Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
01/12/2014
Ban Biên Tập sưu tầm

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 01/12/2014

THỦY HỎA KÝ TẾ


Quẻ 63 |:|:|: Thủy Hỏa Ký Tế (既濟 jì jì) (Đăng ngày 1/1/2004)

Thủy Hỏa Ký Tế (đồ hình |:|:|:) còn gọi là Ký Tế (既濟 jĩ jĩ), là quẻ thứ 63 của Kinh Dịch. Nội quái là ☲ (|:| 離 lĩ) Ly hay Hỏa (火). Ngoại quái là ☵ (:|: 坎 kản) Khảm hay Nước (水).



Văn Vương viết thoán từ: Ký Tế: Hanh tiểu, lợi trinh. Sơ cát, chung loạn (既濟: 亨小, 利貞. 初吉, 終亂).

Chu Công viết hào từ: Sơ cửu: Duê kỳ luân, nhu kỳ vĩ, vô cữu.
Lục nhị: Phụ táng kỳ phất, vật trục, thất nhật đắc.
Cửu tam: Cao Tôn phạt Quỷ Phương tam niên, khắc chi. Tiểu nhân vật dụng.
Lục tứ: Chu hữu y như, chung nhật giới.
Cửu ngũ: Đông lân sát ngưu, bất như tây lân chi thược tế, thực thụ kỳ phúc.
Thượng lục: Nhu kỳ thủ, lệ.

Giải nghĩa: Hợp dã. Hiện hợp. Gặp nhau, cùng nhau, đã xong, việc xong, hiện thực, ích lợi nhỏ. Hanh tiểu giả chi tượng: việc nhỏ thì thành.

Nguyễn Hiến Lê viết

Quá là hơn, tài đức có chỗ nào hơn người trong một việc gì đó thì làm nên việc ấy, cho nên sau quẻ Tiểu quá tởi quẻ Kí tế. Tế là vượt qua sông, là nên; kí tế là đã vượt qua, đã nên, đã thành.
Thoán từ.
既濟: 亨小, 利貞.初吉, 終亂.
Kí tế: Hanh tiểu, lợi trinh. Sơ cát, chung loạn.
Dịch: đã xong: Hanh thông, nếu làm nốt các việc nhỏ, cố giữ được những việc đã thành rồi thì mới lợi. Mới đầu tốt, cuối cùng thì loạn (nát bét).
Giảng: Trong thoán từ này, hai chữ ‘Hanh tiểu”, Chu Hi ngờ là “tiểu hanh” mới đúng; tiểu hanh nghĩa là việc nhỏ, được hanh thông. Chúng tôi cho cách hiểu của Phan Bội Châu (theo Thoán truyện) là đúng hơn, nên dịch như trên.
Quẻ này trên là nước, dưới là lửa. Lửa có tính bốc lên mà ở dưới nước , nước thì chảy xuống, thế là nước với lửa giao với nhau, giúp nhau mà thành công. Cũng như nồi nước để ở trên bếp lửa, lửa bốc lên mà nước mới nóng, mới sôi được.
Lại xét sáu hào trong 1 : hào dương nào cũng ở vị dương hào âm nào cũng ở vị âm; mà hào nào cũng có ứng viện: 1 dương có 4 âm ứng; 2, âm có 5 dương, ứng; 3, dương , có 6 âm ứng; đâu đó tốt đẹp cả, mọi việc xong xuôi, thế là hanh thông.
Ở vào thời Kí tế, việc lớn đã xong, còn những việc nhỏ cũng phải làm cho xong nữa, thì mới thật là hoàn thành. Hoàn thành rồi lại phải cố giữ được sự nghiệp; nếu không thì chỉ tốt lúc đầu thôi mà rốt cuộc sẽ nát bét. Nghĩa lúc trị phải lo trước tới lúc loạn.
Thoán truyện giảng mới đầu tốt vì hào 2 ở nội quái có đức nhu thuận mà đắc trung; và rốt cuộc sẽ loạn vì ngừng không tiến nữa, không đề phòng nữa (chung chỉ tắc loạn).
Đại Tượng truyện cũng căn dặn phải phòng trước lúc loạn, lúc suy.
Hào từ.
1.
初九: 曳其輪, 濡其尾, 无咎.
Sơ cửu: duê kì luân, nhu kì vĩ, vô cữu.
Dịch: Hào 1, dương: kéo lết bánh xe (chậm lại), làm ướt cái đuôi thì không có lỗi.
Giảng: hào này là dương, có tài, ở trong nội quái Ly (lửa) có tính nóng nảy, lại ở đầu quẻ Kí tế, có chí cầu tiến quá hăng. Nên hào từ khuyên phải thận trọng, thủng thẳng (kéo lết bánh xe lại), chưa qua sông được đâu (như con chồn ướt cái đuôi, không lội được), như vậy mới khỏi có lỗi .
2.
六二: 婦喪其茀, 勿逐, 七日得.
Lục nhị: Phụ táng kỳ phất, vật trục, thất nhật đắc.
Dịch : Hào 2, âm: Như người đàn bà đánh mất cái màn xe, đừng đuổi theo mà lấy lại cứ đợi bảy ngày sẽ được.
Giảng: Hào này ở giữa nội quái Ly, có đức văn minh, trung chính, có thể thực hiện được chí mình. Nó ứng với hào 5 dương cương, trung chính, ở địa vị chí tốn; nhưng ở thời Kí tế, đã xong việc, nên 5 không đoái hoài tới 2, thành thử 2 như người đàn bà có xe để đi. Mà đánh mất cái màn che bốn mặt xe, không đi được. Tuy nhiên vì 2 trung chính mà đạo trung, chính không bị bỏ lâu bao giờ, nên đừng mất công theo đuổi, cứ đợi rồi tự nhiên sẽ được như ý.
3.
九三: 高宗伐鬼方三年,克之.小人勿用.
Cửu tam: Cao tôn phạt quỉ Phương tam niên, khắc chi. Tiểu nhân vật dụng.
Dịch : Hào 3, dương: Vua Cao Tôn đánh nước Quỉ Phương, ba năm mới được, đừng dùng kẻ tiểu nhân.
Giảng: Hào này là dương ở vị dương, nên quá cương cường, hoá ra khinh suất, phải thận trong như vua Cao Tôn, tức Vũ đinh (1324-1264) nhà Ân, khi đánh một rợ nhỏ là quỉ Phương mà cũng mất ba năm mới được.
Đừng dùng kẻ tiểu nhân là lời khuyên chung, chứ không phải chỉ khuyên riêng hào 3 này.
4.
六四: 繻有衣袽, 終日戒.
Lục tứ: chu hữu y như, chung nhật giới.
Dịch : Hào 4, âm: Thuyền bị nước vào, có giẻ để bít lỗ, phải răn sợ suốt ngày.
Giảng: Đã bắt đầu lên ngoại quái Khảm, nguy hiểm, phải phòng bị cẩn thận, như người ngồi chiếc thuyền bị nước vào, phải có giẻ để bít lỗ. Hào này âm nhu, ở vị âm, đắc chính, là người thận trọng biết lo sợ.
5.
九五: 東鄰殺牛, 不如西鄰之禴祭, 實受其福.
Cửu ngũ: Đông lân sát ngưu, bất như tây lân chi thược tế, thực thụ kì phúc.
Dịch: Hào 5, dương: Hàng xóm bên đông mổ bò (làm tế lễ lớn) mà thực tế không hưởng được phúc bằng hàng xóm bên tây chỉ tế lễ sơ sài.
Giảng: Hàng xóm bên đông là hào 5, bên tây là hào 2. Cả hai hào đều đắc trung, đắc chính, lòng chí thành ngang nhau; 5 ở địa vị chí tôn làm lễ lớn, nhưng được hưởng phúc thì 2 lại hơn 5, chỉ vì 2 gặp thời hơn; 2 ở vào đoạn đầu Kí tế sức tiến còn mạnh, tương lai còn nhiều; 5 ở vào gần cuối Kí tế, lại ở giữa quẻ Khảm (hiểm), tiến tới mức chót rồi, sắp nguy, thịnh cực thì phải suy.
6.
上六: 濡其首, 厲.
Thượng lục: Nhu kì thủ, lệ.
Dịch: Hào trên cùng, âm: Ướt cái đầu, nguy.
Giảng: tiểu nhân bất tài (hào này là âm) ở thời cuối cùng của Kí tê, lại ở trên hết quẻ khảm, càng nguy nữa, như một người lội qua sông, nước ngập cả đầu.

                                                                                  * *  *
Kí tế vốn là một quẻ tốt, nhưng chỉ ba hào đầu là khá tốt, còn ba hào sau thì càng tiến lên càng xấu: hào 5, kém phúc hào 2, mà hào trên cùng (ướt đầu) so với hào 1 (ướt đuôi) còn xấu hơn nhiều. Vẫn là lời khuyên gặp thời thịnh phải cẩn thận, đề phòng lúc suy./.
                                                                             
Nguồn:
http://tuviphongthuy.name.vn/?url=detail&id=47&que-63-%7C:%7C:%7C:-thuy-hoa-ky-te-(%E6%97%A2%E6%BF%9F-ji-ji)

_______________

GIẢI NGHĨA BỨC TRANH CỔ THỦY HỎA KÝ TẾ


http://www.lydich.com/2013/07/thuy-hoa-ky-te.html

Ánh hào quang của danh lợi vừa làm cho người ta lóa mắt, vừa làm cho đầu óc mụ mẫm, thiếu tỉnh táo, luôn luôn mê muội. Lão Tử cho rằng, hám danh, cầu lợi là đầu mối của tranh chấp nên không tôn sùng bậc hiền tài . . .



Cơn mưa to trút xuống, nhờ ơn trời, con thuyền vẫn qua được sông và cập bến an toàn. Người đón thuyền bên bờ sông đã được giúp đỡ kịp thời để chuyển tiền vàng đi. Hai đứa trẻ dắt nhau đi trong mưa, muốn nói đến sự nương tựa lẫn nhau trong khó khăn hay thuở hàn vi.

Ký tế nghĩa là muôn sự đều thành, sự nghiệp đạt thành tựu, kết quả. Sau những khổ cực gian nan, mọi người được thu hoạch những gì mình đã gieo trồng. Tuy nhiên, sự mãn nguyện sẽ luôn tỷ lệ nghịch với khả năng sáng tạo, cho nên cần có phương pháp vừa ổn định, vừa phát triển sự nghiệp. Ký tế là tượng mặt trăng ở trên mặt trời, ở dưới là hoàng hôn. Tế là vượt qua, Ký tế là đã qua sông, muốn khẳng định mọi việc đã thành công. Thời cổ xưa, hễ mặt trời mọc là người ta làm việc đến hết nắng mới nghỉ, nên thấy hoàng hôn là biết thời điểm kết thúc làm lụng. Nhưng muốn được nghỉ, thì phải hoàn thành được khối lượng công việc, vì thế cần có sự chuyên tâm, chuyên cần thì mới đạt kỹ năng thuần thục.

Cổ học chép, có lần Khổng Tử cùng các học trò đi qua khu rừng, thấy một ông già lưng còng, ngửa cổ dùng cây sào một đầu gắn đất sét để bắt ve trên cành cây cao rất chính xác, hễ dính là được ve. Khổng Tử thán phục hỏi kinh nghiệm, ông lão trả lời: Luyện tập nhiều! Lão tâm an, thân tĩnh như một cây cột. Tay lão cầm sào không run. Tuy trời đất rộng lớn, vạn vật muôn vàn, song lão chỉ chú mục vào bắt ve, không phân tâm sự chú ý. Bởi vậy, đã bắt là được ve. Khổng Tử bèn nói với học trò: Chuyên tâm chú ý, tụ tinh, hội thần chính là điều cụ già muốn nói với thầy trò ta vậy. Ký tế có triệu mục bảng đề danh (xem bảng ghi danh). Màu sắc quẻ này là xanh lơ-đỏ, đưa lại cảm nhận về không khí tưng bừng, náo nhiệt, hoạt động tích cực. Những nguyên tắc cần thực hiện khi đã hoàn thành sự nghiệp là:

1. Đánh giá, nhận định bất kỳ sự việc hiện tượng nào cũng phải nắm rõ nguồn gốc, ý nghĩa. Cần chú ý từ sự kiện nhỏ, nếu không sẽ hỏng việc lớn sau này. Lão Tử nói: Làm việc khó bắt đầu từ chỗ dễ; làm việc lớn bắt đầu từ chỗ nhỏ; việc khó trong đời, khởi từ chỗ dễ; việc lớn trong đời, khởi từ chỗ nhỏ. Sách Lã Thị Xuân Thu chép chuyện nước Sở có một vùng đất sát biên giới nước Ngô gọi là Tị Lương. Con gái hai nước thường hái dâu, nuôi tằm, vui đùa cùng nhau. Một lần trong lúc trêu chọc nhau, cô gái nước Ngô làm cô gái nước Sở bị thương. Người Tị Lương đưa cô gái bị thương sang trách mấy người nước Ngô, người Ngô phản ứng lại bất lịch sự, một người nước Sở xô xát rồi giết chết một người Ngô. Người dân Ngô bèn kéo sang Tị Lương giết sạch cả nhà người Sở ấy. Quan đại phu Tị Lương tức giận dẫn quân tấn công người Ngô, giết sạch già trẻ lớn bé vùng biên ấy. Vua Ngô biết tin, nổi giận dẫn quân chiếm vùng đất Tị Lương của Sở, san thành bình địa rồi rút quân về. Hai nước từ đó liên tục nổ ra chiến tranh liên miên.

2. Không bao giờ nên kê cao gối, ngủ quên trong chiến thắng. Trong lúc hưởng thụ cũng phải tính đến những việc tiếp theo sẽ xảy ra. Nếu không nghĩ xa thì tinh thần sẽ thoái hóa, không còn phản xạ đối phó với sự kiện bất ngờ nữa. Thời Chiến quốc, có lần vua Tấn đem một nửa số nhạc sự, nhạc cụ mà nước Trịnh gửi biếu, tặng cho Ngụy Giáng và nói: Ngươi đã giúp ta hòa hợp với kẻ địch nhằm ổn định các nước Trung Nguyên. Trong 8 năm có đến 9 lần triệu tập các nước chư hầu, quan hệ của ta với các nước cũng hài hòa như âm nhạc vậy. Nay, ta và ngươi cùng hưởng các lễ vật được biếu. Nhưng Ngụy Giáng từ chối và nói: Hòa bình với kẻ địch là hạnh phúc của nước ta. Trong 8 năm, các nước chư hầu đều không có ý xấu cũng là cái uy của bệ hạ và công lao của mọi người. Nhưng thần mong bệ hạ trong khi tận hưởng niềm vui, nên nhớ câu trong sách Thượng Thư: Lúc yên ổn cần nghĩ đến lúc nguy nan. Biết suy nghĩ như vậy, thì ta sẽ có sự chuẩn bị, chuẩn bị rồi sẽ không có mầm họa.

3. Tiếp theo sự thành công bao giờ cũng sinh bệnh phóng túng kiêu ngạo. Bệnh nhẹ, thì chỉ thích làm tùy hứng, nhìn lên chứ không nhìn xuống, coi người như rác. Bệnh nặng hơn, thì ham muốn vô độ, xa hoa hưởng lạc triền miên. Sử chép, Hán Cao Tổ Lưu Bang sau khi lên ngôi hoàng đế, trở nên vô cùng kiêu ngạo, thích gì làm nấy, không cần nghe ý kiến của ai cả. Có lần thấy mệt, Lưu Bang truyền chỉ cấm mọi người vào gặp mình. Qua mấy ngày, công việc triều chính bề bộn, không thể giải quyết được. Tướng quân Phàn Khoái, cũng là một công thần nóng tính, bực mình xông bừa vào cung, cao giọng nói: Nghĩ lại khi ông dấy binh ở huyện Bái, khí khái anh hùng là vậy! Nay thiên hạ đã định, sao ông yếu đuối như vậy. Nếu vin vào mệt mỏi, giam mình trong thâm cung, không cùng các quan trọng thần bàn đại sự quốc gia, thì sao không nghĩ đến chuyện năm xưa nhân Tần Thủy Hoàng bệnh nặng, hoạn quan Triệu Cao làm giả chúc thư, giết hại Thái tử và trung thần, gây rối loạn thiên hạ? Lưu Bang nghe xong, giật mình ngồi dậy, lập tức lên triều.

4. Sau thắng lợi, nội bộ cần phải giữ gìn ổn định, thì mới có thể bảo vệ và phát huy thành quả đã có. Như vậy, cần có những người tham mưu, cố vấn chính trực, nói thẳng nói thật, không vòng vo né tránh, lấy lòng nhau. Sử chép, sau khi lên ngôi, Ngụy Văn Hầu có lần ngồi uống rượu cùng quần thần, tự nhiên cao hứng hỏi ai có đánh giá gì về nhà vua thì cứ nói. Bá quan văn võ trong triều ra sức tâng bốc, tuôn ra những lời mỹ miều khiến Ngụy Hầu rất sung sướng. Nhưng có một đại thần là Nhậm Tọa lại có ý kiến khác: Bệ hạ cũng có những hành vi không hợp đạo. Như việc lúc đầu bệ hạ và mọi người đều cho rằng, Hoàng Thúc có công lớn nhất, xứng đáng cai quản đất Trung Sơn. Nhưng sau đó, vì tình cốt nhục mà bệ hạ lại bổ nhiệm công tử. Nể tình riêng là việc cần hết sức tránh trong chính trị. Ngụy Hầu nghe xong biến sắc mặt, im lặng. Nhậm Tọa thấy vậy bèn cáo lui. Đại thần Trác Hoàng nói thêm: Hiện nay chính là lúc để suy xét xem bệ hạ có là bậc minh quân hay không. Nếu những điều mà Nhậm Tọa nói là thực, thì bệ hạ định làm gì bây giờ? Ngụy Hầu đáp: Xin các vị hãy ra ngoài tìm Nhậm Tọa vào, ta cần phải cảm ơn ông ấy!

5. Việc tốt đến chưa thể nói trước là đã xong, đã hoàn toàn yên tâm, vì bao giờ trong phúc cũng ẩn sẵn mối họa. Trong tốt có xấu, trong xấu có tốt. Chuyện của Hoài Nam Tử kể rằng: Có một ông lão nhà gần biên ải, nuôi con ngựa, tự nhiên nó bỏ sang nước Hung Nô mất. Mọi người chia buồn thì ông bảo, mất ngựa có khi hay. Mấy tháng sau, con ngựa về lại rủ thêm một con ngựa nữa. Mọi người chia vui thì ông bảo, được ngựa có khi thêm họa. Con trai ông lão thấy ngựa hay bèn tập cưỡi, chẳng may ngã què chân. Mọi người lại chia buồn, thì ông lão bảo què chân có khi lại phúc. Năm sau, Hung Nô sang xâm lược, nhà vua bắt lính. Mọi nhà trong làng cứ 10 trai tráng đi ra trận thì chết 9. Con trai ông lão vì què chân nên được ở nhà bình an.

6. Chuyện Liệt Tử chép, có Dương Chu đi du lịch, đàm đạo về danh với nhà họ Mạnh. Họ Mạnh hỏi: Con người cần danh để làm gì? Dương đáp: Cần danh để phát tài, giàu có. Hỏi: Đã phát tài giàu có rồi, sao phải cần danh? Đáp: Để được cao quý. Hỏi: Đã cao quý rồi sao còn cần danh nữa? Đáp: Để sau khi chết đi, mình được lưu danh muôn đời. Hỏi: Đã chết rồi cần gì đến danh? Đáp: Để cho con cháu đời sau. Hỏi: Danh có thể tạo phúc cho đời sau ư? Đáp: Danh ấy có thể khiến bản thân bị giày vò, tâm trí lo lắng không yên. Hỏi: Người thực sự có danh thì nghèo khó, người cầu danh giả dối thì giàu sang là sao? Đáp: Người chân thực không cầu danh. Người cầu danh không thể chân thực. Danh thật ra chỉ là thứ giả dối. Không biết quan niệm này được tán thành hay phản đối?

Ban Biên Tập sưu tầm
THỦY HỎA KÝ TẾ / Ban Biên Tập sưu tầm



TÍNH KHÔNG / Ban Biên Tập sưu tầm

Các con tuân lịnh của Thầy ban,
Độ thế qua cơn thế khổ nàn,
Đem tiết xuân gieo cùng khắp chốn,
Để đời tận hưởng thú vinh quang.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây