Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Đạo Cao Đài là một tôn giáo mới, được Đức Chí Tôn khai sáng vào đầu thế kỷ XX tại ...
-
Vị tiếng Chơn Nhơn thỉnh xuống trần, Đem lời Thánh huấn độ lê dân, Tu hành sớm bỏ điều gian ác, Học Đạo ...
-
Huờn Cung Đàn ,Tý thời 14 rạng Rằm tháng 7 năm Tân Sửu (24.08.61) ( Vía Trung Nguơn ) U hiển huyền ...
-
Nhân sinh thành Phật dễ đâu Tu hành có khổ rồi sau mới thành. Hai câu thơ trong thi truyện về cuộc ...
-
Tưởng niệm ngày qui tiên của Đạo Trưởng Huệ Chơn, ngày 27 tháng 3 Ất Mùi (15/5/2015) mời quí đạo ...
-
Cao Đài nhứt bổn Từ khi con người có mặt trên địa cầu, điều mong muốn đầu tiên là sự sống, ...
-
Trong một kiếp giáng sanh xuống trần gần đây nhứt tại Bạc Liêu, Cửu Nương có tên là CAO THOẠI ...
-
Quan Phổ Thông Giáo Lý. Tuất thời, 14 tháng 8 Đinh Tỵ (26-9-1977) Gác áng tường VÂN gót lãng du, Ngút trầm ...
-
“ . . .Thương thay cho nhơn loại trong thời kỳ mạt kiếp này, cộng nghiệp đến giờ nên dịch ...
-
Sau khi quá mỏi mệt với cuộc sống, lại hoang mang với bao triết thuyết, giáo thuyết, chủ nghĩa... con ...
-
TTO - Jimmy Wales được biết đến nhiều nhất với tư cách là người sáng lập ra Wikipedia. Ông bắt đầu ...
-
TÂM KINH BÁT NHÃ Quán-tự-tại Bồ-tát, hành thâm Bát-nhã Ba-la mật-đa thời chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ...
Đạt Tường
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009
Tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng Thiên Nhãn
I. LỊCH SỬ VIỆC THỜ THIÊN NHÃN:
- Mồng 1 Tết Tân Dậu 1921, quan phủ Ngô Văn Chiêu, sau đàn cơ thiết lập tại Quan Âm Tự (Phú Quốc), khởi sự trường chay và học đạo với Tiên Ông.
- Sau một thời gian, Tiên Ông dạy ông Chiêu suy nghĩ cách thờ. Ông Chiêu chọn chữ Thập nhưng Tiên Ông không đồng ý.
"Tuy Ngài chịu làm đệ tử của Tiên Ông chớ chưa lập bàn thờ để thờ Tiên Ông, vì không biết phải thờ làm sao ? Một bữa kia Tiên Ông dạy Ngài phải tạo ra một dấu hiệu gì riêng để thờ. Ngài bèn chọn chữ Thập. Tiên Ông nói chữ Thập cũng được song đó là dấu hiệu riêng của một nền Đạo đã có rồi. Phải suy nghĩ và tầm cho ra, có Tiên Ông giúp sức. Ngài xin huỡn lại một tuần lễ để có ngày giờ suy nghiệm. Mãn tuần Ngài tầm cũng chưa ra.
Một bữa sớm mai, lối tám giờ, Ngài đương ngồi trên võng phía sau Dinh Quận, bỗng đâu Ngài thấy trước mặt cách xa độ hai thước tây lộ ra một con mắt thiệt lớn, rất tinh thần, chói ngời như mặt trời. Ngài lấy làm sợ hãi hết sức, lấy hai tay đậy mắt lại không dám nhìn nữa. Đâu độ chừng nữa phút đồng hồ, Ngài mở mắt ra thì cũng còn thấy con mắt ấy mà lại càng chói chan hơn nữa. Ngài bèn chấp tay vái rằng: Bạch Tiên Ong, đệ tử biết rõ cái huyền diệu của Tiên Ông rồi. Đệ tử xin Tiên Ông đừng làm vậy đệ tử sợ lắm. Như phải Tiên Ông bảo thờ Thiên Nhãn thì xin cho biến mất tức thì". Vái xong thì con mắt lu lần lần rồi mất.
Như vậy mà Ngài cũng chưa thiệt tin nên chưa tạo Thiên Nhãn mà thờ. Cách vài ngày sau Ngài cũng thấy y như lần trước nữa. Ngài cũng nguyện sẽ tạo Thiên Nhãn mà thờ thì con mắt tự nhiên biến mất." [1] Tiểu sử Đức Ngô, trang 30
- Sau hai lần nhìn thấy Thiên Nhãn hiện ra, ông cầu cơ hỏi cách thờ phượng thì Tiên Ông dạy vẽ con mắt như đã thấy mà thờ và xưng danh là "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát" rồi dạy ông gọi Tiên Ông bằng Thầy mà thôi.
Như vậy thời điểm Đức Ngô lần đầu tiên nhìn thấy Thiên Nhãn là khi nào ?
Trong một đàn cơ tại Cao Đài Hội Thánh, Đức Ngô có dạy:
"Hôm nay chư đệ tử thiết lễ kỷ niệm để nhớ ơn Thầy và thay mặt Thầy mời chư đồng đạo các nơi quy tụ đến mảnh đất nhỏ hẹp nầy để đánh dấu lịch sử ngày Thượng Đế ban biểu hiệu cho Đạo Cao Đài trong kỳ ba ân xa …… Trong những ngày qua chí đến ngày nay, Tiên huynh nhận thấy lòng ưu tư và thiết tha đến ngày kỷ niệm nầy của chư hiền đệ hiền muội từ phái đoàn các nơi đến thành phần cá nhân đã vượt sóng ngàn khơi đến để tưởng nhớ và hân hoan ghi nhận nơi đã phát sinh di tích đạo Cao Đài." [2] Cao Đài Hội Thánh (Dương Đông - Phú Quốc) 14.3 Đinh Mùi (23.4.1967)
Vậy ngày 13 tháng 3 năm Tân Dậu 1921 là thời điểm lần đầu tiên Đức Chí Tôn ban ân cho Ngài Ngô được nhìn thấy biểu tượng thờ kính Thượng Đế trong Kỳ Ba đại ân xá.
- Sau ba năm học đạo, một buổi chiều cuối tháng giêng Giáp Tý (Février 1924) ở mé biển ngoài Dinh Cậu, Đức Ngô được thấy cảnh bồng lai với Thiên Nhãn sổ ngay xuống một hàng có Nhựt Nguyệt Tinh. Đức Đông Phương Chưởng Quản có xác nhận:
"Chí Tôn đã dùng một di tích đầu tiên nơi Dương Đông Phú Quốc và đã truyền giao cho Ngô Văn Chiêu nhận lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn để làm biểu tượng thờ phượng trong đạo Cao Đài từ ấy đến nay." [3] Đức Đông Phương Chưởng Quản, Cơ Quan PTGL 20.2 Quí Sửu (24.03.1973)
II. Ý NGHĨA VIỆC THỜ THIÊN NHÃN:
Thờ Thiên Nhãn là thờ một con mắt trái với các ý nghĩa sau:
1. Người bình dân thường nói "Trời cao có mắt" ý muốn nói Thượng Đế nhìn thấy tất cả mọi hành động, tư tưởng của mỗi người. Như vậy người tín đồ phải dặn lòng luôn thận trọng trong mọi cử chỉ, lời nói, ý nghĩ cho được chơn chánh. Thí dụ:
Bài Kinh Ngọc Hoàng Bửu Cáo có câu:
"Càn Kiện cao minh, Vạn loại thiện ác tất kiến."
Dịch nghĩa: Ngôi Càn mạnh mẽ, cao vợi, sáng tỏ. Việc lành dữ của muôn loài đều thấy rõ.
Bài Kinh Cầu Giải Bệnh có câu:
"Trên Ngọc Đế mắt Thần soi khắp;
Trí công minh sửa phạt phàm gian."
Thánh giáo cũng có dạy:
- Đức Lý Giáo Tông dạy:
"Lưới Trời đất thưa mà chẳng lọt,
Mắt Thần soi không sót mải hào;
Ai người hiểu lý cao sâu
Đừng rằng Tạo hóa cơ cầu trớ trêu." [4] Đức Lý Giáo Tông, Huờn Cung Đàn, 30 rạng mùng 1.8 Nhâm Dần (29.8.1962)
- Và Đức Chí Tôn :
"Sách chép chữ khôi khôi Thiên võng,
Đời ghi câu: lộng lộng lưới giăng;
Nhặt thưa, mau chậm cân phân,
Mựa rằng sơ sót, mắt Thần không sai …
Đời hằng nói: Trời cao có mắt,
Sách thường biên: Thái nhứt vô hình;
Minh mông đồ sộ rộng thinh,
Mà soi xét đủ tình hình thế gian." [5] Đức Chí Tôn, Kinh Tu Chơn Thiệp Quyết tr 02 Thánh tịnh Kiên Giang-Rạch Giá 24.3 Canh Ngũ (22 Avril 1930)
Hàng Thiên ân sứ mạng phải luôn nhớ lời của Đức Chí Tôn:
"Nầy, Thầy nói cho các con biết rằng: Chẳng giờ phút nào mà mắt Thầy không chăm nom gìn giữ các con, Thầy đợi xem cho rõ coi cách các con lập vị mình dường nào." [6] Đức Chí Tôn, Đạo Sử Xây Bàn trang 59, Rằm tháng ba Mậu Thìn (1928)
Như vậy người tín hữu Cao Đài, từ chức sắc cho đến tín đồ phải luôn tâm niệm như lời dạy của Đức Mẹ:
"Họa chữ Tâm trên dòng Thiên Nhãn,
Cho ma vương chẳng dám lăng loàn;
Để con đường thẳng bước sang,
Khỏi ai trì kéo đặng an tinh thần." [7] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Thi văn sưu tập Tây Ninh
Nghĩa là phải ý thức: trong lòng luôn chỉ có một con đường thẳng hướng về Đức Chí Tôn (Thiên Nhãn), lúc nào cũng nghĩ rằng: luôn luôn có Thầy ngự trị bên mình để cố gắng vượt qua những cám dổ của ma vương lục dục thất tình.
2. Thờ Thiên Nhãn mang ý nghĩa Đại Đồng. Bất cứ dân tộc nào cũng có thể hoạ Thiên Nhãn để thờ mà không có sự so sánh khác biệt chủng tộc, màu da … …
3. Số một là số khởi đầu cho tất cả mọi con số. Số một tượng trưng cho Đấng Tạo Hóa, Đấng hóa sanh ra muôn loài vạn vật.
4. Đạo là âm dương, Đức Chí Tôn Thượng Đế là dương, đức Mẹ là âm. Theo hình đồ Bát Quái Tiên Thiên, bên trái là dương. Cho nên thờ con mắt trái là ý muốn nói đến Đức Thượng Đế.
5. Thiên Nhãn là biểu tượng nhắc nhở tình "yêu thương": dưới ánh mắt của Đấng Tạo Hóa chúng sanh bình đẳng, tất cả đều được thọ nhận ân Trời không phân biệt lành dữ … … Đức Chí Tôn dạy:
"Thầy nhắc lại lời Thầy nói khi xưa: là con nào muốn ăn cơm, Thầy cho cơm; con nào muốn ăn bánh, Thầy cho bánh. Lúc nào Thầy cũng lặng lẽ nhìn các con với luồng Thiên Nhãn đầy nét yêu thương trìu mến." [8] Đức Chí Tôn, Hườn Cung Đàn, Tý thời đêm Rằm tháng 10 Quý Mão (30.11.1963)
6. Thiên Nhãn tượng trưng cho Thần [9] Cửu Trùng Đài tượng trưng cho Tinh, Hiệp Thiên Đài tượng trưng cho Khí.(ở Bát Quái Đài).
- Đức Chí Tôn giải thích sơ về việc thờ Thiên Nhãn như sau:
"Đây Thầy giải sơ về cách thức thờ phượng của Cao Đài Đạo Giáo. Tại sao Thầy lại biểu các con tạo ra "Thánh Nhãn" mà thờ, không dạy thờ hình tượng như các tôn giáo khác ?
Các con phải biết rằng: Trời là Lý, thì Lý ấy rất thông linh bao quát Càn Khôn thế giới. Thầy đâu phải có xác phàm như các con mà tạo hình thể như các con. Nên chi thờ Thiên Nhãn là thờ Thầy. Tại sao Thiên Nhãn là Thầy ?
Thầy có dạy trước:
Nhãn thị chủ Tâm,
Lưỡng quang chủ tể.
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên.
Thiên giả ngã dã.
Nhãn là cửa trái tim của con người. Trái tim ấy là Tạo Hóa, tức là THẦN. Mà Thần là cái lý hư vô. Lý hư vô ấy là Trời vậy ... ...
Hai con mắt các con là nhục nhãn, tức là âm với dương thì cũng như Thái Cực là Thiên Nhãn, còn lưỡng quang là nhựt nguyệt hằng soi sáng khắp Càn khôn." [10] Đại Thừa Chơn Giáo, trang 61
- Như vậy, về phương diện tâm linh, việc thờ Thiên Nhãn có ý nghĩa rất quan trọng với người tín hữu Cao Đài. Người tín đồ sẽ đón nhận được Thần của Đức Chí Tôn ban rải qua Thiên Nhãn mỗi khi cúng hay tịnh tập trung nhìn Thiên Nhãn. Thần đó sẽ kết hợp với Tinh và Khí trong bản thân mỗi người để thành Tam Bửu như lời Thầy dạy:
"Hằng ngày con kiền thiền khẩn nguyện,
Chớ để tâm vọng niệm ý tà;
Tứ thời con rán gần Cha,
Nhìn ngay Thiên Nhãn ắt là Thần gom.
Con hành y là con kết quả,
Tâm được an thì dạ mới yên;
Dứt đi tư lự ưu phiền,
Tâm linh sáng suốt diệu huyền thông tri.
Định Chơn Thần vô vi học Đạo,
Định trí tâm mới thấu chánh đường;
Định được sáng tỏ như gương,
Huệ tâm khai mở thông đường điển quang.
Con đoạt huệ Đạo vàng thông suốt,
Huệ Nhãn rồi thông thuộc mọi điều;
Cũng như đèn sáng nhờ khêu,
Rõ đường Chơn Đạo cao siêu của Thầy." [11] Đức Chí Tôn, Thanh Liên Đàn 14.4 Giáp Thìn (1964)
- Vì thế chúng ta có thể thấy những tín đồ Cao Đài liễu đạo, sau khi đã chí thành thực hiện "cơ phổ độ" hay "tịnh luyện" đều mở được mắt trái.
Với những vị tu "Thiên Đạo", kết quả nầy là ấn chứng cụ thể cho sự đắc Đạo kết tinh tam bửu sau thời gian "tu tánh luyện mạng" cho dù thuộc chi phái nào trong Cao Đài Giáo. Đoạn Thánh giáo sau cho thấy:
"Về đạo pháp, nhị hiền đệ đã được ân huệ tương truyền khẩu khuyết … …
Kỳ đệ tứ, nhị đệ truyền sang phép thâu thần và khai khiếu huyền quang là đem chơn ý vào trong và khai Thiên Nhãn. Vì có câu: "Thầy mở mắt thì con sống, Thầy nhắm mắt thì con chết". Như vậy, khi vận hành điều tức là sẽ thấy linh diệu, nhị đệ nhớ chăng ?" [12] Đức Ngọc Lịch Nguyệt, Thiên Lý Đàn Tý thời 22 rạng 23.5 Bính Ngủ (10.7.1966)
Với người tu phổ độ, chúng ta cũng có thể tìm được những hình ảnh thí dụ cụ thể "được mở mắt trái" như vị Đầu Họ Đạo đầu tiên của Thánh thất Tân Định [13] Địa chỉ 53/112 Trần Khánh Dư Quận 1 – Tân Định - Sài gòn
(Sài gòn), cố Đạo trưởng Giáo Hữu Huỳnh Đích đắc vị Oai Linh Chí Thánh.[14] Trong quyển Trung Thừa Chơn Giáo trang 80 Ngài có tả bài Lập Thân Hành Đạo.
- Trong quá trình thờ cúng, chúng ta phải thường xuyên chăm sóc Thiên Nhãn, nếu vì lý do nào đó bức ảnh Thiên Nhãn đã quá cũ thì phải thay và làm Lễ Thượng Tượng trở lại. Chúng ta đọc đoạn Thánh giáo sau:
"Này chư Thiên mạng hiền đệ. Giờ chuyển linh cơ nơi Vĩnh Minh Quang, Lão nhìn nơi Thiên Bàn thiếu điều nghiêm trang theo khuôn luật Tạo Hóa định vị. Như thế, chư Thiên Mạng liệt vào hàng Thánh Thể, có tường chăng ? Này Thiên Mạng Ban Cai Quản nơi nầy nên nhìn vào Thiên Nhãn định ý bạch to.
Bạch: Xin Ngài tha thứ, đệ tử xin sửa lại.
Cười ... Thiên Nhãn là định vị Thiên Điều. Nhãn thị chủ tâm, nhãn hữu Thần sát thị tâm sanh, nhãn hữu quang sát diệt tâm phàm, nhãn hữu minh khai thông chơn đạo. Nếu Nhãn vô thần như thế, chư hiền đệ muội nơi nầy không tránh khỏi những điều khảo thí. Vậy Lão ban hành nhứt ngoạt phải thay, không nên tồn tại đó hiền.
Thiên Nhãn, Nhãn quang. Dưới tam tinh nhật nguyệt, không xen vào hình thức. Tri tường. Đó là điều cần thiết, nên lưu tâm." [15] Đức Trường Canh Thái Bạch, Đạo Lý 54, trang 41
Từ lúc mới lập Đạo, Thầy đã có dạy:
"Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập "Tam kỳ Phổ độ" nầy duy Thầy cho Thần hiệp Tinh Khí đặng đủ "Tam Bửu" là cơ mầu-nhiệm siêu phàm nhập Thánh. Các con nhớ nói vì cớ nào thờ con mắt Thầy cho chư Đạo Hữu nghe.
Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên Phật từ ngày bị bế Đạo, thì luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên-Đình mỗi phen đánh tản "Thần" không cho hiệp cùng "Tinh Khí". Thầy đến đặng hườn nguyên Chơn Thần cho các con đặng đắc Đạo.
Các con hiểu "Thần cư tại Nhãn". Bố trí cho chư Đạo Hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó." [16] TNHT 1- tb 1964 trang 12, 25.02.1926
III. KẾT LUẬN:
Thờ Thiên Nhãn với mục đích:
1. Nhắc nhở tín đồ dặn lòng "luôn có Thượng Đế soi xét".
"Rán lo bước đạo tu hành,
Trời cao có mắt, rán dành quả công." [17] Đức Lý Giáo Tông, Nam Thành Tt, 01.01.Kỷ Dậu (17.02.1969)
2. Mục tiêu Thế Đạo, Thiên Nhãn gợi ý cho người tín đồ suy nghiệm thực hành Lý Đạo: "Thượng Đế đấng Tạo Hóa: sinh thành, háo sanh bố đức, soi dẫn đường về".
Vậy người tín hữu Cao Đài khi đã được ngọn đuốc Thiên Nhãn soi đường dẫn lối và truyền Thần để có đủ đức tin cũng như được bồi dưỡng cho thân tâm đầy đủ sức mạnh thì cũng phải cố học lấy bài học "yêu thương, háo sanh bố đức" nầy và hành cho rốt ráo trên đường sứ mạng "Phổ độ chúng sanh" nhắm vào thực hiện mục tiêu Thế Đạo hầu có đủ công đức trở lại quê xưa.
"Thiền lòng tu, sau thấu đáo "Mắt Trời"
Tâm định rồi, hồn thông cảm cùng nơi,
Học Đạo Lý gánh độ đời há nệ.
Đạo Lý ấy trên con đường thực tế,
Gấm Đạo xinh nhờ dệt, vẽ thêm hoa;
Thêu bức tranh Đaọ Cứu Thế Kỳ Ba,
Hoa Long mở âu ca Đời, Đạo." [18] Đức Lý Thái Bạch, Đàn Minh Thiện - Thủ Dầu Một 24.11 Quí Tỵ (29.12.1953)
3. Mục tiêu Thiên Đạo. Thiên Nhãn giúp người tín hữu Cao Đài nhận được Thần của Đức Chí Tôn khi chăm chú nhìn Thiên Nhãn trong lúc tụng kinh và người tu luyện định Thần, gom trọn chơn dương hiệp Tinh Khí Thần "tánh mạng song tu" luyện kim đơn hầu trở lại cùng Thầy.
"Tứ thời trẻ ráng gần Cha,
Nhìn ngay Thiên Nhãn thì là Thần gom." [19] Đức Chí Tôn, THHT 1 - bài Giới Định Huệ