Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
14/12/2007
Lê Khanh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 29/12/2009

Quay đầu là bờ

Tâm vật không bình hành

Nếu hiểu theo giáo lý Cao Đài "nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhứt bổn", con người (hay vạn vật) có cùng xuất phát điểm và cùng đi trên 2 "ngõ": 1 ra đi và 1 trở về, thì quả thật con người hôm nay đã đi xa Thượng Đế lắm rồi. Càng đi xa, con người càng "quên" Thượng Đế và quên luôn lối về, hệ quả là "vật" thì nhiều mà "tâm" chẳng bao nhiêu. Không nói đâu xa, những cảnh tượng trước mắt hàng ngày, con người hối hả chạy đi tìm "vật", bị chi phối trong cơm áo gạo tiền, quay cuồng trong thế giới vật chất đầy sắc màu quyến rủ đam mê; nhìn rộng ra cũng không khác là mấy, chỉ có điều những "biến thể" của nó thì nguy hiểm hơn nhiều: chiến tranh, bạo lực, kỳ thị, đạo đức suy đồi, bệnh tật, ô nhiễm môi trường, … chung quy cũng vì chạy theo "vật" mà thôi. Những tiến bộ khoa học, xét trên khía cạnh nào đó, lại đẩy con người ngày càng xa xuất phát điểm; theo thời gian, hình thành cái gọi là "văn hoá hưởng thụ", tình thương yêu đồng loại, lòng bác ái, tính vị tha là những điều xa xỉ. Càng xa ánh sáng thiên lương, con người lại càng phồn vinh về tiện nghi vật chất; tuy nhiên, tự lúc nào, từ trong sâu thẳm tiềm thức, con người cũng cảm thấy mất cân bằng.

Xét cho cùng, con người cũng thừa biết còn nhiều điều không ổn. Bao nhiêu tổ chức, hiệp hội được lập ra nhằm hạn chế (xoá bỏ) những gì còn bất cập, thúc đẩy cuộc sống phát triển theo hướng hài hoà bền vững. Nhưng chừng ấy là chưa đủ, và những giải pháp ấy dường như mang tính "chữa cháy" nhiều hơn. Bao nhiêu tai nạn liên tiếp đổ xuống đầu nhân loại: từ chiến tranh, bạo lực đến kỳ thị khủng bố; từ bệnh tật đến môi trường; việc này chưa giải quyết xong, việc khác lại tới dồn. Hàng loạt bài toán chưa có lời đáp. Điều đó cho thấy những "phương thuốc" mà "lương y thế gian" đưa ra thật sự có vấn đề hay nó chưa đủ "liều cao" để trị dứt "căn bệnh nan y"

Bất an là tâm trạng thuộc về tinh thần, là tâm bệnh; mà đã thuộc về tinh thần thì không thể dùng vật chất mà khắc chế được, nó chỉ có tác dụng trong 1 chừng mực nào đó mà thôi. Cậy nhờ Thiêng Liêng, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát "định bịnh" nhân loại ngày nay: "Tâm người xa cách nguyên thủy, căn bản tức là xa Thượng Đế. Xa Thượng Đế là xa tình thương. Mà hễ loài người thiếu tình thương, ôi thôi, hậu quả vô cùng vô tận.

Từ chữ tâm sanh ra chữ muốn. Muốn đủ thứ đủ điều. Muốn là dục vọng. Khi muốn mà không được thì thất vọng. Hễ thất vọng phải luân hồi để kiếp lai sanh toại vọng. Hễ luân hồi thì đau đớn, vì:

Trần gian là chổ đọa đày,

Luân hồi nhiều kiếp, trả vay càng nhiều.

(…) Muốn khỏi cảnh luân hồi thì đừng thất vọng. Muốn đừng thất vọng thì chớ dục vọng. Muốn đừng dục vọng thì phải ngự trị chữ tâm"

Quay đầu là bờ

Như đã nói, càng xa nguồn cội, đường về Thượng Đế càng dễ bị lạc lối, tựa như 1 người xa quê đã lâu, nay trở về, thấy cảnh vật xung quanh thay đổi nhiều quá, không biết đường nào rẽ vào nhà mình, cứ "lăn tăn" hỏi tới hỏi lui mà cũng không nhận ra lối cũ năm xưa.

Thật ra thì, ngay lúc này đây, vẫn có 1 bộ phận con người cảm thấy " thiếu thiếu" cái gì đó trên phương diện tinh thần, tâm linh. Đây là điều có thật. Thông thường, người ta ứng xử sự trống vắng đó theo 2 cách: 1 là tham gia vào các tổ chức từ thiện bù đắp vật chất cho những kẻ không may, 2 là bước vào "ma trận" các giáo phái, theo đuổi những mục đích không rõ ràng, đôi khi còn cực đoan, phi nhân bản. Cách đầu tiên, dĩ nhiên là tích cực, nhưng người ta thường không theo đuổi dài lâu do cảm thấy nhu cầu tinh thần không thoả mãn đầy đủ, còn cách kia dễ dẫn người ta vào chổ sa đọa, chìm sâu vào vòng xoáy tội lỗi.

Con người đi ra vạn hữu là quay lưng lại với Thượng Đế, quay lưng với ánh sáng lương tri; từng bước đi, con người sẽ thấy trước mặt là cái bóng của chính mình, chạy theo cái bóng ấy. Mà tiếc thay, cái bóng ấy đâu phải là mình; đó là bản ngã, là những tham vọng thấp hèn. Đi mãi rồi người ta cảm thấy bế tắc và cùng đường, trước mặt là vực sâu, đi tiếp thì không được rồi. Quay đầu lại thôi. Quay đầu lại sẽ thấy "ánh thái dương" chói chan rực rở từ Thượng Đế, hấp thụ ánh sáng ấy, người ta chợt "nghe" được tiếng nói lương tri mà dường như đã lãng quên tự lúc nào không biết, chợt nhớ ra từ trước tới nay mình đã gây ra tội lỗi quá nhiều. Nhưng cái khó là "làm một người đi tìm đạo, tìm chơn lý, nếu không phải là hàng nguyên căn thông thái thì là một việc khó khăn không nhỏ".

Thật vậy, vì đã đi quá xa, nay quay trở lại, tìm đường về bến khởi nguyên không hề là việc đơn giản. Đường đi xa xôi vạn dặm, nhiều hiểm trở chông gai, lại thêm trở lực từ nội tâm đến ngoại cảnh, có mấy ai sải bước về đến đích? Nhiều khi lạc lối cũng không chừng.

Hiểu theo hướng đó, Đại Đạo khai minh chung quy cũng là mở ra 1 con đường cho nhân loại trở về  chân thiện mỹ. Con đường đó là "con đường rộng lớn nhất để đưa nhân loại đến đại đồng, thế giới không kỳ thị phân chia, phù hợp xu hướng văn minh tiến bộ, tạo cảnh an lạc hoà bình, hạnh phúc trần gian và siêu xuất thế gian"; và con đường đó cũng được ví như "chiếc bát nhã thoàn đưa khách năm châu đến cứu cánh tận độ"

Xét hoàn cảnh nhân loại hiện tại – trong 1 thế giới đa cực – con đường ấy phù hợp và hoàn hảo nhất: nó dung nạp mọi tinh hoa từ cổ chí kim, dung hoà tổng hợp mọi giáo thuyết, không duy tâm mà cũng chẳng duy vật, tâm vật bình hành. Đi trên con đường ấy, chắc chắn nhân loại sẽ đến được bến bờ hạnh phúc.

Hàng Thiên ân sứ mạng, những người đã và đang đi trên lối đi ấy, có trách nhiệm hướng dẫn và dìu dắt nhân loại đồng hành trong sứ mạng tận độ thời Tam kỳ phổ độ. "Thầy đến xứ Việt Nam nầy để khai Đạo, kêu gọi các bực nguyên nhân hãy sớm lập công bồi đức, hướng dẫn toàn thể sanh linh sớm tỉnh tu để về cõi trường tồn chánh giác hoặc hưởng đời Thượng Nguơn Thánh Đức", Đức Chí Tôn dạy.

Lối đi đã sẳn, người đưa lối đang đợi, nhân loại hãy quay đầu và bước đi trên con đường ấy

"Quày gót mau về nơi cựu vị,

 Thôi đừng dan díu kiếp phù sinh."
Lê Khanh

Mong sao em mến hiểu lòng này,
Sắp xếp gia đình cho khéo tay,
Dành để ngày giờ hành đạo sự,
Tô bồi âm chất mới là hay.

Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Chơn Lý Đàn, 26-01 Quý Sửu, 28-02-1973

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây