Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Xướng : " Thiều quang vũ trụ ánh muôn màu, Quyền pháp Tam Kỳ một túi thâu; Chuốc chén kim tượng cùng thế ...


  • Chơn truyền là đâu ? / Nhịp cầu giáo lý

    Sau khi quá mỏi mệt với cuộc sống, lại hoang mang với bao triết thuyết, giáo thuyết, chủ nghĩa... con ...


  • Người đạo Cao Đài phải có ý thức sứ mạng thật sáng tỏ. Theo đuổi mục đích “Thế đạo đại ...


  • Quan Âm Như Lai / Đức Quan Thế Âm Bồ Tát

    Thi văn Đức Bồ Tát trong Kinh Tam Nguơn Giác Thế Nhựt hoành nhị thập kiến giai thì Lục nhựt đạo thành ...


  • TEILHARD DE CHARDIN Nhà bác học - cũng là linh mục- Teilhard de Chardin đã chứng minh rằng sự sống đánh ...


  • Thống nhất - Quy nguyên / Đạt Tường sưu tầm

    THÁNH GIÁO KỶ NIỆM NGÀY KHAI TỊCH ĐẠO Nam Thành Thánh Thất Tý Thời đêm 23 tháng 8 năm Mậu Tuất (1958)


  • Giới Định Huệ / Đức Thích Ca Như Lai

    Người tu muốn hiểu bản ngã là gì ? trước phải thông ngũ uẩn và làm chủ bát thức. Song ...


  • Bát Bửu Phật Đài / Thiện Chí St.

    NHÂN MÙA PHẬT ĐẢN, GIỚI THIỆU BÁT BỬU PHẬT ĐÀI Bát Bửu Phật Đài tại Cầu Xáng, khu Lê Minh Xuân, ...


  • Đơn Thiền / Huệ Ý

    "Ðắc nhứt tâm rồi thế mới yên, Muốn tâm đắc nhứt phải tham thiền; Tham thiền tâm sẽ hoà muôn vật, Hoà ấy ...


  • Xuân khởi Phục / Thánh giáo Đức Đạo Tổ

    THÁI hoà xuân khởi Phục[1] và Lâm, THƯỢNG trí[2] gieo trồng khắp cõi tâm; LÃO noãn non già theo đúng độ, QUÂN bình ...


  • Liên Hợp Quốc / Sưu tầm

    Liên Hiệp Quốc, viết tắt là LHQ (còn gọi là Liên Hợp Quốc), là một tổ chức quốc tế bao ...


  • Đại Từ Phụ vì đức háo sanh đã khai mở Tam Kỳ Phổ Độ để cứu rổi các chơn linh ...


19/05/2012
Cao Triều Thiền Tâm bình giảng Th.giáo Đức Vạn Hạnh Thiền Sư

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 19/05/2012

Chữ tu


HỌC TẬP THÁNH GIÁO VỀ CHỮ TU


Cao Triều Thiền Tâm



Minh Lý Thánh Hội
Tuất thời, 29 tháng Giêng Tân Hợi (24-02-1971)

THI
Đạo ở trong người chẳng phải xa,
Đừng đi tìm kiếm khắp ta bà,
Tâm linh lúc ẩn khi bày hiện,
Mặc mặc tham thiền sẽ lộ ra.
VẠN HẠNH THIỀN SƯ, Bần Tăng chào mừng chư Thiên ân hướng đạo, chư đạo hữu đạo tràng.

(…………)
Chữ tu xưa nay ai cũng biết và cũng hằng định nghĩa khá nhiều trên kinh điển, báo chí và khảo luận, nhưng có mấy ai đặt vài câu hỏi. Thí dụ:
1. Tu cho ai?
2. Tu để làm gì?
3. Nếu không tu thì có sao không?
1. TU CHO AI?
Câu hỏi thứ nhứt rất là phức tạp, vì trình độ cao thấp của người áp dụng chữ tu.
1. TU HỒI HƯỚNG TRẢ LỄ
Có người áp dụng chữ tu bằng cách trả nợ Trời Đất Tiên Phật sau một tai nạn hoặc ông bà cha mẹ trải qua một cơn bịnh nặng thập tử nhất sinh, con cháu vái van cho qua khỏi cơn tử biệt để thí phát qui y, tu hồi hướng trả lễ.
HỌC TẬP:
Trường hợp này thường xảy ra. Người con có tâm hiếu đạo này, về nhơn đạo phải khen (trên đời dám xuống tóc đi tu, không phải có nhiều người). Nếu như nhờ trả lễ rồi sau đó giác ngộ lo tu học tiếp tục thì quí lắm (chứ đừng xuất gia giao duyên).
Khi cầu xin, van vái là bắt đầu chuyển tâm, chuyển tâm là chuyển nghiệp;
Thay vì tu hồi hướng trả lễ, mang tính đặt điều kiện với Các Đấng Thiêng Liêng, con cháu nên tình nguyện ăn chay, tình nguyện xuống tóc đi tu rồi xin Ơn Trên ban ân.
2. TU LÀ DỐC BỎ THẾ TRẦN
Có người quan niệm về chữ tu là dốc bỏ thế trần để được thành Thần Thánh Tiên Phật, bên kia thế giới được an nhàn tự tại hơn cõi trần gian đầy đau khổ.
HỌC TẬP:
Đây là các vị từ 40 tuổi trở lên, các vị bị mang trọng bệnh, giác ngộ được đời là trường học, kiếp người là khổ, nên mong tu để giải khổ, trong hiện kiếp cũng như ở cõi hằng sống. (xin xem Niệm Phật lưu xá lợi).
Đức Thích Ca ngày xưa sau khi xem 4 cửa thành, thấy cảnh lão, bệnh, tử của kiếp người, Ngài giác ngộ đi tu.
3. TU VÌ TRUYỀN THỐNG
Có người tu vì truyền thống từ nhiều đời ông bà cha mẹ để lại, con cháu cứ bắt chước noi theo đó để làm theo cho khỏi lỗi đạo với tiền nhân.
HỌC TẬP:
Ơn Trên dạy:
1. Trách nhiệm của phụ huynh đối với con cháu trong gia đình:
Ơn Trên dạy: “Nếu chưa hướng dẫn con cháu học tu là độc thiện kỳ thân”, quên chúng sanh trong nhà. Con cháu cần tự tu, tự cứu vì không ai nghĩ rằng đủ phước đức để che chở cho tập thể. Tự cứu mình chỉ đọc 1.000 biến kinh cứu khổ, muốn cứu gia đình phải gấp 10 lần (10.000 biến kinh cứu khổ).
Ngay khi thành đạo trở về, một trong các việc làm đầu tiên của Đức Thích Ca là xuống tóc cho người con trai độc nhất là La Hầu La đi tu. Đức Khổng Tử dạy “Đừng trách đám cỏ chèn ép cây lúa mà hãy trách người nông phu chểnh mảng”. Ơn Trên dạy:
Cần lo việc nhập môn tổng hợp,
Cho con em các lớp nhân viên,
Cha tu con phải được hiền,
Lập thành sổ bộ trò Tiên đó là. (1)
2. Trách nhiệm của tổ chức, tập thể Đạo, Thánh Thất, Thánh Tịnh, Hội Thánh:
Uốn tre uốn thuở măng non,
Dựng gầy hướng đạo khi còn tuổi thơ.
Ơn Trên dạy:
Thanh thiếu niên ngày ngày ghi nhớ,
Học tu nhiều dầu dở cũng hay,
Tre tàn cằn cỗi ngày mai,
Lập đời hoằng giáo nhờ tay các trò.
Các anh chị trưởng phải nhận trách nhiệm dìu dắt các em bằng nhiều hình thức sinh hoạt: giáo lý, nhạc đạo, dạy nghề… để giữ và chăm sóc các em.
Phần lớn chúng ta tu theo truyền thống này, nhưng trên 18 tuổi phải nhập môn thì mới được Hội Thánh, cũng như Ơn Trên nhìn nhận là môn đệ đức Chí Tôn và phù hộ cho chúng ta. Cũng như muốn đi suốt đạo trình thì phải củng cố đức tin và giải đáp được câu hỏi “nếu ba má tôi không phải đạo Cao Đài thì vì sao tôi theo đạo Cao Đài?” Để hiểu:
- các hồng ân mà Đức Chí Tôn ban ân cho dân tộc Việt Nam nói chung và người môn đệ Cao Đài nói riêng; “Lòng con tin Đấng Cao Đài, đạo đời Trời sẽ an bài cho con”.
- theo đạo Cao Đài là dễ hiểu, dễ tu nhất do Kinh sách bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt là chánh tự).
- “Thời gian có sau trước, pháp môn có tân cựu” và tu theo pháp môn Cao Đài là ngắn nhất, hiệu quả nhất. “Công trình, công quả, công phu; Ba công hội đủ đường tu vững vàng”.

4. TU CẦU CHO CỬU HUYỀN THẤT TỔ VÀ CẦU CHO CON CHÁU
Có người tu cầu cho cửu huyền thất tổ tận độ siêu thăng và cầu cho con cháu tại tiền được hưởng cảnh phú quí vinh hoa.
HỌC TẬP:
Kinh Tu Chơn Thiệp Quyết dạy:
Tu là cứu Cửu Huyền Thất Tổ,
Tu là cần phổ độ chúng sanh.
Phải phổ độ chúng sanh thì mới cứu được Cửu Huyền Thất Tổ chứ không thể cầu xin được. Đạo tỷ Ngọc Kiều đã được Đức An Hòa Thánh Nương dạy:
Đây mẹ tin Ngọc Kiều con rõ,
Nhờ đường tu sáng tỏ quả công,
Thiêng Liêng chứng giám tấc lòng,
Thị Hồ hiền tỷ thoát vòng trầm luân.
Rằm tháng bảy Trung Nguơn Phóng xá,
Các linh hồn mãn đọa luân hồi,
Tiên Cô Diệu Hạnh đến nơi,
Phép linh dìu dắt cõi trời luyện tu. (2)
Các Đấng Ơn Trên vốn vô tư “không vì cúng mà ban phước, không vì không cúng mà cho họa”.
Đó là tu theo phần mê tín,
Phật Tiên đâu ưa nịnh, ưa dua,
Mà đem lễ vật đến chùa,
Đặt điều kiện để bán mua Phật Trời. (3)
Đối với con cháu, cha mẹ phải:
- Con cháu còn hiện tiền, cha mẹ phải dạy, phải tập cho làm công đức để hưởng kết quả “một ngày làm 3 điều lành, 3 năm trời nhỏ phước lành”.
- Con cháu đã mất cha mẹ làm âm chất, nhập môn vô vi, cầu siêu cho.
5. TU CHO TRỜI, PHẬT, CHÚA, …
Có người tu cho Trời, cho Phật, cho Chúa, cho Thánh, cho Thần.
HỌC TẬP:
Các Đấng đã hoàn toàn giải thoát, đã đắc rồi đâu phải nhờ chúng ta tu dùm nữa, chúng ta đang ở trong lò lửa, tự cứu chưa xong phải nhờ các Ngài phù hộ; tình lý đều không thông, bệnh nhân lại đi chữa bệnh cho bác sĩ, lương y. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Không phải Phật thiếu kinh thường dụng,
Bảo chúng sanh đem tụng Phật nghe. (4)
6. TU CHO SƯ PHỤ HOẶC CHO NGƯỜI HƯỚNG DẪN TINH THẦN
Có người tu cho vị sư phụ hoặc người hướng dẫn lãnh đạo tinh thần.
HỌC TẬP:
Đây là trường hợp đặc biệt không phải là không có, học trò đi sau về trước, quay lại cứu nguy cho thầy cũ hoặc đàn anh cũ.
7. TU VÌ QUYỀN LỢI QUY ĐỊNH TRONG LUẬT LỆ GIÁO ĐIỀU MỘT TÔN GIÁO
Có người tu vì quyền lợi đã minh định sẵn trong khuôn khổ luật lệ giáo điều của tôn giáo đó, nếu không tu, không làm theo sẽ không được hưởng những ân huệ quyền lợi qui định trong tôn giáo đó.
HỌC TẬP:
Trường hợp này chẳng khác nào đi làm cho công ty, xí nghiệp hay công chức: vì tiền, vì danh, vì lợi. Nhiều vị đã dùng từ dịch vụ để chỉ việc làm của một số vị đi tu, chính là hoàn cảnh này. (dịch vụ hay sứ vụ).
Trong một số tôn giáo, vị chức sắc được lãnh lương bổng hằng tháng, tiền nhà, cửa, điện nước…
8. TU VÌ ĐAU KHỔ THẤT VỌNG
Có người tu vì đau khổ thất vọng chán nản sự giả trá bội bạc của cha mẹ, hoặc của tình nhân, hoặc của xã hội, nên trốn lánh vào am tự để khuất mắt lấp tai.
HỌC TẬP:
Đây là trường hợp bị phá sản, bị thất tình, bị thi rớt… tâm lý bị khủng hoảng, tìm đến của chùa, thất để an định tâm hồn. Xưa Ngài Thị Kính cũng bị trong cảnh gia đình nghi oan, Ngài tìm con đường tu học, vừa lo tròn hiếu đạo, vừa cứu độ tự thân. Từ tiếng đại hồng chung “Văn chung thinh, phiền não khinh, trí huệ trưởng, bồ đề sinh, ly địa ngục, xuất hỏa khanh, nguyện thành Phật, độ chúng sanh.”
9. TU VÌ BẢN TÂM THÍCH VIỆC THIỆN
Có người tu vì bản tâm thích việc thiện, việc đạo lý mà tu.
HỌC TẬP:
Đây là những vị có căn cơ sâu dày, vong kỷ vị tha, có tâm hướng thiện, hướng nội, không màng quyến rũ của thế gian.
Cho hay cuộc thế hữu tình,
Men đời chưa thấm mà mình đã say.
(…)
Ngoài phương tiện lợi danh đầy đủ,
Trong gia đình hào phú kiêu sa,
Với đời, mở mặt người ta,
Với mình, xét lại đó là trái oan.
Buộc Chơn Tiên vào hàng tục tử,
Nặng nghĩa ân khó giữ lời nguyền… (5)
Như sơ Loan trên trại cùi Bến Sắn, cha là một công chức cao cấp trong tòa án, chị cũng đã tốt nghiệp đại học, nhiều người khác phái để ý, Sơ vẫn vững tâm đi tu.

10. TU LẸ MỘT KIẾP CHO KHỎI TRỞ LẠI CÕI HỒNG TRẦN NÀY
Có người tu vì sợ bị luân hồi chuyển kiếp, sợ e kiếp sau không được làm người hoặc nếu có được làm người, sợ e không sanh trưởng vào gia đình có đạo đức, nên cố gắng tu bươn, tu lẹ một kiếp cho khỏi trở lại cõi hồng trần này.
HỌC TẬP:
Đây chính là tâm nguyện của chúng ta, phải nhứt tâm tu học hành đạo bất thối chuyển trong kiếp này, bởi vì 700.000 năm nữa mới mở đạo. Trường hợp bà năm Nước Tương (Thanh Cúc Hoa ở thánh tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà), Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn kiếp này cũng được bạn xuống cứu, Ngài bác sĩ Trần Văn Quốc là Chơn Tiên xuống phàm, nay trở lại với đạo quả Chơn Thường Đạo Sĩ.
Nếu kể thêm nữa thì không biết chừng nào cho hết những quan niệm về chữ tu của người đời.
Chỉ xuyên qua những lớp người điển hình ngần ấy, chư đạo hữu thấy được những gì? Bần Tăng và chư đạo hữu không vội phê phán những quan niệm về chữ tu như vậy là đúng hay sai. Bây giờ đây Bần Tăng mời chư đạo hữu hãy xem lại một câu ở phần trùng tụng vừa mới viết. Đó là câu lục của vé chót. Bần Tăng nhờ hiền muội Ngọc Kiều giùm bình một câu ấy:
- “Nội tâm thấu triệt huyền vi…”
Bần Tăng cảm ơn hiền muội.
“Nội tâm thấu triệt huyền vi”, chỉ có 6 chữ ấy thôi cũng nói lên được những gì trong chữ đạo.
Có luận phần nào chữ đạo sẽ giải đáp được tu cho ai.
A. TU CHO CHÍNH MÌNH
Không phải tu cho tha nhân, mà chính mình tu cho mình, tu cho được từ tâm phàm mê muội trở nên sáng suốt minh đức mẫn tuệ.
HỌC TẬP:
Đức Thiên La Đạo Nhơn dạy:
Càng lo tu trước giúp ích cho mình,
Cho nạn tai sớm được giảm khinh,
Cho nghiệp lực nhơn sanh tiêu tán.
Đầu năm mới có mấy dòng khuyên giảng,
Dạy các em cố ráng tu hành.
Đức Chí Tôn dạy: “Không phải các con tu cho Thầy hay một Đấng Thiêng Liêng nào, mà các con tu là lập vị cho chính các con đó.”
B. TU ĐỂ CHUYỂN NGHIỆP
Tu để từ chỗ gây tạo nghiệp quả xấu xa tội ác để được trở nên người hiền lương quân tử Thánh thiện.
HỌC TẬP:
TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP.
Đức Trần Hưng Đạo dạy:
Mặc nhơn thế lăng xăng hay dở,
Lo tu hành tháo gỡ nghiệp trần,
Hoạn đồ tranh cạnh, dừng chân,
Khi thành chánh quả, đem thân cứu đời.
Đây là thực hiện mục đích thứ nhất của đạo Cao Đài “xây dựng thế đạo đại đồng: quốc thái dân an, thiên hạ thái bình” như chúng ta thường đọc sớ.
Cuộc đời của ông Thủ Huồn từ bất thiện nghiệp chuyển lên thiện nghiệp, tái sinh làm vua Đạo Quang nhà Thanh. Chúng ta phải tiến lên phi nghiệp, Đức Mẹ dạy:
Nghiệp lành dữ rốt rồi là nghiệp,
Sắt hay vàng đều xích xiềng thân,
Sao bằng tâm chí lâng lâng,
Nhổ mầm tình thức, đoạn nhân tục phàm. (6)

C. TU ĐỂ HOÀN THIỆN BẢN THÂN
Tu để bản thân mình hoàn thiện tiến hóa từ thường nhân đến thánh nhân.
HỌC TẬP:
Đời là một trường tiến hóa, Đức Chí Tôn đã kết hợp lại thành chương trình tu học gồm 5 lớp: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo, cho dễ học, dễ hành, dễ thành.
Đức Thiên La Đạo Nhơn dạy:
Thánh thất dùng để làm nơi truyền giáo,
Tháng đôi lần giảng đạo thuyết kinh,
Dạy tu hành cho cả nhơn sanh,
Đừng tưởng quấy rồi tâm thành băng hoại.

D. TU ĐỂ SIÊU THOÁT
Tu để biết mình rồi biết Trời, biết sự liên hệ giữa tiểu nhân thân và đại vũ trụ, biết đường siêu thoát trở lại bổn nguyên.
HỌC TẬP:
Đây là thực hiện mục đích thứ hai của đạo Cao Đài là “Thiên đạo giải thoát”.
Người là thượng sanh trong sinh giới, là thiên hạ tối linh, nếu làm đúng được con người chính danh, thì đứng vào thế tam tài đồng đẳng.
Về mặt Thiên đạo, Đức Khổng Tử dạy “vi nhân nan đắc, thiên hạ tối linh”, muốn kiến được Thiên địa chi tâm, cảm được thiên địa chi tình, hành giả phải “tồn tâm dưỡng tánh” bằng cách thực hành “tứ vật” đó là:“Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” để đi trọn lục độ [chỉ, định, tịnh, an, lự, đắc] thì mới hiệp nhất được cùng Đấng Đại Thông (Đức Chí Tôn).
Theo Tân luật thì sau khi xử tròn nhân đạo, người môn đệ Đức Chí Tôn được nhập tịnh thất để Tu tánh luyện mạng, hoàn nhị xác thân để “cùng Trời đồng nhất, cùng Đạo ứng thông” để thoát khỏi vòng lục đạo, luân hồi sinh tử.
Đức Trần Hưng Đạo dạy: “Nếu con người không tu niệm để đồng nhứt với Trời, vào cõi Hư Vô, thì phải chịu phần dịch hóa, cũng như Phật, Lão gọi là: “luân hồi sanh tử”, khó thoát ra ngoài vòng xiềng xích đó được.
Tuy biết là biết như vậy, nhưng đừng bao giờ ước vọng sẽ đạt thành đến ngôi vị nào và sẽ được những gì.
Đó là câu thứ nhứt. Bần Tăng cũng nhờ hiền muội giùm đọc câu hỏi thứ hai.
- “Tu để làm gì?”
2. TU ĐỂ LÀM GÌ?
Bần Tăng cảm ơn hiền muội.
Biết rằng:
“Tu là học để làm Trời,
Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian.”
Nhưng đừng mong vọng rồi sẽ được làm Trời.


A. TU ĐỂ TIẾN: HIỀN, THẦN, THÁNH, TIÊN, PHẬT …
HỌC TẬP:
Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
* Nên HIỀN NHÂN:
“Nhiều tay ham học, hỏi học làm gì?
Nói học làm Trời, mà làm người chưa đúng.
Nhiều kẻ ham tu, hỏi tu làm gì?
Nói tu làm Phật Tiên, mà tánh đảo điên không bỏ.”
Vì thế Ngài dạy thêm:
“Học tu để nên người thánh thiện,
Tu hành cần rèn luyện thân tâm,
Có tâm, tâm chớ lạc lầm,
Có thân, thân chớ đọa trầm phàm phu.”
Tiêu chuẩn nên Hiền nhân là phải trọn Cương – Thường (Nam: tam cang, ngũ thường; nữ: tam tùng, tứ đức).
* Nên THẦN:
Tiêu chuẩn nên Thần là TRUNG – NGHĨA.
Đức Lê Văn Duyệt Đại Tiên dạy:
Một kiếp vi nhơn để lại gì?
Sau khi buông gánh bước ra đi,
Tình dân vạn thuở lòng ai mộ,
Nghĩa nước muôn đời sử chép ghi.
Đời có nên thân trang chí sĩ,
Đạo tròn kẻ dũng trí và bi,
Nợ dâu tằm bé còn lo trả,
Hỡi khách tài danh tạc được chi? (7)
* Nên THÁNH:
Tiêu chuẩn nên Thánh là CÔNG BÌNH.
* Nên TIÊN:
Tiêu chuẩn nên TIÊN là BÁC ÁI.
Đức Lê Văn Duyệt Đại Tiên dạy:
Mấy kẻ muốn lên đàng tự cứu,
Dòng thời gian tam bửu kết thành,
Gởi cho người biết tu hành,
Bạn gìn giữ lấy để dành hộ thân. (8)
* Nên PHẬT:
Tiêu chuẩn nên PHẬT là TỪ BI.
Chư Tiền Khai Đại Đạo dạy “dù muốn dù không gì thì việc gì đến nó cũng sẽ đến. Một xã hội thượng nguơn sẽ được xây dựng trên nền tảng của Đại Đạo: công bình, chính trực, bác ái, từ bi, đại đồng.”
Cố gắng học hiểu và hành những nguyên tắc và điều kiện nào để tiến hóa từ nhơn sanh đến hàng Thần Thánh Tiên Phật Trời, rồi nhựt nhựt thường hành, tâm tâm thường niệm theo qui củ đường lối ấy.
HỌC TẬP:
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Chư hiền muốn thành Phật ư? Muốn thành Tiên, Thánh, Thần ư? Được, tốt lắm.
Chính trong thâm tâm chư hiền, mỗi người đều có, tạm gọi là vốn liếng để thành Phật, Tiên, Thánh, Thần. Miễn chư hiền biết trọn lòng, tư tưởng đến việc làm cùng lời nói. Loại nào của các bực Phật, Tiên, Thánh, Thần, nên nuôi dưỡng mà tiến hành. Còn những tư tưởng, hành động, lời nói nào của ma quỉ, phải chừa ngăn. Có như vậy, mới sớm toại nguyện.
Thử đặt câu hỏi: Nếu mình làm đúng, nói đúng, trong lúc đó có người nói ngược lại, mình có bực tức, giận chăng? Nếu có, tức là không được Phật Tánh.
Nếu khi gặp cơn đói lạnh, mình chỉ còn một chén cơm cho cả gia đình, trong lúc đó gặp người hàng xóm xin chia bớt một phần, mình có chia chăng? Nếu không, tức là thiếu lòng bác ái, chẳng được thành Tiên.
Nếu khi cơn ghiền rượu đang hoành hành, ở nhà còn sót một vò rượu ngon, hỏi mình có tự nhẫn kiên, không dùng rượu, để sáng suốt tinh thần, tiếp điển hành pháp chăng? Nếu không nhẫn được là không thành Thánh.
Nếu cần một món tiền chia hai, bên ba phần, bên năm phần, cho thân nhơn với một người láng giềng, có ưng lòng chia phần nhiều cho người hàng xóm chăng? Nếu không thì chẳng được thành Thần.
Những sự kiện nghe qua rất tầm thường, nhưng xét lại thật là khó hành. Mà hễ khó hành thì không thành. Muốn thành, phải kiên nhẫn, hy sinh, đức độ. Nếu ngược lại, bắt cá hai tay, làm sao đắc quả, vì câu:
Thiên Đàng thì cũng muốn lên,
Tiếc vì sự nghiệp một bên còn nhiều.” (9)
Hành cho đến lúc “cái quan định phận” (đóng nắp quan tài) mới yên tâm.
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: “Tâm tâm thường tợ quá kiều thời” (lòng lúc nào cũng cẩn thận như đi trên cầu tre không tay vịn).

B. TU KHÔNG VỌNG CẦU …
Phải đặt những qui củ đường lối ấy gắn liền với sự sống mà không vọng niệm, không ước mơ, không đòi hỏi.
HỌC TẬP:
Đức Bát Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ dạy:
“Trong việc tu hành, không có điều chi khó khăn hay khác lạ hơn bổn phận làm người của mỗi người sanh vào cõi thế. Dầu tôn giáo nào cũng đều giáo dân vi thiện, đều áp dụng giới luật qui điều, trì tâm tu kỷ. Tuy trên hình thức có vẻ đặc biệt nhưng suy kỹ thì đó là những nếp sống của con người Hiền, Thánh, Tiên, Phật. Bởi vì thế gian là cõi tạm nên mọi cái hữu hình được hiện bày trên thế gian do vạn vật hóa sanh theo đức háo sanh của Tạo Hóa.”
Nếu có vọng niệm ước mơ đòi hỏi sẽ bị vướng trong cái chấp. Từ cái chấp gây ra cái nhân, từ cái nhân gây ra cái quả. Có nhân, có quả ắt có luân hồi chuyển kiếp trong vòng lẩn quẩn.
HỌC TẬP:
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Thế pháp Hoàng Cực chú trọng vào những chủ thuyết đại đồng vô vi, vô tướng, nên người tu hành chân chính sẽ tự âm thầm để tìm cầu cái Đạo tự hữu của chính mình mà không tìm cầu cái Đạo ở sắc tướng âm thinh.” (10)
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Người tu hành không tìm đạo lý ở ngoài thân mà phải tìm ở nội tâm. Những hình tướng tạm mượn để đặt cho một danh từ đạo lý là phương tiện của hành giả trên đường tu học mà thôi.
(…)
Không vì thương mà tha thiết ngọt ngào, không vì ghét mà thị phi biếm nhẽ. Lời thốt ra nên người nên bạn, nên nước, nên nhà. Lời thốt ra kẻ yêu người chuộng để thực hiện đức độ của người tu, tác phong cho đúng đạo lý. Không vì chốn quyền môn mà bái quị, không vì lợi lộc mà cầu xin, không vì uy quyền mà khép nép, người tu hành vẫn ung dung thư thả, vui không hiện trên sắc diện, giận không thay đổi nét nhìn, những cảnh sắc hay hiện tượng bên ngoài không làm cho tác phong bị chế ngự. Đó là đạo lý để chư hiền muội trở nên một hiền nữ, thánh nữ, tiên nữ, phật nữ. Tất cả đều do nơi tâm linh của con người. Chư hiền muội cần lưu ý.” (11)
Thế nên khi đã biết những nguyên tắc và bổn phận phải làm những gì gọi rằng tu, thì cứ hoan hỉ âm thầm lặng lẽ làm mãi mãi cho đến hết cuộc đời, đương nhiên việc gì sẽ đến phải đến. Luật công bình của Tạo Hóa không sơ sót một mảy may nào trong chỗ công và tội.
Còn câu hỏi thứ ba nhờ hiền muội đọc nốt:
- “Nếu không tu thì có sao không?”


HỌC TẬP:
Đức Trần Hưng Đạo dạy: “ Huống chi học Đạo chẳng phải có lý thuyết suông! Bằng không có Chơn Sư thân truyền, thiếu phần thực hành, thì làm gì nên được? Sau một thời kỳ học hỏi về tâm tánh, còn phải tu thực hành, để đi đến mức cứu cánh của nó là “minh tâm kiến tánh”, đồng nhứt cùng Trời. Chưa đến đó, thì chưa phải là người thành Đạo hay là chứng quả vị Tiên Phật chi cả. Có thể gọi là người học Đạo, hay là tu Đạo mà thôi.”

3. NẾU KHÔNG TU THÌ CÓ SAO KHÔNG?
Khi đã biết rằng thế gian là cõi tạm, là trạm dừng chân trên con đường thiên lý của chiếc xe luân, thì nơi đây không phải là nơi vĩnh cửu để con người lột vỏ mà sống trăm ngàn muôn triệu tuổi. Và nếu hiểu rằng sự tu hành chân chính sẽ đưa con người ấy đến chỗ chí thiện chí mỹ, dầu người ấy ở lãnh vực xã hội thế gian hay trong lãnh vực xã hội đạo đức cũng đều được thế nhân mến yêu kính nể trọng dụng đức độ hiền nhân quân tử.
Nếu có tu sẽ được hai điều lợi cho người thế gian.

A. NGƯỜI TU HOÀN THIỆN BẢN THÂN LÀM GƯƠNG CHO GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI.
Một là bản thân mình khi còn tại tiền, là một người hiền lương quân tử, đem đức sáng để làm gương cho đời, được tha nhân mến nể, có công xây dựng một xã hội lành mạnh tốt đẹp.
HỌC TẬP:
Giữa thời tao loạn nầy, tất cả người tu hành đều có một bổn phận là cứu thế. Cứu thế đây không phải cầu đến pháp lực siêu mầu, hô phong hoán võ, cũng không cầu đến sự sai thần khiển quỉ, hay khí cụ tối tân.
Cứu thế đây chỉ có một sự duy nhứt, là thực hành chánh đạo. Trong bất cứ tôn giáo nào, người tu cũng phải thực hành chánh đạo, (Chánh đạo là vong kỷ vị tha, người hành chánh đạo các việc làm đều vô công (làm tay mặt, tay trái không biết), vô kỷ (không biết người cho, không biết của cho), vô danh (không để lại dấu vết). gạt bỏ ngay những sự mê tín dị đoan, dứt hết lòng háo kỳ cao vọng. Đấy là được một phần chơn chính trong việc cứu thế.

B. NGƯỜI TU: PHÁT TÂM HÀNH ĐẠO GIÚP ĐỜI
Có được cái lợi thứ hai là nhờ khuôn viên mẫu mực đã đặt sẵn cho mình trên bước đường tu, ví như con đường rầy để cầm vững các bánh xe của con tàu hỏa.
Khuôn viên mẫu mực ấy đã khép hành giả vào một nếp sống thuần lương đạo đức. Đó là khuôn mẫu ràng buộc hành giả, dầu muốn dầu không cũng không thể nào làm trái lại khuôn viên mẫu mực ấy, vì uy tín, vì thể diện.
Kết luận cho 3 câu hỏi ấy:
1. Khi con người sanh trưởng tại thế gian, mỗi mỗi người cần phải tu để trở nên con người có đức hạnh, có thánh thiện.
2. Từ chỗ đức hạnh và thánh thiện ấy, con người phát tâm làm mọi việc để giúp đời trong mọi lãnh vực để có công quả âm đức.


C. NGƯỜI TU: NHẬP CẢNH HẰNG SỐNG …
Công quả âm đức được đầy đủ sẽ giải trừ được những nghiệp xấu cũ và xây dựng ngôi phẩm vị Thiêng Liêng ở những kiếp sống hậu lai trong vĩnh cửu bất diệt trường tồn.
Sự tu hành học đạo không phải tìm đâu xa xôi, mà chính từ nội tâm nhơn thân đến ngoại thể.
Ngoại thể là phần hành để hổ trợ phần nội tâm. Nếu tu thân hành đạo mà xa lìa cõi thế gian thì không bao giờ đạt được Đạo.
Đàn cơ vừa qua, Bần Tăng đã đề cập ba chữ “Chánh tinh tiến” để nhắc nhở người tu hành luôn luôn dặn lòng tin tưởng như lúc nào cũng đang đi trên cầu cao ván mỏng gập ghềnh không tay vịn. Phải cố gắng, phải hoan hỉ, phải thiết tha, phải siêng năng, phải sáng suốt hầu tinh tiến mãi trên đường đạo đức để quày lại nguồn xưa.
THI
Kềm tâm năm tháng với ngày giờ,
Chớ để biếng lười chớ lãng lơ,
Trung Đạo là đường ngay thẳng chánh,
Hiểu rồi tinh tiến đạt Thiên thơ.
Giờ này Bần Tăng xin tạm biệt chư đạo hữu để hẹn ngày tái ngộ. Thăng.



_____________________________________

1-Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-02 Giáp Dần (07-3-1974).
2-Giáo hội Tiên Thiên Minh Đức, 02-10 Bính Ngũ (13-11-1966).
3-Giáo hội Tiên Thiên Minh Đức, 20-9 Đinh Mùi (23-10-1967).
4-Giáo hội Tiên Thiên Minh Đức, 20-9 Đinh Mùi (23-10-1967).
5-Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-6 Quý Sửu (14-7-1973).
6-Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-8 Tân Dậu (11-9-1981).
7-Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-3 Giáp Dần (07-4-1974).
8-Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-3 Giáp Dần (07-4-1974).
9-Huờn Cung Đàn, 15-5 Ất Tỵ (14-6-1965).
10-Trúc Lâm Thánh Đức Thiền Điện, 07-3 Giáp Dần (30-3-1974).
11-Chơn Lý Đàn, 01-4 nhuần Giáp Dần (22-5-1974).

Ghi chú: các hàng chữ nghiêng là thánh giáo Đư1c Vạn Hạnh Thiền Sư
Cao Triều Thiền Tâm bình giảng Th.giáo Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
Chữ tu / Cao Triều Thiền Tâm bình giảng Th.giáo Đức Vạn Hạnh Thiền Sư

Phổ là rộng khắp cùng thế giới,
Thông là nguồn suối tới muôn phương,
Giáo là dạy nẻo chỉ đường,
Lý là lẽ thật chủ trương thới bình.

Đức Lý Giáo Tông, 20-5 Ất Tỵ, 19-6-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây