Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Đôi khi tôi tự hỏi: điều gì đã làm nên sự sống của tôi? Có phải do công cha nghĩa mẹ ...
-
. .Trong thế tam tài, Trời mà được Một thì đàng đạo yên ổn trong lành, soi sáng nuôi dưỡng ...
-
"Thầy là bực hoàn toàn vĩnh viễn, trường cửu trong cõi Hư Vô tuyệt đối. Nay vì lòng bác ái ...
-
"Mổi kẽ phàm dưới thế nầy đều có hai xác-thân. Một phàm gọi là corporel. Còn một thiêng-liêng gọi là ...
-
Mùa Trung Nguơn tháng 7 năm Quý Tỵ 1953, tại Thánh tịnh Tam Thanh – Cao Minh Quang ở Long ...
-
Bài nói chuyện của ĐH Phạm Văn Liêm ( Phó Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế HT. Truyền Giáo Cao ...
-
Nói tóm lại trong buổi Long Hoa khai diễn trong những ngày cùng cuối của đời hiện tại là buổi ...
-
Một số người cho rằng nguồn gốc của các dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ Trung Hoa, hoặc Tây ...
-
Trướt hết, cần tìm hiểu hai chữ "đồng hành". Theo nghĩa hẹp, đồng hành là "cùng đi", nhưng cùng đi trong ...
-
Tóm tắt:Đạo Cao Đài là tôn giáo nội sinh ra đời tại vùng đất Nam Bộ vào năm 1926 với ...
-
CÁC VĂN KIỆN “LUẬT ĐẠO”căn bản áp dụng cho Cơ Quan khi thành lập CQ: ...
-
ĐỨC DA TÔ GIÁO CHỦ BÀI HỌC LỚN CỦA MUÔN ĐỜI KIM DUNG Mùa Giáng Sinh lại đến, cả hành tinh này đang ...
Huệ Ý
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 01/12/2010
ĐÔI ĐIỀU TÂM ĐẮC KHI HỌC LỜI ĐỨC KHỔNG THÁNH VÀ TIÊN NHO
LỜI ĐỨC KHỔNG THÁNH VÀ CÁC ĐẤNG TIÊN NHO DẠY
Bài nói chuyện tại Hội trường Thuyết minh giáo lý Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ngày 01-9 canh Dần (08-10-2010)
DẪN NHẬP
Cuộc đời và sự nghiệp của Đức Khổng Tử rất đa dạng, phong phú về nhiều mặt. Ngài đã gặp bao nhiêu vương, công, hầu, khanh, tướng, hiền giả triết nhân. Riêng cuộc hội ngộ bất ngờ giữa Ngài và thần đồng Hạng Thác là một sự kiện nhiều ý nghĩa. Chuyện xảy ra như sau:
Đức Khổng Tử cùng một số học trò, trên đường qua nước Tần, gặp một số thiếu nhi chơi đùa giữa đường. Ngài ngồi trên xe nhìn đám trẻ, thấy một cậu bé cặm cụi lấy cát đắp một cái thành nhỏ mà không đùa giỡn. Ngài hỏi cậu bé:
- Này cậu bé, cớ sao cậu không chơi đùa cùng với mấy đứa trẻ kia?
Cậu bé đáp:
- Đùa giỡn thì vô ích, vì có thể bị rách áo quần, nhọc công mẹ vá, lại buồn lòng cha, nên tôi không giỡn.
Nói xong, cậu tiếp tục lo đắp thành. Đức Khổng Tử lại hỏi:
- Cậu không tránh cho xe của tôi đi sao?
Cậu bé thản nhiên đáp:
- Từ xưa đến giờ, xe phải tránh thành, chứ có bao giờ thành phải tránh xe đâu!
Đức Khổng Tử nghe cậu bé trả lời một câu bất ngờ, liền xuống xe lại gần hỏi nhiều điều, được cậu trả lời thông suốt, sau đó cậu hỏi lại Đức Khổng Tử mấy câu mà Ngài bối rối.
- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?
- Thưa phu tử, cháu 6 tuổi
Khổng Tử liền nói:
- Cháu mới 6 tuổi mà sao đã hiểu biết sớm thế?
- Thưa Phu Tử, cháu nghe nói con cá nở ra 3 ngày đã bơi tung tăng từ hồ nọ đến hồ kia. Con thỏ 6 ngày đã chạy khắp đồng cỏ. Cháu sinh ra 6 năm thì mới được thế.
Lần này thì Đức Khổng Tử thật sự ngạc nhiên:
- Này cháu! Ta xem cháu cũng khá lanh lợi đấy. Nay ta hỏi nhé: Trên núi nào không có đá? Trong thứ nước nào không có cá? Có loại cửa nào không có cổng? Loại xe nào không có bánh? Trâu nào không sinh con, ngựa nào không đẻ? Con dao nào không có cán? Thứ lửa nào mà không khói? Chàng trai nào mà không có vợ? Cô gái nào mà không có chồng? Thứ chi không có trống không có mái? Ngày nào thì ngắn, ngày nào thì dài? Loại cây gì không có cành? Thành nào không có quan viên? Con người nào không có tên riêng?
Hạng Thác nghĩ một thoáng rồi đáp:
- Trên núi đất thì không có đá. Trong nước giếng thì không có cá. Loại cửa không có cánh thì không có cổng. Kiệu dùng người khiêng thì không có bánh. Trâu đất không sinh con, ngựa gỗ không đẻ. Dao cùn không có cán. Lửa đom đóm không có khói. Thần tiên không có vợ. Tiên nữ không có chồng. Chim mái cô đơn không có trống, chim đực cô đơn không có mái. Ngày mùa đông ngắn, ngày mùa hạ dài. Cây chết không có cành. Thành bỏ không có quan viên. Trẻ em mới sinh không có tên riêng . Khi đi học mới có tự – tên chữ.
Lúc này Hạng Thác liền hỏi:
- Vừa rồi Phu Tử hỏi cháu nhiều, đến lượt cháu hỏi Phu Tử: Tại sao mà con ngỗng con vịt lại nổi bồng bềnh trên mặt nước được ạ? Chim Hồng Hạc sao lại kêu to thế. Cây tùng cây bách xanh cả mùa hè lại cả mùa đông là vì sao?
Khổng Tử đáp:
- Con ngỗng con vịt có thể nổi bồng bềnh trên mặt nước là nhờ 2 bàn chân vuông là phương tiện. Chim Hồng hạc kêu to là vì cổ chúng dài, tùng bách xanh tươi 4 mùa là vì thân chúng đặc rắn.
-Thưa không. Con rùa nổi trên mặt nước đâu có phải nhờ đôi bàn chân vuông làm bàn đạp. Con ễnh ương kêu to mà cổ nó có dài đâu. Cây trúc 4 mùa cũng xanh mà ruột chúng rỗng đấy thôi
Chú bé lại nói:
- Thưa Phu Tử cho phép cháu hỏi thêm. Tại sao mặt trời buổi sáng lại to mà buổi trưa lại nhỏ?
- Là bởi mặt trời buổi sáng gần hơn!
- Thế tại sao buổi sáng trời lại mát, buổi trưa mặt trời xa hơn mà lại nóng như thế?
Khổng Tử đang ngập ngừng thì Hạng Thác hỏi tiếp:
- Cháu không làm sao hiểu buổi sáng mặt trời mọc ở phương Đông, buổi chiều lặn ở phương Tây, rồi sáng hôm sau lại mọc ở phương Đông (mà không từ phương Tây mọc lại) và sao người ta lại đặt tên 1 trái núi là Bất Chu (không tròn).Trên trời có bao nhiêu ngôi sao?
Khổng Tử thở dài trách:
- Mình đang ở dưới đất mà lại hỏi chuyện trên trời!
- Vậy thưa ngài dưới đất có mấy cái nhà?
- Cháu còn ít tuổi mà lại thích hỏi những chuyện xa xôi viển vông ở tận nơi đâu. Chuyện trước mắt thì không hỏi.
Hạng Thác cười:
- Thưa Phu Tử, vâng, cháu xin hỏi chuyện ngay trước mắt đây thôi. Lông mày của Phu Tử có bao nhiêu sợi ạ?
Đức Khổng Tử quay sang nói với môn đệ: “Thật hậu sanh khả úy!”
Giai thoại này được Đức Chí Tôn giảng lại trong bài “Luyện kỷ tu thân” trong Đại Thừa Chơn Giáo:
“Các con nên hiểu rằng: lúc Đức Khổng Tử dạy về Nhơn Đạo thời chưa thông Thiên Đạo, còn dùng tửu nhục.
Đến khi ngộ Đạo cùng Hạng Thác, người trì trai thủ giới, nên mới có câu:
Thiên sanh Khổng Tử chơn kỳ trí,
Tánh mạng công phu thỉ bất minh,
Vãng trần lộ ngộ Hạng Thác vi sư,
Lão tắc đồ ty thiểu vi tôn.
Cùng câu "Trai minh thạnh phục, yếu dục dưỡng tinh".
Sau ngươi Châu Tử chẳng thông thời vụ, học Trung Dung chưa rồi mà luận đến Thiên Đạo lại chê Lão Tử, Khổng Tử rằng luận thuyết "hư vô tịch diệt" là dị đoan. Có phải là ếch nằm đáy giếng xem trời nhỏ chăng?”
Đại Thừa Chơn Giáo (tr.214) giải rõ thêm:
“Người mới tu đạo hạnh phải giữ cho hoàn toàn, trước nhân đạo cho xong, rồi sau bèn học đến Thiên đạo là tầm cơ Siêu thoát ra khỏi thế giái vật chất mà đến cõi thế giới tinh thần.
Bực Đại Thừa dạy về vô hình, nên cần tu tánh luyện mạng muôn việc có như không có. Xưa kia Khổng Thánh cũng đã rõ thông chí lý về Đại Thừa trong lúc Hạng Thác truyền trao, nên sau mới thành đến bực "Đại thành chí thánh". Nhưng phần nhiều truyền dạy cho đời là chỉ về đường nhơn đạo, cứ lo rộng mở cho con người biết luân thường đạo lý.
Còn về tâm pháp thì dạy cho có một phần rất ít trong đệ tử thôi. Cho nên đời sau tưởng lầm rằng Khổng Thánh không hề tu luyện đến Thiên Đạo, chớ kỳ trung sao sao cũng phải rõ thông cơ Tạo Hóa, hòa hiệp máy âm dương mà luyện thành kim đơn thì mới thành Đạo đặng. Vậy Đại Thừa tức là "Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện".
Cách đây ba ngày, vào 27-8 Canh Dần (04-10-2010) toàn Đạo thiết lễ Vía Đức Văn Tuyên Thánh Vương, nhân dịp này đạo đệ xin học lại lời dạy của Đức Khổng Thánh và các Đấng Tiên Nho. Trước sự bao la của rừng Nho, biển Thánh nên đạo đệ xin trình bày đôi điều tâm đắc vậy.
1. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ĐỨC KHỔNG THÁNH.
Đức Khổng Tử sanh ngày Canh Tý tháng 11 (tháng Tý) năm 21 đời vua Linh Vương Nhà Chu năm Canh Tuất (năm 551 trước tây lịch), tại huyện Khúc Phụ, Làng Xương Bình, nước Lỗ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông. Cha đặt tên Khổng Khâu, tên chữ là Trọng Ni.
Cha là Ông Thúc Lương Hột. Mẹ là bà Nhan thị Trưng Tại.
- Năm ba tuổi đã thích cúng tế.
- Thành nhân làm Uy lại coi việc tính toán đo lường.
- Kế làm Tư chức lại coi việc chăn nuôi trồng tỉa.
- Năm 34 tuổi diện kiến với Đức Lão Tử. Sau đó đi chu du liệt quốc.
- Năm 56 tuổi về nước Lỗ giữ chức Trung Đô Tể (giữ quốc thành của nước Lỗ), kế làm quan Tư Không rồi Đại Tư Khấu kiêm Tướng quan (Tể tướng). Ngài thi hành pháp công chém đại phu Thiếu Chính Mão.
- Khi hội với nước Tề ở Giáp Cốc, tài ngoại giao của Ngài buộc Tề phải trả các đất đã chiếm của nước Lỗ. Tài cao đức trọng thì bị nhiều dèm pha, Ngài phải từ chức ra đi.
Từ năm 68 tuổi, Ngài chuyên vào công tác văn hóa để lại sự nghiệp cho muôn đời là san định Kinh: Thi, Thư, Lễ; tự viết kinh Xuân Thu và viết Thập Dực cho Kinh Dịch.
2. ĐẠO NGHIỆP
Sự nghiệp của Ngài là đạo đức dạy về Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, nhưng học trò và người đời sau phần lớn chỉ học Nhơn Đạo và Thần Đạo còn Thánh đạo thì chỉ một số ít học trò theo được mà thôi. Cụ thể là Ngài Nhan Hồi, người mà Đức Khổng Tử chọn là Trưởng Tràng để kế nghiệp lại sống như một đạo sĩ.
Một kiếp con người ngắn tợ gang,
Phù dung sớm nở lại chiều tàn,
Công danh phú quý dường mây nổi,
Vinh nhục tồn vong thể bọt tan.
Thẻ ngọc đai vàng thêm mệt trí,
Túi cơm bầu nước khỏe thanh nhàn,
Vui mùi đạo lý ham tu học,
Hạnh đức trau tria được vẹn toàn.
2.1. PHẦN TRỊ THẾ:
Đức Khổng Tử chủ trương “chính danh về mặt Nhân đạo và tôn Chu về mặt chính trị Thần đạo.”
Con Người đối với Ngài không phải là một sinh vật hai tay, hai chân về mặt sinh học, nhưng mang giá trị đạo đức khi làm tròn danh phận của mình. Câu mà chúng ta thường đọc là “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” (vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con.)
Ngài Mạnh Tử triển khai thuyết chính danh này rõ ràng. Khi có một người hỏi “Ngài dạy tam cang: quân thần cang đứng đầu mà sao có kẻ giết vua Trụ?”. Ngài đáp lại liền: “Ta chưa từng nghe ai giết vua, chỉ là kết liễu cuộc đời một ác nhân tên Trụ mà thôi, kẻ đã nhẫn tâm mổ bụng phụ nữ xem thai bào, ném người vào ao rắn.”
Chính vì thế Đức Khổng Tử than “vi nhân nan, vi nhân nan!” (làm người khó, làm người khó). Bên Tây phương có một hiền giả đồng quan điểm này, giữa trưa đốt đuốc vào chợ, quần chúng ngạc nhiên hỏi “đi đâu?”. Ông đáp: “Đi tìm không ra một con người”.
Muốn làm đạo thì phải học, Đức Khổng Tử kể lại kinh nghiệm đời Ngài và giúp cho đời sau noi theo:
“Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học. Tam thập nhi lập. Tứ thập nhi bất hoặc. Ngũ thập tri thiên mệnh. Lục thập nhi nhĩ thuận. Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ”.
A. CÔNG THỨC = ĐỨC CÔNG BÌNH
Đức Khổng Thánh dạy “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (việc gì mình không muốn thì đừng cho người khác.) Đức Ki-Tô dạy cũng đồng một ý: “Việc gì mình muốn người khác làm cho mình thì hãy làm cho người khác.”
B. LẬP CHÍ:
Lập chí là sự định hướng tư tưởng, lời nói, hành động và mục đích cao thượng và kiên trì thực hành. Thời của Đức Khổng Tử đi học là để học đạo lý, hành đạo là ứng dụng đạo vào gia đình, quốc gia, xã hội. Về sau đi học chỉ để tìm công danh phú quý, mất ý nghĩa cao đẹp ban đầu.
Đức Khổng Tử dạy:
“Người tu trong Đại Đạo phải có một đại chí, phải có một lòng đại độ bao dung thì mới thành công đắc quả trên đường Đạo.
Ví người tu học đã bước lên nấc thang tiến hóa có thể đi đến tột bực gọi là "siêu nhân loại", thì người có chí ấy đâu phải thấp hèn nhỏ nhen, phải có một tấm lòng quảng đại mới dám hy sinh cả thân tâm, gia đình, sự nghiệp vật chất dưới thế trần này để tu tạo sự nghiệp tinh thần thiêng liêng nơi thượng giới, để ảnh hưởng trường tồn bất diệt, chớ những điều danh lợi dưới thế trần này đều mộng ảo như phù vân, như sương đeo ngọn cỏ. Vì có câu: "phú quý như môn tiền tuyết, ân tình như thảo thượng sương", chỉ có đạo đức là lẽ thật mà thôi.
Bởi vậy, từ cổ chí kim, biết bao những bực hiền triết, thánh nhân, kẻ thì ẩn sĩ nơi lâm sơn cùng cốc, còn người thì vui thú nơi chốn điền viên, lấy trời đất làm nhà, lấy non sông làm thê tử, lấy nhân loại làm sự nghiệp, vui thú cờ Tiên rượu Thánh, tâm hồn bao la man mác trên cõi hư không, coi quả địa cầu này còn chật hẹp.
Người có đại chí như thế mới đạt thành sở nguyện trên đường đạo đức.”
C. HỌC, TẬP:
Đức Khổng Tử dạy: “Học nhi thời tập chi, bất duyệt diệc hồ” (Học rồi thực hành, đó không phải là một việc vui thích sao?).
Ngài dạy phương pháp học tích cực động não chứ không tiêu cực ngồi nghe thụ động “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi.” (Học mà không suy nghĩ thì mờ ám, suy nghĩ mà không chịu học thì nghi ngờ mà không yên”.
Học rồi phải đem ra thi hành giúp mình, giúp đời. Đức Khổng Tử dạy “Học mà không hành là bệnh”.
D. SO SÁNH CÁC GIAI ĐOẠN HỌC TU THEO LỜI DẠY CỦA ĐỨC KHỔNG TỬ VÀ ĐỨC QUAN THẾ ÂM:
stt | ĐỨC QUAN ÂM DẠY | ĐỨC KHỔNG TỬ DẠY |
1 | Nhập môn | Cách vật |
2 | Giữ đạo | Trí tri |
3 | Học đạo | Thành ý |
4 | Hiểu đạo | Chánh tâm |
5 | Tu thân lập hạnh | Tu thâh |
6 | Hành đạo | Tế gia |
7 | Đắc đạo | Trị quốc |
8 | Thiên hạ bình |
E. HÀNH ĐẠO:
Đức Khổng Tử không đem đạo của mình ra thực hành vào các nền chính trị được vì vua không chịu tu thân , nên Ngài chú tâm truyền lại cho thế hệ sau bằng giáo dục. Nhân loại đã tôn Ngài là “Vạn thế sư biểu”.Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Khổng tử dạy:
Nhiều môn đệ chỉ tu dục vọng,
Nên sự hành chẳng trọn chơn tâm,
Mãi lo lộn lạo phàm tâm,
Nên tình đoàn thể khó tầm viễn phương. (Thánh Huấn Hiệp Tuyển, Quyển 1, 1961, tr.47)
Trong Tam Kỳ Phổ Độ Ngài dạy chúng ta:
“Bổn phận làm người ở thế gian có ba điều lo nghĩ:
1) Lúc nhỏ, nghĩ đến lúc lớn thì chăm học.
2) Lúc già, nghĩ đến lúc chết thì chăm dạy.
3) Lúc có, nghĩ đến lúc không thì chăm cứu giúp.
Ấy là chí của người quân tử phải thực hành như thế.
Chư môn đệ sống trong thời buổi cuối hạ nguơn này hữu duyên lành ngộ Tam Kỳ Phổ Độ thì thấy rõ ngày tương lai như thế nào. Nếu trước không lo đào bến với đắp bờ, thì cơn sóng gió, thuyền dật dờ, không nơi nương dựa. Chư môn đệ đã tìm hiểu lý đạo là thế ấy, thì hiện giờ đây với bổn phận của tuổi trẻ, nên ráng cố cần tu học cho thông tường giáo lý.
Với tuổi già, thì ráng đem hết khả năng ra để dạy lại cho đàn em. Nếu trẻ già đều đồng tâm, hiệp ý, tận tụy với sứ mạng, thì lo chi cho cơ Đạo không phát triển vẻ vang.
Nhưng trái lại, tuổi trẻ với tuổi già thường chênh lệch đụng chạm nhau luôn, lắm lúc phải ngưng trệ cơ tiến hóa. Chư môn đệ phải ráng dung hòa, lấy chí quân tử khoan hồng đại độ đối với kẻ dưới, dù cho có tính ngoan cố, bỉ bạc, thì lỗi ấy sao qua được luật thiên điều trước án ngũ lôi.
(…)
Tu học cố cần việc sám kinh,
Học thông giáo lý để trau mình,
Học rồi hành sự không sai lạc,
Học để cứu đời buổi khổ chinh.
2.2. PHẦN TRỊ THÂN VÀ TRỊ TÂM.
A. NGUYÊN TẮC: CHUYỂN HẬU THIÊN LẠI TIÊN THIÊN.
Đức Khổng Tử dạy: "Tiên thiên nhi Thiên phất vi, thiên thả phất vi, huống ư nhơn hồ, huống ư quỷ thần hồ". (Trước Trời thì Trời không trái, Trời đã không trái, thì huống chi người hay quỷ thần.)
Đại Thừa Chơn Giáo ghi lời Đức Chí Tôn dạy:
Tiên thiên cướp đặng mới nên cho,
Tâm tức nương nhau thần khí mò,
Tới lửa lui bùa diên hống kết,
Biết phương bắc chảo với xây lò. (tr.248)
B. PHẦN TRỊ THÂN = CHÁNH KỶ.
Đức Khổng Tử dạy “Chánh kỷ hóa nhân”.
Một vị môn đệ xin hỏi: “Bạch Thầy, xin Thầy giảng thấp hơn một chút để chúng con dễ thi hành.”
- “Kỷ là cái miệng của con đó, điều chi không đúng đừng nói; kỷ là con mắt con đó, điều chi không đúng đừng xem; kỷ là cái tai con đó, điều chi không đúng đừng nghe.”
Đó là là “tư bất tà” (tư tưởng chánh trực) trong Nho giáo bằng “tứ vật” đó là:
“Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”.
Đức Khổng Tử dạy: “Muốn cho thân tâm gội nhuần đạo đức thì chư hiền đồ lập tâm: tai ngơ, mắt quáng trước hiện tình vật chất thế gian, khỏa lấp mạch sầu.”
Học theo Đức Khổng Tử phải dùng tâm ý rất nhiều:
“Quân tử hữu cửu tư:
- thị tư minh (minh bạch),
- thính tư thông (thông suốt),
- sắc tư ôn (ôn hòa),
- mạo tư cung (cung kính),
- ngôn tư trung (trung tín),
- sự tư kỉnh (kỉnh thành),
- nghi tư vấn (học hỏi),
- phận tư nạn (giận nghĩ đến nạn khổ),
- kiến đắc tư nghĩa (lợi nghĩ đến điều nghĩa).
Muốn trị thân phải tuân giới quy. Đức Khổng Tử dạy:
Đây Thánh Sư giờ lành hạ điển,
Đem đôi lời khuyến thiện nhơn sanh,
Bước tu luật lệ lo hành,
Kềm tâm đừng có ham danh lợi trần.
Tu là lo giữ phần đạo đức,
Tu gióng chuông tỉnh thức kịp kỳ,
Giữ theo ngũ giới điều quy,
Tân luật hành đặng thống quy mấy hồi.
C. PHẦN TRỊ TÂM = TỌA VONG.
- PHÉP TỒN TÂM DƯỠNG TÁNH.
Tồn tâm dưỡng tánh là con đường Thiên Đạo của Nho giáo. Kinh Dịch dạy về Nhơn đạo và Thiên đạo đủ hết.
Quẻ Phục về Thiên đạo có câu “Phục kỳ kiến Thiên Địa chi tâm hồ”. Quẻ Hàm có dạy “Quan kỳ sở cảm, nhi Thiên Địa vạn vật chi tình khả kiến hỷ.”
Trong quẻ Hàm, Đức Khổng Tử đã kết nối từ Thiên đạo đến nhơn đạo “Tự quái, hữu thiên địa nhiên hậu hữu vạn vật; hữu vạn vật nhiên hậu hữu nam nữ; hữu nam nữ nhiên hậu hữu phu phụ; hữu phu phụ nhiên hậu hữu phụ tử; hữu phụ tử nhiên hậu hữu quân thần; hữu quân thần nhiên hậu hữu thượng hạ; hữu thượng hạ nhiên hậu hữu lễ nghĩa hữu sở thố.”
Việc tu bắt đầu ở chỗ biết tâm.
Biết tâm là chỗ khởi tu,
Tâm thường giong ruổi lo thu trở về.
Đó là vượt lên khỏi thân phận làm người:
Biết được phép tồn tâm dưỡng tánh,
Thì bước lên làm Thánh làm Hiền.
- TAM CANG THEO THIÊN ĐẠO.
Sang phần Thiên Đạo, tam cang mang ý nghĩa mới. Đức Chí Tôn dạy:
Trời có ba báu là: Nhựt, Nguyệt, Tinh, hay là tam nguơn: Thượng, Trung, Hạ. Đất có ba báu là: Thủy, Hỏa, Phong. Người có ba báu là: Tinh, Khí, Thần.(…) Người nhờ ba báu đó mà tạo Tiên tác Phật.
Theo Tam Giáo (Nho Thích Đạo) thì ba báu ấy như vầy:
Nho thì có tam cang:
- Quân thần cang là nguơn thần,
- Phụ tử cang là nguơn khí,
- Phu thê cang là nguơn tinh,
Tại sao Quân thần cang là nguơn thần?
Thần ở trong mình con người như vị Đế Vương cai quản một quốc gia, Khí cũng như lục hầu tể tướng, Tinh như con dân. Hễ vị Đế Vương hôn muội thì quốc dân bất minh, chư hầu bất phục làm sao mà bình trị quốc gia?(…)”
- TIẾN TRÌNH THỰC HÀNH, LỤC ĐỘLục độ của Phật giáo là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. THEO KHỔNG GIÁO:
Đức Hà Tiên Cô dạy:
“Muốn đạt huyền công, giữ sao lòng hằng thanh tịnh.
- Chỉ niệm thì không dục, nên sách Đại Học bảo ta tri chỉ, Chỉ niệm: Ngừng tạp niệm, dứt nhớ nghĩ lộn xộn
- định đến tịnh,
- tịnh rồi mới an,
- an rồi mới lự.
- Lự đây là suy nghĩ chân chính, mà có suy nghĩ chân chính là do tâm đã an định. Nếu tâm chưa an định thì cái niệm đâu phải là trí huệ, là bát nhã.”
Đức Phật dạy: giới, định, huệ.
Phần Giới trong Khổng giáo là CHỈ.Tri chỉ: Biết ngừng lại.
Phần Định: TRỊ TÂM = TỌA VONG (tức TỌA THIỀN của Phật giáo).
Ngài Nhan Hồi dạy “Đọa chi thể (buông thân thể), Truất thông minh (bỏ thông minh), Ly hình khử trí (lìa hình bỏ trí), Đồng bực Đại Thông (cùng hiệp với Đấng Đại Thông, Đức Thượng Đế), thử vi tọa vong (đó chính là ngồi quên).”
Đạt được kết quả tọa vong là đạt được vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã của Đức Khổng Tử. Ngài Bạch Tẩn Lão Nhơn viết trong Dưỡng Chơn Tập “Quên thì không có ta, ta còn không có, ai dấy niệm đây!”
Tọa vong để chấp trung quán nhất. Đức Chí Tôn dạy:
“Thiên Đạo này
Nho giáo gọi là: Chấp trung quán nhất
Thích giáo gọi là: bảo trung quy nhất
Đạo giáo gọi là: thủ trung đắc nhứt
Người tu đến bực Đại Thừa đã thọ chơn truyền bí pháp rồi thì cần phải phân chia ngày giờ mà tu luyện cho cái tâm trở nên trong sạch, chẳng bợn hồng trần, phản hồng vi bạch mà yên tịnh lặng lẽ để đoạt cơ Tạo Hóa, vào bộ Tiên gia hầu thâu tiếp cái huyền khí của Trời đem hiệp với cái nguơn khí của người mà tạo thành tiên đơn.
Vậy nên đây Thầy dạy kỹ các con tu bực Đại Thừa phải cần tầm nơi thanh khí mà hỗn hiệp âm dương, điều hòa đủ 8 lượng chơn dương, 8 lượng chơn âm làm thành một cân đại dược tại cung Ly, rồi điều dưỡng đủ thập ngoạt hoài thai, tam niên nhũ bộ, thì cái chơn thần mới giao tiếp tiên thiên mà nhập xuất Thiên môn được, song cũng do nơi Thầy tùy công đức mà bố hóa cho các con.”
Tọa vong được rồi thì chuyển hậu thiên lại tiên thiên.
KẾT LUẬN
Thời gian có sau trước nhưng “đạo pháp trường lưu”, vấn đề trước tiên của đạo giáo muôn thuở là:
1. Trước tiên giáo dục cho mỗi người và mọi người trở nên một con người chính danh. Thành người rồi mới tu tiến lên được hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Đạo trị thế của Đức Khổng Tử cốt tủy ở “chính danh” ấy. Thời này Đức Khổng Tử dạy:
Này chư môn đệ nữ nam,
Muốn làm Tiên Phật, trước làm hiền nhân.
Hiền nhân trọng sự tu thân,
Tu thân là sửa thân tâm trọn lành.
2. Chú tâm vào việc tu thân, chúng ta phải: lập chí, rồi thực hành bát điều mục: cách vật, trí tri (giai đoạn học vấn), thành ý, chánh tâm (giai đoạn lập tâm), tu thân (sửa mình cho đúng đạo), tề gia, trị quốc, thiên hạ bình.
Thời đại Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế chọn dân tộc Việt Nam để cho nhà yên, nước thạnh làm hạt nhân để lập Thánh đức tại thế gian. Đức Khổng Tử dạy:
“Cơ Đạo sắp đến ngày vinh quang, nhiệm vụ chư môn đồ rất hữu dụng tối cần, vì nước Việt Nam được chọn làm trung ương thánh địa trên quả địa cầu này, thì ngày tương lai ngũ châu đều đến tầm đạo để thọ chơn truyền. Nếu chư môn đệ tuổi trẻ không cố tầm tu học, rồi ngày ấy hữu dụng được chăng?”
3. Về mặt Thiên đạo, Đức Khổng Tử dạy “vi nhân nan đắc, thiên hạ tối linh”, muốn kiến được Thiên địa chi tâm, cảm được thiên địa chi tình, hành giả phải “tồn tâm dưỡng tánh” bằng cách thực hành tứ vật để đi trọn lục độ thì mới hiệp nhất được cùng Đấng Đại Thông. Thời Tam Kỳ hiện nay Đức Khổng Phu Tử dạy:
Đạo đức VĂN ngôn cảm hóa người,
Gìn tròn TUYÊN thệ, chớ tâm lơi,
Rừng Nho KHỔNG Tử công khai giáo,
Biển Đạo THÁNH Sư đã cạn lời.
Thế sự HƯNG vong tồn mạc trắc,
Tam Tông NHO, Thích, Đạo Thầy Trời,
Khai minh GIÁO lý hoàn cầu hiểu,
Việt quốc CHỦ trương Đạo cứu đời.
4. Chúng ta vừa được Đức Mẹ ban hồng ân trong Lễ Hội Yến thọ trước Đào Tiên để được dồi dào điển quang mà lo học, tu, hành đạo cho kết quả.
Tương tự như thế, Đức Chí Tôn cũng ban trước cho chúng ta Thánh danh để tu hành cho viên thành đạo quả. Đức Khổng Tử dạy:
“Bởi Đức Thượng Đế là Cha lành của nhân loại, đầy đủ toàn tri, toàn năng, thông suốt cả quá khứ, hiện tại cùng vị lai, mới mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, dùng huyền diệu cơ bút giáo hóa nhơn sanh cho trở nên bực Hiền Thánh tại thế này.
Chư môn đệ ngày hôm nay đã rõ lắm, Đức Thượng Đế đã ban phong chư môn đệ vào bảng Thánh, ấy là chư môn đệ lãnh mạng Thánh Nhân tại thế trần này đó.
Thật chư môn đệ hữu phước quá, đối với Thánh Sư hành đạo suốt cả đời, đến chết thiên hạ mới tôn là Chí Thánh, rồi mới được Thượng Đế ban ân cho.
Còn đối với chư môn đệ hiện nay, việc làm chưa hoàn toàn nên bực Thánh mà được Đức Thượng Đế ban trước cho danh Thánh, lại được hân hạnh phần đời cũng tôn sùng luôn, ấy là hữu phước lắm.
Vậy chư môn đệ ráng cố gắng tu học để thực hành cho đúng với sứ mạng của Thánh Nhân tại trần. Vậy từ đây, mỗi môn đệ đã thọ phong vào bảng Thánh, đã có cơ hội đủ phương tiện để tạo vị lập ngôi Thánh Nhân tại trần này.
Sự đời chẳng khác dòng thủy triều, khi lớn lúc ròng, khi trong lúc đục, khi nổi ba đào lúc yên lặng như tờ. Chư môn đệ chẳng khác nào những tay thủy thủ đang chèo thuyền bát nhã trên dòng thủy triều để vớt những khách trần hồi đầu nhô lên khỏi nước kêu cứu, thì chư môn đệ có phận sự cứu vớt lên thuyền, rồi phải đủ tài đức đảm đương tay lái, dây lèo để tiến vào bờ giác ngạn đến bến vinh quang. Ấy là chư môn đệ đã hành tròn Thánh vị vậy!”
Xin cầu và nguyện được như thế.
_________________
Sách tham khảo:
1. Đại Thừa chơ Giáo, Bản song ngữ Việt Pháp, 1950, tr.254.
2. Phan Bội Châu, “Khổng Học Đăng”, nxb Văn Hóa Thông tin, 1998, tr.15.
3. Thánh Huấn Hiệp Tuyển, Quyển 1, Hội Thánh Tiên Thiên, 1961,
4. Đại Thừa Chơn Giáo, bài “Thập tự Tam thanh”, đàn ngày 28-8 Bính Tý (13-10-1936).