Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
08/06/2014
Diệu Huyền (CQPTGL)

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 13/07/2014

TÌM HIỂU QUẺ THIÊN PHONG CẤU

THIÊN PHONG CẤU

天 風 姤

I. Tổng quát:

Quẻ Thiên Phong Cấu được tạo bởi hai quẻ đơn:
- Ba vạch trên là quẻ Càn, Càn thượng hay ngoại Càn. Càn tượng Thiên. Thiên là Trời.
- Ba vạch dưới là quẻ Tốn, Tốn hạ hay nội Tốn. Tốn tượng Phong. Phong nghĩa là Gió.
Tên quẻ là Thiên Phong Cấu. Cấu là gặp nhau. Theo tượng quẻ Càn là Trời, Tốn là Gió. Càn trên Tốn dưới, có nghĩa là gió thổi dưới trời, gió thổi muôn phương, không có vật gì là không gặp. Cấu là một hào âm xuất hiện, một hào âm mới sinh dưới năm hào dương, bắt đầu cho chu kỳ âm trưởng dương tiêu.

II. Soán truyện:
Soán viết: Cấu ngộ dã. Nhu ngộ cương dã. Vật dụng thú nữ, bất khả dự trường dã. Thiên địa tương ngộ, phẩm vật hàm chương. Cương ngộ trung chính, thiên hạ đại hành dã. Cấu chi thì nghĩa đại hỷ tai.
Cấu là gặp gỡ, quẻ Cấu biểu hiện sự gặp gỡ giữa hai thể nhu và cương. Một hào âm mới sinh thì gặp ngay năm hào dương (Cấu ngộ dã, nhu ngộ cương dã).
Một âm khí đang lên và sẽ lớn mạnh dần. Hào âm này ở vị trí sơ, thể nhu vị cương là hạng người bất chính, không nên kết thân và tính chuyện lâu dài được, nên Soán từ đã nói “Cấu, nữ tráng, vật dụng thú nữ”.
Trong tiểu vũ trụ của mỗi con người, từ trên xuống: nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý, hào âm này ở vị trí ý, hào âm này chính là ý dục. Kinh Tam Thừa Chơn Giáo gọi ý dục là một con thiên lý mã mạnh mẽ có thể càn quét hết mọi thứ khắp Đông, Tây, Nam, Bắc nếu không được kềm cương:

“Ý dục ấy gọi thiên lý mã,
Chủ buông cương phóng thả dặm ngàn;
Đông, Tây, Nam, Bắc dọc ngang,
Trăm đường nghìn nẻo băng sang một giờ.”
Đức Trần Hưng Đạo đã cảnh báo cái mầm nguy hiểm của hào âm này như sau:
“Cấu là một âm động, tà niệm dấy lên, quần ma tụ tập, nên gọi “lý sương kiên băng chí”. Niệm bất chánh là hạt giống sanh tử cấy thân tội lỗi, rễ càng sâu thì luân hồi trả quả, vòng quanh trong sáu nẻo, nên niệm đầu quan hệ phải có Tâm Bát Nhã quán chiếu vẹt mới sạch vô minh. Bằng cứ vun đắp cho hột giống ấy càng mạnh càng to thì khác chi sương ỷ ỷ sẽ thành băng đóng giá, khó lòng trừ khử”.
Nếu không kềm chế được hào âm này, thì nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân đều bị ý lôi kéo mà phát sinh nhãn dục, nhĩ dục, tỉ dục, thiệt dục, thân dục. Khi đó, mắt sẽ thích nhìn điều không chánh, tai sẽ thích nghe lời ngon ngọt xu nịnh, mũi sẽ thích ngửi mùi thơm, miệng sẽ thích nếm món ngon vật lạ, thân sẽ ham hưởng thụ mọi thứ trên đời. Kinh Tam Thừa Chơn Giáo dạy:

“Trường lục dục, ý đầu thống lãnh,
Chuyển vận hành đặc tánh ngũ ma;
Đổ xiêu tất cả báu nhà,
Thân, tai, mắt, mũi hoá ra bịnh tình.”
Theo lời dạy trên, nếu ý không được kềm chế, thì ý dục sẽ trở thành kẻ thống lãnh trong thân con người, làm cho thân, tai, mắt, mũi, miệng bị “bịnh” (bịnh ở đây là tâm bịnh, là ham muốn đủ điều) và biến thành “ngũ ma”.
Muốn chế ngự tà ý và ý dục, bản thân cần phải chuyên cần tu luyện, ngăn ngừa dục vọng thì Thiên Tâm mới ngự trị trong thân, và cả thân, tai, mắt, mũi, miệng đều trở nên yên tịnh. Vì vậy, Ơn Trên đã dạy: “Tâm có định rồi thân mới an”.
Sau khi dạy phải đề phòng ảnh hưởng của hào Sơ Lục, trong Soán truyện, Đức Khổng Tử đã bàn rộng về nội dung tích cực của quẻ Cấu. Nội dung này có liên quan đến ảnh hưởng tốt đẹp của sự giao hòa giữa hai khí âm và dương.
Khí dương thuộc Trời, khí âm thuộc Đất. Trời Đất có gặp nhau, có cộng tác, thì vạn vật nhờ đó mà sinh trưởng, muôn loài nhờ đó mà phát triển, nâng đỡ, hanh thông (Thiên địa tương ngộ, phẩm vật hàm chương).
Áp dụng vào nhân sự, sự gặp gỡ giữa người đức độ gặp người anh tài như Nghiêu gặp Thuấn, Lưu Bị gặp Khổng Minh, đã làm cho thiên hạ trở nên thịnh đạt. Trong cửa Đạo, các bậc thiên ân hướng đạo có gặp gỡ tín đồ để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của tín đồ để đỡ nâng và giáo hóa thì Đạo mới phát triển.
Còn trong bản thân của mỗi tín đồ, hay trong tập thể của mỗi tổ chức phải có sự gặp gỡ giữa tâm đức với trí năng. Không thể chỉ tu dưỡng tâm đức mà bỏ qua trí năng, hay chỉ chú trọng đến phần trí năng mà xem nhẹ phần tâm đức. Đức Giáo Tông dạy:
“Tài với đức đổi trao phụng sự,
Tâm với tài bậc thứ không hai;
Có tâm mà lại có tài,
Đức tâm tài đủ Đạo Thầy hoằng dương.”
Người có tâm đức phải hợp tác với người có trí năng đó là chữ đổi trao (gặp gỡ nhau) trong lời dạy này.
Lời Soán truyện đã ca ngợi mặt tích cực, ý nghĩa của quẻ Cấu thật lớn lao. Thiên địa tương ngộ, đó là sự gặp gỡ giao hòa của âm dương, đây chính là dạy con người phải biết giao kết với Trời Đất, luyện đạo giữa tâm thanh tịnh.
Sắp bước vào khóa tu Hạ chí, Đức Đông Phương Lão Tổ đã nhắc nhở chư tịnh viên như sau: “Chư hiền phải giữ tâm thanh tịnh thì Trời Đất mới qui về. Trời Đất qui về thì chư tà bất cảm phạm. Chư tà bất cảm phạm thì lý do chướng ngại đăng sơn của người hành giả tất không có. Chỗ diệu dụng của khóa tu Hạ chí này, kết quả cũng do đó.”
III. Đại tượng truyện:
Tượng viết: Thiên hạ hữu phong. Cấu. Hậu dĩ thi mạng cáo tứ phương. (Dưới trời có gió, là quẻ Cấu. Đấng quân vương noi theo đó để ban truyền lệnh dạy khắp bốn phương).
Lời tượng rằng: Dưới trời có gió. Gió thổi khắp nơi, gió thổi muôn phương. Gió đi tới đâu cũng đều đụng chạm mọi vật, không vật nào mà chẳng thấm nhập. Trời cao xa không dễ gì gặp vạn vật, nên lấy gió để kích động gặp gỡ muôn vật. Thế là tự nhiên mà gặp. Đấng quân vương là bậc thiên tử lấy mệnh lệnh để giáo hóa vạn dân, thế là không gặp mà cũng gặp gỡ.
Gió là hiệu lệnh của Trời. Mệnh là hiệu lệnh của Quân vương. Trời đất và muôn vật cũng giống như quân vương và thần dân đều phải thông qua hiệu lệnh mà có sự gặp gỡ thông cảm.
Gió là hiệu lệnh của Trời. Trời mở Đạo để cứu khổ vạn linh sanh chúng.
“Hảo Nam Bang! Hảo Nam Bang!
Tiểu quốc tảo khai hội Niết Bàn;
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.”

Trời đã ban trao sứ mạng cho những hàng nguyên căn thay Trời giáo hóa chúng sanh, cụ thể bằng Thánh ngôn, Thánh giáo, dạy con người biết sống yêu thương hòa thuận. Ý thức được vai trò nhiệm vụ của người thiên ân hướng đạo, càng phải ra sức tu học, thực hành sứ mạng vi nhân, tự độ độ tha, đem đạo vào đời, giáo dân vi thiện, thực hành mệnh Trời, phổ độ chúng sinh. Như lời Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
“Thời Hạ ngươn mạt kiếp, mỗi thiên ân đều có sứ mạng tận độ quần sanh. Tuy việc nhỏ không sánh được với người xưa đã bỏ ngai vàng, lìa cung ngọc. Nhưng đó cũng là công đức ích lợi cho tha nhân. Lúc no bụng nhớ kẻ đói xung quanh mình. Khi lành lặn ấm áp nên nhìn người đói rách lang thang, chia cơm xẻ áo, không tích trữ. Đó là Hạnh Bồ Tát tại thế.”

IV. Kết luận
Qua việc tìm hiểu quẻ Thiên Phong Cấu, chúng ta có thể rút ra được ba điều quan trọng:
1. Sự gặp gỡ giao hòa giữa hai khí âm và dương giúp cho vạn vật hanh thông.
2. Trong cộng đồng đạo hữu phải có sự gặp gỡ trên dưới để cảm thông, thấu hiểu, động viên và giúp đỡ nhau cùng tu cùng tiến.
3. Ngoài ra, trong việc tu thân, chúng ta luôn phải thận trọng phòng ngừa tà ý, vọng tâm trong bản thân mình đừng cho:
“Sáu căn duyên với cảnh ngoài,
Tình nương theo ý, phiêu nhai đất người.”




Diệu Huyền (CQPTGL)
TÌM HIỂU QUẺ THIÊN PHONG CẤU / Diệu Huyền (CQPTGL)

Thập tam ma khuyên đừng lấp lửng,
Gươm huệ cầm cho vững diệt trừ,
Tịnh lòng hầu thấy chơn như,
Thoát trần sẵn có thuyền từ rước đưa.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây