Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Sứ mạng Chung Hòa là trách nhiệm quan trọng của Nữ Phái Tam Kỳ Phổ Độ để góp công quả ...


  • BÀI THUYẾT ĐẠO của vị Nữ Chánh Phối Sư Lâm Hương Thanh đọc tại Thánh Thất Mỹ Ngãi (Sa Đéc) Bài ...


  • Thần Tiên Diệu Bút / Đạt Tường

    Lâu nay chúng ta nghe nói đến hình thức "Quán thủ", nghĩa là cứ lấy chữ đầu của mỗi câu ...


  • PHONG CÁCH THƯỞNG XUÂN CAO ĐÀI Giáo sĩ LẬP HẠNH Từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay, mọi người đều tỏ ...


  • Quan niệm và biểu tượng về Thượng Đế trong Đạo Đức Kinh 1. Giới thiệu. Khi qua ải Hàm Cốc, Đức Lão ...


  • Sáng tinh mơ, khách dạo quanh vườn hoa kiểng, chợt bước vào nếp cỏ xanh, thấy lớp sương còn đọng ...


  • Các nhà khoa học, nhân chủng học cũng như các tôn giáo đều công nhận CON NGƯỜI là một sinh ...


  • QUỐC SƯ VẠN HẠNH / TT. Thích Quảng Tùng

    Quốc sư Vạn Hạnh và PG thời Lý đóng góp vào sự nghiệp hộ quốc an dân TT. Thích Quảng Tùng Phật ...


  • Yên lặng / Mẫu Đơn

    "Cũng như đã thấy và đã hiểu, Thượng Đế có nói ra một lời nào đâu (Thiên hà ngôn tai!) ...


  • Đức Lão Tử viết : “Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ...


  • Đêm lịch sử Khai Minh Đại Đạo 14 rạng Rằm tháng 10 Bính Dần 1926, Đức Chí Tôn đã Thiên ...


  • CUỘC THÁCH ĐỐ / Thiện Chí

    Ngươi dám đóng lại khung trời Đại Đạo,? Có biết từ đâu ngươi đã sinh ra? Cái nốt bụi được mặt trời ...


06/08/2007
Tường Chơn

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009

Trí và Thức

I.- Định nghĩa hai chữ Trí và Thức :

Trước hết chúng ta hãy cùng định nghĩa và tìm hiểu nghĩa hai chữ Trí và Thức theo lời dạy của Ơn Trên.

Chữ Trí có nghĩa là : hiểu biết, sáng suốt, nói cho đủ chữ là Trí huệ, là Huệ mạng, là công dụng của Tánh giác Diệu-minh hay là của Chơn tâm. Cho nên Tánh giác Diệu-minh cũng gọi là Trí "Bổn giác " hay là Lý. Còn cái Trí mới bắt đầu giác ngộ thì gọi là Trí "Thỉ giác ". Ngày nào Trí Thỉ giác và Trí Bổn giác bằng nhau, thì gọi là Lý và Trí có một, tức là thành Phật vậy.

Theo Phật giáo, Trí và Lý chẳng phải khác nhau, vốn có một thể. Nhưng sao lại gọi Trí là Thỉ giác ? Vì nó mới hiểu rõ có một phần Lý mà thôi. Đến khi Trí hiểu Lý hoàn toàn, thì Trí tức là Lý, Lý tức là Trí, Thỉ giác và Bổn giác huờn lại một giác tánh, không còn phân biệt nhau nữa.

Trong tám con đường chánh tu hành để thành Phật, gọi là Bát chánh đạo, ngôi đầu tiên là Chánh kiến. Chánh kiến là thấy biết chơn chánh, tức là hiểu được một phần Lý. Nếu không nhờ Trí huệ nói đây, thì Chánh kiến không làm sao thấy biết được chơn chánh, mà tu lần lần, để chứng quả vị của Phật. Cho nên Trí huệ cũng gọi là Phật tánh, tức là : Cái tánh khả năng thành Phật.

Một Tông giáo có giá trị phải căn cứ vào hai chữ Trí huệ. Có tín ngưỡng mà thiếu Trí huệ, thì không làm sao khỏi lạc vào con đường bất chánh.

Thức cũng có nghĩa là hiểu biết, là phân biệt, mà cái biết của Thức có khác với cái biết của Trí. Vì Thức chỉ biết một cách mơ hồ, lầm lạc. Còn Trí là hiểu đích xác, thấu tận đến nguồn Chơn lý.

Thức tỉ như người đi đêm tối, mập mờ, thấy sợi dây luộc, mà tưởng lầm là con rắn, hoặc là biết sợi dây, mà không hiểu sợi dây ấy bằng chất chi. Còn Trí thấy rõ sợi dây, thêm hiểu sợi dây đó làm bằng gai hay bằng dừa nữa là khác. Sau nầy sẽ nói rõ thêm chỗ sai lầm của Thức.

Lại Thức là hiểu biết từ bộ phận nhỏ nhen, phân biệt tỉ mỉ từng chút, rồi ráp lại các bộ phận mới thành cái biết, cực nhọc mà nông nổi, ở bề ngoài đó thôi. Còn Trí là hiểu biết hoàn toàn, do sự tổng quát mà đoán biết tự nhiên các việc nhỏ nhặt khác, một cách dễ dàng.

Nói một cách khác, Trí do gốc mà tìm hiểu biết, mà phân biệt mọi sự mọi vật. Còn Thức phăng từ ngọn mà về gốc, nhưng chưa biết gốc là chi, nên việc phân biệt không chắc vào đâu cả, chỉ dựa theo bóng dáng mập mờ mà thôi.

Trí và Thức cả hai cũng đều có nghĩa là hiểu biết, phân biệt, mà hai đàng khác nhau, một bên căn cứ vào thật tướng, còn một bên căn cứ vào sự bóng dáng. Cho nên sự hiểu biết của Trí, ít khi gọi là phân biệt, mà thường có tên riêng là liễu biệt, hay là liễu liễu.

Theo hai định nghĩa của Trí và Thức vừa nói trên, chúng ta đủ rõ đâu là chơn chánh, đâu là tà vọng rồi. Cho nên Thức cũng gọi là Vọng tâm, còn Trí thì gọi là Chơn tâm.

Vọng tâm là cái Chơn tâm hiệp với vô minh mà thành. Vô minh là sự đen tối, hiểu sai.

Cái Chơn tâm hiệp với Vô minh thì không còn gọi là Chơn tâm nữa, mà đổi tên là Như-lai-tạng tại triền, nghĩa là : Cái kho của Đức Như Lai ở trong vòng bó buộc, không thủ tự tánh, mất cả bình đẳng tự do, không còn sáng suốt tự chủ nữa. Đến khi Như-lai-tạng xuất triền (ra khỏi sự bó buộc đó), thì mới gọi nó là Chơn tâm hay là Chơn như.

Do vậy cái "biết của thức, không phải biết thường, mà kết cấu từ vô thỉ dĩ lai, ngậm chứa đủ các hạt giống : thức vô lậu và hữu lậu. Thức do tự tánh phóng ra. Thức ấy lưu tán khắp vũ trụ vạn vật, không nơi nào chẳng có thức; không vật nào chẳng bởi thức, không sự nào chẳng bởi thức mà ra. Thức ấy sâu rộng, linh hoạt lạ thường, hay rung động nhóm khởi".

Trong Thi bài chữ Tâm, Đức Bác Nhã Thiền Sư đã chỉ dạy như sau :

"Thức rảo khắp muôn vàn lịch kiếp,
Mãi gây nhân tạo nghiệp luân hồi.
Ngày ngày nẩy tược đâm chồi,
Thứclưu, gia, tập tăng boi thêm đông.

Dòng họ thức chi tông đủ loại,
Tương hệ nhau nội ngoại ý tình.
Hóa ra vạn trạng thiên hình,
Rồi vin vào đó pha tình ngọt chua.

Tình thức xúm bán mua đổi chác,
Gia vị thêm mặn lạt màu mè.
Bao nhiêu sự thực lấp che,
Diễn trò ảo thuật mê lòe người ngu.

Do kết cấu từ vô thỉ dĩ lai, cho nên thức "ghi nhớ trải qua nhiều thời gian và xuyên vào không gian, nên sự nghe thấy hiểu biết từ cõi thần đến cõi người. Đó là thứclưu truyền. Thức ấy lồng vào thân người, kết hợp với thức gia truyền và thức tập truyền thành ra bà con nhà thức ngày ngày thêm đông".

"Thức gia (di )truyền ta không sao phăng tới nguồn mạch của nó. Nó theo giòng hệ tộc mà chảy theo thất tổ cửu huyền; tinh khí cha mẹ cấu nên hình người, là giọt máu thức chảy ngầm trong thân thể. Nếu giọt máu ấy bởi nguồn trong sáng, sinh ra con người được khôn lanh; bằng nhỏ "đục thì trở nên rù rờ ngây dại".

" Ngoài hai giòng thức trên, "quan hệ hơn là giòng thứctập truyền, ở trong các con thú vật và thực vật. Khi ta ăn chúng vào mình thì bè đảng của thức lại được kết nạp mỗi ngày mỗi đông".

" Giòng thức nghiệp cứ lôi đi đầu thai kiếp nầy sang kiếp khác, hoặc lên hoặc xuống, hoặc trả, hoặc vay. Song thức đó không phải chỉ ở nơi người mà cả vũ trụ vạn vật cũng đều có thức." 

Cũng trong thi bài chữ Tâm, Đức Bác Nhã Thiền Sư đã chỉ rõ như sau :

Mê, nhứt tâm biến thành tám thức,
  Thức phân chia thứ bực, thân thù.
  Ghét thương loạn tưởng phù du,
  Trần căn gieo gặt, phát thu nhộn nhàng". 

Do vậy, thức có tám loại kể ra sau đây :

1/ A lại da thức,

2/ Mạt na thức (Ý),

3/ Ý thức,

4/ Nhãn thức,

5/ Nhĩ thức,

6/ Tỉ thức,

7/ Thiệt thức,

8/ Thân thức.


Như trên đã nói, A-lại-da thức là Chơn tâm hiệp với Vô minh nên cũng gọi là Tâm. Tâm nói đây là Vọng tâm, chớ không phải Chơn tâm.

Mạt-na-thức là cái ý chấp vọng tâm nói trên làm Bản ngã.

Còn sáu thức sau đều gọi là thức cả, do sáu căn tiếp xúc với sáu trần, mà sanh ra chấp pháp.

Cho nên nói rộng ra thì có tám thức, còn thâu hẹp lại thì chỉ có tâm (A-lại-da), Ý (Mạt-na), thức (6 thức sau).

Phật giáo lại phân biệt rằng : Sáu thức sau mỗi thức có một phận sự xét nét riêng, làm xong rồi thì mất, nên nói : sáu thức nầy thẩm (xét) mà không hằng (thường). Chỉ có thức thứ sáu là ý thức có sức mạnh hơn hết.

Bát thức qui-cũ tụng có nói về thức thứ sáu như vầy :

"Bị luân hồi tam giái lòng dòng,
   "Cũng dễ biết tự trong ý thức . . .
  Lại nói   "Thân cử động nói năng mạnh nhứt,
   "Chỉ một mình Ý thức ai bì ?
   "Cõi đầu thai dẫn nghiệp đem đi,
   "Thân họa phước, lai tùy mãn nghiệp."

Mà đến khi ngủ mê, chết ngất, hoặc nhập vào cảnh định vô tưởng, thì ý thức cũng không còn.

A-lại-da thức không có thẩm (xét) mà lại hằng (thường), nghĩa là không bao giờ diệt. Các hột giống lành dữ đều chứa ở trong đó. Còn Mạt-na thức chấp ngã, nên vừa thẩm, vừa hằng. Bát thức qui cũ tụng, về khoản Mạt-na thức hay là thức thứ bảy, có nói rằng :

   "Thường tùy duyên, chấp ngã bên trong,
  "Nhân vọng chấp, lượng (chỗ suy lường) ròng là giả (phi lượng)

Lại nói   "Lại có căn phiền não bốn ngôi :
   "Trước tham, ngốc, kế thời kiến, mạn.
   "Đã thẩm, lại hằng không gián đoạn,
   "Cứ quẩn quanh, ngã trạng nghĩ hoài (chấp ngã).
   "Chúng hữu tình lẫn cả đêm ngày,
   "Bị ngã trấn, hôn ngây, thắc ngặt.
  "Tâm phiền não đại tùy, bốn hoặc,
   "Cùng tương ưng nổi rắc rối lên.
   "Thức sáu kia (tức là Ý thức)trở gọi thức trên,
   " Là chánh mối gây nên nhiễm, tịnh."

Cho nên việc lành dữ, tuy do Ý thức, mà gốc ở tại thức Mạt-na chấp ngã, nên cũng gọi thức nầy là Ý căn.

Tám thức của loại hữu tình là hữu lậu nhiễm ô, không trong sạch. Nếu ai tu, hành công phu viên mãn, khi chứng đặng Phật quả, tám thức nầy lại chuyển biến, từ hữu lậu chuyển thành vô lậu, từ nhiễm ô thành thanh tịnh, lúc bấy giờ không gọi là thức mà gọi là trí.

Dĩ nhiên, thức cùng trí không phải là hai sự vật mà là một thể, chỉ có trước và sau, cạn và sâu. Khi ở phàm phu có hai chướng : phiền não vào sở tri, đối với lý sự phân biệt, không được chính xác, do đó nên gọi là thức.

Ta thử tìm hiểu thức làm sao sanh ? Chẳng hạn nhãn thức.

Trước nhứt, nhãn căn hiệp với sắc trần, ý thức làm cho tâm vọng động. Vì vọng tâm nên sanh phân biệt thấy sai, nghĩa là không thấy thực tướng mà mê lầm; nhận giả tướng cho là thiệt, tin theo đó, nắm bắt, buông bỏ. Trong nhận giả tâm là mình, ngoài cho giả cảnh là thiệt. Nhãn thức, cái biết do mắt từ đó sanh, và vì không chính xác đối với sự lý phân biệt, có thành kiến, thâu nhiếp tri kiến kẻ khác, ưa ghét sanh ra phiền não, mà cuốn lôi hành giả vào lục đạo luân hồi triền miên không lối thoát. Vì sao ?

Nhận làm mình là vọng động thay vì vốn thanh tịnh, phân biệt ta người có phần so sánh; thuận với ta thì ưa, nghịch với ta thì ghét; lòng ưa ghét gây ra thân thù, có thân thù mới có hành động liên hệ gây ra nghiệp dữ hoặc lành. Mà đã gây ra nghiệp thì tâm ta tức nhiên bị mê mờ, gương đóng bụi lại càng phủ thêm lớp bụi.

Đến khi hành giả nhờ tu tập không khởi tâm vọng động, thấy bản thể xuyên qua giả tướng, biết các pháp vốn không, tùy thuận không nắm bắt, hai chướng hằng diệt, đối với sự lý quyết đoán chính xác. Lúc bấy giờ gọi nó là trí. Vì thế nên nói trí do thức chuyển biến mà thành.

Trí do Thức chuyển biến mà thành, do vậy Trí có bốn thứ kể ra sau đây :

1/ Đại Viên Cảnh Trí ,

2/ Bình Đẳng Tánh Trí,

3/ Diệu Quan Sát Trí,

4/ Thành Sở Tác Trí.


Thức A lại da, cũng gọi là tàng thức vì hay thâm nhập chứa đựng tất cả hột giống thiện, ác. Hột giống nghiệp của nó huân tập dồn chứa từ nhiều đời nhiều kiếp, nó thuộc loại nhiễm ô hữu lậu; bị Mạt na thức nhận mình làm bản ngã nên mới có chỗ phân biệt chia rẽ.

Trải qua nhiều thời gian gạn lọc, đến khi nó hiểu biết muôn vật đồng một bản thể, thì không còn chia rẽ ta với người nữa, xa lìa các tánh phân biệt, tánh tướng thanh tịnh, hằng lìa tất cả hột giống hữu lậu tập nhiễm. Tâm và cảnh như nhau, thì những hột giống hữu lậu lành dữ, thương ghét v.v. . .  sẽ biến thành hột giống vô lậu, sáng suốt vô cùng. Cho nên thức A lại da  đổi ra Đại viên cảnh trí.

Thức Mạt  na chấp ngã, chỉ biết mình nào biết có người; cho nên mọi ý nghĩ, mọi hành động, mọi lời nói đều quy tụ chung quanh cái ngã. Thích hợp với cái ngã thì được yêu thương chiều chuộng cưng dưỡng, trái với cái ngã thì bị khinh ghét, hất hủi chà đạp. Do đó gây ra biết bao bất công, bất bình đẳng, làm xáo trộn điêu đứng, phá hủy cõi trần gian nầy.

Đến khi chứng đặng Bồ đề, diệt trừ ngã chấp, hiểu biết muôn vật đồng một bản thể thì không còn chia rẽ ta với người nữa. Ta và người cho đến loài vật đều bình đẳng in như nhau. Cho nên thức Mạt na đổi ra Bình đẳng tánh trí.

Ý thức là thức thứ sáu hay chấp pháp, tưởng lầm rằng ngoài tâm ta có sự vật bền bĩ lâu dài. Đến khi nó hiểu biết cái pháp là giả dối, vô thường, không có tự tánh (tánh riêng) thì cái hiểu biết trước kia điên đảo, nay đã thành cái chơn tri, sự biết đúng đắn. Cái biết do đó mà được chính xác, khéo quán tất cả tự tướng, vọng tướng của các sự vật không có chi ngăn ngại, đoạn diệt tất cả nghi ngại (sát trí). Cho nên Ý thức  đổi ra Diệu Quan Sát Trí nghĩa là Trí quan sát đến chỗ vi diệu mầu nhiệm có thể thấy được hằng sa thế giới, trong mỗi thế giới thấy được toàn thể chúng sanh, trong mỗi chúng sanh thấy được bao nhiêu tâm niệm.

Còn 5 thức sau là : thức con mắt, thức lỗ tai, thức lỗ mũi, thức lưỡi, thức thân thể. Năm thức nầy đối với ngoại cảnh trần lao, thường bị xúc động, sanh lòng ưa mến, mới có tạo nghiệp hung dữ, đều là nhiễm ô, thường sai lạc nhận giả làm thiệt. Đến khi biết tu hành  không khởi tâm vọng động, năm thức nầy đổi ra thành cái biết bất động (thản nhiên); mong thành tựu các việc hiền lành, trong sạch, lợi ích cho tất cả mọi người. Các sự thi hành và tạo tác đều vô lậu. Cho nên năm thứ đều đổi ra Thành sở tác trí.

II.- TAM GIÁI DUY TÂM, VẠN PHÁP DUY THỨC


Câu nầy có nghĩa là : Ba từng Trời là : Dục giái, Sắc giái, Vô sắc giái đều là hư ngụy, chẳng có chi thiệt, chỉ do một cái tâm hiện ra đó mà thôi. Còn muôn sự muôn vật ở trong ba cõi đó, tức là ở trên cõi Ba ngàn thế giái của chúng ta đương sanh sống, cũng là vô thường, do một thức biến ra mà thôi.

Như trên đã giải, tâm nói đây là tâm thức, là vọng tâm.

Đức Di-Lặc Bồ-tát có nói rằng : "Nhứt thiết pháp do ngã tâm thức sở biến", nghĩa là : Hết thảy mọi sự vật trên thế giái đều do tâm thức biến hiện ra.

Chữ biến hiện nầy không phải có nghĩa là : sanh ra, biến hóa, tạo tác. Biến hiện nói đây có nghĩa là vọng tưởng biến ra có hình tướng, hay là không có mà bày đặt ra cho có như cảnh hát thuật.[. . .]

Trong kinh Phật cũng có nói về một vật, mà người ở mỗi đường trong lục đạo luân hồi lại thấy khác hẳn nhau. Như cõi người thấy nước, mà cõi Trời thấy thủy tinh, còn ngạ-quỉ lại thấy lữa.

Muôn pháp trong võ trụ như năm uẩn, 12 xứ, 18 giới, nói tóm là ngã và pháp, đối với Trí huệ của người xuất gia tu hành, thì hết thảy đều là "Không", là giả, là không thiệt có. Chỉ vì thức tâm của ta biến hiện ra nghĩa là thức tâm của ta vì lầm lẫn mà tưởng tượng có.

Khi ta đã dẹp được cái Thức và sự nhận biết sai, không còn phân Tâm và Cảnh, người và ta nữa, thì chỉ qui mọi vật về một Chơn tâm, một Lý mà thôi. Cái Lý ấy gọi là Lý vô phân biệt, mà cũng gọi là Pháp-thân Phật.

Cho nên đọc kinh mà hiểu sai đi một tí, là đi sai ngàn dặm. Bởi cớ đó, nên Phật thuyết lại thành ra Ma thuyết. Vậy người tu hành cần phải để ý chỗ hiểu của mình cho lắm.

KẾT LUẬN

Người tu hành đọc kinh sách, chớ khá vội vàng hiểu qua loa theo ý riêng của mình, mà phải chịu lầm lạc, hại cả một đời sanh sống của mình. Trước phải tìm hiểu cho đích xác, rồi sau mới có thể y theo đó mà hạ thủ công phu, đừng để cho cái thức dẫn dắt sai đàng lạc nẽo. Nói một cách khác là phải : Phản thức vi trí, nghĩa là : Đổi thức làm trí. Đó là chỗ cốt yếu, là chìa khóa vàng để mở cửa Đạo. Xin đừng lộn chữ Trí nói đây là Trí huệ (Prajna), với chữ lý trí thường dùng bây giờ là Tri giác (perception) theo ngũ giác quan.

Kết luận bài giãng hôm nay, tôi xin đọc lại một bài thơ của Thần Tiên đã cho trong đạo Minh Lý, khi giáng bút dạy Đạo, nói về cái Thức, chẳng có ý chi khác hơn là để bỏ thức theo Trí.

Bài thơ ấy như vầy :

Thức thần khôn chế hóa tinh ma,
   Nào khác phụ nhơn hại nước nhà.
   Lời ngọt, Tô nương mê Trụ chúa,
   Tiếng ngon, Tây tử hoặc Phù ta.
   Anh hùng sa đắm vì tình huyển,
   Chí sĩ muội hôn bởi tánh tà.
   Nhơn ngã dấy sanh lòng tật đố,
   Tu hành kiên cố gở cho ra.
Tường Chơn

Mong sao em mến hiểu lòng này,
Sắp xếp gia đình cho khéo tay,
Dành để ngày giờ hành đạo sự,
Tô bồi âm chất mới là hay.

Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Chơn Lý Đàn, 26-01 Quý Sửu, 28-02-1973

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây