Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
08/09/2007
Võ Tiến - VietNamNet

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 20/02/2010

Thánh địa Cát Tiên

Nhiều nghi vấn chưa có lời đáp

Hiện vật đầu tiên làm nhiều nhà khoa học phải bổ đi tìm tài liệu nhằm giải mã xuất xứ của nó là chiếc hộp bạc chạm hình sư tử, được tìm thấy trong hố thờ ở gò 6A của di tích. Chiếc hộp hình oval dài, trên mặt chạm gò một con sư tử trong tư thế nằm, xung quanh có hoa văn trang trí với môtíp rất lạ mà các nhà khoa học khẳng định: chưa từng thấy trong bất cứ một di tích khảo cổ nào ở Việt Nam. Đến nay, người trong giới vẫn chỉ phỏng đoán hiện vật xa lạ này có thể đến từ vùng Lưỡng Hà hoặc Trung Á (vùng văn hóa Kushana thuộc Liên Xô cũ).


Ngoài những mảnh vàng dát mỏng cắt hình bông hoa hoặc khắc chữ cổ được tìm thấy nhiều trong quần thể di tích này, các nhà khảo cổ còn gặp những mảnh vàng chạm hình người nhiều đầu nhiều tay và hình người khỉ. Nhận định bước đầu có thể đây là những nhân vật trong sử thi Ramayana của Ấn Độ như khỉ thần Hanuman, vua quỷ Ravana. Một nghi vấn khác liên quan đến Phật giáo: trong một hố thờ chứa đầy tro có tám lá vàng chạm hình voi, rùa xếp ở bốn cạnh và bốn góc cùng một lá vàng chạm hình rắn bảy đầu uốn hình vòng cung. Người ta cho rằng đây có thể là hình tượng rắn bảy đầu bảo vệ di hài Đức Phật. 

Có hàng loạt nghi vấn như thế đặt ra cho các nhà chuyên môn. Bên cạnh đó còn có rất nhiều phát hiện bất ngờ thú vị khác. Kỳ lạ nhất là chiếc áo linga bằng đồng cao 52cm, đường kính 25cm và ba chiếc áo linga bằng đất nung khác lần đầu tiên được tìm thấy trong các di tích thời sơ sử ở nước ta. Những chiếc linga này đều có nắp, bên trong chứa các linga nhỏ hơn bằng vàng, bạc, đồng và sắt. TS. Đào Linh Côn, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học (Viện KHXH vùng Nam bộ) khẳng định với PV VietNamNet: "Đây là những hiện vật giá trị, lần đầu tiên phát hiện ở Cát Tiên và cũng chưa từng thấy ở đâu cả. Theo tôi được biết, ngay cả ở Ấn Độ và vùng Đông Nam Á, cũng chưa có tài liệu nào nhắc đến. Có thể chúng mang yếu tố bản địa".

Mức độ quý hiếm của hiện vật tìm thấy ở Cát Tiên không được đánh giá cao bằng các nền văn hóa Chămpa, Chân Lạp hay Phù Nam, song nó lại có một vài cá thể mang giá trị vượt trội. Đó là tượng Ganesa đầu voi thân người, tượng Uma chiến thắng quỷ trâu. Đặc biệt là linga cao 2,1m, đường kính 80cm, lớn nhất Việt Nam. Một kỷ lục khác thuộc về thánh địa này là máng nước thiêng (somasutra) dài 5,76m, dài nhất trong số máng nước thiêng được biết đến trong các di tích ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Để Cát Tiên vào danh sách di sản văn hóa...

Chúng ta nghiêng mình thán phục trước nhiều công trình kiến trúc của người xưa đã là chuyện bình thường lâu nay, còn chuyện... chê thế hệ trước quả là điều hiếm thấy. Kiến trúc ở Cát Tiên có kết cấu hoành tráng nhưng giản dị, không cầu kỳ phức tạp như kiến trúc Chămpa. Thế nhưng, nhìn chung các kết cấu này chưa được hoàn thiện, không đồng trục, có kiến trúc (2D) trong quần thể phải nối thêm độ dài, độ dày của tường khá mỏng. "Điều này cho thấy kinh nghiệm trong quy hoạch kiến trúc và tạo độ bền cho kết cấu kiến trúc của chủ nhân khu di tích Cát Tiên là còn yếu", TS khảo cổ học Bùi Chí Hoàng cho biết. Ông cũng giải thích rằng chính sự thiếu kinh nghiệm này mà trong cùng một loại vật liệu, các di tích ở Cát Tiên lại lụi tàn nhanh chóng hơn các di tích Chămpa.

Tuy nhiên sự hạn chế trong kỹ thuật xây dựng này lại mang đến cho giới khoa học một thông tin mới: niên đại của Cát Tiên có thể sớm hơn, khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII sau Công nguyên, khác với nhận định lâu nay của nhiều nhà khoa học (thế kỷ VII - IX). Giả thiết này được chứng minh qua các hiện vật gốm như nồi, vò, kendi, vòi kendi - những đồ gốm thuộc giai đoạn Óc Eo sớm, đặc biệt là loại chai gốm cổ cao có nhiều trong các di tích Glimanuk, Plawangan (Indonesia) có niên đại từ những thế kỷ đầu Công nguyên, được tìm thấy ở thánh địa. Các mẫu than lấy từ lòng tháp ở độ sâu gần 3m đưa đi phân tích phóng xạ carbon C14 tại Viện Khảo cổ học Hà Nội và Trung tâm Hạt nhân TP.HCM; kể cả chiếc hộp bạc nói ở trên và một số hiện vật như vòng đồng có núm, cốc chân cao... cũng góp phần khẳng định niên đại này.

Những kết quả nghiên cứu trên đây góp phần vào việc nâng cao tầm vóc của Cát Tiên về mặt giá trị văn hóa và khoa học. Các nhà khoa học cho rằng, nhiều khả năng trong quá khứ, đây hoặc là một tiểu quốc của vương quốc Phù Nam (cương vực trải dài từ đồng bằng Nam bộ đến Phú Khánh cũ, hạ Lào, Campuchia) hoặc là một quốc gia riêng tồn tại song song với Phù Nam, Chân Lạp. Thánh địa này khá sầm uất khi nằm trong mạng lưới của con đường thương mại từ Đông sang Tây (phát triển khá mạnh vào thế kỷ III - IV), nhưng sau đó suy tàn dần khi con đường này dịch chuyển sang vùng biển Malacca từ cuối thế kỷ V. "Tầm vóc và giá trị khoa học của khu di tích Cát Tiên và thời gian đầu tư nghiên cứu nó là chưa tương thích", TS Bùi Chí Hoàng bức xúc.

Chưa cần đến việc Bộ VHTT có kế hoạch đưa vào (năm 2002) danh sách đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa nhân loại, Cát Tiên cũng đã cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Dưới lòng đất thánh địa này vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn. Giới chuyên môn đang đề nghị Nhà nước quy hoạch khoanh vùng toàn bộ khu di tích từ đồi Khỉ đến đồi Kiểm lâm, tiếp sau đó là kế hoạch trùng tu, tôn tạo phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và cả dịch vụ du lịch, để thánh địa này đủ tầm vóc bước vào danh sách di sản văn hóa nhân loại như mong muốn của nhiều người.

TS. Bùi Chí Hoàng, Viện KHXH vùng Nam bộ: Di tích Cát Tiên nằm trong một bồn địa (basin) rộng hàng trăm hecta, trên một chặng có chiều dài khoảng 15km của trung lưu sông Đồng Nai, được bao bọc bởi những dãy núi cuối cùng của Trường Sơn Nam. Núi thấp chạy theo hình cánh cung, dọc theo hai bên bờ sông, bao bọc các bãi bồi ven sông xen kẽ các ngọn núi đất rải rác trên toàn khu vực, tạo cho vùng này một khung cảnh hùng vĩ nhưng lại là một không gian tương đối khép kín so với khung cảnh thiên nhiên toàn vùng Đông Nam bộ. Trên toàn khu vực đều có các kiến trúc cổ hoặc dấu hiệu của các kiến trúc. Chúng tôi coi đây là một không gian kiến trúc mở. Và ở đây, dòng chảy sông Đồng Nai là chiếc cầu nối không gian mở này ra rộng hơn không gian vốn có của nó - không gian của các mối quan hệ văn hóa, trao đổi thương mại với thế giới bên ngoài.

Trong lòng không gian mở này là một không gian khép có diện tích 24ha, có địa thế như một rẻo thung lũng hẹp, được kẹp lại ở hai đầu với hai ngọn núi đất có cao trình 30m và 50m, phần thân thì lượn nhẹ tạo vòng cung bán nguyệt nhô ra giữa sông. Chúng tôi cho rằng đây là một không gian lý tưởng cho một trung tâm chính trị tôn giáo của một cộng đồng dân cư trong một giai đoạn lịch sử nhất định.


.
Võ Tiến - VietNamNet
Thánh địa Cát Tiên / Võ Tiến - VietNamNet

Đạt đạo nhờ tâm chẳng vọng tâm,
Muôn đường ngàn nẻo cũng do tâm.
Hỡi ai giữ được tâm chuyên nhứt,
Sẽ dứt phàm tâm lộ thánh tâm.

Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 13-5 Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây