh vi đó. Ta chia cho em ta 200USD, còn thằng bé lối xóm 300USD è ta không bị lòng tham điều khiển.


Bảng so sánh hành vi theo tình huống trên đây cho thấy: những hành vi xuất phát từ đức độ, hy sinh, kiên nhẫn,… đều là những hành vi tự do, vì không bị điều khiển bởi các yếu tố như bản ngã, phàm tâm, vọng thức, không bị nô lệ cho những yếu tố như tam độc (tham, sân, si), lục dục (nhãn dục, nhĩ dục, tỉ dục, thiệt dục, thân dục, ý dục), thất tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ). Chỉ cần một trong những yếu tố này chi phối được một hành vi nào đó chúng ta, thì hành vi ấy sẽ trở nên mất tự do. Thế nên trong cuộc sống, lắm khi, cả hành vi tự do lẫn không tự do có biểu hiện rất giống nhau, mặc dù nguyên nhân dẫn đến chúng lại khác nhau. Để minh họa thêm cho điều này, ta hãy phân tích các hành vi như trong bảng 2.

Bảng 2. So sánh những hành vi giống nhau theo những lý do hành động khác nhau

Tình huống Hành vi không tự do Hành vi tự do
Có người phản đối điều ta làm và điều ta nói, dù ta làm đúng và nói đúng. Ta bình thản, không bực tức (vì thấy người ấy mạnh hơn ta, dữ hơn ta, có quyền lực hơn ta) è ta vẫn còn bị nô lệ cho phàm ngã, cho thất tình lục dục.
Nếu người ấy yếu hơn ta, hiền hơn ta, không có quyền lực như ta, liệu ta có giữ được sự bình thản, không bực tức?
Ta bình thản, không bực tức (vì cho rằng đó là việc thường tình của thế nhân) è ta không bị phàm ngã và lục dục thất tình điều khiển.
Gặp cơn đói lạnh, ta chỉ còn một chén cơm cho cả gia đình. Có người hàng xóm xin chia bớt một phần. Ta chia một phần cơm (vì sau này sẽ có nhiều việc quan trọng mà ta cần nhờ vả người ấy) è ta còn bị nô lệ cho sự ích kỷ.
Nếu biết rằng sau này ta sẽ chẳng “nhờ vả” gì được người ấy, liệu ta có nhường cơm?
Ta chia một phần cơm (vì thấy ai cũng đói như ai) è ta không bị tính ích kỷ điều khiển.
Cơn ghiền rượu đang hoành hành, ở nhà còn sót một vò rượu ngon. Không uống rượu (vì sợ cha mẹ la mắng, vợ con cằn nhằn,…) è hành xử của ta còn bị phụ thuộc vào tha lực, chưa mang tính chủ thể.
Nếu không có ai ngăn cản, liệu ta có tự nói “không” với rượu?
Không uống rượu (vì muốn giữ cho tinh thần luôn được sáng suốt) è ta không bị sự ham muốn này của bản thân điều khiển.


Mỗi người trong chúng ta chỉ có thể là Thượng Đế khi trở thành một chủ thể tự do trong vũ trụ nội tâm của mình. Chỉ trong vũ trụ này – tức là tâm hồn ta – danh vị Thượng Đế và quyền lực Thượng Đế của chính ta mới được nhìn nhận với điều kiện ta làm chủ được thời tiết nội tâm của chính mình. Ngoài phạm vi của vũ trụ nội tâm, không có một xã hội nào, một thế giới nào công nhận ta là Thượng Đế cả. Như vậy, câu “Thầy là các con, các con là Thầy” phải được nhận thức (và thực hành) trước hết trong vũ trụ nội tâm của mỗi người. Đó là một sự chuyển đổi ý hướng của nhận thức, từ hướng ngoại sang hướng nội. Nhờ sự chuyển đổi này, chúng ta sẽ nhận ra được rằng Tiểu Linh Quang của ta chính là Thượng Đế trong tâm hồn chúng ta.

4. Từ vũ trụ nội tâm cá nhân đến vũ trụ nội tâm xã hội

Từ thời đại của vượn người nguyên thủy cho đến thời đại của chúng ta ngày nay, sự tiến bộ của toàn nhân loại luôn luôn được khởi phát bởi một số rất ít cá nhân biết khai thác vũ trụ nội tâm của mình, hoặc nhiều lắm là những nhóm nhỏ tinh chuyên quy tụ chung quanh những cá nhân như vậy. Tuyệt nhiên, không có một cuộc cải cách nào do một số đông hỗn tạp của xã hội thực hiện mà có thể dẫn đến thành công, nếu không nói là dẫn đến những phá hoại.

Khi nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến sự phát triển đột biến của các xã hội và sự thành công vượt bực của các công ty hàng đầu trên thế giới, Richard Kock đã nhận định: “Có lẽ chưa tới 1% số người có ảnh hưởng đến hơn 99% những người khác trên thế giới. Những cá nhân sáng tạo này đã thay đổi tất cả những gì xảy ra trước đó và những gì hẳn sẽ xảy ra nếu không có họ.” R. Kock, Con Người 80/20, tr.30. Ông đặt câu hỏi: “Có phải một hội đồng lãnh đạo tôn giáo đã nghĩ ra Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo? Có phải tất cả những nhà lãnh đạo châu Âu đều quyết định tài trợ cho một chuyến hành trình vượt Đại Tây Dương tìm vùng đất mới? Có phải một ủy ban các nhà khoa học đã quyết định rằng trái đất tròn chứ không phải dẹp, hay họ đã nghỉ ra định luật chuyển động của Newton, thuyết tiến hóa của Darwin, thuyết tương đối của Einstein?” Ibid., tr.31. Câu trả lời của lịch sử nhân loại cho mọi câu hỏi như vậy luôn luôn là “Không!” Nếu không có sự hy sinh của cá nhân Jesus hay Mohammed (và những môn đệ đầu tiên) thì không có Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo; nếu không có sự hy sinh của cá nhân Christopher Columbus (và nhóm thám hiểm) thì châu Mỹ không thể được khám phá ra vào thời đại của ông; không có sự hy sinh của cá nhân Bruno, Copernicus, thì giờ đây chúng ta chắc gì dám bảo rằng trái đất tròn mà không nguy hiểm đến tính mạng; không có sự hy sinh của cá nhân Newton, Darwin, Einstein thì tri thức khoa học của nhân loại không thể được như những gì chúng ta đang có ngày hôm nay.

Vào những ngày mà Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý hãy còn non trẻ, nhân sự cho sứ mạng hãy còn ít oi, Đức Lê Đại Tiên đã từng hỏi lớp người tiền phong: “Bốn trăm năm nghiệp Hớn há phải dùng đến hàng vạn Trương Lương, hàng vạn Hàn Tín mới lập nên ư? Hay chỉ có một Trương Lương, một Hàn Tín, một Tiêu Hà mà nghiệp Hớn đến 400 năm?” Đức Lê Văn Duyệt Đại Tiên; Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 01-04 Kỷ Dậu (16-05-1969). . Vài năm sau đó, Đức Lý Giáo Tông đưa ra một kế sách về nhân sự với những lời như sau: “Nhân sự dùng cho sự hướng đạo, dùng làm tác năng tạo dựng sự cứu rỗi của Chí Tôn, không nhất thiết phải đông đảo và phức tạp. Sự đông đảo phức tạp chỉ có giá trị trên số lượng mà thôi; trái lại, sự tiến triển của lý tưởng sứ mạng thật là khó khăn gấp bội. Vì vậy, điểm tốt nhất là, vấn đề nhân sự phải đặt nặng trên tính cách nhân-sự-phẩm và nhân-sự-hợp-nhất hơn là sự tổ hợp quá đông đảo.” Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Gíáo Lý, 14-02 Ất Mão (26-03-1975).

Thế thì, cá nhân hoàn toàn có thể làm nên lịch sử nếu biết tìm về và làm chủ vũ trụ nội tâm của mình. Điều này không có nghĩa là chúng ta ra sức gom góp những giá trị cá nhân vụn vặt của bản thân mình, tìm cách quảng bá những giá trị tầm thường đó, rồi nài nỉ hoặc cưỡng bách người này người khác chấp nhận chúng để có được những cơ hội thành công hoang tưởng. Ngược lại, cần vứt bỏ ra khỏi tâm hồn tất cả những gì không giúp cho chúng ta sống như chủ thể tự do và quét dọn thường xuyên những cát bụi vô thường trước khi chúng kịp kết tụ thành những chướng ngại nguy hiểm trong tâm hồn ta.

Không những cá nhân, mà tập thể cũng thế. Tập thể muốn tiến bộ, cũng phải hướng nội để nuôi dưỡng và phát huy tiềm lực bên trong của mình. Jim Collins và Jerry Porras, khi nghiên cứu về đặc điểm chung của các công ty hàng đầu thế giới, đã thấy rằng các tổ chức này luôn tìm cách khai thác những yếu tố nội tại của mình để chủ động tạo ra những bước nhảy vọt khổng lồ và làm cho thế giới chung quanh họ phải bừng tỉnh. Họ không bao giờ đợi đến khi thế giới chung quanh buộc họ phải tiến bước, vì nếu làm như vậy, thì ngay trong tình huống tốt nhất là không bị thương trường đào thải, họ cũng vẫn chỉ là những kẻ đi sau, chứ không thể giữ được vị trí tiền phong. Collins và Porras tìm thấy nhiều bằng chứng thực tế ở các công ty hàng đầu như vậy. Năm 1880, nghĩa là rất sớm trước khi việc cổ phần hóa trở nên phổ biến, công ty P&G đã dám cổ phần hóa để tạo nên một cơ chế thúc đẩy sự cạnh tranh nội bộ và lấy đó làm động lực cho sự tiến bộ. Năm 1954, công ty Walt Disney bắt đầu xây dựng Disney land vì muốn đem niềm vui đến cho mọi người và tôn vinh những giá trị văn hóa của người Mỹ. Năm 1965, công ty Boeing đã quyết tâm sản xuất cho kỳ được máy bay phản lực khổng lồ Boeing 747 vì muốn thực hiện một cuộc cách mạng trong ngành hàng không dân dụng, mặc dù nếu dự án 747 thất bại thì Boeing sẽ phá sản. Và năm 1992, Sam Walton, giám đốc hệ thống siêu thị Wal-Mart, trong những ngày cuối đời trên giường bệnh vẫn thảo luận về việc kinh doanh với các nhân viên của mình. “Bạn không thể tạo nên Disneyland, sản xuất máy bay 747, cổ phần hóa vào những năm 1880, hay tiếp tục kinh doanh ngay khi sắp từ giã cõi đời v.v… chỉ vì hoàn cảnh bên ngoài đòi hỏi điều đó.” – Collins và Porras viết – “Bạn phải có một thôi thúc từ chính bên trong bản thân bạn. Ở một công ty hàng đầu, nhu cầu, khát vọng đi xa hơn, làm tốt hơn, khám phá những khả năng mới mẻ hơn hoàn toàn không cần những lý do ngoại lai nào.” J. Collins và J. I. Porras, Xây Dựng Để Trường Tồn, tr.174.

Ai đó có thể sẽ nói: họ làm được như vậy chẳng qua là do những ham muốn giàu có về vật chất. Nhưng nhận định trên đây của Collins và Porras cho thấy một điều hoàn toàn khác: họ làm vậy chỉ vì muốn phát huy những giá trị trong tâm hồn của chính họ. Con người chỉ có thể làm được những điều phi thường – dù về vật chất hay về tinh thần – khi mà họ biết khai thác sức mạnh của vũ trụ nội tâm. Dĩ nhiên, mức độ khai thác “cái bên trong” của một doanh nghiệp sẽ không thể giống với của một Hội Thánh trong Đại Đạo, của một CEO (chief executive officer) sẽ khác biệt nhiều so với của một thiên ân hướng đạo Cao Đài. Nhưng, mọi cách khai thác khác biệt về mức độ này đều giống nhau trong nguyên lý cơ bản của chúng: tìm đáp án trong vũ trụ nội tâm cho mọi vấn đề của thế giới bên ngoài.

5. Một ẩn dụ tâm lý học?

Những nội dung được trình bày suốt từ đầu đến giờ có thể làm xuất hiện một câu hỏi: liệu bài viết này có thật sự đề cập đến vũ trụ, hay chỉ là một ẩn dụ về tâm lý con người? Cái gọi là “vũ trụ trong tâm hồn chúng ta” có thật sự là vũ trụ theo đúng nghĩa của thuật ngữ này? Làm sao có thể chĩa viễn vọng kính hay phóng vệ tinh vào vũ trụ đó? Làm sao có thể thấy được nhật thực, nguyệt thực hay các sao chổi trong vũ trụ đó? Và còn big bang nữa, v.v…

Cái vũ trụ trong câu hỏi vừa nêu – cái mà nhân loại có thể quan sát bằng kính viễn vọng và thăm dò bằng các phi thuyền – là vũ trụ ở bình diện vật lý học (physics). Còn, cái vũ trụ trong tâm hồn chúng ta là vũ trụ ở bình diện siêu hình học (metaphysics). Cái trước là cái ngoại tại, nằm bên ngoài các giác quan của chúng ta; cái sau là cái nội tại, nằm bên trong tư tưởng của chúng ta.

Theo giáo lý Đại Đạo, cả hai cái đó đều là vũ trụ, vì đều là sự kết hợp của không gian và thời gian; quả thế, giáo lý Đại Đạo định nghĩa: “Vũ nghĩa là trùm cả bốn phương và trên với dưới, Trụ cũng có nghĩa là xưa nay qua lại; nên trong chữ Vũ Trụ, nó có gồm cái nghĩa cả không gian và thời gian.” Đại Thừa Chơn Giáo, tr.408-410. . Nếu xét riêng trên bình diện siêu hình học, thì Kant cũng đã từng phân tích và chỉ ra rằng: không gian “là mô thức (form) cho mọi hiện tượng của giác quan bên ngoài; tức là, điều kiện chủ quan của cảm năng, chỉ nhờ đó, trực quan bên ngoài mới có thể có được cho ta” I. Kant, Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, tr. 149-150., còn thời gian “là mô thức của giác quan bên trong, tức là của trực quan về chính ta và về trạng thái bên trong của ta” Ibid., tr.160.

Như vậy, cả không gian lẫn thời gian đều có liên quan đến lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức) của chúng ta. Và như vậy, vũ trụ – vốn là sự kết hợp của không gian và thời gian – cũng phải có liên quan đến lục thức của ta. Do đó, có thể nói rằng vũ trụ hiện hữu trong ý hướng tính (intentionality) của lục thức. Khi lục thức hướng ngoại, vũ trụ hiện hữu như một thực tại vật lý học; và khi lục thức hướng nội, vũ trụ hiện hữu như một thực tại siêu hình học. Thực tại siêu hình học này chính là vũ trụ trong tâm hồn chúng ta.

Khi nhìn lên quả Càn Khôn với hình Thiên Nhãn trong một Hội thánh Cao Đài, nhiều người vẫn nêu ra câu hỏi: đây chỉ là một biểu tượng thờ phượng của đạo Cao Đài hay là một vật thể “có thật”? Nhiều người đã cố gắng giải thích rằng đó là một vật thể “có thật” hiểu theo nghĩa một vũ trụ vật lý học. Cách đây hơn 10 năm, trên trang bìa một tạp chí phổ biến khoa học của Mỹ, National Geographics (số ra vào tháng Tư năm 1997), có đăng hình ảnh của tinh vân Hourglass Nebula (MyCn 18) do viễn vọng kính Hubble chụp. Mặc dù tinh vân này được đặt tên là “Đồng hồ cát” (Hourglass), nhưng có người cho rằng nó có hình dạng một con mắt. Chính ban biên tập của tạp chí này đã viết lời ghi chú cho bức ảnh như sau: “Astronomers looked 8,000 light-years into the cosmos with the Hubble Space Telescope, and it seemed that the eye of God was staring back.” (“Các nhà thiên văn học đã nhìn sâu vào vũ trụ đến 8000 năm ánh sáng bằng kính viễn vọng không gian Hubble, và dường như [từ chiều sâu không gian ấy] ánh mắt của Thượng Đế đang nhìn về phía chúng ta”). Khai thác thông tin này, nhiều người Cao Đài cho rằng đây là một bằng chứng cho thấy rằng Thiên Nhãn đã hiện ra trong vũ trụ, và quả Càn Khôn có Thiên Nhãn của đạo Cao Đài là một sự vật có thật chứ không chỉ là một biểu tượng thờ phượng. Tuy nhiên, xét cho cùng, hình dạng con mắt của tinh vân chỉ là do trí tưởng tượng của một số người mà có: ai muốn tưởng tượng tinh vân này là cái gì cũng được (chẳng hạn, cái đồng hồ cát, như những nhà thiên văn đặt tên cho tinh vân này đã tưởng tượng). Và chúng ta không có một lý do khoa học lẫn đạo học nào để đồng nhất một hình ảnh do trí tưởng tượng tùy tiện như vậy với Thiên Nhãn của đạo Cao Đài. Nhưng liệu khoa học hiện đại đã tiến bộ đến chỗ cho phép chúng ta giải thích theo chiều hướng như thế hay chưa? Có lẽ chưa đâu! Đành rằng bản đồ sao trên quả Càn Khôn đã được vẽ theo sách “thiên văn Tây” Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Vendredi, 17 Septembre 1926 (12-08 Bính Dần); Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1., tức là được vẽ từ hệ quy chiếu trong đó con người đứng trên địa cầu để quan sát bầu trời sao; thế nhưng, bản thân Thiên Nhãn lại không phải là một thực thể vật lý học, dù rằng Đức Ngô Minh Chiêu đã nhìn thấy linh ảnh này hiện ra vào thuở mà Ngài còn mang xác phàm trong vũ trụ vật lý! Do đó, sẽ tốt hơn hẳn nếu chúng ta vượt ra khỏi phạm vi vật lý học và giải thích rằng quả Càn Khôn này là một vũ trụ siêu hình học: trong ý nghĩa đơn giản nhất, con mắt là cửa sổ của tâm hồn, và quả Càn Khôn chính là vũ trụ trong tâm hồn chúng ta.

6. Thay cho lời kết

“Ở trong, chứa đựng máy hành tàng,
Một cõi thiên đàng, một thế gian;
Vạn hữu hữu vô, tình bất đoạn,
Thiên không không sắc, lý tương quan.
Âm dương động tác, sanh sanh trưởng,
Cơ ngẫu vận hành, tạo tạo đoan;
Co duỗi màn Trời, ai rõ biết,
Để cùng vũ trụ định nhân gian?
Nhân gian định, trần hoàn ổn định,
Vạn vật hòa, lý tính giao hòa;
Bước vào cái Vũ bao la,
Trông về cuối tận, Trụ là nơi đâu?” 
Đạo Học Chỉ Nam, chương 4, tiết 2, mục 2.

Cái “vũ” và cái “trụ” ấy vốn vẫn ở trong tâm hồn của chúng ta. Vũ trụ ấy là nơi mỗi người kiến tạo nên ngôi vị thiêng liêng cho mình. Đó là lối tiếp cận chân lý đơn giản nhất nhưng hiệu quả nhất, vì giúp cho chúng ta hiểu được vũ trụ một cách sâu sắc nhất, dẫn đến sự tiến bộ cá nhân mạnh mẽ nhất, và tạo ra những đóng góp lớn lao nhất mà mỗi cá nhân có thể dành cho nhân loại.

Đông chí, Mậu Tý (2008)


Tài liệu tham khảo

1. Minh Lý Thánh Hội: “Đạo Học Chỉ Nam”, bản đánh máy, lưu hành nội bộ.

2. Stephen R. Covey: “Bảy Thói Quen Của Những Người Thành Đạt”, bản dịch của Nguyễn Văn Cừ, nhà xuất bản Thống Kê, 1996.

3. Cao Đài Đại Đạo, Chiếu Minh Đàn: “Đại Thừa Chơn Giáo”, bản in lần thứ nhì (song ngữ Việt Pháp), nhà in Ng. Văn Huấn, Sài gòn, năm Canh Dần 1950.

4. Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo: Thánh Giáo Nguyên Bổn; tài liệu lưu trữ nội bộ.

5. Immanuel Kant: “Phê Phán Lý Tính Thực Hành”, bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn, nhà xuất bản Tri Thức, 2007.

6. Saint Augustine: “The Confessions”, Whitaker House, 1996.

7. Jean-Jacques Rousseau: “Émile, hay là Về Giáo Dục”, bản dịch của Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương, nhà xuất bản Tri Thức, 2008.

8. Tòa Thánh Tây Ninh: “Thánh Ngôn Hiệp Tuyển”, quyển 1, bản in Kỷ Dậu 1969.

9. Richard Kock: “Con Người 80/20”, bản dịch của Thiên Kim – Anh Thy, nhà xuất bản Trẻ, 2008.

10. Jim Collins và Jerry I. Porras: “Xây Dựng Để Trường Tồn”, bản dịch của Nguyễn Dương Hiếu, nhà xuất bản Trẻ, 2008.

11. Immanuel Kant: “Phê Phán Lý Tính Thuần Túy”, bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn, nhà xuất bản Văn Học, 2005.
Thiện Quang

Phật Tiên buổi chót đến hồng trần,
Kêu gọi người đời rõ lý chân,
Chớ để linh tâm vùi tục lụy,
Nên ngừa cám dỗ của tà thần.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây