Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Vũ trụ bao la thiên hình vạn trạng, trước mắt chúng ta thấy được, là do sự cảm nhận; sự ...


  • Tuy căn trí chúng sanh vô lượng, pháp môn vô lượng; hành giả không nhứt thiết phải khảo sát và ...


  • ĐẠI BI CHÚ / Phatviet.com

    Ý NGHĨA THẦN CHÚ ĐẠI BI Thời Phật còn tại thế, ở núi Bồ đà lặc ca, tại đạo tràng Bảo ...


  • Quan Âm Tự (Phú Quốc) / Nhịp cầu giáo lý

    Phú Quốc là một hải đảo lớn ở miền Nam nước Việt (rộng 567km2, cách Hà Tiên 40km) nằm trong ...


  • Điều thứ hai mươi của Tân Luật có qui định Chức sắc giữ Thánh thất mỗi ngày phải làm tiểu ...


  • . . .Đại Đạo nói đây là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Chính danh hiệu rất hàm súc, rất ...


  • Bài thuyết minh giáo lý của Giáo Sĩ Huệ Ý, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Tháng 3-2007 (Đinh ...


  • Sống tự nhiên / Nhịp cầu giáo lý

    Sống tự nhiên không phải sống xa rời xã hội nhân lọai; không chỉ uống nước lã, thở khí trời ...


  • PHẢN BỔN HOÀN NGUYÊN / Trích quyển Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo

    TỔNG QUAN VỀ CON ĐƯỜNG PHẢN BỔN HOÀN NGUYÊN Trên đường tiến hóa, ý thức PHẢN BỔN HOÀN NGUYÊN đánh dấu sự ...


  • Hệ Từ Thượng-Chương VI viết: Quảng đại phối Thiên Địa, biến thông phối tứ thời, âm dương chi nghĩa phối nhật ...


  • TTO - Jimmy Wales được biết đến nhiều nhất với tư cách là người sáng lập ra Wikipedia. Ông bắt đầu ...


  • Lê Quý Đôn nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 2-8-1726, trong một gia ...


03/08/2015
Giáo sĩ Kim Dung

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 03/08/2015

ĐẤNG TỪ BI QUAN THẾ ÂM

Kỷ niệm ngày thành đạo của Đức Quan thế Âm Bồ Tát
Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo
19-6 Ất Mùi


Bài thuyết đạo của Giáo sĩ Kim Dung


ĐẤNG TỪ BI QUAN THẾ ÂM
__________



“Lòng từ huệ bao la lớn rộng
Đem tình thương sự sống sẻ chia
Trần gian vạn khổ còn kia
Lòng người Bồ Tát đâu lìa chúng sanh”
(Đức Quan Âm)

Nơi cõi thế gian này từ xưa cho đến nay danh xưng “QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT” đã ăn sâu vào lòng chúng sanh, không ai là không biết đến Ngài, vì Ngài nguyện vào tận chốn khổ đau để cứu khổ chúng sanh.
Hôm nay, 19-6 âm lịch, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo thiết lễ kỷ niệm ngày Thành đạo của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, nhân giây phút trang trọng này, đạo muội xin cùng tất cả chư vị lắng lòng đốt nén tâm hương thành kỉnh hướng về Ngài, đồng tưởng niệm chiêm ngưỡng công đức vô lượng của một vị Phật đã thành Đạo từ lâu rồi nhưng có lời đại nguyện ở cõi Ta bà để tầm thinh cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh từ xưa đến nay và mãi mãi.

I. Từ thuở thật xa xưa
Với lòng từ bi sẵn có từ thuở xa xưa khi còn là phàm nhân Ngài đã phát Bồ Đề Tâm và đã lập đại thệ rồi.
Trong Kinh Lăng Nghiêm có ghi lời tự thuật của Đức Quan Âm vô số kiếp về trước, Ngài phát tâm tu hành và chứng đạo như sau:
“Tôi tự nhớ trong vô số kiếp về trước, nhiều như số cát sông Hằng, có Đức Phật ra đời thuyết pháp độ sinh. Khi ấy tôi ở chỗ Đức Phật kia phát tâm Bồ Đề. Ngài dạy tôi nên từ nơi Nghe, nghĩ, tu, chứng nhập Chánh Định và tôi được Đức Phật kia khen tôi khéo tu ngay trong hội ấy.
Ngài thụ ký cho tôi tên là Quan Thế Âm, vì tôi nghe thấu rõ tiếng trong 10 phương đều được đầy đủ nên tên Quan Thế Âm của tôi được vang lừng khắp cả 10 phương thế giới”
Và nơi Kinh Bi Hoa ghi rõ lời tự thuật của Đức Quan Âm phát Bồ đề tâm, đại nguyện khi Ngài còn là một vị Thái tử như sau :
“Ngày xưa vô lượng kiếp về trước, khi còn là phàm nhân có Đức Phật Bảo Tạng ra đời. Bấy giờ Đệ Nhứt Thái Tử của vua Chuyển Luân Chánh Vương phát tâm cúng dường Phật và Tăng trong thời gian 3 tháng.
Rồi Thái Tử bèn ở trước Đức Bảo tạng phát Bồ Đề Tâm và lập đại thệ nguyện rằng: Nếu có thế giới chúng sanh bị khổ não, mà xưng niệm danh hiệu Ta và được Thiên Nhãn ta xem thấy, Thiên Nhĩ nghe thấy. Nếu kẻ ấy chẳng được cứu thoát, Ta thề chẳng thành Phật”.
Ngay khi đó, Phật Bảo Tạng khen ngợi lời hoằng nguyện cứu khổ và Phật liền đặt cho pháp danh là Quan Thế Âm”.

“Nguyện lành Quan sát cõi trần gian
Văng vẳng Âm ba tiếng khổ nàn
Từ trước Bồ đoàn năng tịnh tọa
Nhành dương Tát độ cảnh đời an”.
(Đức Quan Âm)
Hạnh đại từ đại bi của Đức Quan Âm được thể hiện qua 12 lời đại nguyện khi Ngài vừa đắc quả vị Bồ Tát.
Đại ý lời đại nguyện của Đức Quan Âm như sau:

- Nhứt tâm, không gì ngăn ngại khi nghe tiếng kêu cứu liền thị hiện cứu độ không mệt mỏi.
- Hàng phục loài tà ma yêu quái.
- Dùng bình Tịnh thủy và nhành dương liễu rưới tắt lửa phiền não.
- Xem thân mình như chiếc thuyền Phật pháp vớt chúng sanh khỏi cảnh trầm luân.
- Dùng Tràng phan, Bảo cái tiếp dẫn những linh hồn tu hành chứng đắc về cảnh Tây Phương cực lạc.
- Nguyện chúng sanh được Đức A Di Đà thọ ký và sống vĩnh cửu nơi cảnh an vui.
- Nguyện thực hiện đoan trang, nghiêm chánh 12 lời đại nguyện này.

Ngay sau khi chứng quả Bồ Tát, Ngài có đủ uy lực thần thông biến hóa, vì thương xót chúng sanh Ngài luôn ở cõi Ta Bà mà thể hiện tâm nguyện cứu khổ chúng sanh.Vậy 12 lời đại nguyện là sự quyết tâm thực hiện bằng hành động cụ thể, cứu vớt hữu hiệu chúng sanh.
Với thời gian vô tận, Ngài đã chứng tỏ và chứng tỏ thật nhiều khi thị hiện thân nam, lúc thân nữ để cứu độ cho thích hợp.
Nhơn sanh đã ca ngợi Ngài:
“Phép Bồ Tát cao siêu huyền diệu
Quan Thế Âm liệu lượng hóa thân;
Nhành dương quét sạch trược trần
Tịnh bình Cam Lộ giải tan não phiền”.

Với lòng từ bi sẵn có và hạnh nguyện hoằng hóa độ đời, sự hiện diện của Ngài xuyên suốt cả thời gian lẫn không gian trên khắp các nẻo đường, trên từng nổi khổ của nhân sanh. Trong các kinh sách, trong nhiều truyện kể nhân gian, Ngài đã sống trong lòng thành kính của các thiện nam tín nữ đủ mọi thành phần xã hội.
Trên núi Ngũ Đài có đắp tượng Quán Âm bằng một tướng Thầy Tỳ kheo.
Tại Trung Quốc, người ta đắp tượng Ngài với tay xách giỏ cá hoặc bồng con nít, hoặc mặc áo trắng.
Bên Nhật, họ rất cung kính Ngài, có phái họ thờ Ngài với cả ngàn tay gọi là vạn Thủ Quán Âm để chứng tỏ sự thần thông quảng đại của Ngài hiện ra dưới muôn ngàn hình thức.

II. Thời đại ngày nay
• Thời Tam Kỳ Phổ Độ cũng không vắng bóng Ngài.
Ngài đứng trong hàng Tam Trấn Oai Nghiêm cùng với Đức Lý Đại Tiên Trưởng Thái Bạch Kim Tinh và Đức Quan Thánh Đế Quân.
Tam Trấn Oai Nghiêm đại diện cho Tam Giáo Đạo Tổ (ba vị Giáo Tổ lập ba nền tôn giáo lớn là: Phật (Đức Thích Ca) – Tiên (Đức Thái Thượng) – Thánh (Đức Khổng Tử) dạy Đạo cho chúng sanh).
Người tín đồ Cao Đài thường niệm danh hiệu Ngài như sau:
“Nam mô Vạn Ức Tử Kim Thân Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát”.
Kính lạy Đức Phật đã từng trải trăm nghìn kiếp hóa thân, khi nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh liền giải khổ nạn:
“Đã từng vạn ức tử kim thân,
Đại nguyện tầm thinh cứu khổ trần;
Tưởng niệm ví bằng hành chánh niệm,
Vì đời cứu khổ cảnh phong vân”.

Bài:
“Phong vân thế sự khôn lường,
Nên danh Bồ Tát nhờ đường luyện tu.
Từ trong cõi tạm phù du,
Chơn tâm bổn tánh công phu tập rèn.
Bóng đêm soi sáng nhờ đèn
Ao bùn trổ cánh hoa sen đẹp màu.
Dầu cho vạn khổ thiên lao
Trải vô lượng kiếp ra vào thế nhân.
Ở trần mà chẳng nhiễm trần,
Mười hai đại nguyện trải thân độ đời.
* * *
Chứng lòng chư sĩ kỉnh mời,
Nhân danh Tam Trấn để lời nhủ khuyên.
Khắp cùng nam nữ đàn tiền
Tu tâm luyện tánh cho siêng thuở này.
Trường đời còn lắm chông gai,
Lòng người mê ngộ họa tai khó lường.
Người tu có một tình thương,
Trải ra nhơn vật thế trường bao la.
Dầu cho gặp cảnh phong ba
Hạnh tu Bồ Tát vượt qua khổ trần.
Lòng người là bến mê tân
Cũng là Tiên Phật Thánh Thần ai ơi.
Kỉnh thành ghi nhớ mấy lời …..
Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, khi dạy Đạo, Ngài nhắc lại và xác nhận Ngài đã từng vô lượng kiếp và phát tâm đại nguyện từ lâu.
Ngài dạy: “Bần Đạo đây đã trải bao nhiêu kiếp khi thân nam, lúc thân nữ, kiếp giàu, kiếp nghèo, kiếp làm nô lệ, kiếp làm công chúa nhưng mỗi kiếp giữ một tâm hồn giải thoát giác ngộ, không mê muội hồng trần”.
Một lần khác, Ngài lại xác nhận: “Bần Sĩ trải vô lượng kiếp vào ra cõi thế với mọi hình thức, mọi danh từ để cứu khổ cứu nạn chúng sanh trong vòng hóa sanh, sanh hóa”.
“QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT”
Và 12 Đại nguyện được Ngài xác nhận:
“Khi Bần Đạo còn sanh tiền tiến tu đắc quả, Bồ Tát phát Thập Nhị nguyện cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh, nguyện rằng:
Còn thấy một vật nào còn đau khổ thì Bần Đạo quyết không nhập Niết bàn để hưởng an lạc ích kỷ được”.
Như vậy, dù nơi đâu, dù thời gian nào, thì Ngài vẫn chứng tỏ và chứng tỏ mầu nhiệm linh hiển vô cùng tận.
Tất cả bắt nguồn từ lòng vị tha, xả kỷ, nhân hậu và độ đời.
Ngài dạy: “Nhờ thiện căn nhiều kiếp có công tu, như hiện nay mỗi cá nhân của chư hiền đệ muội đều là một tế bào trong vũ trụ, là Thánh Thể Đức Chí Tôn, không ai tu ích kỷ mà thành Tiên thành Phật để trở về ngôi vị Thiêng Liêng hưởng một mình, mặc dù chúng sanh, nhân loại thế gian khổ đau thế mấy cũng không lòng thương xót, thì ngôi Phật Tiên ấy không có giá trị gì cả”.
Ngoài lòng vị tha, thương người, Ngài dạy chúng ta sống ở đời phải biết đến nguồn gốc của mình và biết tứ ân trọng đại mà báo đáp.
Ngài đã dạy:
“Con người ai cũng biết câu: “Cây có cội, nước có nguồn, có Trời Phật Tổ Tiên, Cha Mẹ, sanh ta ra có anh em, có đồng bào, có đất nước thì con người nhớ gốc mới có sự sống căn bản đạo đức được. Nếu ai tu mà không nhớ nguồn, nhớ gốc là tu vô căn, vô cội vậy”.
“Bởi thế, người tu mang nặng tứ ân, trên hết là ân Trời Phật, Thiêng liêng, khối Đại Linh Quang chiết ra các Tiểu Linh Quang phân phối trong hàng tứ sanh đều có hấp thụ điểm linh quang sáng suốt ấy mới có sự sống. Nên nếu ai sống được theo đạo lý thì tiến hóa rất mau. Trái lại, kẻ nào sống ngược lại với Thiên lý và ngược lại với đạo đức, tất nhiên bị thoái hóa, sa đọa vậy”.
Phần tiếp theo là Ngài xác nhận kiếp chót của Ngài như sau:
“Như Bần Đạo đây, tu để đền đáp phần công ơn Thiêng liêng là nguồn gốc Tiên Thiên mới có tổ tiên, cha mẹ sanh ta ra phải biết tu để đền đáp.
Như kiếp chót của Bần đạo gặp nghịch cảnh, Phụ Vương chưa giác ngộ, đày đọa Bần Đạo truân chuyên lắm lúc trong sự tu hành nhưng nhờ quyết chí có chư Thần hộ trợ giúp đỡ công việc nặng nhọc an toàn.
Đến ngày cuối cùng của Phụ Vương thì Bấn Đạo đắc pháp mầu nhiệm trở về cứu khổ cứu nạn cho song thân, cho chị em đồng bào trong nước”
“Đó có phải chăng người chân tu trước lo nguồn gốc Tiên Thiên, kế tiếp những người kế cận là nguồn gốc Hậu Thiên huynh đệ, đồng bào và giúp phần cho Tổ quốc đất nước thanh bình, đem lại cảnh an lạc cho đồng bào sống theo đạo đức mới xứng đáng là bậc chân tu chánh nghĩa vậy”.
Như vậy, người tu phải có tinh thần vong kỷ vị tha, lo báo đáp tứ ân gồm:
- Ơn Trời Đất
- Ơn Cha mẹ
- Ơn Tổ Quốc
- Ơn Nhân Loại
Bên cạnh đó, phần tu thân, Đức Quan Âm dạy rất kỹ về:
- Các giai đoạn tu
- Phương pháp tu thân
- Kiểm điểm thân tâm
- Tam công
- Cách tụng kinh, ăn chay, thờ cúng
Ngoài chức vị Nhị Trấn Oai Nghiêm, Đức Quan Âm còn là Chủ tịch Hội Đồng Chư Thánh Mẫu Nữ Vương. Ngài cùng chư Phật Nữ, Tiên Nương, Thánh Nữ, Thần Nữ dạy đạo cho nữ phái.
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, nữ phái được Thầy Mẹ nâng đỡ, chỉ dạy, để biết phát huy bản chất tốt đẹp của mình, lại được Thầy Mẹ ban trao sứ mạng để tu tiến kịp Thiên cơ nên được các Đấng đặc biệt chăm sóc, trong đó có Đức Quan Âm thường xuyên dạy Đạo cho nữ phái.
1. Luật Âm Dương
“Chư hiền muội! Kìa hãy nhìn xem trong vũ trụ, Trời thì có Âm Dương, Người có nam có nữ, loài thượng cầm có trống, có mái, loài hạ thú có đực có cái. Xét theo Lý Đạo, không giới nào là trọng, giới nào là khinh. Mỗi mỗi đều có sứ mạng phối ngẫu hóa sinh, trưởng dưỡng và bảo tồn cơ vận hành cùng lòng Háo sanh của vạn vật”.
……………………………………….
“Thử hỏi trong luật hóa sanh, hai cực âm dương nếu thiếu một thì không thành”.

2. Sứ mạng trong cơ sanh hóa

“Đã mang tấm thân của người phụ nữ là đã mang một sứ mạng trọng đại trong cơ hóa sanh, trưởng dưỡng và bảo tồn. Nếu hiểu được lý đó sẽ làm tròn sứ mạng cao cả.
Trái lại, nếu vì ảnh hưởng của mặc cảm, lại phó mặc cho thời gian đưa đẩy Xuân Hạ Thu Đông rồi sẽ trở nên nhi nữ thường tình lẩn quẩn trong bánh xe luân không ngày trở lại”
3. Đặc tính của nữ phái
Một lần khác Đức Quan Âm nhắc nhở thêm về đức tính của nữ phái như sau:
“Chư hiền muội nữ phái có một đức tánh nhu thuận thừa thiên để trưởng dưỡng, bảo tồn vạn vật. Do đó, mà Đức Vô Cực Từ Tôn mới đến thế gian để nhìn nhận các con trong thời kỳ mạt kiếp và Thượng Đế cất nhắc nữ phái lên hàng Giáo Phẩm Thiên Phong để dễ bề tu niệm cho kịp với nam nhân trong cõi đời sàng sảy.
Nữ phái cũng có nhiều đức tính quý giá nên từ xưa đã có nhiều hàng nữ lưu chứng quả Phật Tiên, cũng có những niềm tin không chính đáng thường hay nhẹ dạ non lòng trước lời phỉnh phờ gạt gẫm, giả dối nên bị sai lạc đường lối chánh chơn và không biết nơi quay về ngôi vị cũ”.
Nay Đại Đạo đã được Khai Minh, Việt Nam là dân tộc được chọn, nữ phái cũng được góp phần trong sứ mạng. Đức Quan Âm nhắc nhở:
“Nam phương mở trường thi Đại Đạo
Thánh ân đề hảo hảo Nam bang;
Việt dân tỉnh giấc mộng tràng,
Nữ hùng sánh bước lên đàng quang vinh”.

Nữ phái Đại Đạo vâng lời dạy của Đức Bồ Tát cố gắng tu học thật nhiều để xứng đáng với sứ mạng được ban trao và học gương xưa của Đức Bồ Tát để rèn luyện đức tính cho mình về sự chịu đựng, nhẫn nhục, hy sinh, xả kỷ vị tha, hãy xem mọi người là mình, mình là mọi người.

III. Lời kết
Tóm lại, Đức Quan Thế Âm với hạnh nguyện từ thuở thật xa xưa khi còn là phàm nhân, sau khi vừa đắc quả Bồ Tát với uy lực thần thông mầu nhiệm cứu khổ chúng sanh Ngài phát thập nhị đại nguyện. Cho đến nay thời Tam Kỳ Phổ Độ Ngài xác nhận trước nhân loại 12 lời đại nguyện này.
Ngài nguyện, thân Ngài như chiếc thuyền từ lướt trên biển tục.
Ngài đã thực hiện lời đại nguyện thật nghiêm chỉnh và hiệu lực vô cùng.
Chúng sanh muôn đời học tấm gương vong kỷ vị tha, hy sinh quên mình để cứu người của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm.
Trải một thân mà muôn thân được an vui. Đến đây chúng ta đồng xưng tụng tình thương vô bờ và công đức vô lượng của Ngài.
“Kính lạy Bồ Tát Quan Âm
Viên Thông lừng lẫy tiếng tăm xa gần
Mười hai nguyện lớn vô ngần
Mênh mông biển khổ thổi cơn gió lành
Một lòng độ khắp chúng sanh
Nơi nơi ứng hiện cảm linh khôn cùng”

Kim Dung
(19/6/Ất Mùi – 2015)
Giáo sĩ Kim Dung

Đạt đạo nhờ tâm chẳng vọng tâm,
Muôn đường ngàn nẻo cũng do tâm.
Hỡi ai giữ được tâm chuyên nhứt,
Sẽ dứt phàm tâm lộ thánh tâm.

Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 13-5 Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây