Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
19/05/2021
Dieu Nhu

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 19/05/2021

Học hiểu Thánh giáo của Đức Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, giáng dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo vào lúc 8.30 đêm Rằm tháng Hai năm Tân Dậu (20.3.1981), nhân Đại Hội Thường Niên Cơ Quan.


 

Học hiểu Thánh giáo của Đức Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, giáng dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo vào lúc 8.30 đêm Rằm tháng Hai năm Tân Dậu (20.3.1981), nhân Đại Hội Thường Niên Cơ Quan.

                                  -------------

Theo Thánh Dụ Quy Điều của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Đức Lý Giáo Tông là vị lãnh đạo tối cao của CQ về mặt vô vi. Ngài vạch ra phương hướng hành đạo, theo dõi, đôn đốc, giúp đỡ CQ về mọi phương diện để CQ đạt được ba mục tiêu, đó là Phổ truyền chánh pháp Đại Đạo, Phổ biến giáo lý chơn tu và Phổ tế quần sinh trên cõi tạm. Cách đây hơn 40 năm, nhân ngày Rằm tháng Hai, Đại Hội Thường Niên Cơ Quan, đánh dấu ngày chấm dứt một năm hành đạo cũ, Đức Lý Giáo Tông đã lai đàn để lời khuyến nhủ chư phận sự CQ trước khi bắt đầu một chặng đường mới. Ngài dạy:

 

  GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ. Bần Đạo chào chư hiền đệ hiền muội.

          (…)

Chư đệ muội an tọa.

 Này chư hiền đệ hiền muội! Thượng Đế Chí Tôn đã ban hồng ân cho chư đệ muội rất hậu, từ sự giác ngộ tầm tu đưa đến chỗ ban trao sứ mạng Thiên ân chấp trì quyền pháp một Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, một hình thức tổ chức hữu hạn trong khuôn khổ, mà sự tác động vô cùng vô tận theo đạo pháp trường lưu tiếp nối tiến hóa.”

Học hiểu:

Đức Lý đã cho mỗi nhân viên CQ có một cơ hội để nhìn lại mình, để thấy được rằng Đức Chí Tôn Thượng Đế đã  ban cho mình hồng ân rất hậu. Hồng ân đó được thể hiện như sau:

·       Sự giác ngộ tầm tu:

          Nhờ nguồn ân điển của Thiêng Liêng không ngừng tuôn chảy thành những dòng Thánh Ngôn, Thánh Giáo, nhờ các lớp học Giáo Lý và Giáo Pháp, nhờ các khóa tu liên tục được mở ra tại CQ, người nhân viên CQ sớm giác ngộ và thấy được giá trị tâm linh siêu việt của mình là Tiên trong tiềm thể, có khả năng thăng tiến vô hạn để quay trở về cõi Thượng Thiên hội nhập cùng Đức Chí Tôn Thượng Đế:

Con là một Thiêng Liêng tại thế,

Cùng với Thầy đồng thể Linh Quang,

Khóa chìa con đã sẵn sàng,

Khi vào cõi tục, khi sang Thiên Đình.[1]

          Ý thức được giá trị thật của mình, người nhân viên CQ xem việc tự tu tự tiến là mục đích chính của cuộc đời mình. Đức tin này được chứng minh cụ thể bằng hiện tượng hầu hết chư tiền bối, tiền nhiệm CQ đều đã được nhận những phẩm vị xứng đáng sau khi trở về phục lịnh Đức Chí Tôn.

·       Được Đức Chí Tôn Thượng Đế chọn lựa để ban trao quyền pháp.

Chính vì sự giác ngộ tầm tu, chính vì ý thức được giá trị tâm linh siêu việt của mình nên mỗi người nhân viên CQ được Đức Chí Tôn Thượng Đế ban trao sứ mạng là một Thiên Ân, chấp trì quyền pháp CQPTGLĐĐ trong ĐĐTKPĐ.

Trước mỗi niên trình mới, mỗi nhân viên CQ đều phải nộp đơn xin tự nguyện hành đạo. Những đơn này được trình lên Ơn Trên giống như đơn xin việc được gởi lên Ban Giám Đốc công ty. Sau đó, Đức Lý Giáo Tông tuyên đọc Thánh Sắc từ Đức Chí Tôn Thượng Đế và Hội Công Đồng Tam Giáo để bổ nhiệm nhân sự từ Ban Thường Vụ cho đến hàng Vụ Trưởng, Vụ Phó. Với những nhân viên từ Trưởng, Phó Ban trở xuống, Vụ Trưởng được ân ban quyền pháp để sắp đặt. Tiếp theo đó là một Lễ Bái Mạng được tổ chức trang trọng tại Chánh điện CQ để tất cả nhân viên CQ, được xem là những người đã thọ Thiên ân, thể hiện sự biết ơn của mình đối với Thiêng Liêng và xác định lại cương vị và trách nhiệm của mình trước Thiêng Liêng.

Được hành đạo lập công dưới sự dẫn dắt và hộ trì của Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng thật là một sự kiện hi hữu và con đường tiến hóa của chúng ta sẽ rút ngắn rất nhiều.  

Chúng ta sẽ không hiểu hết tầm quan trọng của mình với vị thế là một Thiên ân sứ mạng nếu không hiểu hết tầm quan trọng của CQPTGLĐĐ trong ĐĐTKPĐ. Đó là một hình thức tổ chức hữu hạn trong khuôn khổ, mà sự tác động vô cùng vô tận theo đạo pháp trường lưu tiếp nối tiến hóa.

CQPTGLĐĐ là một tổ chức hữu hạn trong khuôn khổ, vì CQ tọa lạc trên một khuôn viên chật hẹp, không đủ bề thế uy nghi để được gọi là một Cơ Quan dưới con mắt đời thường; hữu hạn với con số nhân sự không chuyên nghiệp, chỉ độ trên dưới một trăm người, nhưng thực tế làm việc chỉ khoảng vài ba chục người.

CQPTGLĐĐ có một sự tác động vô cùng vô tận theo đạo pháp trường lưu tiếp nối tiến hóa là như thế nào?

Vũ trụ đang chuyển mình để bước sang đời Thượng Ngươn Thánh Đức. Đó là thời đại của con người Thánh Đức, phát triển đồng bộ về hai mặt tâm đức và trí năng. Những gì không phù hợp với thời đại này sẽ bị đào thải. Tôn giáo Cao Đài ra đời để xây dựng lớp người Thánh Đức cho đời Thánh Đức. Vì cộng nghiệp của chúng sanh, tôn giáo Cao Đài ra mắt nhân sanh không bao lâu đã phải chịu cảnh phân chia chi phái. Mặc dù cuộc đời có nhiều dâu bể đổi thay nhưng đạo pháp vẫn trường lưu, tiếp nối tiến hóa. Do đó, Đức Thượng Đế đã thành lập CQPTGLĐĐ và ban trao một sứ mạng hết sức đặc biệt: Làm điểm quyền pháp, tức động năng để thúc đẩy sự thống nhất tinh thần giữa các chi phái trong tôn giáo Cao Đài và giữa các tôn giáo trong Tam giáo đạo, để tất cả cùng nhau kết thành “Thực thể đạo cứu thế kỳ ba”. Chỉ có “Thực thể đạo cứu thế kỳ ba” này mới có thể cứu độ toàn thể vạn linh sanh chúng trong thời mạt hạ này vì sẽ làm cho Đông thành Xuân, phàm tục thành Tiên Thánh, loạn thành trị, chiến đấu ra an bình, vị kỷ ra đại đồng. Mục đích là như vậy, nhưng phương tiện để đạt đến là chi? Đó là xiển dương Giáo Lý Đại Đạo và trao truyền Đạo Pháp do chính Đấng Thượng Đế phát ban. Đó là một tác động vô cùng vô tận theo đạo pháp trường lưu tiếp nối tiến hóa của CQPTGLĐĐ.

Để thấy được tầm mức lớn lao này của CQ, chúng ta nhớ lại trong một đàn cơ ngày 1/4/Ất Tỵ 1965, chỉ ba tháng sau ngày khai mạc CQ, Đức Mẹ hỏi ĐT Huệ Lương, Tổng Lý Minh Đạo Cơ Quan tại thời điểm đó:

-         Huệ Lương con! Con có hiểu được tầm quan trọng của

CQPTGL đến mức nào chưa?

ĐT Huệ Lương bạch rằng :

- Mắt phàm con thấy việc quá trọng đại nên chưa dám định.

Nghe câu trả lời đó, Đức Mẹ dạy tiếp:

-         Còn quan hệ gấp năm lần con đã nghĩ.

Qua đoạn hội thoại này chúng ta có thể tưởng tượng ra được một tác động vô cùng vô tận theo đạo pháp trường lưu tiếp nối tiến hóa của CQPTGLĐĐ.

Đức Lý Giáo Tông dạy tiếp:

 “ Do đó mà guồng máy phải được ráp bằng tâm, phát thu bằng đạo. Tâm có lý có tình, đạo có tài có đức viên dung sung mãn, thì Cơ Quan mới đủ động năng thúc đẩy cho vạn vật trở về nguồn, phàm tục trở thành Tiên Thánh.”

Học hiểu:

Guồng máy phải được ráp bằng Tâm: Nhân sự tại CQ phải là những người có tâm nguyện hiến dâng sở năng sở hữu cho CQPTGLĐĐ với lời hứa nguyện dâng lên các Đấng, và lời nguyện hứa này được lập lại trong thời cúng giờ Mẹo hàng ngày và trong những lễ quan trọng của CQ:

                     Dù trong mọi cảnh khó khăn,

Nguyện lòng đem hết sở năng thực hành.[2]

Trước đó, người nhân viên CQ được Thầy dặn dò rất kỹ, cho biết trước sự khắc nghiệt trong khi thi hành trách nhiệm, nhưng bù lại Thầy sẽ ban cho một vinh dự vô cùng lớn lao ở ngày chung cuộc:

 

                             Thầy không mượn lâu đài chùa thất,

                             Mượn lòng con chân thật mà thôi,

                             Không chức sắc, không vị ngôi,

                             Mà còn khổ cực, còn hồi gian nan.

                             Trước liệu lượng, sau toan hứa hẹn,

Lãnh lịnh Thầy, đừng thẹn với Thầy,

Thủy triều vận tải Đông Tây,

Danh con được rạng, đạo Thầy hoằng dương.[3]

Tâm có lý có tình: Dụng lý để nhắc nhở nhau: anh trước em sau phải nghiêm túc chấp hành phận sự trong phạm vi quyền pháp; dụng tình để thương yêu nhau, thể hiện qua việc lắng nghe, thấu hiểu, giúp đỡ, thông cảm, bao dung cho nhau mỗi khi có sơ suất, lỗi lầm.

Nếu chỉ có lý mà không có tình thì người chấp trì quyền pháp sẽ lạnh lùng, vô cảm, không gây được sự yêu mến cảm phục nơi người cộng sự nên dần dà họ sẽ tránh xa, không hợp tác. Nếu chỉ có tình mà không có lý thì ban đầu người cộng tác rất đông, nhưng sau đó mạnh ai nấy tự cho phép mình dễ dãi, suồng sã, làm việc theo cảm tính, xem thường kỷ luật, quyền pháp không nghiêm minh, công việc không tiến hành được, mọi người chán nãn buông xuôi, cầu an phế phận. Thấu tình đạt lý là quyết sách nhân sự đem thành công về cho tổ chức CQPTGLĐĐ.

Guồng máy phải được phát thu bằng Đạo: Guồng máy CQPTGLĐĐ được vận hành bằng một thứ nhiên liệu đặc biệt. Đó là Đạo. Đạo là sự vận hành càn khôn vũ trụ một cách âm thầm bởi Đấng Tạo Hóa, theo những quy luật tự nhiên nhằm đem lại sự sống và tiến hóa cho vạn loài. Nói một cách khác, Đạo là sự sống và tiến hóa đã được Thượng Đế ấn ký vào trong vạn loài và đặc biệt nhất là con người. Vì con người là vạn vật tối linh, gồm đủ tam hồn thất phách nên có nhiệm vụ thay mặt Thượng Đế giúp cho vạn loại được sống và tiến hóa trong đức háo sanh của Thượng Đế. Sứ mạng của con người đã vậy, những con người Thiên ân sứ mạng đang hiệp nhau làm thành guồng máy CQ càng phải ý thức cao đạo lý này mới có thể hoàn thành sứ mạng. Đó là ý nghĩa lời dạy của Đức Lý “guồng máy phải được  phát thu bằng Đạo”.

Đạo có tài đức viên dung sung mãn: Dòng nước thanh lương từ suối nguồn đạo lý liên tục dâng trào sẽ thanh tẩy những thường tình trong con người phàm tục, làm phát lộ tâm đạo sáng chói thể hiện qua tài đức toàn vẹn nơi người nhân viên CQ, khả dĩ giúp cho người nhân viên CQ thi hành được sứ mạng gian khó, Cơ Quan nhờ đó mà có đủ động năng thúc đẩy cho vạn vật trở về nguồn, phàm tục trở thành Tiên Thánh.

Đức Lý dạy tiếp:

“ Thế nên, dầu chức vụ cao hay thấp, dầu trách vụ lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ, chư đệ muội cũng phải có một quyết tâm tự nguyện nhận lãnh, sáng suốt, không hời hợt bởi tình cảm hiếu kỳ vui đâu chúc đó. Đã là Thiên ý Thiên cơ, thì chí công vô tư vận hành dưỡng dục. Người được thọ nhận Thiên ân, luôn luôn nhớ đến câu: [Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo dã]”.

Học hiểu

Vì sứ mạng đặc thù của CQ cho nên Đức Lý dạy người nhân viên CQ, dù ở bất cứ chức vụ, trách vụ nào cũng phải có quyết tâm tự nguyện nhận lãnh, sáng suốt, không hời hợt bởi tình cảm hiếu kỳ vui đâu chúc đó.

Quyết tâm tự nguyện nhận lãnh: Điều này thể hiện qua việc đích thân người nhân viên CQ phải điền cho đầy đủ và ký tên vào

 “ Bản tự nguyện hành đạo” trước mỗi niên trình. Sau đó là thực hiện “Nghi lễ bái mạng” trước sự chứng giám của Ơn Trên và của đồng đạo.

Sáng suốt: Muốn có sáng suốt phải hiểu thông Giáo Lý, trước hết là phải thông suốt Mục đích, Tôn chỉ, Lập trường và Sứ mạng của CQPTGLĐĐ, sau đó, việc không thể thiếu được là học và thực hành Đạo Pháp. Chính Đạo Pháp sẽ giúp cho người nhân viên CQ có tuệ giác, có đủ sáng suốt vượt qua những khó khăn, những khảo đảo trong môi trường làm việc tập thể để làm tốt sứ mạng của mình. Có như thế thì sứ mạng chung của CQ mới có thể hoàn thành .

Không hời hợt bởi tình cảm hiếu kỳ vui đâu chúc đó.

Với một sứ mạng vô cùng quan trọng, CQPTGLĐĐ không phù hợp với người nhân viên đến với CQ với cái tâm hời hợt, hiếu kỳ, vui đâu chúc đó. Sẽ là một đắc tội với Thiêng Liêng đối với huynh tỷ đệ muội nào giới thiệu cho những nhân vật như thế vào làm nhân viên CQ. Nên cho họ cơ hội và một quá trình để tìm  hiểu về CQ, về những phẩm chất cần yếu của người nhân viên CQ, kể cả những thử thách phải trải nghiệm trước khi quyết định một cách nghiêm túc, đầy trách nhiệm, để làm một người nhân viên CQ.

Đã là Thiên ý Thiên cơ, thì chí công vô tư vận hành dưỡng dục. Người được thọ nhận Thiên ân, luôn luôn nhớ đến câu: “Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo dã”.

Người nhân viên CQ là người tự nguyện dự phần vào Thiên cơ để biến Thiên ý thành hiện thực. Từ  tư tưởng, lời nói, việc làm phải thể hiện được Thiên ý, phải làm sáng danh chủ thuyết Đạo cứu đời với tinh thần vô ngã, chí công, vô tư, vận hành dưỡng dục quần sanh. Do đó, CQ không có chỗ dung dưỡng cho những tư tưởng vị kỷ, những lời nói tổn đức, những hành động vô đạo. Đức Lý đã cảnh cáo: “ Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo dã.” Có nghĩa là nếu chúng ta mang tội với con người thì có thể thương lượng với nhau bằng cách này hay cách khác để được xí xóa, nhưng nếu đã mang trọng tội với Trời rồi thì không thể nào lập đàn khẩn đảo cầu xin mà xóa hết tội cho được. Bởi vì đã thọ Thiên Ân nhận lãnh sứ mạng trước Đức Chí Tôn Thượng Đế để làm một nhân viên CQ là  được hưởng rất nhiều hồng ân từ Ngài. Đây là điều mà những người bình thường không thể nào có được: Chẳng những được sống an nhiên tự tại giữa cơn khổ nạn của thế gian vì đang trong cơ đại sàng sảy để bước sang đời Thượng Ngươn Thánh Đức, mà con đường tiến hóa của người Thiên ân sứ mạng còn được rút ngắn gấp bội.

Chúng ta đã từng thệ nguyện với Thầy trong Lễ Bái Mạng nhận nhiệm vụ, lời thệ nguyện này được Đức Lê Đại Tiên giáng cơ ban cho nhằm gieo ý thức cho người nhân viên CQ:

            Trước Bửu Điện kiền thiền đảnh lễ,

            Vọng Hoàng Thiên chúa tể vạn linh,

            Háo sanh tạo hóa chi tình,

            Xót thương con trẻ chứng  minh lời nguyền.

(…)

            Con cúi xin phụng thừa Thiên lịnh,

            Dưới chân Thầy phán định phát ban,

            Dù trong mọi cảnh khó khăn,

            Nguyện lòng đem hết sở năng thực hành.

***

            Nguyện đem cả tài danh quyền chức,

            Nguyện xem thường vật chất hồng mao,

            Quyết tâm xây dựng phong trào,

            Hóa hoằng chánh pháp, xóa màu tang thương.

***

            Nguyện chung sức mở đường đại chúng,

            Đem đạo mầu công dụng mọi nơi,

            Cho người thông cảm cùng người,

            Dẹp tan sắc phái phục hồi tình thương.

***

            Nguyện nung nấu can trường thiết thạch,

            Nguyện giữ gìn son sắt thủy chung.

            Hy thân nguyện nước non cùng,

            Mở mang đạo lý vẫy vùng trần la.

            (…)[4]

Đã thề với Thầy như thế, nếu thất thệ thì sẽ ứng vào câu “ Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo giả.” Do đó, chúng ta phải hết sức cẩn thận trước khi phát thệ.

Đức Lý dạy tiếp:

“Dầu đời sống có chịu nhiều oan trái nghiệp duyên tự thuở nào làm khó khăn trở ngại bao vây, thì đối với sự quyết tâm cầu tu chánh pháp, lập đức bồi công, vẫn được khởi phát cái Đạo tự hữu của chính mình mà an bài sống đạo, hành đạo và đắc đạo trong ân sủng Thiêng Liêng.”

Học hiểu

Chúng ta may mắn tiếp cận được Chánh pháp Cao Đài với Pháp môn Tam Công. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Chúng ta phải hạ quyết tâm học đạo, hiểu đạo, hành đạo, lập đức bồi công để tế chúng độ dân thì cái Đạo tự hữu, tức Thượng Đế tính nơi mình sẽ được phát lộ và ngày càng sáng chói. Nơi người Thiên ân sứ mạng, nếu cái Đạo tự hữu bên trong được sáng chói thì sẽ có pháp tướng hiển lộ ra bên ngoài qua nét uy nghi, đức độ đầy sức thuyết phục khiến nhân sanh cảm phục, nói ít mà thiên hạ hiểu nhiều, không la rầy mà ai cũng sợ, chẳng nịnh nọt mà người quyền quý mến yêu, không ban ơn thí vật mà người người như được cậy nhờ nhiều lắm, đông người tựu về để được học, được tu, được góp công vào sự nghiệp chung, cơ đạo nhờ đó càng lúc càng sum xuê phát triển. Đó là chúng ta đã sống đạo, hành đạo và đắc đạo trong ân sủng Thiêng Liêng, mặc cho bao nghiệp lực oan trái từ lịch kiếp bủa vây. Đức Trần Hưng Đạo cho biết Đức Bát Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát khi còn tại thế là một tiêu biểu như vậy.

Đức Lý dạy tiếp:

“ Chư đệ muội có biết không, đời mạt pháp, người sống đạo là sống rất  thung dung, rất căn bản, biết hài hòa cùng nhịp điệu thiên nhiên, biết tùy thời biến hóa trước những sự đổi thay của từng giai đoạn. Ô trược hay thanh cao, loạn hay trị đều là những cuộc thách thức người sống đạo. Tâm đạo có dõng mãnh, tánh đạo có chói ngời mới không bị vọng động đảo điên, để dễ dàng trỗi bước trên đường sứ mạng thiêng liêng.”

Học hiểu

Đức Lý dạy chúng ta cách sống đạo trong thời mạt pháp, thời mà quần âm quyết liệt, tiểu nhân thắng thế, đạo đức suy đồi, để giữ cho tâm đạo luôn dõng mãnh, tánh đạo luôn chói ngời, không bị vọng động đảo điên, mới có thể thực hiện được sứ mạng thiêng liêng. Thay vì sống vội vã gấp gáp, mải mê chạy theo những dục vọng giống như những đợt sóng trào liên tục bủa giăng, hết lượn sóng này đến lượn sóng khác, không bao giờ ngớt, thì chúng ta hãy sống chậm lại, sống thung dung, sống giản dị, lấy đạo lý làm căn bản, hài hòa cùng nhịp điệu thiên nhiên, biết tùy thời biến hóa trước những đổi thay của từng giai đoạn. Đói thì ăn, khát thì uống, mùa hè mặc áo lụa, mùa đông mặc áo len, luôn thuận theo hoàn cảnh mà sống, không chống đối, không cưỡng cầu, luôn giữ tâm thanh tịnh. Đang trong cảnh thanh cao bổng lâm vào chốn ô trược, đang thạnh trị yên bình bổng chốc hóa thành loạn ly, hãy xem đó là những những cơ hội để thách thức tâm đạo của người sống đạo, để xem mình có dễ bị biến tâm, bị chao đảo với nghịch cảnh hay không? Tâm đạo có kiên định với lý tưởng, có dõng mãnh trước những giông bảo cuộc đời thì tánh đạo mới sáng ngời, mới có thể làm tròn sứ mạng thiêng liêng.

Đức Lý dạy tiếp:

 “Hành đạo là một tác năng tự nhiên thiên phú cho con người sanh cõi trần gian để tiến hóa. Sách nói: “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện”. Mỗi động tác thuở ấy đều sống theo lẽ Đạo. Nếu cứ giữ cái gốc lành ấy mà đơm hoa kết quả thì vấn đề con người không có gì phải nhọc tâm bàn đến.

Người hành đạo là người biết giữ lấy gốc. Có xa rời đi chăng nữa cũng biết quay trở về. Muôn sai nghìn khác là cảnh giới bên ngoài hữu hình màu sắc. Nếu con người không chóa mắt, không đeo đuổi chụp bắt thì oan khiên nghiệp chướng làm sao cám dỗ vương vấn buộc ràng được.

 Nhưng đã lỡ rồi, con thuyền đã tách bến khởi nguyên, khách đã ngủ say, mộng ảo chất chồng từ lịch kiếp, khi bừng tỉnh thì thuyền phiêu bạt ở ngàn khơi. Mọi bạo lực hùng hậu của sóng trào biển tục, mọi áp đảo của nắng cháy mưa chan, nỗi ray rứt tâm tư bởi thất tình lục dục đã kết cấu nghiệp lực trái oan, đã làm khách hãi hùng kinh cụ.”

Học hiểu

“Nhơn chi sơ tánh bổn thiện”, có nghĩa là mỗi con người đến thế gian này, ngoài cái xác thân phàm trần do tinh cha huyết mẹ ban cho, còn có cái tánh bổn thiện ẩn tàng bên trong để điều phối mọi tác năng hoạt động của con người, giúp cho con người được sống và tiến hóa. Đó gọi là điểm Đạo tự hữu, vốn thiện lương, thuần hậu, sáng chói, vì từ một thực thể Đạo phân cắt ra, ở Thánh không thêm, ở phàm không bớt, vốn đồng tánh đồng chất với Đức Cha Trời Thượng Đế. Vì sanh ra từ gốc Đạo nên mỗi tác năng hoạt động từ tư tưởng, lời nói, hành động của con người đều là hành đạo, sống đạo vì rập khuôn theo lẽ Đạo. Đó là lẽ tự nhiên. Người xưa còn gìn giữ được lẽ sống Đạo tự nhiên này, nhưng con người ngày nay thì hiếm thấy. Thánh xưa có câu:“Cổ nhân hình tợ thú, tâm hữu tợ thiên kim; kim nhân biểu tợ nhơn, thú tâm nan khả trắc”. Người thời Thượng cổ, vì văn minh vật chất chưa phát triển nên hình dạng quê mùa mộc mạc, không biết trau tria diện mạo bên ngoài, không biết cắt tóc cạo râu, không biết dùng lụa là gấm vóc may thành quần áo đẹp đẻ xinh lịch, không biết dùng má phấn môi son nên hình tướng xấu xí, đôi khi dị hợm; vì chưa phát minh ra lửa nên chưa biết nấu chín thức ăn, chỉ ăn những thứ có sẵn trong tự nhiên; vì chưa biết cất nhà ở nên phải trú ngụ trong những hang động tự nhiên, sống cùng với những con thú lảng vảng chung quanh. Tuy dáng vẻ bên ngoài cũng như cách thức sinh hoạt gần giống loài thú nhưng mọi tác năng hoạt động đều thuận theo lẽ Đạo tự nhiên vì cái tâm bên trong còn giữ được điểm Đạo tự hữu quý giá tợ ngàn vàng. Con người thời nay văn minh tiến bộ, biết chăm chút diện mạo bên ngoài nên hình tướng xinh đẹp, hiện đại, sang trọng; biết chế tạo ra những phương tiện để đời sống vật chất ngày một nâng cao. Nhìn bên ngoài thì ra dáng con người, cách biệt hẳn hoi với loài thú, nhưng tâm địa bên trong đã bị vật dục che lấp, làm mất đi Tánh Đạo, nên hung dữ, ác độc khác chi lòng dạ của con thú, không thể đo lường được.

Thượng Đế cho con người vào trần gian để sống đạo, để hành đạo và tiến hóa với cái Tánh bổn thiện, cái điểm Đạo tự hữu. Nhưng con người ngày nay đã không còn giữ được cái gốc Đạo đó bởi đã bị chóa mắt, bị lôi cuốn, bị trói buộc bởi muôn sai nghìn khác, muôn màu nghìn sắc của những cảnh vật ở trần gian. Như người lữ hành đang miệt mài đi trên quãng đường vô định trước mặt, vô định vì tin rằng cuối đường sẽ còn nhiều điều tốt đẹp và bất ngờ đang chờ đợi, nhưng chưa biết khi nào sẽ đến đó. Bỗng nhiên tiếng chuông chùa từ đâu ngân lên, khách tục giật mình ngẩn ngơ nhìn lại thực tại thì mọi ảo vọng đã biến mất, chỉ còn oan nghiệt ở lại với bao khổ não vây quanh. Đã lỡ rồi, thuyền đã tách xa bến đỗ, phiêu bạt ngàn khơi, sóng trào biển động, nắng cháy mưa chan, tâm tư ray rứt không một phút yên ổn vì luôn tự trách mình rồi trách người. Một cảm giác lo sợ, một nỗi bất an càng lúc càng lớn dần mà không biết trông cậy vào ai để bám víu. Chúng ta đã từng có cảm giác này chưa? Chư Tiền Khai Đại Đạo đã nói hộ chúng ta điều này:

Kìa nhân thế trong vòng nước lữa,

Mảnh thân phàm biết tựa vào đâu,

Tựa đời, đời lắm biển dâu,

Quay về tìm đạo, đạo đâu mà tìm.[5]

Đức Lý đã thông cảm và chỉ cho con người một giải pháp :

“Phải làm sao? Phải tính sao?

Vốn liếng tự hữu hãy còn, dầu ít oi cũng phải đem ra để tự vệ, tìm ngọn hải đăng mà quay về bến khởi.

 Nhận được rồi, chư đệ muội phải có một quyết tâm đừng thối chuyển. Điều kiện phương tiện là kiên nhẫn để ứng phó với mọi hoàn cảnh, vững tâm trì thủ để lèo lái con thuyền trước những lượn sóng tung ào ạt phũ phàng, hy sinh mọi tư hữu chính mình trôi theo dòng nước đục để được nhẹ nhàng tách bến sang sông.”

Học hiểu

Tánh bản thiện hay vốn liếng Đạo tự hữu, mặc dù chúng ta đã phá tán, đã làm hao mòn nhiều, nhưng vẫn còn chút ít. Mặc dù ít oi những vẫn có giá trị. Đạo tự hữu chính là ngọn hải đăng, làm hướng nhắm cho những chiếc thuyền đang trôi dạt trên biển cả mênh mông nhưng không có chiếc la bàn để tìm bờ bến. Đó là phương tiện duy nhất cho người thủy thủ tự vệ trước những hiểm nguy, để quay về bến khởi, dù chỉ là một đốm sáng nhỏ le lói từ xa.

Thấy được ngọn hải đăng rồi, dù chỉ là một đốm sáng nhỏ từ xa, thì hãy có một quyết tâm đừng thối chuyển. Đừng mặc cảm, đừng lo sợ mình không có khả năng vượt qua cơn sóng dữ giữa trùng dương bao la với đốm sáng nhỏ xíu.

Để tránh nguy cơ bị sóng đánh dạt ra xa, mất luôn dấu tích của ngọn hải đăng, chúng ta phải kiên nhẫn để ứng phó với hoàn cảnh, đừng chán nãn bỏ cuộc, hãy vững tâm giữ chặt tay lái để con thuyền không bị nghiêng ngã trước những đợt sóng tung ào ạt phủ phàng, hãy vất hết những tư hữu không cần thiết, trong đó quan trọng nhất là vất bỏ cái bản ngã ích kỷ độc đoán tự tôn, để con thuyền được nhẹ nhàng lướt sóng. Đó là con thuyền Bát Nhã đưa chúng ta từ sông mê sang bờ giác. Sẽ còn gặp nhiều khó khăn thử thách, nhất là khi mà vốn đạo tự hữu của chúng ta hãy còn quá ít oi.

Đức Lý dạy tiếp:

 

“Tâm đức tài lý tình thì ai cũng có, ít nhiều dày mỏng tùy theo căn trí của mỗi người, nếu biết sử dụng thì dở cũng hóa hay, ít oi cũng là hữu dụng. Ngược lại, thông minh mà thiếu đạo thì trở nên ám muội. Tài bộ hơn người mà theo đường vô đạo là mối loạn của xã hội nhơn quần. Công phu công quả công trình của người tu cũng do hành đạo mà có. Sớm đã lãng quên, muộn cần gắn bó, thì đắc đạo là kết quả nên một con người chánh danh chánh vị của một con người.”

Học hiểu

Đức Lý nhắc đến con người thiếu đạo và vô đạo, đó là người ám muội và làm mối loạn cho cộng đồng, mặc dù họ thông minh và tài bộ hơn người, một yếu tố tích cực đáng lý ra sẽ vô cùng có ích cho cộng đồng.

Đạo ở đây là gì? Đây là Đạo làm người. Con người phải tự mình tu dưỡng cho có những tiêu chuẩn Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín gọi là Ngũ Thường. Là những tiêu chuẩn cơ bản để phân biệt giữa con người và con vật.

Mục đích của kiếp người là tiến hóa.Vì con người không thể nào sống và tiến hóa trong một khung cảnh đơn độc mà phải kết hợp thành xã hội, do đó để tham gia vào xã hội, con người phải tự mình tu dưỡng để xử lý tốt mối quan hệ giữa người và người gọi là ngũ luân: Quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu. Nếu cá nhân tu dưỡng tốt thì xã hội sẽ có nhân bản, an lạc và tiến bộ nhờ có Quân minh thần trung, Phụ từ tử hiếu, Phu phụ tương kính, Huynh đệ tương ái, Bằng hữu tương tín.

Điều tối quan trọng là con người phải thấy sự bất toàn của mình nên cần phải có sự giúp đỡ của người khác trong sự sống và tiến hóa của mình. Có thấy được như vậy, chúng ta mới huân tập được đức khiêm tốn và nuôi dưỡng lòng biết ơn hướng về người khác : Dòng tộc huyết thống cho ta hình vóc; cơm cha áo mẹ công Thầy cho ta khôn lớn; non sông đất nước giàu đẹp với bao nhiêu người đã ngã xuống để giữ yên bờ cõi; bao nhiêu người đã đóng góp công sức cho dân tộc nầy tồn tại và phát triển; Thượng Đế đã ban ơn mở cơ tận độ qua tôn giáo Cao Đài, đồng thời ban ơn cho một CQPTGLĐĐ với nguồn giáo lý và đạo pháp để chúng ta có điều kiện tu học, lập công để tiến hóa. Bài Thánh giáo mà chúng ta học tập hôm nay là một điển hình. Đức Lý Giáo Tông từ Thiên Cung giáng điển xuống hồng trần để chỉ dạy. Để lời dạy của Đức Lý được hình hiện phải có một Bộ phận Hiệp Thiên Đài gồm có Pháp Đàn trấn thần để bảo vệ sự tinh nghiêm của đàn tràng, Đồng Tử dùng thần lực để tiếp nhận thượng tầng thiên điển, các Điển Ký ghi lại thành văn bản từ lời xuất khẩu của Đồng Tử, các vị Tứ Bửu Hộ Đàn tịnh tâm hộ điển, ĐD Hiệp Thiên Đài kiểm duyệt, và sau cùng là ĐD Ban Thường Vụ ký lệnh ban hành. Nhờ đó mới có Thánh giáo cho chúng ta tu học hôm nay. Hưởng được ân phước này, chúng ta cũng nên dừng lại một phút để nhớ về những công đức đó.

Người mà không có sự tu dưỡng này thì bản thân sẽ bị ám muội, không biết phân biệt phải trái, rất uổng cho sự tiến hóa của một kiếp làm người; và tệ hại hơn nữa là làm mối loạn cho xã hội nhơn quần vì những hành vi vô đạo của họ như chúng ta thấy nhan nhãn trong xã hội hiện nay, từ trong gia đình ra ngoài xã hội, từ ngoài đời chí đến trong đạo, không đâu mà không có.

Đức Lý dạy tiếp:

“ Nay chư đệ muội được Thiên ân thọ lãnh sứ mạng phổ thông giáo lý Đại Đạo, các chức vụ nhân viên không đòi hỏi quá khả năng sở hữu, mà cần có sự đồng tâm đồng chí, thì đạo sự mới đồng nhất phát huy tiến triển. Tổ chức, kế hoạch, chương trình sẵn có mà thiếu những yếu tố trên thì việc không đi đến đâu, hoài công vô ích.”

Sau khi bàn về con người, nhìn lại CQ, Đức Lý nhận xét, với sự yêu cầu của sứ mạng CQPTGLĐĐ, so với khả năng sở hữu của các chức vụ nhân viên CQ thì không có gì quá sức, điều mà chúng ta thiếu là sự đồng tâm nhất trí, một lòng một dạ từ trên xuống dưới, nhất hô bá ứng, nhất điểu bay vạn điểu tùng. Thay vào đó là hiện tượng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, không ai điều khiển được ai, quyền pháp đang bị đảo lộn, giống như bên trong quả trứng gà đang trong quá trình biến dưỡng để nở thành gà con. Đức Liểu Tâm Chơn Nhơn dạy rằng trong giai đoạn này, bên trong vỏ trứng, lòng đỏ và lòng trắng lộn lạo, không còn có sự phân biệt. Sẽ có hai tình huống xảy ra: một là nếu có được tình Mẹ sưởi hâm ấm áp liên tục, một cách tự nhiên như sự vận hành và dịch chuyển của Đạo thì sẽ có con gà con tượng hình, chờ ngày đủ sức phá tung vỏ cứng để chui ra, hai là quả trứng sẽ tự hư hoại, tự đào thải, nếu thiếu đạo, vô đạo, giống như lời cảnh báo của Đức Lý: Tổ chức, chương trình, kế hoạch sẵn có mà thiếu sự đồng tâm đồng chí thì đạo sự không đồng nhất phát huy tiến triển, việc không đi đến đâu, hoài công vô ích. Điều này đáng cho người Thiên ân sứ mạng phải suy nghĩ.

 Đức Lý dạy tiếp:

“Cổ nhân có nói “Đắc đạo giả đa trợ”. Muốn đắc đạo phải tu chứng hoàn thành trước ngày trở về ngôi xưa vị cũ. Muốn tu chứng phải cần một thời gian thực hiện."

Học hiểu

 

Mạnh Tử - Công Tôn Sửu Hạ có viết:

 

“Vực dân bất dĩ phong cương chi giới, cố quốc bất dĩ sơn khê chi hiểm, uy thiên hạ bất dĩ binh cách chi lợi. Đắc đạo giả đa trợ; thất đạo giả, quả trợ. Quả trợ chi chí, thân thích bạn chi. Đa trợ chi chí, thiên hạ thuận chi. Dĩ thiên hạ chi sở thuận, công thân thích chi sở bạn, cố Quân Tử hữu bất chiến, chiến tất thắng hỹ.”

 

Dịch nghĩa:

 

“Không thể lấy ranh giới biên cương để giữ dân trong bờ cõi, không thể lấy núi non hiểm trở để giữ nước bền chắc, cũng không thể lấy vũ khí sắc bén làm thiên hạ sợ. Sống đúng đạo thì nhiều người hỗ trợ, vô đạo thì ít người hỗ trợ. Ít người hỗ trợ đến đổi thân thích của mình củng lìa bỏ mình. Nhiều người hỗ trợ đến mức thiên hạ đều thuận theo. Lấy chỗ thuận theo của thiên hạ để tấn công chỗ thân thích lìa bỏ, cho nên người Quân Tử không cần đánh, một khi đã đánh thì chắc chắn sẽ thắng [vì được nhiều sự hỗ trợ.] ”

 Ông cha ta ngày xưa cũng theo kế sách này. Sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh bên Tàu, khi chiến thắng, Nguyễn Trải viết bài “ Bình Ngô Đại Cáo” để bày tỏ chính nghĩa của dân tộc cho toàn quân và toàn dân biết, trong đó có đoạn:

 

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”

“Đắc đạo giả đa trợ” có nghĩa là sống phù hợp với chính nghĩa, sống tự nhiên, thuận theo lẽ đạo như trời che đất chỡ, bốn mùa tám tiết vần xoay điều hòa để mưa hòa gió thuận, chúng sanh nhân đó mà hưởng ơn mưa móc, cả thiên hạ đều trông về như muôn sao hướng về chầu sao Bắc Đẩu. Đó là hình ảnh của người đắc đạo được muôn người kính ngưỡng. Người Thiên ân sứ mạng phải như thế mới làm tròn sứ mạng được. Do đó, Đức Lý dạy chúng ta phải tu chứng, mà muốn tu chứng thì phải có thời gian.

Đức Lý dạy tiếp:

“Lão Đệ Huệ Lương hiện đang ở Ngọc Thanh Cung chờ Ngọc Chiếu, vì Lão Đệ tự nguyện hộ trì cộng tác với Cơ Quan qua giai đoạn đầu 20 năm, sau đó mới ngồi trên Thánh vị.……….

 Hỡi các trò Thanh Thiếu Niên! Hỡi các đệ muội hiến dâng tự nguyện! Hãy tùy khả năng mà công quả. Công phu của các đệ muội sẽ được dắt dìu tiến đạo. Hãy cố gắng lập đức bồi công cho vững vàng hơn. Cần nhất mạnh dạn quét sạch những bợn nhơ đã vấy vá vào sự trong lành của các đệ muội. Các đệ muội sẽ được hội ngộ cùng Cao Triều Tiền Bối vào lúc Mạnh Thu. Miễn lễ, an tọa.”

Học hiểu

Thầy Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng lúc nào cũng ưu ái cho hàng ngũ tiếp nối, vì đó là những trọng trách của cơ Đạo trong tương lai.

Ngày 1.4.2012, Đức Đông Phương Lão Tổ đã ban cho thành phần hiến dâng thuộc Tập Đoàn Giáo Sĩ được ba đặc ân: Được thọ pháp, được tiến đạo và không giới hạn tuổi.

Để có một tương lai tốt đẹp, Đức Lý khuyên các em nên mạnh dạn quét sạch những bợn nhơ đã vấy vá vào sự trong lành.

Những bợn nhơ đó là gì? Trong một đàn cơ ngày 31.8.1996, Đức Quảng Đức Chơn Tiên với cương vị Tổng Lý Minh Đạo Vô Vi đã dạy  Quyền Vụ Trưởng Vụ GSTS tại thời điểm đó :

Các trò Giáo sinh, Tu sinh tuổi nhỏ nhưng tài năng trí thức tương đối khá, thế nên hiền muội phải chú ý về tâm, hạnh, đức để các em không trở nên tự mãn, cao ngạo về sau này.”

Ba năm sau, trong một đàn cơ 25.11.1999, Đức Lý Giáo Tông dạy tiếp:

“Vụ GSTS cần phải dạy dỗ các em về Tâm Hạnh hơn nữa”

Qua năm sau, ngày 12.11.2000, Đức Quảng Đức Chơn Tiên nhắc nhở:

“Vụ GSTS, các em có tinh thần hiến dâng rất đáng ngợi khen, nhưng các Giáo sĩ đàn anh chị hãy hướng dẫn cho chúng nó hành động thực tế, đừng chỉ hiến dâng trên giấy trắng mực đen mà không tròn lời nguyện hứa.”

Chính vì các thành phần trẻ, tạm gọi có tài nhưng thiếu tâm hạnh đức nên đưa tới những tư tưởng, lời nói, hành động mà Đức Lý gọi là những bợn nhơ vấy vá vào sự trong lành, và không tròn lời nguyện hứa.

Mặt khác, những bợn nhơ vấy vá này đến từ những đàn anh đàn chị trong CQ, trong TĐGS. Người lớn đã vô tình cho các em nhìn thấy những tấm gương chưa đúng chuẩn mực của người tu, gieo vào tâm hồn trong sáng của các em những hình ảnh khác xa với lý tưởng ban đầu của các em, khác xa với những gì các em học được qua kinh điển, Thánh ngôn, Thánh giáo. Từ đó, sự trong lành của các em đã bị vấy vá bởi bợn nhơ của  nghi ngờ, hoang mang, thất vọng, phản kháng, quay lưng lại với tổ chức, mặc dù lời nguyện hứa ban đầu các em vẫn nhớ. Mới ngày nào hơn ba mươi tu sinh còn rất trẻ, trình độ văn hóa rất tốt, trân trọng hứa nguyện hiến dâng trọn đời cho cơ đạo trước sự chứng kiến của Thiêng Liêng và toàn thể CQ, kể cả phụ mẫu của các em. Mọi người đã rơi những giọt nước mắt vì mừng cho cơ đạo sẽ phát triển vượt bậc nhờ những nhân tố tích cực, nhờ sự quyết tâm hy sinh của đầu xanh tuổi trẻ. Những ngọn lữa nhiệt tình ngày hôm đó nay còn lại bao nhiêu? Các em chỉ nhìn vào thần tượng để bắt chước mà quên mất thần tượng cũng chỉ là con người đang trong quá trình tu dưỡng, cũng còn nhiều lầm lỗi. Càng lý tưởng hóa con người thần tượng của mình, khi thần tượng sụp đổ mình cũng đổ gục theo. Các em bị chao đảo là điều dễ thông cảm. Đức Lý dạy các em phải mạnh tay quét sạch những tâm lý tiêu cực đó để tinh tấn bằng sự nhẫn nhục, bằng sự trì giới. Đó là công trình. Ngoài ra Ngài còn khuyến khích các em tùy khả năng mà công quả để lập công bồi đức và cố gắng công phu để không phụ ơn dìu dắt tiến đạo của Thiêng Liêng. Đó chính là những hành động thực tế để khỏi bị chê trách là chỉ hiến dâng trên giấy trắng mực đen mà quên lời nguyện hứa..

Đức Lý dạy tiếp:

“ Nữ Chung Hòa! Chư hiền muội đã sắp xếp mọi việc an bài, Bần Đạo rất ngợi khen. Trong niên trình mới cần phải thực hành cho đúng nhiệm vụ, hoặc ẩn hoặc hiện, tùy thời tùy lúc để phổ truyền giáo lý Đại Đạo. Điều cần nhất là mỗi hiền muội phải giữ tâm bình thản yên lặng thì việc gì cũng kết quả.”

Học hiểu

Khi tâm bình thản yên lặng như mặt nước hồ thu không tí gợn thì sự minh triết sẽ hiện bày. Muốn được vậy phải giữ gìn nghiêm cẩn giới luật. Giới, định, huệ là quá trình diễn ra trong cuộc sống thường nhựt và liên tục để có được sự minh triết, từ đó làm việc gì cũng có kết quả .

(…)

Đức Lý dạy tiếp:

            “ Này chư hiền đệ hiền muội!

Đã bao năm công trình gắn bó,

Đến bến bờ thấy rõ Tiên bang,

Thong dong tự tại thanh nhàn,

Trải lòng độ chúng thoát nàn khổ tân.

Chư đệ muội Thiên ân hoằng Đạo,

Sống trong đời hoàn hảo cho đời,

Cho ta cho cả mọi người,

Đạo người chứng đắc, Đạo Trời hoằng dương.

Bần Đạo ban ơn lành cho toàn thể chức vụ nhân viên Cơ Quan trong niên trình mới. Ban ơn tất cả chư hiền đệ hiền muội có mặt trong ngày Đại hội. Bần Đạo giã từ, lui điển. Thăng.”

Học hiểu

Vì đây là đàn cơ kiểm điểm quá trình hành đạo của năm đã qua và cũng đề ra phương hướng hành đạo trong năm sắp tới, nên Đức Lý Giáo Tông, cánh chim đầu đàn của CQ, đã dạy đủ ba thành phần: Cơ Quan, Thanh Thiếu Niên và Nữ Chung Hòa. Đây là những cộng sự của Ngài ở trần gian, những bậc thọ Thiên ân để hoằng Đạo, để cùng với Ngài thực hiện sứ mạng chung của CQPTGLĐĐ mà Đức Chí Tôn Thượng Đế đã phó giao cho đoàn người ở hai cõi sắc không.

Mặc dù công việc khó khăn, gian khổ đòi hỏi người nhân viên CQ phải hy sinh tất cả những lợi lộc ở cõi trần gian để chu toàn phận sự của mình, đổi lại tưởng chừng như không có gì cả (Không chức sắc, không vị ngôi/ Mà còn khổ cực, còn hồi gian nan), nhưng chúng ta đang thật sự sống một cuộc đời đáng sống, một cuộc đời hoàn hảo, giúp cho Đại Đạo được hoằng dương, giúp cho nhân sanh được thoát khỏi mê tân, và giúp cho mình được chứng đắc để trở về cựu vị.

 



[1] Đức Chí Tôn, Thiên Lý Đàn, 14.1. Bính Ngọ 1966

[2] Bai cầu nguyện Cơ quan PTGLĐĐ

[3] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, NTTT, 2.2.1965

[4] Đức Lê Đại Tiên, Thiên Lý Đàn, 13.2.Bính Ngọ (04.3.1966)

[5] Chư Tiền Khai Đại Đạo, CQPTGLĐĐ, 14.2.Giáp Dần, 1974

Dieu Nhu

Cảnh khổ mà lòng vẫn phải vui,
Có vui mới thấy đạo say mùi,
Say mùi đạo hãy xa phàm tục,
Cho lặng lòng trần đắc vị ngôi.

Đức Chí Tôn, Thiên Lý Đàn, 30-10 Mậu Thân, 19-12-1968

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây