Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Xuân bất diệt / Hội Đồng Tiền Bối Đại Đạo

    Hội Đồng Tiền Bối Đại Đạo dạy tại NTTT vào ngày Mùng 1 tháng Giêng năm Canh Tuất 1970


  • Ngài Cao Quỳnh Cư tự là Bội Ngọc, sinh năm Mậu Tý 1888 tại làng Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh ...


  • PHONG CÁCH THƯỞNG XUÂN CAO ĐÀI Giáo sĩ LẬP HẠNH Từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay, mọi người đều tỏ ...


  • Đại Đạo là con đường rộng lớn nhứt để đưa nhân loại đến đại đồng thế giới, không kỳ thị ...


  • Một giờ thanh tịnh một giờ linh / Đức Đông Phương Chưởng Quản

    Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý,  Hợi thời, 7 tháng 11 Bính Thìn Bần Đạo chào mừng chư hiền đệ hiền ...


  • Học tập Thánh giáo – Tháng 6 nhuần năm Đinh Dậu 2017 Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu (14-11-1973) Học tập ...


  • THIÊN CHÚA BA NGÔI / LM Giuse Nguyễn Hưng Lợi (DCCT)

    Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi để giúp cho mọi người Kitô hữu thấy hình ảnh của một Thiên ...


  • Xuân khởi Phục / Thánh giáo Đức Đạo Tổ

    THÁI hoà xuân khởi Phục[1] và Lâm, THƯỢNG trí[2] gieo trồng khắp cõi tâm; LÃO noãn non già theo đúng độ, QUÂN bình ...


  • Trong Huấn Từ ngày 14 tháng giêng năm Bính Ngọ 1966, tại Thiên Lý Đàn, Đức CHÍ-TÔN có dạy như ...


  • Đức Lão Tử viết : “Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ...


  • Hôm nay ngày Lễ Giáng sinh còn được gọi là ngày sinh nhật của Đức Giêsu Kitô. Hàng năm Giáo ...


  • KỶ YẾU CAO ĐÀI GIÁO LÝ 2 / BBT. CAO ĐÀI GIÁO LÝ

    Lời nói đầu HÀNH TRÌNH LƯU DẤU (TẬP 2) “Hành trình lưu dấu” là lời nói đầu của Tập KỶ YẾU CAO ...


09/09/2005
Trần Thị Tố Nga

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm trước và trong thời Tam Kỳ Phổ Độ

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên,
Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này!

Những ai chưa quên những vần thơ trên đây thì không thể nào quên được người diễn nôm bản Chinh Phụ Ngâm Khúc. Dịch phẩm tuyệt vời này đã đưa nữ sĩ Đoàn Thị Điểm lên đỉnh cao văn học Việt Nam thế kỷ 18.
Đoàn Thị Điểm hiệu Hồng Hà Nữ Sĩ, biệt hiệu Bang Tang, quê làng Hiếu Phạm (còn gọi Giai Phạm hay làng Giữa), huyện Văn Giai, tỉnh Bắc Ninh, nay là huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng.
Bà sanh năm Ất Dậu (1705) thời nhà Lê trung hưng, đời vua Lê Hy Tông, ở miền bắc Chúa Trịnh là Định Vương Trịnh Cang, ở miền nam Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu.
Theo gia phả họ Đoàn, tằng tổ của bà là Lê Công Nẫm, làm quan võ chức Thái thường thị thiếu khanh, tước Thiêm hào tử; nội tổ là Lê Doãn Vi (có sách viết Lê Công Vị), làm xã quan. Thân phụ là Lê Doãn Nghi, 21 tuổi đậu Hương cống, rồi ra Thăng Long thi Hội mấy khoa liền không đậu. Truyền rằng thần linh bảo đổi sang họ Đoàn thì mới hiển đạt, nên ông đổi họ thành Đoàn Doãn Nghi.
Năm 21 tuổi ông cưới vợ tại quê nhà, sanh một trai là Đoàn Doãn Sỹ. Sau Sỹ đậu hương cống, làm Tri huyện tại Châu Hoan (Nghệ An).
Khi dạy học ở Thăng Long, Đoàn Doãn Nghi cưới thêm vợ là con quan Thái lĩnh bá, họ Vũ, nhà ở phường Hà Khẩu, gần hồ Hoàn Kiếm.
Năm 1703 ông bà có một trai đầu lòng tên Đoàn Doãn Luân, hai năm sau (1705) sanh thêm một gái là Đoàn Thị Điểm. Như vậy, hai bên nội ngoại Đoàn Thị Điểm đều là dòng dõi Nho phong đạo đức, khoa bảng.
Từ nhỏ bà được học chữ Tứ thư, Ngũ kinh, được mẹ dạy nữ công gia chánh. Càng lớn bà càng xinh đẹp, tư chất thông minh, văn hay chữ tốt, công dung ngôn hạnh, tiếng vang gần xa. Năm 16 tuổi bà được quan Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi, từ đó bà về ở nhà dưỡng phụ tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long. Nơi đây bà được đọc rất nhiều sách quý và tiếp xúc rất nhiều danh sĩ khoa bảng. Bà càng nổi tiếng về tài ứng đối văn chương.
Khi thân phụ mất (1729) bà xin dưỡng phụ về quê săn sóc mẹ già, giúp anh và chị dâu quán xuyến gia đình, Anh bà là Đoàn Doãn Luân mở trường dạy học, chị dâu vốn là tiểu thư khuê các nhưng mắc bệnh đậu mùa, gương mặt xấu xí, tay như có tật, nên bà Điểm thay chị dâu lo tề gia nội trợ, giúp anh giao thiệp với bên ngoài, rất đảm đang và bặt thiệp trong mọi việc. Khi anh đau ốm, bà thay anh dạy học.
Năm 1735 Đoàn Doãn Luân mất, để lại hai con thơ chưa đầy 10 tuổi, vợ yếu đuối gần như tật nguyền, và một mẹ già. Bà phải gánh hết trách nhiệm chăm sóc gia đình. Bấy giờ cảnh nhà rất quạnh hiu, và vì sinh kế, bà mở phòng xem mạch hốt thuốc. Bà có tay phục dược nên bệnh nhân rất đông. Nhờ vậy bà đã lo được cho mẹ già và hai cháu tươm tất. Bà rất giỏi giắn lo trong ngoài trọn vẹn. Với mẹ, bà trọn hiếu; với chị dâu và hai cháu, bà trọn nghĩa trọn tình.
Thời gian này rất nhiều người đến cầu hôn, bà đều từ khước. Bà rất kén người tài đức tương xứng với bà. Bà không ham giàu sang chức tước, và rất ghét những kẻ giàu thiếu học.
Nhân có người tiến cử vào cung dạy học, bà nhận lời để tránh những người không xứng đáng đến cầu hôn. Dạy học trong cung bà luôn luôn cung cấp tiền nuôi mẹ, chị dâu và hai cháu đầy đủ. Nhưng ở trong cung nhìn thấy những bất công, xấu xa của quan lại, sự thối nát của triều đình, bà chán, xin nghỉ về quê cũ.
Loạn lạc nổi lên, bà cùng gia đình tản cư về Chương Dương bên bờ sông Nhị gần Hà Nội (1739). Bà 35 tuổi, không xem mạch hốt thuốc nữa mà mở trường dạy học, mong đem hết sở học truyền lại thế hệ mai sau, đào tạo một lớp người có tài đức giúp dân giúp nước. Sau khi bà mất (1748), một học trò là Đào Duy Doãn người làng Chương Dương thi đậu tiến sĩ (1763).
Một ngày kia, bà đang dạy học, có người mang thư cầu hôn của Nguyễn Kiều. Sinh năm 1695, lớn hơn bà 10 tuổi, ông Kiều hiệu Hạo Hiên, người làng Phú Xã, huyện Hoài Đức, 18 tuổi đậu Giải nguyên, 21 tuổi đậu tiến sĩ, được bổ làm Đốc đồng ở Nghệ An (1717), thăng Thị lang (1736). Ông nổi tiếng văn hay chữ tốt, tuổi trẻ sớm đỗ đại khoa, nên có phần kiêu ngạo. Vợ đầu của ông là Lê Thị Hằng, con Thượng thư Lê Anh Tuấn. Bà Hằng mất sớm, không có con. Vợ kế là Đoan, con quan Tham tụng, sanh được hai trai một gái và mất lúc chưa 30 tuổi.
Đọc thư Nguyễn Kiều, bà than: "Lúc trẻ ta mong người này cầu hôn. Trải qua 20 năm ta không hề nghĩ đến nữa. Ta từng nhủ lòng rằng hạng người tài trí giai nhân rất hiếm trên cõi đời này. Tốt hơn ta nên rửa lấy lòng trần, an nhàn nuôi khí tượng thanh bình."
Nguyễn Kiều gởi thư thứ hai, khẩn thiết chân thành nhắc tình nghĩa chị em giữa bà và bà Hằng. Bà cảm động nhưng chưa muốn buộc ràng vào cuộc hôn nhân muộn màng. Tuy nhiên mẹ già và gia đình, kể cả học trò, đều tán thành nên năm 1743 bà 39 tuổi, chấp nhận kết hôn cùng ông Kiều.
Hôn nhân chưa đầy một tháng thì Nguyễn Kiều được lịnh vua làm Chánh sứ đi triều cống nhà Thanh. Lệ thường trong vòng hai năm thì sứ bộ về tới nhà, nhưng lần này khi ông Kiều về tới Quảng Tây, giặc nổi lên làm nghẽn đường nên sứ bộ kẹt lại đất khách cả năm trời.
Ba năm ấy lòng bà héo hắt, buồn thương, ôm gối sầu lẻ bóng phòng khuê. Nỗi niềm này bà gởi vào Chinh phụ ngâm khúc:
Sầu ôm nặng hãy chồng làm gối,
Muộn chứa đầy hãy thổi làm cơm,
Mượn hoa mượn rượu giải buồn,
Sầu làm rượu nhạt,muộn dồn hoa ôi.
… Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi,
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một mình.
Bà Điểm khi ở nhà chồng, lúc về nhà mình phụng dưỡng hai bà mẹ già, chị dâu yếu đuối bệnh tật, ba đứa con chồng, hai đứa cháu ruột. Bà đã hai vai gánh vác đôi bên trong ngoài đều trọn vẹn:
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.
Nay một thân nuôi già dạy trẻ,
Nỗi quan hoài mang mễ biết bao,
Nhớ chàng trải mấy sương sao,
Xuân từng đổi mới đông nào có dư.
Thời gian này Đặng Trần Côn gửi đến bà tác phẩm của ông: Chinh phụ ngâm khúc, chữ Hán, viết theo thể cổ nhạc phủ.
Đặng Trần Côn con nhà quý tộc, xã Mộc Hạ Đình gần kinh thành Thăng Long, nhỏ hơn bà khoảng hai tuổi, tài hoa tuấn tú, 15 tuổi đã đậu Hương cống. Ông Côn rất quý bà về sắc lẫn tài nên lúc bà ở nhà dưỡng phụ Lê Anh Tuấn, ông từng gởi bà một bài thơ tỏ ý hôn nhân. Bà không trả lời, chỉ nói với chị em bạn rằng: "Cái ông Cống Đặng miệng còn hôi sữa ấy nói làm chi tới chuyện vợ chồng." Ông Đặng nghe được tức lắm, cố gắng học hành và đậu tiến sĩ trong kỳ thi Hội.
Nhận được tác phẩm, bà rất phục thi tài họ Đặng, lại thấy giống tâm sự của mình, và để đáp tạ tấm tình ông Đặng, bà đem hết tấc lòng xúc cảm diễn nôm Chinh phụ ngâm khúc.
Ngày Nguyễn Kiều về tới, bà trao chồng xem bản dịch nôm như để nói giùm bà nỗi nhớ niềm thương ba năm xa cách. Ông Kiều rất cảm động và kính phục.
Đi sứ thành công, ông Kiều được thăng chức và được bổ làm quan Tham thị ở Nghệ An. Bà không muốn theo chồng vào xứ Nghệ vì còn mẹ già, chị dâu và các cháu không người chăm sóc. Linh tính như cũng thấy điều gì không may. Nhưng ông Kiều tha thiết khẩn nài, bà đành xuống thuyền theo chồng vào Nghệ An. Thuyền xuôi dòng sông Nhị theo cửa bể Thần Phù để vào cửa Chánh Đại, lúc đến bến Đền Sòng là nơi thờ Bà chúa Liễu Hạnh, bà Điểm bị cảm rất nặng. Biết không qua khỏi, bà trối với chồng vài lời rồi mất ngày 11-9 Đinh Mão (1748), mới 44 tuổi.
Bà mất sớm, để lại cho đời nhiều văn thơ và tập Truyền kỳ tân phả hay là Tục truyền kỳ viết bằng chữ Hán. rất công phu.
Phần đầu bà viết về tài năng, đức độ hy sinh cao cả vì dân vì nước của bà Bích Châu (vợ vua Trần Dụ Tông). Kế là Vân Cát Thần nữ (Công chúa Liễu Hạnh) tài sắc từng xướng hoạ với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.
Truyện An Ấp liệt nữ nói về bà Phan Thị Thuần. Khi nghe tin chồng là Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn mất trên đường đi sứ phương Bắc, bà quyên sinh chết theo.
Truyện Bích Câu kỳ ngộ kể về nàng tiên trong tranh (Giáng Kiều) và hàn sĩ Tú Uyên. Truyện này về sau được diễn thơ nôm, không rõ người dịch.
Bà còn một số truyện ngắn khác, như: Yến anh đối thoại (chim én và chim oanh trò chuyện); Hoành Sơn tiên cục (ván cờ tiên trên núi Hoành Sơn); Nghĩa khuyển khuất miêu (chó khôn bắt mèo).
Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bản nôm Chinh phụ ngâm khúc, một tuyệt phẩm của nền văn học nước nhà mà ngày nay còn ca tụng, vượt hơn hẳn bản gốc chữ Hán. Tên tuổi Đoàn Thị Điểm đã gắn liền với Chinh phụ ngâm khúc, gồm 408 câu song thất lục bát trữ tình, nhẹ nhàng, bóng bảy mà cũng rất mực ai oán, não nùng…
Mặc dù tạp chí Nam Phong số 106 (1926) đề quyết dịch giả Chinh phụ ngâm khúc là Phan Huy Ích nhưng những tài liệu chứng cứ vẫn không đánh đổ được lòng tin và sự ngưỡng mộ của mọi người đối với Đoàn Thị Điểm. Thời gian trôi qua, từ thế hệ này đến thế hệ khác, đời vẫn nhớ tên bà, trân trọng nữ sĩ tài danh, nhưng nào ai biết được những chuyện bên kia thế giới hữu hình này.
Ngày 26-10 Tân Mão (1951), Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc giảng rằng khi bà Đoàn Thị Điểm quy vị, ngồi nơi Thanh tịnh Đại hải chúng; nhờ Thất nương xuống độ bà về Lôi âm tự, rồi nhờ bà tả cuốn Nữ trung tùng phận, mới siêu thoát được.
Như vậy, dù nguyên là một tiên nương nơi Diêu trì cung xuống trần, làm nữ sĩ tài sắc vẹn toàn, tiếng tăm vang lừng thiên hạ, nhưng thiếu công quả độ chúng sanh nên khi quy liễu bà không được trở về ngôi vị cũ, phải chờ 178 năm sau có Đức Chí tôn mở Đại đạo Tam kỳ Phổ độ mà bà mới có dịp lập công quả độ đời để phục hồi cựu vị.
Năm 1933 bà Đoàn Thị Điểm giáng cơ viết Nữ trung tùng phận tại Phạm nghiệp (Tây Ninh) do Đức Hộ pháp phò loan cùng với ngài Tiếp thế Lê Thế Vĩnh. Sau nhiều đêm liên tiếp bà giáng cơ viết khoảng 1000 câu thì cơ ngưng. Đức Hộ Pháp biết bà đã viết xong phần đời, bắt đầu viết sang phần đạo. Ngài hỏi bà, xin đánh điện tín sang Nam Vang gọi ngài Tiếp đạo Cao Đức Trọng; bà bảo không cần vì ngày mai ngài Cao Tiếp đạo về đến Toà thánh. Quả nhiên chiều hôm sau ngài Cao Tiếp Đạo về đến và ngay đêm đó phò loan để bà viết tiếp Nữ trung tùng phận đến câu cuối cùng.
Nữ trung tùng phận gồm 1401 câu song thất lục bát là thể thơ Việt Nam sở trường của bà, qua đó bà đã xác nhận Đoàn Thị Điểm là dịch giả Chinh phụ ngâm khúc trong đoạn mở đầu Nữ trung tùng phận như sau:
Chinh phụ trước treo gương giá quý,
Áng văn làm nhuệ khí cầu vinh,
Thêm duyên chước quý giao tình,
Mỹ ngôn nương ý gia đình an vui.

Trong Chinh phụ ngâm khúc (CPNK) và Nữ trung tùng phận (NTTP) có những câu chữ nghĩa tương đồng:
CPNK: Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.
NTTP: Phụ thân thế phận cho chàng
đẹp duyên.
Và: Tảo tần sớm dưỡng chiều nuôi,
Thế chàng thiếp lãnh vai người hiếu nam.
CPNK: Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
NTTP: Con khá nhớ hồng nhan phận mỏng,
Đừng làm cho thẹn bóng trăng xuân,
Hồng quần tài sắc đa truân,
Vào vòng phận bạc chi mong trọn nguyền.

Nữ trung tùng phận khuyến dạy tu hành, trong đó có đoạn thố lộ thân thế trong kiếp tại trần của bà:

Thân tiên dù lỡ gót phàm,
Gương xưa lỗi ráp ai cầm làm chi.
… Cầm bút ngọc đề thi tự thuật,
Một kiếp sanh của bực văn tài,
Nêu gương tuyết giá hậu lai,
Gỡ trong muôn một những bài sanh ly.

Gần 1000 câu phần đầu bà dạy nữ phái trau dồi tam tùng tứ đức, công dung ngôn hạnh học tập nâng cao văn hóa để ngang hàng cùng nam phái:

Dụng văn hóa trau tria nữ phách,
Lấy kinh luân thúc thách quần hồng,
Gươm thư giúp sức gươm hùng,
Điểm tô nghiệp cả con Rồng cháu Tiên.
Dạy về CÔNG:
Gặp cơn rảnh nhà lan vắng khách,
Công chỉ kim đèn sách học hay,
Trăm nghề dầu chẳng đủ tài,
Dệt văn Tô Huệ, gỡ đày chinh phu.
Dạy về DUNG:
Phàm phận gái đứng hàng khuê các,
Phải trau tria tướng hạc hình mai.
Chín từng cửa đóng then gài,
Ra ngoài nghiêm nghị, trong bày đoan trang.
Dạy về NGÔN:
Đối với khách đồng bàn đồng tuổi,
Nhớ cho hay lời nói giọng cười,
Ngôn từ ngọt dịu thanh tươi,
Tiếng tiêu khải phụng, phục người mới ngoan.
Dạy về HẠNH:
Sửa từ nết ngày thâu tập tánh,
Trăm hạnh hay bởi tránh điều thô,
Xấu xa rách rưới lõa lồ,
Đoan nghiêm tánh đức, cũng cho gái lành.
Bà còn dạy con trai hiếu thảo mẹ cha:
Con khá biết trọng nghì phụ tử,
Hiển tông môn giá quý nơi lòng,
Đừng làm nhục tổ hổ tông,
Lập thân trả hiếu nối dòng truyền hương.
Dạy tôn kính thầy, đền trả công cha ơn thầy so sánh ngang nhau:
Con nhờ Thầy công danh mới toại,
Như nhờ cha mới giỏi hình dung,
Hai ơn ấy gẫm so đồng,
Nghĩa kia như hiếu mặn nồng cả hai.
Dạy trọng tình nghĩa vợ chồng:
Tình phu phụ biết bao nghĩa trọng,
Đạo nhơn luân gầy sống của đời,
Dầu cho non nước đổi dời,
Còn niềm chồng vợ, còn người còn ta.
… Khi sớm tối lạnh nồng có kẻ,
Thân mật con đặng dễ giữ con,
Mẹ lo trong lúc còn non,
Vợ con lo lúc thân mòn gối run.
Trong 400 câu sau bà dạy nữ phái hãy biết lo tu:
Thay đạo phục bước xăng lánh thế,
Mơi thì kinh tối kệ giải lòng,
Từ bi hứng giọt nhành dương,
Lau thanh trái chủ lấp đường nghiệt căn.
Và phải biết tầm đường đạo pháp tu tiến luyện đạo mới mong thoát khổ.
Bế ngũ quan không kiêng tục tánh,
Diệt lục trần xa lánh phàm tâm,
Mệnh Thiên giữ vững tay cầm,
Đoạn phương tự diệt giải phần hữu sinh.
Ngũ khí thanh diệt trừ quả kiếp,
Linh quang đầy đặng tiếp hồng ân,
Xác tại thế đã nên thần,
Ba mươi sáu cõi đặng gần linh thiêng.
Bà hoàn thành công quả khuyến tu khi viết đến những câu kết quyển Nữ trung tùng phận:
Buông ngọn viết vào làn mây trắng,
Hễ có thương nhớ dạng là hơn,
Cảnh thiên gửi tấc hương hồn,
Đề câu tiết nghĩa vĩnh tồn hậu lai.
Đời đời danh chói Cao Đài.
Ngoài nội dung khuyến tu, giúp con người noi theo để tiến hoá tâm linh, thoát luân hồi sanh tử, Nữ trung tùng phận còn nêu cao tinh thần dân tộc:
Bắc Nam hiệp tổ Hùng Vương,
Xúm nhau nâng nổi miếu đường Việt Nam.
Giang san bốn ngàn năm tổ nghiệp,
Văn hoá so cũng kịp tha bang,
…Con phải nhớ da vàng máu đỏ,
Cõi năm châu rỡ rỡ quốc triều,
Con Hồng cháu Lạc bao nhiêu,
Thiếu tài khiếm đức định triều an bang.

Hai năm sau (1935) bà được lịnh Ơn Trên giáng cơ tả kinh ban cho tín đồ Cao Đài tám bài kinh thế đạo để đọc tụng khi tế lễ: 1. Kinh tụng khi vua băng hà; 2. Kinh tụng khi thầy quy vị; 3. Kinh cầu tổ phụ đã quy liễu; 4. Kinh cầu cha mẹ đã quy liễu; 5. Kinh cầu bà con thân bằng cố hữu đã quy liễu; 6. Kinh tụng huynh đệ mãn phần; 7. Kinh tụng khi chồng quy vị; 8. Kinh tụng khi vợ quy vị.
Rất thương thân phận nữ nhi, đêm 19-8 Canh Tý (1960) bà giáng cơ tại Hội thánh Tam Quan dạy bài Tam tùng tứ đức cho nữ phái biết phương tu hành:

Để đức hạnh an lành trọn đủ,
Trước cửa Trời thực thụ lý chân,
Các em nuôi dưỡng tinh thần,
Theo phương tu niệm thoát lần biển mê.

Đặc biệt, nhờ cơ bút Cao Đài, người nay hữu hạnh được biết thêm rằng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ngày xưa chính là Giác Minh Thánh đức trong Tam kỳ Phổ độ.
Trần Thị Tố Nga

Các con tuân lịnh của Thầy ban,
Độ thế qua cơn thế khổ nàn,
Đem tiết xuân gieo cùng khắp chốn,
Để đời tận hưởng thú vinh quang.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây