Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
22/05/2011
Christopher K. Germer

Thực tập chánh niệm để hiểu & thương

Chánh niệm có thể chuyển hóa tất cả các mối quan hệ cá nhân. Khi né tránh sự đau khổ, có nghĩa là chúng ta ruồng bỏ những người thân cũng như chính chúng ta. Nhưng khi nhìn vào bất cứ những điều gì nảy sinh bên trong chúng ta một cách chánh niệm và từ ái là chúng ta có thể hiện diện một cách đích thực và sống động với chính mình và với người khác.
Trải nghiệm nhiều năm, tôi đã đi đến kết luận rằng: Con người, về cơ bản, là xung khắc với nhau. Chúng ta là những cá nhân khác biệt, có thời thơ ấu khác nhau, và ở bất kỳ mọi thời điểm nhất định, tư tưởng và cảm xúc của chúng ta chắc chắn không giống với tư tưởng và cảm xúc của bất cứ người nào khác, thậm chí ngay cả những người gần gũi nhất và thân thiết nhất. Chúng ta được tạo ra bởi những khác biệt về cấu trúc gien, điều kiện và hoàn cảnh của cuộc sống, đấy là một sự nhiệm mầu mà chúng ta có được.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chúng ta mong muốn được kết nối với người khác. Ở mức độ sâu sắc thì được kết nối là bản chất của chúng ta - điều mà HT.Thích Nhất Hạnh gọi là tồn tại trong nhau (interbeing). Chúng ta được liên kết một cách chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, sự trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, ở một góc độ nào đó, nó nói với ta điều ngược lại. Chúng ta đau khổ vì những mối bất hòa, những sự va chạm trong các mối quan hệ xã hội. Điều này đặt ra một vấn đề nan giải của cuộc sống: "Làm sao tôi có thể có được tiếng nói chân thực mà vẫn cảm thấy thân thiết với bạn bè và những người thân yêu của tôi? Làm sao tôi có thể thỏa mãn những nhu cầu cá nhân trong sự gò ép của gia đình và nền văn hóa trong xã hội?".
Theo kinh nghiệm của tôi, trong vai trò một nhà trị liệu, tôi nhận thấy rằng điều đau khổ nhất trong các mối quan hệ xuất phát từ việc không có được những sự kết nối với nhau. Không kết nối với nhau là một sự đổ vỡ trong cảm giác về sự phụ thuộc lẫn nhau, như nhà tâm lý học Janet Surrey đã diễn tả về điều này: "Chúng ta" trở thành "tôi" và "bạn". Một vài sự không kết nối thể hiện quá rõ ràng, chẳng hạn như cảm giác của sự phản bội mà chúng ta cảm nhận khi khám phá ra người bạn đời của mình không chung thủy. Những thứ khác có thể khó nhận dạng hơn. Sự không kết nối tinh tế có thể xảy ra, chẳng hạn như nếu một cuộc đàm luận bị cắt ngang bởi có một người đang trả lời điện thoại di động, hoặc là một đầu tóc mới mà không được ai chú ý đến, hoặc là khi một người vợ/chồng ngủ trước, để lại người kia cô đơn trong bóng đêm. Hầu như chắc chắn rằng, sự không kết nối với nhau xuất hiện khi mà hai người tự nhận thấy rằng họ đang nói mãi hoài về mối quan hệ giữa họ và về việc nó đang diễn ra như thế nào.
Đức Phật đã dạy thực tập ‘tâm xả’ khi đối diện với khổ đau. Trong các mối quan hệ, xả có nghĩa là chấp nhận nguy cơ khó tránh khỏi những sự chia lìa khổ đau và sử dụng chúng như là một cơ hội để tìm cách vượt qua những cảm xúc khó chịu. Chúng ta có bản năng tránh những điều không dễ chịu, và điều này thường diễn ra một cách vô thức, chúng ta không ý thức rõ về nó. Khi nhận thấy những điều không dễ thương ở trong tâm - lo sợ, tức giận, ghen ghét, xấu hổ, căm phẫn - chúng ta có xu hướng né tránh chúng và hướng sự chú ý của mình đến những nơi khác. Những sự phủ nhận về điều chúng ta cảm nhận, hoặc là phóng chiếu những nỗi lo sợ, lỗi lầm của mình lên những người khác, chỉ tạo nên một vết rạn nứt giữa chúng ta với những người mà chúng ta muốn được gần gũi mà thôi.
Thực tập chánh niệm, một phương pháp sâu sắc để tiếp xúc với những thời điểm không dễ chịu trong cuộc sống, là một công cụ mạnh mẽ để loại bỏ các chướng ngại và tái lập niềm hạnh phúc trong các mối quan hệ. Chánh niệm bao gồm cả sự tỉnh thức và sự chấp nhận những cảm xúc trong hiện tại. Một số nhà tâm lý học, trong số đó có Tara Brach và Marsha Linehan, đã nói về sự ‘chấp nhận căn nguyên’ để nhấn mạnh khả năng bẩm sinh của chúng ta đối với việc ôm lấy cả những xúc cảm tích cực lẫn tiêu cực. Sự chấp nhận trong trường hợp này không có nghĩa là sự khoan dung, tha thứ cho hành vi lạm dụng. Đúng hơn, sự chấp nhận ở đây có nghĩa là thừa nhận một cách đầy đủ rằng chúng ta đang cảm nhận sự đau đớn nhiều như thế nào tại một thời điểm nhất định, điều này chắc hẳn sẽ dẫn đến sự tăng cường sức mạnh và những thay đổi có tính sáng tạo.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với một nhà tâm lý học, mà cụ thể là một nhà trị liệu bằng liệu pháp hướng đến sự chánh niệm, là việc nhấn mạnh để cho các thân chủ thấy được sự cần thiết phải hướng vào những cảm xúc khó chịu của họ và chú tâm vào chúng một cách trực tiếp thay vì tìm cách né tránh. Nếu chúng ta nhìn vào nỗi đau một cách chánh niệm và từ ái, nỗi đau ấy sẽ thay đổi một cách tự nhiên. Hãy xem điều gì đã xảy ra đối với một đôi vợ chồng mà tôi đã làm việc với họ trong liệu pháp cặp đôi.
[ . . .]
Tất cả chúng ta đều có những sự nhạy cảm riêng - "những nút nóng" - và chúng được kích hoạt trong các mối quan hệ thân thiết. Thực tập chánh niệm giúp cho chúng ta nhận diện chúng và tách chúng ra khỏi những phản ứng theo thói quen của mình, nhờ vậy mà có thể tái lập sự kết nối với người bạn đời. Chúng ta có thể quán sát một cách chánh niệm vào những rắc rối tái diễn với thủ thuật qua bốn bước đơn giản như sau: (1) cảm nhận sự đau khổ do không nối kết, (2) chấp nhận rằng sự đau khổ ấy là tự nhiên và là dấu hiệu rõ ràng của sự không nối kết, cần thiết phải thay đổi, (3) quan sát những vấn đề cá nhân hoặc những niềm tin khởi lên bên trong chúng ta một cách từ ái, (4) tin tưởng rằng một sự phản ứng khéo léo sẽ phát sinh đúng lúc.
Chánh niệm có thể chuyển hóa tất cả các mối quan hệ cá nhân. Khi né tránh sự đau khổ, có nghĩa là chúng ta ruồng bỏ những người thân cũng như chính chúng ta. Nhưng khi nhìn vào bất cứ những điều gì nảy sinh bên trong chúng ta một cách chánh niệm và từ ái là chúng ta có thể hiện diện một cách đích thực và sống động với chính mình và với người khác

Christopher K. Germer - Minh Nguyên dịch theo tạp chí Tricycle
Christopher K. Germer

Cảnh khổ mà lòng vẫn phải vui,
Có vui mới thấy đạo say mùi,
Say mùi đạo hãy xa phàm tục,
Cho lặng lòng trần đắc vị ngôi.

Đức Chí Tôn, Thiên Lý Đàn, 30-10 Mậu Thân, 19-12-1968

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây