Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
04/12/2009
Tu sĩ Phương Trúc

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 31/12/2009

Quyền pháp trong cuộc sống

Có thể tất cả những điều đó đều đúng, vì chúng đã và đang làm nên sự sống của tôi.

Nhưng cái gì làm động lực cho tất cả những điều đó?

Phàm, bất cứ một sự việc gì cũng cần động lưc để thực hiện. Sự thoát hơi nước ở lá đã tạo ra một sức hút nước, một sự chênh lệch áp suất thủy tĩnh theo chiều hướng giảm dần từ rễ đến lá, do đó nước có thể chuyển từ rễ lên lá một cách dễ dàng. Đó là động lực của con đường vận chuyển nước. Nhờ đó, nhiệt độ của bề mặt lá giảm xuống, khiến cho lá không bị cháy khi ở nơi nắng chói chang, ngay cả ở sa mạc. Mặt khác, khi hơi nước thoát ra thì khí khổng mở, dòng khí CO2 sẽ đi từ không khí vào lá, đảm bảo cho quá trình quang hợp thực hiện bình thường.

Theo giáo lý Đại Đạo, Quyền Pháp là động năng trong bất cứ chủ thể nào trong vũ trụ, đang điều khiển, điều hòa sự sanh hóa và điều độ sự tiến hóa của vạn vật Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, chương 1, mục 4, phần Quyền Pháp, tr. 74.

Pháp là cách thức, là những qui luật, cơ chế mà chủ thể và khách thể vận dụng để đạt được mục tiêu sau cùng. Mục tiêu đó có thể là sự vận hành thông suốt môt bộ máy, là điều hòa một cơ thể sống, để cuối cùng bộ máy đó họat động ngày càng hiệu quả, cơ thể sống đó được tồn tại, sinh trưởng và phát triển.

Ví như tế bào là đơn vị họat động của cơ thể sống. Điều hòa họat động tế bào là một việc vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển và hoạt động bình thường của tế bào. Cơ chế điều hòa họat động của tế bào chủ yếu là cơ chế phản hồi ngược (feedback mechanism). Khi các sản phẩm hóa sinh trong tế bào được tổng hợp đủ nhiều, chúng sẽ ức chế lên gene kiểm tra sự tạo thành enzyme xúc tác cho phản ứng tổng hợp đó, nhằm ngăn chặn phản ứng tổng hợp chất này. Ngược lại, khi các sản phẩm trong tế bào giảm sút thì gene này lại được hoạt hóa, giúp tạo thành các enzyme xúc tác cho phản ứng hóa sinh. Bằng cách này, nồng đô các sản phẩm chuyển hóa luôn được điều hòa đúng mức một cách tự động, trong Trung Đạo. Nếu không có các cơ chế điều hòa này, các phản ứng hóa sinh trong tế bào diễn ra quá mức, làm tế bào phát triển quá mức, sẽ nhanh chóng dẫn đến sự rối loạn và giết chết tế bào. Tế bào ung thư là một dạng tế bào phát triển quá mức, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cơ thể.

Quyền là khả năng của một chủ thể có thể tác động vào một hay nhiều đối tượng, nhưng đôi khi, đối tượng ấy cũng chính là chủ thể. Con người là sinh vật có ý thức, có tình cảm. Sự sống của con người không thụ động như cỏ cây mà con người rất năng động, sáng tạo. Con người có quyền tự do quyết định hành động và thái độ của mình trong mọi chuyện. Nếu có một quyết định đúng đắn, con người sẽ mau chóng thành công và tiến bộ. Nếu có hành động và thái độ sai trái, bất tuân luật lệ, con người sẽ được học một số bài học thấm thía để sửa đổi chính mình. Cũng như chuyện đi từ dưới quê lên tỉnh, người ta có thể đi trên các đường quốc lộ theo một bản đồ đã chỉ dẫn rõ ràng, sẽ đến đích nhanh chóng. Nhưng có người cứ khăng khăng đi theo ý mình, bất tuân luật lệ; người ấy dễ bị đi lạc vào rừng, dẫm phải gai góc, sa vào những cạm bẫy, và học lấy những bài học trong đau khổ. Khi đó họ mới ý thức được sự sai lầm của mình và biết chọn một con đường đúng đắn hơn trong những lần sau. Nhờ những bài học đó, con người có thể tự điều chỉnh lấy hành động và thái độ của chính mình cho hợp lý hơn, để tồn tại và tiến bộ.

Con người sử dụng quyền tự chủ của mình để quyết định mình sẽ sống như thế nào. Trong quá trình thực hiện quyền làm người của mình, con người có thể tự điều chỉnh cách thể hiện cái quyền này cho hợp lý và đúng mức trong từng hoàn cảnh (hợp Trung Đạo), để có thể tồn tại và tiến hóa. Tiến hóa là một định luật của vũ trụ, và rồi ai cũng sẽ đi trọn con đường đó, dù sớm hay muộn.

Quyền Pháp là công năng của Đạo mà chủ thể được phú bẩm như sự sống của vạn vật, hay được trao phó như sứ mạng của một nhân vật Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, chương 1, mục 4, phần Quyền Pháp, tr. 76. Trong mỗi con người, ai ai cũng có quyền pháp được phú bẩm, tự nhiên mà có, giúp con người tự làm chủ mình, tự điều hòa và vận hành lấy bản thân mình để tồn tại và phát triển. Nhưng cũng có những người đặc biệt, được ban trao những khả năng đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt là giúp người khác trở nên giỏi giang hơn, tốt đẹp hơn. Trong môi trường sư phạm, đó chính là người thầy. Với sứ mạng đào tạo thế hệ tiếp nối, thầy giáo được nhà trường và xã hội trao quyền tổ chức lớp học và quyền giảng dạy, đánh giá kiến thức của học sinh. Trước tiên, thầy giáo sẽ đề ra nội qui để đưa lớp vào một trật tự. Tùy tình hình các học sinh mà thầy giáo sẽ sắp xếp chỗ ngồi cho phù hợp, em học giỏi sẽ ngồi cạnh kèm cặp em học yếu, em bị cận thị sẽ được ngồi gần bảng, những học sinh cá biệt mất tập trung trong việc học sẽ được thầy cô chiếu cố đến nhiều hơn. Thầy giáo truyền đạt kiến thức mới và cho bài tập. Đến lượt mình, học sinh phản ánh lại sự tiếp thu kiến thức của mình qua những bài tập đó. Mỗi học sinh sẽ có những phản hồi khác nhau, em thì không thể hiểu được câu hỏi của thầy do bị hổng những kiến thức từ lớp dưới, em thì làm được nửa bài nhưng quên mất điều kiện của tham số nên cho kết quả sai lạc, còn em thì có hai ba cách giải khác nhau đều đúng cả. Dựa vào sự phản ánh đó, thầy giáo sẽ có những điều chỉnh sao cho tốt nhất cho mỗi em. Em có khả năng nổi trội sẽ được chuyển sang lớp năng khiếu để khả năng sáng tạo của em được phát triển cao nhất. Em chưa nắm vững bài học thì thầy sẽ giảng giải bài lại chậm hơn, với phương pháp dễ hiểu hơn, cho bài tập cơ bản hơn để áp dụng. Còn với em đã bị hổng kiến thức quá nhiều từ lớp dưới, đòi hỏi thầy giáo phải thực sự kiên nhẫn, tìm hiểu nguyên nhân khiến em không thể học hành được, từ đó tìm cách hỗ trợ em. Đến lượt học sinh, cũng phải tự điều chỉnh phương pháp học của mình cho phù hợp với bậc học mới, nêu ra những ý kiến và thắc mắc của mình để thầy trò cùng thảo luận cho rõ ràng mọi vấn đề. Nhờ có sự tác động qua lại giữa thầy và trò, mỗi người tự điều chỉnh phương pháp của mình cho phù hợp với đối tượng mới, hoàn cảnh mới, để phát triển cao nhất khả năng và kiến thức của từng em học sinh.

"Quyền Pháp" của người thầy phát huy hiệu quả tốt nhất khi người thầy hết lòng thương yêu các học trò nhỏ của mình, sẵn lòng truyền đạt hết kiến thức cho các em và giảng dạy có phương pháp sư phạm. Về phần các em học sinh, phải sẵn lòng đón nhận những kiến thức mới, khi cần phải tự thay đổi phương pháp học tập cho phù hợp và tự rèn luyện không ngừng theo lời thầy dạy thì sự tiến bộ sẽ không xa.

Như thế, Quyền và Pháp là hai chiều vận động của chủ thể: một chiều tác động vào đối tượng, chiều kia thỏa ứng nhu cầu tiến hóa của đối tượng. Đó là tính Trung Đạo của Quyền Pháp Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, chương 1, mục 4, phần Quyền Pháp, tr. 76.

Vì các sự vật luôn thay đổi nên sự thể hịên và cách thức tác động của Quyền Pháp cũng luôn được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh và trình độ của đối tượng. Như thế mới có thể gỡ bỏ hết mọi ràng buộc, mọi khó khăn, trở ngại, và giúp cho đối tượng phát huy khả năng của mình một cách cao nhất. Đó là cách thể hiện tình thương của Quyền Pháp để đem đến sự sống và sự giải thoát cho muôn loài.
Tu sĩ Phương Trúc
Quyền pháp trong cuộc sống / Tu sĩ Phương Trúc

Tà thần thấy người đang dục vọng,
Đã tu hành còn mộng mị huyền,
Thừa cơ khuyến dụ rủ ren,
Thiêu thân đành phải vì đèn lụy thân.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây