Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Chánh niệm có thể chuyển hóa tất cả các mối quan hệ cá nhân. Khi né tránh sự đau khổ, ...
-
Thánh giáo có viết: ““Thượng Đế đến khai minh Đại Đạo đã là một hi hữu, mà vấn đề hoát ...
-
THÁNH GIÁO KỶ NIỆM NGÀY KHAI TỊCH ĐẠO Nam Thành Thánh Thất Tý Thời đêm 23 tháng 8 năm Mậu Tuất (1958)
-
Những bậc Vĩ Nhân danh lưu thiên cổ đó toàn là những người có một nội lực vị tha phi ...
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời Rằm tháng 10 Tân Hợi (2-12-71) THI CAO cả thay ! vi diệu thay ...
-
Chúng ta sống trong cõi nhị nguyên đầy khổ đau nhân quả nhưng cùng lúc chúng ta cũng sống trong ...
-
"Tư tưởng đạo gia" là những bài dịch Hán Văn từ những kinh sách của chư đạo gia như Lão ...
-
1. Tầm quan trọng của việc xây dựng thế hệ tiếp nối Sao gọi là thế hệ tiếp ...
-
GS Trần Văn Khê từng ước ..."được có một nơi trưng bày tư liệu hình ảnh, nhạc cụ mà bấy ...
-
Phải chăng toàn cảnh bức tranh tai họa của nhân loại ngày nay vẫn không có lối thoát, như trước ...
-
Thái Cực Đồ Thuyết (Tiếp Theo)
-
Tại Thảo Lư: Thánh Đức Tổ Đình. Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô vi Ngày 15/10 Mậu Tý, ...
Trần Văn Rạng
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 31/01/2011
Tuyên ngôn của Đức Cao Đài
CỦA
ĐỨC CAO ĐÀI
Nhịp Cầu Giáo Lý tiếp nhận "yêu cầu đăng báo" bài "Tuyên ngôn của Đức Cao Đài" của tác giả Trần Văn Rạng. Trong tinh thần mở rộng diễn dàn văn hóa đạo đức và nghiên cứu giáo lý Đại Đạo, Ban Biên Tập NCGL xin giới thiệu bài viết cùng chư đạo hữu, đạo tâm độc giả.
Những quan điểm và những trích dẫn trong bài là ý kiến riêng của các tác giả.
Ban Biên Tập
* * *
Sở dĩ, ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần gọi là Ngày Khai Đạo, vì ngay từ đêm mở Đạo, Đức Cao Đài đã chính thức lần đầu tiên ban cho đôi câu liễn lập giáo:
CAO THƯỢNG CHÍ TÔN ĐẠI ĐẠO HÒA BÌNH DÂN CHỦ MỤC
ĐÀI TIỀN SÙNG BÁI TAM KỲ CỘNG HƯỞNG TỰ DO QUYỀN
Trích trong ĐẠI ĐẠO GIÁO LÝ VÀ TRIẾT LÝ, NXB Tôn Giáo Chính Phủ, Hà Nội.
Chữ “Mục” - “目” nằm trong chữ “Đạo” - “道” tức Đạo quyền (là cách nói kiểu hoán dụ) đương đầu với cường quyền thuộc địa Pháp.
Sự ra đời của Đạo Cao Đài đáp ứng nhu cầu tâm linh của quần chúng Nam Kỳ thời bấy giờ vì ý thức hệ cũ đã mất sinh lực. Việc xây dựng tôn giáo mới (Cao Đài) trên nền tảng truyền thống nước ta và Việt hóa các luồng tư tưởng Đông-Tây là việc làm mới mẻ không tránh khỏi những điều thách đố.
Trong quyển Miền Nam Đầu Thế Kỷ XX Sơn Nam đã viết “Xây dựng một nếp sống tinh thần khá ấm áp, bình đẳng lấy tình yêu huynh đệ làm trọng, sống chết có nhau, giữ trung cang nghĩa khí, khó khăn, hiếu động. Đúng là nếp sống tinh thần kết tinh Đạo Phật, Lão, Khổng”. Đó là tinh thần Đạo Cao Đài hôm nay.
Sơn Nam lại tiếp “Khổng Tử là vị Thánh mà dân gian ít ai biết, nếu biết thì cũng chẳng được trọng vọng cho lắm”.
Còn “Phật giáo ít có điều kiện ăn sâu vào đời sống tinh thần của đại đa số nông dân” (Đinh Văn Hạnh, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa Của Người Việt Ở Nam Bộ, NXB Trẻ năm 1999).
Về Đạo Lão, trong “Tiếp Cận Với Đồng Bằng Sông Cửu Long”, Sơn Nam lại viết “ Trong nhân gian, không nghe ai nói đích danh Đạo Lão. Không có trường phái nào rõ rệt, chỉ gọi nôm na là tu tiên” Nhờ Đạo Cao Đài đã làm sống dậy Tam giáo.
Vì thế, Đức Phạm Hộ Pháp đã viết trong “Rapport adressé par le Sacerdoce Caodaique à M. Le Président de la commission d’enquête dans les territoires d’Outre Mer” (Sài Gòn Tín Đức Thư Xã 1937) như sau “Đa số chán ngán với tôn giáo cổ truyền… Nhiều cuộc chống đối nổ ra giữa Lão giáo, Khổng giáo và giáo sĩ Đạo Thiên Chúa đến lưu huyết … Cần thiết tạo ra một nơi (!) di dưỡng tin thần mới phù hợp với tâm đức của dân Việt”.
Trước đó trong Tờ Khai Tịch Đạo (7-10-1926), tiền bối Lê Văn Trung gởi lên Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol với lời lẽ đầy khí phách.
“Nhân danh đông đảo những người Việt Nam hân hạnh tuyên bố cho ông biết là chúng tôi sẽ truyền bá cho toàn thể nhân loại giáo lý Thiêng Liêng …”
“… Những người ký tên dưới đây yêu cầu ông hãy chính thức chấp nhận tuyên ngôn của chúng tôi.”
Tại sao Đạo Cao Đài lập ra ở Nam Kỳ mà không ở nơi nào khác? Ta trở lại câu liễn Tuyên Ngôn sẽ rõ (dịch ra quốc ngữ):
Nền Đại Đạo của Chí Tôn rất cao thượng đem đến HÒA BÌNH, DÂN CHỦ ĐẠO (Đạo là Thánh Đức)
Đạo Kỳ Ba trước Đức Cao Đài sùng bái sẽ được CỘNG HƯỞNG quyền TỰ DO.
Bốn tiêu chí mà Đức Chí Tôn đưa ra: Hòa Bình, Dân Chủ, Cộng Hưởng, Tự Do rất phù hợp với nhu cầu tâm linh của nhân dân Nam Kỳ lúc bấy giờ, vì họ đang bị áp bức, mất tự do dân chủ.
1. Hòa Bình:
Dân Miền Nam vốn từ Bắc, Trung di cư vào vùng đất mới. Thạch Phương trong “Văn Hóa Dân Gian Người Việt Ở Nam Bộ” đã viết “Dừng chân trên vùng đất mới, cộng đồng lưu dân dần dần vươn tới một tầm nhìn, một cách nghĩ khoáng đạt và năng động hơn. Hiện thực bày ra trước mắt người nông dân rộng mở hơn. Tầm mắt không còn bị lũy tre làng và bờ đê che chắn nữa”. Tấm lòng họ bình thảng hòa hoãn hơn. Cây ngọt trái lành, đồng xanh vườn rộng bao la nên tình cảm an bình nảy nở thương yêu mọi người, không phân biệt Việt, Hoa, Khmer.
Tờ Lục Tỉnh Tân Văn (số 5 trang 3,4) tác giả Tây Hiên Bút danh của Ngài Lê Văn Trung đã viết “phải rõ nghĩa đồng bào và làm sao cho mọi người có ý tưởng như nhau, tin nhau thì việc gì cũng dễ … mọi việc mới chống thành”. Đó là điều kiện để thành lập tôn giáo mới, đa tôn giáo, đa sắc tộc.
2. Dân Chủ:
Nhân dân Miền Nam chân chất càng về phương Nam chừng nào thì tính thuần hậu càng phát triển chừng ấy. Thạch Phương lại viết “Càng đi về phương Nam chất phong kiến nhạt dần, thay vào đó là tinh thần dân chủ, bình đẳng thể hiện ngay trong đời sống cộng đồng thôn xã cũng như trong đời thường của mỗi gia đình”.
Tình nghĩa tương liên gắn bó đó là nguồn gốc sâu xa của tính dân chủ bình đẳng của người Nam Kỳ. Chính người Nam Kỳ đã hòa hợp đồng điệu trong tổ chức Đạo Cao Đài: chỉ có anh lớn - em nhỏ (hiền huynh, hiền đệ), còn áo mão phẩm trật chức sắc là chỉ để chầu lễ Đức Chí Tôn và các Đấng, sau lễ là cuộc sống hòa đồng, bình đẳng trong sinh hoạt xã hội.
3. Cộng hưởng:
Nhà người Miền Nam không có lũy tre che chắn, hay bờ đê làm rào phân cách. Các hiên nhà điều có lu nước mát cho bất cứ ai, có nơi còn đào giếng thí làm của chung.
Trong “Gia Định Thành Thông Chí”, Trịnh Hoài Đức viết về phong tục ở Nam Kỳ “có khách đến nhà đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau đó dâng cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu không kể người thân sơ, quen lạ tông tích ở đâu đều thâu nạp khoản đãi.”
Thế nên Đạo Cao Đài chỉ thành lập vài năm, Thánh thất được xây dựng khắp Nam Kỳ, đó là nhờ sự đóng góp tự nguyện của các đạo hữu và các nhà hảo tâm có thiện cảm với Đạo Cao Đài.
4. Tự Do:
Thích tự do mới tha phương cầu thực, về phương Nam lập nghiệp. “Nơi đất mới (phương Nam) rộng rãi, con người không cần sự bon chen như nơi đất hẹp người đông. Họ sống rộng rãi cởi mở và hào hiệp hơn. Sự gò bó cứng ngắc, hẹp hòi được họ cỡi bỏ, để sáng tạo ra một phong cách sống tự do, phóng khoáng hơn” (Đinh Văn Hạnh, sách đã dẫn). Có lẽ vì thế mà họ dễ dàng chấp nhận Đạo Cao Đài, một tôn giáo mở thờ cả Tam Giáo Ngũ Chi.
Họ bị đàn áp dưới hai tầng áp bức phong kiến và thực dân. Trong khi đó Đức Cao Đài phán “Đạo khai là ách nước hầu mãn”. Đạo đã mở gông xiềng áp bức cho họ, họ được giải thoát, trách làm sao họ không theo Đạo Cao Đài để được cứu rỗi.
Bà Werner trong chuyên khảo “Pleasant politics and religious sectarianism: Peasant and priest in the Cao Dai in Viet Nam” đã viết: “Đạo Cao Đài là phong trào quần chúng rộng lớn xuất hiện đầu tiên ở Nam Kỳ … Vào khoảng năm 1930 có từ năm trăm ngàn đến một triệu nông dân theo Đạo, trong lúc tổng số dân Nam kỳ là từ bốn triệu đến bốn triệu rưỡi” (trang 4-15).
Trong “Histore et philosophie du Caodaisme”, G.Gobron dẫn theo G.Abadie cho rằng vào năm 1932 số tín đồ Cao Đài ở Nam kỳ lên tới hơn một triệu trong lúc số dân Nam kỳ lúc bấy giờ là ba triệu rưỡi.
Tóm lại, bốn tiêu chí mà Đức Chí Tôn ban ra đã hợp hoàn cảnh, đã hợp lòng người, tình lý vẹn vẽ đôi đường. Với chủ trương tín ngưỡng hòa đồng, bao dung, nhân dân Nam kỳ không thấy bất cứ điều gì ngăn trở: hoàn toàn tự do, hoàn toàn dân chủ và cộng hưởng chung thành quả mà Đạo đạt được.
Để vỗ về khoảng trống tâm linh, người dân Nam kỳ đã tìm thấy cái phao cứu nạn ở Đạo Cao Đài: xây dựng cái mới trên nền truyền thống cũ, mới mẻ mà gần gũi, huyền bí mà thân quen, đơn giản ở tín đồ, nhưng ràng buộc ở Giáo Hội để chức sắc đủ tư cách dìu dẫn nhơn sanh trên đường Thánh đức.
Bốn tiêu chí: bình đẳng, dân chủ, tự do và chung hưởng đã gợi mở cho mọi người Nam kỳ hớn hở đến với Đạo Tam Kỳ (tên gọi lúc Đạo mới mở).
Bản Tuyên Ngôn Khai Đạo của Đức Cao Đài đã phản ánh đúng thực trạng đất Nam Kỳ vào thời đầu Khai Đạo (1926-1932) là chỗ dựa tinh thần của toàn Đạo và là cái phao cứu hộ cho người Nam Kỳ lúc bấy giờ.
TVR. ("rang tranvan" <vandang36@gmail.com>)